Luận án sẽ tiến hành phân tích và đánh giá được thực trạng chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT của 20 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020. Qua đó kết quả đánh giá sẽ cho thấy một thực trạng khá toàn diện về chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT của hệ thống NHTM Việt Nam trong thời gian qua.
Qua kiểm định mô hình nghiên cứu với các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT của các NHTM Việt Nam sẽ phản ánh độ tin cậy cũng như bổ sung và phát triển về mặt phương pháp luận trong đánh giá chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT và đề xuất các giải pháp khả thi cho các NHTM Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0.
Sử dụng dữ liệu thứ cấp để phân tích và đánh giá chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT tại các NHTM Việt Nam. Kết quả cho thấy tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD đối với ngành CNHT cũng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid -19. Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp CNHT có sự giảm sút do các doanh nghiệp CNHT chấm dứt hoạt động và do ảnh hưởng của Covid
-19, do đó thị phần doanh nghiệp CNHT vay vốn tại NHTM có xu hướng giảm xuống.
Dựa vào dữ liệu sơ cấp cho thấy chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT tại các NHTM Việt Nam chịu tác động của các nhân tố từ phía Ngân hàng, phía doanh nghiệp CNHT và các chính sách phát triển CNHT và mức độ tác động của các nhân tố được thể hiện thông qua mô hình hồi quy như sau: Chất lượng tín dụng = 0,026 *Quản lý rủi ro + 0,116 *Chính sách phát triển + 0,136 *Chính sách tín dụng + 0,143 *Năng lực tài chính
+ 0,189 *Phương án kinh doanh + 0,223 *Qui trình tín dụng.
Luận án đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT tại các NHTM Việt Nam. Cụ thể như: Giải pháp về chính sách tín dụng cho phát triển ngành CNHT; Giải pháp về quy trình tín dụng; Giải pháp về nâng cao năng lực quản lý rủi ro tín dụng; Giải pháp nâng cao năng lực tài chính Khách hàng doanh nghiệp CNHT; Giải pháp xây dựng chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm!
- Nâng cao chất lượng tín dụng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - 1
- Nâng cao chất lượng tín dụng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - 2
- Chỉ Tiêu Chất Lượng Tín Dụng Đối Với Ngành Công Nghiệp Hỗ Trợ Tại Các Ngân Hàng Thương Mại
- Nhóm Nhân Tố Thuộc Về Khách Hàng Doanh Nghiệp Công Nghiệp Hỗ Trợ
- Các Nghiên Cứu Về Sự Phát Triển Của Các Ngành Công Nghiệp Hỗ Trợ:
Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.
1.6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Luận án kết hợp các phương pháp nghiên cứu, bao gồm:
- Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống: Đây là phương pháp cơ bản và quan trọng được sử dụng phổ biến trong hầu hết các nghiên cứu xây dựng các đề tài nghiên cứu. Áp dụng trong luận án để nghiên cứu về thực trạng chất lượng tín dụng đối
với ngành CNHT tại NHTM; giúp đánh giá, phân tích những thành tựu, những hạn chế và nguyên nhân.
- Phương pháp điều tra khảo sát: Việc điều tra, khảo sát thực tế giúp tác giả kiểm tra chỉnh lý và bổ sung dữ liệu, đối chiếu và lên danh mục cụ thể từng đối tượng nghiên cứu; đánh giá mức độ tác động các nhóm yếu tố từ ngân hàng, từ khách hàng và nhóm yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT tại ngân hàng thông qua phần mềm SPSS 25 khi sử dụng dữ liệu khảo sát 600 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại 20 NHTM (Phụ lục 04).
- Phương pháp thống kê: Là phương pháp luôn được sử dụng trong quá trình nghiên cứu những vấn đề định lượng, giúp xem xét mối quan hệ chặt chẽ về mặt định tính của các hiện tượng và quá trình; đối chiếu so sánh biến động về tốc độ tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ thu nhập từ lãi.
- Phương pháp so sánh: Phương pháp này để so sánh chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT tại các NHTM trong giai đoạn 2011-2020.
