54
ngày càng thích ứng nhanh với quá trình hội nhập quốc tế. Điều đó, đã tạo ra điều kiện thuận lợi trong việc kế thừa có chọn lọc các giá trị đạo đức mang tính nhân loại phổ biến như: đấu tranh cho một thế giới hoà bình, dân chủ, tiến bộ; chống phân biệt chủng tộc; cùng nhau xây dựng hành tinh xanh; sinh viên các nước trên thế giới chung tay vào đẩy lùi các đại dịch... các giá trị này đang được nhiều sinh viên tiếp nhận. Hiện nay sinh viên Việt Nam đang chủ động hoà nhập thế giới, mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Điều đó góp phần làm phong phú thêm đời sống đạo đức sinh viên, làm cho đời sống đạo đức sinh viên không chỉ mang chuẩn mực đạo đức của dân tộc, mà còn mang hơi thở của thời đại.
Thứ ba, giáo dục giá trị đạo đức truyền thống sẽ góp phần quan trọng đối với việc phát triển yếu tố năng lực trong nhân cách sinh viên.
Năng lực trong cấu trúc nhân cách của con người được hình thành và phát triển trên cơ sở yếu tố bẩm sinh - di truyền và yếu tố xã hội. Mặc dù yếu tố di truyền rất quan trọng trong việc hình thành năng lực của con người, nhưng không có năng lực nào mà không gắn với lịch sử - xã hội nhất định; yếu tố năng lực bẩm sinh của con người chỉ phát huy trong môi trường xã hội nói chung, giáo dục - đào tạo nói riêng. Thông qua giáo dục đào tạo, yếu tố năng lực bẩm sinh ấy hình thành nên những năng lực vượt trội (năng lực nhận thức và năng lực hoạt động thực tiễn), những năng lực đó phải gắn với những yêu cầu của xã hội, trong đó có các chuẩn mực đạo đức. Các chuẩn mực đạo đức của xã hội quy định các năng lực nhận thức và năng lực hoạt động thực tiễn của con người phát triển phù hợp với yêu cầu của lịch sử - thời đại.
Trong các giá trị đạo đức truyền thống, chủ nghĩa yêu nước là một giá trị cao nhất, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho con người Việt Nam nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng là góp phần hình thành năng lực nhận thức và năng lực hoạt động thực tiễn, biểu hiện của nó là tính tích cực xã hội của sinh viên. Tính tích cực hoạt động xã hội của sinh viên tạo điều kiện cho năng lực
55
phát triển, nghĩa là các năng lực của sinh viên được phát huy cao độ, nhất là tính tích cực, chủ động sáng tạo trong cuộc sống, học tập tạo ra những hoạt động có hiệu quả, động cơ hành động đúng đắn. Để từ đó sinh viên chủ động và tự nguyện bộc lộ tình cảm yêu nước và hiện thực hóa giá trị yêu nước vào cuộc sống. Yêu nước là đưa năng lực của mình góp phần làm cho đất nước thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, sớm gia nhập vào những nước văn minh, tiên tiến nhất; yêu nước là phải biết yêu thương con người, yêu thương đồng bào; phải biết bảo vệ môi trường sống, chung tay xây dựng đất nước xanh - sạch - đẹp; yêu nước là phải chấp hành pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, sống lành mạnh, đồng thời là sự tích cực, tự giác, sáng tạo, tinh thần vượt khó, vượt khổ trong học tập để vươn lên nắm bắt và làm chủ tri thức khoa học - công nghệ.
Phát triển là quá trình tự thân, nội lực bao giờ cũng là nhân tố quyết định. Năng lực của sinh viên không phải tự nhiên mà có, phải do nỗ lực của bản thân mỗi sinh viên trong học tập, rèn luyện mới tạo nên những năng lực nhất định. Giáo dục đức tính cần cù của dân tộc là giúp sinh viên có năng lực nhận thức “có công mài sắt, có ngày nên kim”, phải kiên trì, nhẫn nại để vượt qua mọi khó khăn thực hiện mục tiêu đã được đề ra. Trong điều kiện hiện nay, sinh viên phải cần cù, chăm chỉ học tập để tích lũy tri thức, kỹ năng tạo ra những năng lực cá nhân đóng góp cho các hoạt động chính trị - xã hội, chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Cần cù, chăm chỉ là yếu tố cần thiết để hình thành nên những năng lực cho sinh viên, năng lực đó phải nằm trong quá trình tích lũy kiến thức trong trường học và kiến thức thực tiễn của đời sống. Muốn có được những kiến thức đó, đòi hỏi sinh viên là phải cần cù, chăm chỉ trong học tập và nghiên cứu khoa học, mặt khác cũng phải tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị - xã hội. Giáo dục giá trị cần cù, chăm chỉ là yêu cầu cần thiết, tạo ra thế mạnh riêng biệt, dễ đi vào trong nhận thức và hành động của mỗi sinh viên,
56
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Nhân Tố Cơ Bản Tác Động Đến Sự Hình Thành Nhân Cách
- Toàn Cầu Hoá Và Tầm Quan Trọng Của Giáo Dục Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Nhằm Hình Thành Và Phát Triển Nhân Cách Sinh Viên Việt Nam Trong Bối Cảnh
- Tầm Quan Trọng Của Giáo Dục Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Nhằm Hình Thành Và Phát Triển Nhân Cách Sinh Viên Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hoá
- Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống với việc hình thành và phát triển nhân cách cho sinh viên khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay - 9
- Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống với việc hình thành và phát triển nhân cách cho sinh viên khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay - 10
- Những Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Giáo Dục Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Nhằm Hình Thành Và Phát Triển Nhân Cách Sinh Viên Ở Khu Vực Tây Nguyên Trong Bối
Xem toàn bộ 182 trang tài liệu này.
nó không còn ở mức độ tự giác mà trở thành tự nguyện, họ tự dấn thân để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của đời sống xã hội.
Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Muốn dân tộc không còn phải dốt và yếu chỉ có con đường duy nhất là đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp trồng người. Trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo thì tầng lớp sinh viên luôn được quan tâm ở vị trí đặc biệt, bởi vì họ là tầng lớp đặc thù, là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước để lại. Sinh viên muốn hoàn thành xuất sắc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải ra sức học tập, tiến quân vào khoa học công nghệ , phải làm chủ tri thức. Đây chính là cơ sở để năng lực của sinh viên được hình thành và phát triển góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
2.3. GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG VÀ MỘT SỐ GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC CẦN PHẢI GIÁO DỤC CHO SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY
2.3.1. Giá trị và giá trị đạo đức truyền thống
Khái niệm giá trị
Giá trị là hiện tượng có tính lịch sử và tính thực tiễn, mọi giá trị đều bắt nguồn từ lao động. Do đó, chỉ có trong xã hội loài người mới có giá trị: “Con người là giá trị cao nhất của tất cả các giá trị, vì con người tạo ra mọi giá trị. Con người là thước đo của mọi giá trị” [137, tr.64]. Sự đánh giá đúng đắn một giá trị không chỉ căn cứ vào nhu cầu, lợi ích của chủ thể đánh giá mà còn phải căn cứ vào hiệu quả xã hội của chủ thể theo đuổi mục đích, lợi ích: “Nói đến giá trị tức là muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là đã bao hàm quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp; là nói đến khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn tới” [17, tr.16-19].
Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (tập 2) cho rằng giá trị là:
57
Phạm trù triết học, xã hội học chỉ tính có ích, có ý nghĩa của sự vật, hiện tượng tự nhiên hay xã hội có khả năng thoả mãn nhu cầu, phục vụ lợi ích của con người. Ở đây, các sự vật, hiện tượng được xem xét dưới góc độ đúng hay không đúng mong muốn, có ý nghĩa tích cực hay không đối với đời sống xã hội [136, tr.97].
Từ những quan niệm trên đây, chúng tôi hiểu giá trị là một phạm trù triết học, phản ánh sự vật, hiện tượng và những thuộc tính của chúng có ý nghĩa đối với xã hội, cộng đồng, cá nhân, với tư cách là phương tiện thoả mãn nhu cầu vật chất, tinh thần, đồng thời thể hiện tính mục đích của con người trong hoạt động.
Do mục đích cụ thể khác nhau mà người ta phân chia giá trị theo cách riêng: có giá trị cá nhân và giá trị xã hội, giá trị dân tộc và giá trị toàn cầu, giá trị thẩm mỹ và giá trị khoa học... Ở cấp độ chung nhất, giá trị được chia thành hai loại: giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
Giá trị vật chất được biểu hiện cụ thể qua đời sống kinh tế với các quan hệ mua bán, trao đổi để thoả mãn nhu cầu của con người, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Giá trị tinh thần được biểu hiện trong đời sống tinh thần thông qua các mối quan hệ giữa con người với con người để thoả mãn các nhu cầu tâm lý, tình cảm. Các giá trị tinh thần luôn được thể hiện thông qua các phẩm chất trí tuệ, tình cảm, ý chí, tư tưởng, đạo đức, văn hoá, nghệ thuật, phong tục tập quán. Những phẩm chất ấy, tồn tại và phát triển ngay chính trong đời sống tinh thần của con người, trở thành các chuẩn mực để hướng hoạt động, rèn luyện của con người tới chân, thiện, mỹ.
Một trong những nội dung cốt lõi nhất trong giá trị tinh thần chính là giá trị đạo đức. Sự hình thành và phát triển hệ thống các giá trị đạo đức không tách rời sự phát triển và hoàn thiện ý thức đạo đức và sự điều chỉnh của đạo đức. Hệ thống giá trị đạo đức tiến bộ và phát triển khi hệ thống ấy có tính tích cực, mang tính nhân đạo, nhân văn cao cả. Giá trị đạo đức điều chỉnh và đánh giá
58
hành vi ứng xử của con người với con người, con người với xã hội, chúng được thực hiện bởi các chuẩn mực xã hội, bởi niềm tin cá nhân và sức mạnh của dư luận xã hội. Giá trị đạo đức cũng là một phạm trù lịch sử, nó có quá trình hình thành và phát triển, luôn chịu sự tác động và thay đổi khi đời sống xã hội biến đổi.
Trong giá trị đạo đức thường có sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Do vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta phải nghiên cứu và làm rõ các tính chất, chức năng và định hướng của giá trị truyền thống.
Truyền thống: “Đó là những yếu tố của di tồn văn hoá, xã hội thể hiện trong chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống và cách cư xử của cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được truyền từ đời này sang đời khác và được lưu giữ lâu dài” [19, tr.9].
Truyền thống là điều kiện duy trì, phát triển cuộc sống của cộng đồng. Nó bao gồm những đức tính, thói quen, phong tục tập quán xã hội của các thế hệ nối tiếp nhau, mang các đặc trưng: cộng đồng, có tính ổn định, được lưu truyền. Trong từng cộng đồng, từng quốc gia, từng dân tộc đều có những truyền thống khác nhau và chịu sự tác động to lớn của sự biến đổi trong đời sống xã hội.
Truyền thống thường thể hiện tính hai mặt. Một là, truyền thống đóng vai trò to lớn trong việc giữ gìn và phát huy các chuẩn mực, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, cách ứng xử…của một con người cũng như của một cộng đồng dân tộc đó. Ở góc độ này, truyền thống được hiểu là những mặt tích cực, những giá trị tốt đẹp đóng góp cho sự phát triển dân tộc trước sự biến động khắc nghiệt của lịch sử. Hai là, truyền thống có khi lại là nơi dung dưỡng, duy trì các thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu làm kìm hãm sự phát triển của cộng đồng, quốc gia. Mặt này, chính là những tiêu cực của truyền thống, nó níu kéo, kìm hãm sự phát triển. Hồ Chí Minh đã viết: “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài” [106, tr.287].
59
Giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hệ thống giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nói đến giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam là chúng ta nói đến các giá trị đạo đức đặc thù của con người Việt Nam được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử. Theo cách hiểu đó, giá trị đạo đức truyền thống là những giá trị đạo đức tốt đẹp hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là những giá trị nhân văn mang tính cộng đồng, là sự kết tinh của toàn bộ tinh hoa dân tộc, mang tính ổn định và được truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với sự “tiếp biến” văn hoá của dân tộc, đã tạo lập nên hệ giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt Nam: giàu lòng yêu nước, yêu thương con người, cần cù, thông minh, sáng tạo, hiếu học…Những giá trị đạo đức đó đi sâu vào đời sống của con người Việt Nam và trở thành những chuẩn mực được nâng niu, quý trọng trong suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trở thành sức mạnh tinh thần to lớn giúp nhân dân ta vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ để đi đến bến bờ vinh quang.
2.3.2. Một số giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cần giáo dục để hình thành và phát triển nhân cách cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mặc dù đã có những biến cố, thăng trầm trong lịch sử, nhưng dân tộc ta vẫn giữ gìn và phát huy được các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Các giá trị đạo đức truyền thống đó đi sâu vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam, tạo dựng được một dòng chảy chủ lưu xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu.
Theo giáo sư Vũ Khiêu, truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam bao gồm: Lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù và sáng tạo, tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người [88, tr.74-86].
60
Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa [57, tr.94].
Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta, các giá trị đạo đức thường được đề cập đến với tư cách là những giá trị nổi bật. Chẳng hạn, Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” đã khẳng định: "Những giá trị văn hoá truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương thân", đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động…" [29, tr.19]. Nghị quyết Hội Nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” khẳng định:
Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… [31, tr.56].
Từ những quan điểm trên chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Một là, trong nền tảng văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, giá trị đạo đức truyền thống chiếm vị trí quan trọng nhất, chi phối sự vận động và phát triển lịch sử tư tưởng dân tộc.
Hai là, trong các giá trị đạo đức truyền thống, chủ nghĩa yêu nước là giá trị quan trọng nhất, là bậc thang cao nhất trong hệ giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam, nó định hướng cho các giá trị khác cùng phát triển. Chủ nghĩa yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của con người Việt Nam.
61
Ba là, các giá trị đạo đức truyền thống đã tạo nên hệ thống lý luận mang tính chất triết lý: cùng một giống nòi, cùng một đất nước thì phải có nghĩa vụ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; đoàn kết sẽ có sức mạnh, chung sức, chung lòng thì sẽ dời non, lấp biển.
Như vậy, hệ thống các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam đã được hình thành trong suốt hàng ngàn năm đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước; trong giao lưu, tiếp thu, cải biến, chọn lọc những giá trị văn hóa của các tộc khác trên thế giới. Tuy nhiên, cốt lõi của đạo đức truyền thống Việt Nam hoàn toàn bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong số những giá trị đạo đức truyền thống đó, theo chúng tôi có mấy giá trị nổi bật sau đây:
- Lòng yêu nước
- Lòng yêu thương con người
- Đức tính cần cù, tiết kiệm
- Tinh thần đoàn kết
- Tinh thần hiếu học
Thứ nhất, lòng yêu nước: Yêu quê hương đất nước là một tình cảm tự nhiên của con người được nảy sinh và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, tinh thần yêu nước Việt Nam trở thành chủ nghĩa yêu nước, thành một giá trị to lớn, một động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ thúc đẩy biết bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ phẩm giá của con người Việt Nam.
Biểu hiện của lòng yêu nước đó là tình yêu thiết tha quê hương, đất nước, ý thức chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tình cảm ấy, đã được khởi nguồn từ thuở Hùng Vương dựng nước, từ tinh thần của Hai Bà Trưng quyết “đền nợ nước, trả thù nhà”, từ ý chí quật cường của Bà Triệu “không chịu cúi đầu khom gối làm tỳ thiếp cho người” mà phải “ cưỡi cơn gió mạnh,
.....