Vai trò của truyền thông đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay - 17


chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 11-12-2000, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001-2010; ngày 03-07-2007 ban hành Quyết định 1299 về việc phê duyệt đề án chăm sóc trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2006-2010. Ngày 08-6-2007, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường thực hiện Chỉ thị số 34/1999/CT-TTg và Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 11-01-2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42 phê duyệt đề án can thiệp y tế cho trẻ em khuyết tật giai đoạn 2007-2010. Ngày 15-5- 2008, UBND tỉnh có Chỉ thị số 14 về tổ chức tháng hành động vì trẻ em hàng năm; ngày 11-11-2008 có Chỉ thị số 19.

Ngày 01-6-2009, Tỉnh ủy có Công văn số 895 “về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 55-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) và Kế hoạch số 20 của Tỉnh ủy”, chỉ đạo chính quyền các cấp củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 14-12-2010, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 thông qua Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Ngày 04-01-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01 phê duyệt Đề án này. Thực hiện Chỉ thị số 20- CT/TW ngày 05-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, ngày 27-12- 2012, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 94. Mới đây, ngày 04-3-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 328 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 94 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 05-11-2012 của Bộ Chính trị.

Hoạt động tuyên truyền đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo lồng ghép trong tất cả các văn bản chỉ đạo, nhưng không có văn bản hay kế hoạch thực hiện riêng công tác tuyên truyền về quyền trẻ em. Các văn bản đều chỉ đạo các cơ quan TTĐC tập trung vào ba nhiệm vụ chính: tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình hay về thực hiện quyền trẻ em; chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phê phán hành vi vi phạm quyền trẻ em. Nghĩa là các chính sách chỉ đạo đã đề cập không đầy đủ các vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em, cũng thiếu cách tiếp cận quyền trẻ em. Cho nên, mới có tình trạng


“Chúng tôi chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp lãnh đạo, tập trung vào ba việc tuyên truyền gương điển hình, phê phán vi phạm quyền trẻ em và tuyên truyền chính sách, pháp luật. Nói như vậy, để thấy rằng chúng tôi đâu làm sai, trên bảo sao chúng tôi làm thế. Chúng tôi còn nhiều nhiệm vụ chính trị khác nữa, nên không tránh khỏi sự xao nhãng cho đề tài trẻ em. Nhưng theo quy định, chúng tôi đã làm đủ(PVS, nam, lãnh đạo cơ quan truyền thông, 40 tuổi, trình độ đại học).

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy kế hoạch kiểm tra, giám sát và báo cáo tình hình thực hiện các văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá chưa thực hiện hiệu quả, còn sơ sài, qua loa, chưa quy định cơ chế xử phạt khi cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên không thực hiện tốt chính sách. Trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ngân sách dành cho công tác trẻ em hạn hẹp (200 triệu đồng/năm giai đoạn 2001- 2007, 650 triệu đồng/năm giai đoạn 2008-2010) [170]. Quỹ bảo trợ trẻ em rất thấp. Việc giải thể Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em, bộ máy công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giao về ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phần nào làm sao nhãng công tác tuyên truyền về quyền trẻ em trên TTĐC trong tỉnh.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, sự quan tâm của tỉnh cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em dù chưa đáp ứng tốt được yêu cầu của công tác này, nhưng đã quan tâm hơn rất nhiều so với hoạt động báo chí truyền thông. Trong suốt 17 năm tái lập tỉnh, chỉ có năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch báo chí in giai đoạn 2009-2020 và năm 2013 ban hành Quyết định số 1429/QĐ-UBND, ngày 13/8/2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong các văn bản này, không đề cập đến việc xây dựng các kênh truyền thông riêng của trẻ em. Các hoạt động chỉ đạo xử lý vụ việc nổi cộm về trẻ em trên báo chí rất hạn chế. Với những vấn đề thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức còn bỏ ngỏ như vấn đề trẻ em khát sân chơi lành mạnh, trẻ em bỏ học, trẻ em bị xâm hại.


Sở Thông tin và Truyền thông chỉ yêu cầu các cơ quan TTĐC tuyên truyền theo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các hoạt động lớn liên quan đến trẻ em như kỷ niệm ngày quốc tế thiếu nhi, tháng hành động vì trẻ em, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường,... Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình còn bỏ ngỏ và thường do các cơ quan TTĐC tự báo cáo về UBND tỉnh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Các sai phạm liên quan đến việc đưa tin về trẻ em trên TTĐC Bình Phước chưa bao giờ bị kiểm tra, xử lý. Đó cũng là một lý do làm cho hoạt động truyền thông về quyền trẻ em ở địa phương chất lượng chưa cao. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy các văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có tuyên truyền trên TTĐC, nhưng kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ yếu nhằm vào các đợt sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết. Không có kế hoạch, hướng dẫn, chiến lược truyền thông về trẻ em một cách cụ thể, chi tiết như những vấn đề chính trị, xây dựng Đảng, kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hiện chỉ hợp đồng phối hợp tuyên truyền với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước ở chuyên mục “Vì trẻ em” trên 60 triệu đồng/năm. Sở đã tích cực cung cấp thông tin cho Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước và các cơ quan TTĐC trong tỉnh thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ cho công tác tuyên truyền, cũng như tham mưu xử lý những vấn đề được TTĐC phản ánh. Tuy nhiên, hoạt động giám sát, kiểm tra, phối hợp định hướng tuyên truyền của Sở và các cơ quan liên quan chưa tốt. “Cơ quan quản lý chúng tôi rất cần thông tin thực thi quyền trẻ em từ thực tiễn. Nhiều thông tin từ báo đài có ý nghĩa và giá trị hơn nhiều so với báo cáo của các ban ngành gửi lên. Chúng tôi luôn đề nghị hợp tác với các cơ quan TTĐC, nhưng không có kinh phí hỗ trợ. Cho nên, nhiều khi công tác tuyên truyền cũng mới chỉ ưu tiên, tập trung cho các đợt cao điểm. Vì vậy, chúng tôi có được thông tin từ thực tiễn qua TTĐC trong tỉnh chưa nhiều. Kiểm tra, giám sát hoạt động tuyên truyền chưa tốt đâu. Chúng tôi chỉ quan tâm đến chuyên môn của mình thôi” (PVS, nam, cán bộ lãnh đạo quản lý, 52 tuổi, trình độ đại học).

Tóm lại, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là điều kiện thuận lợi để TTĐC thực hiện công tác tuyên truyền về quyền trẻ em. Trong khi đó, sự quan tâm dành cho báo chí truyền thông còn khiêm tốn so với yêu cầu công tác

Vai trò của truyền thông đại chúng trong thực hiện quyền trẻ em ở tỉnh Bình Phước hiện nay - 17


tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trong đó có việc thực hiện quyền trẻ em, đáng chú ý là quan điểm chỉ đạo còn thiếu cách tiếp cận quyền trẻ em.

4.1.3. Tác động của cơ quan truyền thông

Trong mô hình truyền thông của R. Jakobson, quá trình truyền thông được trình bày cụ thể hơn qua các giai đoạn. Ở đó, cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng, quyết định hoạt động truyền thông, tất nhiên cả truyền thông về quyền trẻ em.

Theo thông tin định tính, đặc điểm tôn chỉ, mục đích và cơ cấu tổ chức hoạt động của cơ quan TTĐC ảnh hưởng lớn đến hoạt động truyền thông về quyền trẻ em.

Báo Bình Phước, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nên các phóng viên, biên tập viên phần lớn sinh hoạt tại Hội Nhà báo tỉnh, có thẻ nhà báo. Cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ rất đông. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước có ban giám đốc ba người và 13 phòng, ban chuyên môn, có 187 cán bộ nhân viên (118 người có biên chế). Trong đó, trên 100 cán bộ có trình độ đại học trở lên. Báo Bình Phước có bốn phòng và một nhà in, với 49 cán bộ nhân viên (20 người có biên chế). Trong đó, 22 người có trình độ đại học, một người có trình độ cao đẳng, sáu người trung cấp; bốn người có trình độ cao cấp và năm người có trình độ trung cấp chính trị.

Phạm vi hoạt động của Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước rộng lớn. Điều kiện tác nghiệp thuận lợi hơn về máy móc thiết bị, phương tiện đi lại, thiết bị phát sóng, thời lượng phát sóng, dung lượng và số lượng sản phẩm truyền thông... Thông tin định tính cho biết, uy tín nghề nghiệp, là nhà báo nên việc đi lại, liên hệ công tác của phóng viên các cơ quan báo chí thuận lợi hơn nhiều so với cán bộ Đài truyền thanh và truyền hình cấp huyện. Kinh phí hoạt động lớn hơn nhiều so với các cơ quan báo chí khác và truyền thanh cấp huyện.

Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước có ưu thế hơn Báo Bình Phước là có đông cán bộ nhân viên hơn. Đài cũng có ưu thế rất lớn về thời lượng phát sóng truyền hình do Đài tự sản xuất là 4 giờ/36 giờ phát sóng/ngày trên hai kênh. Thời lượng phát thanh các chương trình tự sản xuất là 13 giờ/19 giờ/ngày. Trong khi đó, Báo in Bình Phước phát hành 3 kỳ/tuần, có 12 trang, 13 chuyên mục. Tờ tin, ảnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số có 2 số/tháng. Báo Bình Phước điện tử được cập nhật liên tục hàng ngày. Nhưng cả báo in và báo mạng điện tử đều đòi hỏi công


chúng phải có trình độ học vấn nhất định, có điều kiện về cơ sở vật chất. Do đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước có điều kiện thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền thực hiện quyền trẻ em; đồng thời có sức hấp dẫn hơn và có lượng công chúng lớn hơn các cơ quan TTĐC khác. Từ năm 2005 - 2011, tổng các nguồn kinh phí hoạt động của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước từ ngân sách tỉnh, Trung ương, quảng cáo, tài trợ... liên tục tăng, bình quân 26%/năm (năm 2011 đạt gần 40 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn thu quảng cáo). Trong khi ngân sách hoạt động của Báo Bình Phước năm 2012 được tỉnh cấp hơn sáu tỷ đồng và doanh thu quảng cáo hơn ba tỷ đồng.

Những ưu thế trên cùng với sự khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, mức độ phân cấp giữa các cơ quan truyền thông đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn giữa các cơ quan báo chí với nhau và giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan truyền thanh

- truyền hình cấp huyện trong điều kiện hoạt động thực hiện các nhiệm vụ chính trị

nói chung và nhiệm vụ truyền thông về quyền trẻ em nói riêng.

Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền huyện. Đài chịu sự quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước - một cơ chế quản lý khá phức tạp. Cán bộ của Đài huyện không phải là nhà báo. Thời lượng phát sóng của Đài hạn chế, vì Đài phải tiếp sóng chương trình của VOV, VTV, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước phục vụ Nhân dân địa phương. Các đài chỉ xây dựng bản tin truyền thanh thời lượng từ 15-30 phút/chương trình phát tại địa phương. Riêng Đài huyện Bù Đăng hai ngày mới thực hiện một chương trình. Đài có Trưởng đài và không quá hai Phó Trưởng đài. Số lượng biên chế rất ít ỏi do UBND cấp huyện quyết định trong tổng số biên chế sự nghiệp được UBND tỉnh giao hàng năm. Do đó, số lượng biên chế của các Đài cấp huyện khác nhau (Đài thị xã Đồng Xoài có năm cán bộ biên chế và năm hợp đồng lao động; Đài huyện Đồng Phú có tám biên chế và hai hợp đồng lao động; Đài huyện Bù Đăng có 10 biên chế; Đài huyện Bù Gia Mập có năm biên chế). Kinh phí hoạt động rất hạn hẹp từ ngân sách của địa phương và ngân sách các chương trình mục tiêu quốc gia. Phương tiện kỹ thuật tác nghiệp chưa đầy đủ, còn lạc hậu, đã xuống cấp nhưng chậm được đầu tư mới. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ hạn chế hơn so với cán bộ các


cơ quan báo chí của tỉnh. Cán bộ thường phải kiêm nhiệm hai đến ba công việc, nên không chuyên sâu. Chế độ nhuận bút thấp.

So sánh hai cơ quan báo chí Báo Bình Phước và Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước với các Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện về điều kiện truyền thông về trẻ em, thực sự cho chúng ta thấy được sự khác nhau trong điều kiện thực hiện vai trò của TTĐC trong thực hiện quyền trẻ em và thấy được sự nỗ lực vượt khó của truyền thanh cấp huyện trong công tác này.

Giải thích về sự khác biệt giữa các Đài truyền thanh truyền hình cấp huyện trong công tác tuyên truyền về quyền trẻ em, chúng tôi nhận thấy xuất phát từ sự hạn chế trong quan tâm của cấp ủy, chính quyền ở địa phương (Đài huyện Đồng Phú); sự hạn chế về nhận thức của lãnh đạo Đài về vị trí, vai trò của mảng đề tài trẻ em (Đài huyện Bù Đăng); trong điều kiện thời lượng phát sóng ít ỏi (Đài huyện Bù Đăng) và hạn chế về số lượng cán bộ (Đài huyện Bù Gia Mập).

Hoạt động truyền thông về quyền trẻ em luôn chịu sự tác động từ quan điểm của cơ quan chủ quản. Như đã phân tích, lãnh đạo một số cơ quan báo chí truyền thông ở Bình Phước có quan điểm báo Đảng địa phương phải thông tin mang tính tuyên truyền, giáo dục là chính, hạn chế những thông tin nổi cộm về trẻ em bị xâm hại. Vì thế, nhiều thông tin về trẻ em bị xâm hại tình dục đã bị lờ đi. Không phản ánh được thực tại xã hội đang sục sôi, không làm cho dư luận giật mình, cảnh báo. “Vấn đề trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, anh em biết nhiều chứ. Đi cơ sở và cũng có nhiều trường hợp người dân gửi thư phản ánh, nhờ điều tra, nhưng sếp bảo không, hạn chế thôi, không thì người ta lại nghĩ Bình Phước toàn trẻ em bị xâm hại. Thấy các cháu đáng thương, muốn điều tra, phản ánh để cảnh báo mà lãnh đạo nói sợ công chúng xem rồi bắt chước, sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của tỉnh, của công tác trẻ em. Mình biết là né tránh, nhưng làm gì được. Nhiều lần như thế, anh em không làm những vấn đề này nữa. Mà chủ yếu viết về giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay trẻ em điển hình, mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ em hay, vì sếp ưu tiên” (PVS, nữ, lãnh đạo cơ quan truyền thông, 48 tuổi, trình độ đại học).

Lãnh đạo cơ quan truyền thông chính là người gác cổng, kiểm soát, quyết định việc có tuyên truyền về quyền trẻ em không, ở mức độ nào. “Sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan đến chủ đề trẻ em quan trọng lắm. Nhiều lúc anh em viết về đề tài


này, nhưng lãnh đạo bảo chương trình đã đủ nên không phát sóng. Tin bài về trẻ em thường để dành, phòng ngừa khi thiếu. Lãnh đạo huyện không quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em lắm, nên cũng ít chỉ đạo cho Đài huyện tuyên truyền. Khi nào có sự chỉ đạo thì lãnh đạo Đài mới cho anh em thực hiện nhiều” (PVS, nam, biên tập viên, 42 tuổi, trình độ đại học).

Các cơ quan TTĐC trong tỉnh có lợi thế là nắm rõ truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm, tình hình đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó thông tin gần gũi, dễ tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm của Nhân dân trong tỉnh. Công chúng Bình Phước theo dõi báo chí truyền thông địa phương trước hết vì họ muốn biết những thông tin đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp và gần gũi với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, do sự hạn chế về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, TTĐC chưa thực sự hấp dẫn công chúng Bình Phước trước bối cảnh cạnh tranh quyết liệt về thị phần công chúng hiện nay và cơ hội lựa chọn kênh thông tin cho công chúng là quá lớn.

Loại hình truyền thông: Mỗi loại hình truyền thông ưu tiên những thông điệp truyền thông khác nhau, có đặc điểm, ưu thế và hạn chế khác nhau. Do đó, vai trò của từng loại hình đối với việc thực hiện quyền trẻ em cũng khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu, loại hình truyền thông thực hiện tốt nhất các vai trò đối với việc thực hiện quyền trẻ em ở Bình Phước là truyền hình; thứ hai là truyền thanh cấp huyện, báo in; thứ ba là báo mạng điện tử; hạn chế nhất là phát thanh.

Truyền hình có ưu thế thông tin nhanh, có hình ảnh và âm thanh sống động, phong phú và đa dạng về nội dung chương trình, không đòi hỏi công chúng một trình độ dân trí quá cao. Giá máy thu hình giảm và khả năng phủ sóng ngày càng rộng, công chúng càng có điều kiện để tiếp cận. Vừa có hình ảnh vừa có âm thanh, truyền hình truyền đạt các nội dung gây ấn tượng, thuyết phục cao. Tuy nhiên, giá máy thu hình vẫn đắt hơn máy thu thanh; chi phí thực hiện chương trình truyền hình cũng cao hơn các loại hình khác. Thông tin còn bị phụ thuộc vào làn sóng, có thể bị nhiễu, nội dung thông điệp dễ bị sai lạc hoặc bị mất đi một phần.

Báo in đưa thông tin chính xác, định kỳ, có độ tin cậy cao, có khả năng lưu trữ tốt, có thể đọc lại nhiều lần. Báo có sức hấp dẫn riêng với những ai muốn tìm kiếm những phân tích và đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề nào đó và có thể chủ động về địa điểm, thời gian và tư thế tiếp nhận thông tin. Nhưng công chúng phải mất tiền


mua, đòi hỏi phải có trình độ dân trí ở mức độ nhất định, không phù hợp với Nhân dân ở nơi phát hành khó khăn. Tính thời sự của thông tin chậm.

Báo Bình Phước điện tử có thể đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thông tin hiện ra dưới dạng văn bản, đồ hoạ, video clip kèm theo âm thanh sống động. Thông tin nhanh, cập nhật liên tục. Công chúng có thể bình luận thông tin và đưa lên mạng. Dung lượng của thông tin gần như không hạn chế. Không những có thể lưu giữ và phát lại cho công chúng xem bất kỳ lúc nào, báo mạng điện tử còn giúp họ tự lựa chọn và sắp xếp những chương trình muốn xem theo ý muốn. Tuy nhiên, văn phong nhiều khi thiếu chuẩn mực và không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận. Chất lượng kỹ thuật chưa cao như các báo mạng điện tử khác.

Báo phát thanh có ưu thế gọn nhẹ, phạm vi phủ sóng rộng lớn, chỉ cần một thiết bị thu tín hiệu nhỏ công chúng có thể theo dõi dù ở các vùng sâu, vùng xa. Thông tin nhanh, cập nhật và có thể đưa ra cùng lúc cho hàng triệu công chúng ở mọi lúc, mọi nơi và có thể nhắc lại nhiều lần với chi phí thấp. Phát thanh gần gũi với công chúng, không yêu cầu công chúng có trình độ văn hóa, học vấn, chỉ cần có khả năng thính giác. Nhưng thông tin chỉ trôi qua một lần, không thể lưu giữ hoặc đọc lại như trên báo in. Việc theo dõi bằng thính giác cũng có những giới hạn về số lượng, tốc độ âm thanh và nguy cơ bị nhiễu thông tin cao, cũng kém hấp dẫn do không có hình ảnh. Công chúng không có quyền lựa chọn nội dung tiếp nhận.

Truyền thanh cấp huyện có ưu thế là thông tin nhanh, rẻ, dễ tiếp cận, phù hợp đưa thông tin đến dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, miền núi. Nhưng thông tin không phong phú, đa dạng, hấp dẫn, còn phụ thuộc vào làn sóng.

Thật vậy, công chúng xem Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước nhiều hơn các phương tiện TTĐC khác. 42,6% công chúng được hỏi thường xuyên xem Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước; 49,5% thỉnh thoảng theo dõi. Tỷ lệ này với Báo Bình Phước lần lượt là: 24,9% và 52,3%. Tỷ lệ này với Đài truyền thanh cấp huyện lần lượt là 27,4% và 40,4%. Tỷ lệ này với Báo Bình Phước điện tử lần lượt là 5,3% và 26,7%. Mỗi ngày công chúng dành trung bình 48,5 phút để xem Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước; 24,3 phút đọc Báo Bình Phước; 16,5 phút nghe truyền thanh cấp huyện và 7,0 phút đọc Báo Bình Phước điện tử.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/11/2022