Theo Nho giáo, “hiếu” với cha mẹ là phải xuất phát từ “tâm”. “Hiếu” của con cái đối với cha mẹ là phải nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, nhưng phải bằng tấm lòng thành kính, chứ đừng như: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ?” (hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì khen là có hiếu. Nhưng, những chú chó, ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên, nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì khác gì nuôi thú vật đâu?) [Luận ngữ - Vi chính 2.7]. Đồng thời, Nho giáo cho rằng: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao, hữu tửu, tự, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?)” (Nét mặt mới khó. Có việc con cái vất vả phục vụ; có rượu cơm mời cha mẹ ăn; chừng ấy đã đủ là hiếu sao?) [Luận ngữ - Vi chính 2.7].
Để có “hiếu” thì phận làm con phải vâng lời cha mẹ, không được oán trách cha mẹ. Mạnh Tử cho rằng: “Phụ mẫu ố chi, lao nhi bất oán” (Phàm làm con, nếu cha mẹ có ghét, thì mình làm lụng cực nhọc cho cha mẹ và chẳng hề than oán) [Mạnh Tử - Vạn chương 1]. Mạnh Tử còn nói “Bất đắc hồ thân, bất khả dĩ vi nhân; bất thuận hồ thân, bất khả dĩ vi tử!” (Dẫu được lòng thiên hạ, mà chẳng được lòng cha mẹ thì chẳng đáng làm người; dẫu thiên hạ quy thuận mình, mà mình chẳng thuận hòa với cha mẹ thì chẳng đáng làm con!) [Mạnh Tử - Lâu Ly 1.28]. Hơn thế nữa “Phú quí vô túc dĩ giải ưu giã. Duy thuận ư phụ mẫu, khả dĩ giải ưu” (giàu có, sang trọng, đều chẳng đủ giải mối u sầu…, chỉ có sự hòa thuận với cha mẹ mới có thể giải lấp mối u sầu) [Mạnh Tử - Lâu Ly 1.28]. Đó là chân giá trị của sự “vâng lời”, còn cao hơn cả “giàu nhất thiên hạ”.
Để người con có “hiếu” với cha mẹ, bên cạnh thành kính phụng sự và vâng lời cha mẹ thì còn cần phải giữ gìn bản thân mình, chớ để cha mẹ lo lắng. Tức là, việc phụng dưỡng thờ kính cha mẹ phải gắn với việc giữ bản thân, người con biết giữ gìn thân thể lành mạnh, trọn vẹn để cha mẹ yên tâm, không làm gì để cha mẹ cảm thấy lo lắng thì cũng đã là việc báo hiếu rồi, bởi “bậc cha mẹ chỉ lo sợ con cái mang bệnh tật mà thôi”. Trong các việc phải phụng sự thì việc phụng sự cha mẹ là lớn, còn trong những cái phải giữ gìn thì giữ gìn thân thể mình là căn bản. Chính vì thế, người con làm việc gì cũng phải thận trọng như
“đi trên lớp băng mỏng”, không được phép làm càn mà hủy hoại thân thể khiến cha mẹ đau lòng.
2.1.1.4. Tư tưởng Tứ đức
"Tứ đức" là một học thuyết tiêu biểu của Nho giáo đề cập đến các đức hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Học thuyết “tứ đức” cũng nằm trong các mối luân thường đạo lý của xã hội. Qua mỗi thời đại khác nhau, Nho giáo nói chung, phạm trù "tứ đức" nói riêng có những biến đổi về nội dung và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng, hành động của người phụ nữ. Trong phạm vi luận án này, tác giả chỉ tập trung trình bày học thuyết “tứ đức” trong thời kỳ Nho giáo nguyên thủy.
Có thể nói, cùng với “tam tòng”, “tứ đức” là học thuyết cơ bản nhất về phụ nữ của Nho giáo. Theo quan niệm của Nho giáo thì người đàn ông là trụ cột của gia đình và xã hội, người phụ nữ phải luôn phụ thuộc vào họ, từ đó người phụ nữ không có vai trò độc lập. Tuy nhiên, Nho giáo cũng đánh giá cao vai trò của người phụ nữ - là nhân tố sắp đặt, lo toan công việc gia đình. Trên cơ sở những quan điểm đó, Nho giáo đưa ra chuẩn mực về người phụ nữ trước hết phải hiểu và làm theo “tam tòng”: Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử (tức là, người phụ nữ khi còn ở nhà thì phải nghe theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con, phải ở vậy "tòng" con suốt đời, không được đi bước nữa). Bên cạnh đó thì người phụ nữ cần có “tứ đức”: Công - Dung - Ngôn - Hạnh.
"Công": Chỉ nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, dạy bảo con cái, quán xuyến các việc gia đình. Như vậy, theo "tứ đức" của Nho giáo, "công" giới hạn về nội dung và về phạm vi công việc mà người phụ nữ được quyền tham gia, đó là ở trong gia đình. Một người vợ mẫu mực trong xã hội phong kiến phải là người phụ nữ hiền thục, chăm chỉ, lo toan việc nhà. Công việc ngoài xã hội không thuộc quyền, trách nhiệm của họ mà thuộc về người đàn ông.
Có thể bạn quan tâm!
- Những Nghiên Cứu Về Gia Đình, Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Ở Việt Nam
- Đánh Giá Chung Các Công Trình Tổng Quan Và Vấn Đề Đặt Ra Cần Tiếp Tục Nghiên Cứu Của Luận Án
- Nội Dung Chủ Yếu Của Đạo Đức Nho Giáo Trung Hoa
- Gia Đình Văn Hóa Và Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa
- Nội Dung Chủ Yếu Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa
- Trong Quan Hệ Giữa Cha Mẹ Và Con Cái
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
"Dung": Chỉ vẻ đẹp hình thức, thể hiện qua dáng vẻ tự nhiên kết hợp với trang phục, trang điểm tạo nên sự đoan trang của người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp
của sự thuỳ mị, kín đáo, duyên dáng, nhẹ nhàng. Theo Nho giáo, vẻ đẹp người phụ nữ không chỉ thể hiện ở dung mạo bên ngoài, mà quan trọng hơn là vẻ đẹp tâm hồn, tính cách, là vẻ đẹp đem lại điều tốt lành cho chồng con ("vượng phu, ích tử").
"Ngôn": Chỉ lời ăn tiếng nói, sự lựa chọn từ ngữ tế nhị, kín đáo, nữ tính. Theo Nho giáo, một người phụ nữ được đánh giá tốt khi nói với bề trên phải bỏ nón, cúi đầu, mắt nhìn xuống đất. Một người phụ nữ chuẩn mực phải biết lnghe và làm theo chồng; dù trong hoàn chảnh, trạng thái nào đều phải nói năng thuỳ mị, nết na. Lời nói đẹp phải đi đôi với hành động phù hợp, đúng phép tắc, khi đàn ông bàn chính sự, người phụ nữ không được phép tham gia.
"Hạnh": Chỉ hạnh kiểm, đức hạnh, là lòng nhân ái, là sự tuân theo lễ nghĩa và hiếu đễ với cha mẹ, anh em.
Trong bốn đức nêu trên, Khổng Tử nhấn mạnh đức "hạnh". Theo ông, người phụ nữ đạt đến đức "hạnh" điều căn bản là phải có tấm lòng "hiếu" nhưng phải dựa trên cơ sở "ái", "kính". Người phụ nữ có đức “hạnh” là người luôn sống với đạo “tam tòng” (ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, khi đi lấy chồng thì phụng dưỡng chồng và gia đình chồng, chồng chết thì ở vậy thờ chồng chăm con), đó là đức hạnh của người phụ nữ theo quan điểm Nho giáo.
2.1.2. Đạo đức Nho giáo ở Việt Nam
2.1.2.1. Quá trình du nhập, phát triển của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam
- Quá trình du nhập
Năm 111 TCN, nhà Hán thôn tính nước ta, để thực hiện chính sách cai trị nhân dân về mặt tư tưởng, ngay từ thời Tây Hán, Nho giáo được truyền bá vào Việt Nam. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, hai viên thái thú quận Giao Chỉ và Cửu Chân là Tích Quang và Nhâm Diên đã tích cực “dựng học hiệu” để dạy “lễ nghĩa”, tức mở trường dạy Nho học và truyền bá phong tục Hán tộc. Nho giáo vào Việt Nam chính thức từ đây và “Phong tục văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú này” [34, tr.155]. Từ năm 187 đến năm 226, Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp đã đưa việc truyền bá Nho giáo lên một bước mới. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Sĩ Nhiếp là người có tài kinh bang tế thế, tài năng và đức độ của
ông vượt xa các thủ lĩnh chính trị của nhà Hán đương thời. Ông là người rất thông hiểu kinh sách và tích cực truyền bá Nho giáo, Đạo giáo vào Việt Nam. Vì thế, các nhà Nho Việt Nam sau này kính trọng Sĩ Nhiếp, tôn ông là “Sĩ vương”, là ông tổ của nền học vấn phương Nam - “Nam giao học tổ”.
Miền đất Giao Châu dưới quyền cai trị của Sĩ Nhiếp là một xã hội ổn định và thịnh vượng. Vua Hán Hiến Đế thời đó phải ngợi khen: “Giao Châu là đất Văn hiến, sông núi hun đúc, trận bão rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất” [22, tr.87]. Do vậy, ở Trung Quốc, từ đời Hán đến đời Đường khi xảy ra loạn lạc, nhiều người từ miền Nam Trung Quốc tìm cách di cư sang Giao Châu. Nhiều sĩ phu người Hán nương náu nơi đây đều được Sĩ Nhiếp khuyến khích mở trường dạy Nho học. Như sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Nước Việt Nam thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?” [34, tr.164]. Góp sức vào việc truyền bá đạo Nho ở nước ta, ngoài số sĩ phu Trung Quốc tị nạn sang cư trú, còn có những danh nho Trung Quốc do đối lập chính trị mà bị triều đình đày đi biệt xứ ngoài biên ải, như Ngu Phiên thời Tam quốc bị đày qua Giao Châu mở trường “dạy học không biết mệt mỏi, môn đệ thường có đến vài trăm” [23, tr.61].
Tại các trung tâm châu trị, quận trị như: Luy Lâu, Long Biên, Tư Phố, Cư Long… đều có các trường để truyền bá Nho giáo và Hán học. Theo học các trường này không chỉ có con em của những người Hán cai trị và những người Hán di cư mà còn có cả con em của những người giàu có, con em một số hào mục địa phương có hợp tác với chính quyền đô hộ. Vì vậy, các hệ tư tưởng triết học, tôn giáo từ ngoài vào Việt Nam không phải dễ dàng chiếm ngay được chỗ đứng trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam, hay có thể dễ dàng xoá bỏ, chinh phục, đồng hoá nền văn hoá bản địa mà không gặp một sự phản ứng nào. Để thích nghi với nền văn hoá bản địa chúng phải có một quá trình biến đổi để phù hợp với "miền đất mới" mà chúng xâm nhập. Cùng với đạo Nho, đạo Lão - Trang cũng được truyền sang Việt Nam. Hai đạo du nhập vào Việt Nam đã tạo
nên cơ sở tư tưởng cho người Hán đẩy nhanh việc thực hiện chính sách chính trị
- xã hội cũng như các chính sách văn hóa - xã hội khác. Xã hội cũng như con người Việt Nam đã có những biến đổi.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể có thể thấy rằng, trên dưới một ngàn năm Bắc thuộc, Nho giáo tuy có phát triển, song vẫn chưa xâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội và ảnh hưởng của nó vẫn còn hạn chế, giới Nho sĩ bản địa vẫn còn ít ỏi và chưa trở thành lực lượng xã hội đáng kể. Sở dĩ có điều đó là vì: Thứ nhất, muốn học Nho thì phải biết chữ Hán, một loại chữ rất khó học, chỉ có con em quan lại thống trị và con em người bản địa giàu có mới có điều kiện học tập. Thứ hai, khi Nho giáo du nhập vào thì Việt Nam cơ bản đã có một nền văn hóa tương đối phát triển với ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lối sống riêng, được bảo tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Vì vậy, các hệ thống tư tưởng triết học, tôn giáo bên ngoài Việt Nam không phải dễ dàng chiếm ngay được chỗ đứng trong đời sống tinh thần xã hội, mà cần phải có một quá trình biến đổi để phù hợp với điều kiện mới.
- Quá trình phát triển
Năm 938, với chiến thắng quân nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang trang mới - thời kỳ độc lập. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ở thời kỳ đầu mới giành được độc lập diễn ra vô cùng khó khăn, phức tạp. Nhà nước phong kiến lúc này quá bận rộn với việc ổn định và thống nhất đất nước, đấu tranh chống ngoại xâm; mặt khác, các triều đại đầu tiên như Ngô, Đinh, Tiền Lê đều tồn tại rất ngắn, chưa có đủ thời gian để xây dựng trật tự, kỷ cương chặt chẽ. Do vậy, Nho giáo chưa có điều kiện dựa vào triều đình để duy trì và phát triển ảnh hưởng của mình.
Bước sang thế kỷ XI, khi vương triều Lý được thành lập, kinh đô chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long, việc củng cố chế độ phong kiến và phát triển nền văn hóa trở thành một yêu cầu thiết thực và cấp bách thì Nho giáo dần được coi trọng, được xem như vũ khí sắc bén trên lĩnh vực chính trị, cũng như văn hóa tư tưởng. Như vậy, Nho giáo đã bám vào những yêu cầu của xã hội và của nhà
nước phong kiến mà vươn lên. Nho học với các lý thuyết “mệnh trời", “luân thường", “trung hiếu"…, đã đáp ứng được nhu cầu này trong lịch sử. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở kinh thành, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử và Mạnh Tử), vẽ hình 72 người hiền tài của đạo Nho để bốn mùa cúng tế [34, tr.275]. Mùa xuân năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông xuống chiếu mở kỳ thi Nho học đầu tiên để chọn hiền tài bổ sung cho đội ngũ quan lại, gọi là Minh kinh bác học.
Năm 1267, nhà Trần thay thế nhà Lý. Nhà Trần đã biết rút kinh nghiệm để tăng cường hơn nữa quyền lực nhà vua và tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, nên Nho giáo bắt đầu được đề cao. Vì vậy, việc học tập, thi cử dưới triều đại nhà Trần được triển khai khá rầm rộ. Tầng lớp Nho sĩ nhờ đó ngày càng trở thành một lực lượng xã hội đáng kể. Thông qua con đường khoa cử, họ tham gia vào bộ máy nhà nước và hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Sang thế kỷ XV, thời kỳ nhà Lê, đặc biệt là thời vua Lê Thánh Tông (1460 -1497), Nho giáo đạt đến cực thịnh, nhà nước phong kiến đã đưa Nho giáo lên địa vị độc tôn, lấy đó làm ngọn cờ tư tưởng cho mọi hoạt động. Nho giáo thâm nhập vào xã hội Việt Nam ngày càng sâu đậm trên nhiều lĩnh vực như: tư tưởng, văn hóa, phong tục, tập quán. Giai cấp phong kiến Việt Nam thời kỳ này quan tâm đến những vấn đề thiết yếu của việc phát triển chế độ phong kiến tập quyền. Vì vậy, họ tiếp thu Nho giáo, nhưng không phải chỉ là Nho giáo Khổng - Mạnh mà cả Nho giáo đã được cải biến và nhào nặn qua thời kỳ Hán, Tống. Nhiều thuật ngữ, khái niệm của Nho giáo đã được bổ sung bởi những yếu tố mang tính dân tộc và nhân dân sâu sắc. Bộ luật Hồng Đức được biên soạn thời kỳ này xây dựng trên tinh thần Đại Việt, song cũng có sự tham khảo nhiều pháp luật Đường, Minh. Nhưng từ thế kỷ XVI trở đi, Nho giáo đã thể hiện sự bất lực của nó trước nhiều vấn đề xã hội.
Tuy vậy, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX trong xã hội Nho giáo vẫn được trọng dụng. Các nhà Nho và triều đình phong kiến Việt Nam thời kỳ này vẫn mực đề cao Nho giáo, thể hiện trong tư tưởng Lê Qúy Đôn, Ngô Thì Nhậm,
đặc biệt thể hiện trong tư tưởng vua Quang Trung. Trong thư gửi La Sơn phu tử, Quang Trung vẫn khẳng định nền học khi ấy là của Trình Chu, không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, vào trường Nho được người ta gọi bằng một cái tên khá quen thuộc: vào cửa Khổng sân Trình. Cho nên ở Việt Nam, nói đến Nho là nói đến Khổng Mạnh, Trình Chu. Sang triều Nguyễn, các vua nhà Nguyễn luôn lo sợ mất ngôi nên cố gắng dựa vào Nho giáo với hi vọng củng cố địa vị của mình và tăng cường sự thống trị trong xã hội. Họ chú trọng đến những tư tưởng thần bí của Hán Nho, chủ nghĩa duy tâm của Tống Nho…, họ nhấn mạnh về “tam cương, ngũ thường", nói nhiều tới nghĩa vụ trung, hiếu, lễ, tiết…, để làm sao cho trên có quyền lực vô hạn với dưới và dưới phải phục tùng trên vô điều kiện, mọi người phải sống chết cho các vua chúa nhà Nguyễn.
Năm 1858, quân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Sau “Hàng ước 1884”, giai cấp phong kiến triều Nguyễn trở thành tay sai cho Pháp và tiếp tục cấu kết với bọn đế quốc để nô dịch nhân dân ta. Trong thời kỳ lịch sử này, Nho giáo vẫn tiếp tục tồn tại và các kỳ thi Nho giáo vẫn được duy trì cho đến đầu thế kỷ XX mới chấm dứt. Như vậy, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trên đất nước Việt Nam khẳng định địa vị quốc giáo của Nho giáo. Nếu như Nho giáo Việt Nam ở những triều đại trước còn mang tính tích cực, hợp lý thì Nho giáo triều Nguyễn (trừ một số nhà Nho yêu nước, có tư tưởng tiến bộ, cách tân) đã trở nên tiêu cực, bảo thủ và lỗi thời, nên sự suy tàn của nó là một tất yếu trước những thách thức mới của lịch sử.
2.1.2.2. Một vài nét riêng của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam
Nhìn một cách tổng thể, về cơ bản, ở Việt Nam tiếp nhận hệ thống đạo đức của Nho giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận ấy người Việt kết hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, gắn với yêu cầu thực tiễn xã hội đang đặt ra, do đó, nội dung ĐĐNG ở Việt Nam bên cạnh những điểm tương đồng thì cũng có những nét riêng biệt so với ĐĐNG Trung Quốc.
Thứ nhất, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam cũng rất mực đề cao “luân thường” nhưng gắn vào thực tiễn, điều kiện cụ thể đất nước để vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo.
Điều này thể hiện thông qua tư tưởng của một số tác giả tiêu biểu qua các thời kỳ như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phan Bội Châu… Trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, ông đề cao những chuẩn mực “tam cương, ngũ thường” của Nho giáo. Tuy nhiên, điểm khác đối với Nho giáo Trung Quốc là Ông gắn những chuẩn mực đó vào hoạt động thực tiễn của con người chứ không chỉ đơn thuần học tập trong sách vở kinh điển. “Nhân nghĩa” trong tư tưởng của Nguyễn Trãi chứa đựng nhiều nội dung khác nhau, một mặt phục vụ cho mục đích chính trị, quản lý xã hội, nhưng mặt khác thể hiện quan điểm trọng dân, thân dân, cứu dân, cứu nước. Nguyễn Trãi sử dụng “nhân nghĩa” như một cách thức để tấn công vào lương tri, khơi dậy bản tính thiện có sẵn trong mỗi con người để chống lại những cuộc chiến tranh và kết thúc những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ở Lê Thánh Tông, ông đứng trên lập trường dân tộc để tiếp thu Nho giáo. Ông chỉ tiếp thu những cái có lợi và phù hợp với văn hóa dân tộc; ông không chú trọng những cái có tính chất nguyên lý và kinh viện mà chỉ vận dụng và phát huy những cái có lợi cho thực tiễn đất nước và hành động của con người; ông không nhằm vào học tập một giai đoạn nào đó của Nho giáo, mà chọn lọc, kế thừa tất cả những gì ông tự cho là tinh hoa của Nho giáo từ trước đến giờ. Về hình thức vẫn là Nho giáo nhưng về nội dung đã có sự biến đổi sâu sắc, trở thành Nho giáo Việt Nam với những đặc điểm hết sức riêng biệt, tiêu biểu trong tư tưởng “lễ trị”. Ở Phan Bội Châu, tư tưởng của ông là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa đạo đức phương Đông, phương Tây với truyền thống văn hóa Việt Nam, trong đó nổi bật là kế thừa, tiếp thu những giá trị của ĐĐNG trong đó tư tưởng “ngũ thường” là chủ yếu. Phan Bội Châu đã cụ thể hóa những chuẩn mực “ngũ thường” của Nho giáo trở thành những luân lý gần gũi với đời sống con người Việt Nam hiện tại lúc bấy giờ. Chẳng hạn, khi nói về đức “nhân”, Phan Bội Châu cho rằng “nhân” là cốt của con người, nhưng để có thể yêu mọi người trong xã hội thì trước hết, “phải yêu từ người trong nhà mình mà yêu ra, yêu cha mẹ, yêu anh em” [8,