Ứng Dụng Khoa Học - Công Nghệ Trong Phát Triển Kinh Tế Du Lịch Ở Vùng Kinh Tế Trọng Điểm Phía Bắc


Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cần đảm bảo tính thống nhất và cân đối giữa các bậc, các ngành nghề đào tạo, đồng thời phải phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của vùng và quốc gia.

4.2.3.2. Ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet ngày càng có ảnh hưởng quan trọng đối với khách du lịch ở hầu hết các thị trường. Đặc biệt, với sự phổ biến của điện thoại thông minh, khách du lịch không cần phải đến các công ty lữ hành để đặt lịch trình du lịch, họ có thể thông qua điện thoại, máy tính để kết nối, liên hệ, xem những hình ảnh nổi bật của vùng du lịch mà họ muốn đến và đặt chuyến du lịch. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong phát triển KTDL là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển KTDL trong vùng cần tăng cường sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học để xây dựng các chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động KTDL ở vùng KTTĐ phía Bắc có thể tập trung vào một số hướng như sau:

- Ứng dụng mô hình chính phủ điện tử trong quản lý của ngành du lịch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (internet, xây dựng kênh truyền hình riêng cho du lịch, quảng bá trên các kênh truyền hình nổi tiếng...) trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của vùng KTTĐ phía Bắc và của ngành du lịch.

- Ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến (mua bán phòng khách sạn, đặt chuyến du lịch trên mạng...) để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism) khi các điều kiện về hạ tầng công nghệ và hành lang pháp lý đầy đủ.

- Ứng dụng việc nối mạng toàn hệ thống khách sạn trên địa bàn trong vùng và các cửa khẩu quốc tế để thống kê khách du lịch một cách hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

- Ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khách sạn, khu du lịch nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

4.2.4. Nhóm giải pháp về tổ chức và quản lý quy hoạch du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc trong hội nhập quốc tế - 19

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp với nhiều thành phần tham gia, đồng thời có liên quan, ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, tổ chức và quản lý quy hoạch du lịch là một nhiệm vụ hết sức cần thiết. Trong những năm tới, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc tổ chức, quản lý quy hoạch du lịch ở vùng KTTĐ phía Bắc phải được coi trọng và thực hiện theo hướng sau:

4.2.4.1. Xây dựng đồng bộ các dự án quy hoạch du lịch

- Vùng KTTĐ phía Bắc cần rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của các tỉnh/thành phố trong vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với nội dung quy hoạch chung của cả nước, hướng tới tính liên vùng, nhằm tạo nên nét đặc trưng và tính đa dạng trong sản phẩm du lịch vùng. Những tỉnh chưa có quy hoạch cần khẩn trương xây dựng quy hoạch.

- Ngành du lịch cần phối hợp với các ngành khác có liên quan như nông nghiệp, giao thông, thương mại, viễn thông… để tiến hành xây dựng quy hoạch đảm bảo tính liên ngành và tạo sức lan tỏa của KTDL với những ngành này, tránh sự chồng chéo trong khai thác tài nguyên, lãnh thổ giữa các ngành. Các dự án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, hoặc kêu gọi đầu tư của các ngành và các địa phương cũng cần được xem xét về nội dung và mức độ ưu tiên nhằm bảo đảm phù hợp với định hướng chung của cả vùng.

- Các tỉnh/thành phố trong vùng KTTĐ phía Bắc cần phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành xây dựng quy hoạch các khu du lịch quốc gia (đối với những khu chưa có quy hoạch) đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước. Đồng thời, với những khu du lịch đã có quy hoạch, cần chỉ rõ những chương trình, dự án được ưu tiên triển


khai và phải thực hiện theo lộ trình, đảm bảo có đủ mọi nguồn lực để thực thi, tránh quy hoạch trên giấy, quy hoạch treo, đặc biệt là 7 khu, 5 điểm du lịch quốc gia và 2 đô thị du lịch của vùng.

- Các tỉnh/thành phố trong vùng chỉ đạo và dành kinh phí đế xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch ở mỗi địa phương làm căn cứ kêu gọi đầu tư, dành quỹ đất cho phát triển KTDL, bảo tồn tài nguyên.

4.2.4.2. Tăng cường công tác quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch du lịch

- Tăng cường liên kết quản lý nhà nước về du lịch giữa các tỉnh/thành phố trong vùng trên cơ sở phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch ở các địa phương.

- Tổ chức hội nghị, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân các quy hoạch du lịch đã được phê duyệt để dân biết, thực hiện và giám sát.

- Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các địa phương trong vùng cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng thực hiện quy hoạch; triển khai đầu tư, khai thác du lịch theo quy hoạch và phù hợp với quy định của pháp luật; xác định chỉ giới cụ thể cho các dự án đầu tư để quản lý và bảo vệ đất đai, tài nguyên; đồng thời tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện quy hoạch, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành có liên quan.