- Phương pháp phân tích các chỉ số: Tác giả sử dụng các chỉ số để đánh giá chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT theo các chỉ tiêu đã nêu ra.
- Phương pháp chuyên gia: Ngoài các phương pháp được đề cập ở trên, phương pháp chuyên gia cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu. Chất lượng tín dụng là một nội dung tổng hợp nhiều chỉ tiêu khác có liên quan. Do vậy, muốn đảm bảo các đánh giá tổng hợp các điều kiện liên quan đến chất lượng tín dụng đòi hỏi cần có sự tham gia của các chuyên gia có am hiểu về ngành tài chính – ngân hàng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp CNHT. (Phụ lục 02 và Phụ lục 03).
1.7. KẾT CẤU CỦA LUẬN ÁN
Nội dung của luận án được trình bày trong 5 chương chính và kèm theo Danh mục các tài liệu tham khảo, Danh mục các phụ lục, Danh mục các bài báo khoa học.
Chương 1: Giới thiệu nghiên cứu
Chương 2: Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu Chương 4: Kết quả nghiên cứu Chương 5: Kết luận và giải pháp
Chương 2
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
2.1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
2.1.1. Khái niệm về công nghiệp hỗ trợ
Cụm từ “Supporting Industry” (công nghiệp hỗ trợ) được trình bày lần đầu tiên trong “Sách trắng về Hợp tác kinh tế năm 1985” của Bộ công thương Nhật Bản - MITI (hiện tại là Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại, METI). Trong tài liệu này, CNHT được dùng để chỉ các doanh nghiệp có đóng góp cho việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp ở các nước Châu Á, hay các công ty sản xuất linh phụ kiện. Năm 1987, MITI tiếp tục giới thiệu về thuật ngữ này với định nghĩa chính thức là các ngành cung cấp những gì cần thiết như nguyên vật liệu thô, linh phụ kiện và hàng hoá, cho các ngành công nghiệp lắp ráp. (MITI, 1985) [94].
Ở Việt Nam, từ năm 2007 trong “Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành CNHT Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến 2020” do Bộ Công thương soạn thảo, CNHT được định nghĩa là hệ thống các nhà sản xuất (sản phẩm) và công nghệ sản xuất có khả năng tích hợp theo chiều ngang, cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng… cho khâu lắp ráp cuối cùng. CNHT được phân chia thành hai mảng chính: mảng phần cứng liên quan đến sản xuất và mảng phần mềm là hệ thống dịch vụ Công nghiệp và marketing. Những nhóm ngành đã được Chính phủ chỉ định ưu tiên phát triển CNHT và được hoạch định kế hoạch phát triển cụ thể, đó là: Điện tử, cơ khí chế tạo, ô tô, dệt may, da giày. (Bộ Công Nghiệp, 2007b), [1].
Trần Văn Thọ (2011) đưa ra khái niệm CNHT là toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm…Và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Nếu kể các sản phẩm tương tự thì phạm vi sẽ rất rộng nhưng nếu thêm một đặc tính nữa sẽ thấy phạm vi rõ ràng hơn: Sản phẩm CNHT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các DNNVV ngành này. (Trần Văn Thọ, 2011) [61].
Đến năm 2011, Việt Nam mới có khái niệm chính thức về CNHT, khái niệm này được nêu trong Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 24/02/2011 của Thủ tướng
Chính Phủ, cụ thể như sau: “CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh từ tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”. (Chính phủ, 2011) [6].
Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả sử dụng khái niệm về CNHT theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính Phủ: “Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”.
2.1.2. Đặc điểm của ngành công nghiệp hỗ trợ
- Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ là tất yếu trong quá trình phân công lao động xã hội.
Theo nghiên cứu của Ohno K (2007), tại các nước phát triển, khi quy mô sản xuất cũng như sự phức tạp hóa của sản phẩm xã hội đạt đến một mức độ nhất định, quá trình phân loại các hoạt động lắp ráp và sản xuất linh kiện thành những công đoạn độc lập sẽ hình thành, chuyên môn hóa sẽ xuất hiện. Quá trình này là tất yếu và gắn liền với sự thay đổi trong phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa này là sự ra đời của các ngành CNHT. Còn tại các nước đang phát triển, với sự đầu tư của các nước phát triển trong ngành Công nghiệp lắp ráp như ô tô, xe máy, điện, điện tử… sẽ kéo theo sự phát triển ngành CNHT . (Ohno K, 2007), [47]
- CNHT là lĩnh vực công nghiệp đa dạng
Ohno K (2007) cho rằng “Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các sản phẩm sản xuất ra ngày càng tinh vi hơn, mỗi sản phẩm lại có vô số các chi tiết hợp thành. Một Doanh nghiệp dù lớn đến mức nào cũng không thể và không nên tự mình sản xuất khép kín một sản phẩm. Lợi thế cạnh tranh và quá trình chuyên môn hóa sản xuất không cho phép làm điều đó. Do vậy, để sản xuất một loại sản phẩm hoàn chỉnh cần sự tham gia của nhiều Doanh nghiệp, nhiều ngành khác nhau. Điều đó dẫn đến CNHT có phạm vi rất rộng, cả về mặt liên kết ngành hay địa lý”. (Ohno K, 2007), [47]
- CNHT góp phần tạo nên “chuỗi giá trị” sản phẩm công nghiệp
Theo Ohno K (2007). Các doanh nghiệp hỗ trợ có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Cứ
9
như vậy, để có hệ thống các ngành CNHT, ngoài việc phải phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, cần có sự phát triển của các ngành CNHT khác nữa. Như vậy, chỉ với một sản phẩm được tạo thành bởi những sản phẩm nhỏ đã tạo chuỗi giá trị kéo dài và mở rộng ra hầu hết các ngành công nghiệp cơ bản và ngành công nghiệp khác. (Ohno K, 2007), [47]
- CNHT là lĩnh vực công nghiệp quan trọng
Ohno K (2007) đưa ra quan điểm về CNHT “Nói đến CNHT người ta thường nghĩ đến các ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên phụ liệu cho các ngành lắp ráp như ô tô, xe máy, điện, điện tử… (ngành được xem là Công nghiệp chính). Chính vì vậy, trên thực tế CNHT thường bị coi là ngành Công nghiệp phụ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không hợp lý. Về mặt lý luận CNHT có thể được hiểu là ngành đối xứng với ngành Công nghiệp lắp ráp, có vai trò như những ngành Công nghiệp khác. Ngành Công nghiệp chính, chỉ có thể phát triển khi ngành CNHT phát triển và ngược lại, khi ngành Công nghiệp chính đã phát triển sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển CNHT”. (Ohno K, 2007), [47]
- CNHT thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp tham gia, nhất là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)
Theo Ohno K (2007), “Một đặc điểm của CNHT là nó thu hút một số lượng doanh nghiệp lớn, với nhiều qui mô khác nhau trong đó có một số lượng lớn các DNNVV. Do tính chất đa cấp và phát triển theo hình cây của hệ thống CNHT, số lượng các doanh nghiệp ở các cấp thấp rất lớn, đa phần là các DNNVV”. (Ohno K, 2007), [47]
2.1.3. Phân loại công nghiệp hỗ trợ
2.1.3.1Phân loại dựa trên ngành sản xuất ra sản phẩm cuối (Hoàng Văn Châu, 2010) [21]
Trong bài nghiên cứu của Hoàng Văn Châu (2010), CNHT là một hệ thống bao trùm chuỗi giá trị sản xuất ra một sản phẩm, một chủng loại sản phẩm cụ thể, CNHT có thể phân thành các ngành phù hợp với các sản phẩm cuối cùng như: Cơ khí, tin học, dệt may… Cách phân loại CNHT dựa trên ngành sản xuất ra sản phẩm cuối được sử dụng khá phổ biến. Ưu điểm của nó là xác định rõ ràng các đối tượng tham gia một hệ thống ngành công nghệ, đóng góp vào chuỗi giá trị để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Khi đã xác định rõ ràng các đối tượng tham gia vào ngành CNHT của từng ngành, thì việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy, cách phân loại này gặp phải khó khăn khi doanh nghiệp CNHT tham gia vào nhiều ngành sản xuất khác nhau thì khó có thể xác định nhà sản xuất này tham gia vào một ngành đơn nhất nào đó. Chính sự giao thoa này làm hạn chế khả năng tiếp cận doanh nghiệp CNHT, kể cả về mặt nghiên cứu và chính sách.
2.1.3.2 Phân loại theo ngành/ công nghệ sản xuất linh phụ kiện (Hoàng Văn Châu, 2010) [21]
Theo Hoàng Văn Châu (2010), phân loại theo ngành/ công nghệ sản xuất linh phụ kiện là cách phân loại căn cứ vào chủng loại sản phẩm doanh nghiệp sản xuất hoặc công nghệ mà Doanh nghiệp đó sử dụng. Với cách tiếp cận phân loại này, có thể phân loại CNHT theo các ngành sản xuất liên quan tới các vật liệu điển hình: Linh kiện nhựa, gia công kim khí, linh kiện…
Nghiên cứu chỉ ra nhược điểm của cách phân loại thứ nhất “Phân loại theo ngành sản xuất ra sản phẩm cuối là không bao trùm hết toàn bộ ngành CNHT, các nhà cung cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất lắp ráp sản phẩm cuối cùng thường là những nhà sản xuất những cụm linh kiện với nhiều chi tiết khác nhau như nhựa, kim loại… Cách phân loại này theo qui trình công nghệ hay gia công nguyên liệu hạn chế khả năng tiếp cận những nhà cung cấp trên.”
Theo Hoàng Văn Châu (2010), theo lịch sử phát triển của thuật ngữ CNHT, có thể nói ngành này là một trong những đối tượng ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của các nước đang phát triển với các nước phát triển, nhất là Nhật Bản. Bản thân khái niệm CNHT cũng từ yêu cầu xây dựng chính sách phát triển liên kết công nghiệp mà ra. Đứng từ góc nhìn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đối tượng các nhà cung cấp mà họ thường nhắm tới là những nhà sản xuất với các công nghệ và sản phẩm cụ thể như rèn, dập, đúc…Việc phân loại CNHT theo công nghệ sản xuất cho phép các Doanh nghiệp mà người lập chính sách tại các nước đang phát triển xác định đúng đối tượng ưu tiên trong chính sách của mình”.
2.2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.2.1. Quan điểm về chất lượng tín dụng và chất lượng tín dụng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ tại các ngân hàng thương mại
2.2.1.1. Quan điểm về tín dụng ngân hàng và chất lượng tín dụng ngân hàng
Tín dụng ngân hàng
Trong chủ đề kinh tế học hiện đại, Tín dụng là mối quan hệ giao dịch giữa hai chủ thể, trong đó một bên chuyển giao tiền hoặc tài sản cho bên kia sử dụng trong một thời gian nhất định, đồng thời bên nhận tiền hoặc tài sản cam kết hoàn trả vốn gốc và lãi cho bên chuyển giao tiền hoặc tài sản vô điều kiện theo thời hạn đã thoả thuận . (Nguyễn Văn Dung, 2009), [30]
Điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 Quy định “cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng thỏa thuận để khách hàng sử dụng một khoản tiền với nguyên tắc có hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác”. (Quốc Hội, 2010), [55]
Chất lượng tín dụng ngân hàng
Lehtinen và Cộng sự (1982) đã mô tả chất lượng dịch vụ bao gồm ba thành phần là chất lượng vật chất (từ môi trường), chất lượng doanh nghiệp (hình ảnh công ty) và chất lượng tương tác (tương tác giữa nhân viên và khách hàng). Nhà nghiên cứu này cũng chia chất lượng dịch vụ thành chất lượng quá trình (được đánh giá bởi người tiêu dùng trong suốt quá trình tiêu dùng dịch vụ) và chất lượng đầu ra (được đánh giá bởi người tiêu dùng sau khi sử dụng dịch vụ) . (Lehtinen và Cộng sự ,1982), [86].
LeBlanc và Cộng sự (1988) cho rằng, “hình ảnh dịch vụ, tổ chức nội bộ, hỗ trợ vật chất của hệ thống sản xuất dịch vụ, tương tác giữa nhân viên và người tiêu dùng và mức độ hài lòng của khách hàng đóng góp vào chất lượng dịch vụ”. (LeBlanc và Cộng sự ,1988), [ 87].
Parasuraman (1988) cho rằng, “chất lượng dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi 5 nhân tố cơ bản: Sự tin cậy (reliability), Sự đáp ứng (responsiveness), Sự đảm bảo (assurance), Sự cảm thông (empathy) và Phương tiện hữu hình (tangibles)”. (Parasuraman ,1988), [101].
Theo tiêu chuẩn ISO 9000-2015, “một tổ chức định hướng vào chất lượng sẽ thúc đẩy văn hóa giúp dẫn đến hành vi, thái độ, hoạt động và quá trình mang lại giá trị thông qua việc đáp ứng nhu cầu và mong đợi của khách hàng và các bên quan tâm khác có liên quan. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ của tổ chức được xác định bằng khả năng thỏa mãn khách hàng và ảnh hưởng mong muốn và không mong muốn tới các bên quan tâm liên
quan. Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ không chỉ bao gồm chức năng và công dụng dự kiến mà còn bao gồm cả giá trị và lợi ích được cảm nhận đối với khách hàng”. (ISO 9000- 2015), [24].
Hiện nay, các NHTM luôn chú trọng đến chất lượng hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là chất lượng tín dụng. Đây là một phạm trù kinh tế phản ánh nhiều đặc tính của tín dụng ngân hàng, thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngân hàng, của khách hàng và phù hợp với sự phát triển KT-XH trong từng giai đoạn nhất định. Có thể tóm tắt chất lượng tín dụng ngân hàng như sau:
- Thứ nhất, Chất lượng tín dụng của NHTM là chỉ tiêu tổng hợp quan trọng phản ánh việc vừa đảm bảo gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng nhưng đồng thời kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy của Nhà nước và của ngân hàng về hoạt động kinh doanh ngân hàng. Qua đó góp phần vào gia tăng tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững của ngân hàng.
- Thứ hai: Chất lượng tín dụng của ngân hàng là thước đo phản ánh mức độ đáp ứng nhu cầu về vốn cho khách hàng và đảm bảo quá trình sử dụng vốn của khách hàng có hiệu quả kinh tế, thu hồi đủ vốn và có lãi.
- Thứ ba: Chất lượng tín dụng còn thể hiện qua vai trò là công cụ góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
2.2.1.2. Quan điểm về chất lượng tín dụng đối với ngành Công nghiệp hỗ trợ tại các ngân hàng thương mại
Từ phân tích về công nghiệp hỗ trợ, phân tích tín dụng và chất lượng tín dụng ở trên, tác giả đưa ra nhóm quan điểm chất lượng tín dụng đối với ngành CNHT tại các ngân hàng như sau:
- Thứ nhất, Chất lượng tín dụng xét từ góc độ ngân hàng:
Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng của ngân hàng chủ yếu là số dư nợ, tỷ lệ nợ xấu, lợi nhuận và tỷ lệ thu nhập từ hoạt động tín dụng. Việc cho vay của ngân hàng phải phù hợp với cơ cấu nguồn vốn huy động để đảm bảo hoạt động cho vay hiệu quả và an toàn trên nguyên tắc hoàn trả vốn, lãi vay đúng hạn trong hợp đồng tín dụng. Nếu hoạt động tín dụng tốt sẽ giúp gia tăng lợi nhuận và nâng cao vị thế ngân hàng trước các đối thủ cạnh tranh.