Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 2


Việc sưu tầm, chỉnh lý và dịch thuật tư liệu thơ Tam gia một cách có hệ thống và hoàn chỉnh để chuẩn bị xuất bản công trình thơ Gia Định tam gia là việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm cung cấp tư liệu khả tín cho những ai muốn tìm hiểu về ba nhà thơ này từ nhiều phương diện khác nhau.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu thơ Gia Định tam gia. Một mặt, luận án đi vào tìm hiểu những giá trị về nội dung, nghệ thuật thơ Tam gia trong giai đoạn hậu kỳ trung đại, đặc biệt là văn học Hán Nôm ở vùng Nam Bộ. Mặt khác, công trình này còn dịch thuật chú giải thơ của Tam gia góp thêm nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

2.1. Trước năm 1975, do nhiều nguyên nhân, thơ Gia Định tam gia chưa được chú ý khai thác giới thiệu. Năm 1903, Lê Quang Chiểu, một nhà thơ thời cận đại, bắt đầu công bố 18 bài thơ Nôm liên hoàn được cho là của Trịnh Hoài Đức làm trong thời gian đi sứ trong công trình Quốc âm thi hiệp tuyển [10, tr.12-18]. Tuy nhiên, theo Cao Tự Thanh, 18 bài thơ này chỉ mới có liên nhưng chưa hoàn. Trong đợt điền dã ở Long An, tình cờ ông có được bản chép tay chùm thơ liên hoàn này gồm 20 bài [36, tr.80]. Sau đó, trên báo Tân văn, số 8-1935, có giới thiệu một bài thơ Nôm Từ giã mẹ đi sứ của Trịnh Hoài Đức [113, tr.90].

Trong công trình Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, có nhắc đến Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh là những nhà thơ, danh thần triều Lê Mạt - Nguyễn Sơ với thông tin sơ giản [38, tr.345].

Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa, xuất bản năm 1957, có nhận xét về Gia Định tam gia là “những bậc công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt Nam” [98, tr.34].

Sách Võ Trường Toản, phụ Gia Định tam gia của Nam Xuân Thọ, Tân Việt xuất bản ở Sài Gòn năm 1957 cũng có giới thiệu đôi nét về Gia Định tam gia [118].

Việt Nam đại quan của Lý Văn Hùng xuất bản năm 1963 tại Sài Gòn, bằng tiếng Hoa, có giới thiệu về tiểu sử hành trạng của Trịnh Hoài Đức theo dạng niên biểu [163, tr.56].

Tác giả Huỳnh Minh trong sách Gia Định xưa, cũng dành một phần giới thiệu về Gia Định tam gia, Gia Định Sơn Hội, đồng thời trích dẫn vài bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức [74, tr.119-124, 311]…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 409 trang tài liệu này.


Trong những công trình này, chủ yếu vẫn bước đầu giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm thơ của Gia Định tam gia. Hẳn nhiên với tình hình như vậy, chúng ta chưa thể tiến hành nghiên cứu thơ của các ông bởi các tư liệu vẫn chưa được công bố giới thiệu và chuyển dịch sang chữ quốc ngữ một cách đầy đủ.

Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 2

Năm 1963, giáo sư Huỳnh Lý (chủ biên) biên soạn công trình Hợp tuyển thơ văn Việt Nam nhằm mang lại cho người đọc cái nhìn toàn cảnh văn học Việt Nam. Công trình này được Nxb. Văn học tái bản lần đầu vào năm 1978. Trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 3, Gia Định tam gia được xem như một đại biểu trong dòng thơ chữ Hán ở Nam Bộ với lời nhận xét:

“Với triều Nguyễn, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, và sau một ít, Lý Văn Phức không có tư tưởng phản kháng thực tại; trái lại họ thừa nhận đạo đức phong kiến một cách êm thấm, nhiều khi họ biểu dương cuộc sống trước mắt…. Giá trị tác phẩm của họ là ở chỗ khác: có người có ý thức phát huy cảnh giàu đẹp của đất nước, tài hay của đồng bào, tóm lại biểu dương dân tộc; có người ghi chép sự việc lịch sử một cách sinh động với tất cả lòng thiết tha của mình;…” [72, tr.29-30].