- Các ban, ngành ở địa phương cần liên kết để quản lý tổng hợp các dự án đầu tư, khai thác trong quy hoạch phát triển du lịch cũng như quy hoạch của các ngành khác, giải quyết kịp thời nếu có sự chồng chéo giữa các dự án.

- Xây dựng tổ chức bộ máy quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường du lịch để tham vấn cho lãnh đạo trong việc tổ chức thực hiện các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt; thông qua việc trực tiếp quản lý tài nguyên và phát triển du lịch theo quy hoạch ngành giúp nâng cao năng lực của bộ máy quản lý quy hoạch.


- Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tổ chức và quản lý quy hoạch du lịch cho các cấp quản lý, hoạch định chính sách, cũng như doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

4.2.5. Nhóm giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển KTDL. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ du lịch bổ sung ở vùng KTTĐ phía Bắc trong những năm qua được đánh giá còn thiếu đồng bộ và lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Do vậy, trong thời gian tới, các tỉnh/thành phố trong vùng cần tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

4.2.5.1. Liên kết xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của vùng

Một là, xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ du lịch.

Trong xu thế HNQT, một trong các điều kiện quan trọng để KTDL tồn tại và phát triển là phải đảm bảo các điều kiện nghỉ ngơi cho du khách khi họ rời khỏi nơi ở hàng ngày. Vì thế, các tiêu chuẩn về khách sạn cũng như các dịch vụ du lịch phải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Từ yêu cầu này, các tỉnh/thành phố trong vùng cần tập trung đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ (tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng với quy mô lớn…) một cách đồng bộ, để đảm bảo du khách đến bất cứ tỉnh nào trong vùng cũng được nghỉ ngơi và hưởng thụ các dịch vụ du lịch hoàn hảo.

Trong thời gian tới, vùng KTTĐ phía Bắc cần đầu tư phát triển không gian hệ thống khách sạn, ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp ở các khu du lịch quốc gia (Hạ Long, Cát Bà, Ba Vì - Suối Hai, Đồng Mô, Tam Đảo); xây dựng khách sạn thương mại cao cấp ở những đô thị lớn và trọng tâm du lịch của vùng (Hà Nội, Đồ Sơn, Hạ Long…). Ở các không


gian du lịch khác (các du lịch sinh thái, du lịch biển…) chỉ nên đầu tư xây dựng khách sạn với tiêu chuẩn trung bình nhưng có quy mô lớn từ 100 đến 200 phòng kèm theo các dịch vụ đồng bộ để đảm bảo tính hiệu quả trong kinh doanh và đáp ứng nhu cầu phát triển trong xu thế hội nhập.

Hai là, phát triển đồng bộ, nâng cấp hệ thống giao thông và phương tiện vận chuyển khách du lịch.

Các tỉnh/thành phố trong vùng cần tập trung nâng cấp hệ thống giao thông đường hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt; xây dựng mới các tuyến giao thông kết nối các điểm du lịch trong nội bộ vùng và liên vùng; cải tạo hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thoát nước và xử lý môi trường.

Để có hệ thống giao thông đồng bộ, các địa phương trong vùng có thể phối hợp xây dựng hoặc thuê chuyên gia tư vấn để xây dựng Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch và hạ tầng du lịch vùng KTTĐ phía Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch của từng địa phương trong vùng cũng như quy hoạch chung của cả nước.

Đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch, cần chú trọng đầu tư các phương tiện chuyên dùng, đảm bảo chất lượng với đầy đủ tiện nghi, dụng cụ chống cháy nổ, dụng cụ y tế... đáp ứng được những nhu cầu cần thiết của du khách trong những chuyến đi dài ngày.

Ba là, phát triển hệ thống các công trình vui chơi, giải trí, thể thao.

Đây là các hoạt động bổ trợ của khách du lịch khi đến vùng. Hoạt động bổ trợ này có thể góp phần kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của du khách, làm tăng hiệu quả kinh doanh du lịch. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, các tỉnh/thành phố trong vùng cần tập trung nâng cấp, xây dựng mới nhiều hơn nữa các khu vui chơi, giải trí, thể thao. Đặc biệt, cần có sự phân khúc rõ ràng để có thể đáp ứng nhu cầu của mọi du khách.


4.2.5.2. Các nguồn huy động vốn cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của vùng

Vốn đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho vùng KTTĐ phía Bắc có thể huy động từ một số nguồn cơ bản sau:

Một là, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của Nhà nước (cả ở Trung ương và địa phương) thường được ưu tiên sử dụng vào công tác bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nội bộ tại các khu, điểm du lịch. Đối với các khu du lịch quốc gia trong vùng cần được ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, còn các khu du lịch địa phương, cần được đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Đây là nguồn vốn không lớn, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kích thích thu hút các nguồn vốn khác đầu tư cho phát triển du lịch các tỉnh/thành phố trong vùng.

Hai là, nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tính dụng.

Trong điều kiện thực tế các nguồn vốn đầu tư cho KTDL vùng (vốn ngân sách, vốn tích luỹ từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, vốn từ các chủ đầu tư khác…) còn thấp, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển của KTDL, thì huy động vốn tín dụng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài vốn tín dụng chủ yếu chỉ tài trợ vốn lưu động, chỉ đóng vai trò là vốn ban đầu có tính dẫn dắt để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư cho phát triển KTDL.

Ba là, nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu địa phương.

Huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu địa phương đem lại nhiều lợi ích như: có thể tập hợp được số vốn lớn nhờ khả năng huy động rộng rãi trong cộng đồng, có thời hạn vay tương đối dài và chi phí rẻ hơn so với những nguồn vốn khác. Tuy nhiên, nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu địa phương chỉ nên áp dụng cho những dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng, yêu cầu các dự án này phải rõ ràng và được Bộ Tài chính chấp thuận.


Bốn là, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển KTDL. Nguồn vốn này mang tính ưu đãi cao, thời gian cho vay, hoàn trả vốn và ân hạn dài, thông thường có thành tố không hoàn lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút nguồn vốn này đang gặp nhiều khó khăn, nên KTDL cần kết hợp nhiều kênh để huy động vốn khác nhau để phát triển.

4.2.6. Đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế để phát triển kinh tế du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Hiện nay, vấn đề liên kết, hợp tác và HNQT đang là xu hướng tất yếu đối với sự phát triển chung cũng như sự phát triển KTDL ở mọi vùng, mọi quốc gia. KTDL ở vùng KTTĐ phía Bắc cũng không nằm ngoài xu hướng đó, cần được đặt trong chiến lược liên kết, hợp tác quốc tế chung của du lịch cả nước.

Vùng KTTĐ phía Bắc là một lãnh thổ nằm trong khu vực của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, nên trước hết hoạt động liên kết, hợp tác trong phát triển KTDL của vùng phải được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (bao gồm các nước Campuchia, Thái Lan, Lào, Mianma và hai tỉnh của Trung Quốc là tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây).

Bên cạnh đó, vùng cũng cần thiết lập sự liên kết, hợp tác trong phát triển KTDL theo chương trình Hai hành lang, một vành đai phát triển kinh tế với Trung Quốc (bao gồm hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hành lang kinh tế: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; cùng vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ gồm 4 thành phố của Trung Quốc và 10 tỉnh/thành phố của Việt Nam). Chương trình này không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa đối với việc phát triển du lịch giữa vùng KTDL phía Bắc với các tỉnh phía Nam Trung Quốc đặc biệt theo tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc.


Với những chương trình hợp tác quốc tế, liên kết như trên, hoạt động liên kết trong phát triển KTDL ở vùng KTTĐ phía Bắc cần tập trung vào các nội dung sau:

+ Hợp tác trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở vùng KTTĐ phía Bắc cũng như các cơ hội đầu tư phát triển du lịch của vùng.

+ Phát triển các tuyến du lịch đường bộ từ Móng Cái - Hạ Long - Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc và toàn vùng.

+ Phát triển các tuyến du lịch đường không từ Nội Bài đi các thành phố trong khu vực (Phnôm Pênh, Viên Chăn, Băng Cốc, Nam Ninh…).

Để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển KTDL, vùng KTTĐ phía Bắc cần thực hiện một số giải pháp:

+ Tổ chức các chương trình, sự kiện ở nước ngoài và tham gia các sự kiện do các đối tác nước ngoài tổ chức, tham dự các hội chợ để góp phần tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm du lịch, các điểm đến và hình ảnh của vùng KTTĐ phía Bắc.

+ Chủ động mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn trong xây dựng quy hoạch du lịch và lập dự án phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh của vùng.

+ Thực hiện chính sách khuyến khích du lịch, ưu đãi đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và sản phẩm du lịch của vùng.

+ Đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào đạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch và nghiên cứu khoa học.

+ Chủ động liên kết với các tổ chức cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu và khai thác các thị trường khách du lịch nước ngoài đến vùng KTTĐ phía Bắc. Trong đó, các Hiệp hội du lịch ở các tỉnh/thành phố trong vùng sẽ làm đầu mối liên kết hợp tác, đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp du lịch trong vùng tổ chức thực hiện.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/03/2023