Biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam - 2

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi người chưa thành niên, đặc biệt là những người dưới 16 tuổi, là những người chưa trưởng thành do họ còn non nớt về thể chất và trí tuệ. Do vậy việc xử lý người chưa thành niên phạm tội cần phải tính đến những đặc thù riêng và không thể xem bằng như các hành vi phạm tội của người đã thành niên. Quan điểm, chính sách cơ bản này đã được thể hiện trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như trong hệ thống pháp luật hình sự. Điều 69 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội đã thể hiện rõ mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội, nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Xuất phát những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đó, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội sẽ ưu tiên áp dụng các quy định riêng quy định tại Chương X - Những quy định đối với người chưa thành niên, đồng thời có thể áp dụng những quy định khác trong phần chung của Bộ luật nếu không trái với những quy định của chương này. Trong trường hợp nếu thấy không cần thiết phải áp hình phạt đối với người chưa thành niên, Tòa án ưu tiên áp dụng một trong các biện pháp tư pháp quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Biện pháp tư pháp mang ý nghĩa lớn trong việc xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, thể hiện tính giáo dục cao, đồng thời thể hiện được đường lối xử lý mang tính nhân đạo của nhà nước ta. Như vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù... Tuy nhiên trên thực tế, khi xét xử Tòa án chưa quan tâm áp dụng rộng rãi các biện pháp tư pháp ngoài hình phạt tù (giáo dục tại xã, phường, thị trấn), mà chi áp dụng các hình phạt không tước tự do như cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng hình thức cho hưởng án treo…

Trước tình hình tội phạm chưa thành niên ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi như hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên tăng hình phạt, giảm độ tuổi người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự, hay đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội. Theo ý kiến của ông Đinh Văn Quế (Thẩm phán, Chánh toà Toà Hình sự, Toà án nhân dân tối cao) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Nếu sửa luật để trừng trị người phạm tội tham nhũng thì đây là yêu cầu cấp thiết nhưng nếu sửa luật để có chế tài nặng hơn đối với người chưa thành niên phạm tội thì đây lại là quan điểm nóng vội” Như vậy có thể thấy rằng trên tinh thần của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em là trẻ em không được cách ly khỏi gia đình, trừ khi gia đình “có vấn đề”, biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cần phải ưu tiên áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích cho các em.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật, biện pháp tư pháp này còn tồn tại một số điểm hạn chế như hiệu quả áp dụng của biện pháp không cao, cơ chế phân công, theo dõi không chặt chẽ, phạm vi áp dụng còn hạn chế. Xuất phát từ những điểm hạn chế trên cho thấy cần phải nâng cao hiệu quả áp dụng của biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Vì vậy, việc nghiên cứu các quy định của luật hình Việt Nam về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì những lý do đó nên tôi đã lựa chọn đề tài: “Biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ Luật học của mình.

2. Tình hình nghiên cứu của đề tài

Trong thời gian qua, ở các mức độ khác nhau đã có một số công trình khoa học đã gián tiếp đề cập đến đề tài này.

Về giáo trình, sách chuyên khảo, bình luận có các công trình sau: “Những đặc thù về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội” - Chương XVIII của TS. Trịnh Quốc Toản trong Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung) của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2001 (Tập thể tác giả do GS.TSKH. Lê Cảm chủ biên, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội). Hay “Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội - Chương XVI của TS. Hoàng Văn Hùng trong Giáo trình luật hình sự Việt Nam của Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 2007 (do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên). “Áp dụng chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội” của Th.S Trịnh Đình Thể, Nhà xuất bản tư pháp Hà Nội năm 2006.

Bên cạnh đó dưới góc độ khoa học có một số công trình ở cấp độ luận văn thạc sĩ luật học như: “Các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo Luật hình sự Việt Nam” của Lưu Ngọc Cảnh, khoa luật Đại học Quốc gia năm 2010, “Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự” của Nguyễn Thị Tố Nga, khoa luật Đại học Quốc gia năm 2011, “Trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự Việt Nam” của Trần Văn Dũng, Đại học Luật Hà Nội năm 2003.

Bên cạnh đó có một số nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật như: "Các biện pháp tư pháp trong Bộ luật hình sự năm 1999 và vấn đề hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp đó" của TS Phạm Hồng Hải (tạp chí Luật học số 5 năm 2000); “Thi hành các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt” của tác giả Hồ Sỹ Sơn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

(Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 4 năm 2004); “Vai trò của gia đình trong việc thi hành các hình phạt không tước tự do và các biện pháp tư pháp” của TS. Trần Quang Tiệp (Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 2 năm 2004); “Thực trạng quy định của pháp luật hình sự về các biện pháp tư pháp: Thực tiễn áp dụng và một số đề xuất” của TS. Trương Quang Vinh (Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 2 năm 2010).

Tuy nhiên, hiện nay trong khoa học luật hình sự Việt Nam vẫn chưa có công trình nào đề cập riêng về vấn đề biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Do đó việc lựa chọn, phân tích các nội dung, điều kiện áp dụng của các quy định của pháp luật về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ chỉ rõ được những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật. Khi nghiên cứu đề tài này, song song với việc phân tích các quy định của pháp luật về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên, luận văn còn thông qua việc nghiên cứu, phân tích số liệu thống kê về việc áp dụng biện pháp tư pháp này trong thời gian gần đây. Từ đó đưa ra những kiến nghị khả thi, tiến tới xây dựng một hệ thống chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và giải pháp hoàn thiện biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam - 2

3. Mục đích nghiên cứu của luận văn

3.1. Mục đích nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu “Biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam” nhằm làm sáng tỏ một cách có hệ thống về mặt lý luận những nội dung cơ bản liên quan các quy định về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời phân tích quá trình phát triển và nội dung quy định về biện pháp tư pháp này trong pháp luật hình sự

Việt Nam cũng như đánh giá tình hình thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp này trong thực tiễn. Từ đó xác định những điểm hạn chế, vướng mắc về lý luận cũng như thực tiễn, để đề xuất kiến giải lập pháp bằng việc đưa ra hướng hoàn thiện biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng biện pháp tư pháp này.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Từ mục đích nghiên cứu nêu trên, tác giả luận văn đặt cho mình các nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu sau:

Về mặt lý luận:

+ Làm rõ một số vấn đề lý luận về biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như: khái niệm, đặc điểm của biện pháp này

+ Khái quát các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội từ năm 1945 đến nay.

+ Phân biệt biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

+ Phân biệt biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong Bộ luật hình sự và trong Luật xử lý vi phạm hành chính.

+ Phân tích những quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

+ Nghiên cứu thực trạng áp dụng và những khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong thực tiễn.

+ Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả của việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội khi BLHS 2015 được thông qua.

Về mặt thực tiễn:

+ Nghiên cứu, đánh giá thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong thời điểm từ năm 2005 đến năm 2015 trên toàn quốc.

+ Nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân hạn chế của việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, từ đó có những kiến giải đề xuất những định hướng, giải pháp hoàn thiện quy định về biện pháp này trong luật hình sự Việt Nam và nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn.

4. Phạm vi nghiên cứu

Dưới góc độ chuyên ngành luật hình sự, trong luận văn này tôi chỉ đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong pháp luật hình sự Việt Nam cũng như nghiên cứu và giải quyết những vấn đề xung quanh việc áp dụng quy định của biện pháp tư pháp này trong trong thực tiễn, đồng thời tìm ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để kiến nghị những giải pháp hoàn thiện pháp luật thực định và nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn trên cả nước.

Về thời gian: Luận văn nghiên cứu thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trên cả nước từ năm 2005 đến năm 2015.

5. Phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu

Để có được kết quả trình bày trong luận văn, tôi đã sử dụng các phương pháp sau:

- Cơ sở phương pháp luận của việc nghiên cứu đề tài luận văn là phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nhà nước pháp quyền.

- Phương pháp luận duy vật lịch sử: tiến hành nghiên cứu trên cơ sở quá trình hình thành và phát triển của quy định của về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự Việt Nam qua các thời kỳ;

- Phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp: đây là phương pháp quan trọng và được tác giả sử dụng chủ yếu trong quá trình thực hiện luận văn của mình.

Ngoài ra đề tài còn sử dụng trung thực các số liệu thống kê của các cơ quan áp dụng pháp luật, các sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành để làm rõ những tri thức khoa học liên quan đến đề tài.

6. Những điểm mới và đóng góp của luận văn

Luận văn là công trình mới nghiên khoa học về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Những điểm mới cơ bản của luận văn là:

+ Luận văn phân tích cụ thể và toàn diện các quy định của pháp luật hình sự về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Phân tích đánh giá chi tiết cụ thể đặc điểm, điều kiện áp dụng và có sự so sánh đối chiều với một số biện pháp khác.

+ Nghiên cứu chỉ ra những đặc điểm chủ yếu của quá trình hình thành và phát triển các quy định của pháp luật về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội từ năm 1945 đến nay;

+ Nghiên cứu, đánh giá làm sáng tỏ bức tranh về thực áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong thời gian qua, những tồn tại, hạn chế của thực tiễn pháp luật và thực tiễn thực hiện cũng như nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế đó. Từ đó đưa ra giải pháp kiến nghị cho việc hoàn thiện quy định đối với việc xử lý người chưa thành niên phạm tội nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác

đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như công tác giáo dục cải tạo người chưa thành niên phạm tội ở nước ta hiện nay.

Bên cạnh đó, luận văn sẽ là một tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập trong các cơ sở đào tạo, trong hoạt động của các cơ quan hữu quan trong việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. Những đề xuất, kiến nghị của luận văn sẽ cung cấp các luận cứ khoa học, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về biện pháp tư pháp này.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liêu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề về lý luận về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Chương 2: Thực trạng các quy định về biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng.

Chương 3: Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 01/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí