Sự Dịch Chuyển Và Đan Cài Điểm Nhìn Trần Thuật

3.1.1. Điểm nhìn bên ngoài

Điểm nhìn bên ngoài là một phương thức trần thuật mang tính khách quan. Ở điểm nhìn này, câu chuyện được kể lại từ ngôi thứ ba. Người trần thuật không phải là một nhân vật trong truyện mà là một người đứng ngoài câu chuyện, ghi lại một cách vô tư những gì mình chứng kiến. Điểm nhìn bên ngoài đòi hỏi người trần thuật phải biết hết mọi chuyện đã, đang xảy ra để có thể tái hiện lại sự vật, hiện tượng một cách khách quan. Hơn nữa ở điểm nhìn này thường có một khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật. Bằng sự điềm nhiên của lối kể, người trần thuật thường xuyên tách mình ra khỏi sự đồng cảm với nhân vật và chỉ hướng sự chú ý của người nghe vào kết quả thuần túy. Sử dụng điểm nhìn này, người trần thuật đã đưa đến một hình ảnh thực về cuộc sống và con người do đó tạo được tính khách quan, làm tăng độ chân thực và thuyết phục với độc giả.

Trong tác phẩm của mình, Tạ Duy Anh sử dụng nhiều điểm nhìn bên ngoài để trần thuật. Thông qua điểm nhìn này, câu chuyện đời sống được diễn ra “tự nhiên” qua lời của một người kể chuyện “vô hình”. Đây là mô hình trần thuật có từ truyền thống, song với sự sáng tạo nhiều mặt của nhà văn, sự khai thác đời sống vẫn được thực hiện phong phú ngay ở kiểu lựa chọn này. Các tác phẩm: Gã thọt, Lũ vịt trời, Giai điệu đen, Phở gia truyền, Gã lẩm bẩm, Lạc loài… đều được trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài. Ở đây không có những lời nhận xét, bình luận của chủ thể kể mà chỉ thấy ào ạt sự kiện, ào ạt nỗi buồn đau và đổ vỡ.

Truyện ngắnLũ vịt trời là tác phẩm tiêu biểu của Tạ Duy Anh viết về đời sống của người nông dân sau cải cách ruộng đất. Tác phẩm được trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài. Nhà văn đóng vai trò là người kể chuyện “ẩn mình” tường thuật lại diễn biến sự việc một cách khách quan. Tác phẩm được mở đầu bằng lời của người kể chuyện: “Chuyện đã xảy ra hơn chục năm, nhưng lão Khổ ngẫm còn đau mãi tời giờ” [4, tr.5]. Cách mở truyện một cách tự nhiên,

hướng người đọc vào câu chuyện về cuộc đời lão Khổ. Theo dòng trần thuật của người kể chuyện, những mảng cuộc đời lão Khổ hiện lên một cách chân thực, sinh động. Cuộc đời của lão là điển hình cho những người nông dân Việt Nam cần cù, chăm chỉ, quyết tâm bám đất, bám ruộng. Thế nhưng họ không được hưởng những thành quả lao động xứng đáng mà còn phải chịu bao nỗi thống khổ. Bên cạnh những hiểm họa của thiên tai, dịch bệnh thì thói quan liêu hình thức, máy móc và cả căn bệnh thành tích của những người cầm cân nảy mực đã khiến cuộc sống của người dân rơi vào bi kịch. Trong khi hàng trăm tấn thóc bị mưa đá quất rụng chỉ để nuôi béo lũ vịt trời thì cả ngàn người dân làng Cổ phải rơi vào cảnh lầm than vì đàn vịt của họ bị bỏ đói. Không chỉ có thế, họ còn phải chịu cách tính giá thuế vịt hết sức vô lí: “Lấy số thóc bình quân thu được của vụ chiêm năm ngoái trừ đi số thóc thu được của vụ này, ra số thóc bị mưa đá quất rụng xuống ruộng. Đem số thóc đó quy thành tiền theo giá chợ đen. Lấy tổng số tiền chia cho tổng số vịt, ngỗng ước tính, sẽ ra mức tiền mỗi con vịt, con ngỗng phải chịu. Như vậy mặc dù bị mưa đá, song do sự sáng suốt của lãnh đạo nên hậu quả của thiên tai được khắc phục nguyên vẹn” [4, tr.15]. Từ điểm nhìn của người trần thuật đứng ngoài câu chuyện, Tạ Duy Anh đã thẳng thắn nói lên cái mặt trái của chế độ cũ bắt nghẹt người dân trong cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó. Họ không thể ngóc đầu dậy để tự mình làm ra hạt thóc bằng chính sức lao động họ đáng được hưởng. Kể cả khi họ tìm ra cho mình con đường thoát khỏi sự nghèo đói cũng không thể tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình.

Ở mảng đề tài thành thị, Tạ Duy Anh hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề nóng hổi: vấn đề đời tư, thế sự, nhân sinh…. Ông đề cập đến những lĩnh vực của cuộc sống con người hiện nay: tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình, sự toan tính vụ lợi, cơm áo gạo tiền… Nhà văn trăn trở nhiều cho số phận con người, cho sự tác động, chi phối khủng khiếp của hoàn cảnh tới con người. Ông chú ý đến cuộc đụng độ quyết liệt giữa con người với con người, con người với

môi trường, hoàn cảnh sống, con người trong quan hệ với chính mình để giữ vững nhân cách và hoàn thiện nhân cách. Vẫn với cách viết lạnh lùng, khách quan, tỉnh táo, nhà văn đã đi sâu vào khai thác những mặt trái của con người và xã hội hiện đại. Hiện thực cuộc sống hiện lên qua những trang văn của ông với tất cả những bề bộn, nhốn nháo, phức tạp, ở đó con người đôi khi không làm chủ được bản thân và dễ sa chân vào tội ác. Truyện ngắn Rỗng chỉ miêu tả một thời điểm nhân vật “hắn” theo chân những người bạn đi vào một quán bar. Đây là lần đầu tiên “hắn” trải nghiệm cuộc sống của một khách làng chơi. Sự lúng túng, vụng về của chính bản thân mình khiến “hắn” bực tức, khó chịu. Và chỉ trong một khoảnh khắc “hắn” đã lỡ tay giết chết người nhân viên phục vụ chỉ vì anh ta đã làm cho “hắn” xấu hổ và tức giận: “Máu hắn trào sôi một niềm hằn thù mà hắn không biết nó đến từ đâu. Hắn vớ luôn một chiếc đôn sứ nhằm vào gã đàn ông đang lễ phép một cách dối trá….

Xong xuôi, hắn phủi tay, chỉnh lại áo xống rồi bực dọc bảo những người vừa kịp chạy đến và đang vây chặt lấy hắn:

- Tôi còn chưa biết tên anh ta….” [2, tr.97]

Không một lời giải thích, bình luận, thậm chí không có cả lời miêu tả tâm trạng nhân vật sau khi gây nên tội ác, nhà văn cứ thản nhiên thuật lại diễn biến của sự việc một cách lạnh lùng khiến người đọc không khỏi “rùng mình” trước sự hiện diện của cái ác. Có thể nói, điểm nhìn bên ngoài đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc phản ánh những mặt trái, những hạn chế, tiêu cực của xã hội hiện đại. Cái tài của nhà văn là sự “giấu giếm khéo léo” thái độ của người kể dưới một bộ mặt lạnh lùng, khách quan. Qua đó phơi bày một thực trạng xã hội đang bị tha hóa, biến dạng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Qua tìm hiểu một số tác phẩm được trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài của Tạ Duy Anh, chúng ta có thể nhận thấy nhà văn đã bộc lộ rõ tính khách quan cần có của chủ thể trần thuật. Trong vai trò một người kể truyện, tác giả vừa đồng hành cùng nhân vật vừa có ý thức “tách mình ra” tạo lập một khoảng

cách nhất định với nhân vật để có thể quan sát, miêu tả nhân vật một cách chân thực, cụ thể sinh động. Điểm nhìn bên ngoài là một trong những thành công trong nghệ thuật tổ chức điểm nhìn trần thuật của Tạ Duy Anh.

Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 9

3.1.2. Điểm nhìn bên trong

Bên cạnh điểm nhìn bên ngoài, Tạ Duy Anh cũng thường lựa chọn sử dụng cách trần thuật từ điểm nhìn bên trong. Ở đây người trần thuật xuất hiện trong vai một nhân vật, vừa tham gia vào sự kiện, biến cố của cốt truyện, vừa giữ vai trò dẫn dắt cốt truyện. Người trần thuật đã nhìn, suy nghĩ, nhận xét và kể bằng ngôn ngữ, giọng điệu, cảm xúc của chính nhân vật. Lối trần thuật này đã xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật, điểm nhìn của người trần thuật và nhân vật đã hòa vào làm một. Chọn cách trần thuật này, dù là kể chuyện mình hay kể chuyện người, người trần thuật đều có điều kiện trực tiếp bày tỏ tình cảm, thái độ, suy nghĩ và cách đánh giá của mình.

Khảo sát một số tập truyện ngắn của Tạ Duy Anh, chúng tôi nhận thấy tác giả tỏ ra khá già dặn và chắc tay với kiểu trần thuật từ điểm nhìn bên trong. Cụ thể:

Tập Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh có 16/29 truyện Tập Bố cục hoàn hảo có 15/29 truyện

Tập Người khác có 6/12 truyện

Ở kiểu trần thuật từ điểm nhìn bên trong, người kể thường xuất hiện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” khi kể lại những diễn biến của truyện theo cảm nhận của người trong cuộc. Qua cách nhìn nhận, đánh giá của nhân vật, người đọc thấy tính cách, tâm hồn nhân vật hiện lên sinh động đến mức như được tận mắt nhìn thấy một con người thực giữa cuộc đời, đang nghe anh ta tâm sự, giãi bày. Với lối kể chuyện này, người đọc luôn tin vào câu chuyện và dễ bị cuốn vào câu chuyện, luôn có cảm giác đó là chuyện thực chứ không phải thế giới nghệ thuật.

Truyện ngắn Bước qua lời nguyền là tác phẩm đánh dấu sự nghiệp văn chương của Tạ Duy Anh trong thời kì đổi mới. Toàn bộ câu chuyện là dòng hồi ức, tâm trạng của “tôi” về chính cuộc đời của mình. Với lợi thế từ điểm nhìn

bên trong, tác giả có thể tổ chức, dẫn dắt mạch chuyện một cách biến hóa, linh hoạt. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh người kể chuyện ở ngôi thứ nhất kể về chính tuổi thơ của mình:

“Năm lên bẩy tuổi tôi đã được giáo dục khá cẩn thận về vị trí mà tôi đang chiếm một khoảng tí teo giữa cuộc đời mênh mông này.” [4, tr.50]

Những dòng tự thuật ấy hướng người đọc vào câu chuyện với những mảng hiện thực khác nhau. Đó là những kí ức tuổi thơ của “tôi”, kỉ niệm tình yêu với Quý Anh, những câu chuyện của người cha về lịch sử làng Đồng… Các sự kiện được trần thuật theo dòng cảm xúc của nhân vật. Không có quan hệ nhân quả, không theo trật tự thời gian, hiện tại, quá khứ đan xen nhau, từng mảnh đời nhân vật bị chia cắt ra, bị phân tán vào kí ức lộn xộn, chắp nối và rời rạc của nhân vật chính. Thông qua điểm nhìn bên trong, hiện thực cuộc sống hiện lên chân thực, gần gũi, bởi lẽ đó là hiện thực được chính nhân vật chứng kiến và trải nghiệm. Hơn thế nữa, nhờ điểm nhìn bên trong, nhân vật có thể tự do nói lên tiếng nói của mình. Đó là tiếng nói mạnh dạn, nồng nhiệt, thách thức lại cả một quá khứ u tối đầy thù hận.

Truyện Vòng trầm luân trần gian được Tạ Duy Anh viết kế tiếp sau Bước qua lời nguyền, tiếp tục mạch chuyện về làng Đồng, về những nhân vật làng Đồng. Truyện cũng được trần thuật từ điểm nhìn bên trong. Nhân vật “tôi” vừa trực tiếp tham gia vào diễn biến câu chuyện, vừa kể lại câu chuyện thông qua cái nhìn đầy tâm trạng. Hiện thực cuộc sống qua cảm nhận của nhân vật “tôi” là một hiện thực rạn nứt, đổ vỡ, với đầy rẫy những khổ đau oan trái. Không chỉ số phận của nhân vật “tôi” mà còn nhiều nhân vật khác như chú Hổ, người cha… đều là những nạn nhân của một thời. Họ luôn phải sống trong tình thế căng thẳng, ngột ngạt trước sự thù hận cá nhân, trước những bất công của thời cuộc.

Sử dụng điểm nhìn bên trong, tác giả cũng thường khéo léo lựa chọn cho mình một vị trí thích hợp để kể lại câu chuyện. Các nhân vật “tôi” trong Truyền thuyết viết lại, Xưa kia chị đẹp nhất làng đều có quãng thời gian tuổi thơ lớn

lên bên cạnh chị Thư, chị Túc. Họ hiểu rõ hơn ai hết về vẻ đẹp tâm hồn cũng như những nỗi khổ đau, bất hạnh mà các chị phải gánh chịu. Chính vì vậy, nhân vật “tôi” kể về cuộc đời của chị Thư, chị Túc với một thái độ cảm thông, yêu thương, trân trọng. Họ vừa là nhân chứng, vừa là những người tri kỉ có khả năng thấu hiểu và đồng cảm với nhân vật.

Như vậy, việc sử dụng điểm nhìn bên trong đã đem lại cái nhìn sâu sắc và nhân bản hơn cho câu chuyện. Đó là phương thức trần thuật giúp người đọc cảm nhận rõ hơn về đời sống nội tâm của nhân vật. Đồng thời cũng là sự nỗ lực, cố gắng của nhà văn đưa tác phẩm gần hơn với cuộc sống đời thường.

3.1.3. Sự dịch chuyển và đan cài điểm nhìn trần thuật

Dịch chuyển, đan cài điểm nhìn trong tác phẩm cũng là một trong những đặc điểm trong việc tổ chức trần thuật của Tạ Duy Anh. Trong một số tác phẩm, nhà văn không duy trì trọn vẹn từ đầu đến cuối một điểm nhìn khách quan bên ngoài mà còn dịch chuyển vào điểm nhìn bên trong nhân vật, từ điểm nhìn nhân vật này chuyển sang điểm nhìn nhân vật khác.

Chuyện tình giữa cậu Tư và Quý Anh trong Bước qua lời nguyền được kể lại từ điểm nhìn bên trong của nhân vật “tôi” – cậu Tư. Tuy nhiên trong tác phẩm cũng có sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật giữa các nhân vật. Đan xen vào dòng hồi ức, tâm trạng của “tôi” là lời kể của người em gái về làng Đồng: “Sau mấy chục năm xây dựng mà cứ xác xơ như trong cảnh “Tắt đèn”. Ở đó diễn ra không ít chuyện ghê người khiến người đọc phải giật mình kinh sợ. Đó là lời kể của người cha về quá khứ làng Đồng, về những tội ác của lão Hứa. Thông qua lời kể của mỗi nhân vật, người đọc được biết thêm một mảng hiện thực “khủng khiếp” về lịch sử làng Đồng. Đó không chỉ là mảnh đất của những định kiến, thù hận mà còn là nơi ngập tràn khổ đau, bất hạnh, những tội lỗi, xấu xa… cần được loại bỏ.

Trong truyện ngắn Tội tổ tông cũng có sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật một cách khá linh hoạt và tự nhiên. Tác phẩm được kể từ điểm nhìn của

người kể chuyện. Nhưng trong tác phẩm tác giả đã khéo léo dịch chuyển sang điểm nhìn bên trong nhân vật. Người đọc bị hấp dẫn bởi “giai thoại lão Đình ăn lợn sữa” qua chính lời kể của lão: “Lão kể tóm tắt, lão kể trích đoạn hoặc bập ngay vào kết cục câu chuyện. Lão kể không biết chán, không biết mệt. Lão lộn đầu đuôi, cắt khúc từng đoạn mà kể…” [4, tr.158]. Gặp bất cứ ai, lão Đình cũng kể lể về chuyện chỉ vì ăn một con lợn sữa mà cuộc đời trở nên khốn khổ của mình. Đôi lúc, lão còn bộc lộ thái độ: “Giời xem có ai khổ hơn tôi không, chỉ vì ăn một con lợn sữa mà khốn nạn” [4, tr.160]. Tuy nhiên trong tác phẩm hình bóng của người kể chuyện cũng xuất hiện thông qua những lời dẫn chuyện trực tiếp: “Chắc độc giả cũng đoán ra, đêm ấy làm sao tôi ngủ được”. “Và tôi, để tri ân lão Đình bởi lời khen: “Trông mày còn có tí chất người đấy”, tôi viết những dòng này kính gửi ông Ađam và bà Êva đang hạnh phúc ở cõi vĩnh hằng” [4, tr.164]. Như vậy, sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật đã khiến cho câu chuyện trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn, hiện thực cuộc sống cũng được soi rọi từ nhiều góc độ hơn. Người kể chuyện vừa có thể bày tỏ quan điểm thái độ: “Tôi bỗng thấy kiếp người sao mà trầm luân, vớ vẩn và vô nghĩa đến thế nếu không biết tiêu phí sự ứ thừa vào việc gì” [4, tr.164], vừa giữ nguyên vai trò dẫn dắt mạch truyện một cách hợp lí, logic. Đồng thời nhờ sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật, các nhân vật trong truyện cũng có nhiều cơ hội để bộc lộ đời sống nội tâm và những diễn biến tâm lí của mình.

Truyện ngắn Gã lẩm bẩm chủ yếu được trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài, nhưng trong tác phẩm cũng xuất hiện không ít đoạn được trần thuật từ điểm nhìn bên trong nhân vật. Đó là những đoạn văn miêu tả những lẩm bẩm tính toán của gã: “Hai trăm năm mươi ngàn, quy ra phở, loại trung bình được sau mươi hai bát rưỡi; nếu ăn cơm bụi được năm mươi bữa; được chẵn một trăm cốc bia hơi Hà Nội đấu ba mươi phần trăm Việt Hà và ghi là “Hà Nội xịn”; được một cuốn từ điển biểu tượng trong đó thiếu biểu tượng của “hợp đồng hai trăm năm mươi ngàn”; được hai chai rượu vang Booc – đô loại dưới hai tuổi;

được một phần tám chai X.O…; được… Gã bật cười; cứ kiểu này mình đâm lẩn thẩn mất” [2, tr.58]. Nhờ sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật này mà nhà văn có thể đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, khám phá những suy nghĩ, những tính toán khắt khe của con người trong xã hội hiện đại khi phải đối mặt với cuộc sống đầy rẫy những khó khăn vì gánh nặng cơm áo.

Có thể nói dịch chuyển và kết hợp các điểm nhìn trần thuật là sáng tạo nghệ thuật của Tạ Duy Anh. Thành công của ông là sự kết hợp khéo léo giữa các điểm nhìn. Sự kết hợp đó vừa giúp tác giả chuyển tải nhiều hơn, sâu hơn bức tranh hiện thực phức tạp đa dạng của cuộc sống, vừa giúp người đọc hiểu rõ chiều sâu tâm lý phong phú, đa dạng, phức tạp của con người. Vì thế truyện ngắn Tạ Duy Anh luôn đọng lại những dư âm khó phai trong lòng người đọc.

3.2. Kết cấu trần thuật

Theo lí thuyết truyền thống thì kết cấu là “sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan theo một chiều hướng tư tưởng nhất định” [44, tr.52]. Các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm”, nó “không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm” [29, tr.156]. Như vậy, nói một cách tổng thể nhất, kết cấu là “sự tổ chức”, “sự tạo thành” và liên kết các bộ phận trong tác phẩm văn học. Nó đảm nhiệm các chức năng rất đa dạng: bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm, triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện, tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả,… tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mĩ.

Cùng với các tác giả của văn xuôi đương đại, Tạ Duy Anh được xem là người có nhiều đổi mới trong việc xây dựng kết cấu truyện ngắn. Kế thừa và phát huy những thành tựu nghệ thuật của những người đi trước, nhưng không lặp

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 27/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí