để giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống.Đồng thời quan hệ dòng họ trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội cũng đang dần biến đổi, thể hiện rõ hơn cả thông qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nghi lễ chu kỳ đời người.
3.1 Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống của người Tày. Họ coi trọng ngày mất của tổ tiên hơn ngày sinh rất nhiều. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày quan niệm tổ tiên như một đấng thế lực siêu nhiên có thể tác động đến toàn bộ đời sống con người. Với niềm tin, khi chết là về với tổ tiên nơi chín suối, ở thế giới bên kia, nhưng hàng ngày tổ tiên vẫn đi về để thăm nom, phù hộ độ trì cho con cháu những lúc rủi ro, vận hạn hay những khi có công có việc. Đồng thời, họ cho rằng tổ tiên thường chở che cho con cháu, nhưng ngược lại cũng quở trách gây bất an, ốm đau khi con cháu làm điều sai trái.“Tổ tiên là những người luôn dõi theo, phù hộ, độ trì cho con cháu nhưng cũng có thể trừng phạt con cháu khi làm điều sai trái. Thờ cúng tổ tiên là việc làm quan trọng đối với bất kể gia đình, dòng họ nào của người Tày” (bà Vi Thị H, 79 tuổi).
Tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên không chỉ mang ý nghĩa tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, mà còn thể hiện quan hệ mật thiết giữa tổ tiên với con cháu, giữa người sống và người chết. Đồng thời, thờ cúng tổ tiên thể hiện tình đoàn kết, bổn phận cũng như mối quan hệ ràng buộc giữa các thế hệ trong gia đình và dòng họ. Việc thắp nhang hướng về ông bà tổ tiên còn duy trì ý thức nhớ về nguồn cội, giáo dục việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cũng như bổn phận phát triển dòng họ. Cúng giỗ tổ tiên còn giúp tạo sự đoàn kết trong môi trường gia tộc, là dịp để họ hàng nhận biết nhau, ôn lại truyền thống dòng họ. Sự đoàn kết dòng họ còn là tiền đề cho sức mạnh của làng bản, lòng tự hào vềlàng bản quê hương bắt nguồn từ lòng tự hào về dòng họ ấy.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh, thời kỳ hợp tác xã và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mọi hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng thờ cúng đều bị
coi là mê tín dị đoan, cổ hủ lạc hậu, cần phải giảm thiểu. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày giai đoạn này gần như bị “lãng quên”, phai nhạt cùng với điều kiện lịch sử đất nước. Từ sau Đổi mới (1986) các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng đều được coi là “trỗi dậy” sau một giấc ngủ dài. Đặc biệt hiện nay, đời sống tín ngưỡng càng trở nên sôi động hơn trên cả nước. Khi việc làm ăn nhộn nhịp, con người ta có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn, họ sẽ chăm chút cho những hoạt động thờ cúng tâm linhvới quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa” để cầu mong tổ tiên phù hộ, độ trì cho con cháu. Hiện tượng này cũng diễn ra ở người Tày Quang Lang với sự khôi phục, tu bổ và xây dựng cơ sở thờ tự mới khang trang hơn. Ngày lễ, tết được chú trọng. Quan hệ dòng họ người Tày thông qua hoạt động tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên ngày càng được củng cố hơn, với nhiều ngày lễ như:chạp họ, giỗ họ, ngày lễ tết cổ truyền.
Tục tảo mộ (chạp họ)
Khi nói đến tục tảo mộ của người Tày, chắc hẳn ai cũng nghĩ sẽ tổ chức vào dịp Tết thanh minh mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, người Tày Quang Lang lại tổ chức đi tảo mộ vào tháng chạp hàng năm trước Tết Nguyên Đán giống như nhiều vùng của người Kinh. Đồng thời, một số dòng họ lấy đây là ngày họp họ, với sự tham gia của tất cả các thành viên trong họ, không phân biệt nam nữ. “Khác với người Tày vùng khác, người Tày Quang Lang tổ chức chạp họ, đi tảo mộ dịp trước Tết Nguyên Đán giống người Kinh và lấy đó làm ngày họp họ. Con cháu sau khi đi tu sửa mồ mả, quay về nhà trưởng họ họp tổng kết một năm và cùng làm cơm ăn uống, tạo nên tình đoàn kết anh em” (Ông Vi Văn Th, 54 tuổi). Ngày này con cháu dù ở gần hay xa đều quay về cùng dòng họ tổ chức đi tu bổ, dọn dẹp, phát cây, đắp thêm đất cho từng ngôi mộ và thắp nén hương mời tổ tiên về ăn tết. Sau khi tảo mộ xong, con cháu sẽ quay về nhà trưởng họ để tổ chức họp họ và cùng ngồi lại ăn với nhau bữa cơm xum vầy, đoàn viên. Ngày chạp họ có ý nghĩa rất lớn đối với người Tày Quang Lang, ngoài giá trị tâm linh thiêng liêng, nhớ ơn ông bà tổ tiên, đây còn là ngày giúp tăng cường, củng cố quan hệ trong dòng họ, tạo nên
tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên. “Chạp họ đối với chúng tôi là một ngày đặc biệt trong một năm. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, nó còn giúp cho tình cảm anh em thêm gắn kết”(ông Lô Quốc Kh, 57 tuổi).
Điển hình như họ Vi ở Khun Phang thường tổ chức ngày 24 tháng chạp âm lịch hàng năm. Ngày này, tất cả con cháu nam nữ gần xa đều về nhà trưởng họ cùng đi tảo mộ và tổ chức sinh hoạt tổng kết một năm. “Ngày họp họ, tất cả mọi thành viên dù ở gần hay xa đều quay về. Dòng họ tôi rất đông, mỗi lần tổ chức phải hơn 20 mâm cỗ. Đây là ngày để con cháu báo hiếu, đi tu sửa mồ mả, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Đồng thời, cũng vừa là dịp để tổng kết một năm của dòng họ, vừa là ngày anh em xa gần được quây quần đoàn tụ bên nhau”(ông Vi Văn C, 64 tuổi). Họ Lô thôn Khun Phang tổ chức tảo mộ vào ngày 25 tháng chạp âm lịch hàng năm, đây cũng là ngày giỗ của cụ tổ sinh ra dòng họ. Ngày này con cháu gần xa, bao gồm cả nam và nữ đều về tụ họp đông đủ tại nhà thờ họ Lô để cùng nhau tưởng nhớ tổ họ, đi tảo mộ và đồng thời họp tổng kết một năm của dòng họ. “Dòng họ tôi tổ chức tảo mộ đúng vào ngày giỗ tổ họ 25 tháng chạp âm lịch hàng năm. Ngày này là dịp để con cháu tụ họp đông đủ để tưởng nhớ công ơn của tổ tiên và quây quần bên mâm cơm cuối năm”(ông Lô Đức Tr, 64 tuổi).
Có thể bạn quan tâm!
- Dòng Họ Của Người Tày Ở Xã Quang Lang
- Số Hộ Gia Đình Thuộc Các Dòng Họ Trên Địa Bàn Nghiên Cứu
- Vai Trò Của Trưởng Họ Và Những Người Có Uy Tín Trong Dòng Họ
- Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay - 9
- Hỗ Trợ Trong Đám Cưới Của Gia Đình Ông Hoàng Văn Tnăm 2001.
- Hỗ Trợ Trong Tang Ma Của Gia Đình Bà Vi Thị H Năm 2002
Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.
Khác với người Tày ở nhiềuvùng, người Tày Quang Lang từ xưa đến nay không có tục lệ tổ chức Tết thanh minh vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Cho nên ngày 3 tháng 3 âm lịch không phải là ngày lễ lớn, quan trọng đối với họ. Các gia đình người Tày ở đây thường chỉ tổ chức cúng mâm cỗ tại gia đình. “Người Tày khắp mọi nơi đều ăn Tết thanh minh 3/3 âm lịch hàng năm, nhưng người Tày Quang Lang không có tục lệ này. Từ xưa chúng tôi thường tổ chức đi tảo mộ, họp họ vào dịp trước Tết Nguyên Đán rồi”(ông Lô Đức Tr, 64 tuổi). Sự khác nhau về phong tục tập quán giữa cùng một dân tộc ở những vùng miền khác nhau là điều dễ hiểu. Do ảnh hưởng quá trình tụ cư và di cư, cùng với những đặc trưng văn hóa từng vùng miền, sự tác động, giao lưu văn hóa của nhiều dân tộc với nhau, dẫn đến sự khác nhau về tập tục tín
ngưỡng văn hóa. Để lý giải cho sự khác biệt này, người Tày Quang Lang cho rằng rất có thể họ là người Tày gốc sinh ra ở nước ta và người Tày gốc là người Việt di cư từ vùng đồng bằng lên sinh sống, lập nghiệp nên họ không có phong tục tổ chức Tết thanh minh. Đồng thời, họ tin rằng người Tày có truyền thống tổ chức Tết thanh minh vào ngày 3 tháng 3 âm lịch rất có thể họ là người Tày gốc ở Trung Quốc, di cư vào Việt Nam từ lâu, hoặc do họ ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng của người Trung Quốc.“Người Tày có tục lệ truyền thống tổ chức ăn Tết thanh minh vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, có thể nguồn gốc tổ tiên xa xưa của họ là người Trung Quốc di cư sang Việt Nam”(ông Vi Văn Ph, 47 tuổi).
Giỗ tổ họ:
Quan hệ dòng họ của người Tày Quang Lang trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện rõ nhất qua các hoạt động ngày giỗ tổ. Cúng giỗ tổ họ là để con cháu nhớ về nguồn cội, nhớ về tổ tiên, ghi nhớ rằng mình có một dòng họ, một truyền thống mà mỗi con người mỗi cá nhân phải có vai trò nối dài dòng họ, bảo tồn truyền thống của dòng họ. Người Tày tin rằng tổ tiên luôn dõi theo và về ngự nơi bàn thờ gia tiên. Vậy nên, ngày giỗ con cháu phải chuẩn bị đầy đủ chu đáo đồ lễ thờ cúng để tổ tiên về hưởng. “Tổ tiên đã mất đi nhưng vẫn luôn về thăm, dõi theo con cháu” (bà Vi Thị T, 83 tuổi).
Giỗ tổ là ngày giỗ của người đã sinh ra dòng họ, đồng thời người Tày thường chọn ngày này làm ngày sinh hoạt họp họ hàng năm. Nhiều dòng họ, ngày giỗ tổ vào dịp gần Tết Nguyên Đán nên họ đã kết hợp tổ chức giỗ tổ, họp họ và đi chạp mồ, chạp mả cùng một ngày.“Giỗ tổ của người Tày Quang Lang luôn được tổ chức kết hợp với họp họ và chạp mả, thường vào dịp cuối năm”(ông Lô T, 92 tuổi).Vào ngày giỗ, con cháu ở khắp mọi nơi cùng nhau tìm về nhà trưởng họ để sắm sửa lễ dâng lên tổ tiên. Khác với người Kinh, ngày giỗ tổ, họp họ chỉ đinh nam mới được tham gia, ở người Tày Quang Lang từ xưa đã bao gồm tất cả mọi thành viên nam, nữ của dòng họ.Nhưng họ
nội vẫn là thành phần chính đứng ra tổ chức lo sắm lễ, sắp cỗ, dọn dẹp,…còn họ ngoại chỉ có đại diện gia đình tham gia với vai trò như khách mời.
Phần nghi thức, lễ cũng tương đối bình dị đơn giản nhưng cũng không kém phần trang trọng. Mọi người dự lễ đều phải ăn mặc trang nghiêm và phù hợp. Mặc dù tất cả mọi thành viên đều được tham gia, nhưng trong nghi lễ thờ cúng yếu tố giới được thể hiện khá rõ ràng. Trưởng họ là người chịu trách nhiệm thắp hương khấn chính lên tổ tiên, rồi đến lần lượt từng đinh nam trong các chi họ lên làm lễ và bái lại. Việc chuẩn bị lễ vật là phụ nữ nhưng nam giới lại là người sắp lễ lên bàn thờ.
Sau phần nghi thức là lúc mọi người tập trung lại hội họp, nói chuyện, quây quần bên mâm cơm. Trưởng họ sẽ là người đầu tiên đứng ra điểm lại các hoạt động của dòng họ trong một năm, tuyên dương những gia đình làm ăn kinh tế tốt, con cái học hành thành đạt, ngược lại khiển trách những gia đình có người tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Đây còn là ngày con cháu có thành tích học tập tốt được tuyên dương, khen thưởng trước cả dòng họ.“Giỗ tổ cả năm chỉ có một lần tổ chức vào ngày 24 tháng chạp, là ngày cả dòng họp được đoàn tụ nên dù có ở xa con cháu cũng quay về. Đây vừa là dịp con cháu tỏ lòng thành kính lên tổ tiên và cùng nhau đi tảo mộ, cũng là dịp sinh hoạt dòng họ, tuyên dương gia đình làm ăn kinh tế phát triển, con cháu học tập tốt, khiển trách những hành vi sai pháp luật” (ông Vi Chí Đ, 51 tuổi). Sau một năm với những bộn bề của cuộc sống, có lẽ thời điểm này chính là thời gian quý báu để họ ôn lại cội nguồn, để quan tâm đến những thành viên khác trong họ.
Kinh phí tổ chức giỗ họ được các thành viên trong dòng họ cùng đóng góp sau ngày giỗ. Dường như “góp giỗ” đến nay đã trở thành thông lệ. Nó không chỉ nhằm để tổ chức được một lễ giỗ đàng hoàng mà còn là minh chứng cho lòng hiếu thảo, sự đoàn kết hưng thịnh của một dòng họ. Điển hình như họ Vi, mỗi năm thường tổ chức lên tới hơn 20 mâm cỗ, với sự góp mặt đầy đủ của tất cả con cháu trong dòng họ. Sau buổi giỗ, trưởng họ sẽ là người tổng kết chi tiêu và chia đều kinh phí cho từng gia đình. Thường mỗi gia đình
sẽ đóng từ 200 nghìn trở lên. Số tiền dư sẽ được trưởng họ giữ lại. Thành viên trong họ túng thiếu hay có công việc có thể vay khoản tiền này và trả lại vào dịp giỗ năm sau.
Giỗ tổ họ không đơn giản chỉ để tưởng nhớ đến cội nguồn tổ tiên mà còn có chức năng cố kết cộng đồng, gắn kết dòng tộc, tạo nên một sợi liên hệ gắn kết tinh thần anh em trong dòng họ với nhau. Họ cùng nhau tri ân, cùng nhau hòa vào niềm cộng cảm chung của dòng họ.
Ngoài ra, hàng năm các chi, nhánh trong dòng họ cũng thường tổ chức cúng giỗ ông bà, bố mẹ. Ngày giỗ được tổ chức tại gia đình con trưởng. Giỗ đầu thường tổ chức lớn, linh đình, với sự có mặt của đầy đủ anh em trong dòng họ. Các lần giỗ về sau sẽ tổ chức nhỏ hơn, chỉ mời anh em thân cận và đại diện các trưởng chi, trưởng nhánh và trưởng họ trong dòng họ. Nếu như ngày mất của ông bà, bố mẹ là ngày đau buồn, thương tiếc lớn thì ngày giỗ lại là ngày con cháu, anh em họ hàng đoàn tụ, gặp mặt, tưởng nhớ và cùng nhau ăn một bữa cơm đoàn kết.
Trước đây, theo tục lệ của người Tày Quang Lang những người đi ăn giỗ thường đem theo cỗ xôi, con gà (cô khấu, ke cay) để làm lễ thắp hương cho ông bà, tổ tiên và khi ra về được trả lại một nửa số lễ đó. Nhưng khoảng từ những năm 2000 trở lại đây, khi đời sống của người dân được cải thiện, đồng thời với những ảnh hưởng lối sống của người Kinh, khi đến đám giỗ, lễ vật đã được chuyển sang bằng tiền mặt. Theo quan sát thực tế, những người đến dự đám giỗ hiện nay thường đi lễ là một phong bì trung bình từ 100 đến 200 nghìn đồng.
Biến đổi quan hệ dòng họ qua lễ tết cổ truyền
Lễ tết cổ truyền của người Tày cũng là dịp để gắn kết tình cảm anh em họ hàng. Trong một năm, họ có rất nhiều lễ, tết quan trọng như:Tết Nguyên Đán, Rằm tháng giêng, Rằm tháng 7…Mỗi ngày lễ tết có một ý nghĩa khác nhau, nhưng đều mang tính chất đoàn viên, chung vui của mỗi gia đình, dòng
họ. Ngày lễ, tết cổ truyền, còn là dịp để những gia đình có họ hàng bên ngoại, họ thông gia thăm hỏi, củng cố và thắt chặt lại mối quan hệ.
Tết Nguyên Đán là lễ tết lớn nhất, kéo dài nhất trong năm của người Tày Quang Lang. Ngày này, các gia đình thường đem lễ đến thắp hương cho tổ tiên tại gia đình nhà trưởng họ hoặc trưởng chi. Lễ vật thường là con gà trống thiến, hoa quả hoặc giỏ bánh kẹo. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn với trưởng họ trong một năm đã chăm lo thờ cúng cho tổ tiên. “Tết cũng là một dịp rất đặc biệt để con cháu trở về thắp nén hương tưởng nhớtới tổ tiên, cuội nguồn và sum vầy cùng anh em họ hàng” (ông Lô Đức Tr, 64 tuổi). Đặc biệt, ở người Tày Quang Lang, dịp trước Tết Nguyên Đán còn có tục vài gia đình anh em trong dòng họ cùng nhau thịt chung một con lợn để ăn tết. Ngày thịt lợn, các gia đình sẽ tập trung lại cùng ăn cơm. Đây cũng là tục lệ đoàn kết anh em trong dòng họ với nhau. Ngoài ra, tết là dịp để các thành viên trong dòng họ đến chúc tụng, mong muốn anh em họ hàng luôn mạnh khỏe, thành đạt, gia đình hạnh phúc…Ngày đầu tiên của năm mới anh em con cháu trong dòng họ nội cùng nhau tập trung ăn uống tại gia đình trưởng họ, những ngày sau đó sẽ luân phiên tại các gia đình khác. Đặc biệt, ngày tết cũng là dịp để anh em họ hàng bên ngoại, họ thông gia gần xa đến chúc mừng gặp mặt dịp đầu xuân. Năm mới là dịp duy nhất họ được đoàn viên, sum vầy và ăn bữa cơm có đông đủ anh em họ hàng. Tuy đơn giản vậy, nhưng đã gắn kết các thành viên trong dòng họ lại với nhau.
Nhìn chung, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Tày. Đây không chỉ là dịp để dòng họ tri ân, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, mà còn là dịp để các thành viên dòng họ có thời gian gần gũi, chia sẻ, trò chuyện và đoàn kết với nhau hơn. Đồng thời, việc tiến hành và duy trì các nghi lễ truyền thống đã khẳng định được vai trò to lớn của dòng họ trong việc bảo tồn và duy trì, truyền dạy các nét văn hóa đặc sắc của người Tày cho thế hệ sau.
3.2. Biến đổi quan hệ dòng họ trong các nghi lễ vòng đời
3.2.1 Biến đổi quan hệ dòng họ trong cưới xin
Biến đổi quan hệ dòng họ trong các nghi lễ cưới xin
Đám cưới của người Tày là dịp thể hiện sự phong phú của đời sống văn hóa tộc người thông qua các thủ tục như ăn hỏi, rước dâu, trình tổ…(Dương Thuấn, tr. 152). Đây cũng là một sự kiện quan trọng trong một đời người, nhằm chính thức hóa mối quan hệ giữa hai cá thể nam và nữ, đồng thời là dịp để họ hàng, làng xóm láng giềng và bạn bè thân thích đến chứng kiến cho cuộc hết hôn, công nhận và chia vui với đôi vợ chồng trẻ. Theo La Công Ý (2012, tr. 257) dưới góc độ tín ngưỡng, tâm linh, việc tổ chức đám cưới có ý nghĩa là “cắt khẩu” và nhập khẩu (pit phi) cho nàng dâu hoặc chàng rể nạp tế, chuyển hồn vía từ chỗ là thành viên của dòng họ này trở thành con cháu của dòng họ khác.
Hôn nhân không phải là mối quan hệ riêng giữa đôi trai gái, mà còn là quan hệ giữa hai gia đình, hai dòng họ. Cho đến nay, đám cưới là sự thể hiện phong tục tập quán, tín ngưỡng riêng của người Tày. Đồng thời, là ngày quan trọng để gia đình, dòng họ làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình với con, cháu, tổ tiên.
Nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân của người Tày là ngoại hôn dòng họ, tức là những người có cùng huyết thống trong vòng năm đời không được phép kết hôn với nhau. Nếu đôi trai gái nào vi phạm qui tắc này sẽ gặp phải sự phản đối từ phía dòng họ và không được anh em họ hàng đến công nhận, chúc phúc cho cuộc hôn nhân đó. “Người trong cùng một dòng họ chỉ được phép kết hôn với nhau khi đã quá năm đời. Nếu vi phạm sẽ gặp phải sự phản đối gay gắt của dòng họ” (Bà Vi Thị Q, 86 tuổi). Do vậy, tại điểm nghiên cứu, ở người Tày Quang Lang chưa có hiện tượng kết hôn trong cùng dòng họ. Đến nay nguyên tắc này vẫn được duy trì và củng cố hơn. Vì thế hệ trẻ người Tày hầu hết đều có trình độ văn hóa, hiểu biết và được tiếp xúc với