Nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán Phần 1 - Thái Bá Cẩn - 1

Nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán


Thái Bá Cẩn Đặng Lan Hương


(Bản thảo, 12-2014)

LỜI NÓI ĐẦU

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua gần 15 năm ra đời và phát triển, hoạt động của thị trường ngày càng đa dạng và phong phú đã dẫn đến một lĩnh vực kinh doanh mới là kinh doanh chứng khoán. Do vậy việc nâng cao trình độ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán là cần thiết đối với cán bộ quản lý kinh tế, tài chính, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thực tế đó, đòi hỏi phải trang bị cho sinh viên các chuyên ngành về quản lý kinh tế, quản lý tài chính và đặc biệt là sinh viên chuyên ngành tài chính, nhằm giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức cơ bản để tiếp cận với lĩnh vực chứng khoán nói chung, kinh doanh chứng khoán nói riêng. Chính vì vậy việc biên soạn giáo trình môn học “nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán” là yêu cầu bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giảng dạy của nhà trường.

Bố cục của giáo trình gồm 5 chương Chương 1: Tổng quan về kinh doanh chứng khoán

Chương 2: Nghiệp vụ môi giới của công ty chứng khoán

Chương 3: Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán và tư vấn chứng khoán

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 92 trang tài liệu này.

Chương 4: Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán và các nghiệp vụ khác Chương 5: Nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của chủ thể khác

Giáo trình được PGS.TS. Thái Bá Cẩn làm chủ biên và do Ths Đặng Lan Hương biên soạn. Đây là giáo trình được biên soạn lần đầu, mặc dù tác giả rất cố gắng, tham khảo nhiều tài liệu, Song “nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán” là lĩnh vực mới, phong phú, đa dạng và rất phức tạp nên không thể tránh khỏi những thiếu xót nhất định. Ban biên tập rất mong có sự đóng góp ý kiến của bạn đọc để giáo trình được hoàn thiện hơn sau mỗi lần chỉnh sửa, tái bản để làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên các khóa tiếp theo. Mọi ý kiến góp ý xin gửi về khoa Tài Chính- Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Chúng tôi xin xin tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của bạn đọc, các nhà khoa học để hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo trình.

Nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán Phần 1 - Thái Bá Cẩn - 1

Ban biên tập

Chủ biên PGS.TS Thái Bá Cẩn

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ

KINH DOANH CHỨNG KHOÁN


1.1. Khái niệm về kinh doanh chứng khoán

Kinh doanh chứng khoán là việc tổ chức, cá nhân tham gia một trong các hoạt động môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, lưu ký chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý tài sản, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, hoặc các hoạt động có liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán.

1.2. Nguyên tắc kinh doanh chứng khoán

Hoạt động kinh doanh chứng khoán dựa trên hai nhóm nguyên tắc chủ yếu:

1.2.1 Các nguyên tắc tài chính:

+ Có năng lực tài chính: Đủ vốn theo quy định của pháp luật, đủ năng lực tài chính để giải quyết những rủi ro có thể phát sinh trong qúa trình kinh doanh

+ Cơ cấu tài sản hợp lý, có khả năng thanh khoản và có chất lượng tốt để thực hiện kinh doanh với hiệu quả cao

+ Thực hiện chế độ tài chính, thuế theo quy định của nhà nước

+ Tách bạch tài sản của mình và tài sản của khách hàng, không được dùng vốn, tài sản của khách hàng để làm nguồn tài chính phục vụ kinh doanh công ty

1.2.2 Các nguyên tắc đạo đức:

+ Chủ thể kinh doanh chứng khoán phải hoạt động theo đúng pháp luật, chấp hành nghiêm các quy chế, tiêu chuẩn hành nghề liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán.

+ Có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm và tận tụy với công

việc.

+ Giao dịch trung thực, công bằng, vì lợi ích của khách hàng, đặt lợi ích khách hàng lên trên lợi ích công ty.

+ Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết cho khách hàng, bảo vệ tài sản của khách hàng, bí mật các thông tin về tài khoản của khách hàng trừ trường hợp khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

+ Không sử dụng các lợi thế của mình để làm tổn hại đến khách hàng & ảnh hưởng xấu đến hoạt động chung của thị trường, không được thực hiện các hoạt động có thể làm khách hàng và công chúng hiểu lầm về giá cả, giá trị và bản chất của chứng khoán như việc sử dụng thông tin nội gián để kinh doanh, thuyết phục khách hàng mua bán chứng khoán quà nhiều…

+ Không được làm các công việc có cam kết nhận hay trả những khoản thù lao ngoài khoản thu nhập thông thường.

1.3. Chủ thể kinh doanh chứng khoán

1.3.1.Công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán là tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán thông qua việc thực hiện một hoặc vài dịch vụ chứng khoán với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Các công ty chứng khoán thường thực hiện hoạt động môi giới và đại diện thực hiện giao dịch chứng khoán cho khách hàng. Với lợi thế về thông tin, các công ty chứng khoán giúp cho người mua và người bán dễ dàng gặp nhau, thực hiện tư vấn đầu tư, đồng thời thay mặt khách hàng thực hiện các giao dịch.

Một số công ty chứng khoán thực hiện hoạt động tạo lập thị trường cho các chứng khoán. Trong hoạt động này, họ đồng thời đảm nhận vai trò môi giới và thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán.

Hoạt động của công ty chứng khoán rất đa dạng và phức tạp, khác hẳn với doanh nghiệp sản xuất hay thương mại thông thường vì công ty chứng khoán là một loại hình định chế tài chính đặc biệt nên vấn đề xác định mô hình tổ chức kinh doanh của nó cũng có nhiều điểm khác nhau ở các nước. Mô hình kinh doanh chứng khoán ở mỗi nước đều có những đặc điểm riêng tùy theo đặc

điểm của hệ thống tài chính và sự cân nhắc lợi hại của những người làm công tác quản lý nhà nước.

Hiện nay trên thế giới tồn tại hai mô hình tổ chức của công ty chứng khoán: mô hình công ty đa năng kinh doanh chứng khoán và tiền tệ và mô hình công ty chuyên doanh chứng khoán

1.3.1.1 Mô hình công ty đa năng kinh doanh chứng khoán và tiền tệ

Theo mô hình này, công ty chứng khoán là một bộ phận của ngân hàng thương mại. Hay nói cách khác, Ngân hàng thương mại kinh doanh trên cả hai lĩnh vực là tiền tệ và chứng khoán. Thông thường theo mô hình này, NHTM cung ứng các dịch vụ tài chính rất đa dạng và phong phú liên quan đến kinh doanh tiền tệ, kinh doanh chứng khoán và các hoạt động kinh doanh khác trong lĩnh vực tài chính.

Ưu điểm:

- NHTM có thể kết hợp nhiều lĩnh vực kinh doanh nhiều lĩnh vực nên có thể giảm được rủi ro hoạt động kinh doanh chung và có khả năng chịu được các biến động lớn trên thị trường chứng khoán.

- NHTM là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tiền tệ có lịch sử lâu đời, có thế mạnh về tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực tài chính. Do đó cho phép các NHTM tham gia kinh doanh chứng khoán sẽ tận dụng được thế mạnh chuyên môn và vốn của ngân hàng, tạo động lực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Hạn chế:

- Do có thế mạnh về tài chính, chuyên môn, nên NHTM tham gia kinh doanh chứng khoán có thể gây lũng đoạn thị trường, trong trường hợp quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và quản trị điều hành thị trường còn yếu.

- Do tham gia vào nhiều lĩnh vực sẽ làm giảm tính chuyên môn hóa, khả năng thích ứng và linh hoạt kém.

- Trong trường hợp thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro, ngân hàng có xu hướng bảo thủ rút khỏi thị trường chứng khoán để tập trung kinh doanh tiền tệ.

1.3.1.2 Mô hình công ty chuyên doanh:

Theo mô hình này, kinh doanh chứng khoán do các công ty chứng khoán độc lập, chuyên môn hóa trong lĩnh vực chứng khoán.

Mô hình này khắc phục được hạn chế của mô hình đa năng: giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán kinh doanh chuyên môn hóa, thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán.

Ngày nay, với sự phát triển của thị trường chứng khoán, để tận dụng thế mạnh của lĩnh vực tiền tệ và lĩnh vực chứng khoán. Các quốc gia có xu hướng nới lỏng ngăn cách giữa hoạt động tiền tệ và chứng khoán bằng cách cho phép mô hình công ty đa năng một phần – các NHTM thành lập công ty con để kinh doanh chứng khoán.

1.3.2.Quỹ đầu tư

1.3.2.1 Khái niệm quỹ đầu tư

Quỹ đầu tư là các tổ chức tài chính phi ngân hàng thu nhận tiền từ một số lượng lớn các nhà đầu tư và tiến hành đầu tư số vốn đó vào các tài sản tài chính có tính thanh khoản dưới dạng tiền tệ và các công cụ của thị trường tài chính

Quỹ đầu tư là quỹ hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư để đầu tư vào chứng khoán & các loại tài sản tài chính khác với mục đích làm tăng giá trị tài sản của quỹ.

Từ các định nghĩa trên, ta có thể rút ra định nghĩa chung cho quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư là một phương tiện đầu tư tập thể, là một tập hợp tiền của các nhà đầu tư và được ủy thác cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp tiến hành đầu tư để mang lại lợi nhuận cao nhất cho những người góp vốn. Quỹ đầu tư được phân thành nhiều loại khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau.

1.3.2.2 Lợi ích của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư qua quỹ

- Đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro

Chiến lược đầu tư đa dạng hóa nhằm cắt giảm rủi ro có nghĩa là kết hợp đầu tư vào nhiều loại chứng khoán mà các chứng khoán này không có tương quan cùng chiều với nhau một cách hoàn hảo, nhờ vậy biến động giảm lợi nhuận của chứng khoán này có thể được bù đắp bằng biến động tăng lợi nhuận

của chứng khoán kia. Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp thường có danh mục đầu tư đa dạng. Một danh mục đầu tư đa dạng hóa nói chung duy trì được sự tăng trưởng tốt ngay cả khi có một số cổ phiếu trong danh mục giảm giá, còn các cổ phiếu khác lại tăng giá hơn mức mong đợi, tạo ra sự cân bằng trong danh mục.

- Quản lý đầu tư chuyên nghiệp

Các quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia có kỹ năng và giàu kinh nghiệm người mà được lựa chọn định kỳ căn cứ vào tổng lợi nhuận họ làm ra. Những chuyên gia không tạo ra lợi nhuận sẽ bị thay thế. Một số lớn các nhà quản lý và các đội quản lý có được bảng thành tích tuyệt hảo. Một trong những nhân tố quan trọng trong việc lựa chọn quỹ đầu tư tốt là quỹ đó phải được quản lý tốt nhất.

- Chi phí hoạt động thấp

Do các quỹ đầu tư có các danh mục đầu tư được quản lý chuyên nghiệp cho nên chúng chỉ gánh một mức hoa hồng giao dịch thấp hơn so với các cá nhân, dù các cá nhân này đã ký hợp đồng với các nhà môi giới chiết khấu thấp nhất. Một quỹ tương hỗ có thể chỉ thanh toán một số tiền rất nhỏ trên một cổ phiếu cho một giao dịch cổ phiếu lô lớn trong khi đó một cá nhân có thể phải thanh toán số tiền lớn hơn gấp nhiều lần trên một cổ phiếu cho một giao dịch tương tự. Chi phí giao dịch thấp là một trong những yếu tố giúp hoạt động đầu tư hiệu quả hơn.

1.3.2.3 Vai trò của quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán

- Góp phần huy động vốn cho việc phát triển nền kinh tế nói chung và góp phần cho sự phát triển của thị trường sơ cấp.

Các quỹ đầu tư tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, cung cấp vốn cho phát triển các ngành. Với chức năng này, các quỹ đầu tư giữ vai trò quan trọng trên thị trường sơ cấp.

- Góp phần vào việc ổn định thị trường thứ cấp.

Với vai trò là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư góp phần bình ổn giá cả giao dịch trên thị trường thứ cấp, góp phần vào sự phát triển của thị trường này thông qua các hoạt động đầu tư

chuyên nghiệp với các phương pháp phân tích đầu tư khoa học.

- Tạo các phương thức huy động vốn đa dạng qua thị trường chứng khoán.

Khi nền kinh tế phát triển và các tài sản tài chính ngày càng tạo khả năng sinh lời hơn, người đầu tư có khuynh hướng muốn có nhiều dạng công cụ tài chính để đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu của người đầu tư, các quỹ đầu tư hình thành dưới nhiều dạng sản phẩm tài chính khác nhau như thời gian đáo hạn, khả năng sinh lợi, độ an toàn…

- Xã hội hóa hoạt động đầu tư chứng khoán

Quỹ đầu tư tạo một phương thức đầu tư được các nhà đầu tư nhỏ, ít có sự hiểu biết về chứng khoán ưa thích. Góp phần tăng tiết kiệm của công chúng đầu tư bằng việc thu hút tiền đầu tư vào quỹ.

1.3.2.4 Các chủ thể tham gia vào hoạt động của quỹ đầu tư

Tùy vào mô hình tổ chức, vai trò các chủ thể tham gia mà Quỹ đầu tư có những đặc thù riêng. Thông thường một quỹ đầu tư hoạt động với sự tham gia của các chủ thể sau:

- Công ty quản lý quỹ:

Thực hiện quản lý quỹ đầu tư đảm bảo phù hợp với điều lệ quỹ & làm tăng tài sản của Quỹ. Khách hàng của công ty quản lý quỹ thường là các nhà đầu tư có tổ chức: các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty tài chính… Nhiệm vụ của công ty Quản lý quỹ là thực hiện việc đầu tư theo sự ủy thác của khách hàng sao cho phù hợp với mục tiêu đầu tư của Quỹ mà khách hàng đã chọn.

- Tổ chức quản lý tài sản của Quỹ:

Thực hiện bảo quản, lưu ký chứng khoán, các hợp đồng kinh tế, các chứng từ có liên quan đến tài sản Quỹ.

- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động của quỹ:

Tùy mô hình quỹ mà tổ chức này thường do ngân hàng hoặc Hội đồng quản trị của Quỹ thực hiện các chức năng chủ yếu là kiểm tra, kiểm soát hoạt động của quỹ và công ty quản lý Quỹ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

- Tổ chức kiểm toán độc lập:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/03/2024