Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay - 9

phương tiện truyền thông nên họ hiểu rằng việc kết hôn nội tộc sẽ ảnh hưởng đến giống nòi và thuần phong mỹ tục của dân tộc mình.

Để tránh hôn nhân cận huyết, người Tày căn cứ vào gia phả và các bậc cao niên trong dòng họ để xác định người con trai và người con gái đó có quan hệ huyết thống hay không và họ có được phép lấy nhau hay không. Khi đã xác minh được điều đó, được sự đồng thuận của dòng họ thì đôi trai gái mới tiến đến đi lại, tìm hiểu nhau.

Trong hôn nhân truyền thống, người Tày còn quan niệm chỉ kết hôn với người đồng tộc, khuyến khích trong cùng một làng bản.Họ cho rằng, lấy chồng cùng dân tộc sẽ hiểu nhau hơn từ phong tục, tập quán, lối sống cho đến làm ăn kinh tế. Mặt khác, do trước kia xã hội Tày sống rất khép kín, không có sự giao lưu với bên ngoài và dân tộc khác, nên việc tìm hiểu, kết hôn với người ngoại tộc, ngoại làng rất khó xảy ra. Đồng thời, trong sâu thẳm họ luôn ý thức bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Do vậy, trong dòng họ khi có con cháu đến tuổi trưởng thành thường được làm mai, làm mối với những người cùng dân tộc và trong cùng một làng. Họ mong con cháu khi dựng vợ gả chồng sẽ được sống với văn hóa dân tộc và cùng anh em họ hàng “tối lửa tắt đèn” có nhau. “Trước đây khi đến tuổi lấy vợ gả chồng, chúng tôi được mai mối cho nhau, thường cùng dân tộc và gần làng bản mình. Như vậy chúng tôi không phải làm quen với văn hóa người dân tộc khác và cũng được gần bố mẹ, họ hàng có khó khăn gì sẽ được giúp đỡ” (bà Vi Thị Q, 86 tuổi). Hiện nay, do những tác động của bối cảnh đổi mới, giao lưu, mở rộng quan hệ và sống xen kẽ, nhiều người Tày ở địa phương đã kết hôn với người Kinh, Nùng, Thái…ở cả trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn. “Cưới xin bây giờ khác rồi, giới trẻ đi ra ngoài, yêu nhau rồi cưới nhau ở khắp nơi với nhiều dân tộc khác như người Kinh, Thái, Nùng, Mường… Điển hình tôi đi làm ăn ở Bắc Ninh, quen và cưới vợ tôi là người Kinh nhưng cũng chẳng ai phản đối cả” (ông Vi Văn Th, 47 tuổi). Phải chăng, khi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển nhanh chóng thì các dân tộc có xu hướng xích lại gần

nhau, từ đó nảy sinh quan hệ hôn nhân hỗn hợp, góp phần làm cho bức tranh văn hóa các dân tộc thêm phong phú và mối quan hệ giữa các tộc người ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Theo kết quả điều tra bảng hỏi tại Quang Lang năm 2016, trong số 135 người được hỏi có 93 người vợ/chồng là người Tày (chiếm 68,89%), 25 người có vợ/ chồng là người Kinh (chiếm 18,52 %) và 17 người có vợ / chồng là người Nùng (chiếm 12,59 %).“Trước đây, người Tày chỉ kết hôn với người Tày, thường lấy trong cùng một làng bản hoặc quanh khu vực này. Họ hàng, làng xóm thường hay mai mối cho nhau, căn cứ vào gia phả hoặc hỏi các cụ cao tuổi mà cứ cách khoảng 5 đời là cho phép kết hôn. Lấy người dân tộc mình sẽ có cùng phong tục tập quán, nên gần gũi và hiểu nhau hơn. Nhưng nay giới trẻ thì khác, chúng đi ra ngoài, yêu ở đâu thì cưới ở đó, chứ chẳng cứ là dân tộc gì” (ông Lô Đức Tr, 64 tuổi).

Đến nay việc tổ chức đám cưới vẫn được tiến hành theo trình tự của các lễ thức cổ truyền. Thông thường một lễ cưới của người Tày vẫn thường có các bước sau: xem tuổi, xem ngày giờ, dạm hỏi, ăn hỏi, lễ cưới, lại mặt. Nhìn chung truyền thống là vậy nhưng kể từ sau Đổi mới đến nay đám cưới của người Tày đã được đơn giản hóa đi rất nhiều. Nhưng để tổ chức một đám cưới ở giai đoạn nào cũng tốn rất nhiều của cải, công sức. Nên đây là một hoạt động đòi hỏi sự tham gia, giúp đỡ của anh em dòng họ và hàng xóm láng giềng. Người Tày quang Lang không có quy định cụ thể về trợ giúp, tương trợ của dòng họ trong tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, từng cá nhân thành viên trong dòng họ đều tự có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với gia đình anh em họ hàng khi cưới xin cho con cháu. Họ sẽ cùng gia đình đứng ra bàn bạc, sắp xếp, tổ chức từ khâu đầu cho đến khi hoàn thiện thủ tục của một lễ cưới. Dòng họ bên nội sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cả, sau đó mới đến họ ngoại, họ thông gia.

Trước khi tổ chức đám cưới, gia chủ sẽ phải thông báo đến toàn thể anh em họ hàng gần xa, nhằm kêu gọi sự giúp đỡ và thu xếp thời gian trong suốt quá trình tổ chức đám cưới. Dịp cưới xin các gia đình trong dòng họ đều lấy

đó làm nghĩa vụ giúp đỡ gia chủ đến khi hoàn tất công việc. Mặc dù lễ cưới thường diễn ra rất nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian công sức nhưng thái độ phục vụ của anh em trong dòng họ vẫn luôn nhiệt tình, chu đáo. Nhờ vậy, tình cảm giữa các gia đình trong mỗi dịp như vậy trở nên gắn bó mật thiết hơn. “Cưới xin là công việc quan trọng của đời người, từ xưa cho đến nay bất kể gia đình nào trong dòng họ tổ chức đám cưới cho con cái, các gia đình còn lại phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ từ khâu đầu cho đến khâu cuối. Trường hợp gia đình không có điều kiện lo cho con thì nhờ anh em giúp đỡ, người giúp lợn, người giúp rượu, gạo, tiền…Và còn cùng gia đình lo đi mời, làm cỗ, tiếp khách, đưa đón dâu rể, thu dọn đến khi hoàn tất công việc. Đôi khi cũng nhờ có đám cưới, anh em trong họ ở xa có dịp để gặp gỡ, trò chuyện, hỏi thăm nhau”(ông Vi Văn L, 79 tuổi).

Trước đây, khi trong nhà có con trai đến tuổi trưởng thành, gia đình và dòng họ là những người đầu tiên để ý xem trong cộng đồng có cô gái nào xứng đôi, vừa lứa với con cháu mình thì họ sẽ nhờ người thăm dò ý tứ. Khi bố mẹ cô gái ưng ý, đồng thuận gia đình nhà trai sẽ phải nhờ đến một người đứng tuổi trong họ có phúc đức, vợ chồng con cái đuề huề, biết ăn biết nói đảm nhận vai trò làm mối cho đôi trai gái. Tuy nhiên, ngày nay cùng với quá trình giao lưu, hội nhập thì phạm vi không gian để thanh niên nam nữ tìm đến với nhau được mở rộng, không bó hẹp trong cộng đồng, đồng tộc như trước đây. Nhiều người quen nhau rồi thành vợ thành chồng trong lớp học nội trú, học nghề, học đại học, công ty hoặc những cuộc đi chơi xa. Vậy nên, việc ngắm trước hay làm mai mối của gia đình và dòng họ cũng không còn tồn tại. Thay vào đó là tự do tìm hiểu hôn nhân.Nhưng vai trò của dòng họ trong khâu đoạn chọn dâu, chọn rể vẫn rất quan trọng. Trước ngày dạm ngõ đôi trai gái thường về ra mắt hai bên họ hàng, đây cũng là ngày để anh em trong dòng họ nhìn nhận, đánh giá và xem xét về mối quan hệ, cùng với tư cách, phẩm chất đạo đức của chàng trai hay cô gái. Nếu gia đình và dòng họ ưng thuận họ sẽ đồng ý tiến hành đám cưới.

Sau khi nhận được sự ưng thuận của hai bên gia đình, dòng họ, nhà trai sẽ cử hai người (ông chú, ông bác, bà bác…) đại diện trong họ nội đi dạm hỏi và lấy tuổi tác của cô gái, gọi là xin “lục mệnh”1. Đây là người có uy tín, biết ăn nói, gia đình, con cái đầy đủ…được dòng họ tín nhiệm cử ra đi đại diện cho gia đình và dòng họ nhà trai đến dạm ngõ. Lễ vật bao gồm: một đôi gà thiến, 2 chai rượu, trầu cau, thuốc lá…Sau khi nhà gái nhận lễ và ăn cơm xong hai bên nói chuyện và xin lá số tử vi của cô gái. Nếu nhà gái đã trao lá số lục mệnh cho nhà trai coi như là sự công nhận đám cưới cho đôi trai gái.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.

Nhà trai sẽ chọn ngày lành giờ tốt đem lá số này đến nhà thầy cúng xem giúp. Nếu đôi trai gái hợp tuổi, hợp mệnh thì nhà trai sẽ cử người trong họ đem lễ nhỏ đến báo và hẹn ngày ăn hỏi. Vì lý do nào đó mà hai bên không đến được với nhau nhà trai phải làm lễ trả lục mệnh cho nhà gái có sự chứng kiến của hai bên họ hàng, để tránh rủi ro sau này.

Theo truyền thống sau dạm ngõ khoảng từ một đến hai tháng, nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi. Trong ngày này, cả hai bên mời đầy đủ họ hàng nội ngoại thân thích, bao gồm cả nam và nữ. Tiêu chí chọn người đi ăn hỏi bên nhà trai phải là những người trong dòng họ, chủ yếu là họ nội, ăn nói khéo, phúc hậu, gia đình hạnh phúc và có tiếng nói tốt trong họ hàng. Họ sẽ đại diện cho nhà trai đến ăn hỏi và đặt trầu. Lễ vật ngày ăn hỏi gồm có: một đôi gà, 2kg thịt, 2 gói chè, 2 chai rượu,…Ngày này, nhà gái sẽ làm cơm mời anh em họ hàng hai bên đến công nhận thông gia hai bên gia đình. Lễ ăn hỏi, đại diện nhà trai và dòng họ nhà gái sẽ cùng nhau bàn bạc ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới, giờ đón dâu, giờ đến nhà chồng. Đồng thời, họ thảo luận thống nhất với nhau khoản tiền mặt, sính lễ mà nhà trai phải mang đến nhà gái. Sau ngày này, hai bên gia đình đi lại tìm hiểu lẫn nhau, ngày rằm, lễ tết, nhà trai phải đến biếu tặng quà cho gia đình thông gia.

Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay - 9



1 Lục mệnh là tờ giấy đỏ có ghi giờ, ngày, tháng, nãm sinh của cô gái.

Sau ngày ăn hỏi, gia chủ sẽ phải nhờ đến hai người trung tuổi, một bên nội và một bên ngoại sẽ cùng gia chủ đi mời anh em họ hàng gần xa hai bên về tham dự đám cưới. Hai người này phải khéo ăn nói, đi lại khỏe mạnh và quan trọng hơn là phải nắm rõ trong họ hàng mình có những ai, nhà ở đâu…Nhờ vậy, gia chủ sẽ bớt đi một phần công việc.“Cưới con gái, tôi nhờ hai chú, một bên nội, một bên ngoại đại diện cho tôi đi mời anh em họ hàng ở xa. Còn những gia đình nhà gần tôi đích thân đến mời” (ông Lô Quốc Kh, 57tuổi).

Lễ cưới là ngày quan trọng nhất trong nghi lễ kết hôn, ngày vui đáng nhớ nhất của cô dâu, chú rể và cũng là ngày trọng đại của gia đình, dòng họ trong cộng đồng. Trước kia, lễ cưới có thể kéo dài đến vài ngày, nhưng nay lễ cưới diễn ra trong vòng 2 ngày. Với sự hiện diện đầy đủ họ hàng nội ngoại gần xa chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Ngoài ra, còn họ hàng bên thông gia, hàng xóm láng giềng và bạn bè thân thích đều đến tham dự đám cưới. Vì thế mà lượng khách rất đông, gia đình nào tổ chức nhỏ cũng vài chục mâm cỗ, tổ chức lớn thì lên đến hơn trăm mâm. Đặc biệt, ngày này gia đình nào càng đông anh em họ hàng, đông khách thì gia đình đó được đánh giá cao trong cộng đồng. “Đám cưới càng đông anh em họ hàng, đông khách, thì chứng tỏ gia đình đó sống có uy tín và có mối quan hệ rộng” (ông Vi Văn D, 70 tuổi).

Để tổ chức được lễ cưới trọn vẹn, gia chủ không thể nào tự lo liệu được hết. Họ cần được anh em dòng họ giúp đỡ về cả vật chất và nguồn nhân lực. Do đó, trước ngày cưới, gia chủ chủ động mời anh em họ hàng, chủ yếu họ nội đến họp bàn công việc liên quan. Trưởng họ đứng ra bàn bạc về cách thức tổ chức và phân công công việc cụ thể cho từng thành viên để giúp đỡ gia chủ. Thông thường, đàn ông con trai chịu trách nhiệm mổ trâu, giết lợn, thịt gà; phụ nữ nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp; những người trung tuổi biết ăn biết nói ra tiếp khách; các bà cao tuổi têm trầu... Họ nội gia chủ thường là những người trực tiếp đứng ra gánh vác công việc, họ ngoại cùng hỗ trợ. Anh em họ hàng giúp đỡ gia chủ từ đầu cho đến khi kết thúc công việc. Tùy vào tấm lòng và vị trí quan hệ mà mỗi người thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình đối

với hôn sự của gia chủ trong sự hỗ trợ về vật chất, công sức. “Trong đám cưới, vai trò của dòng họ cao lắm, giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần, họ nội là chính, sau đó mới đến họ ngoại” (ông Lô Quốc K, 57 tuổi). Mặc dù hiện nay, một số gia đình người Tày đã thuê mọi dịch vụ tổ chức nhưng sự hiện diện và giúp đỡ của các gia đình dòng họ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng.

Trước ngày tổ chức lễ cưới chính, gia đình nhà trai sẽ nhờ trưởng họ phân công người đem lễ cưới đến nhà gái. Người giao lễ chủ yếu là người trong họ nội, là thanh niên hoặc người trung tuổi.Sính lễ nhà trai đem đến gồm tiền, thịt, gạo, trầu cau, rượu…tùy thuộc vào điều kiện nhà trai và yêu cầu của nhà gái. Những người giao lễ khi đến nhà gái được tiếp đón rất chu đáo.

Trong lễ cưới chính, trước đây, đoàn đón dâu của họ nhà trai gồm: hai quan lang là người họ nội tộc, 2 phụ nữ làm dả lắp (bà đón), một phù rể, em gái chú rể, một nam thanh niên, một nữ thanh niên. Quan lang là người đàn ông đứng tuổi, hiện thân cho sự phúc đức: vợ chồng song toàn, con cái đuề huề, “có nếp có tẻ”, đồng thời là người nhanh nhẹn, hoạt bát, giỏi ứng đối, có tài ngoại giao (La Công ý 2012, tr. 267). Trước đây, để được tín nhiệm trở thành quan lang, người đó phải biết nhiều văn thơ, biết hát đối đáp, bởi lẽ chuyện thưa gửi, đối đáp giữa nhà trai và nhà gái đều thông qua hất đối đáp văn thơ. Hai bà đón, một người bên họ nội, một người bên họ ngoại của chú rể, cũng phải đáp ứng được những tiêu chí nhất định như quan lang. Người Tày quan niệm người đón, đưa dâu có đầy đủ những tiêu chí như vậy, thì sau này cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ mới hạnh phúc, thuận buồn xuôi gió. Cho đến nay, quan niệm và tiêu chí lựa chọn người đưa đón dâu không có sự thay đổi, nhưng có thêm nhiều nam thanh nữ tú là bạn bè của đôi vợ chồng trẻ tham gia vào đưa đón dâu hơn. Đồng thời, hiện naytục hỏi đáp bằng thơ ca trong đám cưới của người Tày không còn tồn tại ở Quang Lang. Vậy nên, quan lang người được chọn đại diện cho đoàn đưa đón dâu không nhất thiết phải là người biết hát đối đáp như trước đây. “Người được chọn đưa đón dâu gồm cả họ bên nội và họ bên ngoại, phải là những người gia đình hạnh phúc,

con cái đầy đủ nếp tẻ, có uy tín, tiếng nói,…Có như vậy sau này đôi vợ chồng trẻ mới có cuộc sống thuận lợi” (bà Vi Thị V, 79 tuổi).

Đến nhà gái đón dâu, trước tiên chú rể phải làm lễ dâng hương lên bàn thờ gia tiên để trình diện tổ tiên và ra mắt, làm quen với toàn thể họ hàng thân thích nhà gái. Đồng thời, cô dâu cũng phải thắp hương trình tổ tiên nhà mình và làm lễ chuyển họ đi làm dâu. Khi đến giờ tốt đã định, đại diện nhà trai sẽ đứng ra xin phép “xin dâu” về nhà chồng. Đoàn đưa dâu cũng tương tự như đoàn đón dâu gồm: quan lang, bà đưa, phù dâu, thanh niên trẻ. Cô dâu khi về đến nhà chồng phải lễ tổ tiên và làm lễ nhập họ bên nhà chồng.

Sau ba ngày cưới, cô dâu trở về nhà bố mẹ đẻ làm lễ lại mặt. Với ý nghĩa cho đôi vợ chồng trẻ thăm gia đình nhà vợ, cũng như để chàng dể có dịp đến chào hỏi, làm quen và nhận mặt họ hàng bên vợ. Đến lúc này, về cơ bản các thủ tục nghi lễ trong đám cưới của người Tày mới hoàn tất. Qua đây cho thấytrong truyền thống cũng như hiện nay dòng họ có ý nghĩa rất quan trọng trong dịp tổ chức đám cưới, không chỉ đối với đôi vợ chồng trẻ, mà còn đối với cả gia đình gia chủ. Trong đám cưới dòng họ không chỉ đến với vai trò là “góp mặt”, mà cao hơn cả là sự hiện diện cho danh dự của hai gia đình. Gia đình nào càng đông anh em trong dòng họ tham gia, thì gia đình đó càng có uy tín, được cộng đồng khen ngợi và chứng tỏ dòng họ đó rất đoàn kết, có nề nếp gia phong. Ngược lại, các thành viên trong dòng họ cũng lấy đó làm niềm hãnh diện, tự hào.

Biến đổi quan hệ dòng họ trong tương trợ đám cưới:

Ngoài sự hiện diện, giúp đỡ của dòng họ trong trình tự từng lễ nghi của đám cưới, đây còn là dịp cho ta thấy được tình cảm anh em thông qua sự chia sẻ, hỗ trợ về của cải, vật chất của từng dòng họ. Để làm rõ hơn quan hệ dòng họ người Tày, luận văn đi sâu thêm vào tìm hiểu, phân tích sự trợ giúp, tương trợ về mặt kinh tế của anh em họ hàng.

Những năm đầu sau công cuộc Đổi mới năm 1986, đời sống của người Tày Quang Lang còn gặp rất nhiều khó khăn. Muốn tổ chức được đám cưới

cho con, các gia đình phải chuẩn bị trước khoảng một năm. Trường hợp đám cưới con trai sẽ phải chuẩn bị gấp đôi đám cưới con gái, có khi lên tới vài tạ lợn, vài tạ gạo, mấy chục con gà, vài trăm lít rượu… Một phần để dẫn lễ cưới sang nhà gái, một phần để tổ chức đám cưới tại nhà mình. Để kịp thời gian tổ chức, hai bên gia đình thường nhờ đến anh em trong dòng họ cùng giúp đỡ. Mỗi nhà hỗ trợ một phần, người cho vay lợn, người cho vay rượu, gạo, gà…

Trước đây từ bát đũa, bàn ghế, xoong nồi, ấm chén…sử dụng trong ngày cưới đều nhờ mượn của các gia đình trong dòng họ. Đồng thời, anh em trong họ nội đảm nhận tất cả mọi việc như bổ củi, sắp cỗ, rửa bát, dọn dẹp…từ ngày “bắc rạp” cho đến khi tổ chức xong đám cưới mà không cần phải đi thuê người giúp. “Ngày xưa tổ chức cưới xin nhờ hoàn toàn họ hàng, làng xóm. Mượn từ cái bát, đôi đũa, lợn, gà, rượu, gạo… cho đến lo củi nước, làm cỗ, dọn dẹp, rửa bát” (bà Vi Thị H, 79 tuổi). Vì kinh tế còn khó khăn không có điều kiện để thuê các dịch vụ, mặt khác đây còn là vùng sâu, vùng xa nên các dịch vụ thuê mượn chưa phổ biến. Phải đến những năm 2000, các dịch vụ này mới phổ biến rộng rãi ở người Tày Quang Lang.

Trước đây, các gia đình có ghi chép lại sự hỗ trợ từ dòng họ trong các dịp này nhưng đến nay không ai còn lưu giữ. Một phần do sổ sách bị mục nát, đa phần do sau khi trả hết nợ người dân thường hủy các ghi chép đó đi. Cho nên luận văn không tiếp cận được nguồn tài liệu định lượng này mà chủ yếu ghi chép được qua lời kể của người dân.

Từ khoảng đầu những năm 2000, trong đám cưới của người Tày Quang Lang có sự thay đổi rất nhiều so với trước. Nếu như trước đây, lễ dẫn cưới đơn giản phải có trầu cau, trên 80kg lợn, 4 thúng gạo, 20 lít rượu, 1 đôi gà…thì nay đã thay bằng tiền mặt, khoảng 10 triệu trở lên tùy vào điều kiện gia đình nhà trai và yêu cầu của nhà gái. Đồng thời, dịch vụ thuê phông bạt, bát đĩa cưới hỏi và thuê người làm cỗ hiện nay khá phổ biến. Nhờ vậy, việc tổ chức một đám cưới không phải chuẩn bị mất nhiều thời gian và không còn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/05/2022