Văn đàn bảo giám (trọn bộ 4 tập) do Trần Trung Viên sưu tập, Hư Chu hiệu chú, Mặc Lâm xuất bản năm 1968 có dẫn hai bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức ở tập 4: Qua đèo Hải Vân, Tạ mẹ đi sứ. [140, q.4, tr. 36, 37]

Năm 1970, khi nghiên cứu đến văn học miền Nam, văn học Hà Tiên, nhà nghiên cứu Đông Hồ trong công trình Văn học miền Nam, Văn học Hà Tiên cũng có nhắc đến Trịnh Hoài Đức nhưng trên cơ sở làm cứ liệu để nghiên cứu về nhóm thơ Tao đàn Chiêu Anh Các [45].

Khi biên soạn lược sử về Biên Hoà, Lương Văn Lựu cũng dành một phần nói về tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức trong Biên Hoà sử lược toàn biên. Đồng thời ông cũng thêm phần nhận xét về giá trị văn học và sử học các tác phẩm của Trịnh Hoài Đức [67].

Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà có nhận xét về Trịnh Hoài Đức như sau: “… đối với triều Nguyễn là bậc danh thần hạng nhất, về phần lập ngôn với những sáng tác kể trên, thì lại là một người của thiên hạ hậu thế vậy” [97]. Cũng trong công trình này, ông dành nhiều trang viết về Trịnh Hoài Đức, trong đó còn bình luận và giới thiệu được 13 bài thơ chữ Hán trong Thoái thực truy biên và phiên


âm 18 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức, nhưng vẫn chưa thể giới thiệu thơ của Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định.

2.2. Sau năm 1975, những công trình nghiên cứu có liên quan đến Gia Định tam gia đã xuất hiện nhiều hơn. Đã có những công trình giới thiệu và nghiên cứu về thơ của Gia Định tam gia riêng biệt, bên cạnh những công trình, bài viết mang tính chất tổng quan.

Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần Khuê với mục đích tái hiện Sài Gòn – Gia Định xưa thông qua thơ văn, trong công trình Sài Gòn – Gia Định qua thơ văn xưa, xuất bản năm 1987, giới thiệu 07 bài thơ của Trịnh Hoài Đức ở phần Thơ văn chữ Hán, phần hai của tập sách [149, tr.87-104].

Công trình nghiên cứu Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, do Giáo sư Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên với sự tham gia của các nhà nghiên cứu uy tín, xuất bản từ năm 1987-1990, là một công trình nghiên cứu toàn diện về lịch sử, xã hội, tư tưởng, tôn giáo, văn học nghệ thuật… ở Gia Định. Trong tập II, có bài “Văn học Hán Nôm ở Gia Định” của Cao Tự Thanh [36, tr.55-129], tác giả đã khái quát diện mạo văn học Hán Nôm trong tiến trình văn hóa ở Gia Định, đồng thời trích dẫn thơ của Tam gia Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định.

Năm 1990, Những danh sĩ miền Nam của Hồ Sĩ Hiệp và Hoài Anh cũng dành nhiều trang viết về tác giả và điểm qua tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh với những nhận xét xác đáng [43, tr.43-53, 54-60, 61-68]. Nhưng trong công trình này, chủ yếu giới thiệu thân thế sự nghiệp các tác giả, vẫn chưa giới thiệu gì thêm thơ của Tam gia.

Nguyễn Q. Thắng trong Tiến trình văn nghệ miền Nam xuất bản năm 1990

[113] cũng có giới thiệu về tác giả, tác phẩm Gia Định tam gia với ý nghĩa dựng lại chân dung của nhà văn nhà thơ ở Gia Định.

Năm 1993, Đỗ Văn Hỷ cho xuất bản tập sách Người xưa bàn về văn chương

[47] như một sự tiếp nối công việc mà các tác giả đã làm trong cuốn sách Từ trong di sản xuất bản năm 1981 trước đó [105]. Với tinh thần sưu tầm giới thiệu những phát biểu bàn luận văn chương của người xưa, tác giả có trích dịch bài tựa của Bùi Dương Lịch viết cho tập thơ Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, với tựa “Tựa Ngô Hiệp Trấn Tĩnh Viễn hầu thi tập” rút từ Tồn Trai ốc lậu thoại thi văn của Bùi Dương Lịch (ký hiệu VHv.89) [47, tr.32.33], và bài bạt của Ngô Thì Vị viết cho tập


thơ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức với tên “Bài bạt Cấn Trai thi tập” [47, tr.108-111].

Năm 1997, công trình Tổng tập văn học Việt Nam, tập 16, cũng có giới thiệu tiểu sử tác giả, tác phẩm của Tam gia [99, 15-34]. Số bài thơ của Tam gia trong Tổng tập này trích lại từ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam nói trên. Mặc dù công trình là tổng tập văn học Việt Nam, nhưng số lượng thơ của Tam gia được trích dịch in trong này lại quá ít so với số lượng sáng tác thơ của Tam gia. Điều đó cho thấy việc biên dịch các tác phẩm văn học Hán Nôm, đặc biệt Hán Nôm ở Nam Bộ vẫn còn hạn chế. Vả lại còn cho thấy, vị trí của Tam gia trong văn học sử Việt Nam là chưa được đánh giá thoả đáng.

Biên Hoà-Đồng Nai, 300 năm hình thành và phát triển, Lâm Hiếu Trung chủ biên, Nxb. Đồng Nai, 1998, trong bài phát biểu của Nguyễn Văn Linh “Biên Hoà Đồng Nai, vùng đất giàu truyền thống và tiềm năng” [125, tr.6c-6f], và bài “Phát huy truyền thống 300 năm, Biên Hoà bước vào thế kỷ 21” của Nguyễn Thị Minh Hoàng, [125, tr.6g-6n], đều có nhắc đến Trịnh Hoài Đức như một nhà văn hoá, văn học lớn tiêu biểu của vùng Nam Bộ. Cũng trong công trình này, các tác giả dành một phần biên khảo tiểu sử của Trịnh Hoài Đức [125, tr.413-415].

Năm 2004, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia cho ra đời bộ sách Tinh tuyển văn học Việt Nam (gồm 8 tập, 11 quyển), trong đó, tập 6 do PGS. Hoàng Hữu Yên chủ biên có tuyển thơ của Gia Định tam gia, tuy nhiên một số tư liệu về Tam gia trong tập sách này vẫn sử dụng lại tư liệu trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX nên cũng không có gì mới. [131, tr.76- 99].

Cũng trong năm này, Từ điển văn học (bộ mới) do nhóm Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên xuất bản năm 2004, có mục từ về Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức với những nhận xét về sự nghiệp và thơ ca của các ông khá thoả đáng [44, tr.829-830, 1072-1073, 1823].

Năm 2005, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Gia Định tam gia của tác giả Hoài Anh [8], xuất bản nhân dịp trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai, cũng đóng góp đáng kể vào công việc nghiên cứu thơ của ba nhà Trịnh, Ngô, Lê. Có thể nói, đây là công trình biên khảo về thơ Gia Định tam gia nhiều nhất từ trước đến nay.


Năm 2007, Nguyễn Q. Thắng tiếp tục công trình Tiến trình văn nghệ miền Nam xuất bản trước đây biên soạn bộ Văn học Việt Nam, nơi miền đất mới. Trong tập 1 của công trình này, ông lại giới thiệu và bổ sung thêm tư liệu về tác giả tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định [114].

Trong 10 thế kỷ bàn luận về văn chương (từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XX) 3 tập, Nxb. Giáo dục xuất bản năm 2007, nhóm tác giả Phan Trọng Thưởng lại sưu tập tuyển chọn những tác phẩm bàn luận về văn chương của cha ông trong mười thế kỷ qua, trong đó trích lại bài Bài bạt Cấn Trai thi tập của Ngô Thì Vị, đồng thời dẫn thêm bài tựa của Quỳ Giang Nguyễn Địch Cát viết cho tập thơ Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh [121, tr.152-154, 226].

Cũng trong năm 2007, công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử, có bài viết “Văn học Đàng Trong” của Cao Tự Thanh, thêm một lần nữa đề cập đến Gia Định tam gia trong dòng chảy văn học Đàng Trong. Bài viết đi sâu phân tích tình hình lịch sử, tình hình văn học Hán Nôm từ phương diện nội dung, đồng thời phác hoạ những nét nghệ thuật của văn học Hán Nôm Đàng Trong [148, tr.270-346].

2.3. Những bài viết đăng trên các báo và tạp chí liên quan đến việc nghiên cứu tác giả tác phẩm Gia Định tam gia cũng chưa nhiều.

Trên báo Tân văn tuần báo năm 1935 có giới thiệu bài thơ Từ giã mẹ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, báo Đại Việt tập chí năm 1941 đã bắt đầu trích đăng giới thiệu thơ của Trịnh Hoài Đức. Nguyễn Triệu với bài “Công thần triều Nguyễn: Ngô Nhân Tĩnh” đăng trên tuần báo Tri Tân, số 6, ngày 8-7-1941, trong bài viết này chủ yếu là ông phát hiện nơi toạ lạc phần mộ của Ngô Nhân Tĩnh [124].

Biểu Chánh Hồ Văn Trung trong bài viết Gia Long khai quốc văn thần, đăng trên Đại Việt tập chí, số 47, năm 1944, khảo về lược sử của các văn thần triều Nguyễn Gia Long trong đó có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh [12, tr.19-27, tr.28-31, tr. 32-35].

Nguyễn Khuê với bài Trịnh Hoài Đức và Cấn Trai thi tập đăng trên tập san Lửa Thiêng, số 2, tháng 2 năm 1975, được in lại trong Ba mươi năm cầm bút, giới thiệu về tiểu sử, hành trạng của Trịnh Hoài Đức và tập thơ Cấn Trai thi tập một cách tỉ mỉ và công phu [53, tr.332-354].


Nguyễn Khuê với bài “Mai Sơn tự và Mai Khâu tự” đăng trên Tập văn số 20, Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1991, trong bài viết tác giả đề cập đến vấn đề vị trí của hai ngôi chùa, đồng thời giới thiệu một số bài thơ về chùa gò Cây Mai của Trịnh Hoài Đức để làm cứ liệu cho nhận định của mình [53, tr.9-17].

Cao Tự Thanh với bài “Về bài thơ của Trịnh Hoài Đức tặng hoà thượng Viên Quang” đăng trên Tập văn Phật đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số 23, tháng 4- 1992 [107] trong bài viết đã giới thiệu lại và dịch toàn bộ bài thơ này của Trịnh Hoài Đức thấy chép trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong [82].

Trên Tạp chí Văn, số 20, năm 1992 có bài viết “Bình Dương thi xã” của Vân Đằng Trần Văn Rạng với nội dung giới thiệu về Bình Dương thi xã và những thành viên trong nhóm thơ này, trong đó có Gia Định tam gia [96]. Sau đó, Cao Tự Thanh với bài viết “Mấy ý kiến trao đổi lại về bài Bình Dương thi xã” đăng trên Tạp chí Văn, số 21, 8-1992, đã đính chính những lầm lẫn của tác giả Vân Đằng, đồng thời đưa ra những tư liệu về nhóm Sơn Hội của Trịnh Hoài Đức là xác đáng, thuyết phục [106].

Nguyễn Đăng Na trong bài viết “Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 03 (397), 2005, với mục đích giới thiệu về những lời bình của Nguyễn Du về thơ của Lê Quang Định, để từ đó cho rằng Nguyễn Du không những là nhà thơ lớn của dân tộc mà còn là nhà phê bình thơ ca, đồng thời có đưa ra vài nhận xét về bản khắc in tập thơ này [75].

Mấy năm sau, Nguyễn Đình Phức có bài “Về bài viết Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na”, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (86), 2008, đã đính chính những sai lầm mà Nguyễn Đăng Na đã nêu trong bài viết của ông, đồng thời tác giả bài viết đã đưa ra những khảo sát của mình về văn bản khắc in Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định một cách xác đáng [93].

Nối tiếp những người nghiên cứu trước, chúng tôi cũng có viết hai bài về Ngô Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức: “Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức” đăng trên Thông báo Hán Nôm học năm 2007 và bài “Ngô Nhân Tĩnh và tâm sự một nho thần” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6-2009. Trong hai bài viết


này, một là chúng tôi tìm hiểu một vài nội dung chính trong dòng thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, một là tìm hiểu vài khía cạnh tâm sự của Ngô Nhân Tĩnh thông qua thơ của các ông. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn công bố một vài tư liệu có liên quan đến thơ Gia Định tam gia trong các kỷ yếu hội thảo, các tạp chí chuyên ngành…

Việc tìm hiểu thơ Trịnh Hoài Đức cũng được sinh viên đại học và học viên cao học quan tâm. Tiêu biểu có Tìm hiểu Cấn Trai thi tập của Đoàn Khắc Kiên Cường, luận văn tốt nghiệp đại học [18], và gần đây là luận văn thạc sĩ Tìm hiểu sự nghiệp văn học của Trịnh Hoài Đức của Nguyễn Thị Thu Thuỷ trình tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM [120]. Các tác giả luận văn đã phác hoạ được sự nghiệp văn học của Trịnh Hoài Đức, từ Gia Định thành thông chí đến Cấn Trai thi tập. Riêng về phần Cấn Trai thi tập tác giả luận văn đã bước đầu khảo sát nội dung ở phương diện con người, tình yêu quê hương, và một vài đặc điểm nghệ thuật về phương diện ngôn ngữ, thể loại…

Từ tình hình đó cho thấy thơ Gia Định tam gia vẫn là đề tài còn mới, chưa có nhiều thành tựu nghiên cứu. Những bài viết cùng những công trình nói trên, hoặc là do tính chất của công trình, hoặc là do giới hạn khuôn khổ của đề tài, chỉ mới dừng ở mức độ khái quát chưa đi sâu vào nghiên cứu tác giả tác phẩm một cách toàn diện và cụ thể. Tuy nhiên, những bước khai phá đầu tiên của các bậc nghiên cứu tiền bối đã khai mở cho chúng tôi những con đường tiếp cận nghiên cứu về Gia Định tam gia thi, đặc biệt là những người làm công tác văn bản, văn học Hán Nôm ở Gia Định nói chung và Tam gia nói riêng như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Khuê, Cao Tự Thanh, Hoài Anh…

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Sự nghiệp sáng tác của Tam gia hẳn nhiên không chỉ có mỗi thơ, mà các ông còn viết văn và địa chí. Như tên của đề tài luận án, chúng tôi xác định, đối tượng nghiên cứu chính là thơ Gia Định tam gia qua ba tập Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định. Do đó, chúng tôi không đi vào các thể loại biên khảo về địa chí, bài văn, bài minh của Tam gia trong công trình này. Ngoài ra, riêng với Trịnh Hoài Đức, ông còn sáng tác thơ bằng chữ Nôm, mặc dù không thấy khắc in trong các thi tập của ông, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm hiểu thông qua các bản


phiên âm do Lê Quang Chiểu, Nguyễn Văn Sâm, Cao Tự Thanh, Hoài Anh công bố trong công trình của họ.

Không giống các tác giả khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thông, Phan Thanh Giản,… vấn đề công bố văn bản tác phẩm hầu như đã hoàn chỉnh; ngược lại, tác phẩm thơ của Gia Định tam gia vẫn chưa được các nhà nghiên cứu văn học Hán Nôm công bố hoàn chỉnh, như chúng tôi đã trình bày ở phần lịch sử vấn đề trên đây. Thành thử với ba tập thơ của Tam gia (hơn 580 bài thơ), chúng tôi đã tiến hành công việc chỉnh lý tư liệu, đến công tác dịch thuật thơ của Tam gia. Do đó, đây là công việc khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất mà chúng tôi đảm đương khi bước vào nghiên cứu thơ Gia Định tam gia.

3.2. Song song với việc nghiên cứu thơ Tam gia ở phương diện nội dung tư tưởng và nội dung nghệ thuật, chúng tôi còn phải đặt thơ của Tam gia trong bối cảnh văn học Hán Nôm ở Nam Bộ trong giai đoạn này để thấy được những đặc điểm chung và riêng của chúng. Từ đó có thể xác định giá trị cũng như những đóng góp của Tam gia đối với nền văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Do đó, ngoài những kết quả mà chúng tôi có được từ sự khảo sát riêng, chúng tôi vẫn có sự kế thừa các kết quả nghiên cứu trong các công trình của những nhà nghiên cứu đi trước về văn học Hán Nôm Nam Bộ, đặc biệt là những công trình nghiên cứu về văn học Hán Nôm ở Gia Định và ở Đàng Trong của Cao Tự Thanh.

3.3. Văn học Hán Nôm Nam Bộ, chính là nói nền văn học viết bằng chữ Hán Nôm thuộc khu vực từ Biên Hoà Đồng Nai trở vào Nam, mà trung tâm chính của nó là Sài Gòn – Gia Định. Bởi Nam Bộ là vùng đất mới so với các vùng khác trong nước ta, do đó nền văn học Hán Nôm tại đây vừa mang tính chất kế thừa những thành tựu cũ của nền văn học Hán Nôm cả nước nhưng cũng vừa mang tính chất mới mẻ non trẻ do những tác động từ lịch sử kinh tế xã hội tại địa bàn. Xem xét thơ Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Gia Định để thấy sự giao thoa thơ của các ông với thơ đương thời cũng như những giai đoạn sau và trước đó, để đi đến việc xác lập những đóng góp của Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/02/2023