nhiều công việc lao động sản xuất quan trọng của gia đình như làm ruộng, làm nương, phát rẫy, làm cỏ, cày bừa,... họ cũng trở thành một nhân lực lao động trong mỗi gia đình, có lẽ vì thế mà tiếng nói của họ trong gia đình cũng không quá “nhẹ”. Quan niệm về giao tiếp với người khác giới của người Nùng Dín cũng không quá nặng nề, nam và nữ được phép tìm hiểu nhau, chọn đối tượng để kết hôn theo ý thích của mình mà không bị ngăn cấm bởi gia đình và cộng đồng.
2.2.2.3. Cách thức giáo dục “quen tay hay làm”, truyền dạy qua quan sát
Trẻ em từ khi sinh ra đến tuổi vị thành niên (15 tuổi) là quá trình phát triển cả về sinh lý và tư duy, tâm lý của trẻ theo hướng hoàn thiện hơn. Đây là quá trình mà trẻ tiếp nhận những nhận thức về gia đình, cộng đồng và xã hội đồng thời học tập những kỹ năng lao động sản xuất. Người Nùng Dín cũng bắt đầu giáo dục trẻ em những công việc lao động từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng theo trong gia đình theo lứa tuổi, theo giới tính bằng phương thức chủ yếu là truyền dạy qua quan sát và “quen tay hay làm”. Người Nùng Dín cho rằng giáo dục trẻ em phải “Slônw tổ na há tổ thaw – Dạy trước mặt, nói trước mắt”.
Tính hay bắt chước của trẻ em khi còn nhỏ là cơ sở cho việc giáo dục trẻ em thông qua quan sát. Khi trẻ còn nhỏ (5 – 10 tuổi), các em thường hay quan sát hành vi, động tác, lời ăn, tiếng nói của người lớn rồi bắt chước làm theo, vì vậy đây là giai đoạn tốt nhất để người lớn dạy trẻ nhỏ bắt đầu “học ăn, học nói, học gói, học mở” đồng thời cha mẹ ông bà khi dạy các em làm các công việc nhẹ nhàng đơn giản như sắp bát đũa, quét nhà, nhặt rau, rửa ấm chén...
Đối với việc giáo dục cách ăn nói, cách cư xử, xưng hô, ... ông bà, bố mẹ trở thành tấm gương để trẻ em quan sát, bắt chước làm theo, khi các em nói sai hay cư xử không lễ phép, ông bà bố mẹ sẽ nhắc nhở và yêu cầu các em nói lại, làm lại hoặc xin lỗi. Đây là bước đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của trẻ em.
Đối với các công việc lao động trong gia đình, ông bà, bố mẹ vừa dạy vừa làm mẫu cho các em quan sát sau đó cầm tay các em để thực hành. Phương thức giáo dục này khiến các em có quan sát được trực tiếp, cụ thể từng động tác của người lớn để học theo. Dù 1, 2 lần các em chưa làm được nhưng ông bà, cha mẹ sẽ
không tức giận hoặc mắng chửi mà kiên nhẫn dạy và thực hiện lại cho các em xem. Người Nùng Dín cho rằng không ai có thể vừa học đã làm được tốt mà phải làm đi làm lại nhiều lần thì mới có thể thuần thục công việc hơn là chỉ biết dạy suông. Những công việc nhẹ nhàng chỉ cần ông bà, cha mẹ dạy 1, 2 lần sau đó thực hành nhiều lần là các em đã có thể làm được. Khi các em lớn dần và bắt đầu học những công việc lao động nặng hơn như phát nương, làm rẫy, cày bừa, trồng cấy... thì quá trình học tập sẽ dài lâu hơn. Các em sẽ theo bố mẹ ra đồng, lên nương phụ giúp những công việc nhỏ nhặt như nhổ cỏ, đưa công cụ, ... để vừa làm vừa quan sát xem bố mẹ, ông bà làm như thế nào. Những công việc này sẽ được ông bà, cha mẹ chia thành nhiều khâu và để cho trẻ học dần từ dễ đến khó. Quá trình quan sát trực tiếp này không chỉ là 1, 2 lần như các công việc khác mà có khi phải đến 4,5 lần mới để trẻ bắt tay vào làm những bước nhỏ, sau đó là những bước lớn, rồi cả khâu làm việc. Trẻ cứ vừa quan sát cha mẹ vừa thực hành để sửa các lỗi sai, cứ thế công việc lao động sẽ trở nên dễ dàng và thuần thục hơn.
Phương thức giáo dục này vẫn được người Nùng Dín tiếp tục sử dụng trong việc giáo dục trẻ em hiện nay. Tính đúng đắn của nó cũng được khẳng định không chỉ trong thực tiễn kinh nghiệm tộc người mà ngày cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định “học đi đôi với hành”, chỉ có thực hành thì mới có thể nắm vững những gì đã được học, người Nùng Dín bằng kinh nghiệm của mình chỉ tổng kết bằng những lời lẽ đơn giản đó là “quen tay hay làm”.
2.3. Các thực hành văn hóa của gia đình và cộng đồng hướng tới đời sống tinh thần, hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em
Nếu coi các giá trị văn hóa tinh thần là nội dung thì có thể coi thực hành văn hóa là hình thức biểu hiện của các nội dung đó. Trong phần này, luận văn không phải nhắc đến các nghi lễ văn hóa trong gia đình và cộng đồng với tư cách là một hình thức biểu hiện của tín ngưỡng, tâm linh người Nùng Dín mà nhắc đến các nghi lễ văn hóa với tư cách là một hoạt động, một quá trình có sự tham gia của trẻ em trong gia đình và cộng đồng tộc người.
Các thực hành văn hóa trong gia đình và tộc người cũng được bao gồm tục ma chay, cưới xin và lễ hội. Trong đó, trẻ em với tư cách là người tham dự trực tiếp từ đó hiểu rõ được ý nghĩa cũng như cách tổ chức các thực hành văn hóa này.
Đám tang người Nùng Dín có các nghi lễ: lễ báo gia tiên và tắm rửa vệ sinh, lễ nhập quan, lễ chuộc hồn (xiên đàng phá ngục), lễ rước kiệu, lễ dâng lễ vật phúng viếng, tiệc lễ, lễ xuất gia, lễ đưa tang hạ huyệt và lễ gọi hồn nhập bàn thờ gia tiên. Trong những lễ ấy, trẻ em nói riêng và những thành viên trong gia đình tang chủ cũng được tham gia và đảm nhiệm vai trò quan trọng vào những nghi lễ riêng.
Trong lễ chuộc hồn người quá cố (tiếng Nùng Dín gọi là thảy hảng), các thầy mo sau khi cúng tấu trình tổ sư thì cúng mo các mâm cúng Ngọc Hoàng, mâm linh hồn người quá cố, mâm cúng địa ngục, lính chiến và cúng giặc dã. Đặc biệt, trong nghi thức lễ chuộc hồn có nghi lễ đi vòng quanh địa ngục (chần nhục), do thầy mo và các con cháu ruột thịt nội ngoại tang chủ hành lễ. Thầy mo cầm chuông vừa mo vừa lắc chuông vừa đi xung quanh mâm cúng địa ngục để lùng sục hồn người quá cố và tìm cách giải thoát. Con cháu trong gia đình tang chủ không phân biệt trai gái, nội ngoại, độ tuổi đều xếp thành. Các con cháu mỗi người tay cầm một cành lá vầu và một bông thóc nếp bứt mâm cúng tổ sư đi theo sau thầy mo xuôi 3 lần và ngược 3 lần. Sau đó, tiếp tục hành lễ gọi hồn người quá cố ở địa ngục trần gian bằng cách quay vòng xung quanh chỗ mâm cúng địa ngục. Vẫn là đoàn con cháu họ mạc cùng với thầy mo diễn lại lần thứ 2 với 3 vòng xuôi, 3 vòng ngược rồi bắt lấy con gà nhỏ độ 3 lạng, rạch sống lấy xương đùi để bói xem hồn đã về chưa (ngáu đúc chảy dăng mình khonw ma pảy).
Tiếp theo lễ chuộc hồn ngoài trời, sau lễ phá ngục, các thầy mo tiến hành lễ rước kiêu (răp chìu ma rân chể). Để làm lễ này phải làm đạo cụ là một chiếc kiệu biểu trưng, đưa linh hồn người quá cố vào trong kiệu. Vẫn là đoàn con cháu nội ngoại tộc đã tham gia gọi hồn sẽ để hai người đi trước đội khênh kiệu. Ngoài ra, còn có thêm chảo dầu cách điệu bó đuốc để người khênh kiêu bước qua (gọi là chảo phay – chảo lửa). Đoàn rước kiệu linh hồn người quá cố bao gồm : Thầy mo dẫn đường các con trai người quá cố bê linh vị và khênh kiệu trên vai, các con cháu họ
mạc nội ngoại đội tấm vải diềm bâu trắng trên đầu. Nội dung và ý nghĩa của bài mo cũng như các đạo cụ và cách thức diễn về bước qua chảo dầu lửa là sự tái hiện quá trình phá vượt ngục, vượt qua các chặng đường bão lửa đầy chông gai mới đưa được linh hồn người quá cố về nhà cổ. Trẻ em dù ở lứa tuổi nào đều phải tham gia vào đoàn rước thể hiện tình cảm yêu thương, hiếu thảo đối với người quá cố trong gia đình.
Ngoài ra, vai trò của con cháu trong gia đình trong đám tang người Nùng Dín còn được thể hiện trong Lễ hiến tế gia súc trâu, lợn của tang chủ (Nọp tồi tuw).
Lễ này được diễn ra tại địa điểm ngay cửa ra vào trong và ngoài nhà do thầy mo cùng với con cháu nội tộc tang chủ và con rể gia đình hành lễ. Lễ vật hiến tế cho người quá cố gồm: con trâu, con lợn. Theo nghi thức thầy mo, gia súc được để ở ngoài sân trước cửa nhà và được xâu một sợi chỉ trắng nối với nhà táng trong nhà. Các con cháu nội ngoại tộc dù là nam hay nữ, dù đã lớn (trưởng thành, lập gia đình, có con cháu) hay còn nhỏ sẽ sắp xếp thành hàng, theo độ tuổi từ cao xuống thấp, đều sẽ quỳ ở hai bên sợi chỉ trước cửa ra vào dùng bàn tay nâng lấy sợi chỉ. Trong lễ hiến tế gia súc trâu, lợn của tang chủ (Nọp tồi tuw) trong đám tang cổ truyền của người Nùng Dín, người thân trong gia đình hiến tế lợn với ý nghĩa là hiến tặng gia súc cho người quá cố có lợn chăn nuôi để có tiền của và thức ăn như khi còn sống ở trần gian, hiến tế trâu cho người quá cố có trâu cày bừa để trồng cấy, là tài sản quý giá có giá trị kinh tế cao trong cuộc sống đời người. Nó thể hiện tình cảm, đạo hiếu của những người trong gia đình đối với người quá cố.
Trong các lễ của tục cưới xin người Nùng Dín, trẻ em cũng được cha mẹ, ông bà cho phép quan sát và tham dự vào lễ dạm hỏi, lễ thách cưới, lễ cưới trong gia đình dù là nhà nam hay nhà nữ. Các em có thể theo người lớn trong gia đình, dòng họ đi dạm hỏi cho anh trai trong nhà, trong họ hay được phép tham dự vào hát giao duyên trong lễ cưới của anh, chị trong gia đình, trong dòng họ, thậm chí là những người trong làng.
Trong đám cưới người Nùng Dín, trước ngày cưới chính thức, từ nửa đêm đến rạng sáng trước ngày cưới bên nhà gái, nhà trai cho con lên rể (khân khuiw). Chú rể
cùng với phù rể, một số bạn bè lén lút vào nhà gái để tránh nhà gái té nước, vào nhà quỳ lạy trước gia tiên, đốt pháo báo hiệu đã đến và thắt nơ vải đỏ lên cánh tay trái. Còn nhà gái, nhất là thanh niên nam nữ đã chủ động sẵn sàng để té nước chú rể. Trẻ em trong gia đình sẽ cùng với anh chị trong gia đình, dòng họ tham gia hoạt động té nước vào chú rể. Khi chú rể và tốp nam cùng đi được nghỉ trong một chiếc giường góc nhà, các em nhỏ trong gia đình sẽ vào buồng nhận mặt chú rể và xin quà một cách tế nhị:
Dịch nghĩa là : | |
“ Anh rể ơi! Hỡi anh rể! | Pì lang ơi, pì lang |
Cho em xin vành móng ngựa | Dái noống tế trang má |
Cho em xin chiếc gương soi. | Dái noống tế chỉnh na |
Mặt em nhọ lắm rồi…” | Na noống meo laiw dả…” |
Có thể bạn quan tâm!
- Giáo Dục Kỹ Năng Lao Động Sản Xuất
- Giáo Dục Các Giá Trị Văn Hóa Tinh Thần
- Tri thức địa phương về giáo dục trẻ em của người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu, Xã Tung Chung Phố, Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - 9
- Biến Đổi Tri Thức Địa Phương Trong Giáo Dục Trẻ Em Của Người Nùng Dín Lào Cai Hiện Nay
- Tác Động Từ Các Chính Sách Của Nhà Nước
- Phạm Phi Anh (2005), Bảo Hộ Tri Thức Truyền Thống, Tạp Chí Hoạt Động Khoa Học
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Trẻ em ngoài được tham dự các thực hành văn hóa trong gia đình như đám tang, đám cưới còn được tham dự vào nhiều lễ tết trong gia đình cũng như lễ hội văn hóa của cộng đồng tộc người.
Người Nùng Dín Lào Cai có nhiều lễ tết cụ thể là: Tết Nguyên Đán; tết rằm tháng giêng; tết tháng 2; tết thanh minh; tết đoan ngọ; tết mùng 1 tháng 7 (khu vực Mường Khương); tết mùng 1 tháng 6 (ở Si Ma Cai, Bắc Hà); tết lúa mới; tết rằm tháng 7; tết 23 tháng chạp; tết tất niên (30 tháng chạp). Ngoài ra, nếu tính theo chu kỳ thời gian 1 năm, lễ hội văn hóa cổ truyền của người Nùng Dín có các lễ hội gồm Hội cúng rừng (hủi củng chứ) tổ chức vào ngày 30 tháng giêng; Hội thổ địa (hủi thu tỷ) tổ chức vào ngày mùng 2 tết nguyên đán hoặc ngày mùng 2 tết tháng 2; Hội xuống đồng (hủi loong toòng) tổ chức vào ngày thìn tháng giêng; Hội mừng chiến thắng và ăn tết mùng 1 tháng 6, tháng 7; Hội cúng làng cấm bản (hủi pắt ban) tổ chức vào ngày 27 hoặc 29 tháng chạp.
Các lễ hội cúng rừng, cấm bản tuy đề cao chế độ phụ quyền, phân biệt giới chỉ có nam giới tham gia, nữ không được tham gia nhưng trong sinh hoạt ăn uống trong lễ hội lại thể hiện tính bình đẳng của tộc người. Khi ăn uống trên rừng cấm, thổ địa làng, đầu bản thì mọi người già trẻ, lớn bé đều được ăn uống như nhau.
Đặc biệt, trong các lễ hội này, vai trò của trẻ em người Nùng Dín lại được tôn vinh. Vào các ngày lễ tết mồng 1 tháng 6 hay mồng 1 tháng 7 âm lịch, trẻ em được may quần áo, giầy dép mới, trẻ em nữ được thêu túi thổ cẩm. Sau khi cúng xong, người ta chặt còng gà to cho trẻ em vì đã tham gia lao động sản xuất (chăn trâu, cắt cỏ, hái rau lợn, lấy củi…) trong gia đình. Đặc biệt làm còng gà to cho trẻ em làm trò chơi “chọi còng gà”(đổi khaw chảy) cho các cháu chăn trâu. Trong tết rằm tháng 7, người Nùng Dín còn làm cả làm trứng gà luộc nhuộm đỏ dỗ trẻ em, mỗi người 2 quả, cầu mong trẻ em có cuộc sống đủ đầy, lớn lên có đôi lứa và gia đình hạnh phúc. Suốt hai ngày tết, trẻ em được ăn chơi không phải làm các công việc thường ngày mà được bố mẹ làm thay. Chính vì thế mà người ta thường coi các ngày lễ tết này là «tết thiếu nhi » của người Nùng Dín ở đây.
Trò chơi của trẻ em người Nùng Dín
Ở đây, khi nhắc tới trò chơi của trẻ em không phải để chỉ riêng trò chơi dân gian trong các lễ hội của người Nùng Dín mà còn bao gồm cả các trò chơi thường ngày của trẻ em người Nùng Dín.
Trẻ em người Nùng Dín từ khi sinh ra và lớn lên đã được cha mẹ, anh chị dạy chơi nhiều trò chơi dân gian như trò đánh quay (slàu tsảng); đánh yến (tái tủm); ném còn (vít côn); chọi còng gà (đổi khaw chảy); chơi bài gỗ (nháu pphái máy); chơi 2 tốt (hoóc leng hao); đánh đu (ẹtj ào); kéo co (piêngw chực); trò chơi hát đồng dao; té nước chú rể (tủ nắm khuiw). Các trò chơi này đa số được tổ chức trong các dịp lễ tết và lễ hội sau phần nghi lễ. Nhưng cũng có nhiều trò chơi được các em tự tổ chức chơi với nhau trong ngày thường như kéo có, đánh quay, chơi hát đồng dao, …
Trò chơi dân gian dành cho thiếu niên nhi đồng không chỉ là hoạt động vui chơi, giải trí dành cho các em vào dịp lễ tết, lễ hội mà còn có nhiều ý nghĩa trong việc phát triển toàn diện của trẻ bởi « trong tất cả các trò chơi, người ta đều nhận thấy khá dễ dàng đặc thù của chúng : mỗi trò chơi đều tăng cường, mài sắc một quyền năng thể chất hay trí tuệ của người thực hành nó để có thể (ở trẻ em là sự tập dượt, ở người lớn là sự hoàn thiện) làm việc tốt hơn » [16, tr. 248].
Những trò chơi thể lực như đu, kéo co, … giúp cơ thể cường tráng hơn, uyển chuyển hơn, phản ứng linh hoạt hơn và dẻo dai bền bỉ hơn. Những trò chơi khéo léo hơn khiến thị giác sắc nhọn hơn, xúc giác tinh tế hơn như các trò chơi ném còn, tung hứng, chuyền, đánh quay, nhảy dây…
Trò chơi hát đồng dao rèn luyện trí nhớ cho trẻ em, các trò giải câu đố cũng giúp rèn luyện trí tuệ cho trẻ. Người Nùng Dín cũng thường kể chuyện dân gian, đọc các câu đố về gia súc, gia cầm, đồ vật,… cho trẻ em như :
Tạm dịch là : “Hai cột sắt Bốn cột đồng Chiếc quạt phe Chiếc quạt phẩy Cái chổi quét (là con gì ?) |
Giải đố là con trâu : hai cột sắt là hai cái sừng, bốn cột đồng là bốn cái chân, chiếc quạt phe, phẩy là đôi tai và cái chổi quét là cái đuôi
Hay câu đố về đũa ăn cơm :
Tạm dịch là : Chiếc gậy đen và đỏ Đuổi trâu cả vào chuồng… |
Ngoài việc rèn luyện thể lực, trí tuệ cho trẻ em, các trò chơi dân gian còn rèn luyện cho trẻ em việc hòa nhập vào cộng đồng (ở đây hiểu là một nhóm nhỏ, gồm nhiều người cùng lứa tuổi cùng tham gia trò chơi), xử sự theo những quy tắc của cộng đồng đó (những quy tắc của trò chơi) và những mâu thuẫn có thể nảy sinh khi chơi trò chơi.
Tiểu kết chương 2:
Người Nùng Dín trân trọng trẻ em, coi trẻ em là sự tiếp nối về huyết thống cũng như về văn hóa của nhóm người nói chung và của gia đình nói riêng. Chính vì vậy, việc giáo dục trẻ em là một vấn đề quan trọng trong mọi gia đình người Nùng Dín ở đây.
Cũng như những tộc người khác có nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chính, mục đích của giáo dục trẻ em trong gia đình người Nùng Dín là giáo dục thế hệ lao động tiếp theo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của gia đình. Từ khi còn nhỏ, trẻ em đã bắt đầu tiếp xúc với công việc lao động trong gia đình cũng như được cha mẹ, ông bà trao truyền những kinh nghiệm lâu đời của nhóm Nùng Dín trong canh tác nương rẫy và canh tác lúa nương.
Mặt khác, gia đình Nùng Dín còn thực hiện việc giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, cộng đồng,… được tộc người thừa nhận và lưu giữ đến ngày nay. Giáo dục trẻ em là việc định hướng sự phát triển về tinh thần, tâm lý theo một “khuôn mẫu tộc người” bao gồm những chuẩn mực đạo đức, dấu ấn văn hóa, tâm lý và tính cách tộc người.
Cha mẹ, ông bà là những người có vai trò chính trong việc giáo dục trẻ em trở thành những con người như thế. Người Nùng Dín đã có ý thức trong việc giáo dục trẻ em trong gia đình theo lứa tuổi (ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ em được học tập các công việc lao động cũng như từ tiếp xúc đến tham gia vào các thực hành văn hóa của gia đình và cộng đồng); theo giới tính (sự phân biệt này không phải mang tính bất bình đẳng giới mà là sự phân biệt công việc lao động phù hợp với khả năng sức khỏe, sinh lý của nam và nữ); giáo dục bằng cách “quen tay hay làm” và quan sát (phương thức này hiện nay cũng được ứng dụng trong các phương pháp giáo dục khoa học của trường học, từ đó khẳng định tính khoa học và hiệu quả của phương thức giáo dục trẻ em của người Nùng Dín).
Tuy tri thức về giáo dục trẻ em chưa được người Nùng Dín hệ thống một cách khoa học và có ý thức chủ quan nhưng đó là hệ thống những kinh nghiệm, tri thức được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Nùng Dín, được kiểm nghiệm và hoàn thiện bởi thực tiễn kinh tế - xã hội, nó khẳng định được những ưu điểm cũng như vai trò của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ và tiếp nối những giá trị văn hóa của tộc người.