Thượng thư Hình bộ nhưng ông cố từ, vì vậy chuyển ông làm Thượng thư Lễ bộ kiêm quản lý công việc Khâm thiên giám. [92, tr.840, 842]
Tháng 5 năm 1813, nhà vua đi tuần giá ở Quảng Nam, Trịnh Hoài Đức được giao nhiệm vụ ở lại giữ kinh thành [92, tr.862]. Cuối năm này, ông được chuyển làm Thượng thư Lại bộ [92, tr.871]. Sau đó lại một lần nữa phong ông làm Hiệp tổng trấn thành Gia Định để giúp việc cho Tổng trấn thành Gia Định Nguyễn Huỳnh Đức vào năm 1816 [92, tr.938], và đến năm 1820, ông quyền lĩnh chức Tổng trấn Gia Định thay cho Nguyễn Văn Nhân. [93, tr.45]
Tháng 6 năm 1820, Trịnh Hoài Đức được vua Minh Mệnh triệu về kinh cho lĩnh chức Thượng thư Lại bộ như cũ [93, tr.69]. Tại đây, ông hội ngộ hai người con của cố tri Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định và có ý định cho san khắc tập thơ của ba người. [theo Gia Định tam gia thi tự]
Năm 1821, ông được sung chức Phó tổng tài Quốc sử quán tham gia soạn sách tại Quốc sử quán [93, tr.133]. Tháng 8 năm này, ông vinh hạnh được phong Hiệp biện đại học sĩ, lĩnh chức Thượng thư Lại bộ kiêm lĩnh Thượng thư Binh bộ và ban hàm nhất phẩm [93, tr.148-149]. Năm sau, 1822, ông lại làm Chủ khảo trường thi Hội đầu tiên, sung độc quyển ở kỳ thi Cống sĩ trong điện Cần Chánh [93, tr.197, 208]. Cuối năm này, ông lại vừa lĩnh chức Thượng thư Lại bộ vừa lĩnh chức Thượng thư Lễ bộ [93, tr.244]. Cũng trong năm ấy, ông cho san khắc xong tập thơ Gia Định tam gia thi.
Những năm cuối đời, Trịnh Hoài Đức vẫn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Minh Mệnh và được nhiều ân sủng từ triều đình.
Năm 1823, ông bị bệnh, dâng biểu xin về Nam thăm gia đình, vua Minh Mệnh có ý không muốn ông đi, sai Phạm Đăng Hưng đến uỷ lạo, ban nhân sâm… [93, tr.297-298] nhưng rồi cũng chiều ý cho về Gia Định ba tháng [93, tr.308]. Sau đó được triệu về kinh giữ chức như cũ. Mặc dù sức khoẻ yếu, nhưng Minh Mệnh vẫn giao ông giữ chức Tổng tài Quốc sử quán để biên soạn Ngọc điệp tôn phả, đồng thời còn giao ông trông coi công việc Thương bạc (1824). [92, tr.368, 390]
Tháng 2 năm 1825, Trịnh Hoài Đức mất. Vua cho bãi triều ba ngày và truy tặng chức Thiếu bảo Cần Chánh điện Đại học sĩ (trật Chánh nhất phẩm), ban tên thuỵ là Văn Khác. Linh cữu ông được đưa về Gia Định chôn cất. Ngày đưa tang, vua cho Hoàng thân Miên Hoành đến nhà riêng vâng mệnh cho rượu, lại phái 400
quân Thần sách đưa đến bến đò sông Hương [93, tr.402]. Linh cữu đưa về đến Gia
Có thể bạn quan tâm!
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 2
- Công Tác Văn Bản Học: Tiếp Nhận Thành Quả Của Những Công Trình Nghiên Cứu Trước Đây, Chúng Tôi Tiếp Tục Khảo Sát, Chỉnh Lý Văn Bản Thơ Tam Gia Hiện
- Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Gia Định Tam Gia
- Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Lê Quang Định
- Vấn Đề Phiên Dịch, Giới Thiệu Thơ Gia Định Tam Gia
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 8
Xem toàn bộ 409 trang tài liệu này.
Định, Tổng trấn Lê Văn Duyệt thân hành đến viếng. [94, tr.214].
Cuộc đời Trịnh Hoài Đức dẫu làm quan đạt đến đỉnh cao của danh vọng nhưng ông sống cuộc sống thanh liêm, giản dị. Những năm về già, ông mới được vua Nguyễn cho xây Quỳ viên ở cửa Đông thành để làm nhà riêng của ông tại Kinh. Phần mộ của ông hiện toạ lạc ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hoà,
cùng với phần mộ của vợ ông, được xây theo hình lân phục. Phía trước có câu đối: “Sơn thuỷ hữu tình thành quyến thuộc, Càn khôn vô vực thị gia hương” (Non nước hữu tình thành quyến thuộc, Đất trời đâu chẳng là quê hương).
Phu nhân Trịnh Hoài Đức là bà họ Lê, có hai người con là Như và Cận. [164, tr.1139]. Nhưng qua thơ của Trịnh Hoài Đức, người viết nhiều và ghi chép khá kỹ về gia đình, chúng ta có thể thấy ông có mấy người con trai: Thiên Tính, Thiên Nhiên, Thiên Hoá. Trong đó, Thiên Nhiên Tình Xuyên làm đến chức Hàn Lâm viện biên tu, là người kiểm hiệu tập thơ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức.
Con trai trưởng của Trịnh Hoài Đức là Thiên Tính, mất năm 1801, bấy giờ Trịnh Hoài Đức đang ở binh trường, nên ông làm bài thơ rất thống thiết: Binh trường đắc trưởng tử Thiên Tính vong tín trong Cấn Trai Thoái thực truy biên.
Còn con thứ ba của ông là Thiên Hoá thì mất vào ngày 24-7 năm Mậu Dần (1818) được tác giả có bài thơ viết về sự kiện này với tựa Thương đệ tam tử Thiên Hoá trong Cấn Trai Khả dĩ tập.
Ngoài ra, qua bia mộ của Trịnh Hoài Đức dựng vào tháng 11 năm Ất Dậu, chúng tôi thấy có tên Tình Xuyên Trịnh Thiên Nhiên dựng bia. Bên cạnh mộ của Trịnh Hoài Đức là mộ của phu nhân họ Lê, trong bia này chúng tôi thấy có ba người con lập bia là: Trịnh Thiên Phúc, Trịnh Thiên Nhiên và Trịnh Thiên Bảo.
Như vậy, Trịnh Hoài Đức có ít nhất là năm người con trai: Thiên Tính, Thiên Hoá, Thiên Nhiên, Thiên Phúc, Thiên Bảo. Còn tên Như và tên Cận mà Liệt truyện chép, chúng tôi chưa rõ là ai trong số họ.
1.2.1.3. Sự nghiệp văn chương
德爲人謹慎風度沉整學問博洽議論常持大體德業文章爲世推重所著有嘉定通志艮齋詩集北使詩集嘉定三家詩集行世 “Đức vi nhân cẩn thận, phong độ
trầm chỉnh, học vấn bác hợp, nghị luận thường trì đại thể, đức nghiệp văn chương
vi thế suy trọng. Sở trứ hữu Gia Định thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia
Định tam gia thi tập hành thế” (Đức làm người cẩn thận, phong độ trầm tĩnh, nghiêm chỉnh, học vấn uyên bác, nghị luận bàn bạc thường giữ gìn đại thể, đức độ, công tích, văn chương đều được đời nể trọng. Trứ tác của ông (Trịnh Hoài Đức – LQT chú) có Gia Định thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập lưu hành ở đời). [164, tr.1138-1139]
Năm 1820, vua Minh Mệnh lại xuống chiếu tìm sách cũ. Lần này, Trịnh Hoài Đức có dâng sách Gia Định thông chí và Minh bột di ngư văn thảo [93, tr.63]. Năm 1822, Trịnh Hoài Đức lại dâng sách Khang tế lục và Lịch đại kỷ nguyên [93, tr.231].
Căn cứ vào ghi chép của Thực lục, Liệt truyện trên, và căn cứ vào bài Tự tự (tự đề tựa Cấn Trai thi tập) của Trịnh Hoài Đức, mà có người cho rằng tác phẩm của Trịnh Hoài Đức có Gia Định thông chí, Khang tế lục, Lịch đại kỷ nguyên, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Hoa trình lục, Gia Định tam gia thi tập, Minh bột di ngư văn thảo.
Nhưng tác phẩm Minh bột di ngư văn thảo không phải là của Trịnh Hoài Đức, mà ông chỉ là người viết tựa và tập hợp thơ của Mạc Thiên Tích từ lâu bị mai một như Ngạc Xuyên đã làm rõ trong bài viết “Minh bột di ngư, một cuốn sách hai thi xã”.
Bắc sứ thi tập chính là Quan quang tập sau này Trịnh Hoài Đức đưa vào Cấn Trai thi tập của ông. Vấn đề là liệu những tác phẩm như Khang tế lục, Lịch đại kỷ nguyên và Hoa trình lục có phải là của Trịnh Hoài Đức hay không? Với tình hình tư liệu hiện nay chưa cho phép chúng ta đoán định nó có phải là của ông không, hay như trường hợp của Minh bột di ngư văn thảo, bởi chúng ta chưa tìm thấy các tác phẩm này.
Còn Gia Định tam gia thi tập chỉ là tập thơ chung của ông và Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh. Tập thơ này gồm Cấn Trai thi tập của ông đã cho khắc bản trước đây, đồng thời cho khắc thêm Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định và Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh vào phía sau, đặt tựa chung là Gia Định tam gia thi như lời ông nói trong bài tựa Gia Định tam gia thi tự mà chúng tôi đã có dịp trình bày.
Từ những trình bày trên, chúng tôi cho rằng tác phẩm còn lại của Trịnh Hoài
Đức gồm:
Địa dư:
- Gia Định (thành) thông chí quyển sách địa chí có giá trị về Nam Bộ, gồm 6 quyển: quyển 1- Tinh dã chí, quyển 2- Sơn xuyên chí, quyển 3- Cương vực chí, quyển 4- Phong tục chí, quyển 5- Sản vật chí, quyển 6- Thành trì chí. Đây là tài liệu cần thiết để triều Nguyễn biên soạn các bộ sử như Thực lục (tiền biên, chính biên đệ nhất kỷ và đệ nhị kỷ), Liệt truyện (tiền biên, chính biên sơ tập), và Đại Nam nhất thống chí. Tác phẩm này được người Pháp là G. Aubaret dịch ra Pháp văn và xuất bản ở Paris vào năm 1863.
Thơ văn chữ Hán:
- Một số bài văn bia chép trong Đại Nam anh nhã tiền biên, bài tựa Minh bột di ngư văn thảo, bài tự đề tựa cho tập thơ của ông tức Tự tự, bài đề tựa cho tập Gia Định tam gia thi tức Gia Định tam gia thi tự.
- Cấn Trai thi tập gồm 3 phần: Cấn Trai Thoái thực truy biên, Cấn Trai Quan quang tập, Cấn Trai Khả dĩ tập (chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở dưới).
- Ngoài ra, Trịnh Hoài Đức còn có bài thơ chữ Hán viết tặng hoà thượng Viên Quang theo thể ngũ ngôn cổ phong thấy chép trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong [82, tr.27-28,], bài thơ này đã được Cao Tự Thanh dịch giới thiệu trên Tập văn Phật đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số 23, tháng 4-1992. Trong Gia Định thành thông chí, bản dịch của Lý Việt Dũng, cũng có chép bài này tên là Ngũ ngôn cổ điệu thi vân [29, tr.328- 330].
Thơ chữ Nôm:
- Thơ Nôm làm lúc đi sứ gồm 20 bài thất ngôn bát cú liên hoàn. (Lê Quang Chiểu sưu tầm được 18 bài liên hoàn và 01 bài Từ giã mẹ đi sứ in trong Quốc âm thi hiệp tuyển. Sau đó Cao Tự Thanh trong đợt điền dã tại Long An đã sưu tầm đủ 20 bài thơ Nôm liên hoàn của Trịnh Hoài Đức).
- Trong Văn đàn bảo giám xuất bản năm 1968, Trần Trung Viên sưu tập, có sưu tầm được hai bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức là Tạ mẹ đi sứ (cũng chính là bài Từ giã mẹ đi sứ, hoặc còn có tên là Từ mẹ đi sứ Tàu) và bài Qua đèo Hải Vân.
Như vậy số thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức tổng cộng có 22 bài.
1.2.2. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Nhân Tĩnh
1.2.2.1. Xác định năm sinh năm mất của Ngô Nhân Tĩnh
Về năm sinh năm mất của Ngô Nhân Tĩnh, nhiều công trình để trống như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tổng tập văn học Việt Nam [72, tr.583], [99, tr.26]… Những công trình khác thì chỉ ghi năm mất là 1813 như Những danh sĩ miền Nam, Từ điển văn học, Tiến trình văn nghệ miền Nam, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới [43, tr.61], [44, tr.1072], [113, tr.88], [114, tr.169], hoặc ghi năm sinh của ông là 1761, năm mất là 1813 như Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh [36, tr.65], [124]… Vẫn có những trường hợp ghi năm mất của Ngô Nhân Tĩnh là năm 1816 [114, tr.167] và năm sinh của ông là 1760 nhưng chưa đi đến xác quyết [8, tr.249].
Theo sách Liệt truyện, vào năm Gia Long thứ 12 (1813), “ông cùng với Lê Văn Duyệt đi hộ tống quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân về nước. Đến khi trở về hoặc có người nói là Tĩnh nhận của cho riêng, Duyệt tin thực đem việc ấy tấu lên, vua cho là không có sự thực, bỏ đi. (…) Mùa đông năm ấy, ốm chết. Trịnh Hoài Đức tâu giúp xin truy tặng, vua không cho.” [94, tr.216]
Sách Thực lục, chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 97 (XLVII) thì chép: “Hiệp tổng trấn Gia Định là Ngô Nhân Tĩnh chết” [92, tr.868] cũng vào năm Gia Long thứ 12 (Quý Dậu, 1813).
Cả hai sách trên đều chép Ngô Nhân Tĩnh mất vào mùa đông năm Quý Dậu, Gia Long thứ 12 tức năm 1813. Như vậy, năm mất của Ngô Nhân Tĩnh, ta có thể xác định được là năm 1813.
Còn về năm sinh của ông, cả hai sách đều không thấy chép. Vì thế, để xác định năm sinh của Ngô Nhân Tĩnh, ngoài việc tìm kiếm những ghi chép trong Liệt truyện và Thực lục, chúng tôi còn khảo sát qua những ghi chép của Trịnh Hoài Đức, một người vừa cùng thời, vừa như là người em, vừa là người bạn đồng hương, đồng liêu.
Trong lời bài Tự tự của Trịnh Hoài Đức có câu: “… dư dĩ Nhân Tĩnh thả trưởng tứ tuế toại dĩ thế huynh xưng chi 余 以 仁 靜 且 長 四 歲 遂 以 世 兄 稱 之 ” (… tôi, vì Nhân Tĩnh lớn hơn chừng 4 tuổi nên bèn gọi là anh). Nếu chấp nhận
Trịnh Hoài Đức sinh năm 1764 như cách suy luận mà chúng tôi trình bày trên, thì Ngô Nhân Tĩnh sinh năm Canh Thìn 1760.
Vậy chúng ta có thể xác định rằng Ngô Nhân Tĩnh sinh năm Canh Thìn, 1760, mất năm Quý dậu, 1813.
1.2.2.2. Cuộc đời Ngô Nhân Tĩnh
Ngô Nhân Tĩnh (1760-1813), tự Nhữ Sơn, hiệu Thập Anh, sau được phong tước Tĩnh Viễn hầu, thuỵ Túc Giản - người sau này sẽ cùng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định kết làm bạn đồng môn, đồng liêu và gắn bó nhau - được sinh trên đất Gia Định, trong gia đình người Minh Hương. Tổ tiên của ông ở Quảng Đông, Trung Quốc, cuối đời Minh di cư đến đất này.
Thuở nhỏ, ông cùng với Trịnh Hoài Đức theo học trường của Xử sĩ Võ Trường Toản, theo đòi bút nghiên, thi phú, rồi cùng Trịnh Hoài Đức tập hợp các bạn yêu thơ văn lập nên thi xã Bình Dương [94, tr.205], hay còn gọi là Gia Định Sơn Hội [theo Tự tự]1.
Từ năm 1782-1784, trong 3 năm, Tây Sơn lại ba lần liên tiếp đánh vào Gia Định. Nguyễn Ánh có khi phải trốn ra đảo Phú Quốc, rồi phải sang Xiêm cầu viện… Trong cuộc chiến loạn giữa quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn, sự kiện quân Hoà Nghĩa giết chết tướng Tây Sơn là Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương, đã dẫn đến việc Nguyễn Nhạc tấn công vào Vườn Trầu (Hóc Môn) tàn sát lính Hoà Nghĩa và thương nhân Hoa kiều. Chính sự kiện này hẳn đã ảnh hưởng đến chuyến đi tránh loạn sang Quảng Đông của Ngô Nhân Tĩnh năm 1782, được phản ánh trong bài thơ Tống Ngô Nhữ Sơn chi Quảng Đông của Trịnh Hoài Đức.
Năm 1788, sau khi Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định, mở phủ Nguyên soái, tuyển dụng nhân tài, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu… ra ứng thí và được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo. Không thấy sử chép tên Ngô Nhân Tĩnh trong đợt ra ứng thí lần này, nhưng theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong bài tựa cho tập thơ Gia Định tam gia thi, thì các ông cùng ra ứng thí, được bổ chức Hàn lâm thị học.
Năm Mậu Ngọ (1798), Lưu trấn Diên Khánh Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường dâng sớ xin cho người đi sứ Trung Quốc một mặt nói rõ tình hình của Tây Sơn, một mặt ngầm dò tìm tin tức vua Lê, đề cử Ngô Nhân Tĩnh và Phạm Thận. Ngô Nhân Tĩnh đang giữ chức Hàn lâm viện thị học được thăng làm Tham tri Binh
1 Theo Trịnh Hoài Đức, Tự tự trong Cấn Trai thi tập, bản chữ Hán, ký hiệu A.1392, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, lưu trữ, tờ 4a.
bộ, phụng mệnh mang quốc thư theo thuyền buôn người Thanh sang Quảng Đông, để hỏi thăm tin tức vua Lê, nhưng giữa đường nghe tin vua Lê băng bèn trở về. [92, tr.367-368, 370]. Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức (Tống Binh bộ Tham tri Tĩnh Viễn hầu Ngô Nhữ sơn phụng sứ tự dẫn), thì giữa đường đi sứ, Ngô Nhân Tĩnh gặp quân phiến loạn Bạch Liên giáo nổi loạn ở Tứ Xuyên nên đường bị tắc đành nấn ná thời gian, lại được tin vua Lê đã mất bèn quay về.
Trên chặng đường đầy gian khổ này, Ngô Nhân Tĩnh đã sáng tác nhiều thơ với những người bạn ở Trung Quốc, nhưng kín đáo bày tỏ nỗi niềm của người bầy tôi xa chiến tuyến, mong chúa biết đến tấm lòng của mình và giãi bày tâm trạng phải lưu lạc nơi xứ người như một cái tội khi bạn bè ông đang ở chiến trận giữa quê nhà.
Năm Kỷ Mùi (1799), ông được đề cử sang Lưỡng Quảng, Trung Quốc để bàn về việc nạp cống và tạ ơn vua quan triều Thanh đã chu cấp lương thực cho quan quân của nhà Nguyễn bị bão trôi giạt vào năm 1798. Bấy giờ Trịnh Hoài Đức đang lo việc quân lương ở vịnh biển trấn Bình Hoà, ông đã đón đoàn sứ giả và tặng ba bài thơ cho Ngô Nhân Tĩnh với ý chúc công việc thành tựu.
Năm sau, Canh Thân (1800), Tham tri Binh bộ Ngô Nhân Tĩnh được sai lãnh đem các thức chè Tàu, thuốc lá Xiêm, cá khô tôm khô chia cấp cho các tướng sĩ ở Thị Dã. [92, tr.419]
Giữa năm Nhâm Tuất, Gia Long thứ 1 (1802), Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, lên ngôi vua. Bấy giờ, lấy Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư Hộ bộ, sung chánh sứ sang nước Thanh, Ngô Nhân Tĩnh làm Hữu tham tri Binh bộ, Huỳnh Ngọc Uẩn làm Hữu tham tri Hình bộ sung chức phó sứ, đem quốc thư và phẩm vật, lại đem cả ấn sách đã bắt được do người Thanh phong cho Tây Sơn, cùng bọn giặc biển Tề Ngôi là Mạc Quang Phù, Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài, đi hai thuyền Bạch yến và Huyền hạc vượt biển đến cửa Hổ Môn tỉnh Quảng Đông để nộp. [92, tr.495-496]. Chính trên chặng đường hơn hai năm này, ông cùng các bạn Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Huỳnh Ngọc Uẩn… sáng tác khá nhiều thơ.
Năm 1804 sứ đoàn về đến Thăng Long, chuẩn bị tiếp đón đoàn sứ Trung Quốc.
Ông và Trịnh Hoài Đức được nhận mệnh tham dự.
Năm Đinh Mão, Gia Long thứ 6 (1807), Ngô Nhân Tĩnh được sung làm Chánh sứ cùng với Phó sứ Trần Công Đàn mang sắc ấn đến thành La Bích ban phong cho Nặc Chân làm quốc vương nước Chân Lạp [94, tr.215]. Tháng 3 năm Kỷ Tỵ, Gia
Long thứ 8 (1809), đặt ba trường diễn bắn súng, họp các quân Thị trung và Thần sách diễn thi. Phó tướng quân Thần võ Trần Quang Thái và Tham tri Binh bộ Ngô Nhân Tĩnh cùng Thiêm sự Bùi Công Kim làm giám khảo Hữu trường Thị trung. [92, tr.748]
Năm Tân Mùi, Gia Long thứ 10 (1811), Hữu tham tri Binh bộ Ngô Nhân Tĩnh lãnh chức Hiệp trấn Nghệ An. [92, tr.807]. Trên đường ra Nghệ An nhậm chức, ông được Nguyễn Du làm thơ tặng ca ngợi tài thơ của Ngô Nhân Tĩnh đồng thời mong ông giúp đỡ nhân dân. Trong thời gian làm quan, ông sống cuộc sống thanh liêm, giản dị, đuổi kẻ sâu mọt, dân được yên. Nhìn thấy nỗi khổ của nhân dân, ông dâng sớ tâu nỗi khổ của dân, xin giảm thuế, được vua y cho. Không những thế, ông còn đóng góp cho văn hoá địa phương với việc sai Đốc học Bùi Dương Lịch làm tập Nghệ An phong thổ ký [94, tr.215-216] và chính ông là người hiệu đính sách này. Năm Nhâm Thân, Gia Long thứ 11 (1812), Ngô Nhân Tĩnh ốm nặng, dâng biểu xin về nam. Mùa hạ tháng tư năm ấy, Ngô Nhân Tĩnh được phong làm Thượng thư Công bộ Hành hiệp Tổng trấn Gia Định. Trong thời gian này ông kiểm tra lệ thuế tiền thóc sản vật ở các trấn đạo thuộc thành và giúp Lê Văn Duyệt ổn định tình hình ở Gia Định. [92, tr.833,835,843]
Năm Quý Dậu, Gia Long thứ 12 (1813), triều Nguyễn chiếu cho Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt và Hiệp Tổng trấn Ngô Nhân Tĩnh đại phát thuỷ binh hơn 13.000 người đem quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân về nước [92, tr.860]. Sau khi xong việc trở về, có người vu oan ông ăn của lót riêng nên Nguyễn Gia Long lạnh nhạt với ông, mặc dù sự việc không được điều tra vì Nguyễn Gia Long cho rằng chuyện không có chứng cứ. Nhưng chính vì thế, khiến ông không yên lòng, buồn bã, nhuốm bệnh và mất tại Gia Định vào tháng mùa đông năm 1813. [92, tr.868]
Sách sử không ghi chép về đám tang của ông, có lẽ do lòng lạnh nhạt của vua Gia Long đối với Nhân Tĩnh. Khi ông mất, Trịnh Hoài Đức xin truy tặng, nhưng vua không cho. Về cái chết của Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức đã có bài thơ khóc bạn rất thống thiết (Văn Gia Định thành Hiệp Tổng trấn Tĩnh Viễn hầu Ngô Nhữ Sơn Công bộ Thượng thư phó âm ai tác).