Qua bảng 2.18, tác giả thấy được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài tới việc tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh. Tất cả các yếu tố bên ngoài đều có ảnh hưởng lớn tới truyền thống văn hóa nhà trường nói chung và công tác tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh nói riêng như: Thông tin qua mạng intenet (mạng xã hội - facebook, zalo...) có tới 73,8% cho là rất ảnh hưởng; Qua Sách, báo, tranh ảnh và các sản phẩm văn hóa ngoài thị trường (băng đĩa, video clip..) 63,8%; Qua tiếp xúc với bạn bè 58,6%; Qua gia đình 80%; Qua tham gia các hoạt động xã hội 52,9%; Qua tham gia các hoạt động trải nghiệm về nguồn, thăm làng nghề 77,1%; Qua các yếu tố về môi trường kinh tế - xã hội ở địa phương 61,0%; Các khuôn mẫu xã hội 64,8%.
Qua phân tích trên cho ta thấy đa số học sinh cho là các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng rất nhỉều đến công tác tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh. Số ít cho là ít ảnh hưởng.
Vậy trong bối cảnh hiện nay các yếu tố bên ngoài có tác động mạnh mẽ đến giáo dục TTVHDT trong các nhà trường. Đó là những tác động do nề kinh tế thị trường cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
2.6. Đánh giá chung về thực trạng tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho HS các trường PTDTNT THCS - Tỉnh Bắc Kạn
2.6.1. Điểm mạnh
Trong những năm học vừa qua các trường PTDTNT THCS tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng đến việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh trong trường. Rất nhiều hình thức và các biện pháp đã được nhà trường áp dụng trong công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức nhằm giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh. từ đó chất lượng giáo dục của các nhà trường ngày một nâng cao, học sinh có ý thức trong việc học tập và rèn luyện. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường PTDTNT THCS trong toàn tỉnh đã phối hợp, liên kết với các lực lượng các tổ chức đoàn thể cả bên trong và bên ngoài nhà trường, tranh thủ
được sự giúp đỡ, tham gia hoạt động của gia đình và các cơ quan, ban ngành trong việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh.
Đội ngũ cán bộ quản lý đã quan tâm, chỉ đạo tổ chức, tạo điều kiện để hoạt động giáo dục truyền thống VHDT được phát triển.
Chương trình giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc được một số nhà trường tự chủ xây dựng lồng ghép, tích hợp trong các môn học đặc biệt là các môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa Lý, Âm Nhạc, Mỹ Thuật, Thể dục, GDCD...
Hình thức tổ chức dạy học ngày càng đa dạng, phong phú hơn, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các trường thực hiện dưới nhiều cách khác nhau.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Thực Hiện Nội Dung Giáo Dục Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc Trong Các Nhà Trường (58 Cán Bộ, Giáo Viên)
- Thực Trạng Tổ Chức Giáo Dục Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc Cho Học Sinh Tại Các Trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú, Trung Học Cơ Sở Tỉnh Bắc Kạn
- Thực Trạng Hiện Thực Hóa Các Giá Trị Trong Nội Quy, Quy Tắc Ứng Xử Và Môi Trường Cảnh Quan Nhà Trường
- Các Biện Pháp Tổ Chức Giáo Dục Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc Cho Học Sinh Các Trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú, Trung Học Cơ Sở Tỉnh Bắc Kạn.
- Xây Dựng Nội Quy, Quy Tắc Ứng Xử Trong Nhà Trường Gắn Với Những Giá Trị Văn Hoá Truyền Thống Dân Tộc, Phù Hợp Với Bối Cảnh Hội Nhập
- Kết Quả Khảo Nghiệm Về Tính Cần Thiết, Tính Khả Thi Và Tương Quan Giữa Tính Cần Thiết Và Tính Khả Thi Của Các Biện Pháp Đề Xuất
Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.
Các nhà trường đều xây dựng được các tiêu chí trường học văn hóa của các nhà trường để cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiên.
2.6.2. Điểm yếu
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ học sinh còn chưa hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và thể hiện lối sống chưa theo chuẩn mực nhất là việc ăn ở chăm sóc sức khỏe bản thân, trang phục đầu, tóc còn chưa phù hợp, chưa có ý thức trong sử dụng thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính) trong việc khai thác thông tin, mạng xã hội. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả rèn luyện học tập của các em, ảnh hưởng đến thành tích giáo dục chung của nhà trường và đặc biệt nó làm cho việc giáo dục các em trở thành những con người phát triển toàn diện cả Đức-Trí -Thể -Mỹ trở nên khó khăn. Những vấn đề đó đang là những thực trạng nan giải mà các nhà trường đang cần cố gắng tìm tòi những biện pháp khắc phục.
Qua việc khảo sát cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh cũng như qua thực tế công tác quản lý ở nhà trường tác giả có thể đánh giá thực trạng công tác quản lý hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh của nhà trường như sau:
- Thứ nhất về công tác xây dựng các quy định về chuẩn mực văn hóa đã được nhà trường thực hiện. Công tác xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh được xây dựng tích hợp trong các kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhà trường hàng năm. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều chuẩn mực văn hóa chưa được quy định cụ thể, vẫn còn những quy định mang tính chung chung, chưa phù hợp với đối tượng học sinh của nhà trường.
- Thứ hai là về công tác chỉ đạo thực hiện việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh chưa được thực hiện tốt. Việc phân công trách nhiệm đôi khi còn chưa cụ thể, còn chồng chéo. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường đã được nhà trường thực hiện nhưng chưa triệt để, chưa đồng bộ và chưa phối hợp nhịp nhàng. Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động này vẫn còn lỏng lẻo.
- Thứ ba là về nội dung và hình thức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc đã được chú trọng song còn chưa đa dạng, phong phú, chưa tạo nên sức hút đối với học sinh. Hình thức giáo dục cơ bản là tổ chức theo hình thức lớp bài, đó là việc lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh trong các môn học như Ngữ văn, Lịch Sử, Âm nhạc, GDCD...và tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc với mật độ rất thưa và chưa được thường xuyên. Các hình thức giáo dục đó về cơ bản chưa mang lại hiệu quả cao.
- Thứ tư là phương pháp giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh còn chưa đồng bộ giữa các nhóm phương pháp. Các phương pháp rèn luyện, giao việc, tuyên truyền, truyền thụ kiến thức vẫn là phương pháp chính, chưa có sự đổi mới về phương pháp, chưa có các hoạt động trải nghiệm để học sinh tự giác có ý thức bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc mình.
- Thứ năm là các bộ phận trong nhà trường như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên đã có các hoạt động để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên hạn chế ở đây là Công đoàn lẽ ra phải là tổ chức đi đầu trong
hoạt động này, nhưng đa số công đoàn các nhà trường lại chưa thực sự vào cuộc, thiếu kiểm tra, đánh giá thường xuyên, việc thực hiện chỉ qua loa đại khái và làm theo chỉ đạo của lãnh đạo, thiếu sự tự giác.
- Thứ sáu là đã có nhiều cán bộ quản lý, giáo viên quan tâm đến việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh nhưng bên cạnh đó vẫn có những giáo viên còn coi nhẹ hoạt động này, chỉ lo dạy hết giờ, hết nhiệm vụ chuyên môn chứ chưa thực sự tâm huyết với giáo dục.
- Thứ bảy là ý thức thực hiện việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của một bộ phận học sinh còn chưa tốt, chưa trở thành thói quen hàng ngày như việc mặc trang phục của dân tộc mình, việc sưu tầm lưu giữ và diễn sướng các làn điệu dân ca hò vè của dân tộc.
- Thứ tám là các tổ chức trong và ngoài nhà trường đã phối hợp tổ chức được các hoạt động ngoại khóa lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh nhưng nội dung, hình thức tổ chức chưa đa dạng, phong phú, có sự lặp đi lặp lại gây nhàm chán, số ít trường mời được các nghệ nhân tham gia vào truyền dạy văn hóa dân tộc hoặc tổ chức được các tiết học qua di sản văn hóa địa phương.
2.6.3. Thời cơ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, khi mà ranh giới giữa các quốc gia bị lu mờ, không gian kinh tế được thu hẹp thì giao lưu văn hóa trở thành tất yếu, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng tốt hơn những thành tựu văn hóa chung của nhân loại. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng internet đã mở ra cơ hội để mọi người dân ở các quốc gia có thể hiểu và tiếp cận với những nền văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, đời sống văn hóa vật chất, tinh thần khác nhau. Từ đó có thể chia sẻ, hợp tác, mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước, làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc cũng như quảng bá văn hóa của dân tộc mình ra với bạn bè thế giới.
Trước viễn cảnh đó giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục các trường PTDTNT nói riêng có những thuận lợi căn bản để đón nhận những cơ hội phát triển mà bối cảnh xã hội mang đến. đó là việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế tri thức phát triển mạnh làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục), đổi mới quản lý giáo dục và xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu của xã hội và cá nhân người học.
Tiếp nữa là quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu tạo cơ hội thuận lợi để nước ta tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển giáo dục.
Nền giáo dục trên thế giới đang diễn ra những xu hướng mới: xây dựng xã hội học tập cùng với các điều kiện bảo đảm học tập suốt đời; đại chúng hóa, đa dạng hóa, toàn cầu hóa, hội nhập và hợp tác cùng với cạnh tranh quốc tế về giáo dục… Và quan trọng nữa là nhân dân ta với truyền thống hiếu học và chăm lo cho giáo dục, sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và đầu tư cao cho GD-ĐT.
2.6.4. Thách thức
Bên cạnh những cơ hội cũng tồn tại không ít những thách thức trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trước tiên đó là sự lo ngại về khả năng đánh mất những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa ngoại lai có sức thâm nhập mạnh, bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống có nguy cơ bị xói mòn trước sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai. những tiêu cực do mạng xã hội, internet mang lại đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích con người suy tính, lựa chọn, so sánh để tìm kiếm lối sống ích kỷ, thiếu suy nghĩ. Một bộ phận học sinh đã có những biểu hiện lệch lạc trong lối sống. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu có sự lợi dụng từ các thế lực thù địch.
Chúng ta hội nhập quốc tế để vận động và phát triển chứ không phải hội nhập để lệ thuộc và hòa tan; do đó, trong quá trình ấy, không thể vì sự tăng trưởng kinh tế mà đánh mất những giá trị cao đẹp của dân tộc. Giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là việc bảo tồn những truyền thống ngàn đời nay của cha ông để lại mà còn là sự hun đúc tạo nên một sức mạnh nội sinh của đất nước; giúp dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách và tận dụng được những thời cơ, thuận lợi mà hội nhập quốc tế mang lại.
Trong thời kỳ đổi mới cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa luôn được coi là nền tảng tinh thần của xã hội; là động lực và mục tiêu cho sự phát triển chung của đất nước. Nền tảng tinh thần xã hội bị lung lay, mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội không được giải quyết thấu đáo thì đó không phải là sự phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải nhằm mục tiêu bảo tồn văn hóa, văn hóa phát triển sẽ tạo động lực trở lại cho kinh tế ngày càng đi lên. Sự phát triển không đều giữa các địa phương, giữa miền xuôi và miền ngược vẫn tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến thiếu bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục và khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đối tượng người học và các vùng miền do khoảng cách phát triển về kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, mang lại. Hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường đang làm nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn như sự thâm nhập lối sống không lành mạnh, xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc; sự thâm nhập của các loại dịch vụ giáo dục kém chất lượng, lạm dụng dạy thêm, học thêm, hay việc dạy chỉ nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Hiện nay với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, sự hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã giúp cho học sinh có được cơ hội tiếp cận được với nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều nền văn
hóa khác nhau làm giàu thêm sự hiểu biết của các em. Tuy nhiên mặt trái của nó lại là bên cạnh những thông tin có lợi thì cũng có những thông tin có hại, đặc biệt là những thông tin về lối sống văn hóa lệch lạc của giới trẻ ngoài xã hội hiện nay đã ảnh hưởng tới các em học sinh.
Do các cấp, các ngành và ngay cả lãnh đạo các nhà trường còn quá coi trọng việc dạy chữ mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy người, dạy kỹ năng sống sao cho đúng với các chuẩn mực văn hóa để cho học sinh phát triển toàn diện về mặt nhân cách.
Do nhận thức chưa đầy đủ, còn nặng về tư tưởng giáo dục theo quan điểm cũ, chỉ coi trọng vai trò của người thầy trong quá trình giáo dục nên một bộ phận giáo viên chưa có phương pháp giáo dục phù hợp, sử dụng quyền của giáo viên để áp đặt học sinh vào khuôn phép mà không cần biết học sinh có nhu cầu học tập hay không. Hơn nữa giáo viên chưa mạnh dạn, linh hoạt áp dụng các phương pháp mới để giáo dục học sinh về giá trị truyền thống văn hóa dân tộc dẫn đến chất lượng giáo dục chưa cao.
Do yếu tố bên ngoài như xã hội, gia đình học sinh... với cách sống chưa chuẩn mực, thiếu văn hóa và thiếu sự quan tâm của gia đình trong việc giáo dục con em. Thậm chí có những gia đình chưa làm gương cho con cái trong rất nhiều khía cạnh của đời sống hàng ngày như thường xuyên uống rượu, say sỉn, văng tục, ăn ở mất vệ sinh, bạo lực gia đình, cờ bạc, lô đề, chỉ chú ý đến làm ăn kinh tế... làm ảnh hưởng đến con cái.
Nguyên nhân chủ quan do học sinh chưa hiểu biết hết về các chuẩn mực của truyền thống văn hóa dân tộc. Thiếu bản lĩnh, thiếu ý thức, thiếu kỹ năng sống, thích đua đòi ăn chơi, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc giữ gìn những truyền thống văn hóa của dân tộc.
Do lứa tuổi của các em là lứa tuổi dậy thì nên các em đang muốn tìm tòi, khám phá, muốn khẳng định bản thân, muốn “thử sức”, “làm quen” với những cái được gọi là “phong cách mới” nhưng chưa nhận thức được tác hại của việc
tiếp thu văn hóa không có chọn lọc. Hơn nữa các em dễ bị rủ rê, lôi kéo, dễ bắt chước và sa vào những tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc.
Do cán bộ quản lý, giáo viên của các nhà trường chưa đánh giá đúng vai trò của nhà trường trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh góp phần vào việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Vì vậy công tác xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, kiểm tra đánh giá chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đặt ngang tầm với việc giáo dục kiến thức văn hóa. Chính nguyên nhân này dẫn đến công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác phối hợp giữa các lực lượng bên trong và bên ngoài nhà trường đặc biệt là với phụ huynh còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.