nó vừa là nhân tố thúc đẩy quá trình xây dựng GĐVH, vừa kìm hãm, cản trở quá trình này. Do vậy, có thể nói: Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến xây dựng GĐVH là sự tác động các nội dung của đạo đức Nho giáo đến quá trình xây dựng GĐVH trên hai phương diện tích cực và tiêu cực, do đó, nó vừa thúc đẩy, cũng vừa kìm hãm qúa trình xây dựng GĐVH.
Xây dựng GĐVH là xây dựng một cách tổng thể, toàn diện trên các mặt của đời sống gia đình: chính trị, kinh tế, văn hóa - đạo đức (xem mục 2.2.2). Do đó, đạo đức Nho giáo cũng ảnh hưởng đến tất cả các mặt của quá trình xây dựng GĐVH theo hai hướng: tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, đặt trong phạm vi nghiên cứu, luận án chỉ đề cập sự ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến các mối quan hệ đạo đức gia đình trong xây dựng GĐVH (tức trên khía cạnh văn hóa - đạo đức gia đình), đó là:
2.3.2.1. Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái
* Ảnh hưởng tích cực
Chuẩn mực đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng tích cực đến việc điều chỉnh quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái, đó là hai chuẩn mực căn bản: “từ” và “hiếu”.
“Từ” thể hiện tình thương cũng như trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Trong học thuyết của mình, Nho giáo thường sử dụng chữ “từ” cho người mẹ. “Từ mẫu” không chỉ là người mẹ hết lòng vì con mà đồng thời còn là người mẹ có khả năng giáo dục con thông qua sự cảm hóa bằng tình thương rộng lớn của mình. Tuy nhiên, Nho giáo không chỉ dùng chữ “từ” cho người mẹ mà còn gắn chữ “từ” đối với người cha (cha từ, con hiếu). Không chỉ cần có phẩm chất “từ”, Nho giáo còn dùng chữ “nghiêm” để chỉ tính cách người cha. “Nghiêm phụ” là từ để chỉ những người cha biết thương yêu con cái một cách sáng suốt, biết kiên định, nghiêm túc và mẫu mực trong việc giáo dục con cái theo luân thường, đạo lý. Những từ như “nghiêm phụ, từ mẫu” thường được sử dụng trong những dòng họ lớn, những gia đình có học hành nhiều, chúng tạo nên một sắc thái riêng, phản ánh trách nhiệm đạo đức của cha mẹ đối với con cái.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống thể hiện rất rõ điều này, cha mẹ luôn quan tâm chăm lo đến con cái. Ngày nay, tình thương ấy vẫn được thể hiện đậm nét ở sự quan tâm chăm sóc đến đời sống vật chất, tinh thần và tương lai của con cái. Nuôi con khỏe mạnh, khôn lớn; dạy con cách thức ứng xử trong quan hệ với mọi người xung quanh, với anh em, họ hàng, làng nước; lo lắng cho tương lai của con cái; dạy con nghề nghiệp; dựng vợ, gả chồng và cố gắng dành dụm cho con một chút sản nghiệp… Đó là trách nhiệm, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc, thậm chí còn là lẽ sống của nhiều người làm cha mẹ. Nếu những trách nhiệm đó được thực hiện suôn sẻ, người ta sẽ được hưởng sự thanh thản và hạnh phúc; ngược lại, vì một lý do nào đó, những trách nhiệm ấy không được thực hiện, người ta sẽ cảm thấy bất hạnh, thậm chí “chết không nhắm mắt được”. “Hiếu” được coi là chuẩn mực, đồng thời là phẩm chất đạo đức trung tâm
và quan trọng nhất của con người trong quan hệ gia đình. Một trong những điểm nổi bật của đạo đức Nho giáo là rất mực đề cao đạo “hiếu” của con cái đối với cha mẹ ở trong gia đình (xem mục 2.1.1.3).
Có thể bạn quan tâm!
- Quá Trình Du Nhập, Phát Triển Của Đạo Đức Nho Giáo Ở Việt Nam
- Gia Đình Văn Hóa Và Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa
- Nội Dung Chủ Yếu Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa
- Phương Thức Ảnh Hưởng Của Đạo Đức Nho Giáo Đến Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa
- Đặc Điểm Gia Đình Vùng Đồng Bằng Sông Hồng - Yếu Tố Tác Động Trực Tiếp Đến Ảnh Hưởng Của Đạo Đức Nho Giáo Đối Với Xây Dựng Gia Đình Văn
- Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
Ở Việt Nam, chữ “hiếu” vốn là một trong những nội dung quan trọng của đạo đức GĐTT. Các GĐ trong xã hội phong kiến (Lê - Nguyễn) đều lấy “hiếu” làm chuẩn mực cho những giá trị xã hội, làm tiêu chuẩn để rèn luyện và đánh giá nhân cách con người. Không những thế, “hiếu” còn được pháp luật hóa, chính sách hóa. Luật Triều Lê, điều 90 đã dành ba trang luận bàn về gia đình, trình bày quy tắc, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, ông bà: Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ, khi cha mẹ già phải sớm khuya phụng dưỡng, không được thiếu thốn, cũng không được bắt buộc cha mẹ làm việc khó nhọc mới cấp cho ăn uống. Việc tế tự và tang gia thì phải căn cứ vào lễ cúng, như thế mới hết đạo làm con. Trong dân gian, chữ “hiếu” được thể hiện ngay từ những lời ru khi còn nằm trong nôi:“Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Một lòng thờ mẹ, kính cha; Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Nội dung chữ “hiếu” trong dân gian đơn giản, thiết thực, bất kỳ ai cũng có thể hiểu và thực hiện được, chỉ cần có tấm lòng hiếu thảo thực tâm.
Trong xây dựng GĐVH hiện nay, một trong những tiêu chí mà Đảng, Nhà nước ta chú trọng, đó là xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu hiếu thảo”. Tuy rằng, đây là những chuẩn mực đạo đức quy định hành vi ứng xử giữa những thành viên gia đình trong xã hội mới, nhưng có thể thấy, nó chịu nhiều ảnh hưởng từ tư tưởng “hiếu” của Nho giáo… Trong các gia đình Việt Nam hiện nay vẫn thường lấy chữ “hiếu” để giáo dục, uốn nắn, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa con cái với cha mẹ. Đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ thể hiện rất cụ thể và đời thường thông qua sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu; vâng lời giáo huấn của cha mẹ; làm bất cứ việc gì cũng luôn giữ gìn bản thân để cha mẹ yên tâm và cảm thấy tự hào hoặc không phải lo lắng... Đạo “hiếu” đã trở thành một phẩm chất đạo đức rất đỗi đời thường và gần gũi, một nét đẹp văn hóa trong cách ứng xử của con cái đối với cha mẹ trong gia đình người Việt truyền thống cũng như hiện đại.
* Ảnh hưởng tiêu cực
Bên cạnh những giá trị có tác động tích cực, thì đạo đức Nho giáo cũng có những tư tưởng lạc hậu tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, biểu hiện rõ nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi trọng con trai hơn con gái. Hầu như tất cả các gia đình đều mong muốn (thậm chí là bắt buộc) phải có con trai để nối dõi tông đường. Xuất phát từ quan điểm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (có một con trai cũng là có, có mười con gái cũng là không có), do đó các gia đình tìm mọi cách để sinh được con trai. Cũng chính từ đó mà trong tình cảm yêu thương của cha mẹ đối với con cái thì chủ yếu giành cho con trai phần nhiều. Mọi sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng đều giành cho con trai, từ đó tạo nên sự bất bình đẳng giữa con trai và con gái trong gia đình, không chú trọng tạo điều kiện để con gái được học tập, phát triển. Trong xây dựng GĐVH hiện nay, mặc dù các quy định pháp luật nghiêm cấm điều này, khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ từ trong gia đình đến ngoài xã hội, con cái trong gia đình có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt là nam hay nữ. Nhưng thực tế, tình trạng coi trọng coi trai hơn con gái vẫn còn tồn tại trong
nhiều gia đình do ảnh hưởng bởi tư tưởng đạo đức truyền thống Nho giáo trong lịch sử.
Bên cạnh đó, với tư tưởng gia trưởng và việc giữ gìn khuôn phép lề thói trong gia đình, nên cha mẹ thường có tư tưởng áp đặt đối với con cái. Cha mẹ áp đặt ý chí, nguyện vọng của mình buộc con phải làm theo trong mọi việc, như: trong các vấn đề sinh hoạt hàng ngày, trong học tập, trong công việc, trong quan hệ bạn bè, trong hôn nhân, sinh con đẻ cái... từ đó dẫn đến không tôn trọng ý kiến, nguyện vọng, sở thích của con.
Giáo dục con là vai trò và trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng “tam cương”, “gia pháp”, của tư tưởng “thương cho roi cho vọt” mà nhiều gia đình hiện nay vẫn sử dụng phương pháp dạy con bằng đòn roi, bạo lực. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật, mất dân chủ trong gia đình, mà còn đi ngược với mục tiêu xây dựng GĐVH.
2.3.2.2. Trong quan hệ giữa vợ và chồng
* Ảnh hưởng tích cực
Như trên đã đề cập, các quan hệ gia đình Việt Nam trong đó có quan hệ vợ chồng, chịu tác động của nhiều yếu tố: văn hóa bản địa, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Nho giáo… Trong đó có thể nói Nho giáo tác động nhiều nhất, thông qua tư tưởng “tam cương”, “ngũ thường” và “tứ đức”. Những chuẩn mực đạo đức này đã tác động lớn đến hành vi ứng xử trong quan hệ giữa vợ chồng, hình thành nên lối sống tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận. Đây là cơ sở để xây dựng nên quan hệ vợ chồng bền vững, yên ấm, hạnh phúc. Chuẩn mực đạo đức tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng thể hiện thông qua tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau những công việc trong gia đình như: lao động sản xuất; phụng dưỡng cha mẹ già; chăm sóc, nuôi dạy con cái… Đây là những giá trị đạo đức tạo nên sức mạnh để vợ chồng vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tình nghĩa gắn bó, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng được thể hiện một cách dung dị, đời thường trong cuộc sống hàng ngày thông qua các câu ca dao, tục ngữ “Vợ chồng là nghĩa tào
khang; Xuống khe bắt ốc lên ngàn hái rau” hay “Chồng em áo rách em thương; Chồng người áo gấm xông hương mặc người”...
Trong mối quan giữa chồng và vợ, Nho giáo rất mực đề cao sự gắn bó, hòa thuận, mặc dù nhiều khi các cặp vợ chồng lấy nhau không xuất phát từ tình yêu đôi lứa mà xuất phát từ sự sắp đặt của cha mẹ. Nhưng do ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức Nho giáo (trở thành luân lý và luật lệ trong một số giai đoạn lịch sử) mà người phụ nữ trong gia đình luôn có sự thông cảm, nhường nhịn, lắng nghe ý kiến của chồng; quan tâm, chia sẻ, chăm sóc chồng hết mực. Ngày nay, những giá trị đạo đức tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng vẫn luôn được coi trọng và lưu giữ ở nhiều gia đình, được thực hiện một cách phổ biến trên cơ sở bình đẳng giữa vợ và chồng. Đây là một tiêu chí cơ bản để xây dựng GĐVH “hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”
* Ảnh hưởng tiêu cực
Do ảnh hưởng bởi tư tưởng “tam cương”, “tam tòng”, “tứ đức” của Nho giáo, đặc biệt, do bảo vệ vị trí của người đàn ông trong xã hội mà chế độ phong kiến đã xác lập vị trí thống trí của họ trong gia đình. Điều này dẫn đến sự tuyệt đối hóa vai trò của người chồng trong gia đình, tạo nên sự gia trưởng, bất bình đẳng giữa vợ và chồng: Chồng là người có quyền quyết định mọi việc trong gia đình; người vợ phải tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu của người chồng; công việc của người chồng là giải quyết các vấn đề ngoài xã hội, còn vợ là người quán xuyến các việc trong gia đình và phục vụ chồng con... Điều này dẫn đến sự mất dân chủ và bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng.
Trong xã hội hiện nay, pháp luật luôn khẳng định và bảo vệ quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, thể hiện trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức Nho giáo và những luật lệ trong xã hội phong kiến hằn sâu, tạo thành thói quen, tập tục của người dân (nhất là những vùng gắn liền với sự đóng đô của các triều đại phong kiến). Do đó, tình trạng gia trưởng, mất dân chủ, thiếu bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, bạo lực với phụ nữ, hạn chế quyền của người phụ nữ trong tham gia hoạt
động xã hội..., vẫn còn tồn tại. Điều này đã tác động tiêu cực và là cản trở lớn trong quá trình xây dựng GĐVH hiện nay.
2.3.2.3. Trong quan hệ giữa anh, chị, em
* Ảnh hưởng tích cực
Quan hệ giữa anh, chị, em (quan hệ anh - em) cũng là một quan hệ căn bản trong gia đình, được Nho giáo xem là một trong những mối quan hệ rường cột (ngũ luân). Cũng như quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ anh em là quan hệ có tính huyết thống (cố nhiên, có trường hợp là con nuôi, do đó là anh em nuôi, nhưng đã nhận là anh em thì người ta cũng coi nhau như anh em ruột). Được sinh ra từ một cội nguồn, cùng lớn lên dưới sự chăm sóc của cha mẹ và thường chung sống với nhau suốt thời thơ ấu dưới một mái nhà, một tổ ấm, lẽ đương nhiên, tình cảm và trách nhiệm đạo đức giữa anh em nảy sinh và phát triển. Như vậy, không chỉ với cha mẹ mà quan hệ anh em cũng là một phần không thể thiếu của một con người (đối với những trường hợp cá biệt, không có anh em được coi là một sự thiệt thòi, một bất hạnh nhất định). Ca dao có câu: “Anh em như thể chân tay; Như da với thịt, như cây với cành” hay “Anh em như thể chân tay; Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.
Do chịu sự tác động và quy định của “ngũ luân”, “ngũ thường” hay “hiếu đễ” mà trong các gia đình xưa, mối quan hệ anh em luôn được chú trọng xây dựng bền chặt. Trong mối quan hệ này, hòa thuận được đề cao như là yêu cầu và chuẩn mực hàng đầu. Hòa thuận đòi hỏi anh em phải thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau; đồng thời hòa thuận cũng là kết quả của tình thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ. Sự hòa thuận giữa anh em không chỉ là nhu cầu nội tại của quan hệ anh em, mà còn là nguyện vọng, mong muốn và định hướng giáo dục của cha mẹ, họ hàng, xã hội. Cha mẹ sinh con, mong muốn con nên người thì cũng mong muốn các con hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ngược lại, con cái muốn cha mẹ vui lòng, nghĩa là muốn làm tròn đạo hiếu thì ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ còn phải hòa thuận với anh em; chỉ như thế thì chữ hiếu mới được trọn vẹn. Sự hòa thuận của anh em là một trong những yếu tố làm nên sự hòa thuận của gia đình và
sự ổn định của xã hội. Dư luận xã hội vì thế luôn biểu dương sự hòa thuận anh em, luôn nhắc nhở con người phải giữ gìn sự hòa thuận ấy, với quan niệm: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Mối quan hệ anh em trong gia đình, dưới sự tác động của các chuẩn mực đạo đức Nho giáo, đặc biệt là xuất phát từ chữ “đễ” mà tạo nên sự tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, theo Nho giáo, người anh cả trong gia đình phải yêu thương và có trách nhiệm đối với các em, ngược lại người em phải kính trọng, yêu thương, vâng lời người anh trong gia đình. “Đễ” là yêu cầu và chuẩn mực đạo đức điều chỉnh cả anh lẫn em. Một người anh có “đễ” là một người anh biết thương yêu và có trách nhiệm đối với các em. Trách nhiệm ấy càng trở lên nặng nề hơn khi cha mẹ mất sớm và các em chưa trưởng thành. Khi đó, người anh có vai trò và trách nhiệm như người cha. Vì gia đình là một thể thống nhất, chữ “hiếu” và chữ “đễ” có quan hệ với nhau, nên việc thực hiện trách nhiệm đối với các em cũng đồng thời là một trong những yêu cầu và nội dung của việc thực hiện đạo hiếu ở người anh. Cũng như vậy, người em có “đễ” là người em biết kính trọng, yêu thương và đặc biệt là biết vâng lời anh. Thực hiện “đễ” đối với anh cũng chính là thực hiện yêu cầu của đạo “hiếu” đối với cha mẹ.
Đây là những giá trị mang tính trường tồn của đạo đức Nho giáo, có ảnh hưởng tích cực đến việc giữ gìn hòa thuận trong GĐ hiện nay, góp phần thực hiện thành công một trong những tiêu chí cơ bản của việc xây dựng GĐVH.
* Ảnh hưởng tiêu cực
Nho giáo đề cao vai trò người anh cả trong gia đình nên dẫn đến tuyệt đối hóa vai trò của người anh cả (“quyền huynh, thế phụ”). Sự tuyệt đối hóa ấy dẫn đến sự áp đặt, mệnh lệnh của người anh đối với các em. Người anh cả quyết định mọi việc trong gia đình yêu cầu các em phải tuân theo, dẫn đến mất dân chủ, bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm, chức năng của từng thành viên trong GĐ. Cùng với việc đề cao trách nhiệm, vai trò của người anh cả đã dẫn đến tạo ra áp lực đối với người anh cả (con trai trưởng) trong gia đình. Người anh cả phải lo lắng chu toàn mọi việc trong gia đình đối với cha mẹ và các em, từ đó tạo
nên gánh nặng về “trách nhiệm” mà nếu không hoàn thành sẽ bị người đời chê trách, gia đình, họ tộc, các em thiếu tôn trọng.
Sự mất dân chủ và thiếu bình đẳng còn thể hiện trong QH giữa anh trai và em gái. Xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo, nên trong gia đình, người anh trai thường có quyền lực, lợi ích và trách nhiệm cao hơn em gái, điều này thể hiện rõ trong phân chia tài sản gia đình, trong quản lý công việc, trong trách nhiệm với tổ tiên, dòng họ. Anh trai thường có quyền quyết định và áp đặt ý kiến đối với chị em gái.
Đây là những biểu hiện tiêu cực của ĐĐNG đến mối quan hệ anh - em trong gia đình xưa. Hiện nay, tình trạng này vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xây dựng GĐVH.
2.3.2.4. Trong quan hệ giữa gia đình và xã hội
* Ảnh hưởng tích cực
Nho giáo rất mực đề cao ĐĐNG gắn bó giữa GĐ và XH. Nho giáo cho rằng, người và người không thể sống tách rời nhau mà có muôn nghìn gắn bó với nhau trong những cộng đồng nhất định. Các cộng đồng cơ bản nhất từ nhỏ đến lớn đó là nhà, nước và thiện hạ. Đương nhiên, ngoài phạm vi từ nhà đến nước, rồi đến thiên hạ thì còn có hương, quận, châu… Tất cả các cộng đồng ấy đều bắt nguồn từ nhà mà ra. Do vậy, Nho giáo cũng chỉ ra con đường phát triển của mỗi con người luôn là từ “nhà”, bắt đầu từ “nhà” rồi mới đến “nước”, đó là: “Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ”. Điều này gần như có điểm tương đồng với chủ nghĩa Mác - Lênin “Gia đình là tế bào của xã hội”.
Chịu sự tác động của đạo đức Nho giáo, cùng với truyền thống văn hóa dân tộc, các GĐ người Việt luôn có sự cố kết, gắn bó với cộng đồng. Trải qua các thời kỳ phát triển, dù ở chế độ xã hội nào thì mối quan hệ giữa gia đình và xã hội luôn gắn bó mật thiết. Gia đình luôn là cơ sở, nền tảng và cầu nối để con người vươn ra ngoài xã hội. Cũng chính từ đây hình thành nên mối quan hệ tình nghĩa, gắn bó mật thiết giữa gia đình và xã hội, tạo nên một kết cấu xã hội bền