NHBL bao gồm các yếu tố về sở thích và thị hiếu của khách hàng cũng như các yếu tố liên quan tới chi phí công nghệ. Phân tích này cho thấy rằng việc thay đổi hành vi và thái độ của người tiêu dùng có ảnh hưởng lớn hơn đến việc lựa chọn chiến lược phân phối của ngân hàng so với việc thay đổi cấu trúc chi phí của ngân hàng bằng công nghệ mới. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 40% tổng số các giao dịch của ngân hàng là các dịch vụ NHBL của khách hàng cá nhân.
Nhìn chung, nghiên cứu đã chỉ ra được những điểm mấu chốt trong việc phát triển dịch vụ NHBL và tác động của công nghệ nói chung đến chiến lược NHBL của các ngân hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng khẳng định vai trò của các dịch vụ ngân hàng hướng tới khách hàng cá nhân. Song, nghiên cứu chưa đưa ra được những giải pháp toàn diện nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung. [38]
- Ilias Santouridis, Maria Kyritsi (2014)- Investigating the Determinants of Internet Banking Adoption in Greece
Nghiên cứu tập trung vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ứng dụng Internet cùng những thay đổi căn bản việc ứng dụng Internet tạo ra trong cách thức hoạt động kinh doanh của các NHTM. Nghiên cứu chỉ ra rằng ứng dụng công nghệ Internet đối với các sản phẩm dịch vụ tài chính có thể sẽ gặp phải sự e ngại của một bộ phận khách hàng trong việc chấp nhận nó như một phương tiện để thực hiện các giao dịch ngân hàng. Nghiên cứu này đã gợi mở cho nhiều công trình của các nhà nghiên cứu và chuyên gia ở nhiều quốc gia sau đó để nghiên cứu việc sử dụng ngân hàng trực tuyến và các yếu tố dẫn đến việc áp dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Nghiên cứu tập trung cụ thể vào việc phân tích hành vi và niềm tin liên quan đến ngân hàng trực tuyến của các khách hàng ở Hy Lạp, để góp phần giải thích về tỷ lệ thâm nhập Internet vào các sản phẩm tài chính tương đối thấp ở quốc gia này.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu cụ thể với một DVNH là dịch vụ Internet Banking. Vào thời điểm thực hiện nghiên cứu, Internet Banking còn chưa được sử dụng rộng rãi mặc dù nó giúp cho người sử dụng tiết kiệm thời gian giao dịch với Ngân hàng, thuận tiện để giao
dịch tại bất cứ nơi nào trên thế giới với chi phí thấp hơn và độ an toàn cao hơn. Nghiên cứu được thực hiện tại Hy Lạp với mục đích đo lường nhận thức của khách hàng về tính tiện ích, mức độ an toàn, sự yên tâm và hài lòng của khách hàng trong quá trình trải nghiệm dịch vụ.
Nghiên cứu được tiến hành bằng cách sử dụng một bảng hỏi và phỏng vấn khách hàng đã cho ra kết quả Cronbach's alphadao động từ 0,88 và 0,93. [29]
- Chien-Chiang Lee, Shih-Jui Yang, Chi-Hung Chang (2014) - Non- interest income, profitability, and risk in banking industry. A cross-country analysis
Nghiên cứu đã được nhóm tác giả lựa chọn thực hiện trên một mẫu tương đối lớn gồm 967 ngân hàng thương mại cổ phần của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á nhằm chỉ ra mối quan hệ giữa thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng, cũng như mối quan hệ giữa hoạt động phi tín dụng và rủi ro của các Ngân hàng thương mại. Từ đó, nhóm tác giả đã đi đến kết luận: hoạt động phi tín dụng tuy không làm gia tăng lợi nhuận nhưng lại giúp giảm thiểu rủi ro của ngân hàng thương mại. Thu nhập ngoài lãi chịu tác động của hoạt động chuyên sâu Ngân hàng và mức thu nhập của một quốc gia. Tại các nước có thu nhập cao, nguy cơ rủi ro đối với hoạt động ngoài lãi cũng tăng đáng kể so với các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. [28]
Để đa dạng hoá nguồn doanh thu, các Ngân hàng phải gia tăng các dịch vụ cung ứng, điều đó khiến cho khả năng quản lý cũng chịu tác động lớn, nếu sự phát triển không đồng đều sẽ tạo ra sự bất cân đối lớn dẫn đến hệ quả rủi ro cao.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - 1
- Phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - 2
- Các Nghiên Cứu Về Phát Triển Dịch Vụ Ngân Hàng Nói Chung
- Dịch Vụ, Dịch Vụ Phi Tín Dụng Và Các Loại Dịch Vụ Phi Tín Dụng Tại Ngân Hàng Thương Mại
- Dịch Vụ Phi Tín Dụng Trong Ngân Hàng Thương Mại
- Quan Niệm Về Phát Triển Dịch Vụ Phi Tín Dụng Của Nhtm
Xem toàn bộ 240 trang tài liệu này.
Các nghiên cứu nước ngoài đã chỉ ra mối quan hệ giữa thu nhập ngoài lãi và lợi nhuận, rủi ro của các Ngân hàng. Có thể thấy các nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm về việc đa dạng hoá hoạt động kinh doanh Ngân hàng, mà cụ thể là gia tăng các dịch vụ phi tín dụng Ngân hàng. Dịch vụ phi tín dụng tuy không làm gia tăng đáng kể lợi nhuận nhưng giúp cho các NHTMCP giảm thiểu được rủi ro. Chính vì vậy, việc đầu tư vào khai thác khu vực thị trường dịch vụ phi tín dụng Ngân hàng là điều hết sức cần thiết đối với mỗi Ngân hàng. Quan
điểm này đã được khẳng định thông qua việc nghiên cứu một số mô hình nhằm xác định tác động của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của Ngân hàng. Một số nghiên cứu tập trung phân tích tác động của công nghệ đến phát triển dịch vụ ngân hàng, và nghiên cứu một dịch vụ ngân hàng cụ thể là dịch vụ
ngân hàng điện tử, với các kênh như: Mobile Banking, Internet Banking.
Hạn chế của các nghiên cứu trên nằm ở chỗ mới chỉ ra được mối quan hệ giữa thu nhập ngoài lãi với hiệu quả hoạt động của Ngân hàng, hoặc mới đi sâu nghiên cứu một dịch vụ cụ thể. Các nghiên cứu chưa đưa ra một khái quát chung nhất về các nhóm dịch vụ phi tín dụng hiên nay cũng như đi vào nghiên cứu đặc điểm của chúng nhằm đưa ra các giải pháp phát triển các dịch vụ đó một cách bền vững.
1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu của các công trình đã công bố, khoảng trống nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
1.2.1. Đánh giá tình hình nghiên cứu của các công trình đã công bố
- Thứ nhất, các kết quả nghiên cứu ở nước ngoài đã chỉ ra được cơ sở lý luận, thực trạng dịch vụ phi tín dụng và mối quan hệ giữa thu nhập ngoài lãi và lợi nhuận, rủi ro của các Ngân hàng. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới việc phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các NHTMCP và mức độ quan trọng của các nhân tố. Mặt khác, các kết quả phân tích hầu hết sử dụng phương pháp thống kê mô tả, dữ liệu điều tra, khảo sát dựa trên bảng hỏi tới các đối tượng.
- Thứ hai, đối với các nghiên cứu tại Việt Nam, đa số các công trình nghiên cứu đi sâu nghiên cứu về các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng và mối tương quan giữa các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng với hiệu quả hoạt động, doanh thu, chi phí và lợi nhuận của NHTM. Một số nghiên cứu tập trung nghiên cứu sự phát triển của các nhân tố ảnh hưởng tới DVPTD, qua đó góp phần đưa ra phương hướng nhằm phát triển dịch vụ phi tín dụng tại ngân hàng thương mại. Các công trình tập trung nghiên cứu vào dịch vụ bán lẻ hoặc dịch vụ phi tín dụng tại một ngân hàng thương mại nhà nước cụ thể,
hoặc một nhóm cụ thể như nhóm các NHTM Nhà nước. Do vậy, các giải pháp và gợi ý chính sách của nhóm các công trình này cũng tập trung vào việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ hoặc dịch vụ phi tín dụng trong hoạt động kinh doanh của một hoặc một nhóm NHTM Nhà nước.
Trên cơ sở tham khảo và phân tích nội dung các luận án, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài, tác giả tiếp tục kế thừa một số nội dung nghiên cứu sau:
- Chỉ ra các nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới việc phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các NHTMCP và mức độ quan trọng của các nhân tố.
- Nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng ngân hàng và mối tương quan giữa các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng với hiệu quả hoạt động, doanh thu, chi phí và lợi nhuận của NHTM.
- Sử dụng phương pháp thống kê mô tả, dữ liệu điều tra, khảo sát dựa trên bảng hỏi tới các đối tượng để thu thập thông tin và đưa ra kết quả phân tích.
1.2.2 Khoảng trống nghiên cứu
1.2.2.1 Về mặt lý luận
Hầu hết các nghiên cứu trên thế giới đều đưa ra rất nhiều những khái niệm khác nhau, theo nhiều quan điểm chuẩn mực khác nhau về dịch vụ phi tín dụng Ngân hàng. Vì vậy, độc giả thường nhầm lẫn trong việc xác định chính xác dịch vụ nào là dịch vụ tín dụng, dịch vụ nào là dịch vụ phi tín dụng Ngân hàng. Đối với những nghiên cứu ở Việt Nam, hầu hết cũng chưa khái quát được một khái niệm thuần Việt, theo qui định của pháp luật và tiêu chuẩn của các Ngân hàng thương mại Việt Nam về dịch vụ phi tín dụng Ngân hàng. Điều đó gây hạn chế cho việc đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường mức độ phát triển của dịch vụ phi tín dụng tại các NHTMCP.
Một số nghiên cứu đã đưa ra hệ thống tiêu chí định lượng và định tính đánh giá sự phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng thương mại nhưng chưa
trình bày rò cách sử dụng các tiêu chí đó trong việc đánh giá sự phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng thương mại.
1.2.2.2. Về mặt thực tiễn
- Hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung vào một hoặc một nhóm Ngân hàng như nhóm các NHTM Nhà nước mà chưa nghiên cứu về phát triển dịch vụ phi tín dụng tại một Ngân hàng thương mại cổ phần cụ thể. Những công trình nghiên cứu thuộc nhóm này chưa đưa ra được các giải pháp mang tính đặc trưng riêng để phát triển DVPTD phù hợp với đặc điểm của một ngân hàng TMCP mang tính tư nhân. NHTM nhà nước có những đặc điểm khác so với NHTM cổ phần, đồng thời có lợi thế nhất định so với NHTM cổ phần. Việc nghiên cứu phát triển dịch vụ phi tín dụng tại một NHTM cổ phần cụ thể góp phần hoàn thiện, bổ sung khoảng trống các nghiên cứu trước đó về dịch vụ phi tín dụng tại ngân hàng thương mại. Đồng thời, công trình nghiên cứu có thể là sự tham khảo để các ngân hàng thương mại nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế tại Ngân hàng mình.
- Ngoài ra, các công trình nghiên cứu trong nước trước đây về dịch vụ phi tín dụng được tiến hành khi Việt Nam chưa chính thức bước chân vào làn sóng công nghiệp 4.0 – xu thế công nghệ tất yếu của thế giới. Vì vậy, các công trình nghiên cứu trên chưa đề cập đến sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đến đến sự phát triển DVPTD của một ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thích hợp, mang tính thực tiễn, khả thi để phát triển DVPTD của ngân hàng đó. Đó là khoảng trống để tác giả tập trung đánh giá phân tích tình hình phát triển dịch vụ phi tín dụng tại ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2015-2019, từ đó phân tích xu hướng và các giải pháp phát triển dịch vụ phi tín dụng tại ngân hàng thương mại trong giai đoạn mới.
Vì vậy, đề tài “Phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn” được phát triển nhằm bổ sung phần nghiên cứu về cơ sở lí luận và từ cơ sở lí luận trên vận dụng trong điều kiện thực tiễn thực hiện tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn từ năm 2015 – 2019, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn cho giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
1.2.3 Phương pháp nghiên cứu
1.2.3.1 Phương pháp luận
Tác giả sử dụng phương pháp luận lý thuyết cơ sở ở cấp độ chung nhất. Tác giả khái quát những quan điểm, những lý luận chung nhất liên quan đến dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng thương mại. Tác giả xác định các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn, các hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong phát triển DVPTD tại SCB. Từ đó, tác giả chọn ra phương pháp đem lại hiệu quả tốt nhất.
1.2.3.2 Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều tra và thu thập dữ liệu
Để thu thập thông tin phục vụ cho nghiên cứu đề tài, tác giả sử dụng cả dữ liệu thứ cấp và sơ cấp.
- Phương pháp điều tra, thu thập thông tin sơ cấp
+ Phương pháp khảo sát
Phiếu khảo sát số 01 nhằm khảo sát nhân viên ngân hàng về mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ phi tín dụng và mức độ đầu tư cho dịch vụ phi tín dụng hiện nay của SCB
Phiếu khảo sát số 2 nhằm khảo sát khách hàng về mức độ hài lòng và nhu cầu sử dụng dịch vụ phi tín dụng tại SCB để làm rò các nội dung cần quan tâm phục vụ công tác nghiên cứu.
+ Phương pháp chọn mẫu
Tác giả lựa chọn mẫu nhằm phù hợp với điều kiện hạn chế về nguồn lực( thời gian, tài chính, mối quan hệ…), căn cứ và phân cấp quản lý, chức năng nhiệm vụ của từng phòng ban chức năng, các Chi nhánh và công ty trực thuộc trong hệ thống SCB. Do đó, tác giả dùng phương pháp chọn mẫu phi xác suất, theo phương pháp này tác giả lựa chọn mẫu ở các Chi nhánh và các công ty trực thuộc.
Tác giả tiến hành khảo sát thu thập ý kiến đánh giá của 300 cán bộ nhân viên tại các phòng ban nghiệp vụ của SCB trên địa bàn cả nước, và 300 khách hàng ngẫu nhiên của SCB. Các đội tượng NCS khảo sát chủ yếu tại các thành
phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ...nơi nhu cầu về DVPTD là nhiều và đa dạng.
+ Cách thiết kế phiếu khảo sát
Để tiến hành khảo sát nhân viên NH, NCS tiến hành xây dựng thang đo, sử dụng thang đo Likert với mức điểm đánh giá từ 1 đến 5, ứng với các mức độ như sau: 1: hoàn toàn không đồng ý; 2: không đồng ý; 3: bình thường; 4: đồng ý; 5: hoàn toàn đồng ý.
Từ đây, NCS sẽ đánh giá được mức độ đồng ý của nhân viên về các câu hỏi mà NCS đã đưa ra khảo sát.
Để tiến hành khảo sát khách hàng SCB, NCS thiết kế dưới dạng các câu hỏi để khách hàng lựa chọn hoặc điền đáp án bằng cách đánh số thứ tự lần lượt từ 1 đến cao nhất, tương ứng mức độ quan trọng/quan tâm/hài lòng từ cao nhất đến thấp nhất.
+ Thời gian khảo sát:
Đối với phiếu khảo sát số 1 (Phụ lục 1) được gửi đến cán bộ nhân viên của SCB được tiến hành trong thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 06/2020, số phiếu khảo sát in ra là 300 phiếu vì lý do đảm bảo quy luật số lớn thông thường trong nghiên cứu kinh tế và xã hội, số mẫu >100 là đảm bảo (Nguyễn Đình Thọ (2012); Nguyễn Văn Thắng (2017)),
Đối với phiếu khảo sát số 2 (Phụ lục 3) được thực hiện sau so với phiếu khảo sát số 1, thời gian khảo sát tiến hành trong thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 10/2020, số phiếu khảo sát in ra là 300 phiếu.
- Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp
Việc xác định các tiêu thức dùng để nghiên cứu về sự phát triển DVPTD tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dựa trên cơ sở tham khảo các tài liệu, sách, tạp chí, bài báo, trang web, số liệu cơ quan thống kê, các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, các báo cáo tài chính của SCB, số liệu từ Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia…
Phương pháp tổng hợp và xử lý thông tin
- Phương pháp tổng hợp và xử lý thông tin thứ cấp
Trong quá trình nghiên cứu, các thông tin báo cáo về tình hình hoạt động DVPTD của SCB được tác giả thu thập dưới dạng các báo cáo tổng hợp được NH công bố. Trong đó có các nội dung về thu nhập, chi phí, lợi nhuận…của từng loại hình DVPTD. Các số liệu trên được tác giả chọn lọc, xử lý và đưa vào nghiên cứu này dưới dạng các bảng biểu, biểu đồ. Nội dung phân tích các số liệu này bao gồm phân tích so sánh giá trị giữa các giai đoạn, ở đây là theo từng năm. Ngoài ra còn có sự thống kê về số lượng giao dịch, mạng lưới các chi nhánh…phục vụ cho các DVPTD tại SCB.
- Phương pháp tổng hợp và xử lý thông tin sơ cấp
Từ kết quả điều tra khảo sát, sử dụng kết hợp phương pháp thống kê mô tả với các phương pháp phân tích, tổng hợp để thống kê điểm được đánh giá của từng nội dung trong phiếu khảo sát. Kết quả phân tích sẽ giúp cho tác giả có cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp phát triển dịch vụ phi tín dụng tại SCB.
Phương pháp phân loại và hệ thống hóa
Được sử dụng xuyên suốt toàn bộ luận án nhằm trình bày các vấn đề, các nội dung trong luận án theo một trình tự, một bố cục hợp lý, chặt chẽ, có sự gắn kết, kế thừa, phát triển các vấn đề, các nội dụng để đạt được mục đích, yêu cầu đã được xác định cho luận án.
Phương pháp suy luận logic
Từ những vấn đề cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn đặc biệt những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân trong phát triển dịch vụ phi tín dụng, nghiên cứu sinh suy luận logic để đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển dịch vụ phi tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn.