Thời điểm truyền thông: có ảnh hưởng lớn đến vai trò của TTĐC với việc thực hiện quyền trẻ em vì nó quyết định việc công chúng có thể tiếp nhận được thông điệp truyền thông và tiếp nhận như thế nào. Như đã phân tích, các sản phẩm truyền thông về trẻ em thường được sắp đặt vào vấn đề xã hội, đứng sau các vấn đề chính trị và kinh tế. Chương trình về trẻ em thường được phát sau chương trình thời sự vào khung giờ thuận tiện cho công chúng theo dõi, đặc biệt được phát lại nhiều lần, không phải khung giờ vàng. Nhưng cũng có một số chương trình phát sóng vào thời điểm rất ít công chúng có thể theo dõi.
Tóm lại, tôn chỉ, mục đích và cơ cấu tổ chức hoạt động của các cơ quan truyền thông, quan điểm của cơ quan chủ quản ảnh hưởng đến việc thực thi vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em, trong việc chọn nội dung thông tin, mục đích đăng phát. Loại hình truyền thông, thời điểm truyền thông cũng có ảnh hưởng lớn đến mức độ ưu tiên cho vấn đề trẻ em, số lượng sản phẩm truyền thông về trẻ em và cơ hội tiếp nhận nội dung thông điệp của công chúng.
4.1.4. Tác động từ phía cán bộ truyền thông
Truyền thông là một quá trình lao động tập thể của các cán bộ truyền thông - đội ngũ nòng cốt trong hoạt động truyền thông. Có phải đặc điểm nhân khẩu xã hội của cán bộ truyền thông là nhân tố ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm truyền thông, nội dung và chất lượng lao động của họ hướng đến việc thực hiện quyền trẻ em?
Số lượng sản phẩm truyền thông về trẻ em có sự khác nhau giữa các nhóm cán bộ truyền thông. Có sự khác biệt về số lượng sản phẩm truyền thông giữa cán bộ truyền thông nam và cán bộ nữ không quá lớn và có thể suy rộng cho tổng thể (sig=0,032; Cramer’s V=0,254). 63,4% cán bộ nữ có trên 20 sản phẩm truyền thông về trẻ em, trong khi đó ở số lượng này cán bộ nam chỉ chiếm 39,0%. Có 9,8% cán bộ nam và 7,3% cán bộ nữ thực hiện 10-20 sản phẩm truyền thông. Có 22,0% cán bộ nam thực hiện dưới ba sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở cán bộ nữ chỉ là 9,8%. Với quan niệm cán bộ nữ nhẹ nhàng, nhạy cảm, dễ chia sẻ, gần gũi và cảm thông với trẻ em hơn, nên nhiệm vụ tác nghiệp về đề tài trẻ em thường được giao cho nữ. Theo đó, cán bộ nữ có nhiều sản phẩm truyền thông về trẻ em hơn cán bộ nam. Đây là thế mạnh của cán bộ nữ khi khai thác đề tài trẻ em, nhưng đó là sự định kiến giới, kiến tạo nên định kiến cho xã hội rằng sự quan tâm, chăm sóc trẻ em là chuyện của
phụ nữ. Định kiến này đi ngược lại với nguyên tắc tiếp cận quyền trẻ em, tác động
lên nhận thức, thái độ của xã hội đối với trẻ em.
Sự khác biệt giữa các nhóm cán bộ theo vị trí công tác về số lượng sản phẩm truyền thông về trẻ em cũng không quá lớn và có ý nghĩa thống kê (sig=0,022; Cramer’s V=0,213). Cũng không có mối liên hệ giữa trình độ học vấn, dân tộc, nhóm tuổi với số lượng sản phẩm truyền thông về trẻ em. Nhưng cán bộ càng trẻ tuổi, càng ưu tiên cho mảng đề tài trẻ em. 82,2% cán bộ dưới 35 tuổi luôn ưu tiên mảng đề tài trẻ em; tỷ lệ này ở cán bộ từ 35-45 tuổi và cán bộ trên 46 tuổi lần lượt là 65,2% và 57,1% (sig=0,010; Gamma=0,421). Những cán bộ trẻ tuổi thực hiện vì ưu tiên cho mảng đề tài trẻ em, chứ không phải tác nghiệp vì yêu cầu của cơ quan truyền thông hay thực tiễn đòi hỏi (Xem bảng 31 Phụ lục).
Có thể bạn quan tâm!
- Về Vai Trò Hình Thành Và Thể Hiện Dư Luận Xã Hội
- Về Vai Trò Giám Sát Tình Hình Thực Hiện Quyền Trẻ Em
- Vai trò của truyền thông đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay - 17
- Giải Pháp Tăng Cường Vai Trò Của Truyền Thông Đại Chúng Tỉnh Bình Phước Trong Thực Hiện Quyền Trẻ Em
- Đối Với Tỉnh Ủy, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Phước
- Vai trò của truyền thông đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay - 21
Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.
Theo kết quả nghiên cứu, chỉ có 26,0% cán bộ luôn ưu tiên, tâm huyết với mảng đề tài trẻ em; 53,8% làm phóng sự, đưa tin về trẻ em khi có dữ liệu, thông tin thực tiễn; 26,9% làm phóng sự, đưa tin về trẻ em khi có yêu cầu của đơn vị; có 2,6% cán bộ không quan tâm đến mảng đề tài trẻ em. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu và trên thực tế cho thấy, không có mối liên hệ giữa sự quan tâm ưu tiên mảng đề tài trẻ em và số lượng sản phẩm truyền thông mà cán bộ thực hiện.
Nhận thức về quyền trẻ em của cán bộ truyền thông: Phần lớn cán bộ truyền thông được hỏi chỉ biết sơ qua nội dung về quyền trẻ em (chiếm 73,1%); có 26,9% cán bộ biết rất rõ. Theo đó, cán bộ truyền thông chưa nhận thức các quan niệm về quyền trẻ em đầy đủ và toàn diện. Có 89,7% cán bộ truyền thông nhận thức được quyền trẻ em là những gì các em được hưởng để có điều kiện phát triển toàn diện; 77,2% nhận thức được rằng quyền trẻ em là những quy định mà Nhà nước, cộng đồng xã hội, gia đình có bổn phận, nghĩa vụ phải thực hiện, bảo vệ. Nhưng chỉ có 64,6% cán bộ nhận thức quyền trẻ em là một bộ phận của quyền con người và 41,8% nhận thức trẻ em là chủ thể của quyền và có những nghĩa vụ kèm theo.
Phần lớn cán bộ truyền thông nhận thức trẻ em là nguồn lực của gia đình và xã hội trong tương lai (chiếm 78,5%); rất ít cán bộ cho rằng trẻ em là tài sản riêng của gia đình (16,5%). Nhưng số cán bộ nhận thức trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt chỉ chiếm 49,4%; trẻ em là đối tượng phụ thuộc trong gia đình chỉ chiếm 20,3%.
Cán bộ truyền thông nhận thức các quyền trẻ em trong CRC hết sức cảm
tính, chỉ nhận thức đúng những quyền quen thuộc như một thói quen, một trách
nhiệm đạo đức như: được sống và phát triển; giáo dục; nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi, sinh hoạt văn hóa; có họ tên và quốc tịch; bảo vệ khỏi bị bóc lột kinh tế và các công việc nguy hiểm, độc hại; được chăm sóc sức khoẻ và hưởng các dịch vụ chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ... Cán bộ truyền thông nhận thức kém hơn ở các quyền mà họ không thấy quen thuộc như: được tiếp xúc thông tin nhiều nguồn; giữ gìn bản sắc; tự do kết giao và hội họp hoà bình; được bảo vệ đời tư... (Xem bảng 21 Phụ lục)
Cán bộ truyền thông nhận thức quyền trẻ em trong Luật Việt Nam tốt hơn trong CRC, nhưng cũng chỉ nhận thức đúng các quyền quen thuộc như quyền được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch (chiếm 91,1%); chăm sóc, nuôi dưỡng; khai sinh và có quốc tịch; được học tập; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự; được sống chung với cha mẹ... Nhưng chỉ có 50,6% cán bộ nhận thức đúng quyền được có tài sản. (Xem bảng 22 Phụ lục)
Nhận thức của cán bộ truyền thông đang ở mức khá, đạt trung bình 23,7 điểm/34 điểm. Tuy nhiên, nhận thức đó còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ và toàn diện, nhiều nội dung còn mang tính cảm tính và sự khác biệt trong nhận thức về quyền trẻ em giữa các nhóm cán bộ là không quá lớn và có ý nghĩa trong tổng thể. Phần lớn cán bộ nhận thức được tầm quan trọng của mảng đề tài trẻ em (rất quan trọng chiếm 89,0%); nhưng cũng có một số người cho là bình thường (chiếm 4,9%) và chỉ như những đề tài khác (chiếm 6,1%). Với mức nhận thức còn khá khiêm tốn, cán bộ truyền thông khó có thể thực hiện các sản phẩm truyền thông đảm bảo cách tiếp cận quyền để kiến tạo nên nhận thức, thái độ và hành vi thực hiện quyền trẻ em đúng đắn cho công chúng.
Thái độ về việc thực hiện quyền trẻ em của cán bộ truyền thông: Phần lớn cán bộ truyền thông được hỏi đều ủng hộ việc thực hiện quyền trẻ em (chiếm 94,9%). Không có mối liên hệ giữa thái độ về việc thực hiện quyền trẻ em và sự ưu tiên tác nghiệp về đề tài trẻ em. Sự khác biệt giữa cán bộ ủng hộ và không ủng hộ việc thực hiện quyền trẻ em ở số lượng sản phẩm truyền thông về trẻ em không quá lớn và có ý nghĩa trong tổng thể (sig=0,005; Cramer’s V=0,309). (Xem bảng 32 Phụ lục)
Hành vi tác nghiệp về đề tài trẻ em của cán bộ truyền thông: Phần lớn cán bộ truyền thông có hành vi tác nghiệp về đề tài trẻ em cơ bản đúng đắn, nhưng không toàn diện, không hoàn toàn đúng theo cách tiếp cận quyền trẻ em.
Phần lớn cán bộ truyền thông cho biết, trong các bài viết của mình, trẻ em có được bộc lộ quan điểm của mình (chiếm 83,3%). Phần lớn cán bộ truyền thông khi thực hiện đề tài trẻ em có lấy ý kiến của người lớn, nhà quản lý, chuyên gia (chiếm 76,3%); cũng có khá nhiều cán bộ không làm tốt việc này.
Phần lớn cán bộ truyền thông có xin phép trẻ em khi phỏng vấn (chiếm 84,6%), nhưng cũng có một số khá đông cán bộ thiếu tôn trọng trẻ em, không xin phép trẻ em (chiếm 15,4%). Phần lớn cán bộ cho biết, trẻ em có được nêu tên khi phát biểu (trừ thông tin về trẻ em bị xâm hại, phạm tội) (chiếm 89,5%); cũng có một số cán bộ không thực hiện (chiếm 10,5%). Khi phỏng vấn trẻ em, hầu hết cán bộ truyền thông được hỏi có đảm bảo cho trẻ em thấy thoải mái, không bị cưỡng ép (chiếm 96,2%). Phần lớn cán bộ có giải thích ý định của người phỏng vấn cho trẻ em (chiếm 85,7%); nhưng cũng có một số khá đông cán bộ thiếu tôn trọng trẻ em không làm việc này (chiếm 14,3%). Phần lớn cán bộ đã được trẻ em đồng ý đưa tên và hình ảnh lên các phương tiện truyền thông (chiếm 88,0%), nhưng cũng có khá đông cán bộ không hỏi trẻ em mà tự mình quyết định (chiếm 9,3%).
Khá nhiều cán bộ cho biết, sự xuất hiện của trẻ em trong sản phẩm truyền thông của họ có lúc chỉ để minh họa cho lời nói của người lớn (34,2%) và hoàn toàn chỉ minh họa cho lời nói của người lớn (chiếm 7,9%). Có không ít cán bộ đã từng mớm lời cho trẻ em khi các em trả lời phỏng vấn (chiếm 39,7%) và 7,7% cán bộ hoàn toàn mớm lời cho trẻ em. Có một số ít cán bộ thường xuyên ép trẻ em để lấy thông tin (chiếm 3,9%). Những trường hợp cán bộ truyền thông không đảm bảo trẻ em được nói tiếng nói trên TTĐC nói trên đều là sự xâm phạm quyền nhân thân và quyền bí mật đời tư của trẻ em theo Bộ luật Dân sự Việt Nam, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Báo chí và thiếu cách tiếp cận quyền trẻ em.
Hầu hết cán bộ truyền thông cho biết cách thể hiện sản phẩm truyền thông có trân trọng, bảo vệ quyền trẻ em (chiếm 97,4%). Phần lớn cán bộ đặt lợi ích của trẻ em lên trước hết, trên hết (chiếm 85,7%), trân trọng, cảm thông, chia sẻ với trẻ em (chiếm 73,1%). Nhưng cũng có một số người có thái độ trung lập rồi coi thường, quy kết cho trẻ em những điều không tốt. Khi trẻ em nói dối, phần lớn cán bộ truyền thông đã giải thích cho trẻ em cần nói thật (chiếm 83,3%); có người tìm cách để trẻ em chịu hợp tác (chiếm 27,3%); có người thì đi tìm trẻ em khác để lấy
tin (chiếm 11,7%); không ai tức giận, la mắng trẻ em. Khi viết, nói về trẻ em khuyết tật, phần lớn cán bộ dùng các từ thay thế để không mô tả một cách tiêu cực (chiếm 81,6%); nhưng có một số người không làm việc này. Khi đưa tin về sự phản đối, tác động tiêu cực đến trẻ em, phần lớn cán bộ có tính đến sự nguy hiểm cho trẻ em (chiếm 92,1%), nhưng có một số người không quan tâm.
Có 52,0% cán bộ được hỏi có nêu rõ các quyền trẻ em có liên quan đến vấn đề được phản ánh. Nhưng cũng đến 48,0% cán bộ tùy nội dung mà nêu các quyền. Kết quả này cao hơn rất nhiều so với kết quả phân tích nội dung thông điệp truyền thông. Khi viết, đưa tin, làm chương trình về vấn đề ly hôn, xâm hại tình dục, tội phạm, phần lớn cán bộ có tính đến hậu quả của bài viết đối với trẻ em (chiếm 90,8%), nhưng cũng có người không quan tâm. Đa số cán bộ truyền thông có tìm hiểu kỹ quyền trẻ em (chiếm 60,5%), nhưng có khá nhiều cán bộ không chú ý đến việc này.
Tháng 10-2012, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông về trẻ em cho 86 cán bộ các cơ quan báo chí và truyền thanh cấp huyện trong tỉnh. Nhiều cán bộ rất bất ngờ cho rằng, truyền thông về trẻ em cũng như các mảng chủ đề khác, hay truyền thông về trẻ em dễ, có gì khó đâu mà phải tập huấn hay có kỹ năng riêng. Điều đó cho thấy, cán bộ tác nghiệp đề tài trẻ em thời gian qua ở Bình Phước không có gì đặc biệt hơn các nội dung, chủ đề khác, không ai nghĩ rằng đó là một nhóm đối tượng, công chúng đặc biệt. Trịnh Duy Luân và Mai Quỳnh Nam đã nói “Các chủ trương và nguyên tắc đưa tin những vấn đề liên quan đến trẻ em do Liên đoàn các nhà báo quốc tế ban hành đang được thực thi tại Việt Nam” [208, tr.468]. Nhưng điều đó không được đảm bảo ở Bình Phước. Thông tin phỏng vấn sâu cho hay hầu hết cán bộ TTĐC trong tỉnh đều không biết đến văn bản này.
Thật vậy, sự khác biệt giữa cán bộ nhận thức đúng về quyền và không nhận thức đúng trong hành vi tác nghiệp là rất nhỏ và không có ý nghĩa thống kê. Có thể nêu ví dụ điển hình như, cán bộ truyền thông nhận thức được “trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt” với việc có tính đến hậu quả bài viết đối với trẻ em khi đưa tin về vấn đề ly hôn, xâm hại tình dục, tội phạm (sig=0,126; Cramer’s V=0,125). Vì thế, có thể hành vi tác nghiệp của cán bộ truyền thông đúng, nhưng nhiều khi đó chỉ đơn giản là hành động theo thói quen, không ý thức được trách nhiệm pháp lý, cách tiếp cận quyền trẻ em và kỹ năng tác nghiệp riêng với trẻ em.
Sự ủng hộ của cơ quan truyền thông: Phần lớn cán bộ truyền thông cho biết đã được cơ quan của mình ưu tiên, hỗ trợ khi thực hiện đề tài trẻ em (chiếm 70,4%). 29,6% cán bộ cho biết cơ quan chỉ xem mảng đề tài trẻ em như những mảng đề tài khác, không ưu tiên. Cán bộ cho biết được cơ quan ưu tiên, hỗ trợ phương tiện làm việc chiếm 67,9%; hỗ trợ kinh phí thực hiện (29,6%); hỗ trợ tư liệu thực hiện (35,8%); ưu tiên về thời lượng phát sóng (29,6%); ưu tiên về thời gian phát sóng, vị trí sản phẩm truyền thông (28,4%); nhuận bút cao hơn (6,2%).
“Cơ quan anh chỉ ưu tiên cho anh em trong điều kiện có thể, như cho xe ô tô đưa đi hay xăng xe máy thôi. Chương trình nào cũng đòi đưa vào giờ vàng, giờ bạc thì khó lắm, vì nhiều chương trình, chuyên mục rồi còn quảng cáo nữa. Kinh phí cho chuyên mục của trẻ em thấp lắm, nhiều chương trình hay như game show cho trẻ em, về trẻ em phải có nhà tài trợ, trường quay, kịch bản hay, kinh phí... Kênh truyền thông riêng cho trẻ em khó thực hiện lắm, không có tiền, cũng không có người” (PVS, nam, lãnh đạo cơ quan TTĐC, 55 tuổi, trình độ đại học).
Thông tin phỏng vấn sâu cho biết, trong điều kiện còn khó khăn về kinh phí hoạt động của cơ quan, cán bộ truyền thông không được trả nhuận bút cao với các sản phẩm truyền thông cho trẻ em theo quy định và các sản phẩm về trẻ em thậm chí còn thấp hơn các sản phẩm khác. Hiện nay, nhuận bút khuyến khích chỉ dành cho tác phẩm cho thiếu nhi với mức khuyến khích tối 10-30% nhuận bút của tác phẩm đó [22, tr.6], nhưng ở Bình Phước, giảm xuống, còn tối đa 20% nhuận bút của tác phẩm [171, tr 5]. Lý do được cho là viết về trẻ em dễ, ai cũng có thể viết được, chỉ viết về đề tài chính trị, kinh tế mới khó. Phóng viên trẻ, mới ra trường thường được giao phụ trách, một mặt vì họ chưa có khả năng viết vấn đề chính luận, mặt khác các phóng viên trẻ năng động, gần gũi với trẻ em hơn. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm cán bộ được cơ quan của mình ưu tiên, hỗ trợ khi thực hiện đề tài trẻ em về sự tích cực tác nghiệp cũng như số lượng sản phẩm truyền thông về trẻ em.
Sự quan tâm, tạo điều kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan: Phần lớn cán bộ truyền thông được hỏi cho biết họ đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để lấy thông tin, tài liệu viết về đề tài trẻ em (chiếm 70,4%). Ở Bình Phước, không nhận thấy có sự khác biệt về vị thế xã hội của
cán bộ truyền thông trên lĩnh vực trẻ em so với các đồng nghiệp. Đây chính là sự động viên, khích lệ rất lớn, là điều kiện thuận lợi để cán bộ truyền thông tích cực thực hiện chủ đề trẻ em. Tuy nhiên, nó không phải là điều kiện quyết định. Cán bộ cho biết không được cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quan tâm, tạo điều kiện vẫn ưu tiên đến mảng đề tài trẻ em. Truyền thông về quyền trẻ em là quyền và nghĩa vụ của nhà truyền thông, theo đó họ có quyền yêu cầu sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân có liên quan, có quyền bảo vệ trẻ em trước TTĐC. Nhưng nhiều khi cán bộ chưa phát huy được quyền này của mình. Không có sự chênh lệch đáng kể giữa nhóm cán bộ được và không được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quan tâm, tạo điều kiện tác nghiệp trong việc ưu tiên đến mảng đề tài trẻ em, cũng như với số lượng sản phẩm truyền thông về trẻ em.
81,6% cán bộ truyền thông được hỏi có ý kiến trả lời về khó khăn, chủ yếu là sự hạn chế kỹ năng truyền thông về trẻ em; sự không hợp tác của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khi thực hiện những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, hạn chế, tiêu cực; sự e ngại tiếp xúc với cán bộ TTĐC của trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhà báo Minh Thùy - nguyên phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước đạt giải nhất cuộc thi “Nhà báo với trẻ em Việt Nam” năm 2006 - 2007 chia sẻ: “Viết báo về đề tài trẻ em thường gặp nhiều trở ngại đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như trong tác phẩm “Con nhà nghèo”. Các em bé thường có phản ứng mạnh hơn người lớn khi tiếp xúc với người lạ. Vì vậy, việc tiếp cận, lấy tin từ các em cũng đã là một trở ngại lớn. Song bù lại, các em bé lại vô cùng ngây thơ. Những em nhỏ mà mình tiếp xúc và làm phóng sự lại rất thông minh. Do vậy, mình đã để các em tự bộc lộ bản thân với những hành động thật, cảm xúc thật...” [3].
Trong đó, khó khăn nhất với cán bộ truyền thông là sự hạn chế trong kỹ năng truyền thông về trẻ em, mà các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông ở tỉnh chưa quan tâm tổ chức cho cán bộ truyền thông. Trong vòng hai năm qua, rất ít cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông về trẻ em. Có đến 46,0% cán bộ chưa từng được bồi dưỡng; một lần chiếm 44,4%; hai lần chỉ chiếm 9,5%. Một biên tập viên cho biết, “Khó khăn nhất của tôi là chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng tác nghiệp về quyền trẻ em. Cần mở các lớp tập huấn
để nâng cao kiến thức và kỹ năng về quyền trẻ em cho chúng tôi” (Nữ, 23 tuổi, trình độ cao đẳng, biên tập viên).
Không có mối liên hệ giữa việc tập huấn kỹ năng truyền thông về trẻ em với sự ưu tiên cho mảng đề tài này, nhưng có mối liên hệ với số lượng sản phẩm truyền thông dù sự khác biệt không lớn (sig=0,006; Cramer’s V=0,296). (Bảng 33 Phụ lục) 81,6% số người được hỏi có ý kiến trả lời về thuận lợi khi tác nghiệp đề tài
trẻ em, như: sự tạo điều kiện, phối hợp tốt của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của cơ quan cán bộ truyền thông đang công tác và sự hợp tác tốt của trẻ em... Một phóng viên bày tỏ “Tôi được cơ quan mình khuyến khích, động viên, được đa số các cơ quan, đơn vị, địa phương ủng hộ, hợp tác. Ngược lại, một số vấn đề mang tính chất tiêu cực, nhạy cảm, hạn chế liên quan đến trẻ em như xâm hại, lao động sớm tôi không nhận được sự hợp tác của các đơn vị, cá nhân liên quan” (Nam, 29 tuổi, trình độ đại học, phóng viên).
Tóm lại, một số đặc điểm cá nhân của cán bộ truyền thông có tác động đến số lượng sản phẩm truyền thông và sự ưu tiên cho mảng đề tài trẻ em, nhưng sự khác biệt giữa các nhóm cán bộ là không đáng kể dù có ý nghĩa thống kê. Cán bộ truyền thông nhận thức về quyền trẻ em chưa đầy đủ và toàn diện, nhiều vấn đề còn cảm tính, nhưng ủng hộ việc thực hiện quyền trẻ em. Phần lớn cán bộ truyền thông có hành vi tác nghiệp đúng đắn, nhưng đó chỉ là các kỹ năng truyền thông cảm tính, mang tính đạo lý. Không phải cán bộ nhận thức đúng về quyền có hành vi tác nghiệp tốt hơn cán bộ nhận thức không đúng. Sự quan tâm tạo điều kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như cơ quan chủ quản của cán bộ truyền thông có ảnh hưởng, nhưng không quyết định đến sự quan tâm đối với mảng đề tài trẻ em của cán bộ truyền thông.
4.2. DỰ BÁO XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG TỈNH BÌNH PHƯỚC TRONG THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM THỜI GIAN TỚI
Căn cứ thực trạng và các nhân tố tác động đến vai trò của TTĐC tỉnh Bình Phước trong thực hiện quyền trẻ em hiện nay, cũng như xu thế phát triển nhanh chóng của TTĐC và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong bối cảnh toàn cầu hóa, tác giả đưa ra một số dự báo xu hướng biến đổi như sau: