Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12


của cha mẹ đối với con cái trong gia đình hiện nay thường biểu hiện ở những điểm nào sau đây? thì có 98% người trả lời lựa chọn “Cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con”, 92.5% trả lời “Cha mẹ tạo mọi điều kiện để con được ăn học đầy đủ”, 65.3% khẳng định “Cha mẹ chăm chỉ làm việc và tích lũy để dành dụm tài sản cho con", 93.5% cho rằng “Cha mẹ lo lắng cho tương lai sự nghiệp và việc dựng vợ gả chồng của con” (Phụ lục 5.4). Điều này cho thấy, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống gia đình của người dân ĐBSH hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tình yêu thương và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái thì dường như không thay đổi. Ngày nay, họ không chỉ coi trọng việc tích lũy tiền bạc để dành dụm cho con, mà hơn thế, họ quan tâm nhiều đến việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con, lo lắng cho tương lai của con và tạo mọi điều kiện cho con được học hành.

Khi về già, mặc dù không còn là nguồn nhân lực chính trong lao động sản xuất để nuôi gia đình, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn luôn cố gắng hỗ trợ giúp đỡ con cháu trên nhiều mặt. Trong một cuộc khảo sát người dân ở tỉnh Bắc Ninh của tác giả Lê Ngọc Lân về “Mức độ cha mẹ cao tuổi giúp đỡ con cháu” (Mức độ thường xuyên) thì 11,3% người trả lời cho rằng cha mẹ cao tuổi vẫn “tham gia giúp đỡ công việc sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập gia đình”, 7,3% người khẳng định cha mẹ cao tuổi “cho tiền/cấp vốn làm ăn”, 19,3% cha mẹ cao tuổi “chỉ bảo kinh nghiệm công tác/ứng xử xã hội”, đặc biệt 51,2% người trả lời khẳng định cha mẹ cao tuổi giúp đỡ con cái trong việc “Dạy dỗ các cháu/ trông cháu”, 23,2% người trả lời khẳng định cha mẹ thường xuyên giúp đỡ con “Đưa đón các cháu đi học”, 52,4% người trả lời cha mẹ cao tuổi giúp con cái trong “Việc nhà/ nội trợ” [42, tr.36]. Đó là những hành động rất cụ thể, thiết thực của tình yêu thương và trách nhiệm mà cha mẹ dành cho con cái.

Tình yêu thương, trách nhiệm, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái là cơ sở để những đứa con trong gia đình hoàn thiện nhân cách, sống có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Trong một nghiên cứu về “Thái độ của thanh niên Hà Nội về giá trị sống vì gia đình và các yếu tố tác động”, dựa vào số liệu điều tra tình dục và sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên ở Hà Nội,


tác giả Trần Thị Thanh Loan đã rút ra nhận định: “Mối liên kết gần gũi giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò quan trọng trong định hướng và duy trì thái độ sống tích cực vì gia đình của nam nữ thanh niên ở Hà Nội” [46, tr.16].

Có thể nói rằng, tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và trách nhiệm của cha mẹ với con cái trong gia đình vùng ĐBSH là cơ sở quan trọng để những đứa trẻ trong gia đình được nuôi dưỡng và giáo dục tốt, góp phần khắc phục tình trạng trẻ em sa vào tệ nạn xã hội, sống có lý tưởng và trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thứ hai, thể hiện trong tình yêu thương và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ

Trong các chuẩn mực đạo đức Nho giáo thì đạo hiếu được coi là chuẩn mực hàng đầu trong “đạo làm người”, làm con mà không biết ơn cha mẹ, không yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ thì con người đó sẽ bị xã hội khinh rẻ, lên án. Chính vì vậy, trong gia đình truyền thống xưa cũng như gia đình hiện nay, tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ luôn được đề cao. Trong điều kiện xã hội thay đổi, cách thức thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ cũng có sự thay đổi nhất định, nhưng đề cao chữ hiếu và giáo dục đạo hiếu vẫn là vấn đề cơ bản được các gia đình vùng ĐBSH coi trọng. Thông qua kết quả khảo sát người dân 6 tỉnh ĐBSH (2017) của tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, cho thấy: Trong những phẩm chất đạo đức của gia đình hiện nay thì “Con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ” là một phẩm chất được coi là không thể thiếu trong gia đình với 89,2% người lựa chọn và 90,2% số người được hỏi cho rằng “cần phát huy đạo hiếu trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH” [88, tr.83]. Đặc biệt, trong một cuộc điều tra xã hội học của tác giả Lê Ngọc Văn về vùng ĐBSH cho thấy: “Hiếu kính với tổ tiên” là một giá trị tinh thần được người dân lựa chọn và đánh giá cao với 95,2% [114, tr.122]. Còn theo khảo sát thực tế của tác giả luận án tại địa phương, khi được hỏi: “Theo ông/bà (anh/chị), ứng xử của con cái đối với cha mẹ trong gia đình hiện nay thường biểu hiện ở những điểm nào sau đây?” thì có 95.5% người dân lựa chọn “Con cái phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu”; 88.3% người dân khẳng định “Con cái vâng lời và đáp ứng mọi nguyện vọng của cha


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

mẹ”; 90.5% người dân cho rằng “Con cái coi trọng việc tổ chức lễ tang, cúng giỗ khi cha mẹ mất”; 76.8% người dân lựa chọn “Con cái không làm gì để cha mẹ phải lo lắng, phiền lòng” (phụ lục 5.5). Qua đây cho thấy, đạo hiếu của con cái đối cha mẹ của người dân vùng ĐBSH biểu hiện rất đậm nét trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Đạo hiếu cơ bản nhất của con cái đối với cha mẹ là sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Cha mẹ có công sinh thành và nuôi con khôn lớn, dạy con những điều hay lẽ phải, tạo mọi điều kiện để con lập thân, lập nghiệp; khi cha mẹ về già, con cái có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng để cha mẹ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Hành động hiếu thảo của con cái thể hiện trước hết là việc chăm sóc cha mẹ lúc về già, lúc ốm đau bệnh tật... chính là biểu hiện thiết thực và cụ thể nhất của đạo hiếu. Thông qua kết quả khảo sát (tại tỉnh Bắc Ninh) trong một đề tài nghiên cứu khoa học của tác giả Lê Ngọc Lân, cho thấy: Khi được hỏi “Một số nhận định về người cao tuổi và mối quan hệ trong gia đình” thì 100% người dân (những người con trong gia đình) đều cho rằng: “Con cái phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ cao tuổi trong bất kể hoàn cảnh nào” [42, t.55]. Do đó, khi cha mẹ ốm đau thì cách thức thể hiện đạo hiếu của đa số gia đình ĐBSH hiện nay là con cái phân công nhau chăm sóc (53,1 % người trả lời lựa chọn) hoặc “Tự mình chăm sóc bố mẹ tất cả mọi việc” (40,6% người trả lời lựa chọn) thay vì “Tìm người giúp việc để chăm sóc bố mẹ” (chỉ có 3,1% lựa chọn) hoặc “Tìm họ hàng thân thiết để chăm sóc bố mẹ” (0,3%) [31, tr.203]. Điều đó cho thấy, mặc dù xã hội hiện đại với bộn bề công việc phải lo toan, nhưng với lòng hiếu thảo của con cái đối với bậc sinh thành, dưỡng dục thì những người con trong gia đình vẫn thường cùng nhau chia sẻ, gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già lúc ốm đau bệnh tật. Trong cuộc phỏng vấn sâu người dân (nam, nông dân, 64 tuổi, Hà Nội), ông khẳng định: “Tôi chưa thấy ở địa phương tôi có trường hợp nào mà chửi bố mẹ và đuổi bố mẹ ra ở riêng hay bố mẹ ốm đau không nuôi. Ngược lại chúng nó tranh nhau nuôi mà còn khó” [31, tr.191]. Điều này cho thấy, giá trị đạo hiếu trong gia đình người dân ĐBSH còn rất đậm nét.

Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12


Xã hội hiện nay có nhiều thay đổi, môi trường sống hiện đại khiến nhiều người con trong gia đình ĐBSH không có điều kiện ở cùng hoặc ở gần cha mẹ, nhưng họ vẫn có sự quan tâm, chăm sóc cha mẹ theo một cách khác như: hỗ trợ cha mẹ về vật chất, biếu tiền, thuốc men…Trong số liệu Điều tra về Gia đình ở Hà Nội cho thấy: Con cái thường hỗ trợ cha mẹ cao tuổi về vật chất dưới các hình thức sau (mức độ thường xuyên và thi thoảng): Hỗ trợ tiền bạc (51,9%), hỗ trợ hiện vật (thuốc men/đồ dùng) là 68,6% [42, tr.33]. Đặc biệt, sự hỗ trợ này càng cao và mức độ thường xuyên hơn với con cái trưởng thành, có mức sống khá giả. Đây là sự thay đổi trong cách thức thể hiện đạo hiếu so với trước kia do sự thay đổi của môi trường xã hội.

Sự hiếu kính, quan tâm, chăm sóc cha mẹ còn thể hiện ở những hành động rất đời thường như trò chuyện, tâm sự, hỏi han cha mẹ hàng ngày, hay những gia đình con cháu không có điều kiện ở cùng hoặc ở gần thì vẫn cố gắng thu xếp thời gian về gặp gỡ, thăm nom cha mẹ. Đây chính là sự quan tâm về mặt tình cảm, tinh thần và cũng là một biểu hiện của lòng hiếu thảo. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, khi con người (nhất là lớp người trẻ tuổi) ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy của công việc, kiếm tiền, cũng như những thú vui thỏa mãn nhu cầu bản thân, thì việc dành thời gian tâm sự, chia sẻ, hỏi thăm ông bà, cha mẹ là một hành động có ý nghĩa lớn đem lại hạnh phúc cho người cao tuổi. Trong một cuộc khảo sát người dân ở vùng ĐBSH khi được hỏi về “Mức độ con cháu gặp gỡ ông bà”, có 63,2% người trả lời thường xuyên “Trò chuyện hàng ngày” với ông bà, 36,8% người trả lời “vài ba ngày một lần”, hay “chỉ gặp gỡ vào ngày cuối tuần” hoặc vào dịp lễ tết. Lòng hiếu thảo, sự quan tâm về mặt đời sống tinh thần của cha mẹ già còn thể hiện trong cách thức cử xử, nói năng hàng ngày của con cái đối với cha mẹ. Trong một cuộc khảo sát người dân ở tỉnh Bắc Ninh về quan hệ ứng xử với cha mẹ cao tuổi trong 12 tháng qua, có 82,9% người trả lời khẳng định “Không lần nào to tiếng làm các cụ phật ý”, 98,3% cho rằng “Không lần nào văng tục, nói hỗn”, 97,6% trả lời “Không lần nào quát mắng/xúc phạm gây giận dỗi”, 99,3% khẳng định “Không lần nào chửi các cụ”, 99% trả lời “Không lần nào bỏ mặc khi các cụ cần giúp đỡ” và 99,3% khẳng định “Không lần nào


xúc phạm thân thể” các cụ [42, tr.45]. Chính sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng của con cái cả về vật chất lẫn tinh thần đã tạo ra niềm vui và sự hài lòng của cha mẹ. Khi được hỏi về “Mức độ hài lòng của người cao tuổi đối với cách chăm sóc, phụng dưỡng của con cái” thì 62,5% người cao tuổi cảm thấy “hài lòng”, 32,5% cảm thấy “Tương đối hài lòng”, chỉ có 2,4% cho rằng “Không hài lòng” và 2,6% cảm thấy “Khó trả lời” [31, tr.205] về vấn đề này.

Với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, thì việc coi trọng tang ma, cúng giỗ khi cha mẹ qua đời cũng là một biểu hiện trong đạo hiếu của nhiều người con đối với cha mẹ ở vùng ĐBSH. Hầu như tất cả mọi gia đình, mọi người con dù điều kiện, hoàn cảnh như thế nào (giàu sang hay nghèo khó) thì khi cha mẹ mất, họ cũng cố gắng thực hiện đầy đủ và tốt nhất mọi nghi lễ tang ma, cúng giỗ. Điều này thể hiện rõ thông qua kết quả khảo sát của tác giả luận án khi có đến 90.5% người dân cho rằng “Con cái coi trọng việc tổ chức lễ tang, cúng giỗ khi cha mẹ mất” (phụ lục 5.5). Chính sự hiếu thảo của con cái mà trong thời gian qua, công tác chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ ngày càng được các gia đình quan tâm, chú trọng. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ các gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông bà, cha mẹ ngày càng tăng và đạt từ 80% số hộ gia đình trở lên [5, tr.125]. Đây là con số rất đáng mừng cho thấy truyền thống về đạo hiếu trong các gia đình ĐBSH vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy, góp phần khắc phục tình trạng người già cô đơn, không nơi nương tựa; hơn 80% hộ gia đình đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ già [5, tr.126]. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội trong thời điểm hệ thống phúc lợi và các dịch vụ chăm sóc người già chưa thật sự tốt. Đây cũng là một cơ sở quan trọng góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng GĐVH ở các địa phương.

3.2.1.2. Ảnh hưởng tiêu cực

Một là, cha mẹ coi trọng con trai hơn con gái, “trọng nam khinh nữ”

Do ảnh hưởng tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của Nho giáo dẫn đến nhiều gia đình ở vùng ĐBSH đều mong muốn (thậm chí là bắt


buộc) phải có con trai để nối dõi tông đường. Trong tình cảm yêu thương của cha mẹ đối với con cái thì có không ít bậc cha mẹ vẫn còn sự phân biệt đối xử, quan tâm và coi trọng con trai hơn con gái. Chính điều đó dẫn đến tình trạng “trọng nam khinh nữ”, bất bình đẳng trong quan hệ ứng xử của cha mẹ với những đứa con trong gia đình. Thông qua kết quả khảo sát của tác giả luận án, khi được hỏi “Theo ông/bà (anh/chị), ứng xử của cha mẹ đối với con cái trong gia đình hiện nay thường biểu hiện ở những điểm nào sau đây?” thì có 40% người trả lời cho rằng cha mẹ thường coi trọng con trai hơn con gái”. Trong một phỏng vấn sâu (nam, 47 tuổi, thợ kim hoàn), anh khẳng đinh:“Nếu người phụ nữ lấy chồng về mà người ta đẻ ra toàn con trai thì người ta vẫn cảm thấy đàng hoàng, còn nếu lấy chồng mà chỉ đẻ toàn con gái thì người ta vẫn cảm thấy buồn bã. Nếu người vợ không đẻ được con trai thì người đàn ông sẵn sàng tìm người khác ngay”. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, một người dân khác cho rằng: “Có con gái thì nó có bên cạnh mình đâu, vì nó phụ thuộc vào gia đình nhà chồng. Có con trai, con dâu ở gần thì nó mới sớm tối được chứ…” (nữ, 41 tuổi, nông dân) [49, tr.108]. Do tâm lý có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ khi về già…, dẫn đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong ứng xử của cha mẹ đối với con cái. Không những vậy, nó còn tác động tiêu cực, gây ra hiện tượng mất cân bằng giới tính trong sinh đẻ ở ĐBSH do tình trạng điều chỉnh giới tính thai nhi, đẻ bằng được con trai vẫn còn tồn tại khá phổ biến (tỷ lệ giới tính khi sinh ở ĐBSH hiện nay là 116,2 nam/ 100 nữ, cao hơn trung bình chung của cả nước - 112,1 nam/100 nữ) [100, tr.97]. Điều này, dẫn đến những tác động tiêu cực trong việc thực hiện chức năng gia đình, là rào cản lớn đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” trong xây dựng GĐVH ở địa phương hiện nay.

Hai là, cha mẹ áp đặt ý kiến, dạy con bằng đòn roi

“Tôn trọng - bình đẳng - yêu thương - chia sẻ” là bốn tiêu chí chung trong Bộ tiêu chí ứng xử gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra (08/12/2017) (Phụ lục 3) nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử trong các mối quan hệ gia đình. Có thể thấy, quyền được tôn trọng và quyền bình đẳng giữa các thành


viên gia đình là rất thiêng liêng và được coi trọng hiện nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tư tưởng “Tam cương”, trật tự trên dưới trong trong đạo đức Nho giáo nên ở vùng ĐBSH vẫn còn một bộ phận gia đình duy trì quan điểm giáo dục “cha mẹ dạy gì con cái phải nghe”, “đạo làm con phải nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ”... Vì thế, con cái không có quyền được đưa ra ý kiến và quan điểm của mình, kể cả những vấn đề trực tiếp của bản thân... tất cả đều theo sự sắp đặt của cha mẹ. Theo khảo sát của tác giả luận án khi đưa ra câu hỏi: “Theo ông/bà (anh/chị), ứng xử của cha mẹ đối với con cái trong gia đình hiện nay thường biểu hiện ở những điểm nào sau đây?” thì có 53.3% người dân cho rằng “Cha mẹ thường áp đặt ý kiến của mình đối với con” (phụ lục 5.4). Cũng về vấn đề này, trong kết quả nghiên cứu định tính của đề tài cấp Bộ về “Mối quan hệ cha mẹ - con cái vị thành niên ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề cần quan tâm” (qua khảo sát tại tỉnh Bắc Ninh) do Viện Gia đình và Giới thực hiện, thông qua một số kết luận rút ra của đề tài có thể thấy: Ứng xử của cha mẹ đối với nhu cầu và lối sống của con cái vị thành niên, ứng xử của cha mẹ khi con cái mắc lỗi và những biện pháp cha mẹ thực hiện nhằm quản lý hành vi của con cái thể hiện nhiều yếu tố tiêu cực hơn tích cực.

Nhiều cha mẹ sử dụng quyền uy của người làm cha làm mẹ để ngăn cản và cấm đoán các nhu cầu, sở thích cá nhân của con cái mà không có sự trao đổi và lý giải thỏa đáng… Khi con cái mắc lỗi, cha mẹ thường không kiềm chế được cảm xúc cá nhân, có những ứng xử không phù hợp như quát tháo và đánh đòn, thậm chí là đuổi con cái ra khỏi nhà [79, tr.70]. Không ít bậc làm cha mẹ coi việc dạy con một cách cứng rắn theo hướng đòn roi là một cách thể hiện tình yêu thương (“Thương cho roi cho vọt”), coi đây là cách để con cái trưởng thành trong cuộc sống, nhưng điều này đã vô tình làm tổn thương con cái cả về thể chất lẫn tinh thần, gây cản trở đến việc thực hiện quyền bình đẳng giữa cha mẹ và con cái, hạn chế sự độc lập, tự chủ của con cái trong gia đình. Theo số liệu “Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2” cho thấy, có 4,1% trẻ vị thành niên tuổi 14 - 17 cho biết đã bị người trong gia đình đánh thương tích [95, tr.147]. Trong “Điều tra gia đình Việt Nam 2006”, khi được


hỏi về phản ứng của cha mẹ đối với hành vi lỗi lầm của con cái trong 12 tháng qua cho thấy, có 12,1% người làm cha mẹ sử dụng hình thức quát mắng, và 1,4% đã đánh trẻ [98, tr.281]. Trong một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy, có 9,4% trẻ em tưởi 2-14 đã bị cha mẹ hoặc thành viên trong gia đình xử phạt nặng bằng roi vọt. Đặc biệt, có 45,8% số bà mẹ tin rằng cần phải dùng roi vọt đối với trẻ em [96, tr.122]… Cha mẹ thường dùng đến hình phạt, đòn roi để giáo dục con cái mà không chú trọng đến các hình thức khác như khuyên bảo, giải thích, làm gương... dẫn đến hệ quả nhiều em nhỏ có những hành vi chán nản, buồn bã trong cuộc sống, gây gổ, đánh nhau, sử dụng chất gây nghiện, bỏ nhà đi… điều này dẫn đến mất ổn định xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Trong khảo sát của tác giả luận án, khi đưa ra câu hỏi: “Theo ông/bà (anh/chị), ứng xử của cha mẹ đối với con cái trong gia đình hiện nay thường biểu hiện ở những điểm nào sau đây?” thì vẫn còn 37.5% người dân khẳng định “cha mẹ sử dụng đòn roi trong giáo dục con” (phụ lục 5.4). Đây là một biểu hiện tiêu cực trong ứng xử của cha mẹ đối với con cái ở vùng ĐBSH.

Có thể nói, cách thức “dạy con” mang tính áp đặt, gắn liền với đòn roi trong các gia đình ĐBSH hiện nay một phần lớn xuất phát từ quan điểm lễ giáo đạo Nho mang tính thứ bậc, áp đặt quyền uy và mệnh lệnh của cha mẹ đối với con cái. Điều này dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, bạo hành gia đình, vi phạm quyền trẻ em được quy định trong luật hiện nay. Đây là một vấn đề nghiêm trọng cần phải được giải quyết trong quá trình xây dựng GĐVH.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các vấn nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, bạo lực học đường, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, trẻ em gái bị xâm hại..., đang ngày một gia tăng, tác động thường xuyên và trực tiếp đến tâm sinh lý của đối tượng thanh thiếu niên, rất cần có sự quan tâm, chia sẻ, động viên, định hướng của các bậc làm cha làm mẹ. Trong khi đó, vai trò của cha mẹ ở một số gia đình hiện nay giảm sút do mải mê công việc, kiếm tiền thiếu quan tâm đến con cái hoặc quan tâm giáo dục con cái nhưng thiếu sự khéo léo, đồng cảm, chia sẻ mà thay vào đó là sử dụng đòn roi, mệnh lệnh, dẫn đến con cái ngày càng lạnh nhạt với cha mẹ, dễ sa vào các tệ nạn xã hội, cũng như các hành vi vi phạm pháp

Xem tất cả 205 trang.

Ngày đăng: 29/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí