Tiến hành điều tra: Việc điều tra gồm các bước: Qua số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lập danh sách cá nhân khảo sát; Chọn, phân loại đối tượng khảo sát; Chuẩn bị bộ câu hỏi điều tra; Điều tra thử và hoàn thiện bộ câu hỏi; Tiến hành phỏng vấn; Tổng hợp, phân tích đánh giá.
Số liệu sơ cấp: Khi tiến hành khảo sát Tập đoàn xăng dầu Việt Nam khi tiến hành cổ phần hóa, tác giả thu được 127 phiếu trả lời từ 200 phiếu phát ra. Kết quả khảo sát này sẽ được tác giả thực hiện việc mã hóa dữ liệu, khai báo và nhập dữ liệu trên phần mềm SPSS. Các số liệu sơ cấp từ kết quả khảo sát sẽ giúp cho tác giả hiểu được thực trạng quản lý tại các DNNN sau cổ phần hóa trên nhiều khía cạnh. Hơn nữa, kết quả thu từ phiếu khảo sát sẽ giúp tác giả xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý doanh nghiệp.
Số liệu thứ cấp: Bên cạnh các số liệu sơ cấp, tác giả còn sử dụng các số liệu thứ cấp bao gồm các báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng như các báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững của Tập đoàn. Bên cạnh đó, các số liệu từ báo cáo của nước ngoài đối với Tập đoàn cũng được tác giả sử dụng.
Xử lý số liệu: Mô hình nghiên cứu (mô hình hồi quy) cũng được xây dựng nhằm mục đích xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa. Mô hình nghiên cứu được xây dựng dựa trên các lý luận về các nhân tố ảnh hưởng đến mô hình quản lý DNNN đã nêu ở phần cơ sở lý luận.
* Thu thập và xử lý số liệu nghiên cứu
+ Thiết kế câu hỏi khảo sát
Câu hỏi khảo sát là một công cụ chính được sử dụng trong Luận án để thu thập các thông tin trong điều tra khảo sát. Tác giả sử dụng cả hai hình thức là câu hỏi đóng và câu hỏi mở, cụ thể:
- Câu hỏi đóng: Là các câu hỏi đã bao gồm phương án trả lời và người trả lời chỉ chọn một trong số các câu trả lời. Phần lớn các câu hỏi trong phiếu khảo sát là loại câu hỏi này. Ví dụ câu hỏi số 5 “Các hoạt động quản lý doanh nghiệp của Công ty Anh/Chị bao gồm các nội dung nào sau đây và hãy đánh giá tầm quan trọng của các hoạt động đã thực hiện?”. Câu hỏi này sẽ được đo lường dựa trên thang đo 1-5 với 1- rất ít quan trọng và 5- rất quan trọng.
Người trả lời sẽ khoanh tròn vào mức điểm mà người đó cho là phù hợp với mỗi nội dung nêu trong câu hỏi số 6.
- Câu hỏi mở: Chủ yếu dùng để thu thập ý kiến về các phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả đổi mới DNNN. Đơn cử như câu hỏi 19. “Anh/Chị hãy gợi ý các phương hướng và đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả đổi mới quản lý công ty tại doanh nghiệp mình”
Có thể bạn quan tâm!
- Mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa: nghiên cứu trường hợp Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - 1
- Mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa: nghiên cứu trường hợp Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - 2
- Khung Phân Tích Mô Hình Quản Lý Doanh Nghiệp Nhà Nước Sau Cổ Phần Hóa Ở Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam
- Nhóm Các Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Kinh Nghiệm, Kết Quả Mô Hình Quản Lý Dnnn Sau Cph
- Nhóm Các Công Trình Liên Quan Đến Giải Pháp Đổi Mới Mô Hình Quản Lý Doanh Nghiệp Nhà Nước Sau Cổ Phần Hóa
Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.
Nguyên tắc xây dựng các câu hỏi khảo sát dựa trên nền tảng là cơ sở lý thuyết về mô hình quản lý nhà nước đối với DNNN sau cổ phần hóa đã nêu trong chương 2. Mục đích của bảng hỏi là:
- Tìm hiểu về thực trạng quản lý DNNN sau cổ phần hóa tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
- Phân tích và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý DNNN tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
Với những mục tiêu trên, bảng hỏi gồm 19 câu hỏi chia thành 3 nội dung chính. Nhóm 1 gồm 5 câu hỏi về nhận thức về quản lý doanh nghiệp. Nhóm 2 gồm 11 câu hỏi về nội dung mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa như về cấu trúc tổ chức; về cấu trúc sở hữu; cấu trúc về đổi mới quản trị; về liên kết nội bộ; về cơ chế quản lý và giám sát; về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhóm 3 gồm 3 câu hỏi về hiệu quả quản lý doanh nghiệp cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả về quản lý doanh nghiệp. Các câu hỏi định lượng trong bảng hỏi được xây dựng trên thang đo 1- 5 với 1- rất ít và 5- rất nhiều. Kết thúc bảng hỏi là một câu hỏi mở, tác giả mong muốn nhận thêm được các ý kiến của người trả lời về các phương hướng và đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả đổi mới quản lý doanh nghiệp (Xem phụ lục số 1 về phiếu điều tra doanh nghiệp về mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa).
+ Phương pháp khảo sát và thu hồi khảo sát
Phiếu điều tra sau khi thu hồi về và được kiểm tra thông tin đảm bảo sự phù hợp sẽ được tổng hợp và phân tích theo các bước sau:
- Bước 1: Mã hóa dữ liệu, khai báo, nhập dữ liệu trên file Excel
- Bước 2: Xử lý các số liệu, đây là một trong những bước quan trọng của quá trình nghiên cứu. Các số liệu thu thập về sẽ được tác giả xử lý dựa trên phần mềm SPSS 22.0
Phân tích thống kê mô tả: thống kê mô tả được sử dụng để mô tả những đặc tính cơ bản của dữ liệu thu thập được như giá trị trung bình (mean) và độ lệch chuẩn (standard deviation).
Kiểm định độ tin cậy của thang đo và các yếu tố trong cùng một nhóm thông qua phương pháp hệ số tin cậy Cronbach alpha. Theo một số tác giả như Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008); [91]; Nguyễn Đình Thọ (2014) [85] thì hệ số tin cậy trong khoảng từ 0,6 đến 0,8 là hợp lý cho một bài nghiên cứu.
Kiểm định đa cộng tuyến: Đa cộng tuyến xảy ra khi tồn tại mối quan hệ tuyến tính giữa biến độc lập của mô hình hồi quy. Khi đó khoảng tin cậy của các hệ số hồi quy sẽ rộng hơn, sai số chuẩn có thể sẽ lớn. Để đảm bảo cho tính hiệu quả và chính xác của mô hình hồi quy, cần tiến hành kiểm định đa cộng tuyến để sớm phát hiện và có các biện pháp khắc phục hợp lý.
Kiểm định tự tương quan: Hiện tượng tự tương quan xảy ra khi có sự tương quan giữa các sai số trong giả thiết của mô hình hồi quy tuyến tính, điều đó sẽ dẫn đến các bước ước lượng về phương sai, kiểm định t và kiểm định F không còn đáng tin cậy.
+ Mô hình nghiên cứu
Để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý DNNN sau cổ phần hóa, mô hình hồi quy được xây dựng là mô hình hồi quy tuyến tính bội, tức là khảo sát từ 3 biến trở lên, trong đó có 1 biến phụ thuộc và nhiều biến độc lập. Căn cứ vào cơ sở lý thuyết đã được trình bày ở chương 1, biến phụ thuộc và biến độc lập sẽ được đo lường theo thang đo 1-5 để đánh giá mức độ quan trọng của từng yếu tổ ảnh hưởng. Nội dung của các biến như sau: Biến phụ thuộc là biến liên quan đến hiệu quả đổi mới quản lý DNNN sau cổ phần hóa, trả lời câu hỏi số 17 “Anh/Chị đánh giá thế nào về hiệu quả quản lý DNNN sau cổ phần hóa của mình?”. Câu trả lời từ 1-5 với 1 là rất kém hiệu quả và 5 là rất hiệu quả. Sau đây gọi tắt biến phụ thuộc là HIEUQUA.
Biến độc lập được chia thành hai nhóm yếu tố: yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong. Các yếu tố bên ngoài bao gồm:
(1) Sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế (KINHTEVAHOINHAP)
(2) Cơ chế, chính sách sau cổ phần hóa DNNN (COCHECHINHSACH)
(3) Trình độ phát triển của thị trường (PHATTRIENTHITRUONG) Các yếu tố bên trong bao gồm:
(1) Chiến lược kinh doanh của DNNN sau CPH (CHIENLUOC)
(2) Các nguồn lực trong DNNN sau CPH (Tài chính, nhân lực, công nghệ) (NGUONLUC)
(3) Quản trị DNNN sau CPH (QUANTRI)
(4) Ngành nghề sản xuất, kinh doanh (NGANHNGHE)
(5) Cơ chế điều hành DNNN sau cổ phần hóa (COCHEDIEUHANH)
Dựa trên các biến phụ thuộc và độc lập như trên, có thể xây dựng mô hình hồi quy để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị công ty tại các DNNN sau cổ phần hóa như sau:
Mô hình 1 (xác định các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài):
HIEUQUA= + * KINHTEVAHOINHAP * COCHECHINHSACH
+ * PHATTRIENTHITRUONG (1)
Mô hình 2 (xác định các yếu tố ảnh hưởng bên trong):
HIEUQUA= + * CHIENLUOC * NGUONLUC + * QUANTRI + * NGANHNGHE + * COCHEDIEUHANH + (2)
Dựa vào các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa trong chương 1, tác giả xây dựng các giả thuyết về mối quan hệ giữa các yếu tố với hiệu quả quản lý tại DNNN sau cổ phần hóa như sau:
- Quá trình cổ phần hóa các DNNN phụ thuộc tương đối lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu kinh tế - xã hội phát triển thì sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc cổ phần hóa các DNNN, từ đó sẽ có sự tích tụ về nguồn lực như vốn, công nghệ,... từ đó nâng cao khả năng tài chính, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất. Sự phát triển của DNNN sau cổ phần hóa cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy các khu vực kinh tế khác cùng phát triển, từ đó giúp phát triển kinh tế cũng như xã hội như tạo việc làm, tăng cường hệ thống an sinh xã hội,...
Ngoài ra quá trình hội nhập quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Hội nhập càng lớn, sâu rộng sẽ thúc đẩy sự giao thương kinh tế xã hội, giúp thu hút các nguồn vốn lớn cho sự phát triển kinh
tế xã hội, do đó cũng sẽ tạo động lực cho quá trình cổ phần hóa DNNN một cách nhanh chóng nhằm nắm bắt các phương thức quản lý kinh doanh và đầu tư hiện đại, tiên tiến của nền kinh tế thế giới. Từ các phân tích trên, tác giả đưa ra giả thuyết 1:
H1: Có mối quan hệ thuận chiều giữa phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
- Cơ chế chính sách cổ phần hóa DNNN đóng vai trò trực tiếp đối với quá trình cổ phần hóa DNNN sau cổ phần hóa. Các cơ chế chính sách thể hiện các kế hoạch, phương hướng thực hiện quá trình cổ phần hóa các DNNN dựa trên các thông tư, nghị định cũng như văn bản hướng dẫn quá trình cổ phần hóa DNNN. Quá trình ban hành các chính sách một cách công khai, thống nhất và kịp thời sẽ phục vụ tốt cho quá trình cổ phần hóa như các chính sách về thoái vốn; về tái cấu trúc doanh nghiệp hay thay đổi về chính sách đầu tư vốn nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DNNN sau cổ phần hóa. Từ đó giả thuyết 2 đó là:
H2: Có mối quan hệ thuận chiều giữa cơ chế chính sách cổ phần hóa DNNN đối với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
- Phát triển đồng bộ các loại thị trường như thị trường tài chính; thị trường bất động sản, thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường định giá,.., sẽ giúp cho các DNNN có các điều kiện cần thiết để tiến hành cổ phần hóa từ việc định giá doanh nghiệp, tới việc thu hút vốn vào đầu tư, cùng với các thị trường yếu tố sản xuất phục vụ cho việc cung cấp các yếu tố đầu vào như lao động, khoa học công nghệ, vốn nhằm từng bước hoàn thiện các yếu tố phục vụ cho quá trình cổ phần hóa. Do vậy, DNNN muốn cổ phần hóa phải có định hướng chiến lược một cách rõ ràng, từ đó tận dụng tối đa sự phát triển của thị trường để có chiến lược phù hợp cho việc cổ phần hóa một cách hiệu quả nhất. Giả thuyết 3 là:
H3: Có mối quan hệ thuận chiều giữa phát triển đồng bộ các loại thị trường với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
- Chiến lược kinh doanh của DNNN sau cổ phần hóa là rất quan trọng, quyết định tới hướng đi của DNNN sau cổ phần hóa. Chiến lược kinh doanh
bao gồm mục đích kinh doanh, mục tiêu hướng tới trong dài hạn và ngắn hạn, các phương thức tiến hành để đạt được các mục tiêu đó, nguồn lực để tiến hành các hoạt động đó như thế nào. Chiến lược kinh doanh được thể hiện dưới nhiều các chiến lược khác nhau trong doanh nghiệp như chiến lược sản phẩm; chiến lược marketing; chiến lược logicstic,... Việc thực hiện các chiến lược này phải phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, và vì thế nó quyết định tới việc lựa chọn mô hình quản lý nào phù hợp với DNNN khi đã cổ phần hóa. Từ đó, giả thuyết 4 là:
H4: Có mối quan hệ thuận chiều giữa chiến lược kinh doanh của DNNN sau cổ phần hóa với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
- DNNN muốn cổ phần hóa thì cần rất nhiều nguồn lực phục vụ cho quá trình đó, từ việc phải có nguồn vốn tài chính lớn đến nguồn nhân lực khi chuyển đổi. Năng lực tài chính đóng vai trò rất lớn trong quá trình cổ phần hóa, được thông qua dưới nhiều hình thức khác nhau có thể là từ ngân sách nhà nước, huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước qua các hình thức như phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Nguồn nhân lực cũng góp phần quan trọng trong việc cổ phần hóa, không có nó thì quá trình cổ phần hóa gần như vô nghĩa. Nguồn nhân lực có thể là nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, các kỹ sư, công nhân tay nghề cao... Sự phát triển đồng bộ về nguồn nhân lực sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa. Từ đó giả thuyết 5 là:
H5: Có mối quan hệ thuận chiều giữa nguồn nhân lực của DNNN với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
- Quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa là yếu tố không thể thiếu trong quá trình cổ phần hóa. Nó quyết định thành công hay thất bại của quá trình cổ phần hóa. Việc quản trị phải làm từ mô hình cấu trúc sở hữu cho đến quá trình tổ chức và xác định chiến lược, khả năng tài chính cũng như vấn đề quản trị nhân sự. Trước hết phải xác định rõ quản trị sở hữu theo hình thức nào là chủ yếu, sau đó mới hình thành nên cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Tiếp đó là quản trị chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. Kế đến là thực hiện các hoạt động quản trị về tài chính cũng như nhân sự của
doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vận dụng được hệ thống quản trị tốt thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp cổ phần hóa nhanh chóng và thuận lợi. Điều đó sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Từ đó giả thuyết 6 là:
H6: Có mối quan hệ thuận chiều giữa quản trị doanh nghiệp với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
- Ngành nghề kinh doanh là yếu tố tiên quyết trong doanh nghiệp khi muốn cổ phần hóa. Khi cổ phần hóa thì phải xác định được ngành nghề mình cần kinh doanh và ngành nghề đó khi thực hiện cổ phần hóa thì sẽ tiến hành hoạt động như thế nào với bộ máy mới, con người mới có phù hợp với ngành nghề đó không. Hơn nữa việc cổ phần hóa cũng có thể làm thay đổi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đó, có thể chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác. Do vậy, việc xác định ngành nghề kinh doanh là rất quan trọng, từ đó sẽ xác định mô hình quản lý doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Từ phân tích trên thì giả thuyết 7 là:
H7: Có mối quan hệ thuận chiều giữa ngành nghề kinh doanh với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
- Có thể nói cơ chế điều hành DNNN sau cổ phần hóa ảnh hưởng rất nhiều tới mô hình quản lý DNNN. Điều này được thể hiện ở các yếu tố như thay đổi phương thức lãnh đạo; mô hình kinh doanh từ nhà nước sang Hội đồng quản trị, quyền lực tập trung sang Hội đồng quản trị/ giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trong quá trình hoạt động sẽ có các ban giám sát có chức năng kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động của doanh nghiệp từ tài chính, nguồn nhân lực, khả năng đầu tư... Từ đó thì giả thuyết 8 là:
H8: Có mối quan hệ thuận chiều giữa cơ chế điều hành với mô hình quản lý DNNN sau cổ phần hóa
Các giả thuyết này sẽ được kiểm định dựa trên mô hình hồi quy được thực hiện trong Chương 3 của luận án.
(2) Tổng hợp, thống kê, so sánh, phân tích: Tổng hợp một số cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về mô hình quản lý DNNN sau CPH ở chương 2. Sử dụng các chỉ tiêu để phân tích, đánh giá mô hình quản lý doanh nghiệp nhà
nước sau cổ phần hóa qua các mốc thời gian nghiên cứu. Thống kê theo các chỉ tiêu nghiên cứu; so sánh, phân tích các vấn đề trước và sau cổ phần hóa ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để đưa ra các đánh giá, kết luận ở chương 3.
(3) Phương pháp phân tích SWOT: Phân tích đánh giá bối cảnh đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (i) điểm tích cực; (ii) điểm hạn chế; (iii) cơ hội; (iv) những vấn đề đặt ra của mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo ở chương 4.
4.2.3. Cách tiếp cận
- Tiếp cận thể chế: Luận án sử dụng cách tiếp cận này để đánh giá các chính sách định hướng, hỗ trợ và khuyến khích đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa (của Chính phủ, các Bộ, Ngành…) để đưa ra các giải pháp đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong thời gian tới nhằm hướng đến việc đạt hiệu quả kinh tế cao.
- Hệ thống và cấu trúc: Mô hình doanh nghiệp nhà nước là tổ hợp các công ty có quan hệ liên kết nhất định với nhau. Luận án sử dụng cách tiếp cận này để xem xét và đánh giá sự đổi mới của doanh nghiệp nhà nước với tư cách là hệ thống tổ hợp; mặc dù các công ty thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đều có những mục tiêu độc lập tương đối, nhưng các công ty thành viên tương tác với nhau để thực hiện mục tiêu tổng thể của Tập đoàn.
- Phân tích và tổng hợp: Sự đổi mới, phát triển của doanh nghiệp nhà nước là tổng hợp của nhiều yếu tố, luận án phân tích những thành phần của sự phát triển và đánh giá tác động của chúng với tư cách bộ phận; đồng thời tổng hợp và xác lập mối liên hệ tất yếu giữa chúng với nhau trong quá trình tác động đến sự phát triển chung của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, qua cách tiếp cận này nhằm tổng kết những kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới để rút ra bài học đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.