Xác định hiệu quả kinh tế của du lịch Việt Nam năm 2005 theo quan điểm tiếp cận TSA - 10

Không thể phủ nhận nỗ lực của các cấp quản lý, của người làm du lịch Việt Nam trong việc tìm tòi, đưa vào khai thác những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, phong phú, có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Tuy nhiên, một thực tế mà nhiều du khách quốc tế phàn nàn là đến Việt Nam nhìn chung sản phẩm du lịch (cụ thể là những thứ du khách có thể xem, có thể mua...) còn nghèo nàn, đơn điệu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc du khách không muốn lưu trú dài ngày tại Việt Nam và lưọng du khách quay trở lại Việt Nam từ lần thứ hai trở lên còn thấp.

Đơn cử là du lịch Hà Nội. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Hà Nội luôn được tạp chí “Travel and Leisure” của Mỹ bình chọn trong “top 10 thành phố hấp dẫn nhất châu Á”. Tuy nhiên những gì mà nhiều du khách quốc tế được thụ hưởng thực sự tại Hà Nội thì thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng du lịch của thủ đô. Đến du lịch Hà Nội, du khách nước ngoài thường sử dụng sách hướng dẫn du lịch nào? Thông thường, họ chọn các đầu sách “Lonely Planet” hay “Rough Guide”. Trong các tập sách này có đủ thông tin về “giá phòng của từng khách sạn nhỏ ít tên tuổi nằm trong phố cổ cho đến tính cách của ông chủ khách sạn”. Cũng có khách du lịch tìm mua được sách do Việt Nam xuất bản nhưng không sử dụng được vì sách Việt Nam viết về du lịch Việt Nam mà ít những thông tin cần thiết hơn sách của nước ngoài (thực tế đáng buồn về vấn đề cung cấp thông tin du lịch cho du khách không chỉ của riêng Hà Nội, khi màđến cuối năm 2006 ta mới khai trương “Trung tâm thông tin du lịch dành cho du khách” đầu tiên của Việt Nam tại đường Lê Lợi, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh).

Đến Hà Nội, du khách có thể làm gì vào buổi tối? Muốn đến quán cà phê, quán bar hay vũ trường thì rất dễ nhưng muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam (ngoài múa rối nước) thì không phải chuyện đơn giản. Khách muốn nghe ca trù, hát chèo hay quan họ thì cũng có vài câu lạc bộ ca trù, vài nhóm nghệ sỹ nhà hát

chèo biểu diễn, tuy nhiên có nơi chỉ hoạt động được một thời gian rồi tạm dừng, có nơi chỉ biểu diễn 1 tuần 1 buổi, mà du khách ở Hà Nội thì thường chỉ nghỉ lại một vài ngày.

Đến Hà Nội để tham gia vào chương trình city tour, ta thấy các công ty du lịch thường có một “điệp khúc” giống nhau: Văn Miếu, lăng Hồ Chủ tịch, Bảo tàng Dân tộc học, đền Quán Thánh, hồ Gươm ..., nếu du khách muốn tìm những tour độc đáo hơn thì rất khó. Các tour du lịch chưa khai thác được nhiều tiềm năng của Hà Nội trong khi biết bao nhà sử học, nhà văn hóa học viết hết cuốn sách này đến công trình khác cũng không thể nói hết được vẻ đẹp của Hà Nội. Ví dụ như khi đến Bát Tràng, hướng dẫn viên thường giới thiệu qua loa với du khách về làng gốm này và cuối cùng là cho du khách “tham quan chụp ảnh tự do và mua đồ gốm lưu niệm”. Nên chăng khi đến làng gốm này, người làm du lịch cần giúp du khách hiểu được lịch sử phát triển của gốm, cách phân loại và các vấn đề về kỹ thuật làm gốm sẽ giúp du khách hiểu hơn về Bát Tràng, từ việc hiểu sẽ mua nhiều hơn và trân trọng gốm Bát Tràng hơn. Người thích trải nghiệm thì có thể tham gia từ lúc làm xương gốm, bàn xoay cho đến khi ngồi vẽ, chọn men, sẽ khiến tour du lịch độc đáo và hấp dẫn hơn nhiều.

Sản phẩm du lịch cần được quan tâm đầu tư, đặc biệt là những sản phẩm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao, điều này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và thương mại, du lịch và các ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống. Theo lời ông Vũ Thế Bình - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch thì: “Sản phẩm du lịch là quan trọng nhất nhưng để có sản phẩm chất lượng tốt không phải là chuyện dễ vì với mức đầu tư thấp, Việt Nam hiện nay chỉ mới quan tâm khai thác các điểm du lịch có sẵn, “hưởng ngay” chứ chưa chú trọng đầu tư phát triển du lịch bền vững” [12;20] Có những sản phẩm du lịch (cụ thể là đồ lưu niệm) đang được du khách quốc tế ưa thích và lại có giá trị kinh tế cao như mặt hàng

tranh đá quý, đồ gỗ mỹ nghệ (khảm trai) vv... Nên chăng ngành du lịch có thể nghiên cứu giảm giá tour vào Việt Nam để thu hút khách quốc tế nhưng bù chi phí từ dịch vụ mua sắm của du khách. Kinh nghiệm này đã được các quốc gia trong khu vực thực hiện rất thành công như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia

....


Cũng có khi sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách lại không nhất thiết phải đầu tư nhiều tiền. Điều quan trọng là người làm du lịch hiểu được: thế mạnh tự nhiên và văn hóa của Việt Nam khác với các quốc gia khác là gì, và khi du khách đến Việt Nam, họ muốn xem gì, thưởng thức gì. Hướng dẫn viên Vũ Minh Thọ (thuộc công ty Lữ hành Indochina) là hướng dẫn viên Việt Nam duy nhất được một tạp chí lữ hành quốc tế bình chọn là một trong 11 hướng dẫn viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006 có lẽ vì hiểu được sâu sắc điều này và ứng dụng tốt trong thực tế. Vũ Minh Thọ đã tổ chức những tour du lịch đưa du khách nước ngoài về nông thôn xem và thử nghiệm cách trồng lúa nước truyền thống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Du khách được đến làng gốm tự mình làm 1 sản phẩm gốm với bàn xoay, hay về nhà của hướng dẫn viên này để ăn 1 bữa cơm của nông thôn miền Bắc Việt Nam. Họ cũng được học nói tiếng Việt, học hát dân ca, hay trò chuyện với một thương binh – cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ (cha của Thọ) ... Tất cả không hề tốn kém nhiều tiền đầu tư mà lại là những sản phẩm du lịch độc đáo, tạo nên những trải nghiệm thú vị đối với du khách.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của du khách ngày càng phong phú, đa dạng. Do vậy, việc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú để hấp dẫn du khách là một tất yếu nhằm phát triển du lịch ở nhiều quốc gia hiện nay.

3.1.2.4. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch

Xác định hiệu quả kinh tế của du lịch Việt Nam năm 2005 theo quan điểm tiếp cận TSA - 10

a. Thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng lao động trong kinh doanh du lịch

Thứ nhất, do tính đặc biệt của sản phẩm du lịch, đòi hỏi phải coi trọng và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động trong kinh doanh du lịch. Có thể nói, ngành du lịch là một ngành mang tính phi sản xuất vật chất, nó không mang lại sản phẩm vật chất cụ thể mà thông qua cung cấp dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của du khách. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hay không là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của ngành du lịch. Mà để cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hay không lại quyết định bởi số lượng và chất lượng của lao động du lịch. Mặt khác, do đặc tính về sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm du lịch có tính chất đồng bộ, tức là quá trình cung cấp dịch vụ diễn ra đồng thời với quá trình khách du lịch tiêu thụ loại dịch vụ đó, dịch vụ du lịch là loại dịch vụ “mặt đối mặt”, điều này càng đặt ra yêu cầu cao hơn đói với chất lượng lao động du lịch. Ngoài ra, do đối tượng phục vụ của lao động du lịch là du khách - đến từ các nước khác nhau, động cơ du lịch, yêu cầu, hứng thú và tập quán của họ rất khác nhau, chỉ trừ một số thao tác cơ bản ra, một phần tương đối các hoạt động dịch vụ phải tùy người, tùy việc, tùy nơi, tùy lúc mà làm, khác với các ngành khác, không có dây chuyền công nghệ cố định để sản xuất hàng loạt sản phẩm cố định. Điều này đòi hỏi lao động trong kinh doanh du lịch phải có khả năng thích ứng tương đối linh hoạt, cũng có nghĩa là phải dựa vào đào tạo, bồi dưỡng mới hình thành được

Thứ hai, do sự phát triển của ngành du lịch ngành càng tăng, đòi hỏi phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động trong kinh doanh du lịch. Sau chiến tranh thế giới thứ hai và đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây, du lịch thế giới phát triển rất nhanh, du lịch không còn là đặc quyền của tầng lớp thiểu số giàu có nhàn hạ nữa mà nhiều người hưởng lương đã trở thành chủ thể của du lịch. Cùng với sự nâng cao mức sống của nhân dân là việc tăng dần thời gian nghỉ phép. Sự phát triển nhanh chóng đó của du lịch cho thấy yêu cầu đối với trình độ lao động du lịch cũng ngày một tăng. Mâu thuẫn giữa số lượng lao động không cung

cấp đủ với chất lượng lao động không cao (phần lớn đều vào nghề giữa chừng) ngày càng nổi bật, đòi hỏi phải tăng cường công tác bồi dưỡng lao động cho du lịch hơn.

Thứ ba, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, cao cấp trong ngành du lịch cũng là xu hướng tất yếu của sự phát triển ngành du lịch. Ngành du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, tương đối lạc hậu cả về thể chế lẫn phương thức quản lý. Vì vậy, muốn đuổi kịp các nước có ngành du lịch phát triển thì phải tìm ra sự đột phá trong việc gia tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật của ngành du lịch, phải hiện đại hóa phương pháp và biện pháp quản lý. Các nước phát triển đã sử dụng công nghệ thông tin để quản lý du lịch. Giữa các công ty, tập đoàn du lịch thông qua nối mạng quốc tế để thông tin, trong nội bộ công ty cũng quản lý bằng mạng máy tính với tốc độ nhanh, hiệu suất cao, sai sót ít. Ngoài ra còn có các thiết bị du lịch hiện đại không những tiện cho khách hàng mà còn mở rộng nội dung dịch vụ du lịch. Việc ứng dụng các kỹ thuật mới, cao cấp này đòi hỏi tăng cường đào tạo bồi dưỡng lao động du lịch, đó là điều kiện tất yếu của việc hiện đại hóa du lịch.

Thứ tư, do cuộc cạnh tranh của ngành du lịch hiện nay cũng đề ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ của lao động. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại sự cạnh tranh. Hiện nay cuộc cạnh tranh của ngành du lịch quốc tế và trong nước ngày càng quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từng bước hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa. Doanh nghiệp du lịch có thể đứng vững và phát triển trong quá trình cạnh tranh thì vấn đề mấu chốt, có tính quyết định là ở trình độ của mỗi người lao động trong doanh nghiệp. Cuộc cạnh tranh của các ngành nghề hiện nay suy cho cùng đều là cạnh tranh về chất lượng lao động, ai chiếm hữu được nhiều lao động có tay nghề, cao, trình độ quản lý giỏi thì sẽ giành chiến thắng.

b. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

Với yêu cầu rất cao về số lượng và chất lượng lao động trong kinh doanh du lịch hiện nay, ngành du lịch cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Đội ngũ lao động này sẽ được tạo ra trên cơ sở: tổ chức đào tạo mới, chính quy, có thể ở trong hoặc ngoài nước. Đây sẽ là lực lượng lao động nòng cốt cho ngành phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, cần tổ chức đào tạo lại ngày càng tốt hơn đội ngũ cán bộ công nhân viên của ngành. Hình thức đào tạo có thể là tổ chức các lớp đào tạo ngay tại cơ quan, hoặc theo các khóa học tại chức tại các trường đại học có đào tạo về du lịch.

Để đạt được yêu cầu đào tạo đội ngũ du lịch phù hợp mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài, ngành du lịch cần xác định rõ cơ cấu nghề nghiệp trong du lịch, vì theo đánh giá của một số chuyên gia du lịch thì “nghề chính là gốc rễ của ngành và là cái tạo ra, duy trì sự phát triển của ngành”. Nghề thể hiện sự chuyên môn hóa cũng như thể hiện kỹ năng lao động trong hoạt động của con người. Nghiên cứu các nước du lịch phát triển cho thấy, chúng ta có thể phát triển nguồn nhân lực theo mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như một số các nước EU đã áp dụng (có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam). Cụ thể trong giai đoạn hiện nay: cán bộ quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh chiếm 6% lao động toàn ngành, 10% là cán bộ kỹ thuật và giám sát, còn lại 84% là các lao động theo nghề. Đội ngũ nhân lực cần phải được tiêu chuẩn hóa cụ thể theo yêu cầu của các chức năng nghề nghiệp khác nhau:

+ Đối với cán bộ quản lý và quản trị kinh doanh: Cán bộ quản lý (quản lý điều hành vĩ mô) cần có trình độ đại học và trên đại học. Yêu cầu cụ thể đối với đội ngũ lao động này là nắm vững đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, những kiến thức cơ bản về du lịch, quy hoạch, kế hoạch du lịch, luật pháp trong nước và quốc tế liên quan đến du lịch, những kiến thức quản lý nhà

nước nói chung và quản lý du lịch nói riêng, những tác động về mối liên hệ liên ngành của du lịch trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Ngoài những hiểu biết chung về đường lối chính sách phát triển kinh tế du lịch của Đảng và Nhà nước, luật pháp trong kinh doanh, họ còn cần có kiến thức cơ bản về du lịch và quản trị kinh doanh du lịch.

+ Đối với cán bộ kỹ thuật, điều hành trực tiếp và giám sát: đây là lực lượng đóng vai trò khâu trung gian giữa những người quản trị chung của doanh nghiệp và những người lao động trực tiếp ở các bộ phận. Họ cần có trình độ đại học hoặc cao hơn. Ngoài những kiến thức chung về kinh doanh trong du lịch. Họ cần có kiến thức về quy trình công nghệ, kỹ thuật và tác nghiệp dịch vụ, kỹ năng thực hành,kỹ năng tổ chức điều hành, giám sát và đánh giá các công việc ở các bộ phận cụ thể.

+ Lao động theo các nghề (thực hành nghề): cần được đào tạo ở các trường nghề (riêng lễ tân, hướng dẫn viên du lịch nên đạt ở trình độ đại học). Lực lượng lao động này phải có kiến thức về nghề nghiệp của mình, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của họ đối với từng nghề, tâm lý khách hàng và nghệ thuật giao tiếp ứng xử.

Việc chuẩn hóa đội ngũ lao động trong ngành không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngànhmà còn đáp ứng yêu cầu phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình hội nhập, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam cần chú trọng vào các điểm sau:

+ Nâng cao hiểu biết của đội ngũ cán bộ nhân viên về ngành nghề của mình, từ đó họ sẽ có ý thức trách nhiệm với nghề và lòng say mê công việc, nhờ đó hiệu quả công việc sẽ tăng lên

+ Nâng cao trình độ ngoại ngữ và sử dụng công nghệ hiện đại cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch. Vì trong xu thế hội nhập quốc tế, đây là những công cụ không thể thiếu cho ngành du lịch phát triển.

+ Đội ngũ lao động phải được đào tạo theo đúng nghề, đúng công việc. Đặc biệt, đội ngũ thực hành nghề trực tiếp phục vụ khách cần được đào tạo cơ bản về thái độ cũng như phong cách phục vụ trong quá trình phục vụ khách, kỹ thuật phục vụ khách nhằm tạo ra chất lượng phục vụ tốt, tạo sự hài lòng cho khách. Về nội dung đào tạo, cần học hỏi các nước có ngành du lịch phát triển.

+ Trong xu thế tình hình thế giới có nhiều biến động, đội ngũ lao động trong ngành du lịch cần được giáo dục về đường lối chính sách của Đảng, nắm vững chiến lược phát triển du lịch của ngành, từ đó có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành.

+ Trong xu thế hội nhập quốc tế, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải nhằm vào việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao, quản lý doanh nghiệp quyết đoán trong suy nghĩ và hành động trong khuôn khổ pháp luật cho phép, nhìn nhận đúng các cơ hội kinh doanh, vạch ra chiến lược phù hợp cho du lịch phát triển trong từng thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ lao động có chuyên môn cao, thành thạo và sử dụng ít nhất 1 ngoại ngữ (khuyến khích có từ 2 ngoại ngữ trở lên), thành thạo trong sử dụng vi tính, nắm rõ các kiến thức có liên quan trong du lịch. Mục tiêu cuối cùng của chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch là tạo ra đội ngũ lao động có trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng tối đa cho du khách.

Song song với phát triển đội ngũ lao động trong ngành, cần chú trọng giáo dục du lịch toàn dân (xã hội hóa du lịch). Tạo ra môi trường du lịch lành mạnh, dân cư hiếu khách chính là một thuận lợi trong thu hút khách du lịch. Điều này chỉ được tạo ra khi người dân hiểu rõ, ý thức được trách nhiệm của mình, tích cực đóng góp cho việc gìn giữ cảnh quan, môi trường lành mạnh tại các điểm tham quan.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/06/2024