Khái Niệm Nhân Vật Và Vai Trò Của Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Chương Hồi


ở chỗ hư cấu như thế nào để không phá vỡ tính logíc của lịch sử mà trái lại làm cho nó thêm rõ nét, thêm sinh động. Người viết tiểu thuyết lịch sử không bắt buộc phải trung thành với lịch sử cả ở những chi tiết nhỏ nhất của nó mà chỉ đòi hỏi họ phải phản ánh trung thành những biến cố của lịch sử và quá trình phát triển khách quan của nó. Tác giả Hà Minh Đức trong cuốn “Nhà văn và tác phẩm văn học” viết: “Có khi nhà nghệ sĩ chỉ cần có một vài khoảnh khắc trong đời sống của nhân vật lịch sử, có khi nghệ sĩ đưa vào tác phẩm những điều phi lịch sử không quan trọng, thậm chí trong chừng mực nào đó, có quyền vi phạm sự đúng đắn về mặt sự kiện lịch sử bởi vì tác giả chỉ cần đúng đắn lý tưởng mà thôi” [19,27].

Với các nhà tiểu thuyết lịch sử, “sự thực” lịch sử không phải là mối quan tâm hàng đầu, cái mà họ quan tâm là làm sao cho các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử vì các nhân vật tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống còn các nhân vật lịch sử thì đã sống. Nhà văn khi xây dựng nhân vật không kể lại các sự kiện lịch sử mà là thi vị hóa những con người đóng vai trò trong các sự kiện đó. Chính vì thế đối với tiểu thuyết, hư cấu đã trở thành yếu tố bộc lộ rõ rệt phẩm chất sáng tạo dồi dào của nhà văn.

Như vậy, đối với một người làm công việc viết văn như Lê Hoan thì việc sáng tạo hư cấu là điều tất yếu. Việt Lam tiểu sửlà một cuốn tiểu thuyết. Tiểu thuyết cho phép nhà văn có quyền hư cấu theo quan điểm, cái nhìn của mình, thậm chí không quá quan tâm tới phản ứng của người đọc trước một vấn đề của lịch sử được đưa ra trong tác phẩm. Viết tác phẩm Việt Lam tiểu sử, Lê Hoan nhằm để minh họa cho ý đồ cá nhân của mình cho nên những yếu tố hư cấu xuất hiện tương đối nhiều trong tác phẩm. Có lẽ vì thế mà nhà sử học Phan Huy Lê đã phải lưu ý người đọc rằng: “Đây là một bộ tiểu thuyết lịch sử về căn bản xây dựng theo hư cấu theo trí tưởng tượng của tác giả” [31,35]. Cũng chính vì trong quá trình xây dựng nhân vật, nhà văn Lê Hoan sử dụng


yếu tố hư cấu và tần số hư cấu tương đối nhiều dẫn đến sự khác biệt nhất định giữa các nhân vật trong tác phẩm Việt Lam tiểu sử với các nhân vật trong lịch sử.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự khác biệt nhất định giữa các nhân vật trong Việt Lam tiểu sử với các nhân vật trong lịch sử là do các nhà sử học xưa thường coi trọng việc kể lại có ngọn ngành có thời gian niên đại, địa điểm, kể cả hành động lời nói của nhân vật. Họ khéo léo sử dụng tài liệu truyền thuyết dân gian, kết hợp với trí tưởng tượng rồi nhận xét đánh giá. Họ thường có sở thích ghi lại các chuyện quái lạ kể cả các chi tiết sinh hoạt. Có thể nói các nhà sử học xưa hình dung cuộc sống cụ thể như một bức tranh sinh động. Họ chính là kiểu nhà khoa học đặc biệt vừa nghiên cứu quy luật vừa nghiên cứu phục chế các sự kiện chi tiết lại vừa miêu tả đánh giá, vừa kết hợp ý thức khoa học khách quan lại rất nghiêm cẩn với ý thức văn nghệ linh hoạt sinh động. Chính vì vậy mà văn học và sử học hình thành mối duyên bền chặt lâu đời. Đó là cội nguồn của tính chất văn sử bất phân. Bởi thế, tác giả Lê Hoan trong quá trình sáng tác văn chương bên cạnh những yếu tố lịch sử được bảo lưu như vốn có trong lịch sử thì yếu tố làm nên một tác phẩm văn chương không gì khác chính là sự hư cấu sáng tạo của nhà văn. Hư cấu là một biểu hiện của ý thức nghệ thuật, đặt trong tình trạng Văn - Sử - Triết bất phân thì việc nhà văn sử dụng yếu tố hư cấu góp phần làm cho chất văn chương trong tác phẩm được thể hiện đậm nét hơn.


Tiểu kết

Nhân vật trong tác phẩm Việt Lam tiểu sử phần nhiều lấy nguyên mẫu từ lịch sử. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng các hình tượng văn học, tác giả Lê Hoan chỉ bảo lưu một số chi tiết quan trọng làm nòng cốt, còn lại cơ bản là những hư cấu do tác giả tưởng tượng sáng tạo ra. Các nhân vật của Lê Hoan trong quá trình miêu tả dù vẫn chưa thoát khỏi những công thức vốn là nguyên tắc sáng tác của văn học trung đại. Nhưng có những nhân vật đã để lại ấn tượng khá sâu sắc trong tâm thức người đọc như Lê Lợi, Nguyễn Trãi,... Với con mắt nhìn đời tư, sự chiêm nghiệm của bản thân về các nhân vật lịch sử, Lê Hoan đã đem đến cho bạn đọc một cách nhìn hoàn toàn mới, sâu sắc hơn, cụ thể hơn về các nhân vật lịch sử. Sử dụng yếu tố hư cấu nghệ thuật để hư cấu những nhân vật có thật trong lịch sử, tác giả muốn trình bày một nhận thức mới về lịch sử, làm cho lịch sử sống lại lung linh hơn. Nhờ thế người đời sau dễ hình dung về lịch sử, dễ hiểu về quá khứ hơn. Tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử đã làm nên sự khác biệt so với chính sử và đặc biệt là sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức của tác giả Lê Hoan về vai trò của văn học nghệ thuật với công việc ghi chép lịch sử thông thường. Đọc tác phẩm Việt Lam tiểu sử, ta vừa thấy những con người trong tác phẩm là những con người của lịch sử nhưng đồng thời ta cũng thấy họ là những con người của cuộc sống thường nhật mà chúng ta đang trải qua. Những nhân vật ấy vừa là những con người có thật trong lịch sử vừa là những hình tượng văn học thực sự là kết quả sáng tạo của nhà văn Lê Hoan.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.


CHƯƠNG BA

Nghệ thuật thể hiện nhận vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan - 10


NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT LAM TIỂU SỬ


3.1. Khái niệm nhân vật và vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết chương hồi

3.1.1. Khái niệm nhân vật

Nhân vật là hình thức phản ánh hiện thực cơ bản nhất của văn học. Có rất nhiều cách định nghĩa nhân vật trong sách lý luận và từ điển văn học. Theo sách Lý luận văn học do Trần Đình Sử (chủ biên) viết: “Nhân vật văn học là con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Văn học không thể thiếu nhân vật bởi vì nó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Nhân vật văn học là phương tiện khái quát tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng” [57,62- 64].

Từ điển thuật ngữ văn học viết: “Con người được miêu tả trong tác phẩm văn học là nhân vật văn học. Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống. Nó có chức năng cơ bản là khái quát tính cách của con người và chức năng này cũng mang tính lịch sử. Nhân vật văn học... thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian mang tính chất quá trình” [23,161- 162].

Theo tác giả Lại Nguyên Ân trong cuốn 150 thuật ngữ văn học viết: “Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất con người có thật ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm


nghệ thuật của nhà văn về con người. Nó có thể được xây dựng dựa trên cơ sở quan niệm ấy” [1,250].

Điểm qua một vài khái niệm trên, chúng ta thấy các nhà lý luận đều thống nhất rằng con người trong tác phẩm văn học chính là nhân vật văn học và nhân vật ấy là đứa con tinh thần của nhà văn để thể hiện quan niệm thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về cuộc đời và con người. Tuy nhiên, các nhà lý luận cũng nhấn mạnh đến tính nghệ thuật, tính ước lệ của nhân vật văn học. Nhân vật văn học không đồng nhất như con người có thật ngoài đời, vì chúng có những đặc trưng nghệ thuật và được thể hiện trong tác phẩm bằng các phương tiện văn học thông qua lăng kính chủ quan của nhà văn, nhưng không vì thế mà chúng kém phần chân thật. Đã là tác phẩm văn học thì không thể thiếu nhân vật văn học bởi vì nó là phương tiện quan trọng nhất của tác phẩm quyết định phần lớn, vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa phương tiện, ngôn ngữ và thậm chí cả kết cấu nữa.

3.1.2. Vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết chương hồi

Trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm, cùng với việc theo dõi diễn tiến của các sự kiện, người đọc thường chú ý đến các nhân vật. Chính nhân vật là yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của câu chuyện được kể. Nhiều khi, người đọc chỉ mải mê theo dõi bước đi của nhân vật, sống cùng cảm xúc của nhân vật như chính mình đang trực tiếp tham gia đời sống của nhân vật. Thực tế đã chứng minh rằng, một tác phẩm văn chương được đánh giá là có giá trị, có chiều sâu, có sức sống lâu bền khi tác phẩm ấy khắc họa rõ nét, chân thực, sinh động hình tượng các nhân vật trong tác phẩm. Văn học không thể thiếu nhân vật. Vì nhân vật là linh hồn của tác phẩm văn học, là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực. Nói cách khác, nhân vật chính là chiếc chìa khóa để bạn đọc có thể giải mã được những vấn đề hiện thực mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Nhân vật trong tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo của


một nhà văn nhất định. Nó là kết quả của quá trình khám phá, chiêm nghiệm, là sản phẩm của sự tổng hợp nhào nặn. Do vậy nó mang dấu ấn của cá nhân sáng tạo ra nó. Đặc biệt đối với thể loại tiểu thuyết chương hồi, nhân vật có vai trò hết sức quan trọng, bởi tiểu thuyết chương hồi là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực ở tất cả mọi giới hạn không gian và thời gian. Vấn đề được phản ánh trong tác phẩm thường là những sự kiện lịch sử mang tầm ảnh hưởng quốc gia, vấn đề hưng vong của cả dân tộc hoặc một triều đại hay những nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong lịch sử đất nước. Để tái hiện bức tranh hiện thực rộng lớn một cách bao quát, sinh động trên cả bề rộng lẫn chiều sâu của nó, thì tiểu thuyết chương hồi không thể không có nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết chương hồi là hạt nhân của mọi sự sáng tạo nghệ thuật, là trọng điểm để nhà văn giải quyết những vấn đề của xã hội. Tìm hiểu nhân vật, người đọc có thể thấy được thái độ của nhà văn đối với tính cách xã hội mà nhà văn miêu tả, đồng thời hiểu được tư tưởng của nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.

3.2. Giới thuyết chung về nghệ thuật thể hiện nhân vật trong tiểu thuyết chương hồi

3.2.1. Vai trò của nghệ thuật thể hiện nhân vật trong tiểu thuyết chương hồi

Mỗi một tác phẩm văn học là một chỉnh thể mà nhân vật là một mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh toàn vẹn đó, bên cạnh những mảnh ghép đề tài, chủ đề, cốt truyện,... Đặc biệt với những tác phẩm văn xuôi tự sự thì nhân vật là một trong hai yếu tố quan trọng tạo nên loại hình tự sự và góp phần tạo nên hơi thở, sức sống cho tác phẩm.

Đối với các nhà tiểu thuyết chương hồi, vấn đề đầu tiên khiến họ quan tâm chính là các nhân vật trong lịch sử. Việc nhà văn làm cho nhân vật hiện lên như thế nào trong tác phẩm là do nghệ thuật thể hiện nhân vật. Nhân vật


trong tác phẩm văn học được thể hiện qua các thủ pháp khác nhau: Có thể là ngoại hình, hành động, có thể là ngôn ngữ, những nét tính cách hoặc có thể được giới thiệu qua ngôn ngữ của người kể chuyện, hay sự cảm nhận của nhân vật khác trong tác phẩm,...

