Khái Lược Về Phóng Sự Việt Nam Giai Đoạn 1930 - 1945


Từ chỗ khẳng định “chất văn học” trong các tác phẩm phóng sự - một thể loại vốn ra đời trong hoạt động báo chí; coi phóng sự là một thể loại báo chí giàu chất văn học; thừa nhận phóng sự như “cầu nối” giữa báo chí và văn học, hiện nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nên có sự phân biệt giữa hai loại phóng sự văn học và phóng sự báo chí. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Việc sử dụng một số phương tiện biểu đạt của văn học như các biện pháp tu từ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, hướng vào thế giới bên trong (ở một mức độ nhất định) của nhân vật…khiến cho phóng sự vốn từ báo chí có thể trở thành văn học, một số tác phẩm thuộc loại này thường được chấp nhận như là những tác phẩm có giá trị” [190; 172]. Nhà báo Đức Dũng nhận xét: “Phóng sự văn học đã đạt tới sự chân xác và đa dạng trong việc trình bày một hiện thực phức tạp liên tục phát triển và biến động với một năng lực khái quát cao. Trên cơ sở của những sự thật của đời sống, tác phẩm phóng sự văn học vừa bảo đảm tính chân thực của nội dung, đồng thời còn biểu lộ suy nghĩ, tình cảm của tác giả trước những vấn đề do sự kiện đặt ra”. Một số ý kiến đã phân tích về những đặc trưng cơ bản của Phóng sự báo chí và phóng sự văn học. Theo đó, cả hai loại phóng sự đều tôn trọng tính xác thực và tính thời sự, tuy nhiên ở phóng sự văn học tính thời sự không còn là yêu cầu “thật cấp bách” và tính xác thực cũng không phải là yêu cầu “ở mức độ tuyệt đối”. Ngược lại, phóng sự văn học đòi hỏi cao hơn về “chất suy nghĩ và tình cảm của chủ thể”. Đồng thời với việc đảm bảo tính chân thực của nội dung, phóng sự văn học còn biểu lộ suy nghĩ, tình cảm của tác giả trước những vấn đề do sự kiện đặt ra. Trong phóng sự văn học, cái Tôi tác giả được tự do lựa chọn sự kiện điển hình, lựa chọn tình huống tiêu biểu để thể hiện lý tưởng thẩm mỹ đồng thời cũng tự do lựa chọn những phương thức thể hiện để đạt được hiệu quả nghệ thuật mong muốn - truyền tải đến công chúng những thông tin thẩm mỹ có khả năng tác động vào cảm xúc. So với phóng sự báo chí, phóng sự văn học sử dụng bút pháp mềm mại, linh hoạt, giàu hình ảnh;


người viết có thể bố trí, tổ chức tái tạo các sự kiện, chi tiết, tình huống, nhân vật và tìm tới những kết cấu hợp lý, nhằm tạo được ấn tượng sâu đậm cho người đọc, đạt tới giá trị “phản ánh - thông tin - thẩm mỹ ”.

Từ những quan niệm của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, có thể thấy, mặc dù ít nhiều khác nhau, nhưng tựu trung các ý kiến đều khá thống nhất khi khẳng định những đặc trưng cơ bản của phóng sự. Phóng sự bao giờ cũng phải mang ý nghĩa thời sự, cung cấp những thông tin, những tri thức chính xác, phong phú, đầy đủ và sốt dẻo về những sự kiện, vấn đề “điển hình” nhất của hiện thực đời sống xã hội. Phóng sự là tìm kiếm một cách có hệ thống để trả lời cho 6 câu hỏi: Who (ai), What (cái gì), Where (ở đâu), When (khi nào), How (như thế nào), Why (tại sao). “Cái tôi trần thuật” có vai trò nổi bật trong phóng sự, nó vừa là nhân chứng khách quan, đồng thời lại cũng là người nhập cuộc và cầu nối giữa công chúng với sự thật. Những thiên phóng sự có giá trị là những tác phẩm đậm chất văn chương, có giá trị thẩm mỹ cao thực sự là “cầu nối vững chắc cho hai vùng đất văn học và báo chí”.

Xuyên suốt luận án, chúng tôi sẽ sử dụng quan niệm này, coi đó là cơ sở để đi sâu nghiên cứu phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 qua ba cây bút tiêu biểu Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố.‌

1.2. Khái lược về phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945

1.2.1. Những tiền đề dẫn đến sự bùng nổ và phát triển của thể loại phóng sự

Quá trình hình thành, vận động và phát triển của văn học Việt Nam 1930-1945 nói chung và thể phóng sự nói riêng gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống xã hội, thực trạng tư tưởng, thẩm mỹ và văn hóa của thời đại. Riêng với thể phóng sự, có thể nói, hiện thực đời sống giai đoạn này thực sự là mảnh đất màu mỡ cho phóng sự phát triển. Nhiều tác phẩm thành công của


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

các cây bút phóng sự đặc sắc: Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Trọng Lang, Nguyễn Đình Lạp, Vũ Bằng…là sự kết tinh một cách viên mãn hiện thực đời sống với tài năng và những nhu cầu thẩm mỹ của công chúng đương thời.

Trước hết, về những tiền đề chính trị, kinh tế, có thể thấy, với chính sách đô hộ hà khắc, thâm hiểm của thực dân Pháp và sự lạc hậu, hèn kém, nhu nhược và bóc lột tàn tệ của bọn địa chủ, phong kiến, Việt Nam đã trở thành một xứ sở thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu đến kiệt quệ. Thực hiện dã tâm, muốn xóa tên Việt Nam (cùng với Lào và Campuchia) trên bản đồ thế giới, thực dân Pháp đã ráo riết tiến hành chia nước “Đại Việt” thành ba khu vực riêng rẽ Tonkin (Bắc Kỳ), Annam (Trung Kỳ) và Cochinchine (Nam Kỳ) gắn với quyền “bảo hộ” của nước Pháp. Đồng thời chúng tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa, bòn rút tài nguyên, vắt thu thuế khóa, bóc lột của cải và nhân lực - một cuộc cướp đoạt “vô hạn độ” “đẫm máu và nước mắt”, trên “chiếc lưng cao su của người An nam” . Với tư cách Thượng đẳng “mẫu quốc”, thực dân Pháp thẳng thừng “lệnh” cho các sứ “hạ đẳng thuộc địa ở Đông Dương (trong đó có Việt Nam), có trách nhiệm phải “cung phụng” nước mẹ: không được tự do có phương hướng riêng của nền kinh tế và tài chính của mình mà phải quy tụ nó vào những mục đích do mẫu quốc chỉ đạo. Đông Dương phải sáp nhập hệ thống mậu dịch của mình vào hệ thống của mẫu quốc, phát triển sản xuất của mình vào lợi ích của mẫu quốc, cung cấp những sản phẩm của đất đai và trong lòng đất mà nước Pháp đòi hỏi. Đồng thời, Đông Dương phải để cho nước Pháp sử dụng nguồn nhân lực của mình, hoặc làm trong các công binh xưởng hoặc cung cấp những quân số quan trọng được tổ chức và biên chế đề điều đến các chiến trường ở phương Tây”. Hậu quả là, người dân Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 6

Mất chủ quyền, mất đất đai, ruộng vườn đã thành nỗi ám ảnh, đe dọa sự sinh tồn của cả một xứ sở 90% dân số là nông dân, bao đời nay chỉ biết


bám vào đất, “bới đất, lật cỏ” để duy trì đời sống. Mất đất, người nông dân bị đánh bật ra khỏi làng quê của mình, đổ xô về các đô thị, đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp của thực dân phong kiến mọc lên như nấm ở khắp nơi để vơ vét lợi nhuận. Ở đó, họ lại “chết” thêm một lần nữa. Công cuộc khai thác đồn điền, hầm mỏ của chính quyền thực dân gắn liền với thảm cảnh đói nghèo, lam lũ, chết chóc, bị bần cùng hóa đến thê thảm của người dân An nam.

Đã thế, thuế má đánh vào người dân ngày càng nặng nề: Thuế không chỉ đánh vào người sống mà còn đánh cả vào người chết, hàng trăm thứ thuế, trong đó có cả những thứ thuế vô lý, “lạ lùng” như “thuế xia”. Thuế khóa nặng nề đã mang lại những khoản ngân sách kếch xù cho chính quyền thực dân. Chính nhờ những khoản thu từ thuế má, khai thác ruộng đất, tài nguyên khoáng sản và tận dụng lao động rẻ mạt của người dân bản xứ mà “kể từ sau 1900, Đông Dương không chỉ tự trang trải kinh phí quân sự (14.000.000 phrăng mỗi năm) mà còn có thể gánh vác được mọi chi phí hành chính, khai khẩn và nguồn chi cho công cuộc “bình định”.

Cùng với việc bị bóc lột thậm tệ ở trong nước, để thực hiện “nghĩa vụ” với “mẫu quốc”, hàng trăm ngàn thanh niên Đông Dương (trong đó đa phần là Việt Nam) bị đẩy sang các chiến trường châu Âu làm bia đỡ đạn, thê thảm trên chiến trường, hàng chục ngàn trong số đó đã bỏ xác nơi đất khách quê người…

Có thể nói, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp và sự hiệp sức của bọn phong kiến, quan lại Việt Nam, đời sống của nông dân và công nhân, kể cả một bộ phận trí thức ngày một cơ cực về vật chất, kiệt quệ về thể chất và o ép héo mòn, khủng hoảng về tinh thần. Điều đó lý giải vì sao một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo của văn học Việt Nam (trước hết dòng văn học hiện thực phê phán), đặc biệt của phóng sự - thể loại sát gần cuộc sống, có ưu thế trong việc phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự, thiết cốt của đời sống - lại nghiêng về phê phán những “ung nhọt” xấu xa của đời sống xã hội đương thời.


Về lĩnh vực văn hóa, xã hội: Chính sách cai trị cùng công cuộc “khai hóa văn minh” của Pháp đã tạo nên những biến đổi sâu sắc trong lòng xã hội, văn hóa Việt Nam. Hệ tư tưởng phong kiến lung lay và dần lụi tàn. Sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, giai cấp tư sản Việt Nam hình thành và ngày càng phát triển. Giao lưu kinh tế ngày càng mở rộng, dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều những đô thị lớn. Lối sống tư sản và hệ tư tưởng tư sản với quan niệm đề cao vai trò của cá nhân, đề cao quyền tự do, dân chủ tràn lan. Văn hóa phương Tây cùng lối sống Âu hóa du nhập ngày càng mạnh, xâm lấn và phá vỡ dần nền tảng đạo đức, luân lý gia đình truyền thống Việt Nam, gây nên những xáo trộn, xung đột gay gắt. Có thể nói, trong làn sóng Âu hóa, cuộc sống xã hội ngày càng nhốn nháo, càng bộc lộ những sự giả dối, lố bịch, “nhơ bẩn”. Tất cả “quay cuồng, đảo điên đến chóng mặt, biết bao tình huống trớ trêu, biết bao cuộc đời lên voi xuống chó, xuống chó lại lên voi, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông…”. Nói như Vũ Trọng Phụng đó là xã hội nhố nhăng, “vô nghĩa lý”, “chó đểu”. Tình trạng xã hội “bát nháo” “ối a bông phèng” ấy đã được phản ánh sâu sắc trong nhiều tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, đặc biệt trong hàng loạt phóng sự tiêu biểu của các cây bút phóng sự Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Ngô Tất Tố, Trọng Lang, Nguyễn Đình Lạp, Vũ Bằng…

Đứng từ góc độ tiếp nhận văn học, có thể thấy, trong điều kiện xã hội mới, đã hình thành một lớp công chúng mới, với những thị hiếu và nhu cầu mới. Thạch Lam (Việt Sinh) một trong những cây bút tiêu biểu của Tự lực văn đoàn từng đã phát biểu trên chính tờ Phong hóa, cơ quan ngôn luận của văn đoàn: “Đọc một quyển truyện, một tờ báo đầy những lời dạy bảo về tam cương ngũ thường thì đọc ngay một cuốn luân lý cho xong, người ta đã chán chường những văn chương như thế, người ta đã ham mê những truyện chỉ cốt tả sự thật, không giảng luân lý, không dạy ai gì hết. Một quyển


truyện, một tờ báo muốn người ta ham đọc cần phải làm cho người ta vui hoặc người ta cảm động, mà muốn cho người ta cảm động thì cần phải đúng sự thật”. “Thị hiếu đại chúng hầu như thay đổi hoàn toàn”, nghiêng về những sáng tác thể hiện được những vấn đề, những khát vọng cá nhân của con người hoặc nữa những sự thật của đời sống xã hội. Chính đòi hỏi của lớp công chúng này là cơ sở cho văn học nói chung, các thể loại văn học nói riêng, đặc biệt phóng sự - thể loại nhạy cảm, năng động trước những biến động của đời sống - có điều kiện phát triển và nở rộ.

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự phát triển đột biến của văn học nói chung, đặc biệt của thể phóng sự là sự phát triển nhanh chóng của báo chí. Nếu như năm 1865 Gia định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra số đầu ở Sài Gòn và độc diễn trên làng báo Việt Nam suốt gần bốn thập kỷ cho đến khi tờ Nông cổ mín đàm ra đời ở Nam Kỳ (1901) thì sau đó, hàng loạt tờ báo như Đại Việt công báo (1905), Đăng cổ tùng báo (1907), Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong tạp chí (1917), An Nam tạp chí (1922) lần lượt ra đời…Theo thống kê, năm 1923 đã có 71 tờ báo; năm 1934 đã có 227 tờ; năm 1937 đã có 110 tờ nhật báo, 159 kỷ yếu và tạp chí; năm 1938 có 128 tờ nhật báo, 170 tạp chí và kỷ yếu…Không chỉ phát triển về số lượng, kỹ thuật báo chí cũng ngày càng phát triển, với cả một hệ thống in ấn, phát hành rộng khắp. Sự phát triển nhanh chóng của báo chí đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tinh thần ngày càng tăng của xã hội.

Báo chí Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của văn học. Đúng như nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng nhận xét trong Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1930: “Văn học hiện đại Việt Nam thoát thai từ báo chí, khác với trường hợp ở các nước Tây phương là văn học đẻ ra báo chí” [95; 234]. Các nhà nghiên cứu M.Durand và Nguyễn Trần Huân thậm chí còn coi báo chí như một bộ phận của tiến trình văn học và như


“một thể loại, một động lực của văn học” [95; 235]. Thực tế, trong cả tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, gần như tất cả các sáng tác văn học, kể cả dịch thuật đều được đăng tải trên báo; các nhà văn đồng thời là những nhà báo, phần lớn họ đều đi từ nghề báo. Những sáng tác của các nhà văn giai đoạn này trong đó có Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang hầu như đều được đăng tải trước hết trên báo, sau đó mới được in thành sách: Cạm bẫy người là phóng sự đầu tay của Vũ Trọng Phụng, đăng lần đầu trên báo Nhật Tân từ số 2 (ngày 9/8/1935); Kỹ nghệ lấy Tây (Vũ Trọng Phụng), đăng lần đầu trên báo Nhật Tân từ số 69 (ngày 5/12/1934), NXB Phương Đông (Hà Nội) in sách lần đầu 1935; Cơm thầy cơm cô (Vũ Trọng Phụng), đăng lần đầu trên Hà Nội báo từ số 12 (25/3/1936), NXB Minh Phương in sách lần đầu 1937; Một huyện ăn Tết (Vũ Trọng Phụng) đăng lần đầu ở Tiểu thuyết thứ bảy từ số 216 (18/2/1939) đến số 247 (25/2/1939). Việc làng (Ngô Tất Tố) đăng lần đầu trên báo Hà Nội tân văn từ số 5/3/1940 đến số 17/9/1940, NXB Mai Lĩnh in thành sách lần đầu năm 1941; Tập án cái đình (Ngô Tất Tố) đăng lần đầu trên báo Con ong từ số 18/10/1939. Các phóng sự Tôi kéo xe, Đêm sông Hương, Lọng cụt cán, Người…ngợm của Tam Lang đều đã được đăng trên các báo trước khi in thành sách. Một số tờ báo như Phong hóa, Ngày nay (cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn) còn chủ trương dùng tờ báo của mình để tiến hành một cuộc cách mạng “về báo chí”. Cùng với những thể loại văn học mới, phóng sự được dành một vị trí ưu ái trên tờ báo. Phong hóa, Ngày nay liên tục đăng tải phóng sự của hai cây bút trong nhóm: Thạch Lam (tức Việt Sinh) với những phóng sự Một tháng ở nhà thương, Nghe hát Quan họ một đêm ở Lũng Giang, Trước Tết, Tết và sau Tết, Trẻ con lấy vợ Hà Nội ban đêm (viết chung với Tràng Khanh); Hoàng Đạo với phóng sự Trước vành móng ngựa gồm nhiều phóng sự ngắn, đăng nhiều kỳ trên Ngày nay. Hầu hết


phóng sự của Trọng Lang: Trong làng chạy, Đời bí mật của sư vãi, Gà chọi, Đồng bóng, Hà Nội lầm than, Làm dân…đều được in trên hai tờ báo của Tự lực văn đoàn. Nhiều tờ báo đương thời: Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Ích hữu, Ngọ báo, Tương lai…đều dành “đất” cho những phóng sự của các cây bút nổi tiếng như Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Trọng Lang, Tam Lang, Nguyễn Đình Lạp…Nhìn như vậy, có thể thấy báo chí quả đã là cái nôi của phóng sự và phóng sự thực sự “là con đầu lòng của nghề viết báo” (Vũ Ngọc Phan).

Trở lên, chúng tôi đã sơ bộ khảo sát những tiền đề xã hội, văn hóa, dẫn đến sự hình thành và phát triển của thể phóng sự trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX và từ đó, những thành tựu đặc sắc của phóng sự giai đoạn này nói chung, của ba cây bút tiêu biểu Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang nói riêng. Ra đời, gắn bó và phát triển trong bối cảnh xã hội đó, phóng sự giai đoạn này mang những dấu ấn đặc sắc riêng cả về nội dung phản ánh và nghệ thuật thể hiện - chúng tôi sẽ tập trung khảo sát kỹ lưỡng ở các chương hai và ba của luận án.

1.2.2. Thành tựu của phóng sự Việt Nam 1930 - 1945

Tuy ra đời muộn hơn các thể loại khác, nhưng với ưu thế và đặc trưng riêng của thể loại, phóng sự Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, thu hút được sự quan tâm của các nhà văn tên tuổi và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thời đại, của công chúng đương thời. Lắng lại sau nhiều thập kỷ, giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã khẳng định vị trí của thể loại phóng sự Việt Nam về nhiều phương diện, đặc biệt ở nội dung xã hội và nghệ thuật tiếp cận, thể hiện. Có thể nói, là một thể loại mới, nhưng phóng sự đã nhanh chóng trở thành một thể loại độc lập có vị trí mũi nhọn trong đời sống báo chí, văn học đương thời. Cùng với các thể loại thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự đã góp phần đáng kể tạo nên thành tựu rất đáng trân trọng

Xem tất cả 202 trang.

Ngày đăng: 19/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí