* Chi chế độ hưu trí, tử tuất (thường gọi là các chế độ dài hạn):
Chế độ trợ cấp hưu trí có được khi NLĐ đủ thời gian tham gia BHXH và đủ tuổi đời thì được hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng. Trường hợp NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi đời thì được hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Chế độ trợ cấp tử tuất gồm tiền mai táng phí cho thân nhân của đối tượng khi đối tượng tham gia BHXH bị chết, tiền trợ cấp tuất hàng tháng được chi trả cho thân nhân đối tượng hoặc giao tiền trợ cấp một lần cho gia đình họ (nếu không có người hưởng định xuất hàng tháng).
Chế độ trợ cấp hưu trí và tử tuất bắt nguồn từ việc bảo hiểm nguồn thu nhập cho NLĐ khi đã già yếu, hết tuổi lao động, mất sức lao động vĩnh viễn và qua đời mà bất kỳ người lao động nào cũng phải trải qua. Trách nghiệm đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất thuộc về NLĐ và NSDLĐ vì khi còn khoẻ NLĐ làm việc cho NSDLĐ thì khi về già NSDLĐ phải có một phần trách nhiệm bảo đảm cuộc sống cho NLĐ. Việc tiến hành bảo hiểm hưu trí và tử tuất nếu không có tổ chức bảo hiểm bắt buộc của xã hội, của Nhà nước thì bản thân NLĐ cũng phải tìm một hình thức nào đó để tự lo cho mình nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống lúc già yếu, lúc qua đời.
Đặc điểm của bảo hiểm hưu trí và tử tuất là nó thực hiện sau quá trình lao động, quan hệ phân phối có tính chất hoàn trả, lợi ích được hưởng tương ứng với nghĩa vụ đóng góp. Bản chất kinh tế - xã hội của quỹ BHXH chi cho chế độ hưu trí và tử tuất phản ánh quan hệ kinh tế (quan hệ lợi ích) giữa NLĐ, NSDLĐ và Nhà nước. Mức hưởng trợ cấp hưu trí phụ thuộc vào mức đóng góp và thời gian đóng phí bảo hiểm ít hay nhiều còn thời gian hưởng hưu trí là không có giới hạn, hưởng đến khi chết mà tuổi thọ của từng NLĐ lại khác nhau nên tính hoàn trả không đồng đều, cùng thời gian đóng như nhau nhưng người nào sống lâu hơn thì được hưởng hưu trí nhiều hơn, thậm chí hưởng nhiều hơn cả mức đóng góp. Phần hưởng nhiều hơn đó được quỹ BHXH đảm bảo, đó chính là tính chất xã hội, tính cộng đồng của BHXH.
Chế độ hưu trí và tử tuất thường được gọi là chế độ dài hạn vì từ khi
NLĐ tham gia bảo hiểm đến khi nghỉ hưu được hưởng chế độ hưu trí phải trải qua một thời gian dài tùy theo mỗi quốc gia (Ví dụ như ở Việt Nam, trước năm 2018 là 30 năm đối với lao động nam và 25 năm đối với lao động nữ; sau năm 2018 là 35 năm đối với lao động nam và 30 năm đối với lao động nữ). Số dư của quỹ BHXH thực chất là số tiền ứng trước của NLĐ và NSDLĐ cho mục đích bảo hiểm hưu trí. Trong suốt khoảng thời gian đó, quỹ vẫn thuộc sở hữu của NLĐ có tham gia đóng góp.
Như vậy ta có thể thấy điều kiện tồn tại và phát triển của quỹ BHXH chi cho chế độ hưu trí và tử tuất là:
- Muốn được hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí và tử tuất thì NLĐ, NSDLĐ động phải tham gia đóng góp vào quỹ BHXH. Quyền lợi được hưởng BHXH tương ứng với mức đóng góp và thời gian đóng góp bảo hiểm của từng NLĐ.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhóm Các Công Trình Nghiên Cứu Về Chính Sách Tài Chính Bảo Hiểm Xã Hội
- Những Nghiên Cứu Về Chính Sách Đảm Bảo Sự Cân Đối Quỹ Bhxh
- Sự Vận Động Của Quỹ Bhxh Vào Thị Trường Tài Chính
- Các Bộ Phận Cấu Thành Của Chính Sách Tài Chính Bảo Hiểm Xã Hội
- Chính Sách Tài Chính Bảo Hiểm Xã Hội Của Một Số Nước Trên Thế Giới Và Bài Học Kinh Nghiệm Cho Việt Nam
- Kinh Nghiệm Về Đầu Tư Tăng Trưởng Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội
Xem toàn bộ 207 trang tài liệu này.
- Số dư tạm thời nhàn rỗi của quỹ BHXH thuộc về sở hữu của NLĐ có tính chất dài hạn nên có thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo toàn, phát triển quỹ và nó phải được tồn tích mà không được sử dụng vào mục đích khác.
- Mức đóng góp bảo hiểm hưu trí, tử tuất phải được cơ cấu vào tiền lương, tiền công và được hạch toán vào giá thành sản phẩm để tạo nguồn tài chính cho NLĐ và NSDLĐ đóng góp phí bảo hiểm.
- Phải có cơ chế quản lý quỹ bảo hiểm đến từng NLĐ thuộc các đối tượng khác nhau để tạo điều kiện cho NLĐ thuộc mọi thành phần kinh tế đều được quyền tham gia bảo hiểm hưu trí và tử tuất phù hợp với khả năng của họ.
* Chi ốm đau, thai sản:
Quỹ BHXH sẽ chi khi NLĐ bị ốm đau; chế độ thai sản; dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản. Ví dụ như ở Việt Nam, mức chi ốm đau, thai sản được thực hiện như sau:
- Về chế độ ốm đau:
+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
+ NLĐ phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
+ Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định ở trên.
- Về chế độ thai sản:
+ Lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng chế độ thai sản
+ Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ.
+ Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.
- Về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
+) NLĐ đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
+ NLĐ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.
Ngoài ra, quỹ BHXH còn đóng BHYT cho NLĐ nghỉ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
* Chi TNLĐ-BNN:
Quỹ BHXH sẽ trợ cấp cho NLĐ khi gặp TNLĐ-BNN, tiền trợ cấp có thể hàng tháng hoặc một lần. Trợ cấp TNLĐ-BNN một lần, gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; chi phí khám giám định y khoa đối với trường hợp NLĐ chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội; trợ cấp một lần khi bị TNLĐ-BNN; trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ-BNN; chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (bao gồm các hoạt động: Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động, điều tra lại các vụ TNLĐ- BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN); hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc; dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng ra nước ngoài định cư. Ngoài ra, quỹ BHXH còn đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng.
Trong quá trình lao động, NLĐ thường gặp phải rủi ro bất ngờ không lường trước được như ốm đau, TNLĐ-BNN làm giảm hoặc mất khả năng lao động tạm thời đối với những trường hợp nhẹ hoặc mất khả năng lao động vĩnh viễn, chết người đối với những trường hợp nặng. Nguyên nhân dẫn đến những rủi ro bất ngờ đối với NLĐ có thể bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan và khách quan của NLĐ và NSDLĐ gây ra. Ví dụ như tai nạn lao động có thể do nguyên nhân chủ quan từ NLĐ không tôn trọng kỷ luật lao động, an toàn lao động để xảy ra tai nạn lao động; cũng có thể do nguyên nhân khách quan như nồi hơi bị nổ, sự cố về điện, máy móc... gây ra tai nạn; cũng có thể do công tác an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, phòng chống độc hại không tốt dẫn đến người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... Hậu quả khi xảy ra các rủi ro đó NLĐ không những mất nguồn thu nhập từ lao động mà còn phải tăng thêm chi phí cho việc chăm sóc y tế nếu bị nặng thì tàn phế suốt đời hoặc chết người.
Đối với NSDLĐ, thì khi NLĐ bị rủi ro không những ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh mà còn phải bỏ ra nhiều chi phí để khắc phục hậu quả đột xuất cho các rủi ro đó gây ra dẫn đến tình hình tài chính của đơn vị càng gặp khó khăn hơn.
Để có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống cho NLĐ trong khi bị ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, ổn định kinh tế tài chính cho NSDLĐ tất yếu phải có quỹ bảo hiểm, NSDLĐ phải có trách nhiệm trích nộp phần thu nhập để đóng góp vào quỹ BHXH cho các mục đích trên. Thông thường, để ổn định kinh tế cho doanh nghiệp nguồn đóng góp để tạo lập quỹ bảo hiểm cho các rủi ro này được Nhà nước cho phép hạch toán vào giá thành sản phẩm để người tiêu dùng trong xã hội gánh chịu. Tính chất độc hại, không an toàn trong sản xuất kinh doanh gây ốm đau, TNLĐ-BNN cho NLĐ xảy ra khác nhau ở các ngành, các doanh nghiệp nhưng do nhu cầu của các sản phẩm phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng cuộc sống mang tính chất xã hội vì thế mọi doanh nghiệp, mọi thành viên xã hội tiêu dùng sản phẩm đều phải có nghĩa vụ bảo hiểm cho NLĐ khi xảy ra rủi ro ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Như vậy bản chất kinh tế - xã hội của các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ phản ánh mối quan hệ kinh tế - xã hội giữa NLĐ, NSDLĐ và Nhà nước thông qua việc tạo lập và sử dụng quỹ BHXH nhằm ổn định cuộc sống cho NLĐ và ổn định sản xuất kinh doanh của NSDLĐ và xã hội. Từ đó ta có thể rút ra điều kiện tồn tại và phát triển quỹ BHXH để chi cho các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN là:
- Để đảm bảo ổn định cuộc sống cho NLĐ khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tất yếu phải có quỹ bảo hiểm. Trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp vào quỹ bảo hiểm thuộc về NLĐ và NSDLĐ. Số chi phí này được hạch toán đầy đủ vào giá thành để tạo nguồn tài chính cho người sử dụng lao động nộp phí bảo hiểm.
- Hình thức tổ chức và quản lý quỹ bảo hiểm cho mục đích này có thể để
một phần nhất định ở đơn vị sử dụng lao động để giải quyết kịp thời nhu cầu phát sinh ở đơn vị khi NLĐ bất ngờ bị ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề
nghiệp và một phần nộp vào quỹ BHXH theo quy định.
- Phân phối mang tính chất bồi hoàn cho các chế độ này thường được diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định để đảm bảo kịp thời cho NLĐ nếu bị rủi ro. Với tính chất đó, quỹ BHXH dùng để chi trả cho các chế độ này là phải được cân đối trong một thời gian nhất định thường là 1 năm theo nguyên tắc thu BHXH đủ bù đắp chi trả cho các chế độ đó trong năm.
2.2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH BẢO HIỂM XÃ HỘI
2.2.1. Khái niệm chính sách và chính sách tài chính bảo hiểm xã hội
Bất kỳ một hoạt động nào của con người có ý thức, của một tập thể, một tổ chức hay nói rộng ra là của một XH đều nhằm đạt một mục tiêu cụ thể nào đó. Việc mục tiêu này có đạt được hay không, không chỉ phụ thuộc vào ý chí tự thân, những tiềm năng và năng lực nội tại của mỗi cá nhân hay XH, mà còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều các yếu tố khách quan bên ngoài. Vì vậy, khi tiến hành các hoạt động, người ta thường có các giải pháp, chiến lược, sách lược, kế hoạch, phương pháp hoặc những cách thức xác định nhằm thực hiện bằng được các mục tiêu đã vạch ra. Muốn vậy, mỗi cá nhân, tổ chức hoặc XH phải có một chuỗi chương trình hay một tập hợp các nguyên tắc hành động định trước để hướng dẫn thực hiện và đó được gọi là chính sách.
Do chính sách là một công cụ có tính ước lệ và không rõ ràng, hàm chứa nhiều nội dung phức tạp được biểu hiện dưới nhiều góc độ, khía cạnh và diễn ra theo những chiều hướng khác nhau, nhưng có liên quan và tác động qua lại với nhau, nên rất khó có thể đưa ra một định nghĩa chính xác, duy nhất về chính sách.
Một cách thông thường, theo nghĩa hẹp, người ta hiểu chính sách là “phương thức hành động được một chủ thể khẳng định và thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề lặp đi lặp lại” [20] hay chính sách là “chủ trương và các biện pháp của một đảng phái, một chính phủ trong các lĩnh vực chính trị - xã hội” [55].
Theo nghĩa rộng, thuật ngữ chính sách được hiểu bao hàm không chỉ những biện pháp cụ thể, mà còn các chủ trương lớn, đường lối hoặc phương hướng chiến lược của tổ chức, quốc gia, thể hiện quan điểm, thái độ ứng xử trong quá trình xử lý các vấn đề trong nước, quốc tế. Chính sách được xác định như là một đường lối
hành động mà Chính phủ lựa chọn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả các mục tiêu mà Chính phủ tìm kiếm và lựa chọn các phương pháp để theo đuổi các mục tiêu đó [34].
Giáo trình chính sách kinh tế xã hội của Trường Đại học Kinh tế quốc dân định nghĩa: “chính sách kinh tế xã hội là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các đối tượng và khách thể quản lý nhằm giải quyết vấn đề chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của xã hội” [20].
Chính sách tài chính là một bộ phận của chính sách kinh tế xã hội, theo Từ điển tiếng Việt thông dụng thì chính sách tài chính là “tiêu chuẩn xử lý quan hệ phân phối tài chính theo lợi ích của giai cấp thống trị” [33].
Trong luận án này, nghiên cứu sinh cho rằng: chính sách tài chính là hệ thống các quan điểm, các mục tiêu, các giải pháp trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính đảm bảo thực thi chính sách và chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Có nhiều cách phân loại chính sách tài chính, chẳng hạn:
Thứ nhất, theo phạm vi hoạt động (hay theo nội dung của chính sách), có thể chia thành:
(i) Chính sách tài chính quốc gia:
Chính sách tài chính quốc gia là các phương hướng, biện pháp cơ bản về tài chính được Nhà nước ban hành để thực hiện thống nhất đường lối, chính sách tạo vốn, và sử dụng nguồn vốn, điều tiết quan hệ tích lũy - tiêu dùng, nhằm kích thích phát triển sản xuất, đảm bảo lợi ích KT-XH của các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư, ổn định thị trường, thực hiện công bằng trong phân phối các nguồn tài chính và phát triển thị trường tài chính. Chính sách tài chính quốc gia là chính sách quản lý vĩ mô quan trọng, bao gồm hệ thống các chính sách về thu ngân sách, chi ngân sách (chi đầu tư, chi thường xuyên); vay nợ, viện trợ; chính sách tiền tệ - tín dụng, bảo hiểm, tài chính doanh nghiệp, tài chính đối ngoại, tiết kiệm, tài chính dân cư và quản lý các nguồn vốn, tài sản quốc gia về phương diện tài chính.
(ii) Chính sách tài chính của một địa phương, ngành, lĩnh vực, tổ chức:
Chính sách tài chính của một địa phương, ngành, lĩnh vực, tổ chức là chính sách của một địa phương, ngành, lĩnh vực hoặc một tổ chức (trừ tổ chức là doanh nghiệp) nhằm huy động và sử dụng các nguồn tài chính phục vụ cho mục tiêu hoạt động trong phạm vi địa phương, ngành, lĩnh vực, tổ chức mình. Chính sách tài chính của một địa phương, ngành, lĩnh vực, tổ chức vừa có tính độc lập (được quyền chủ động trong huy động và sử dụng nguồn tài chính tại địa phương, ngành, lĩnh vực, tổ chức mình), vừa có tính phụ thuộc (chịu sự tác động của chính sách tài chính quốc gia và phải tuân thủ các quy định, chế độ tài chính quốc gia thống nhất).
(iii) Chính sách tài chính của một doanh nghiệp:
Chính sách tài chính của một doanh nghiệp là hệ thống các biện pháp nhằm thực hiện quá trình thu, chi tài chính của doanh nghiệp và bao gồm chính sách đảm bảo các khoản chi phí cho các nguồn lực đầu vào (tiền lương, tiền thuê hoặc tiền sử dụng đất, lãi vay, chi phí kinh doanh và tiêu thụ,...), các khoản thu nhập từ bán hàng hóa, dịch vụ, các khoản thuế và nghĩa vụ đóng góp khác.
Thứ hai, theo sự vận động của các nguồn tài chính, chính sách tài chính có thể phân chia thành:
(i) Chính sách huy động nguồn tài chính:
Chính sách huy động nguồn tài chính là hệ thống các quan điểm, các mục tiêu định hướng, các biện pháp để tạo lập các nguồn tài chính, hình thành lên các quỹ tài chính của quốc gia (NSNN), quỹ tài chính của một tổ chức (ngân sách của địa phương, ngành,...), quỹ tài chính doanh nghiệp (ngân sách của doanh nghiệp). Trên giác độ quốc gia và vùng, địa phương, thuế là nguồn thu chủ yếu và có xu hướng ngày càng tăng lên cả số tuyệt đối và tương đối trong tổng nguồn thu của NSNN.
(ii) Chính sách sử dụng nguồn tài chính:
Chính sách sử dụng nguồn tài chính là việc xây dựng và áp dụng các giải pháp, biện pháp, công cụ để phân bổ và sử dụng nguồn tài chính thu được cho các nhu cầu khác nhau, thông qua các công cụ như đầu tư, tiền lương, tiền thưởng, học bổng, bảo hiểm, trợ cấp, các khoản chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, tích lũy, các khoản từ phân phối kết quả hoạt động tài chính,...