Hỗ Trợ Trong Đám Cưới Của Gia Đình Ông Hoàng Văn Tnăm 2001.

khó khăn như trước. Tuy nhiên sự hỗ trợ, giúp đỡ của các gia đình trong dòng họ vẫn được duy trì.

Năm 2001, gia đình ông Hoàng Văn T, thôn Khun Phang, xã Quang Lang tổ chức đám cưới cho con trai. Dịp tổ chức này ông nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của hai bên họ nội và họ ngoại.

Bảng 3.1 Hỗ trợ trong đám cưới của gia đình ông Hoàng Văn Tnăm 2001.


Stt

Danh sách những người trợ giúp

Quan hệ với gia chủ

Số tiền và vật phẩm được hỗ trợ

Hình thức

1

Hoàng Thị S

Em gái ruột của bố

đẻ gia chủ.

1 đôi gà.

Cho

2

Hoàng Thị D

Em gái ruột của

gia chủ

2 đôi gà

Cho

3

Hoàng Thị L

Em gái ruột

500 nghìn

Cho vay

15kg gạo nếp

Cho

4

Hoàng Thị S

Chị gái ruột

1 triệu

Cho vay

5

Lô Văn H

Em rể gia chủ.

40 kg lợn

Cho vay

6

Vi Văn T

Em con cô của gia

chủ

1 triệu

Cho vay

7

Vi Thị T

Em gái vợ gia chủ

500 nghìn

Cho vay

8

Vi Thị Th

Em gái vợ gia chủ

50 lít rượu

Cho vay

9

Vi Thị Th

Em gái vợ gia chủ

20 lít rượu

Cho vay

10

Hoàng Văn T

Con ông bác gia

chủ

40kg gạo nếp

Cho vay

11

Hoàng văn T

Con ông bác của

gia chủ

30 kg gạo tẻ

Cho vay

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.

Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay - 10

Nguồn: Tài liệu thực địa của Học viên, tháng 7/2016

Qua bảng 3.1, ta thấy rằng sự hỗ trợ, chia sẻ của dòng họ vẫn rất quan trọng. Sự giúp đỡ này phần nào góp phần giảm bớt gánh nặng công việc cho gia chủ khi có lo công việc lớn, đồng thời thể hiện mối quan hệ trong dòng họ người Tày. Thời điểm 2001, đời sống kinh tế của người Tày Quang Lang chỉ đang bắt đầu thay đổi, còn gặp rất nhiều khó khăn, để tổ chức một công việc lớn như đám cưới rất cần đến sự tương trợ của các gia đình trong dòng họ và hàng xóm. Sự giúp đỡ có cả từ hai phía họ nội và ngoại, nhưng họ nội vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn trong sự tương trợ, giúp đỡ các gia đình. Riêng họ thông gia qua khảo sát sự giúp đỡ còn hạn hẹp, chủ yếu là họ đến dự bữa cơm thân mật và có món quà nhỏ bằng tiền mặt chúc mừng gia đình.

Ngoài sự hỗ trợ, các gia đình trong dòng họ vẫn dành ra những khoản tiền nhỏ để mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Vào thời điểm 2001, số tiền trung bình họ hàng mừng gia chủ khoảng từ 50 nghìn đến 100 nghìn, hàng xóm khoảng 20 nghìn đến 30 nghìn. Số tiền mừng hạnh phúc là một nguồn vốn nhỏ để đôi vợ chồng trẻ bắt đầu với một cuộc sống mới.

Hiện nay, để tổ chức đám cưới sự hỗ trợ của dòng họ vẫn luôn được duy trì. Tuy nhiên, do cuộc sống của người Tày Quang Lang đang dần được cải thiện và nâng cao nên để tổ chức một đám cưới không khó khăn như trước. Hầu như nhiều gia đình đã đều tự chuẩn bị được về tiền, lương thực, thực phẩm cần thiết cho một đám cưới. Năm 2014 gia đình ông Vi Văn Ph, thôn Làng Đăng, là gia đình tự nhận là có mức sống trung bình, khi tổ chức đám cưới cho con gái ngoài sự chuẩn bị của gia đình, bác còn nhận được sự giúp đỡ từ các gia đình trong dòng họ.

Bảng 3.2 Hỗ trợ trong đám cưới con gái của ông Vi Văn Ph, năm 2014.


Stt

Danh sách những người trợ giúp

Quan hệ với gia chủ

Số tiền và vật phẩm được hỗ trợ

Hình thức

1

Vi Thị Q

Em gái ruột gia

chủ

1 triệu đồng

Cho vay

2

Vị Thị Ph

Em gái bố gia

chủ (bà cô)

2 con lợn, thành

tiền 2500 nghìn

Cho vay

3

Vi Thị Ð

Em con nhà ông

chú gia chủ

4 triệu

Cho vay

4

NguyễnThị T

Em dâu, lấy em

trai ruột gia chủ

1200 nghìn và

50kg gạo tẻ

Cho vay

5

Vi Văn B

Con của em ruột

mẹ chủ hộ

5 triệu

Cho vay

6

Vi Thị H

Mẹ chủ hộ

1 triệu

Cho

7

Vị Thị M

Con cô, em ruột

bố gia chủ

30 lít rượu

Cho vay

Nguồn: Tài liệu thực địa của học viên tháng 8/2016.

Qua bảng 3.2 cho thấy, sự trợ giúp về vật chất vẫn tồn tại trong tổ chức đám cưới người Tày. Tuy nhiên, so sánh hai bảng (3.1 và 3.2) cho thấy có sự khác nhau về trợ giúp ở thời điểm năm 2001 và 2016. Thời điểm năm 2001 số lượng anh em họ hàng giúp nhiều hơn (tổng cộng là 11 người, so với 7 người năm 2016) nhưng đa phần giúp bằng hiện vật với giá trị thấp hơn năm 2016. Trong khi đó ở thời điểm năm 2016, người dân có xu hướng giúp nhau bằng tiền mặt nhiều hơn, giá trị hiện vật trợ giúp cũng lớn hơn trước đây.

Hiện nay, một số gia đình có điều kiện khi tổ chức đám cưới đã thuê dịch vụ trọn gói từ phông bạt, bàn ghế, bát đĩa, làm cỗ cưới… và một vài trường hợp đã tổ chức tại nhà hàng trên thị trấn Đồng Mỏ. Như vậy, một mặt

hạn chế sự kéo dài về thời gian tổ chức, đỡ công sức phục vụ của dòng họ, hàng xóm. Nhưng mặt khác lại phần nào làm mờ nhạt đi tình cảm anh em trong dòng họ. “Hiện nay, một vài gia đình trong cộng đồng khi tổ chức lễ cưới đã thuê toàn bộ dịch vụ hoặc ra nhà hàng ngoài thị trấn Đồng Mỏ để tổ chức lễ cưới. Tổ chức như vậy anh em họ hàng không còn phải tốn công sức phục vụ nhưng nó không còn vui như tổ chức lễ cưới trước đây” (ông Lô T, 92 tuổi). Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế trong đám cưới xu hướng thuê tất cả các dịch vụ từ bên ngoài hoặc tổ chức tại nhà hàng mới chỉ xuất hiện khoảng mấy năm gần đây ở thôn Khun Phang, còn thôn Làng Đăng việc tổ chức đám cưới chủ yếu vẫn theo hướng nhờ đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ anh em họ hàng, làng xóm. Phải chăng, sự phát triển kinh tế và sự thuận lợi trong giao lưu của thôn Khun Phang đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ theo xu hướng Kinh hóa trong mọi mặt đời sống.

Sự hỗ trợ từ phía các gia đình trong dòng họ người Tày từ trước đến nay không bao giờ tính lãi và thời gian giúp đỡ cũng không mặc định trước, tùy thuộc điều kiện từng gia đình. Trước đây, gia đình nhận được sự hỗ trợ sẽ đem trả lại khi gia đình người hỗ trợ có công việc lớn (đám cưới, đám ma, xây nhà). Nhiều trường hợp nợ đến trên 10 năm mà chưa phải trả. Nhưng hiện nay, hầu như những gia đình nhận được sự hỗ trợ thường thu xếp để trả lại ngay sau khi tổ chức xong đám cưới hoặc sau khoảng một vài tháng. “Ngày xưa, cưới xin anh em cho nhau vay mượn đến khi gia đình người cho mượn có công việc mới trả lại, thậm chí trên 10 năm mới phải trả. Nhưng nay, khi lo xong công việc họ thường thu xếp trả ngay” (ông Vi Văn Th, 47 tuổi).

Sở dĩ có sự khác nhau như vậy là bởi vì trước đây đời sống của người dân còn nhiều khó khăn vất vả, cưới xin tổ chức kéo dài “Đám cưới trước Đổi mới tổ chức kéo dài có khi gần một tuần, tốn kém lắm, cưới xong trong nhà thường sạch trơn” (ông Lô T, 92 tuổi). Vậy nên, khi dựng vợ gả chồng cho con cái xong trong nhà thường không còn của cải gì có giá trị. Đồng thời, những người cho vay hồi đó cũng có tư tưởng “của cho vay là của để dành”,

sau này khi có công có việc sẽ được giúp đỡ lại bớt đi một phần gánh nặng.“Ngày xưa, giúp đỡ cho nhau vay còn lấy đó làm của để dành cho công việc của nhà mình sau này” (ông Vi Văn C, 82 tuổi).Cũng vì thế mà việc trả nợ các khoản vay để lo tổ chức đám cưới thường lùi lại lại sau vài năm khi đôi vợ chồng trẻ đã ổn định cuộc sống, có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt tích góp trả nợ dần. Tuy nhiên, đến nay đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nâng cao, đồng thời một đám cưới khi tổ chức xong tiền mừng hạnh phúc của anh em họ hàng, làng xóm và bạn bè trung bình cũng lên đến khoảng trên 30 triệu“một đám cưới hiện nay tổng số tiền mừng gia chủ nhận được thấp cũng phải trên 30 triệu” (ông Vi Văn Ph, 47 tuổi), thường số tiền mừng nhận được gia chủ dùng vào việc chi trả cho các khoản vay mượn trước đóđể tổ chức đám cưới. “Đám cưới của con tôi, gia đình tôi cũng được họ hàng hỗ trợ cho vay mượn ít nhiều, nhưng sau vài hôm tổ chức xong tôi dùng số tiền được mừng trong đám cưới để trả các khoản nợ đó luôn” (Ông Vi Văn Ph, 47 tuổi).

Đám cưới người Tày Quang Lang có hai loại mừng hạnh phúc trong đám cưới. Một loại là tiền mừng cho gia chủ, khoản tiền này sẽ được ghi vào một cuốn sổ “mừng hạnh phúc”. Cuốn sổ này được gia đình giao cho một người đáng tin cậy trong dòng họ đứng gia ghi chép lại cẩn thận. Loại khác là tiền anh chị em họ hàng, cùng với bạn bè mừng cho đôi vợ chồng trẻ với mong muốn mang lại một nguồn vốn nhỏ để họ bắt đầu với cuộc sống mới. Tiền mừng này không được ghi vào sổ mừng hạnh phúc của gia đình mà đôi vợ chồng trẻ sẽ ghi vào cuốn sổ riêng. Số tiền mừng cũng khác nhau vào từng thời điểm và với từng đối tượng như anh em, hàng xóm hay bạn bè. Tại thời điểm nghiên cứu, theo khảo sát các gia đình trong dòng họ thường mừng khoảng từ 500 nghìn đồng trở lên, các gia đình trong thôn thường mừng 100 nghìn đồng, bạn bè cô dâu chú rể thường mừng 200 nghìn đồng. Tiền mừng hạnh phúc được coi như một loại nợ đồng lần, có đi có lại.

Qua bảng thống kê hỗ trợ của dòng họ trong đám cưới vào hai thời điểm khác nhau cho thấy sự giúp đỡ, chia sẻ của dòng họ luôn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống người Tày Quang Lang. Trước tiên là họ nội tộc, những người có quan hệ gần nhất với gia chủ. Sau đó mới đến họ ngoại, họ thông gia. Nhưng đều thể hiện được tình máu mủ, sự gắn kết, đùm bọc lẫn nhau trong anh em họ hàng. Chính điều đó đã tạo nên một sợi dây liên kết vô hình cố kết cộng đồng dòng tộc lại với nhau. Đồng thời, tạo ra một nguồn vốn vô cùng quan trọng đối với con người mỗi khi có công việc hay khi khó khăn.

3.2.2 Biến đổi quan hệ dòng họ trong tang ma Biến đổi quan hệ dòng họ trong nghi lễ tang ma

Tang ma là một trong những nghi lễ thể hiện văn hóa đặc sắc nhất của người Tày. Giống như nhiều dân tộc khác, tổ chức tang lễ là đưa linh hồn của người chết sang thế giới bên kia, về với tổ tiên và để xóa sạch mọi tội lỗi lúc sinh thời con người ta mắc phải, giúp linh hồn người chết sớm siêu thoát. Đây cũng là dịp để con cháu báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ (La Công Ý 2010, tr. 286). Do vậy, trong các đám ma luôn tập trung đông đủ anh em họ hàng gần xa, hàng xóm láng giềng, bạn bè. Ngày đó, nếu trường hợp gia đình nào không đến tiễn đưa người chết thì tức là gia đình đó đã cắt đứt quan hệ anh em họ hàng. “Đám ma luôn là ngày tập trung đầy đủ anh em họ hàng, dù ở xa đến đâu người ta cũng về thắp nén nhang cho người đã khuất. Trừ khi họ từ mặt với anh em dòng họ thì không đến” (ông Lô Quốc K, 57 tuổi).

Từ xưa cho đến nay, tang ma người Tày được tổ chức khá cẩn trọng, linh đình, với nhiều nghi lễ rườm rà, tỉ mỉ và rất tốn kém. Chi phí cho một đám ma khá lớn, vượt qua khả năng kinh tế của nhiều gia đình. Đồng thời, đám ma là việc đột xuất nên nhiều gia đình chưa kịp chuẩn bị nên để tiến hành công việc thuận lợi họ phải nhờ tới sự hỗ trợ, giúp đỡ của dòng họ và hàng xóm.

Trong thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nghi lễ tang ma thường bị cho là chứa nhiều hủ tục mê tín dị đoan và chi phí tốn kém, nên chính quyền nhà nước đã vận động các gia đình không tổ chức đám ma rườm rà khi trong nhà có người thân qua đời. Có những nơi ở vùng Tày, mỗi khi có bản người chết thì lập tức lãnh đạo hợp tác xã hô hào bà con xã viên đến đem đi chôn ngay (Dương Thuấn, tr. 139). Do vậy, thời kỳ này quan hệ anh em dòng họ trong tang ma được xem là bị mờ nhạt. Khi trong dòng họ có người mất, anh em họ hàng và người thân chỉ đến phúng viếng, còn lại mọi việc đều do hợp tác xã đứng ra chỉ đạo và lo liệu.

Sau Đổi mới, việc tang ma của người Tày đã dần khôi phục các lễ nghi truyền thống sau một thời gian bị cấm kỵ. Theo phong tục cổ truyền,để linh hồn người chết được siêu thoát, đồng thời phù hộ cho con cháu bình an, người Tày phải tiến hành rất nhiều nghi lễ như: mời thầy cúng, lễ khâm niệm, lễ nhập quan, lễ vào đám, lễ trao nhà táng, cây hoa, đưa ma, hạ huyệt, cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, mãn tang… Trong đó, lễ tiết được coi trọng nhất là vào đám hay đưa tang, cần phải chọn ngày lành, giờ tốt. Chính vì điều này mà trước đây nhiều gia đình không chọn được ngày lành, tháng tốt đã kéo dài

đám tang lên đến một tuần, thậm chí nửa tháng. Từ khi Nhà nước có các qui định mới về tang ma, cưới xin, lễ hội1, đám ma của người Tày đã được tổ chức đơn giản hơn, chỉ để người chết trong nhà không quá 48h đồng hồ. Tuy nhiên, các nghi lễ cổ truyền quan trọng trong tang ma vẫn được người Tày bảo lưu, thực hiện nhưng được rút gọn về mặt thời gian hơn.

Tang ma là quy tắc ứng xử của gia đình, dòng họ và háng xóm với người đã khuất. Vì vậy, khi trong nhà có người chết, gia đình phải có trách nhiệm báo ngay cho anh em dòng họ và hàng xóm. Với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” khi có người chết, mọi thành viên trong dòng họ và Hội hiếu đều đứng ra giúp đỡ tang chủ, người giúp gạo, lợn, tiền, củi, rượu,…cao hơn cả vẫn


1Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

là tinh thần, trách nhiệm của anh em họ hàng và làng xóm với người đã mất. “Khi trong dòng họ có người chết, các gia đình tự động đến nhà tang chủ, vừa để động viên chia buồn, vừa hỗ trợ, giúp đỡ” (Ông Vi Văn C, 82 tuổi)

“Hội hiếu” ở các thôn bản Tày là một tổ chức do cộng đồng lập nên để giúp đỡ gia đình tang chủ các công việc trong đám ma. Hội hiếu được thành lập nhiều năm về trước “từ đời các cụ”1, đến nay những người con Tày chỉ nối dõi theo mà không còn nhớ rõ nó được ra đời từ năm nào. Trước đây, hội có tên gọi là “hàng phe” sau này đổi tên thành “hội hiếu”. Hội hiếu tập hợp tất cả các thành viên trong cộng đồng thôn bản cùng tham gia. Hội có quy ước, quỹ hội riêng, mà đứng đầu là trưởng hội và phó hội. Họ là những người có

uy tín, tiếng nói được người dân thôn bản bầu ra theo từng nhiệm kỳ để vận hành hoạt động của hội.Trong làng có người mất, nhận được tin báo từ phía gia chủ, trưởng hội sẽ thông báo tới toàn thể hội viên. Mỗi gia đình sẽ cử một thành viên đến giúp đỡ gia đình của tang chủ. Khi đi họ đem theo củi, gạo, rượu, tiền tùy theo quy định của hội. Thôn Khun Phang thành lập một hội hiếu chung phục vụ tang lễ của cả làng. Nhưng riêng thôn Làng Đăng lại chia thành hai hội, do đây là thôn có địa bàn cư trú rộng và đông dân cư hơn. Hai hội của thôn Làng Đăng được chia theo cụm dân cư với dải ngăn cách là đường quốc lộ, hội hiếu của mỗi cụm đều có trưởng hội, phó hội riêng và chỉ phục vụ tang lễ của người thuộc cụm đó.

Khi tập hợp đầy đủ hội viên tại gia đình tang chủ, trưởng hội sẽ cùng với trưởng họ nội bàn bạc các công việc như thời gian làm ma, giờ làm các lễ chính, địa điểm chôn cất và cả công tác nấu nướng. Hai người này cũng phân công anh em trong dòng họ cùng các hội viên các công việc: đào huyệt, khiêng quan, chôn cất, lo nấu nướng, dọn dẹp... Hội viên khi đến đều mang theo đồ dùng, dụng cụ và khi xong việc tự cầm về.


1 Theo chia sẻ của người Tày Quang Lang.

Xem tất cả 139 trang.

Ngày đăng: 26/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí