Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 18

phẩm rất đúng mực: “Ông B.D Ái Mỹ đã say sưa trình bày với bạn đọc tập Phong Lan nhưng không biết độc giả có say sưa đọc không? Phong Lan là một tràng mộng có lẽ không cần lắm” (Tạp chí Tri tân, số 8, tr.6).

Khi đọc cuốn Đại Việt văn học lịch sử (số 5) của Nguyễn Sĩ Đạo, Vũ Văn Lợi đã thuyết phục người đọc bằng những nhận xét rất xác đáng của một người làm nghề nghiêm túc, cẩn trọng và đúng mực. Tác giả chỉ ra những chỗ “thật tóm tắt” của ông Nguyễn Sĩ Đạo khi viết về các danh sĩ như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh (chỉ có 10 dòng) trong khi đó tác giả Đại Việt văn học lịch sử khi phác thảo về Hội Tao đàn thời Lê Thánh Tông lại có những “tóm tắt” quá chi tiết: Từ những việc tỉ mỉ trong gia đình như chuyện vợ con, quan hệ vợ chồng… đến chuyện văn chương thời thế... Từ đó Vũ Văn Lợi đề cập đến phương pháp, cách thức để đạt hiệu quả tối ưu khi viết một cuốn sách về lịch sử văn học. Tác giả ghi nhận công của Nguyễn Sĩ Đạo: “Ông Nguyễn Sĩ Đạo cũng đã có công nêu lên một vấn đề quan trọng đến tiền đồ văn học” đồng thời đặt ra vấn đề thuộc về ý thức, trách nhiệm cũng như nhiệt huyết của người cầm bút, của bậc thức giả đối với những công trình văn học sử có quy mô: “Không thể một người có thể làm nổi cuốn Việt Nam văn học sử cho xứng đáng với cái tên ấy, cũng không phải một ngày có thể làm xong. Tất phải cần có nhiều nhà học giả gom công, góp sức mới mong đạt được đến mục đích như vậy” (Tạp chí Tri tân, số 5, tr.8).

Loại thứ hai là phê bình thể loại: Mỗi tác phẩm gắn với một thể loại, mỗi thể loại lại gắn với sở trường riêng của từng tác giả, vì vậy đã có phê bình tác giả, tác phẩm tất phải có phê bình thể loại. Đương nhiên, khi các nhà nghiên cứu hướng ngòi bút phê bình vào các sáng tác mới thì các thể loại văn học đầy tính thời sự cũng sẽ được đem lên bàn cân để phán xét. Vì vậy các thể loại văn học như Anh hùng ca, tiểu thuyết, tùy bút, thơ, kịch… trở thành mảng phê bình không kém phần sôi nổi.

Vũ Văn Lợi, phê bình về thể loại tùy bút trong bài Tùy bút hay là thi vị cuộc sống (số 10) đã nêu lên cái căn cốt của thể văn này là chất phóng túng, tự do, chủ quan của người cầm bút trước dư vị của cuộc đời.

Khi phê bình về thể Thơ tự do (số 16, 18, 19), Lê Thanh đã đặt ra các giả thuyết, trích dẫn ý kiến, quan niệm về thể thơ này của ông Thái Phỉ, Khái Hưng, phân định với thơ cổ (thơ Đường), thơ văn xuôi để khẳng định: Thơ tự do là duy nhất về âm nhạc, về ý nghĩa, về thị giác mà những thể thơ khác không thể vươn tới. Lối phê bình của Lê Thanh ấn tượng bởi những kiến giải của một nhà nghiên cứu phê bình rất đỗi tài hoa.

Sau đó tác giả phân tích tỉ mỉ vần, luật, chân, điệu của các thể thơ để minh chứng cho kiến giải của mình. Ý kiến đó của Lê Thanh rõ ràng đã vượt ra xa hơn, rộng hơn và sâu hơn với nhận định thông thường về Thơ tự do: “Thơ tự do, không cần số chữ nhất định, không trọng luật bằng trắc, nhiều khi không cần vần nữa, tóm lại một thể thơ làm ra hoàn toàn theo tự do của thi sĩ” (Tạp chí Tri tân, số 16, tr.3).

Hoa Bằng trong bài Phê bình văn học số 28, đã chỉ ra cái gốc của thể loại này qua việc tác giả viện trích quan điểm của các nhà phê bình lý luận phương Tây (Lucien Bulusfeld, La Bruyère, Gustave Lanson…), học giả cũng nhận thấy: “Người mình không phải là không có phê bình. Mà phê bình không phải không chớm nảy từ sớm. Ngay trong những câu phong dao, ta thấy lối phê bình văn học đã phôi thai rồi: Văn hay chẳng lọ đọc dài; Vừa mở đầu bài, đã biết văn hay… rồi những câu hay thì khen, hèn thì chê, văn hành công khí… Thể văn phê bình ấy tuy phác sơ mấy nét mà có ý tứ vô cùng sâu xa, mùi mẽ vô cùng mặn mà đằm thắm! Nó, có thể nói, là thủy tổ của lối phê bình văn học nước ta” (Tạp chí Tri tân, số 28, tr.5). Từ đó, tác giả chỉ ra lối phê bình khoa học của phương Tây mà ta cần tiếp nhận và phát triển. Đồng thời, nhà nghiên cứu cũng nhận rõ đặc tính của thể văn phê bình: Người phê bình văn học phải có chính kiến, quan điểm riêng dù có lúc “độc đoán” hay “định lý”.

Loại thứ ba là phê bình đối thoại: Chủ yếu tập trung ở các bài phỏng vấn trực tiếp nhà văn, qua các giai thoại làng văn, chuyện thơ… như hành trình Phỏng vấn các nhà văn của Lê Thanh (Phỏng vấn Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Trúc Khê, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Đào Duy Anh); Chuyện thơ: Một nữ thi sĩ 11 tuổi của Lê Thanh (số 9), Vì đâu rẽ thuý chia loan của Song Cối (số 10);); Cuộc kỳ ngộ Lan Khai – Zweig: Tội và thương gặp La Peur của Kiều Thanh Quế (số 43); Mấy lời kỷ niệm ông Lê Thanh của Nguyễn Văn Tố (số 142)…; Giai thoại làng văn: Tướng đối với Công (Bảo Vân thuật), câu chuyện vui về lối chơi chữ, đố chữ, ứng khẩu của người xưa, nhất là của các bậc danh nho...

Hội tụ ba đặc điểm chính của phê bình văn học trên Tri tân tập trung ở các bài nghiên cứu của hai cây bút điển hình cho tạp chí là Lê Thanh và Kiều Thanh Quế. Đây là hai gương mặt tiêu biểu nhất cho phê bình văn học ở Tri tân nói riêng và văn học Việt Nam những năm 1940-1945 nói chung.

Lê Thanh là cây bút nghiên cứu phê bình xuất sắc của Tri tân. Đặc điểm nổi bật trong các bài viết của ông thường ngắn gọn, súc tích, đề cập đến vấn đề thời sự văn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

học. Những hiện tượng văn học lớn như phong trào Thơ mới, văn xuôi hiện thực, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không phải là mối quan tâm của nhà nghiên cứu này mà trào lưu, khuynh hướng văn học Phục cổ năm 1940 trở thành mối quan tâm sâu sắc của ông. Bởi ông nhận thức rõ yếu tố thời cuộc (bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa tư tưởng, nhất là tâm lí tiếp nhận của độc giả đương thời) đã tác động mạnh mẽ đến khuynh hướng sáng tác. Đây là thời điểm mà các nhà văn Việt Nam cần tìm về với dân tộc, với truyền thống để khẳng định cội nguồn, gốc gác đồng thời để thức tỉnh tinh thần dân tộc trong người thanh niên trí thức trước cuộc tấn công, giăng bẫy, tung hỏa mù của chính quyền thực dân và phát xít.

Vấn đề mà Lê Thanh rất nhạy cảm, am tường, thích thú là địa hạt văn học ở giai đoạn chuyển giao, quá độ từ văn học kiểu cũ sang văn học kiểu mới: “Đọc những trang Lê Thanh thể hiện về cuộc bàn giao cái hương hỏa tinh thần của lớp thức giả Nho học cuối cùng cho các thế hệ Tây học đầu tiên, người đọc hậu thế như chúng ta hôm nay vẫn có thể thấy rằng, ở riêng một vài phương diện như vậy, Lê Thanh đã cho người ta thấy rõ một điều hệ trọng của văn hóa sử mà thậm chí những cây bút tài hoa như Hoài Thanh, tỉ mỉ như Vũ Ngọc Phan cũng không thể cho thấy rõ đến thế” [164, 8].

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 18

Có thể nhận thấy, nghiên cứu phê bình văn học của Lê Thanh vừa phản ánh tính chất bề bộn, pha tạp của đời sống văn học đương thời; vừa bao quát diện mạo và đặc điểm của nghiên cứu phê bình văn học của riêng Tri tân. Các bài viết của Lê Thanh phong phú trên nhiều lĩnh vực: Văn hóa, văn học, báo chí… Riêng lĩnh vực văn học đa dạng với nhiều cách thức, kiểu loại: Có phê bình tác giả (Thi sĩ Tản Đà, Tú Mỡ, Trương Vĩnh Ký); phê bình thể loại (Tiểu thuyết, Thi ca, Việc dịch sách, Thơ tự do, Kịch viết bằng thơ…); phê bình đối thoại (Cuộc phỏng vấn các nhà văn); phê bình văn học sử (Những xu hướng văn học, Ảnh hưởng của văn chương Pháp trong văn chương Việt Nam, Văn học hiện đại Việt Nam 1900-1940, Nhìn qua văn học Việt Nam năm 1941, 1942…); đặc biệt là phê bình tác phẩm mới (Khói lam chiều, Kỹ nghệ lấy Tây, Người bạn gái…).

Nếu các bài phỏng vấn, phê bình tác giả, tác phẩm, thể loại thường ngắn gọn thì các bài nghiên cứu mang tính khái quát văn học sử lại có trường độ, thường kéo dài từ 5 đến 10 số tạp chí trong khoảng từ 8 đến 12 trang báo. Có thể lược qua một số bài phê bình của Lê Thanh để minh chứng rõ hơn về vai trò, vị trí của nhà nghiên cứu này đối

với tạp chí Tri tân nói riêng và nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam những năm 1940-1945 nói chung.

Trong bài Nhìn qua văn học Việt Nam năm 1941 (được đăng tải trong 5 số tạp chí, liên tục từ số 34 đến số 37 và số 40), Lê Thanh đã khái quát về một chặng đường tồn tại, mang tính thời sự của văn học Việt Nam. Khi nghiên cứu, ông không chỉ đặt văn học Việt Nam trong sự vận động tự thân qua các thể loại (Thơ, Kịch, , Tiểu thuyết…) mà còn soi chiếu trong mối quan hệ nhiều chiều: Mối quan hệ giữa văn học với sử học, khoa học, giáo dục. Điều đáng chú ý của bài viết này là Lê Thanh đã chia ra các lĩnh vực với các góc nhìn khác nhau để bao quát toàn bộ đời sống văn học Việt Nam năm 1941 qua những cuốn sách đáng chú ý.

Từ góc nhìn về mối quan hệ giữa lịch sử và văn học, nhà nghiên cứu khẳng định giá trị của các cuốn sách khi viết về danh nhân (Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát); về khoa cử, lịch sử nước ta (Lược khảo về khoa cử Việt Nam của Trần Văn Giáp, Sử học đính ngoa của Lê Văn Hòe).

Từ Phê bình và cảo luận, Lê Thanh coi cuốn Thi văn bình chú của Ngô Tất Tố là một tinh hoa bởi nó giúp chúng ta trở lại với “cái tinh hoa trong mấy nghìn năm của dân tộc” mình. Đối với những cuốn sách nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng của Lan Khai, cuốn Thời thế và văn chương, Đâu là chân lý của Hoàng Ngọc Phách nhà phê bình đã minh định chân giá trị.

Từ góc độ nghiên cứu về thể loại văn học, ông điểm diện và khái quát diện mạo của văn học Việt Nam năm 1941 qua các thể loại. Về tiểu thuyết, Bướm trắng của Nhất Linh, Lều chõng của Ngô Tất Tố, Người anh cả của Lê văn Trương là những tiểu thuyết có giá trị. Thể loại truyện phải kể đến sự xuất hiện của các tác giả Nguyên Hồng (với các tác phẩm Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu), Thanh Tịnh (Quê mẹ), Lan Khai (Mực mài nước mắt), Nguyễn Tuân (Chiếc lư đồng mắt cua)…; Về du ký phóng sự không thể không khẳng định vai trò của Nguyễn Tuân qua các tùy bút của ông; về thể loại kịch có Mơ hoa của Đoàn Phú Tứ; về thơ ca với sự xuất hiện của hai khuynh hướng: thơ ca trào phúng tiêu biểu là tập thơ Dòng nước ngược của Tú Mỡ, khuynh hướng lãng mạn có Anh Thơ với Bức tranh quê, Vũ Hoàng Chương với Thơ say, Thế Lữ với tập Mấy vần thơ.

Từ phương diện giáo dục, cuốn sách Một nền giáo dục Việt Nam mới của Thái Phỉ được giới nghiên cứu phê bình đánh giá cao và Lê Thanh đã “Ghi tên cuốn sách

lên bảng vàng danh dự bên những cuốn sách quý nhất của năm văn học vừa qua” (Tạp chí Tri tân, số 37, tr.14).

Theo dòng sự kiện văn học, nhà nghiên cứu đã tổng kết, ghi lại cuộc kỷ niệm của những người có công với văn học nước nhà. Đó là những người có công lớn trong việc phát minh ra chữ quốc ngữ: Alexandre de Rhodes (Đức A Lịch Sơn Đắc Lộ). Hội Khai trí tiến đức tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du, Hội Cercle Annamite diễn thuyết về thi sĩ Hàn Mặc Tử nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của ông; kỷ niệm Hàn Thuyên, người có công đặt ra thơ phú Nôm…

Mọi cố gắng của Lê Thanh trong công trình nghiên cứu này nhằm cho: “Những người thức giả thường vẫn nhận rằng đã là một người việt Nam cần phải biết ít nhiều chữ Nho như người Pháp biết ít nhiều chữ La tinh. Biết chữ Nho để gây lấy ở mình cái tinh thần không vong bản, để biết lịch sử, hiểu văn chương nước nhà” (Tạp chí Tri tân, số 40, tr.9). Có thể nói, ý thức ấy đã thôi thúc Lê Thanh không chỉ tìm về vốn văn hóa, văn học cổ của nước nhà mà ông còn dày công nghiên cứu, phê bình, giới thiệu, trao đổi cùng các cây bút khác với tâm nguyện thiết tha – giữ được những gì căn bản nhất của tinh thần dân tộc trong mỗi con người.

Mỗi năm tác giả lại có những công trình mang ý nghĩa đánh giá tổng kết về một chặng đường, một giai đoạn văn học (Văn học Việt Nam 1900-1940, từ số 139 đến số 145, Nhìn qua văn học Việt Nam năm 1941, từ số 34 đến số 40, Nhìn qua văn học Việt Nam năm 1942 và số 81-82). Điều đó thật cần thiết và cũng đòi hỏi một sự cần mẫn, đáng quý của người cầm bút: “nhìn qua” thực ra là để “nhìn lại” mà nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cả những điều tiên lượng và mong chờ: “Việc văn chương cũng như việc chính trị, xã hội phải có những sự thay đổi, những thịnh suy. Có những sự đổ vỡ, những sự điêu tàn mới hi vọng có những cuộc xây đắp mới (…). Năm 1942 còn là một năm cách mệnh của văn học Việt Nam, hay nói cho đúng một năm chờ cái kết quả của cuộc cách mệnh văn học bắt đầu từ hai năm trước” (Tạp chí Tri tân, số 83, tr.12).

Cùng với Lê Thanh, Kiều Thanh Quế là cây bút phê bình văn học có vai trò vị trí không nhỏ, góp phần định vị giá trị của mảng phê bình văn học trên Tri tân. Sở dĩ chúng tôi chọn hai nhà nghiên cứu này là gương mặt tiêu biểu cho phê bình văn học của tạp chí Tri tân vì: Một mặt, luận án muốn minh chứng và khẳng định vai trò của hai tác giả này đối với tạp chí Tri tân nói riêng và đời sống nghiên cứu phê bình văn học nói chung. Mặt khác, chúng tôi mong muốn có những nhìn nhận, đánh giá khách

quan, công bằng với hai cây bút này. Bởi cho đến nay, các công trình nghiên cứu phê bình của họ vẫn còn nguyên giá trị nhưng hai tác giả này gần như thuộc hiện tượng bị bỏ quên bấy lâu hoặc chỉ được nhắc đến một cách mờ nhạt trong các công trình nghiên cứu văn học sử. Gần đây, giới nghiên cứu văn học cũng bắt đầu quan tâm đến Lê Thanh, Kiều Thanh Quế trong việc sưu tầm, tuyển chọn bài vở... nhằm phục hiện các các công trình phê bình nghiên cứu, trả lại vị trí xứng đáng với tầm vóc của họ.

Sau quá trình trải nghiệm với việc sáng tác tiểu thuyết, Kiều Thanh Quế tìm đến với phê bình văn học như một sở trường đặc biệt. Với các công trình được tạp chí Tri tân chọn đăng như Quan niệm dịch thơ (số 56), Phê bình với văn học sử (số 111), Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân (số 134), Cuộc tiến hóa văn học Châu Âu (số 158-159), Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua (từ số 175 đến số 178)…, rõ ràng Kiều Thanh Quế đã khẳng định được vị thế của mình.

Ưu thế nổi bật của Kiều Thanh Quế là phê bình tác phẩm mới. Nếu như phê bình của Lê Thanh phong phú, đa dạng với nhiều kiểu loại, không ít bài có trường độ thì Kiều Thanh Quế lại thu hẹp chủ yếu trong các bài phê bình tác phẩm mới đầy tính thời sự. Trong những năm đồng hành cùng Tri tân, ông đóng góp cho tạp chí 40 tác phẩm, cả tiểu thuyết, bút ký, nghiên cứu văn học sử, triết học, những bài đặt ra vấn đề về quan niệm, lý thuyết dịch thuật, phê bình văn học cổ, văn học đương đại… trong đó, riêng phần phê bình tác phẩm mới chiếm 14 bài. Có thể kể đến những bài có ý nghĩa thời sự không chỉ với đời sống văn học đương đại mà còn cho đến hôm nay: Phê bình vở kịch Đồng bệnh của Khái Hưng (số 53) tiểu thuyết Bóng mơ của Tú Hoa (số 59), tập truyện ngắn Chân trời cũ của Hồ DZếnh (số 67), Quê người của Tô Hoài (số 69); Đêm Lam Sơn của Hoàng Mai (số 108); truyện ngắn dịch Hương xa của Đông Phương (số 114); bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (số 138); Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (số 145)…

Nếu như phê bình văn học của Lê Thanh chủ yếu nghiêng về đối thoại thì Kiều Thanh Quế lại cố gắng “phác họa những nét lớn của một lịch trình diễn tiến văn học”. Những công trình của Kiều Thanh Quế ra đời trong bối cảnh phê bình văn học Việt Nam đã trở thành một môn khoa học thực sự. Ông rất nhạy cảm với địa hạt văn học quá khứ, nhất là giai đoạn chuyển giao từ nền văn học trung đại sang nền văn học hiện đại. Một điểm đáng lưu tâm và cũng là đóng góp trong các công trình của nhà nghiên

cứu này là ông đã sớm xác định văn học dịch đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền văn chương tiếng Việt và thể loại văn học.

Đối với người làm phê bình văn học, điều họ đặc biệt quan tâm chú ý là các sự kiện của đời sống văn học trong quá trình vận động, phát sinh, phát triển và tiếp biến của nó. Vì vậy, việc các nhà phê bình văn học (Hoa Bằng, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Phạm Mạnh Phan) luôn đón chờ và kịp thời giới thiệu những sáng tác mới của nhà văn trên báo chí, chú ý tổng kết từng phong trào, từng thời kỳ văn học, từng năm, qua bước chuyển của đời sống văn học đã tác động và tạo đà cho văn học phát triển.

Các bài khái quát toàn cảnh văn học Việt Nam những năm 1900-1940, 1941, 1942, 1943 của Lê Thanh và Kiều Thanh Quế thực sự là những công trình nghiên cứu, phê bình văn học sử có giá trị. Hơn nữa, những bài viết đó cũng phản ánh rất rõ sự vận động và phát triển của nghiên cứu phê bình văn học những năm 1940 với sự xuất hiện của đội ngũ cầm bút không chỉ tâm huyết với nghề mà ngày càng chuyên môn hóa cao. Kiều Thanh Quế cùng với Lê Thanh, Phạm Mạnh Phan tạo nên thế chân kiềng vững chãi định vị mảng phê bình sáng tác mới trên Tri tân nói riêng và nghiên cứu phê bình văn học nói chung. Ngoài cây bút chủ chốt đó, có thể kể đến các nhà phê bình cũng có mối quan tâm đặc biệt đến các tác phẩm vừa xuất bản và những vấn đề của đời sống văn học đương đại như Nhân Nghĩa, Thùy Thiên, Hội Thống Vũ Văn Lợi…

Có thể nói, tạp chí Tri tân đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn bao quát về đời sống phê bình văn học đương thời, đó là: “Sự thẳng thắn, dân chủ trong trao đổi học thuật, trình độ văn hóa và chuyên môn của giới phê bình, nhiệt tình của họ với quốc văn, những vấn đề mà giới phê bình bấy giờ quan tâm” (Tạp chí Tri tân, số 158, tr.9)... Qua lớp bụi của thời gian, đến nay có cái còn, cái mất, cái bị lãng quên, cái được khẳng định, riêng nghiên cứu phê bình văn học trên Tri tân góp phần quan trọng trong việc thay đổi “cơ cấu, chức năng” cũng như hướng đi đồng thời tạo động lực lớn thúc đẩy tiến trình văn học dân tộc.

Mảng phê bình văn học trên Tri tân tạp chí có ý nghĩa nhất định đối với nền lý luận phê bình văn học Việt Nam. Nó góp phần làm phong phú, sôi động bức tranh nghiên cứu phê bình văn học đầu thế kỷ XX. Bên cạnh những cây bút phê bình kỳ cựu cũng không thể phủ nhận vai trò của các cây bút nghiên cứu, phê bình mới xuất hiện trên Tri tân. Tạp chí Tri tân chính là mảnh đất sinh trưởng nên một số nhà nghiên cứu phê bình văn học trẻ như Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Thiếu Sơn, Vũ Văn Lợi… đồng

thời cũng là nơi đón nhận được những bài viết sớm của những tên tuổi sau này trở nên nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi…

Hơn nữa, khi giới nghiên cứu văn học đang quen với lối phê bình ấn tượng của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam hay lối phê bình tổng kết đánh giá của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại thì sự đa dạng của các cây bút phê bình trên Tri tân, đặc biệt sự nở rộ của việc phê bình sáng tác mới đã góp phần làm đầy đặn hơn, cung cấp một cái nhìn toàn diện, trọn vẹn hơn về lí luận, phê bình văn học Việt Nam, bổ sung những thiếu sót, tìm lại những hiện tượng bị bỏ quên… Với những ý nghĩa ấy, rõ ràng mảng phê bình văn học của tạp chí Tri tân không chỉ có ý nghĩa thời đại mà còn có ý nghĩa trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

4.2. Văn sưu tầm dịch thuật‌

Trong sự hình thành nền văn học hiện đại Việt Nam không thể không nói tới vai trò của văn học dịch. Nếu như các công trình khảo cứu có ý nghĩa phục dựng, tổng kết toàn bộ nền văn học quá khứ thì: “Công việc dịch thuật lại có ý nghĩa mở rộng cánh cửa đón những luồng gió văn hoá mới” [4, 13].

Văn sưu tầm, dịch thuật của tạp chí Tri tân tập trung ở hai phương diện: Sưu tầm, giới thiệu, dịch các sáng tác văn học cổ phương Đông (chủ yếu là văn học Trung Quốc, văn học trung đại Việt Nam) và các tác phẩm văn học phương Tây (chủ yếu là văn học Pháp). Ở chuyên mục Hán văn trích diễm Tùy hứng, tạp chí Tri tân đã trích dịch và giới thiệu cho độc giả được 47 sáng tác văn học cổ, gồm các thể loại: Thơ Đường luật (Thơ của Hán Vũ Đế, Vương Bột, Bạch Cư Dị, Lí Bạch, Đỗ Phủ, Vương Xương Linh, thơ văn đời Trần, đời Lê…); phú (Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha, Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu) và một số bản dịch ở văn bia… Đối với việc sưu tầm, trích dịch các sáng tác văn học cổ cũng là cách các nhà làm báo Tri tân muốn định chân giá trị nền văn học quá khứ trong sự khám phá mới mang tinh thần thời đại. Trong chuyên mục Dịch thơ Tây, những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Pháp (A de Musset, Racan, Leconte de Lisle, Lamartine, La Fontaine, Paul Verlaine…), thơ Ba Tư (OmarKhayyam), thơ Anh (Cortis Yorke)… cũng được các dịch giả Cách Chi, Minh Tuyền kịp thời giới thiệu cùng độc giả. Tuy nhiên, số lượng các dịch phẩm này không nhiều (chỉ có 22 bài) nhưng rõ ràng, trong ý thức của người làm báo Tri tân luôn cố gắng “vươn tới hòa đồng với văn hóa và văn học thế giới”.

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023