Bởi nhân vật trong tác phẩm là một chỉnh thể vận động, hội tụ đầy đủ các yếu tố của một cá thể sống cho nên một diện mạo đầy đủ phải là sự tổng hợp của tất cả các thủ pháp thể hiện nhân vật. Các phương diện thể hiện nhân vật có thể rất chung nhưng thủ pháp thể hiện nhân vật ở mỗi tác phẩm lại có sự khác nhau. Tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ mà nhân vật là tâm huyết, là ý đồ họ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Chính vì thế, việc lựa chọn những thủ pháp nào phù hợp cho việc thể hiện nhân vật của mình là yếu tố quan trọng, là tiêu chí để đánh giá tài năng sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhà văn.

3.2.2. Nghệ thuật thể hiện nhân vật trong tiểu thuyết chương hồi

Tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam thường tuân thủ những nguyên tắc chung về xây dựng nhân vật trong văn xuôi trung đại. Theo tác giả Trần Đình Sử: “Văn học trung đại là một loại hình văn học, sản phẩm của xã hội xây dựng trên nền tảng các quan hệ phong kiến, văn học trung đại có nhiều thể loại khác nhau và các thể loại cũng biến động qua các thời kỳ của loại hình này. Nhưng nhìn chung con người trong nền văn học này có một số đặc điểm loại hình như sau: Mang dấu ấn đẳng cấp dấu ấn của hệ tư tưởng, tôn giáo, của sáng tác dân gian” [58,54].

Đối với văn học trung đại Việt Nam, nhân vật có những “dấu hiệu” rất riêng, thể hiện rõ đặc điểm của tư duy văn học trung đại lúc bấy giờ. Do ảnh hưởng của quan niệm thiên địa nhân nhất thể có từ cổ xưa, cũng do cuộc sống bắt nguồn từ nền tảng nông nghiệp, người ta quan niệm con người là cá thể của vũ trụ mang dấu ấn của vũ trụ thiên nhiên nên thường lấy thiên nhiên làm


vẻ đẹp chuẩn mực cho con người. Với cái dấu ấn vững bền sâu thẳm của nó, con người thường thấy chân dung của mình trong “dáng liễu”, “dáng mai” trong “mắt phượng, mặt rồng”. Do ảnh hưởng sâu sắc những quan niệm phong kiến, các tác giả tiểu thuyết chương hồi thường xây dựng nhân vật theo bút pháp ước lệ tượng trưng hoặc theo một mô típ có sẵn được quy về những công thức cố định cho từng loại nhân vật trong văn học trung đại. Các dạng nhân vật mà chúng ta thường gặp trong tiểu thuyết chương hồi bao gồm kiểu nhân vật: Trung nghĩa, nhân hòa, nham hiểm, trí tuệ siêu phàm, cương trực, phản bội, kiểu nhân vật tức thời (hoặc tuỳ thời), những minh chúa tôi hiền,... Tuy có nhiều loại nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm nhưng khi miêu tả các nhân vật các tác giả đều phải tuân thủ những nguyên tắc chung đã trở thành khuôn mẫu của nền văn học trung đại.

3.2.3. Một số thủ pháp thể hiện nhân vật trong tiểu thuyết chương hồi

Các tác giả tiểu thuyết chương hồi khi thể hiện nhân vật thường tuân thủ những nguyên tắc chung của nền văn học trung đại. Ngoài tuân thủ những nguyên tắc chung về xây dựng nhân vật trong văn học trung đại còn có những thủ pháp riêng biệt. Có thể khái quát thành một số thủ pháp cơ bản như sau: Miêu tả ngoại hình nhân vật; khắc họa tính cách nhân vật; miêu tả hành động nhân vật; miêu tả tâm lý nhân vật; miêu tả ngôn ngữ; hoàn cảnh nảy sinh và phát triển tính cách nhân vật (xây dựng tình huống),...

Dựa trên các thủ pháp cơ bản này, trong mỗi một tác phẩm các tác giả bằng khả năng nghệ thuật của mình lại khéo léo thể hiện theo những cách thức khác nhau. Mỗi nhà văn dù chịu sự chi phối của những nguyên tắc chung nhưng vẫn có những bản sắc riêng, phong cách riêng khi thể hiện nhân vật của mình.

3.3. Nghệ thuật thể hiện nhân vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử

của Lê Hoan

Xem tất cả 132 trang.

Ngày đăng: 02/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí