Gia Đình Văn Hóa Và Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa


tr.184]. Khi đề cập đề cập đức “lễ”, dựa trên quan điểm về “lễ” của Nho giáo, kết hợp với những tư tưởng tân thư của phương Tây, đặc biệt là tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái để đi đến quan niệm rằng nguồn gốc của chữ “lễ” dùng để chỉ những nghi thức, cách thờ cúng thần thánh để được hưởng phúc mà thôi. Trong quá trình phát triển, nội hàm chữ “lễ” đã được mở rộng, bao gồm cả những quy định, chuẩn mực mà phong tục, tập quán, xã hội đã thừa nhận. Nhưng hiểu theo nghĩa rộng nhất, “lễ” bao gồm cả quyền bính của nhà vua và những tiết chế về những hành vi của dân chúng. Ông viết: “Lễ là tiết văn trong thiên lý mà ra” [9, tr.184], do đó, những điều không hợp lễ thì mình đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói, đừng làm. Với quan niệm này, ông đã phê phán và cố gắng vượt qua tư tưởng một chiều, bình đẳng về những chuẩn mực, những quy định trong các quan hệ xã hội, như việc người dưới phải phục tùng người trên một cách tuyệt đối, những quy định khắt khe, ràng buộc tự do của người phụ nữ…, trong quan điểm của Nho giáo.

Thứ hai, chữ “hiếu” mang sắc thái riêng của người Việt - không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn vươn ra ngoài xã hội.

Theo ĐĐNG Trung Quốc, người con có “hiếu” là phải hy sinh tất cả để lo cho cha mẹ mình. Còn ở Việt Nam, chữ “hiếu” chia làm hai: tiểu hiếu và đại hiếu. Tiểu hiếu là hiếu với cha mẹ còn đại hiếu là hiếu với dân, với nước.

Tiểu hiếu là tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già, khi lâm bệnh, khi đã khuất phải thực sự chu đáo, tận tâm, trong Luật triều Lê sơ ghi rõ: “Đạo làm con phải hiếu kính cha mẹ, phải phụng dưỡng không được để thiếu thốn. Các việc cúng tế khi cha mẹ mất phải căn cứ vào Lễ ký [15, tr.147]. Theo Nguyễn Trãi, “đạo làm con phải biết vâng lời cha mẹ, biết lo chỗ ăn nghỉ yên ấm và biết săn sóc, phụng dưỡng, lo toan cho sức khỏe của cha mẹ”[38, tr.148]. Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Tử sự phụ mẫu, đã nêu rõ đạo làm con phải “trọn đạo” với cha mẹ, cụ thể: “cung kính, tận tâm phụng dưỡng cha mẹ, sớm tối siêng năng chăm sóc, tận tình thăm hỏi, dù cho cha mẹ có giận hờn vẫn “càng kính thuận”, khi được sai khiến công việc chớ nên phàn nàn về sự vất vả của bản thân” [38, tr.148]. Ngô Thì Nhậm đề cao: hiếu là một tiêu chí đứng đầu trong các tiêu chí


để đánh giá phẩm chất đạo đức con người bởi vì “Một chữ hiếu tạo vị trí đứng đầu mối giường thứ bậc” [38, tr.147]. Nói về vấn đề này, Phan Huy Chú đã nhấn mạnh: “Hiếu là luân thường của thiên hạ, là lẽ trời tồn tại của loài người, cho nên (sử dụng) là để làm cho phong hóa được tốt, phong tục được hậu” [15, tr.147]. Nhà nghiên cứu Phan Đại Doãn cũng nhận xét: “dùng hiếu để cai trị thiên hạ là điểm nổi bật trong đường lối chính trị và văn hóa của hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam theo Nho giáo” [15, tr.144].

Bên cạnh việc đề cao vai trò của đức hiếu, các nhà Nho Việt Nam cũng kịch liệt phê phán sự bất hiếu, thậm chí pháp luật quy đó là một tội rất nặng. Trong luật của triều Lê và triều Nguyễn, tội bất hiếu được coi là một trong mười tội ác (thập ác) phải xử nặng: “Bất hiếu, là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; nghe thấy tang ông bà, cha mẹ mà giấu, không cử ai; nói dối là ông bà cha mẹ chết” [67, tr.34].

Không chỉ dừng lại ở tiểu hiếu trong gia đình mà chữ hiếu còn vươn ra ngoài xã hội - đại hiếu. Các nhà Nho Việt cho rằng: hiếu lớn nhất đó là nối nghiệp cha mẹ để gây dựng nghiệp lớn. Khi bị bắt sangTrung Quốc, Nguyễn Phi Khanh đã dặn con Nguyễn Trãi: “Việc tiểu hiếu (tức là theo cha, chăm sóc cha) để cho em nó làm. Còn con là người có học, có tài nên lo cứu nước, cứu dân làm chuyện đại hiếu. Theo cha khóc lóc như người đàn bà làm gì” [59, tr.185]. Nghe lời cha, Nguyễn Trãi quay về cùng với Lê Lợi khởi nghĩa đánh quân Minh và lập ra triều đại Lê sơ. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở, giáo dục cán bộ: “Trung với nước, hiếu với dân”. Chính chữ “hiếu” theo cách hiểu là đại hiếu này đã giúp cho chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam tăng thêm sức mạnh và là một trong những nhân tố quan trọng giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Thứ ba, trong Nho giáo Việt Nam địa vị của người phụ nữ được xem trọng hơn so với Nho giáo Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

Trong Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Trung Quốc đều xem trọng người đàn ông, đều có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Tuy nhiên, Nho giáo Việt Nam đã đánh giá vai trò của người phụ nữ cao hơn so với Nho giáo Trung Quốc.


Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 7

Trong quan hệ vợ chồng, nếu như Nho giáo Trung Quốc tuyệt đối vai trò của người chồng, xem người vợ là “hạng dưới”, phải phục tùng, tuân lệnh thì trong Nho giáo Việt Nam người phụ nữ tự chủ hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, người phụ nữ được bình đẳng hơn trong đóng góp kinh tế gia đình, đó là “chồng cày, vợ cấy” - điều này có nghĩa là người vợ cũng đóng góp sức lao động của mình như người chồng. Thậm chí, các nhà Nho Việt Nam còn phong cho người phụ nữ là “nội tướng” - người nắm “tay hòm chìa khóa” quản lý kinh tế trong gia đình. Họ có thứ quyền năng mà xã hội trao cho là “nhất vợ nhì trời”, “lệnh ông không bằng cồng bà”.

Các nhà Nho Việt Nam đề cao vai trò của người vợ trong việc “giữ yên” gia đình. Nguyễn Trãi khuyên người chồng phải sống thủy chung, không phụ bạc với người vợ “Yên nhà nỡ phụ vợ tao khang” [38, tr.152]. Ông cũng đề cao sự chia sẻ ngọt bùi của người vợ khi về già, ông viết: “Dấu ai qua vợ con?... Càng già, càng ngẫm của bùi ngon” [38, tr.153]. Quan niệm này của ông giống như quan niệm dân gian: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” để khẳng định vai trò của người vợ. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho rằng vợ chồng phải gắn bó, lấy thủy chung làm đầu và cần phải thông cảm, sẻ chia trách nhiệm với nhau như trong bài Khuyến phụ đãi thê ông viết: “Sau ngày kể vợ tao khang, Xin xót cùng nhau hỡi thế nhường” [38, tr.152].

Nho giáo Trung Quốc đưa ra “thất xuất” - những lý do đó làm cho người đàn ông rất dễ lấy cớ để bỏ vợ, thì Nho giáo Việt Nam đã giảm bớt cái tính tàn nhẫn đối với người phụ nữ bằng việc luật Hồng Đức đưa ra “tam bất khả xuất” - ba điều đàn ông không thể bỏ vợ được để hạn chế sự thiệt thòi cho người phụ nữ: “đã để tang cha mẹ chồng, đã làm cho nhà chồng trở nên giàu có, ngoài nhà chồng ra không còn nơi nương tựa” [81, tr.113]. Nếu người chồng vi phạm các điều khoản này thì sẽ bị pháp luật trừng trị. Như vậy, các điều khoản trên cho thấy Pháp luật thời Phong kiến ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Trong điều 391 luật thời Lê sơ ghi: “Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng đất hương


hỏa thì cho lấy một phần hai mươi” [67, tr.153]. Vì vậy, trong dân ta mới có câu “vô nam dụng nữ”. Điều 373 luật Hồng Đức cũng ghi: “ Vợ chồng không có con…, vợ chết hay cải giá thì phần ấy thuộc về người thờ tự. Nếu cha mẹ vợ còn sống thì thuộc về cha mẹ cả” [67, tr.147].

Nếu Nho giáo Trung Quốc đề cao vai trò của người cha thì ở Việt Nam việc dạy bảo con cái lại chủ yếu là do người mẹ, đó là: “con dại cái mang”, “phúc đức tại mẫu”… Nho giáo Trung Quốc chỉ đề cập tới việc “con phải có hiếu với cha” thì Nho giáo Việt Nam con phải có hiếu với cả cha và mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Ngoài ra, nếu Nho giáo Trung Quốc gọi đó là quan hệ phu thê - chồng vợ để chỉ vai trò bậc “trên” của người chồng thì Nho giáo Việt Nam hay sử dụng thuật ngữ quan hệ vợ - chồng cũng có hàm ý thể hiện sự bình đẳng hơn trong MQH chồng vợ. Đây là một trong những sự khác biệt để khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Việt Nam cao hơn ở Trung Quốc.

Trên cơ sở tìm hiểu quá trình du nhập, phát triển của đạo đức Nho giáo vào Việt Nam cũng như những nét riêng của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam, có thể rút ra một vài nhận xét sau.

Thứ nhất, Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu công nguyên, nhưng phải trải qua một thời gian dài, Nho giáo mới bén rễ trong đời sống chính trị và tinh thần của xã hội.

Mãi đến thế kỷ XV, Nho giáo mới đi vào cuộc sống, từ triều đình đến làng xã, gia đình, từ giai cấp thống trị đến toàn bộ đời sống xã hội. Nho giáo du nhập vào Viêt Nam và được cải biến cho phù hợp với truyền thống của dân tộc và nhu cầu của đất nước, trở thành nhân tố của nền văn hóa và hệ tư tưởng thống trị ở Việt Nam. Như giáo sư Trần Đình Hượu - một nhà nghiên cứu Nho giáo lâu năm nhận xét: “Dưới sự tác động của những giá trị truyền thống của dân tộc, trải qua quá trình tiếp nhận và cải biến, Nho giáo Việt Nam đã mang tinh thần “thiết thực, thoải mái, có tính ôn hòa, ít chặt chẽ, máy móc, giữ gìn lễ tiết” [33, tr.64]. Hay như giáo sư Phan Đại Doãn nhận xét: “Các nhà Nho Việt


Nam đã “đơn giản hóa, thực dụng hóa” tư tưởng Khổng - Mạnh, Trình - Chu, bàn nhiều về những vấn đề thiết thực như đạo và đức, lễ và pháp, quân tử và tiểu nhân...” [15, tr.9-10].

Thứ hai, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam chú trọng đến tính thực tế, đề cao hiệu quả hơn là lý luận, mang tính học thuật.

Sở dĩ có điều này là xuất phát từ quá trình tiếp nhận, vận dụng ĐĐNG ở Việt Nam luôn gắn liền những hoạt động thực tiễn của quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Để thực hiện mục đích đó, các nhà Nho Việt Nam đã lược giản những vấn đề mang tính hàn lâm, học thuật, trực tiếp khai thác, vận dụng những nội dung, nguyên lý đơn giản để giải quyết những vấn đề cụ thể đang đặt ra. Tuy nhiên, chính thói quen ấy cũng đã tạo nên sự hạn chế nhất định khi tiếp nhận Nho giáo, làm phá vỡ đi tính lôgic, hệ thống của bản thân học thuyết Nho giáo, đôi khi làm mất đi những luận điểm sâu sắc, mang tính gợi mở, lược bớt các nội dung của nó, từ đó làm cho sự sáng tạo trên nền tảng học thuyết Nho giáo bị thu hẹp.

Thứ ba, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam in đậm văn hóa truyền thống dân tộc Việt.

Chúng ta biết rằng, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam vốn dĩ dã có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau từ xa xưa “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Khi vào Việt Nam, Nho giáo được tiếp nhận với ý thức của Người Việt là kết hợp hài hòa với yếu tố truyền thống vốn có của dân tộc (đặc biệt là từ nửa sau thế kỷ XV), do vậy, những khi vào Việt Nam những phạm trù đạo đức Nho giáo đã bị “khúc xạ” gắn với nền tảng của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chính vì vậy, đạo đức Nho giáo Việt Nam có nội hàm mang những sắc thái đậm nét riêng của văn hóa, đạo đức người Việt Nam.

Thư tư, Nho giáo du nhập vào Việt Nam trong sự phát triển đồng hành, tác động qua lại với Phật giáo và Đạo giáo.

Nho giáo cùng với Phật giáo, Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ thời kỳ Bắc thuộc, nhưng quá trình thâm nhập vào cuộc sống không đồng đều, nhanh,


chậm khác nhau. Phật giáo từ thế kỷ VII - VIII đã phát triển khá mạnh, và được coi là quốc giáo ở các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý - Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV). Trong khi đó Nho giáo đến thế kỷ XV thời kỳ nhà Lê mới được đề cao và thịnh trị, Nho giáo trở thành quốc giáo. Còn Đạo giáo thì tồn tại xuyên suốt trong cả chặng đường, nhưng chỉ xâm nhập và ảnh hưởng đến tín ngưỡng nhân dân.

Tóm lại, thông qua nghiên cứu quá trình Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chúng ta thấy rằng, tính từ thời Bắc thuộc đến nay, Nho giáo đã có mặt trên đất nước ta hơn 2000 năm, trong đó có trên 500 năm được coi là hệ tư tưởng thống trị trong kiến trúc thượng tầng của xã hội phong kiến. Vì lẽ đó, Nho giáo có đủ điều kiện để thấm sâu, bám rễ và ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Ngày nay, chế độ phong kiến Việt Nam không còn nữa, nhưng tư tưởng Nho giáo (đặc biệt tư tưởng đạo đức) vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng lớn đến lối sống của con người và xã hội hiện nay. Nho giáo với tư cách là một bộ phận văn hóa truyền thống dân tộc, đòi hỏi chúng ta có thái độ đúng đắn để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, lạc hậu của Nho giáo, đồng thời chọn lọc, kế thừa, cải tạo những yếu tố tích cực, hợp lý của nó để bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

2.2. GIA ĐÌNH VĂN HÓA VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA

2.2.1. Quan niệm và vai trò của gia đình văn hóa

2.2.1.1. Quan niệm về gia đình văn hóa

* Quan niệm về gia đình

Gia đình là một thiết chế xã hội nhỏ nhất được hình thành từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người. Khi nghiên cứu về GĐ, C.Mác khẳng định: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình” [50, tr.41]. Theo Tổ chức UNESCO: Gia đình là một nhóm người có quan hệ họ hàng, cùng sống chung và có ngân sách chung; các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi về mọi mặt, được


pháp luật thừa nhận. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau” [66, tr.1].

Từ những quan niệm trên, dưới góc độ luận án nghiên cứu thì quan niệm về gia đình được hiểu là: Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt được hình thành và phát triển trên cơ sở các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, đồng thời có sự gắn kết về kinh tế - vật chất, qua đó nảy sinh những nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình.

Từ quan niệm trên ta thấy, trong gia đình có 3 mối quan hệ cơ bản, đó là: Quan hệ hôn nhân: là một trong những quan hệ cơ bản hình thành và phát triển gia đình. Đây là mối quan hệ giữa vợ và chồng nhằm đảm bảo nhu cầu sinh lý, tình cảm để duy trì nòi giống. Quan hệ huyết thống: là quan hệ cơ bản đặc trưng của gia đình, đó là quan hệ cùng dòng máu giữa các thành viên trong gia đình. Quan hệ nuôi dưỡng: đó là sự quan tâm, chăm sóc nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình về vật chất và tinh thần. Thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người trong gia đình.

* Quan niệm về gia đình văn hóa

Gia đình văn hóa là một khái niệm động, chính vì vậy, xét dưới góc độ thuật ngữ thì có nhiều tên gọi khác nhau. Trong tác phẩm “Đời sống mới” được bác viết năm 1947, Người dành một phần để nói về gia đình và xây dựng gia đình mới. Ngày 15-3-1975, Bộ Văn hoá Thông tin và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hoá mới. Thuật ngữ GDVH mới, GDVH xã hội chủ nghĩa (XHCN) ra đời. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, thuật ngữ “gia đình văn hóa” chính thức được sử dụng cho đến nay.

Để xây dựng GĐVH phù hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Nghị quyết này, vấn đề GĐVH


và xây dựng GĐVH đã được đề cập một cách cấp thiết, đó là: Cần giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 01/2002/QĐ-BVHTT ngày 02/02/2002 ban hành quy chế công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “khu phố văn hóa”, trong đó xác định cụ thể tiêu chuẩn gia đình văn hóa: 1. Xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, mạnh khỏe và hạnh phúc; 2. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; 3. Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình; 4. Đoàn kết tương trợ cộng đồng dân cư.

Năm 2011, Bộ VH-TT-DL đã ban hành thông tư số 12/2011/TT- BVHTTDL ngày 10/10/2011 quy định cụ thể các tiêu chí của GĐVH (Phụ lục 2) thể hiện trên các mặt của đời sống xã hội, đó là: 1. Gia đình văn phải gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; 2. Gia đình văn hóa phải là gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; 3. Gia đình văn hóa tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, các thành viên trong gia đình có đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao.

Dựa vào những tiêu chí nêu trên, đặt trong đối tượng, phạm vị nghiên cứu của luận án, tác giả xác định khái niệm gia đình văn hóa như sau: Gia đình văn hóa là một hình thức gia đình kiểu mới; được hình thành, phát triển dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại trong thời đại mới; là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành, phát triển nhân cách con người toàn diện.

Từ khái niệm trên, có thể rút ra đặc trưng của GĐVH:

Thứ nhất, GĐVH là gia đình kiểu mới, được ra đời và phát triển gắn liền với sự nghiệp đổi mới đất nước, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xem tất cả 205 trang.

Ngày đăng: 29/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí