Một Số Ý Kiến Về Trường Ca Trong Văn Học Việt Nam Hiện Đại


1.1.2. Một số ý kiến về trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại

Như một quy luật trong đời sống văn học, trên con đường vận động và phát triển của văn học Việt Nam, từ sự manh nha cho đến việc hình thành thể loại trường ca đã đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong hệ thống thể loại. Trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại ra đời bắt nguồn từ nhu cầu tổng kết, nhận diện lịch sử dân tộc một cách sâu sắc. Đồng thời, đó cũng là minh chứng cho ý thức, trách nhiệm và tình cảm được thôi thúc từ trong trái tim của người nghệ sỹ: “Còn tôi viết trường, cũng như nhiều nhà thơ khác viết trường vì trong một thời kỳ nào đó, trước những đề tài nào đó, và nghe được thôi thúc nào đó từ bên trong khiến người làm thơ nổi hứng viết...trường ca” [49, tr. 250]. Nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài viết Sự chuẩn bị của người viết trẻ đã thổ lộ: “ Phản ánh cuộc chiến tranh đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm say mê của mỗi chúng tôi, cũng là nơi thử sức lâu dài của mỗi người” [51, tr. 4]. Với những sự thôi thúc đó, giai đoạn sau năm 1975, các bản trường ca chủ yếu viết về đề tài chiến tranh và lịch sử. Chính vì vậy, rất nhiều trường ca viết về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam đã thu hút sự chú ý và quan tâm của bạn đọc, các nhà nghiên cứu. Vào đầu những năm 80, đã diễn ra một cách sôi nổi nhiều cuộc hội thảo về trường ca.

Về vấn đề định nghĩa trường ca có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có thể lược qua những bài viết tiêu biểu như: Nhiều tác giả nêu ra vấn đề tên gọi trường ca nhưng cuối cùng đều thừa nhận như một thực tế và xem mỗi tác phẩm là một cách định nghĩa của tác giả về chính thể loại đó. Tác giả Từ Sơn lại cho rằng các tác phẩm dài hơi nên gọi là truyện thơ. Về khái niệm Trường ca Lại Nguyên Ân lại cho rằng trường ca là một hiện tượng giao thoa giữa tự sự và trữ tình khi bàn góp về trường ca. Tác giả Đỗ Văn Khang khi so sánh từ ý kiến về trường ca sử thi của Hêghen đến trường ca hiện đại ở ta lại khẳng

định trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại chỉ có ý nghĩa mỹ học đầy đủ khi có tên gọi là trường ca sử thi hiện đại.

Các ý kiến trên đã phần nào làm sáng rõ hơn về định nghĩa trường ca nói chung và trường ca hiện đại nói riêng. Trong các ý kiến về định nghĩa trường ca, chúng tôi tâm đắc với ý kiến của Đỗ Văn Khang khi ông cho rằng “trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại chỉ có ý nghĩa mỹ học đầy đủ khi có tên gọi là trường ca sử thi hiện đại” [17, tr. 22-25].. Đây là ý kiến xác đáng về trường ca hiện đại.

Về đặc trưng thể loại, có nhiều bài viết đã nghiên cứu một cách khá công phu. Các tác giả thường dựa vào sự so sánh giữa trường ca với thơ dài, trường ca với truyện thơ...để nói lên đặc trưng của thể loại như: Trần Ngọc Vương, Mã Giang Lân, Vũ Đức Phúc, Mai Bá Ấn... Trong các bài viết này đáng chú ý nhất là ý kiến của tác giả Mai Bá Ấn. Theo tác giả giữa trường ca và thơ dài cũng cần có sự khu biệt để nhận thức đầy đủ đặc trưng của từng thể loại. Xu hướng trường ca hóa các tác phẩm thơ dài sẽ hạ thấp vai trò của trường ca, xóa nhòa những yếu tố đặc trưng phân biệt nó với các thể loại khác.

Ngoài các bài viết được đăng tải trên báo chí, trong một số công trình nghiên cứu cũng xuất hiện một số bài viết về trường ca. Sớm nhất, có lẽ là bài viết của Lại Nguyên Ân, đầu tiên được đăng trên báo, sau đó được tập hợp trong cuốn Văn học và phê bình. Trong đó, bài viết Mấy suy nghĩ về trường ca được viết trước 30 tháng 4 năm 1975 là bài viết công phu; ngoài việc ghi nhận những thử nghiệm về trường ca, tác giả đã phân biệt rõ trường ca với các thể tài khác, nêu lên những đặc trưng cốt yếu của trường ca, các hình thức trường ca được viết trong thời gian đó. Có thể nói rằng, với cuốn Văn học và phê bình, Lại Nguyên Ân đã dành mối quan tâm lớn nhất cho thể loại trường ca. Những nhận xét đưa ra tuy vẫn dè dặt nhưng lại vô cùng quan trọng đối với phê bình và sáng tác văn học thời điểm ấy.

Sau này, khi PGS.TS Vũ Văn Sỹ đề cập đến trường ca, ông đặc biệt chú ý đến vai trò của thể loại trong hệ thống thơ Việt Nam hiện đại. Trong bài

Trường ca trong hệ thống thể loại thơ Việt Nam hiện đại tác giả đã luận giải một cách hợp lí về sự phát triển của thể loại này. Đặc biệt, năm 1999 Hoàng Ngọc Hiến đã xuất bản giáo trình Năm bài giảng về thể loại và một trong số những vấn đề được ông đưa ra là Mấy vấn đề đặc trưng thể loại và thi pháp của trường ca. Đây là lần đầu tiên thể loại trường ca mới ở Việt Nam được đưa vào giáo trình. Có thể nói Hoàng Ngọc Hiến là người dành nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu trường ca. Từ các bản dịch, các bài giới thiệu về trường ca của Maicôpxki, các lí thuyết về thể loại của Nga, ông đã khái quát nên những đặc điểm cơ bản của trường ca hiện đại như: nội dung lớn, cảm hứng lớn, mối tương quan giữa tự sự và trữ tình... Về những nghiên cứu mang tính trường qui, chúng tôi thấy trường ca ít nhiều đã được quan tâm, tuy số lượng các công trình vẫn còn ít và chủ yếu là đề cập đến một vài khía cạnh, một vài tác giả viết trường ca. Từ luận văn thạc sĩ trở lên, có thể kể đến một số công trình như: Chất sử thi trong trường ca hiện đại 1954 – 1985 của Lê Thị Hồng Liên (Luận văn thạc sĩ Đại học sư phạm Huế - 2001); Thể trường ca trong văn học Việt Nam từ 1945 đến đầu thế kỉ XXI của Đào Thị Bình (Luận án tiến sĩ, 2008); Đặc điểm trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo của Mai Bá Ấn (Luận án tiến sĩ, 2008).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

1.1.3. Các chặng đường phát triển của trường ca Việt Nam hiện đại

1.1.3.1. Trước 1945 – những tiền đề và sự hình thành thể loại

Trường ca Nguyễn Trọng Tạo - 3

Có thể nói, trước 1945, dạng trường ca hiện đại hầu như chưa có. Tuy nhiên những tiền đề để hình thành nó thì đã tiềm tàng từ xa xưa, trong sâu thẳm hoài vọng của dân tộc. Có thể do hạn chế về thời đại, đặc biệt về mặt tư duy, mà tầm vóc vĩ đại của trường ca chưa được khẳng định, chưa được khởi sắc. Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có hai tiền đề chính cho sự hình thành của trường ca hiện đại.

Trạng thái chống chiến tranh liên miên – tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của trường ca. Việt Nam là mảnh đất đi lên từ nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng hay nhiều thiết chế văn hóa sau

này dĩ nhiên đều không thể tách rời yếu tố gốc rễ ấy. Có lẽ, cũng từ cội nguồn này mà trạng thái xã hội truyền thống Việt Nam đa phần là bình lặng. Nhịp độ sống trong truyền thống của người Việt là chậm rãi, là đủng đỉnh, ngại ngùng trước những đổi thay. Những đổi thay trong xã hội đa phần làm người ta sợ hãi, vì những bất thường trong xã hội ấy đều gắn liền với chiến tranh, mà có lẽ ba điều người ta sợ nhất là ốm đau, đói nghèo và chiến tranh; trong đó chiến tranh vẫn khủng khiếp hơn cả vì nó là bất thường nhất, và nó là tai họa của toàn xã hội, toàn dân tộc chứ không riêng một gia đình nào. Đương nhiên, một trạng thái xã hội bình lặng thì khó sinh ra trường ca.

Có thể nói chiến tranh chính là lúc ý thức cộng đồng của người Việt được thức tỉnh mạnh mẽ nhất, và trạng thái chống chiến tranh liên miên cũng tạo cho người ta tâm thế hướng đến bảo vệ đời sống cộng đồng, bảo vệ lãnh thổ dân tộc. Chỉ tính sơ bộ, từ cuộc kháng chiến chống Tần (Thế kỉ III Tr.CN) đến cuộc chiến tranh chống xâm lược từ hai đầu biên giới (1979). Dân tộc ta đã trải qua 20 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cùng với hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Có thể nói hơn 20 thế kỉ vừa qua, hầu như thế kỉ nào người Việt cũng phải chống giặc ngoại xâm. Chính ý nghĩa của cuộc chiến tranh mới làm nên giá trị của nó. Điều này, ngoài ý nghĩa chính trị và xã hội, nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa, tới tâm thức cộng đồng, tới lòng tự hào dân tộc. Với dạng trường ca mang tính chất sử thi nói riêng điều đó có ý nghĩa vô cùng quyết định, bởi không có tâm thức cộng đồng, không có lòng tự hào dân tộc thì mọi tiềm năng của thể loại đều bị xóa bỏ.

Trong các cuộc chiến ở Việt Nam, đặc biệt là những cuộc chiến chống lại giặc ngoại xâm, dù dưới chế độ nào, đều có sự tham gia tích cực của nhân dân. Trước Nguyễn Trãi, hình ảnh nhân dân và vai trò của nhân dân ít được nhắc đến trong văn học, trong quan niệm phong kiến họ vẫn là dân đen, con đỏ, nhưng với lòng yêu nước, trong các cuộc kháng chiến, họ đều tự nguyện dốc hết sức mình. Không thể có chiến thắng nếu vắng bóng dáng họ. Nhân dân là lực lượng đại diện cho sức mạnh cộng đồng, vì thế cũng mang đậm tâm

thức, ý thức cộng đồng. Các thể loại văn học mang tính chất sử thi luôn lấy đó làm tiền đề, làm cơ sở.

Với một lịch sử như thế, đương nhiên, chủ nghĩa yêu nước là truyền thống lớn nhất trong văn học Việt Nam. Và âm hưởng anh hùng ca trong sử thi có dấu ấn trong toàn bộ nền văn học chống chiến tranh ở Việt Nam, từ văn học trung đại đến hiện đại. Quả thật cha ông ta từ xưa đã không ngừng xây lên những Đại tự sự. Từ các truyền thuyết như Thánh Gióng, Nỏ thần...đến hào khí Đông A, văn thơ thế kỉ XIX, văn thơ cách mạng hiện đại...tất cả đều xoay quanh sự sống còn của dân tộc. Trường ca hiện đại đã nối tiếp mạch tự sự ấy và lấy đó như là linh hồn của mình. Như vậy, trạng thái chống chiến tranh liên miên vừa là tiền đề xã hội, vừa là tiền đề nội dung của trường ca.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, một thể loại không thể khai sinh trên mảnh đất trống. Sự liên thông và diễn giải lẫn nhau luôn là đặc điểm của một nền văn học có truyền thống. Các thể loại văn học nêu trên có thể không giống với trường ca hiện đại nhưng nó có liên quan và góp phần diễn giải – đặc biệt về mặt hình thức của trường ca. Chính tính sử thi, tính anh hùng ca tồn tại trong các thể loại văn học quá khứ đã ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung lớn – hay tư duy thể loại của trường ca.

1.1.3.2. Sau 1945- thời kì phát triển và khẳng định của trường ca.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nền văn học bắt đầu phát triển theo những yêu cầu, những định hướng tiêu chí mới. Văn học được định hướng theo sự lãnh đạo duy nhất của Đảng và là một bộ phận, một vũ khí trong sự nghiệp cách mạng. Đó là nền văn học cách mạng hướng về đại chúng, phục vụ công nông binh. Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định trên mặt trận văn hóa văn nghệ, các văn nghệ sĩ là chiến sĩ. Tinh thần chiến sĩ và danh hiệu nhà văn – chiến sĩ được đề cao như phẩm chất chủ yếu của nghệ sĩ.

Định hướng này càng về sau, đặc biệt bước sang cuộc chiến tranh chống Mỹ, lại càng được quán triệt một cách triệt để. Như vậy, văn học từ

mục đích là hướng tới số phận con người đã chuyển sang hướng tới số phận dân tộc, số phận lịch sử. Thể loại trường ca “không nằm ngoài qui luật chung nhất của văn học Việt Nam, đó là định hướng tự giác của các thể loại vào thể tài lịch sử cách mạng”[29, tr. 705]. Nếu trạng thái của đời sống xã hội Việt Nam suốt mấy chục năm là những cuộc chiến tranh và cách mạng nhằm thay đổi vận mệnh lịch sử dân tộc, thì có thể nói, văn học Việt Nam đương thời đã thể hiện được trạng thái đó. Nó đã đạt đến trạng thái sử thi, không chỉ bó hẹp trong một số tác phẩm mà gần như là hơi thở xuyên suốt nền văn học này.

Với tư cách là những người nghệ sĩ- chiến sĩ, trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, người cầm bút không nên nói nhiều về những đau thương mất mát, những khát vọng riêng tư của cuộc sống đời thường. Bởi vì, cuộc chiến tranh của chúng ta là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện nên mọi lực lượng đều vì vận mệnh dân tộc, của Tổ quốc mà chiến đấu hi sinh. Chức năng chính của văn học giai đoạn này là phục vụ chính trị, phục vụ kháng chiến, vì vậy mọi đề tài đều hướng đến ca ngợi lý tưởng và những con người cao cả của cách mạng. Trường ca không thể không nằm ngoài qui luật đó. Chính Hữu Thỉnh, một nhà thơ với những bản trường ca nổi tiếng đã khẳng định:“Hiện thực chiến tranh, cuộc sống của người lính dội vào tôi mạng đến mức vượt ra khỏi một thời đoạn, một đề tài. Nó thành một tâm thế. Nhưng tại sao lại trường ca, mà không phải là cái gì khác? ...Và còn cái lẽ nữa là cuộc sống lớn lao, bi tráng quá, đòi hỏi phải mở rộng các kích cỡ” [50, tr. 7].

Do nhiều yếu tố, thời gian sáng tác cũng như những đặc điểm thi pháp của thể loại, Trường ca trong văn học sau 1945 có ý nghĩa tổng kết một chặng đường vừa đau thương vừa hào hùng của dân tộc. Nguồn cảm hứng của một dân tộc và thời đại anh hùng, cùng với vốn sống thực tế ở chiến trường đã tạo tiền đề cho thể loại trường ca phát triển. Những trường ca đầu tiên được ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp: Từ đêm mười chín (Khương Hữu Dụng), Những thanh gươm báu (Nguyễn Bính), Trường ca

sông Gianh (Xuân Hoàng)... Nhưng đến kháng chiến chống Mỹ, trường ca phát triển hơn hẳn về số lượng và nâng cao về chất lượng: Hàng loạt tác phẩm ra đời như: Nước non ngàn dặm (Tố Hữu), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm); Bài ca chim Chơ Rao, Ba dan khát, ..(Thu Bồn); Những người đi tới biển, Trẻ con ở Sơn Mỹ, Những nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bùng nổ mùa xuân, Đêm trên cát, Khối vuông Rubic (Thanh Thảo); Con đường của những vì sao, Tình ca người lính (Nguyễn Trọng Tạo); Đường tới thành phố, Sức bền của đất, Trường ca biển (Hữu Thỉnh); Ngày hội của rạng đông, Hành khúc mùa xuân (Võ Văn Trực).

Trường ca giai đoạn này chủ yếu nói đến cả một cuộc hành trình, cuộc hành trình của một cá nhân – một người lính, cũng như cuộc hành trình của một dân tộc. Có thể nói, giai đoạn chống Mỹ và hậu chống Mỹ là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của trường ca.

1.1.4. Nội dung trường ca hiện đại

Một điều đặc biệt trong nội dung trường ca hiện đại là bản thân các chủ thể sáng tác đều là những người trực tiếp tham gia chiến tranh. Điều đó đồng nghĩa với việc nội dung của trường ca được nhìn với con mắt của người trong cuộc, thường là cái nhìn ở phía chính diện, cái nhìn về những người cùng chí hướng. Chúng ta có thể nhận thấy trường ca hiện đại Việt Nam xoay quanh hai nội dung, đề tài lớn:

Thứ nhất là chiến tranh và người lính

Lịch sử chiến tranh liên miên đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm thức cộng đồng người Việt. Văn học với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, là nơi tái diễn một cách chân thực nhất tâm thức ấy. Trường ca nói chung và trường ca hiện đại Việt Nam nói riêng, chiến tranh luôn là đề tài chính, là mấu chốt cho những trải nghiệm được tự sự. Không ai khác chính người lính là người trực tiếp, là nhân chứng sống cho những cuộc chiến ấy, “Nếm trải tột cùng những gian khổ hy sinh, cảm nhận hiện thực cuộc chiến

đấu trên từng tế bào và trong mỗi phút sống, thế hệ ấy là thế hệ tự ý thức về trách nhiệm lịch sử không thể thoái thác trước Tổ quốc và Nhân dân” [2, tr. 427-428].

Thứ hai là đất nước và số phận con người

Trong lịch sử văn học, cảm hứng về đất nước vẫn luôn là một trong những cảm hứng lớn nhất của mỗi giai đoạn. Và trường ca hiện đại cũng đã thể hiện rất rõ nội dung ấy. Đất nước trong đời thường và đất nước trong văn học được kết tinh từ tất cả những mảnh ghép cuộc sống.

Các tác giả trường ca giai đoạn kháng chiến chống Mỹ từ sự thôi thúc của trái tim mình đều dồn mọi tâm lực cho sự miêu tả, ngợi ca và dựng nên hình tượng đất nước:

“Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người Mồ hôi vã một trời sao trên đất”

(Những người đi tới biển- Thanh Thảo)

Truyền thống dân tộc đã tạo nên những anh hùng, tạo nên sức mạnh tiềm tàng mà quật cường để dân tộc có thể chiến thắng giặc ngoại xâm. Đó là đất nước của những người con gái, con trai chưa bao giờ biết sống lùi bước:

“Đất nước của những người con gái, con trai Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nước mắt để giành cho ngày gặp mặt”

(Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi- Nam Hà)

Với Nguyễn Đức Mậu, đất nước còn hiện hữu trong tình đồng chí, trong tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh của cả dân tộc:

“Một sư đoàn có những dòng sông Con sóng vỗ hai bờ truyền thuyết Thế hệ mai sau tìm đến soi mình

Tôi sung sướng được uống chung nguồn nước”

(Trường ca sư đoàn- Nguyễn Đức Mậu)

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 22/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí