Xây Dựng Nội Quy, Quy Tắc Ứng Xử Trong Nhà Trường Gắn Với Những Giá Trị Văn Hoá Truyền Thống Dân Tộc, Phù Hợp Với Bối Cảnh Hội Nhập

Tổ chức trình diễn, thuyết trình, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS của địa phương. Có thể tổ chức các hoạt động như Ngày hội văn hóa các dân tộc, tết dân tộc, trong đó có trình diễn thời trang, biểu diễn múa hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc, làm món ăn dân tộc, tổ chức trò chơi dân gian...

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các nhà trường cần tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận về thực trạng lối sống văn hóa hiện nay của học sinh như: tọa đàm về “văn hóa ăn mặc”, “văn hóa facebook”, “văn hóa ăn uống”, “văn hóa chào hỏi”. Qua hình thức này học sinh có cơ hội được nói lên những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng thậm chí là có những cách làm, hướng dẫn cho các bạn khác thực hiện các chuẩn mực về lối sống văn hóa. Từ nhận thức được qua những buổi tọa đàm, nói chuyện các em có thể soi thấy mình trong những hành động xấu, thiếu văn hóa để tự điều chỉnh các hành vi cá nhân.

- Đối với hỗ trợ tài chính để thực hiện các hoạt động trải nghiệm: Các trường cần tạo được nguồn kinh phí chi cho hoạt động giáo dục văn hóa lối sống, trong đó có hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Hỗ trợ về kinh phí mời nghệ nhân, tham quan, tổ chức các cuộc thi, các hoạt động khác...

3.2.2.4. Điều kiện thực hiện

Ban giám hiệu các trường phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết để chỉ đạo tổ bộ môn, giáo viên tổ chức thực hiện, có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng tham gia tổ chức hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên:

Nhà trường cần đầu tư, dành kinh phí tương xứng cho các hoạt động lớn, trọng điểm. Cần chú trọng xây dựng các kênh thông tin riêng để nâng cao hiệu quả giáo dục.

3.2.3. Xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử trong nhà trường gắn với những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, phù hợp với bối cảnh hội nhập

3.2.3.1. Mục tiêu của biện pháp

- Điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong nhà trường theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng

văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của đơn vị; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi thiếu tính giáo dục trong các nhà trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.

- Xây dựng văn hóa học đường: đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phù hợp với văn hóa địa phương.

3.2.3.2. Nội dung biện pháp

Tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở tỉnh Bắc Kạn trong bối cảnh hội nhập - 14

- Đối với cấp độ cá nhân:

Cần xây dựng nhân cách văn hóa con người trong mỗi nhà trường theo hướng phát triển cân đối, hài hòa giữa tâm lực, trí lực và thể lực. Trong đó, lấy tâm lực làm nền tảng cho phát triển nhân cách. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy người “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” Do vậy, cần phải chú trọng đến giáo dục chữ “tâm” - lấy nó là cốt cách để làm người. Văn hóa người đồng bào dân tộc chúng ta có lối sống trọng tình, trọng nghĩa, tôn sư trọng đạo, biết chia sẻ, đoàn kết, gắn bó cộng đồng, sống gần gũi với thiên nhiên, yêu thiên nhiên, Như vậy, xây dựng những quy định trong trường học cũng phải phát huy lợi thế về truyền thống văn hóa của dân tộc, từ đó triển khai thực hiện và giáo dục cho mọi thành viên trong nhà trường mà trước hết phải chính là các Thày cô giáo. Hơn ai hết, người Thày sẽ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp nhân cách học trò. Tình yêu thương, sự tận tâm dạy bảo, sự gương mẫu thực hiện của người Thày sẽ là những bài học về đạo đức thiết thực nhất, là tấm gương sáng của các thế hệ học trò.

- Đối với cấp độ nhà trường:

Các Nhà trường cần xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa dựa trên triết lý riêng của trường mình để khẳng định được phong cách, xác định hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức của Nhà trường. Theo đó, thống nhất và hướng dẫn hành vi ứng xử của mọi thành viên trong Nhà trường theo các giá trị và chuẩn mực đã xác định. (VD: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái...)

Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường trong việc học tập, nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích phù hợp trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa nhà trường.

Tiếp tục chỉ đạo và phát động phong trào thi đua xây dựng trường học “xanh, sạch đẹp, an toàn thân thiện”. Thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”; thực hiện tốt “việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ thị 05-CT/BCT. Mỗi Nhà trường có những đặc thù riêng, triết lý riêng trong hoạt động của mình. Việc xây dựng nội quy, quy định phải được cụ thể hóa trên cơ sở đặc thù đó.

Việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, nội quy, quy định trong nhà trường cần chú trọng đến xây dựng uy tín, vị thế, thương hiệu của trường bằng chất lượng giáo dục, nếp sống văn hóa học đường, nét đẹp truyền thống qua logo, biểu tượng, đồng phục, nghi thức, ngày truyền thống... Xây dựng văn hóa nhà trường là xây dựng hệ giá trị giáo dục trong mỗi con người. Đó là các nội dung văn hóa cụ thể được định danh rõ ràng, kết quả có thể kiểm tra đánh giá được. Thực chất của việc làm này là chuyển hóa vốn học vấn thành vốn văn hóa tức là đi từ kiến thức, kỹ năng thành thái độ, giá trị nhân cách. Đối với học sinh con đường để hình thành, phát triển nhân cách văn hóa là thông qua dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng sống, giá trị sống ...

Văn hóa nhà trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương nơi trường đóng.

Văn hóa nhà trường phải thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục cũng như đối với người khác, đối với môi trường xung quanh.

Văn hóa nhà trường phải định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp

của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục; phải dễ hiểu, dễ thực hiện; phù hợp với lứa tuổi HS THCS và đặc trưng văn hóa của vùng miền. Việc xây nội dung Bộ Quy tắc ứng xử, nội quy quy định phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong nhà trường.

Như vậy, việc xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử trongnhà trường là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó đòi hỏi sự chủ động, quyết tâm của đội ngũ thày cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường, từ đó góp phần chung tay bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.

3.2.3.3. Cách tiến hành

BGH nhà trường phải xây dựng được các nội quy, quy tắc ứng xử của đơn vị, xây dựng tiêu chí thực hiện cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm văn hóa đơn vị, xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng về việc thực hiện quy định về chuẩn mực văn hóa nhà trường ngay từ đầu năm học.

Tổ chức hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như: phổ biến các nội quy, quy định của đơn vị tới cán bộ, giáo viên, học sinh thông qua hình thức chào cờ đầu tuần, qua sinh hoạt Đoàn, Đội, qua triển khai quán triệt tới các lớp;

Lựa chọn những giá trị đạo đức và có vai trò điều chỉnh hành vi để xây dựng cho đơn vị. Khi được giáo dục trong một môi trường văn hóa và thấm nhuần hệ giá trị văn hóa, học sinh không những hình thành được những hành vi chuẩn mực mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức các em là niềm tin nội tâm sâu sắc vào những điều tốt đẹp, từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện và sống có lý tưởng. Đồng thời, các nội quy, quy định của Nhà trường còn giúp các em về khả năng thích nghi với xã hội, sống có đạo đức, có tính khiêm tốn, lễ độ, thương yêu con người, có trách nhiệm với bản thân và xã hội... Do vậy, khi gặp những tình huống xã hội phát sinh, dù là những tình huống mà các em chưa từng trải nhưng các em có thể tự điều chỉnh mình phù hợp với hoàn cảnh, ứng xử hợp lẽ, hợp với lòng người và phong tục tập quán, văn hóa địa phương.

Quy tắc ứng xử cần được trình bày dễ hiểu, ngắn gọn, hình thức trưng bày bắt mắt, thu hút, gây ấn tượng người nhìn.

3.2.3.4. Điều kiện thực hiện

Nhà trường phải xây dựng được nội quy, quy định về chuẩn mực văn hóa nhà trường, gắn với chuẩn mực trong quy định của đạo đức nhà giáo, kết hợp được với việc thực hiện chuẩn mực văn hóa cho học sinh.

Xây dựng được quy chế hoạt động và quy chế phối hợp của từng bộ phận, từng tổ chức, cá nhân trong và ngoài đơn vị trong việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh.

Xây dựng được tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng về mặt giáo dục lối sống văn hóa cho học sinh.

3.2.4. Đầu tư thiết kế, xây dựng cảnh quan nhà trường để truyền bá thông điệp giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc và của địa phương

3.2.4.1. Mục tiêu của biện pháp

- Xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, mang đạm tính bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền, tạo thương hiệu riêng của các nhà trường, phù hợp với đặc điểm văn hóa địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội.

- Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động bảo tồn, phát huy những đặc sắc riêng có ở mỗi dân tộc của các em một cách phù hợp và hiệu quả.

- Qua việc đầu tư xây dựng cảnh quan nhà trường nhằm tiếp tục kêu gọi sự quan tâm của các cấp ban, ngành, chính quyền địa phương, sự phối hợp hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường để tăng cường bổ sung cơ sở vật chất nhằm tạo ra môi trường giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc. Nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ý thức, trách nhiệm trong việc truyền bá, bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc và của địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa.

3.2.4.2. Nội dung biện pháp

Thiết kế, xây dựng cảnh quan phù hợp với đặc thù trường nội trú, đặc trưng của trường dân tộc.

Nói đến đầu tư thiết kế, xây dựng cảnh quan nhà trường là nói đến tổng quan toàn cảnh nhà trường từ cổng, hàng rào, biển tên trường, logo, nhà làm việc, nhà vệ sinh, nhà ăn, ký túc xá... đều toát lên nét văn hóa đặc trưng của trường học. Trong tình hình hiện nay nhiều trường PTDTNT còn khó khăn về cơ sở vật chất, diện tích, khuôn viên chưa đảm bảo, đó cũng là những hạn chế nhất định cho đầu tư, thiết kế, xây dựng cảnh quan trường học được xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, đậm bản sắc dân tộc. Nhưng không phải vì vậy mà cứ đợi đến khi nhà trường có cơ sở vật chất đầy đủ rồi mới đầu tư xây dựng văn hóa môi trường. Giáo dục văn hóa dân tộc đặt trong văn hóa môi trường phi văn hóa sẽ là phản cảm, thiếu khoa học, sẽ không làm được chức năng chuyển tải những giá trị kiến thức và nhân văn cho thế hệ trẻ.

3.2.4.3. Cách tiến hành

Trồng cây xanh, hoa, cây cảnh có quy hoạch, tạo cảnh quan xanh, đẹp hài hòa.

Xây dựng nhà sàn để làm nhà truyền thống để sinh hoạt và trưng bày, trong khu trưng bày trú trọng các vật dụng, đồ vật mang đậm bản sắc văn hóa như khèn Mông, đàn Tính, trang phục các dân tộc, đồ dùng để lao động, sinh hoạt…

Quy hoạch khu vực cho học sinh sáng tạo với những nét sinh hoạt, lao động mang đậm đặc trưng dân tộc, vừa tạo cảnh quan đẹp vừa có tác dụng lưu giữ, giáo dục những nét văn hóa độc đáo…như cho học sinh sáng tạo với coọn nước, cối giã gạo bằng nước, se sợi, nhuộm vải, dệt vải…

Tổ chức các cuộc thi thiết kế, trang trí, khuôn viên, khẩu hiệu, vẽ tranh với chủ đề về bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc, lựa chọn và trưng bày ở những vị trí trang trọng dễ nhìn.

Tổ chức phong trào tự quản của học sinh, xây dựng nếp sống văn hoá trong ký túc xá. Thành lập các tổ xung kích an ninh giữ gìn trật tự, thi đua “xây dựng ký túc xá tự quản”, “phòng học sạch đẹp”, “phòng ở kiểu mẫu”, “nói lời hay làm việc tốt”;

BGH thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, uốn nắn việc trang trí, sắp xếp, khuôn viên, trường, lớp học. Thường xuyên bồi dưỡng và giao quyền cho các đoàn thể trong nhà trường và GV chủ nhiệm để họ chủ động trong các hoạt động của lớp trong việc xây dưng cảnh quan trường lớp.

3.2.4.4. Điều kiện thực hiện.

Phải đảm bảo tính tự giác, không gây áp lực quá tải trong công việc của nhà trường, phù hợp với văn hóa dân tộc tại địa phương, với điều kiện của nhà trương. Nội dung, hình thức xây dựng là do các trường tự chọn, phù hợp với điều kiện của nhà trường, làm cho chất lượng giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc được nâng lên và có dấu ấn của địa phương một cách cụ thể.

Tăng cường sự tham gia một cách hứng thú của giáo viên, học sinh và tại cộng đồng, với thái độ tự giác, chủ động và ý thức sáng tạo.

Phát huy sự chủ động, sáng tạo của BGH, thầy, cô giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong điều kiện hội nhập quốc tế.

3.2.5. Chỉ đạo giáo viên giáo dục học sinh cách tiếp nhận và xử lý thông tin mạng xã hội trong bối cảnh hội nhập

3.2.5.1. Mục tiêu

Hiện nay học sinh có thể tiếp nhận thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, do đó nguồn thông tin không có cơ quan, tổ chức nào có thể kiểm soát được hết. Vì vậy học sinh có thể tiếp nhận cả những thông tin tốt và xấu. Thường tâm lý của người dân và học sinh nói riêng rất tin vào những thông tin đã được đăng công khai trên báo, trên mạng, do đó những thông tin trên đó có tác động vô cùng lớn đến xã hội. Vì vậy nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng điều

đó để lôi kéo, kích động, chống phá, bôi nhọ Nhà nước, Đảng, làm băng hoại thuần phong mỹ tục… Hơn nữa với sự phát triển của mạng xã hội, học sinh dễ dàng tung những hình ảnh, video, phát ngôn không lành mạnh lên mạng xã hội một cách dễ dàng. Thậm chí một số em dùng mạng để chửi bới, khiêu khích nhau, nói xấu, bôi nhọ thầy cô khi các em không thấy hài lòng, hay các em tự tạo những video với những cảnh bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục, những tít giật gân để câu like, câu view…Hay những video của Khá Bảnh được phát tán nhanh chóng thu hút hàng ngàn, hàng vạn người xem, thậm chí các bạn trẻ còn thần tượng Khá Bảnh một cách cuống nhiệt mặc dù những video Khá Bảnh đưa lên mạng xã hội đầy phản cảm như đốt máy, dùng sung, gươm đánh người… Hoặc một số bạn trẻ tạo ra những video trái với thuần phong mỹ tục để câu view bằng cách troll mẹ của chính mình như cho mẹ gội đầu bằng nước mắm, dội cả thau trứng sống lên người mẹ…

Do đó nhà trường phải nhiệm vụ giúp cho học sinh biết phân biệt được những thông tin tin cậy và không đáng tin cậy. Biết ứng xử với những thông tin trên mạng xã hội hoặc các thông tin từ nguồn khác cho phù hợp, giúp học sinh có văn hóa chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.

3.2.5.2. Nội dung

Giáo dục cách tiếp nhận thông tin cho học sinh.

Giáo dục cách chia sẻ thông tin lên mạng xã hội cho học sinh.

Cung cấp cho học sinh kỹ năng ứng xử với những thông tin trên mạng xã hội và những thông tin từ nguồn khác.

3.2.5.3. Cách thực hiện

Tổ chức hoạt động ngoại khóa chủ đề về ứng xử trên mạng xã hội để cho học sinh có cơ hội thảo luận cách tiếp nhận và xử lý thông tin, cách đang bài, ảnh, cách like, comment làm sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa…

Xem tất cả 149 trang.

Ngày đăng: 09/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí