Đối với công chúng trẻ em:
- Hiểu biết và nắm vững quyền, nghĩa vụ của bản thân trong CRC và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ “phóng viên nhỏ”, tuyên truyền Măng non, phát thanh học đường, tham gia các hoạt động truyền thông về trẻ em.
- Phản ánh suy nghĩ của các em về các vấn đề xã hội, vấn đề của trẻ em; thực hiện quyền giám sát hoạt động TTĐC về trẻ em. Nắm bắt cơ hội tham gia sản xuất các sản phẩm TTĐC. Tích cực theo dõi, tuyên truyền, phổ biến thông tin thu được từ các chương trình truyền thông cho trẻ em để biết được quyền, nghĩa vụ của trẻ em, có kỹ năng sống cần thiết và giải quyết tốt các vấn đề của bản thân.
Tiểu kết chương 4
Chương 4 đã phân tích một số nhân tố tác động đến vai trò của TTĐC Bình Phước trong thực hiện quyền trẻ em. Các chính sách của tỉnh về quyền trẻ em, TTĐC và vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em cũng như điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương có ảnh hưởng đến vai trò của TTĐC tỉnh Bình Phước trong thực hiện quyền trẻ em ở địa phương. Đặc điểm của các cơ quan truyền thông với tôn chỉ, mục đích và cơ cấu tổ chức hoạt động của các cơ quan TTĐC; loại hình truyền thông, thời điểm truyền thông; quan điểm của cơ quan chủ quản ảnh hưởng rất lớn đến quá trình truyền thông về quyền trẻ em. Đặc điểm nhân khẩu xã hội; nhận thức, thái độ, hành vi tác nghiệp; sự ủng hộ của cơ quan truyền thông và sự quan tâm tạo điều kiện của tập thể, cá nhân có liên quan có tác động không quá lớn đến sự quan tâm công tác truyền thông về quyền trẻ em của cán bộ truyền thông.
Trong thời gian tới, các vai trò của TTĐC với việc thực hiện quyền trẻ em đều có tiến triển tốt hơn, kiến tạo nên nhiều mô hình nhận thức, thái độ và hành vi thực hiện quyền trẻ em đúng đắn, dù vẫn có sự chênh lệch giữa các vai trò.
Trên cơ sở thực trạng, các nhân tố tác động, xu hướng biến đổi vai trò và một số vấn đề đặt ra với vai trò của TTĐC tỉnh Bình Phước trong thực hiện quyền trẻ em, tác giả luận án đã đưa ra một hệ thống giải pháp đối với cơ quan TTĐC, với cán bộ truyền thông, với cơ quan lãnh đạo, quản lý, với công chúng người lớn và công chúng trẻ em.
Có thể bạn quan tâm!
- Vai trò của truyền thông đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay - 17
- Dự Báo Xu Hướng Biến Đổi Vai Trò Của Truyền Thông Đại Chúng Tỉnh Bình Phước Trong Thực Hiện Quyền Trẻ Em Thời Gian Tới
- Giải Pháp Tăng Cường Vai Trò Của Truyền Thông Đại Chúng Tỉnh Bình Phước Trong Thực Hiện Quyền Trẻ Em
- Vai trò của truyền thông đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay - 21
- Vai trò của truyền thông đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay - 22
- Số Lượng Sản Phẩm Truyền Thông Về Trẻ Em Trên Đài Thị Xã Đồng Xoài, Từ Tháng 6 Đến Tháng 10/2012
Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
KẾT LUẬN
Luận án đã kết hợp cách tiếp cận của xã hội học TTĐC (lý thuyết mô hình truyền thông theo chu kỳ của Roman Jakobson), thuyết kiến tạo xã hội của Peter L. Berger, lý thuyết trung gian về vai trò tập hợp của R. Merton và cách tiếp cận vai trò TTĐC dựa trên quyền trẻ em, để phân tích thực trạng và các nhân tố tác động đến vai trò của TTĐC tỉnh Bình Phước trong thực hiện quyền trẻ em ở địa phương hiện nay. Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu chính của luận án:
1. Truyền thông thúc đẩy tiến trình thực hiện quyền trẻ em đã được các cơ quan, loại hình TTĐC ở tỉnh Bình Phước quan tâm, góp phần vào việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em vào cuộc sống, huy động, tập hợp các nguồn lực xã hội tham gia giải quyết các vấn đề trẻ em. Song, vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vấn đề trẻ em chưa trở thành một trong những nội dung quan trọng của TTĐC ở tỉnh Bình Phước, thường phải đứng sau các vấn đề chính trị, kinh tế và những vấn đề cấp bách khác. Quyền trẻ em chưa được đề cập một cách trực tiếp, rõ ràng trên TTĐC, mà thường được thể hiện dưới các khái niệm có liên quan.
2. Vai trò của TTĐC tỉnh Bình Phước trong thực hiện quyền trẻ em hiện nay có sự khác biệt không đáng kể giữa vai trò thực tế; trong ý kiến của cán bộ truyền thông và ý kiến đánh giá, kỳ vọng của công chúng. TTĐC đã thực hiện được tương đối đầy đủ năm vai trò đối với việc thực hiện quyền trẻ em. Song, còn khá nhiều hạn chế về nội dung, hình thức, nhưng đã được công chúng đón nhận và đánh giá khá tích cực, cơ bản thỏa mãn được nhu cầu thông tin của công chúng và được công chúng ứng dụng vào thực tiễn. Dù vậy vẫn còn có sự chênh lệch tương đối lớn giữa từng cơ quan, loại hình TTĐC và giữa các vai trò với nhau. Đó cũng chính là điểm mà các cơ quan TTĐC ở Bình Phước cần phải xem xét và tiếp tục điều chỉnh.
Vai trò vận động, khuyến khích và vai trò thông tin, tuyên truyền, giáo dục thực hiện quyền trẻ em được thực hiện tốt nhất; rồi đến vai trò giải trí cho trẻ em và vai trò giám sát tình hình thực hiện quyền trẻ em; hạn chế nhất là vai trò hình thành và thể hiện dư luận xã hội. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước thực hiện tốt nhất các vai trò đối với việc thực hiện quyền trẻ em; thứ hai là Báo Bình Phước; thứ ba là Đài huyện Bù Gia Mập; rồi đến Đài huyện Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài; hạn chế
nhất là Đài huyện Bù Đăng. Truyền hình thực hiện tốt nhất các vai trò; thứ hai là truyền thanh cấp huyện, báo in; thứ ba là báo mạng điện tử; hạn chế nhất là phát thanh.
3. TTĐC đã cố gắng mang lại cho công chúng một bức tranh không quá ảm đạm về tình hình trẻ em ở Bình Phước. Song, bức tranh đó chưa toàn diện, chưa nói được tiếng nói của trẻ em địa phương. Lợi ích tốt nhất của trẻ em và sự tham gia của trẻ em chưa được TTĐC trong tỉnh đảm bảo. Trẻ em chưa có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin, nhất là trẻ em nông thôn, dân tộc thiểu số.
4. TTĐC Bình Phước ít có sai phạm trong việc đưa tin, phản ánh về những vấn đề của trẻ em, không lạm dụng trẻ em, không khai thác đề tài trẻ em để giật gân, câu khách. Nhưng lại né tránh nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống trẻ em. Thông tin đơn điệu, tẻ nhạt, chưa tác động mạnh vào dư luận, chưa có chiến lược truyền thông quyền trẻ em. Chưa thực sự quan tâm tham gia hoàn thiện chính sách về quyền trẻ em và phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em. Quá trình truyền thông còn mang tính chất một chiều. Nhà truyền thông chưa tuân thủ tốt nguyên tắc tiếp cận quyền và các luật liên quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông về trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức quyền trẻ em của cán bộ truyền thông và công chúng còn hạn chế. Việc thực thi quyền trẻ em vẫn còn là một quá trình lâu dài, đầy khó khăn, thách thức.
5. Đối chiếu kết quả thực nghiệm với các giả thuyết nghiên cứu:
Giả thuyết thứ nhất đã được kiểm chứng. TTĐC Bình Phước đúng là có vai trò quan trọng trong thực hiện quyền trẻ em và đã thực hiện tương đối tốt năm vai trò (thông tin, tuyên truyền, giáo dục; hình thành và hướng dẫn dư luận xã hội; vận động, khuyến khích thực hiện quyền trẻ em; giám sát tình hình thực hiện quyền trẻ em và phục vụ nhu cầu giải trí cho trẻ em). Tuy nhiên, mức độ thực hiện các vai trò có sự chênh lệch đáng kể. Vai trò vận động, khuyến khích và vai trò thông tin, tuyên truyền, giáo dục thực hiện quyền trẻ em được thực hiện tốt nhất; rồi đến vai trò giải trí cho trẻ em; sau đó là vai trò giám sát tình hình thực hiện quyền trẻ em; hạn chế nhất là vai trò hình thành và thể hiện dư luận xã hội.
Giả thuyết thứ hai đã được kiểm chứng. Đặc điểm của các cơ quan truyền thông với tôn chỉ, mục đích và cơ cấu tổ chức; loại hình truyền thông, thời điểm truyền thông; quan điểm của cơ quan chủ quản ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động truyền thông về quyền trẻ em. Đặc điểm của cán bộ truyền thông với đặc điểm nhân
khẩu xã hội và nhận thức, thái độ, hành vi tác nghiệp; sự ủng hộ của cơ quan truyền thông và sự quan tâm tạo điều kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có ảnh hưởng không đáng kể đến thực trạng này.
Giả thuyết thứ ba đã được kiểm chứng. Các chính sách của tỉnh về quyền trẻ em, TTĐC và vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em cũng như điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương tác động đáng kể đến thực trạng vai trò của TTĐC tỉnh Bình Phước trong thực hiện quyền trẻ em hiện nay.
6. Việc đối chiếu kết quả thực nghiệm với các lý thuyết nghiên cứu:
- Mô hình truyền thông chu kỳ của Roman Jakobson chỉ đề cập đến người tiếp nhận thông điệp truyền thông là công chúng nói chung, chưa từng tính đến nhóm công chúng đặc thù có các quyền, đó là trẻ em. Bởi vậy, mô hình truyền thông này cần phân tích và nhấn mạnh đến nhóm công chúng trẻ em với các yêu cầu riêng, có tính đến quyền trẻ em để hiệu quả truyền thông cao hơn.
- Thuyết kiến tạo xã hội của Peter L.Berger đã cho thấy vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em. Thuyết này cho thấy ý nghĩa thực tiễn rất lớn nếu TTĐC kiến tạo nên các mô hình nhận thức, thái độ và hành vi thực hiện quyền trẻ em đúng đắn. Sự nguy hại là khủng khiếp nếu TTĐC kiến tạo nên những mô hình không đúng, thiếu cách tiếp cận quyền trẻ em. Song, nếu công chúng được trang bị kiến thức, hiểu biết về quyền trẻ em, có trình độ, kinh nghiệm thì họ có thể chọn lọc trong quá trình tiếp nhận. Vì vậy, việc nâng cao dân trí cho người dân là vô cùng cần thiết, gắn liền với hoạt động truyền thông. Đồng thời, cần định hướng nội dung, chính trị tư tưởng cho hoạt động truyền thông cũng như trang bị kỹ năng truyền thông về trẻ em cho cán bộ truyền thông. Thuyết này cần tiếp tục được vận dụng và kiểm chứng trong các nghiên cứu khác.
- Lý thuyết trung bình vai trò tập hợp của R.Merton cắt nghĩa sự chênh lệch, căng thẳng vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em. Suy rộng ra, chúng ta có thể lý giải được sự căng thẳng, xung đột vai trò của các tổ chức, cá nhân gắn với vị thế nhất định.
7. Luận án khẳng định TTĐC có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện quyền trẻ em. TTĐC có năng lực kiến tạo các mô hình nhận thức, thái độ và hành vi thực hiện quyền trẻ em theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và CRC. Vì vậy, cần phải tăng cường vai trò của TTĐC trong thực
hiện quyền trẻ em, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, nhất là khi
nước ta là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
KHUYẾN NGHỊ
1. Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai Chiến lược truyền thông về quyền trẻ em và Chiến lược phát triển TTĐC cho trẻ em quốc gia; bổ sung những quy định về công tác truyền thông về quyền trẻ em (các nội dung truyền thông, cách tiếp cận quyền trẻ em) trong lần sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em gần nhất, trình Quốc hội thông qua.
2. Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra và xử lý các trường hợp TTĐC vi phạm quyền trẻ em, sai phạm trong quá trình truyền thông quyền trẻ em; bổ sung quy định với hoạt động truyền thông về quyền trẻ em trong lần sửa đổi Luật Báo chí và Luật Xuất bản gần nhất, trình Quốc hội thông qua.
3. Đối với Hội Nhà báo Việt Nam
Sớm xây dựng một tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo về đề tài trẻ em, bổ sung vào quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Có giải báo chí về trẻ em, về quyền trẻ em.
4. Đối với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước
- Chỉ đạo tăng cường ngân sách và cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chỉ đạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến trẻ em, các trường hợp vi phạm quyền trẻ em được phản ánh trên TTĐC; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm trong truyền thông về trẻ em.
- Có Đề án truyền thông về quyền trẻ em. Xây dựng một đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp về đề tài trẻ em. Thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thu hút nhân tài, sinh viên trẻ có trình độ bổ sung cho đội ngũ cán bộ TTĐC còn thiếu và yếu hiện nay.
- Tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông về trẻ em hàng năm, đảm bảo 100% lãnh đạo, cán bộ các cơ quan TTĐC đều được tham gia. Quy định nhuận bút khuyến khích cho tác giả có tác phẩm dành cho trẻ em và về trẻ em với mức khuyến khích từ 10-30% nhuận bút của tác phẩm đó.
- Tăng kinh phí tuyên truyền cho các cơ quan TTĐC, với tỷ lệ từ 20-30% của toàn chương trình, dự án, đợt hoạt động và bằng 20% ngân sách thường xuyên của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm.
- Bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở nội dung đầu tư xây dựng kênh truyền hình, tờ báo dành riêng cho trẻ em.
- Chỉ đạo Tỉnh Đoàn chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo thành lập câu lạc bộ phóng viên nhỏ ở cấp tỉnh, cấp huyện. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước và Đài truyền thanh và truyền hình cấp huyện hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng truyền thông về trẻ em cho các câu lạc bộ này.
5. Đối với các cơ quan truyền thông đại chúng tỉnh Bình Phước
- Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước cần đưa nội dung quyền trẻ em vào các chương trình tiếng dân tộc; tăng cường tự sản xuất các chương trình giải trí, giáo dục cho trẻ em; tiến tới có kênh truyền hình và phát thanh dành riêng cho trẻ em. Cân đối giữa các vai trò đối với việc thực hiện quyền trẻ em, chú ý đến các vai trò giám sát và hình thành, thể hiện dư luận xã hội về thực hiện quyền trẻ em. Báo phát thanh cần tăng sản phẩm truyền thông thực hiện tốt hai vai trò này.
- Báo Bình Phước, cả báo in và báo mạng điện tử cần có chuyên mục dành cho trẻ em, tiến tới xây dựng tờ báo riêng cho trẻ em; chú ý đến vai trò giải trí cho trẻ em và tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về quyền trẻ em trên tờ tin ảnh.
- Các đài truyền thanh và truyền hình cấp huyện có chuyên mục dành cho trẻ em; chú ý đến vai trò giải trí cho trẻ em, giám sát tình hình thực hiện quyền trẻ em và hình thành, thể hiện dư luận xã hội; tuyên truyền cho công chúng đồng bào dân tộc thiểu số về quyền trẻ em trong chương trình tiếng dân tộc. Đài huyện Bù Gia Mập cần tăng cường số lượng tin bài; Đài huyện Bù Đăng cần tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng tin bài về trẻ em.
- Các phương tiện TTĐC trong tỉnh bám sát thực tiễn, tích cực truyền thông về trẻ em, không để các kênh TTĐC khác không nắm rõ tình hình đưa tin thiếu chính xác, thiếu định hướng, không có lợi cho trẻ em, ảnh hưởng không tốt đến trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh.
Trong luận án này, tác giả đã nỗ lực nghiên cứu nhưng chưa kiểm chứng được tác động chỉ của riêng TTĐC và TTĐC tỉnh Bình Phước đến nhận thức, thái độ và hành vi thực hiện quyền trẻ em của Nhân dân Bình Phước. Thực tế làm được điều này là hết sức khó khăn, bởi kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em của người dân trong tỉnh có được không chỉ do một nguồn nào mà là sự phức hợp từ rất nhiều nguồn. Luận án cũng chưa có điều kiện phân tích sâu chất lượng nội dung và hình thức của từng sản phẩm truyền thông về trẻ em dưới góc độ của báo chí, TTĐC; chưa có điều kiện đo lường sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trước và sau khi tiếp cận thông tin về quyền trẻ em từ TTĐC. Tác giả luận án sẽ tiếp tục nghiên cứu những vấn đề này trong thời gian tới.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LUẬN ÁN
1. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2009), “Một số nhận xét về vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở ở huyện Đồng Phú - Bình Phước trong việc thực hiện quyền trẻ em ”, Giáo dục lý luận, (8), tr.57-61.
2. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2009), “Mối quan hệ giữa bình đẳng giới trong gia đình và vấn đề thực hiện quyền trẻ em”, Nghiên cứu con người, (5), tr.50-58.
3. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2009), “Tăng cường vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý
cấp cơ sở trong việc thực hiện quyền trẻ em”, Giáo dục lý luận, (11), tr.50-53.
4. Nguyễn Thị Minh Nhâm, Đặng Ánh Tuyết (2009), “Vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc thực hiện quyền trẻ em: thực tế ở Bình Phước”, Dân số và phát triển, (96), tr.26-28.
5. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2009-2011), Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Tăng cường vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay”, Bình Phước. Đề tài được nghiệm thu xếp loại Khá.
6. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2010), “Một số nhận xét về vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc thực hiện quyền trẻ em (Qua nghiên cứu trường hợp huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước”, Xã hội học, (02), tr.52-60.
7. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2010), “Vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc thực hiện quyền trẻ em - qua ý kiến nhân dân”, Khoa học chính trị, (4), tr.61-67.
8. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2012), “Vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em”, Sinh hoạt lý luận, (5), tr.44-48.
9. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2013), “Vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em”, Giáo dục lý luận, (11), tr.144-146 và 154.
10. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2013), “Truyền thông về tình hình trẻ em tại tỉnh Bình Phước”, Dân số và Phát triển, (151), tr. 6-9.
11. Nguyễn Thị Minh Nhâm (2014), “Vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay, qua ý kiến công chúng”, Khoa học chính trị, (01), tr.62-66.