Tương Tác Thể Loại Trong Văn Học Và Sự Tương Tác Thể Loại Trong Văn Xuôi Việt Nam Từ 1986 Đến Nay - Nhìn Từ Tiểu Thuyết (56 Trang)


các quan hệ cộng đồng giá trị. Từ đó, luận án sử dụng phương pháp loại hình với cả hai chức năng chủ yếu của phương pháp này: vừa nhằm phân loại các loại/thể làm cơ sở cho việc nhận thức sự tương tác thể loại vừa nhằm chứng minh cho sự sinh thành của những tiểu loại, những biến thể mới với những tín hiệu thẩm mĩ mới. Theo đó, phương pháp loại hình được sử dụng nhằm xác định các yếu tố thuộc về nòng cốt bất biến của các loại/thể. Từ cái bất biến để đi đến cái khả biến, từ một tiêu thể để xem xét các biến thể phong phú trong diễn trình tương tác thể loại của văn học giai đoạn này. Bên cạnh đó, nghiên cứu tương tác thể loại là nghiên cứu văn học trong thế động, trong sự tác động qua lại lẫn nhau; do vậy, phương pháp loại hình không thể tách rời phương pháp cấu trúc hệ thống. Trong mục giới thuyết về khái niệm tương tác thể loại, chúng tôi có trình bày một số vấn đề có tính chất phương pháp luận của phương pháp này làm cơ sở cho việc ứng dụng nhất quán trong luận án: quan niệm về hệ thống trong hệ thống, quan niệm về hệ thống mở, quan niệm về một hoặc một vài yếu tố hạt nhân của hệ thống, quan niệm về tính biến đổi của hệ thống. Với những nền tảng đó, phương pháp cấu trúc - hệ thống là cơ sở quan trọng của luận án trong việc nhận thức các kiểu, các chiều, các cấp độ tương tác thể loại. Phương pháp cấu trúc - hệ thống cũng được sử dụng trong suốt luận án nhằm nhận thức về cấu trúc thể loại của một giai đoạn cũng như cấu trúc của từng thể loại văn học. Từ cấu trúc - hệ thống của văn xuôi, luận án đi đến khái quát về cấu trúc - hệ thống những tín hiệu mới của văn xuôi.

Để làm rò vấn đề, tăng tính thuyết phục của các luận điểm quan trọng trong luận án, chúng tôi kết hợp hai phương pháp trên với phương pháp so sánh - đối chiếu. Phương pháp so sánh - đối chiếu chủ yếu được sử dụng ở các phương diện: so sánh đồng đại và so sánh lịch đại.

Luận án cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu lí thuyết nhằm tiếp cận, tìm hiểu, thu thập và xử lí thông tin. Phương pháp nghiên cứu lí thuyết do vậy được sử dụng kết hợp với thao tác xử lí tài liệu như thống kê, phân loại, hệ thống hoá,…


Bên cạnh đó, luận án sử dụng kết hợp một số phương pháp nghiên cứu đặc thù như: phương pháp thi pháp học, phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp,…

5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN‌

- Đề tài đề xuất một góc nhìn mới trong nghiên cứu văn học, góc nhìn tương tác thể loại. Quan trọng hơn, với cấu trúc luận án theo hướng quy nạp để từ việc khảo sát những biểu hiện cụ thể của tương tác thể loại trong tác phẩm đi đến những tín hiệu thẩm mĩ mới như những hiệu ứng trực tiếp từ sự tương tác thể loại; bên cạnh việc đề xuất góc nhìn, luận án đã thực hiện một quy trình tiếp cận vấn đề tương tác thể loại vừa cụ thể vừa khoa học. Quy trình tiếp cận đó không chỉ mở đường cho việc ứng dụng góc nhìn tương tác thể loại để nghiên cứu văn học một thời kì, một giai đoạn mà còn gợi mở hướng nghiên cứu đối với từng tác giả, tác phẩm cụ thể. Từ đóng góp chung đó, luận án có những đóng góp cụ thể sau:

- Qua chương 1 và chương 2, luận án đi sâu nhìn tương tác thể loại từ hai thể loại chủ đạo: chương 1, nhìn từ tiểu thuyết; chương 2, nhìn từ truyện ngắn. Đây là hai thể loại kết tinh thành tựu của văn xuôi giai đoạn này. Do vậy, từ góc nhìn của hai thể loại này, luận án đã khái quát được bức tranh tương tác thể loại với những chiều, những kiểu, những cấp độ tương tác vừa phong phú vừa độc đáo. Với việc chú trọng nghiên cứu từ cấu trúc chỉnh thể đời sống thể loại, bên cạnh những luận điểm khái quát; luận án đã đi sâu phân tích sự kết tinh những tố chất thể loại khác nhau trong từng tác giả, tác phẩm như những minh chứng thuyết phục và khoa học nhất về kết quả của những quan hệ tương tác thể loại.

- Với việc xem xét văn xuôi từ chính những vận động, biến đổi trong cấu trúc thể loại, luận án đi đến những khái quát quan trọng về những tín hiệu mới của văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay. Giới nghiên cứu đã có những công trình khái quát về văn xuôi giai đoạn này nhưng hoàn toàn chưa có công trình nào nhìn một cách hệ thống từ góc nhìn tương tác thể loại. Bằng lối đi riêng đó, luận án đã tìm ra những tín hiệu mới của văn xuôi từ chính bản thể thể loại văn học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.


6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN‌

Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 3

Ngoài phần Mở đầu (15 trang) trình bày những vấn đề chung có tính trường quy: Lí do chọn đề tài, Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, Lịch sử vấn đề, Phương pháp nghiên cứu, Đóng góp mới của luận án; phần Kết luận (6 trang); Tài liệu tham khảo; phần Nội dung chính của luận án gồm 173 trang được cấu trúc thành 03 chương với tên gọi cụ thể như sau:

Chương 1. Tương tác thể loại trong văn học và sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - nhìn từ tiểu thuyết (56 trang)

Chương 2. Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - nhìn từ truyện ngắn (64 trang)

Chương 3. Những tín hiệu mới của văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - nhìn từ sự tương tác thể loại (53 trang)


NỘI DUNG CHƯƠNG 1‌‌‌

TƯƠNG TÁC THỂ LOẠI TRONG VĂN HỌC VÀ SỰ TƯƠNG TÁC THỂ LOẠI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY – NHÌN TỪ‌

TIỂU THUYẾT

1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TƯƠNG TÁC THỂ LOẠI TRONG VĂN HỌC‌

Dưới góc độ triết học, có thể nói: vận động là xu thế tuyệt đối, đứng yên chỉ là trạng thái tương đối, tạm thời. Tương tác và tương tác thể loại trong văn học cũng tất yếu như sự vận động của cuộc sống. Những năm gần đây, người ta bàn nhiều đến khái niệm tương tác, lĩnh vực nào chúng ta cũng bắt gặp khái niệm tương tác: truyền hình tương tác, âm nhạc tương tác, nghệ thuật tương tác, dạy học tương tác,… Tương tác thể loại trong văn học vừa mang đặc điểm chung vừa có những đặc thù riêng.

1.1.1. SỰ TƯƠNG TÁC THỂ LOẠI BẮT NGUỒN TỪ CHÍNH ĐẶC TRƯNG CỦA THỂ LOẠI VĂN HỌC‌

Tương tác thể loại trong văn học không phải là vấn đề quá mới mẻ mà nó bắt nguồn từ chính đặc trưng cơ bản nhất của thể loại văn học.

1.1.1.1. Thể loại văn học được hiểu là một hiện tượng loại hình của sáng tác và giao tiếp văn học, hình thành trên cơ sở sự lặp lại có quy luật của các yếu tố tác phẩm. Trần Đình Sử (Giáo trình Lí luận văn học, Phương Lựu (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1997): "Thể loại thể hiện một giới hạn tiếp xúc với đời sống, một cách tiếp cận, một góc nhìn, một trường quan sát, một quan niệm đời sống, đồng thời cũng là một nguyên tắc xây dựng thế giới nghệ thuật" [220]. Nhiều nhà nghiên cứu cũng thống nhất về khái niệm thể loại như một hình thức chỉnh thể có tính quy luật của loại hình. Nhưng bên cạnh đó, người ta cũng thừa nhận rằng: “Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là tính độc đáo không lặp lại. Sự vận động cuộc sống cũng luôn luôn sản sinh và làm biến động các giới hạn phản ánh, đổi mới các kênh


giao tiếp và làm cho chúng tác động vào nhau, đan bện vào nhau trong các tác phẩm nghệ thuật độc đáo” [220]. Do vậy mà, muốn nhận thức đặc điểm của một thể loại có giá trị, người ta vừa phải có tri thức về các quy luật lặp lại của các thể loại, lại vừa phải biết nhận ra tính độc đáo trong sự vận dụng sáng tạo thể loại của tác giả. Có thể nói, thể loại vừa có các yếu tố ổn định, truyền thống; lại vừa có các yếu tố vận động, đổi mới do sự phát triển văn học và tài năng sáng tạo của nhà văn. Tính hai mặt của một vấn đề nằm sâu trong bản chất thể loại chính là xuất phát điểm của vấn đề tương tác.

Sự phân loại văn học là bước đầu tiên để nhận thức các quy luật thể loại. Các nhà lý luận văn học bậc thầy từ Aristoteles cho đến Boileau đều xuất phát từ ba phương thức phản ánh hiện thực mà phân chia toàn bộ tác phẩm văn học thành 3 loại: tự sự, trữ tình, kịch. Trong quá trình phát triển của đời sống văn học nói chung và đời sống cụ thể của văn học Việt Nam nói riêng đã sản sinh ra các “thể”, các “tiểu loại” phong phú mà những cách phân loại trước đó tỏ ra bất cập, thiếu khả năng bao quát. Trong giáo trình Lí luận văn học [220], Trần Đình Sử đã khắc phục những nhược điểm trên bằng cách chia một cách quy ước thành 5 loại. Ngoài 3 loại theo cách “chia ba”, bổ sung vào 2 loại mới là: kí và văn chính luận. Đó là nấc thang đầu tiên để tiến đến việc phân chia thể hoặc thể loại tác phẩm. Các nhà nghiên cứu thống nhất chia loại ra các “thể” và xem “thể” như là một tiểu loại. Yếu tố ổn định, truyền thống cho ta những tiêu chí để phân biệt cái cốt lòi bất biến của từng loại thể: tác phẩm trữ tình khác tác phẩm tự sự, tiểu thuyết khác truyện ngắn,... Đó là cơ sở đầu tiên của vấn đề tương tác.

Nhưng điều chúng ta lưu tâm hơn là “các yếu tố đổi mới do sự phát triển văn học và tài năng sáng tạo của nhà văn”. Trần Đình Sử khẳng định sự phân chia thể loại rò ràng là “vấn đề có tính thứ hai”, “vấn đề có tính thứ nhất” vẫn là hình thức tồn tại phong phú và độc đáo của chỉnh thể tác phẩm: “Nghệ sĩ lớn thường tiếp thu các truyền thống thể loại khác nhau, tạo ra các hình thức thể loại mới”. Nguyễn Thành Thi nói đến cái “nhìn sang”, sự hút hương nhụy một cách đầy khôn ngoan trong tính chất của tương tác thể loại:


Thực tế đời sống văn học cho thấy mỗi một "nòng cốt" thể loại tồn tại như những mô chuẩn nghệ thuật ít nhiều mang tính quy ước, chỉ có ý nghĩa tương đối, và luôn có khả năng biến đổi. Vì vậy, nhà văn khi sáng tác một thể loại nào đó, một mặt luôn tôn trọng, tuân thủ những mô chuẩn nghệ thuật quy ước, mặt khác – ít hoặc nhiều – luôn có nhu cầu thoát bỏ khỏi những mô chuẩn quy ước ấy, bằng cách “nhìn sang” những thể loại xung quanh, rút tỉa lấy tinh hoa của chúng, tổng hợp kinh nghiệm của hai hay nhiều thể loại, tạo ra những tác phẩm “lệch chuẩn” [357, tr12].

Mỗi nền văn học, qua những thời đại khác nhau hình thành hệ thống thể loại khác nhau và hệ thống đó cũng biến đổi. Vì thế, nhiều nhà lí luận văn học đề xuất: nghiên cứu thể loại phải chú ý đến tính lịch sử, tính thời đại, tính dân tộc và tính biến đổi của nó. Thể loại vừa là “cái trí nhớ siêu cá nhân của nhân loại” nhưng đồng thời lại luôn được tái sinh, đổi mới trong từng giai đoạn phát triển văn học, trong từng thể loại, trong từng tác phẩm cụ thể, cá biệt. Tên gọi thể loại về nguyên tắc chỉ có một nhưng đời sống thể loại thì phong phú, sinh động vô cùng. “Mỗi giai đoạn, mỗi thời kì văn học là một chỉnh thể thẩm mĩ thống nhất trong đó có sự liên kết và tác động lẫn nhau giữa các thể loại” [220]. Đặc điểm văn hóa – xã hội, thị hiếu thẩm mĩ, trình độ nhận thức của mỗi thời đại thay đổi sẽ làm thay đổi hệ thống thể loại và hệ quả là, thay đổi quan hệ tương tác giữa các thể loại trong chỉnh thể ấy.

Trên cơ sở tiếp cận vấn đề thể loại như trên, để thống nhất trong cách dùng thuật ngữ, tiến tên việc gọi tên chính xác và logic các hiện tượng/kiểu/loại/cấp độ tương tác, chúng tôi nêu lên ở đây một số giới thuyết cụ thể. Luận án chọn cách phân chia thể loại thành hai cấp độ. Trên bình diện phương thức phản ánh, luận án sử dụng khái niệm loại/loại hình. Trên bình diện hình thái tác phẩm, luận án sử dụng khái niệm thể loại/thể; trong đó, khái niệm "thể loại" được dùng phổ biến trong nhiều trường hợp, khái niệm "thể" được dùng trong những trường hợp đề cập đến những tiểu loại cụ thể của văn xuôi Việt Nam giai đoạn này.

1.1.1.2. Từ đặc trưng cơ bản là sự vận động, tính biến đổi của thể loại, chúng ta sẽ thấy: tương tác thể loại là vấn đề nằm sâu trong logic của thể loại. Điều này đã


được Kate Hamburger đề cập rất thuyết phục trong chuyên luận Logic học về các thể loại văn học [95]. Đành rằng, mỗi thể loại có những logic riêng: “Sử thi như một truyện kể bằng độc thoại tường thuật về một cốt truyện, nguyên tắc trữ tình như là sự trình bày một trạng thái bằng độc thoại, và kịch như là sự trình bày một cốt truyện bằng đối thoại" (J Petersen),... nhưng nhiều khi chúng lại thâm nhập lẫn nhau, tác động vào nhau. Ví như sự can thiệp của cái tôi ở ngôi thứ nhất vào tiểu thuyết trần thuật ở ngôi thứ ba là “một nụ cười mỉm hài hước, như một trò chơi”. Sự tương tác thể loại nhiều khi sáng tạo nên những thể loại mới cho đời sống văn học. Ballade ở phương Tây là một thể loại được tạo ra do sự thâm nhập lẫn nhau giữa yếu tố trữ tình và yếu tố hư cấu. Goethes đánh giá rất cao thể loại ballade này: “Tập hợp lại trong bài thơ nhỏ nhất ba hình thức tự nhiên đích thực của văn học: sử thi, nghệ thuật trữ tình, kịch” [95, tr.412]. Kate Hamburger cho rằng, việc phân biệt ranh giới giữa các thể loại là nhằm nhận thức về các thể loại quá độ. Thế nhưng, ranh giới ấy là hết sức mềm dẻo và tương đối. Bởi, bà nhấn mạnh rằng: “Việc vạch ra các ranh giới lí luận chặt chẽ cũng sẽ không thích hợp như việc đưa ra các đánh giá khinh suất trong khi nói về các hình thức không thuần túy” [95, tr.417]. Từ quan niệm như vậy, các nhà nghiên cứu nói đến ballade là kẻ tiếm vị về cấu trúc trong không gian trữ tình. Bên cạnh đó, các ông cũng nhận thức giá trị của các truyện kể ở ngôi thứ nhất như một kẻ tiếm vị cấu trúc trong không gian hư cấu. Người ta không thể từ chối với truyện kể ở ngôi thứ nhất các đặc tính văn học tự sự cũng như văn học trữ tình.

1.1.2. TƯƠNG TÁC THỂ LOẠI TRONG "THỜI CỦA TIỂU THUYẾT"‌

Tương tác thể loại xuất phát từ chính đặc trưng của thể loại nhưng mỗi thời đại, mỗi thời kì, mỗi giai đoạn, thậm chí mỗi chặng đường văn học, sự tương tác thể loại diễn ra với những hình thức, những đặc điểm - tính chất, những kiểu dạng riêng,… Do vậy mà vai trò cũng như ý nghĩa của sự tương tác cũng được thể hiện khác nhau. Trong văn học dân gian và cả văn học trung đại, chúng ta nhìn thấy tính tạp chủng, dấu ấn của “hợp chủng quốc thể loại” trong tác phẩm như hệ quả của


“tính nguyên hợp”, “tính bất phân” của văn học. Trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, có một giai đoạn quá độ để những thể loại ngoài rìa được chuyển vào vị trí trung tâm và những thể loại trung tâm trở thành thứ yếu, nhiều tác phẩm có sự “giao thoa thể loại”; tiểu thuyết viết bằng thơ, văn xuôi viết bằng văn biền ngẫu,… là những kiểu tương tác trong những giai đoạn văn học cần có bước chuyển để trưởng thành, hoàn thiện thể loại. Sự “hội ngộ” giữa phóng sự - tiểu thuyết và tiểu thuyết - phóng sự, sự kết hợp giữa trữ tình và tự sự để tạo nên dòng truyện ngắn trữ tình, sự “xâm lăng của thơ vào văn xuôi” những năm 30 của thế kỉ trước... lại là những biểu hiện khác của tương tác thể loại. Văn xuôi Việt Nam từ sau đổi mới tiến thêm một bước nữa trong tính biến đổi đầy sáng tạo ấy.

Do vậy, nghiên cứu sự tương tác thể loại trong văn xuôi, không thể không lưu tâm đến quan điểm của M. Bakhtin. Ông quan tâm đến quan hệ hài hoà giữa các thể loại trong những thời kì tiểu thuyết tồn tại ngoài thềm của cái gọi là "đại văn học"; nhưng ông quan tâm hơn đến "cuộc đấu tranh sâu sắc hơn và mang tính lịch sử hơn giữa các thể loại, sự biến thái và phát triển cái nòng cốt thể loại của văn học" khi tiểu thuyết trở thành thể loại trung tâm của đời sống văn học.

M. Bakhtin đặc biệt đề cao vai trò của tiểu thuyết trong đời sống văn học hiện đại. Nếu thể loại là nhân vật chính của tiến trình văn học thì tiểu thuyết, thêm một lần nữa, lại là nhân vật chính của cấu trúc thể loại văn học hiện đại: tiểu thuyết là “nhân vật chính trong tấn kịch phát triển văn học thời đại mới”. Ông cho rằng, cuộc sống lịch sử của các thể loại khác mà chúng ta đang chứng kiến là cuộc sống của các thể loại đã hoàn bị, với nòng cốt đã đông cứng lại và đã ít uyển chuyển. “Nghiên cứu các thể loại khác tựa hồ như những tử ngữ; nghiên cứu tiểu thuyết giống như nghiên cứu những sinh ngữ, mà lại sinh ngữ trẻ” [27, tr.22].

Trong những thời đại tiểu thuyết tồn tại một cách không chính thức, tất cả các thể loại văn học, ở mức độ nhất định đều bổ sung hài hòa cho nhau, và hệ thống thể loại hiện ra như một chỉnh thể hữu cơ có trật tự. Những thể loại đó có thể giới hạn nhau và bổ sung cho nhau mà vẫn giữ nguyên bản chất loại hình của mình. Đời

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí