Lê Hoan nhuận sắc. Theo Trần Nghĩa: “Từ trước đã có văn bản Việt Lam xuân thu rồi đến năm Mậu Thân (Duy Tân 1908) Lê Hoan đã đưa vào đó để biên tập lại thành “Tân bản” với hi vọng nâng cao về nội dung cũng như nghệ thuật một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử trình bày dưới dạng chương hồi” [26,14].
Gần đây nhất năm 2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na có bài viết “Việt Lam tiểu sử tác giả, tác phẩm, và phương pháp sáng tác” in trong Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam. Trong bài viết, Nguyễn Đăng Na đã đưa ra những căn cứ và lý giải về vấn đề ai là tác giả Việt Lam tiểu sử. Theo Nguyễn Đăng Na, Việt Lam tiểu sử thoát thai từ Hoàng Việt xuân thu. Bởi vậy, muốn biết ai là tác giả phải bắt đầu từ Hoàng Việt xuân thu. Người đầu tiên đề cập tới Hoàng Việt xuân thu có lẽ là Ngô Giáp Đậu - tác giả Hoàng Việt long hưng chí. Ông không chỉ cho biết nội dung Hoàng Việt xuân thu mà còn gợi ý thời điểm ra đời của nó có thể trước Việt Nam quốc chí của Nguyễn Khoa Chiêm. Bởi vì, Việt Nam quốc chí được ra đời năm 1917. Nếu Hoàng Việt xuân thu ra đời trước thì tác phẩm này phải được viết chậm nhất là năm 1719. Điều này hợp với ý kiến của Nguyễn Đông Châu: “Việt Lam xuân thu đã có lâu lắm, không biết đích xác ai làm nhưng có nhiều người tương truyền là của Nguyễn Trãi” [5,1]. Nếu cho rằng Việt Lam xuân thu là của Nguyễn Trãi thì không đúng bởi ông sinh ở thế kỷ XV mà sách ra muộn nhất là thế kỷ XVIII, nhưng khẳng định sách đã có lâu lắm là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, với các minh chứng nói trên, ta mới kết luận được rằng Hoàng Việt xuân thu ra đời chậm nhất là năm 1719. Câu trả lời ai là tác giả vẫn còn đang bỏ ngỏ. Sau Ngô Giáp Đậu là Trần Văn Giáp tuy nhiên Trần Văn Giáp cũng chỉ khảo về Việt Lam tiểu sử. Ông cho biết tác phẩm “tương truyền” là của Vũ Xuân Mai người phường Xuân Yên tỉnh Hà Nội, đậu cử nhân khoa kiến phúc Giáp Thân 1884. Tuy nhiên để lưu ý người đọc về lời truyền đó ông nhấn
mạnh “lời truyền này chưa tìm thấy ghi trong sách nào cả”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na, để kết luận ai là tác giả của Việt Lam tiểu sử chúng ta cần phải có những chân lý xác thực chứ không thể dựa vào những cảm nhận “có lẽ đúng”, những “suy đoán” hay “tương truyền”. Từ đó, Nguyễn Đăng Na cũng đưa ra ba chứng cớ để cho phép ta nghi ngờ một cách khoa học rằng tác giả Việt Lam tiểu sử không ai khác ngoài Lê Hoan.
Thứ nhất, khi viết lời tựa cho Việt Lam tiểu sử tại sao Lê Hoan không công bố tên quyển sách mà ông đã cất công tìm tòi, mãi gần đây mới thấy trong hòm sách của một danh gia? Ông chỉ gọi một cách lấp lửng là “sách ấy”. Trong lời tựa, dù có tới bốn lần Lê Hoan nhắc tới tác phẩm do ông tìm ra nhưng cả bốn lần ông đều dùng hai chữ “thị thư” hoặc “kỳ thư”. Cách nói mập mờ ấy, khiến ta nghĩ rằng cái gọi là “thị thư” hoặc “kỳ thư” là không có thực mà do Lê Hoan bịa ra và đó chính là Việt Lam tiểu sử của ông. Bên cạnh đó, đầu đề bài viết là Việt Lam tiểu sử tự thì “đắc thị thư” là “đắc Việt Lam tiểu sử”. Nhưng tại sao Lê Hoan không nói thẳng ra Việt Lam tiểu sử do ông sáng tác ra? Cũng bởi vì, cuộc đời chính trị của ông còn nhiều khúc mắc. Do vậy, ông phải lấp lửng “mới đây tìm trong hòm sách sử của một nhà có tiếng thấy bộ sách này - bộ sách Việt Lam tiểu sử - nhưng vì lối viết chưa được (mười phần) hoàn toàn khéo léo rõ ràng và hay” nên ông phải “lựa lúc rảnh rỗi sửa chữa lại giao cho thợ đem khắc in”. Vậy bài tựa đã mập mờ cho thấy tác giả của sách là Lê Hoan.
Thứ hai, cũng trong bài tựa có một chi tiết chỉ ra rằng, trong quá trình tạo dựng tác phẩm, Lê Hoan đã sử dụng phương pháp thực địa bằng cách đi khảo sát trực tiếp các di tích của chiến trường xưa. Điều đó khiến ta nghĩ rằng nếu Lê Hoan không phải là tác giả Việt Lam tiểu sử thì chí ít cũng là người giữ vai trò quan trọng trong việc sinh thành ra tác phẩm.
Chứng cứ thứ ba là, căn cứ vào tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm nhân vật Lê Thiện dường như là phát ngôn viên của tác giả. Khi luận bàn về quan hệ với nhà Minh, Lê Thiện nói:
- Ta nên hợp sức với nhà Minh mà diệt họ Hồ để khôi phục nhà Trần, để cai trị một phương cứu cho dân khỏi chịu khổ sở [Hồi 10].
Có thể bạn quan tâm!
- Nghệ thuật thể hiện nhận vật trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan - 2
- Tác Giả, Tác Phẩm Và Vấn Đề Thể Loại Trong Tiểu Thuyết Việt Lam Tiểu Sử.
- Vấn Đề Xác Định Tác Giả Việt Lam Tiểu Sử
- Tiểu Thuyết Việt Lam Tiểu Sử – Tiểu Thuyết Lịch Sử Được Viết Theo Lối Kết Cấu Chương Hồi
- Các Nhân Vật Nguyên Mẫu Trong Tiểu Thuyết Việt Lam Tiểu Sử
- Nhân Vật Nguyễn Trãi Từ Nguyên Mẫu Lịch Sử Đến Hình Tượng Văn Học
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
- Ta quân đơn tướng ít, nước nhỏ dân nghèo, thế mà muốn cầm vài nghìn quân ô hợp để kháng cự với trăm vạn quân hùm beo có khác gì lấy trứng trọi với đá… không gì bằng hiệp với nhà Minh để trừ giặc Hồ khiến cho nước Nam lại về chủ cũ... Nếu nhà Minh có bụng dòm nom cũng còn phải sợ tai tiếng không dám làm [Hồi 12].
Đây cũng chính là tư tưởng của Lê Hoan đã được gửi gắm trong bài tựa: “Thời mà chưa đến thì thuận theo mệnh... thời đến thì dùng người hiền, sử dụng người tài, khiển tướng xuất quân diệt giặc Minh mà yên định nước nhà,…” [26,15]. Tác giả Việt Lam tiểu sử muốn ví mình với Lê Lợi nhận chức tuần kiểm Giao Chỉ của người Minh, giữ chức Kim Ngô đại tướng quân cho Quý Khoáng. Đó là vì thời chưa tới nên phải giả cách nhún nhường. Điều đặc biệt, tư tưởng xuyên suốt Việt Lam tiểu sử rất giống nội dung bức thư của Lê Hoan gửi Đề Kiều mà Tạp chí Xưa và Nay mới đây vừa công bố: “Lúc này chống với quân pháp phỏng có ích gì, vì họ mạnh hơn. Chúng ta hãy làm như đã từ bỏ sự nghiệp của người nước Nam, mà chỉ thân thiện với Pháp thôi. Chúng ta phải kiên trì rồi một ngày kia chúng ta sẽ tập hợp chống lại chúng và tống chúng ra biển. Thời cơ lúc này chưa đến. Tốt hơn hết là hãy ru ngủ chúng bằng tình bạn giả vờ của chúng ta” [50,29].
Sự nhất quán giữa Việt Lam tiểu sử, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm và bức thư gửi cho Đề Kiều khiến chúng ta không thể không nghĩ rằng tác giả Việt Lam tiểu sử chính là Lê Hoan.
3. Vấn đề thể loại trong tiểu thuyết Việt Lam tiểu sử
3.1. Khái niệm tiểu thuyết chương hồi
Theo Từ điển văn học, tiểu thuyết chương hồi là: “Thuật ngữ chỉ một dạng thức tiểu thuyết trường thiên quan trọng trong văn học cổ điển Trung Quốc và Việt Nam. Tiểu thuyết viết theo dạng này, phân chia tác phẩm thành các hồi khác nhau phát triển từ lối giảng sử thoại bản (kể chuyện lịch sử, thời Tống - Nguyên. Giảng sử thoại bản là hình thức kể chuyện (chủ yếu là truyện lịch sử) được những người kể chuyện trong dân gian (thuyết thoại nhân - người kể chuyện, thuyết thư nhân - người kể sách) các đời kể lại, đối với những câu chuyện có dung lượng lớn, họ không kể xong ngay trong một lần nên buộc phải ngắt thành các phần khác nhau, mỗi phần được đặt một tiêu đề để tóm lại nội dung, đó chính là cơ sở hình thành các hồi và tiêu đề các hồi của tiểu thuyết chương hồi về sau” [24,1732].
3.2. Hoàn cảnh ra đời
Tiểu thuyết chương hồi xuất hiện khá sớm và phát triển mạnh nhất vào khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỉ XIX ở Trung Quốc. Trung Quốc là một nước có nền văn hóa phát triển rực rỡ và lâu đời, một trong những thành tựu vĩ đại của văn hóa Trung Quốc là văn học. Bên cạnh những thành tựu đạt đến trình độ cổ điển, mỗi thể loại gắn với một triều đại, kiểu như Đường thi, Tống từ, người ta không thể không nhắc tới tiểu thuyết chương hồi thời Minh - Thanh, với những tác phẩm như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng,...
Nhận xét về quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết, tác giả Hà Minh Đức cho rằng: “Ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hành trình của tiểu thuyết có những bước phát triển riêng của nó. Ở Trung Quốc, tiểu thuyết xuất hiện sớm, vào thời Ngụy Tấn (thế kỷ III – IV) dưới dạng “chí nhân”, “chí quái”. Sang đời nhà Đường xuất hiện loại tiểu thuyết
“truyền kỳ”, đời Tống xuất hiện thêm tiểu thuyết “thoại bản”... Sang đến đời Minh, văn học Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển rực rỡ của tiểu thuyết với những pho tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng như Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), Thuỷ hử (Thi Nại Am), Tây du ký (Ngô Thừa Ân), Kim bình mai (Tiếu Tiên Sinh). Đến đời Thanh, tiểu thuyết Trung Quốc được bổ sung thêm một số tác phẩm khai thác nội dung số phận đời tư và đạo đức, ví dụ như: Chuyện làng Nho (Ngô Kính Tử), Hồng lâu mộng (Tào Tuyết Cần),...” [20,188].
Chúng ta có thể hình dung con đường hình thành tiểu thuyết chương hồi ở Trung Quốc như sau:
Từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (thế kỷ III - VI), mầm mống của tiểu thuyết đã xuất hiện dưới dạng “chí nhân”, “chí quái”. Chí nhân, chí quái là những câu chuyện về những con người phi phàm, sự tích quái dị. Chí ở đây nghĩa là rất nhiều yếu tố hoang đường (cái kỳ - cái ảo, cái thần kỳ nhưng chưa vượt khỏi cái nhận thức, nó vẫn phản ánh hiện thực; cái quái – các yếu tố kỳ ảo vượt quá ngưỡng đến mức khó tin).
Đến đời Đường (thế kỷ VII - XI), trong xã hội có sự phân hóa, đối lập giai cấp sâu sắc, đô thị bắt đầu phát triển mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thuyết truyền kỳ xuất hiện. Truyền kỳ là những sự tích ly kỳ được lưu truyền qua các thế hệ. Tiểu thuyết truyền kỳ xuất hiện nhằm phản ánh sự thật đời sống, những thói hư tật xấu trong xã hội đồng thời thể hiện những khát vọng bình đẳng của nhân dân.
Sang đến thời kỳ Tống - Nguyên (Thế kỷ XI - XIII). Đây là giai đoạn mà các thoại bản đang bước vào thời kỳ nở rộ. Do điều kiện kinh tế ngày càng cao hàng loạt các đô thị mọc lên. Khi xã hội phát triển đòi hỏi những món ăn tinh thần mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của nhân dân. Từ đó xuất hiện tờng lớp người nghệ nhân, nghệ sỹ đảm nhiệm vai trò kể chuyện cho tầng lớp
thị dân. Những câu chuyện được bắt đầu từ những bản thoại (nguyên là bản đề cương mà người kể dựa vào đó để kể cho độc giả nghe). Thoại bản là những câu chuyện sống thực, hình thành từ lối kể chuyện của những người bình dân ở nông thôn và thành thị khi qua môi trường diễn xướng, nó trở thành một loại hình văn học thu hút được đông đảo lớp độc giả. Thoại bản có nhiều loại trong đó phổ biến là thoại bản giảng sử (tức là kể chuyện lịch sử). Thoại bản giảng sử thường là trường thiên. Câu chuyện lịch sử dài phải chia làm nhiều đoạn khi kể không chỉ gói gọn trong một đêm mà có thể kéo dài trong nhiều đêm. Chính những bản thoại đó dẫn đến sự ra đời của tiểu thuyết chương hồi thời Minh Thanh.
Cho đến thời Minh Thanh, tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa đã phát triển mạnh mẽ và thực sự khẳng định được vị thế của mình trong nền văn học cổ điển Trung Quốc. Ở thời kỳ này, tiểu thuyết chương hồi tiếp tục kế thừa và phát huy những thoại bản thời Tống Nguyên. Từ những câu chuyện có dung lượng lớn, cốt truyện phải ngắt thành nhiều khúc đến thời kỳ này các tác giả đã liên kết móc xích giữa khúc trước và khúc sau tạo thành những tiểu thuyết chương hồi. Vào khoảng giữa đời Thanh với Nho Lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử và Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc đã phát triển tới đỉnh cao nhất.
Ở Việt Nam, mãi đến gần cuối hành trình trung đại thế kỷ XVIII - XIX nhờ những điều kiện nhất định và sự thúc đẩy của lịch sử, thể loại tiểu thuyết chương hồi mới ra đời. Truyện ngắn lịch sử chính là cơ sở để tiểu thuyết chương hồi Việt Nam ra đời. Giai đoạn đầu (thế kỷ X – XIV), truyện ngắn lịch sử hình thành là nhờ truyền thống tự sự dân gian, tự sự chức năng (hành chính và lễ nghi) và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của nền tiểu thuyết Trung Hoa. Tiểu thuyết Trung Hoa ban đầu được mô phỏng thành các truyện thơ Nôm rồi sau đó khi chữ quốc ngữ ra đời thì có nhiều tác phẩm được dịch sang
tiếng Việt. Mở đầu cho việc du nhập các tác phẩm truyện viết theo kiểu văn ngôn như: Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (thế kỷ XVIII).
Nói về nguồn gốc ra đời của tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tác giả Trần Nghĩa trong cuốn Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam cho rằng: “Nhìn một cách bao quát, tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam ra đời là kết quả của những hối thúc từ bên trong do sự vận động nội tại của bản thân nền học thuật chữ Hán Việt Nam sinh ra, cộng với những kích thích từ bên ngoài do giao lưu văn học đưa lại. Thể hiện rõ nhất là ở các tiểu thuyết chí quái, truyền kỳ và tiểu thuyết xã hội. Xét về nguồn gốc nội tại... tiểu thuyết chương hồi Việt Nam ra đời trước hết liên quan tới kho tàng thần thoại, truyền thuyết và truyện tích Việt Nam,...” [44,17].
Bức tranh lịch sử xã hội Việt Nam từ thế kỷ XV - XVI - XVIII như một thôi thúc nội tại cần được ghi lại. Bước vào thế kỷ XV lịch sử việt Nam có nhiều bước chuyển mới. Sau chiến thắng giặc Minh triều Lê được thiết lập. Cho đến khi vua Thái Tổ, Thánh Tông, Hiến Tông lần lượt qua đời, các vua Uy Mục, Tương Dực ăn chơi xa xỉ, chèn ép muôn dân khiến cho trăm họ oán hận. Lợi dụng lúc rối loạn Mạc Đăng Dung cướp ngôi triều Lê, quyền lực lúc này tập trung hết vào tay họ Mạc. Các vua nhà Mạc cố gắng duy trì chính trị ổn định nhưng vẫn không ổn định, làm nảy sinh những cuộc chia rẽ nội bộ giai cấp phong kiến. Chiến tranh Lê - Mạc kéo dài từ năm 1533 tới năm 1592. Cuối thế kỷ XVI Bình An Vương Trịnh Tùng mâu thuẫn gay gắt với Thái Tổ Nguyễn Hoàng khiến cho đất nước tạo thành cục diện tam phân Mạc - Lê - Nguyễn. Nội chiến Lê - Mạc chưa hoàn toàn dứt hẳn thì chiến tranh Nam - Bắc nổ ra. Trong vòng 150 năm kể từ 1527 – 1677 đất nước chia hai đàng, các tập đoàn thống trị lao vào ăn chơi xa đọa khiến cho lòng dân cả hai miền oán hận.
Những sự kiện lịch sử bão táp đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Với khả năng đặc biệt của mình, văn chương đã tái hiện các sự kiện đó bằng hàng loạt các tác phẩm cụ thể. Trong hai loại hình văn học tự sự được sử dụng chủ yếu trong văn học trung đại lúc đó là chữ Nôm và chữ Hán, thì chữ Nôm về cơ bản không dùng để viết văn. Do đó, loại hình tự sự phải dùng bằng chữ Hán. Và trong loại hình văn xuôi tự sự chữ Hán, không phải ký, truyện ngắn mà chính là tiểu thuyết chương hồi, với quy mô lớn mới có khả năng tái hiện bức tranh lịch sử - xã hội của thời đại. Như vậy, việc Việt Nam tiếp thu thể loại tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa như một nhu cầu tất yếu để thể hiện nội dung mới là phản ánh bức tranh xã hội đầy biến động của dân tộc.
Tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam là mô hình thể loại tiếp thu từ tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Tuy nhiên, các tác giả chữ Hán Việt Nam chỉ vay mượn hình thức thể loại, những nguyên tắc xây dựng nhân vật, sử dụng văn tự chữ Hán để sáng tác. Trong quá trình sáng tác, họ luôn cố gắng chọn lọc những vấn đề có liên quan đến nghệ thuật sáng tạo, nhằm xây dựng một nền tiểu thuyết chương hồi mang đậm đà bản sắc Việt Nam.
3.3. Đặc điểm thể loại
Đặc điểm của tiểu thuyết chương hồi rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, ta có thể rút ra những đặc điểm cơ bản đáng chú ý như sau:
Đặc điểm của thể loại này là sự phân chia cốt truyện thành các hồi, quyển, tiết. Mỗi hồi bao giờ cũng có tiêu đề giới thiệu nội dung chính sẽ được trình bày trong hồi. Cuối mỗi hồi thường có một bài thơ của chính tác giả hay của người đời sau được tác giả trích dẫn lại để đánh giá, bình luận về các sự kiện các nhân vật trong hồi và sau đó thường kết thúc bằng câu kiểu như: “Muốn biết sự việc thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ” hoặc “hồi sau phân giải”. Khi bước sang hồi mới, vấn đề lại được tóm lược bằng một tiêu đề mới. Cách phân chia thành từng hồi và kết thúc theo kiểu hạ hồi phân giải có tác dụng