Nhóm Nghiên Cứu Về Nhân Tố Tác Động Đến Dân Trí Tài Chính


Tại Việt Nam, một số nhà nghiên cứu cũng đi theo hướng này, trong đó chủ yếu dựa vào các dữ liệu mảng để phân tích tác động của vốn con người tới tăng trưởng kinh tế tại từng tỉnh và từng vùng (Scott và Chuyen, 2004, Trần Thọ Đạt và Đỗ Tuyết Nhung, 2008, Klump và Bonschab, 2004). Các hàm ý chính sách đưa ra từ các nghiên cứu về cơ bản đều đi theo hướng đề xuất của nhóm nghiên cứu thứ nhất, tức là cũng đầu tư vào con người như giáo dục, y tế, hoặc khuyến khích đầu tư thêm vào cơ sở vật chất. Nhưng một trong những hạn chế lớn nhất là vẫn không chứng minh được việc đầu tư như thế nào sẽ có hiệu quả cao.

Như vậy, về cơ bản, nhóm nghiên cứu này cho rằng đầu tư vào con người sẽ mang lại lợi ích trong tương lai, đặc biệt là đầu tư về kiến thức tài chính. Tuy nhiên, vì những đặc điểm khác nhau về nhân khẩu học, địa lý, chính sách… nên các bằng chứng thực nghiệm vẫn đưa ra những kết quả mâu thuẫn. Một số hàm ý chính sách liên quan đến khu vực nông nghiệp và nông thôn; hoặc về đối tượng là người nghèo vẫn không đạt được kết quả khả quan như cách thức đào tạo về kiến thức, kỹ năng ra sao; hoặc xác định mức vốn con người ở thời điểm hiện tại như thế nào để đưa ra các chương trình định hướng về thái độ, hành vi, kiến thức, nhất là trong mảng tài chính vẫn chưa được phát triển. Do vậy, việc mở rộng các vấn đề liên quan đến vốn con người (trong đó có một cấu phần của nó là Dân trí tài chính) cần được bổ sung nhằm đưa ra các bằng chứng thực nghiệm để phát triển kinh tế bền vững.

Nhánh nghiên cứu thứ hai mà tài chính vi mô dựa vào nền tảng là nhánh nghiên cứu về sinh kế bền vững. Nhóm nghiên cứu về sinh kế bền vững được phát triển trên nền tảng của các nghiên cứu về xóa đói giảm nghèo. Trong các nghiên cứu thuộc nhóm này, đa phần các tác giả đều đồng thuận: các luận điểm chính của sinh kế bền vững bao gồm:

(1) các cá nhân, hộ gia đình sử dụng các nguồn lực hiện tại (con người, tài chính, tự nhiên, vật chất và các yếu tố xã hội) nhằm ứng phó với những thay đổi của thiên nhiên và thị trường nhằm đạt được sinh kế bền vững. (2) Con người là yếu tố cốt lõi trong khung sinh kế bền vững, do vậy, để có được một khung sinh kế thì chính phủ phải đưa ra các chương trình trợ cấp liên quan đến việc tạo lập cho người nghèo một khả năng để có thể tự phát triển được hoạt động sản xuất kinh doanh trong lâu dài. Nhóm nghiên cứu này là nền tảng chính về tài chính vi mô. (3) Vì con người là vấn đề trung tâm trong sinh kế, nên việc xóa đói giảm nghèo phải hướng đến việc tạo lập cho các cá thể trong nền kinh tế một nền tảng vững chắc về thể chế, môi trường, xã hội và kinh tế, trong đó phải có yếu tố giáo dục về tài chính và cách thức sinh hoạt (Chambers và Conway, 1992, Scoones, 1998, Ashley và Carney, 1999, Solesbury, 2003).


Thành tựu lớn nhất của nhóm nghiên cứu về sinh kế bền vững là đã đưa ra được một khung nghiên cứu nhóm lại trong 5 yếu tố chính: (1) nguồn lực sinh kế; (2) hoạt động sinh kế; (3) kết quả sinh kế; (4) thể chế và chính sách; (5) các tác động bên ngoài (Solesbury, 2003). Trong 5 nhóm yếu tố này thì nguồn lực sinh kế là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm nguồn lực tài chính và nguồn lực con người và một số nguồn lực khác. Việc ứng phó với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu và việc di cư nông thôn đã đặt vấn đề tài chính và giáo dục về cách làm ăn, sinh sống của các cá nhân lên làm trọng tâm (Dey và Prein, 2004, DfID, 1999). Khi đó mới có thể thay đổi được thái độ và hành vi của người nghèo tại khu vực nông thôn, nhất là các vấn đề liên quan đến tài chính.

Do nghiên cứu về sinh kế bền vững thường tiến hành với đối tượng là người nghèo của khu vực nông thôn nên đây cũng là nền tảng của tài chính vi mô (Scoones, 1998, Ledgerwood và cộng sự, 2013). Việc đưa ra một khung chương trình nhằm hướng đến việc giảm nghèo cần thiết đối với khu vực này. Chính vì thế, khi đưa ra được hướng giảm nghèo trên cơ sở kết hợp được nhiều chương trình, dự án của chính phủ, ví dụ như các chương trình hỗ trợ tài chính cho người nghèo tại khu vực nông thôn, giáo dục tài chính cá nhân hay hướng dẫn việc sử dụng các sản phẩm tài chính qua hệ thống ngân hàng (trên góc độ tài chính – nằm trong tính bền vững về xã hội); hoặc tạo ra sản phẩm mới hoặc có cơ chế riêng để giúp người nghèo tại vùng nông thôn có thể tự thích ứng được trong dài hạn (Armitage và cộng sự, 2009, Smit và Wandel, 2006). Tuy nhiên, bản thân nhóm nghiên cứu này cũng có một số vấn đề về mặt thực tiễn liên quan đến vấn đề con người, trong đó có người nghèo ở khu vực nông thôn như:

Thứ nhất, mục tiêu của tác giả là vấn đề làm sao người nghèo có thể tồn tại và có thể phát triển được. Đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của cả các nhà nghiên cứu và các nhà làm luật (Vũ Thị Hoài Thu, 2013). Nhưng khi đã có được một khung sinh kế bền vững (dựa trên các hỗ trợ của chính phủ hoặc các tổ chức khác), và các đối tượng hưởng lợi đã thoát nghèo thì nhóm lý thuyết này lại không đưa ra được các hàm ý chính sách tiếp theo bởi khi đã thoát nghèo thì nhóm người này lại hướng đến các mục tiêu khác như bình đẳng giới, hoặc sự cân bằng giữa mục tiêu vật chất và phi vật chất.

Thứ hai, trong việc phát triển sinh kế bền vững cho khu vực nông thôn (thường hướng tới đối tượng là người nghèo) thì thể chế và chính sách đóng vai trò quan trọng (Scoones, 1998). Chính vì thế, các hàm ý về thể chế và chính sách nhằm tạo ra khung sinh kế bền vững cho người nghèo đều liên quan đến việc giáo dục chính sách tài chính nhằm tạo ra khả năng tiết kiệm, hoặc có thể sử dụng đồng vốn một cách phù hợp. Trong khung sinh kế này, việc hướng dẫn người nghèo biết đọc, biết viết, biết tính toán cũng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.


là một phần quan trọng về mặt thể chế (Ledgerwood và cộng sự, 2013). Sau khi đã biết đọc và biết viết mới hướng dẫn người nghèo các kiến thức về tài chính. Nhưng việc điều tra thực tiễn cho thấy, người nghèo có được kiến thức tài chính tốt (liên quan đến vấn đề hiểu biết – thuộc phạm trù con người trong sinh kế bền vững) thì vẫn không thể thoát nghèo do những vấn đề liên quan đến thái độ và hành vi tài chính còn “lệch lạc” (Nguyễn Kim Anh và cộng sự, 2017).

Dân trí tài chính của người nghèo tại khu vực nông thôn Việt Nam - 4

Như vậy, có thể thấy rằng các nghiên cứu về sinh kế bền vững được phát triển dựa trên lý thuyết về giảm nghèo và có mối liên hệ mật thiết với các nghiên cứu về tài chính vi mô. Trong giới hạn phạm vi của mình, các nghiên cứu này đã giải quyết được vấn đề về khung sinh kế bền vững, đưa ra được các hàm ý chính sách khác nhau liên quan đến mặt thể chế dành cho người nghèo khu vực nông thôn. Một trong những hàm ý quan trọng (theo hướng tiếp cận các dịch vụ tài chính) là việc cung cấp cho người dân một nguồn lực sinh kế dựa trên việc có thể cho vay vốn và hình thành thói quen tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ có dịch vụ tài chính và giáo dục tài chính mà không đánh giá tình trạng dân trí tài chính đang ở mức độ nào thì khó có thể đưa ra một hàm ý chính sách bền vững – đặc biệt là đối với nhóm đối tượng cận nghèo.

1.3. Nhóm nghiên cứu về dân trí tài chính

Do chưa có sự thống nhất trong nội hàm của DTTC nên các nghiên cứu về DTTC thường không phân thành các trường phái, nhưng về cơ bản có thể chia thành các nhóm nhỏ: (1) nghiên cứu về yếu tố tác động đến DTTC; (2) nghiên cứu về phương pháp đo lường DTTC; (3) nghiên cứu về hàm ý chính sách. Trong phạm vi phần này của luận án, chỉ trình bày về nhân tố tác động đến DTTC và ảnh hưởng của DTTC đến thu nhập.

1.3.1. Nhóm nghiên cứu về nhân tố tác động đến dân trí tài chính

Yếu tố về trình độ học vấn

Các quan điểm về tác động của trình độ học vấn theo cách tiếp cận này cũng có nhiều điểm tương đồng do dựa trên kết luận về vốn con người. Brown và Graf (2013) chỉ ra mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa DTTC và trình độ học vấn. Cùng quan điểm trên, Atkinson và Messy (2012) cho thấy ở Đức, Malaysia và Ba Lan thì các cá nhân có học vấn cao hơn có điểm số DTTC cao hơn. Tùy từng phạm vi nghiên cứu mà các tác giả đánh giá trình độ học vấn của các cá nhân, ví dụ như học vấn của bố mẹ có tác động đến DTTC của con cái hay không. Tuy nhiên, đối với người nghèo hoặc người lớn tuổi thì việc xác định trình độ học vấn lại khó khăn, khi mà thế hệ trước của họ không có điều kiện học tập hoặc đã qua đời.


Ở mỗi quốc gia đều có cách đo lường trình độ học vấn riêng biệt, nên kết luận cụ thể về tác động của trình độ học vấn lên DTTC vẫn chưa đồng nhất tạo ra khoảng trống của những nghiên cứu này. Một đặc điểm đặc trưng của Việt Nam là tuy trình độ học vấn cao, nhưng thu nhập lại thấp (Trần Thọ Đạt và Đỗ Tuyết Nhung, 2008) – thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người hoặc GDP. Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Hồng là nơi có trình độ học vấn cao nhất cả nước, nhưng tính bình quân GDP lại thấp gần nhất. Vì vậy, việc đánh giá học vấn tác động lên DTTC trong bối cảnh Việt Nam là một khe hở có thể tiếp tục khai thác.

Yếu tố về thu nhập

Jonubi và Abad (2013) đã chỉ ra rằng thu nhập đóng một vai trò quan trọng trong hành vi tiết kiệm của con người: khi thu nhập tăng thì tiết kiệm tăng. Các nghiên cứu ở Estonia, Na Uy, Cộng hòa Séc, Hungary, Ireland, Malaysia và Nam Phi cho thấy rằng thu nhập càng cao thì điểm DTTC càng tốt (Monticone (2010); Lusardi và Mitchell (2011b), Bhushan và Medury (2013); Potrich và cộng sự (2015)). Tuy nhiên, ở Armenia và Ireland, người tiêu dùng thu nhập trung bình có hiểu biết về tài chính tốt nhất và ở Na Uy có rất ít sự khác biệt giữa người tiêu dùng trung bình và người có thu nhập cao. Quan điểm này cũng được ủng hộ trong các nghiên cứu của Lusardi và Mitchell (2007), Lusardi và cộng sự (2011b).

Đa phần, các nghiên cứu trên đều đo lường thu nhập thông qua việc trả qua thẻ ngân hàng, tuy nhiên, tại các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, việc sử dụng tiền mặt rất nhiều (Nguyễn Kim Anh và cộng sự, 2014, Nguyễn Kim Anh và cộng sự, 2017, World Bank, 2014) nên việc đánh giá thu nhập không phù hợp. Thêm vào đó, một trong những đặc trưng của vùng nông thôn Việt Nam là việc “đổi công” trong quá trình sản xuất và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp – và hoạt động này thường không được hạch toán vào thu nhập. Vì vậy, việc tính toán và đánh giá lại thu nhập cũng như tác động của nó lên DTTC là một yêu cầu cần thiết.

Yếu tố việc làm

Banks và Oldfield (2007) chỉ ra những người có việc làm ổn định sau khi nghỉ hưu có DTTC cao hơn nhóm người có việc làm không ổn định sau khi nghỉ hưu. Bhushan và Medury (2013) dựa trên cơ sở tính chất của việc làm, đã chia đối tượng nghiên cứu thành hai loại là nhân viên chính phủ và phi chính phủ. Kết quả cho thấy cho thấy các nhân viên phi chính phủ có trình độ hiểu biết về tài chính cao hơn so với nhân viên chính phủ. Nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng kết luận rằng bản chất của việc làm ảnh hưởng đến trình độ DTTC. Kết luận này cũng được ủng hộ bởi Baker và Ricciardi (2014); Albeerdy và Gharleghi (2015); Nanziri và Leibbrandt (2018).


Cách tiếp cận theo việc làm phù hợp về mặt đánh giá DTTC, nhưng vẫn để lại một khoảng trống: đa phần phạm vi nghiên cứu của các nước thuộc các nghiên cứu trên là nước phát triển, thu nhập từ việc làm (cũng như từ trợ cấp xã hội rất cao), trong khi đó các nước phát triển lại không như thế. Và nếu như đối tượng nghiên cứu là người nghèo lại hiếm khi có một việc làm mang tính chất hành chính hoặc đều đặn nên việc kiểm tra tác động của việc làm mang tính chất thời vụ của nhóm đối tượng này tại khu vực nông thôn vẫn còn bỏ ngỏ.

Yếu tố tuổi tác

Agarwal và cộng sự (2009) đã chỉ ra rằng hiệu suất tài chính cao nhất ở trung niên vào khoảng 53 tuổi khi họ có những quyết định tài chính ít sai lầm hơn so với những người trẻ tuổi hơn hay là những người lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, Brown và Graf (2013) chỉ ra mối quan hệ nghịch chiều giữa tuổi tác và DTTC: những người trả lời có độ tuổi từ 36 - 50 tuổi có trình độ DTTC cao, trong khi đó nhóm tuổi dưới 35 tuổi và trên 65 tuổi chỉ có 45% số người trả lời trả lời tất cả các câu hỏi một cách chính xác. Kết quả này cũng được chỉ ra trong một số nghiên cứu của Alessie và cộng sự (2008), Lusardi và Tufano (2015), Agarwal và cộng sự (2009), Lusardi và cộng sự (2010), Atkinson và Messy (2012), Lusardi và cộng sự (2017). Các nghiên cứu của Bhushan và Medury (2013); Nanziri và Leibbrandt (2018) lại chỉ ra rằng tuổi tác không thật sự có ý nghĩa thống kê khi đo lường DTTC. Một trong những nguyên nhân của sự khác biệt này là các nghiên cứu này tiến hành trong những môi trường khác nhau (đa phần thuộc khu vực thành thị, và với những nhóm đối tượng không phải người nghèo), bỏ qua các nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Đông Á – khi mà mức độ tiêu dùng hay thái độ tài chính chịu ảnh hưởng lớn từ những người xung quanh, hoặc nhóm người già (Mai và Tambyah, 2011). Như vậy, các nghiên cứu trên vẫn có sự khác biệt và chưa đưa ra được một kết luận thống nhất về ảnh hưởng của yếu tố tuổi tác lên DTTC – đặc biệt là trong những nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.

Yếu tố giới tính

DTTC cũng có sự khác biệt lớn về giới tính, ví dụ, tại Hoa Kỳ, Thụy Điển, Ý, Nga và New Zealand, cũng như các nước có nền kinh tế phát triển (Atkinson và Messy, 2011, Atkinson và Messy, 2012) cho thấy nam có DTTC tốt hơn nữ. Tuy nhiên, Bucher-Koenen và Lusardi (2011) đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt quá rõ ràng giữa nam và nữ khi cùng đo lường về DTTC. Kết quả nghiên cứu này dường như đi ngược lại với hầu như các nghiên cứu hiện nay đang có ở trên thế giới về DTTC. Đây cũng là kết quả của các nghiên cứu Bhushan và Medury (2013); Nanziri và Leibbrandt (2018).


Một trong những vấn đề mà các nghiên cứu trên đã tiến hành là đa phần mẫu nghiên cứu đều tại các nước có nền kinh tế phát triển, hoặc vấn đề bình đẳng giới đã được đề ra và giải quyết trong thời gian khá dài. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn của các nước Đông Á và các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, bất bình đẳng giới vẫn là một trong những thách thức đối với việc giáo dục về DTTC hoặc tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản (Nguyễn Kim Anh và cộng sự, 2017, Ledgerwood và cộng sự, 2013). Nhưng do sự phát triển của các tổ chức tài chính tài chính vi mô, sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam và các tổ chức khác, nhóm đối tượng phụ nữ nghèo ở vùng nông thôn đã có khả năng nâng cao DTTC và dần làm chủ cuộc sống của mình (Shakya và Rankin, 2008, Nghiem và cộng sự, 2012). Như vậy, quan điểm về ảnh hưởng của yếu tố giới tính lên DTTC ở trên thế giới vẫn chưa thật sự thống nhất hoàn toàn và vẫn có những khoảng trống nghiên cứu cần được phát triển thêm, nhất là tại các vùng có sự hỗ trợ của chính phủ về xóa đói giảm nghèo cũng như sự phát triển của tổ chức tài chính vi mô.

Yếu tố chủng tộc và tôn giáo

Ảnh hưởng của chủng tộc tới DTTC đã được nghiên cứu bằng nhiều công trình khác nhau như Bumcrot và cộng sự (2011) tại Hoa Kỳ, Crossan và cộng sự (2011) ở New Zealand; Alessie và cộng sự (2008) ở Hà Lan; Bagić (2011) ở Bosnia và Herzegovina;... Trong nghiên cứu của Lusardi và Mitchell (2011b), Lusardi và cộng sự (2011a) cũng chỉ ra rằng chủng tộc cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến DTTC. Kết quả nhóm tác giả thu lại được là đã có một sự khác biệt nhất định trong việc nhận thức về DTTC giữa các nhóm chủng tộc. Kết quả được ủng hộ trong nghiên cứu của Zhan (2006) tại Tây Ban Nha. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã chỉ ra rằng, những người tham gia có gốc Tây Ban Nha thường có điểm về kiến thức tài chính thấp hơn so với những dân tộc khác.

Alessie và cộng sự (2008) nghiên cứu đối với hơn 2.000 hộ gia đình bằng phương pháp điền bảng hỏi đã đưa ra kết quả rằng yếu tố tôn giáo ảnh hưởng tới DTTC. Trong nghiên cứu này chia tôn giáo thành 4 nhóm chính là không có tôn giáo, đạo Tin Lành, Công giáo và các nhóm tôn giáo khác. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm người thuộc đạo Tin lành có kiểm soát về tài chính tốt hơn những người thuộc đạo Công giáo và các tôn giáo khác trong khi những người không có tôn giáo lại là những người có xu hướng đầu tư vào chứng khoán và bất động sản nhiều hơn những nhóm còn lại. Kết quả này cũng được ủng hộ trong nghiên cứu của Nanziri và Leibbrandt (2018).

Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu trên được tiến hành tại các nước chịu ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa, trong khi đó, tại các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi như


khu vực Đông Nam Á hay Đông Á, Nho giáo và Phật giáo lại là những tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất. Tran và cộng sự (2017) chỉ ra rằng, tại các nước thuộc khu vực này, người dân có tư tưởng tôn giáo không nặng nề, và cũng thường ít đến các cơ sở thờ tự. Thậm chí, tư tưởng “vô vi” còn cho thấy, việc tìm hiểu kiến thức tài chính cũng không quá nặng nề. Như vậy, các nghiên cứu từ những khu vực khác nhau trên thế giới chỉ ra được rằng chủng tộc và tôn giáo là một yếu tố ảnh hưởng đến việc nhận thức và kiến thức tài chính nên ảnh hưởng của nó tới DTTC, nhưng lại chưa tìm hiểu tại các nước như Việt Nam – đặc biệt là của người nghèo khu vực nông thôn.

1.3.2. Nhóm quan điểm về tác động của dân trí tài chính lên thu nhập

Nếu như ảnh hưởng của thu nhập lên DTTC đã nghiên cứu và chứng minh ở trong các nghiên cứu khác nhau (trong tác giả về vốn con người), thì ảnh hưởng của DTTC lên việc nâng cao thu nhập của cá nhân vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng và cụ thể. Trong trường hợp coi DTTC là sự kết hợp của kiến thức, thái độ và hành vi tài chính để có thể ra quyết định tài chính và nâng cao mức độ tài chính của một cá nhân, thì thu nhập là một trong những chỉ tiêu đo lường mức độ tài chính của cá nhân. Nói cách khác, DTTC có ảnh hưởng lên thu nhập.

Các nghiên cứu của Stango và Zinman (2009), Lusardi và Mitchell (2007) cũng ủng hộ quan điểm: việc cải thiện DTTC sẽ giúp một cá nhân đưa ra những quyết định tài chính tốt hơn, cho phép lên kế hoạch tốt hơn trong việc quản lý tài chính và sử dụng tiền bạc, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của một cá nhân.

Ảnh hưởng của DTTC lên thu nhập còn được chứng minh qua các việc nghiên cứu các hành vi nợ. Agarwal và cộng sự (2009) đã thực hiện một nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng những cá nhân có kiến thức về thẻ tín dụng sẽ thường đưa ra những sự lựa chọn khoản nợ tốt hơn. Kết quả này cũng được ủng hộ bởi Lusardi và Tufano (2015) khi cho rằng việc điểm số DTTC thấp có liên quan tới việc chi phí nợ cao. Courchane và Zorn (2005) đã đưa ra kết luận rằng nhân tố chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn khoản vay hay kết quả của việc chi trả nợ chính là hành vi tài chính, một trong những nhân tố phản ánh nên mức độ DTTC của một cá nhân. Việc lựa chọn khoản vay hay chi trả nợ là một trong những yếu tố được sử dụng để tính toán thu nhập khả dụng của một cá nhân, chính vì vậy, thông qua việc nghiên cứu hành vi nợ cũng có thể thấy rằng DTTC ảnh hưởng lên thu nhập.

Tuy nhiên, vẫn chưa có một nghiên cứu nào trên thế giới đưa ra một khẳng định rõ ràng về ảnh hưởng và xu hướng tác động của DTTC lên thu nhập của một cá nhân, đặc biệt là người nghèo khu vực nông thôn.


1.4. Khoảng trống nghiên cứu

Lusardi và Mitchell (2014) và rất nhiều các nghiên cứu khác trên thế giới đã chỉ ra rằng DTTC có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mỗi quốc gia. Thông qua các kết quả của các nghiên cứu đã được nêu ở phần trên, DTTC có tác động tới việc chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm của từng cá nhân trong nền kinh tế biểu hiện qua lý thuyết, thái độ và hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế. Song, các kết quả của các tác giả còn nhiều điểm bất tương đồng; qua đó, bộc lộ ra một số vấn đề có thể được phát triển tiếp trong các nghiên cứu sau này. Đây chính là khoảng trống của các nghiên cứu đã công bố, cụ thể:

Thứ nhất, về nội hàm của DTTC chưa thống nhất trong các nghiên cứu. Khoảng trống giữa các nhân tố phản ánh DTTC – tức là bản thân DTTC được bao gồm 3 yếu tố là Thái độ tài chính, hành vi tài chính và kiến thức tài chính – và 3 nhân tố này phản ánh ra sao lên DTTC. Cũng chính vì thế, nên đã xuất hiện khoảng trống về phương pháp tiếp cận để đánh giá về dân trí tài chính.

Thứ hai, việc phân tích và trình bày các kết quả đánh giá của các nghiên cứu tập trung nhiều đến phân tích định tính.

Nguyên nhân của các điểm bất đồng này có thể do sự khác biệt giữa quan điểm của các nhà nghiên cứu, đặc điểm riêng của từng vị trí địa lý, khác biệt về mẫu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Cụ thể:

- Do các phương pháp đo lường chưa thống nhất, các bảng hỏi sử dụng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.

- Đối tượng nghiên cứu của các nghiên cứu trên chỉ tập trung vào nhóm người có thu nhập trung bình trở lên, sinh viên và người sống ở khu vực thành thị. Vậy, đối tượng người nghèo và người sống ở khu vực nông thôn chưa được đề cập đến.

- Các nghiên cứu đang tập trung vào hướng các nước phát triển như các nước OECD, Mỹ, Nhật… mà bỏ qua các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.

- Về đặc điểm nhân khẩu học, các nghiên cứu này đang tập trung vào các nước có mảng văn hóa mang tính chất tiêu dùng cao, nhưng lại bỏ qua các nước có tính chất cộng đồng lớn như Việt Nam, hoặc có ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo (Mai và Tambyah, 2011, Nghiem và cộng sự, 2012, Tran và cộng sự, 2017).

Thứ ba, những đặc trưng riêng của Việt Nam có ảnh hưởng đến DTTC chưa được đề cập đến trong các nghiên cứu đã công bố.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/12/2022