Một Số Phương Pháp Dạy Học Phát Triển Năng Lực Học Sinh

Dạy học phát triển năng lực không cho phép GV truyền đạt kiến thức, đưa ra các bài tập mẫu để HS làm theo mà đòi hỏi GV cho các em giải quyết các vấn đề đa dạng trên cơ sở sử dụng các thao tác tư duy phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa. Qua đó, HS không những tự phát hiện ra kiến thức, hình thành được kĩ năng mà còn nắm được con đường đi đến kết quả đó.

Căn cứ để lựa chọn phương pháp dạy học phát triển năng lực: Dựa vào mục tiêu, nội dung đã xác định; nội dung bài học đã dự kiến, khả năng của HS và phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức bài học, ...

- Bước 4: Lựa chọn và vận dụng hình thức tổ chức dạy học phát triển năng lực HS

Hình thức tổ chức dạy học là biểu hiện bên ngoài của hoạt động phối hợp giữa GV và HS. Chúng được phân biệt với nhau bởi quy mô HS tham gia, không gian, thời gian tiến hành, loại hình, hình thức hoạt động cụ thể được tổ chức, ...

Những hình thức dạy học cần được chú trọng vận dụng trong quá trình dạy học phát triển năng lực HS là:

- Về quy mô HS: nhóm, cá nhân

- Về thời gian: hoạt động ngoại khóa.

- Về không gian: dạy học tại hiện trường

- Về loại hình, hình thức hoạt động cụ thể: trò chơi, lao động, tham quan, công tác xã hội , ...

- Bước 5: Kiểm tra đánh giá năng lực HS

Mục đích cơ bản của việc kiểm tra đánh giá là để phát hiện chính xác trình độ của cá nhân HS, từ đó GV đề ra các biện pháp giúp từng em phát huy những mặt tích cực và khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém để HS tiến bộ, phát triển không ngừng.

Nội dung kiểm tra, đánh giá quan trọng nhất là những biểu hiện của năng lực chung và năng lực chuyên môn liên quan đến bài học, môn học đó mà không chỉ đơn thuần là đánh giá quá trình.

Về phương pháp kiểm tra, đánh giá, GV phải vận dụng phối hợp các phương pháp sao cho phát hiện chính xác năng lực của người học thông qua từng hoạt động.

Về hình thức kiểm tra, đánh giá: bên cạnh các bài kiểm tra định kì, đánh giá năng lực HS đòi hỏi coi kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét là chính. Việc đánh giá này nhằm phát hiện ra những biểu hiện tích cực và tiêu cực liên quan đến năng lực được phát triển cho HS thông qua mỗi hoạt động.

Trong luận văn, chúng tôi vận dụng quy trình trên để thiết kế bài học Luyện từ và câu trong môn Tiếng Việt lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực cho HS.

1.1.4. Một số phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh

Căn cứ vào các yêu cầu khi lựa chọn và vận dụng phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực cho HS đã đề cập trước đó, chúng tôi đưa ra một số gợi ý về phương pháp dạy học phát triển năng lực trong môn Tiếng Việt, cụ thể như sau: [23]

1.1.4.1. Phương pháp Hỏi - Đáp

Phương pháp Hỏi - Đáp là một phương pháp sư phạm giúp phát huy hiệu quả tính tích cực của người học. Khi GV áp dụng phương pháp này, không khí lớp học sẽ sôi nổi và việc tiếp thu kiến thức sẽ tốt hơn. Phương pháp này đòi hỏi ở GV sự linh hoạt và khả năng làm chủ lớp học của mình.

Khi thực hiện phương pháp này, điều quan trọng nhất là GV phải tạo ra được sự tranh luận nhiều chiều trong lớp học nhằm tăng khả năng tìm tòi, học hỏi sâu về một chủ đề.

Các bước thực hiện:

- Thuyết trình ngắn giới thiệu về chủ đề: GV thuyết trình ngắn gọn, rõ ràng về chủ đề cần trao đổi, tạo sự thu hút với HS.

- Nêu câu hỏi: GV nêu câu hỏi theo hướng gợi mở, ngắn gọn, dễ hiểu; câu hỏi có thể ghi lên bảng hoặc hiển thị trên màn hình để cả lớp đều nhìn được.

- Người học suy nghĩ: GV cần dành cho HS từ 2-5 phút để suy nghĩ, cân nhắc trước khi đưa ra câu trả lời.

- Trao đổi đa chiều: GV khuyến khích HS tham gia hỏi và trả lời càng nhiều càng tốt; có thể chia nhỏ câu hỏi ban đầu thành nhiều câu hỏi khác nhau để trao đổi sâu hơn; những ý kiến trao đổi cần ghi tóm tắt trên bảng để HS dễ theo dõi và đưa ra bình luận.

- Giáo viên tóm tắt và kết luận: GV tổng hợp các ý kiến và chốt lại kiến thức quan trọng cần nhớ.

1.1.4.2. Phương pháp Tia chớp

Phương pháp tia chớp hay còn gọi là phương pháp Phỏng vấn nhanh, là một phương pháp giúp mở đầu bài giảng hay thu thập thông tin nhanh từ phía người học một cách hiệu quả.

Các bước thực hiện:

- GV đặt câu hỏi: Câu hỏi phải ngắn gọn, hấp dẫn, gây được sự chú ý của người học; GV hỏi nhanh từng người.

- Người học trả lời: Yêu cầu trả lời nhanh, ngắn gọn; nếu người được hỏi chưa có câu trả lời, hãy bỏ qua và chuyển sang hỏi người khác.

- Tổng kết nhanh và định hướng vào bài học.

1.1.4.3. Phương pháp Đóng vai

Phương pháp đóng vai là phương pháp gây sự chú ý và thu hút người học tham gia vào bài giảng, tạo bầu không khí sôi nổi trong giờ học. Đây cũng là phương pháp thích hợp để người học luyện tập cách ứng xử, thực hành và trao đổi xung quanh những vai trò có thực trong cuộc sống.

Các bước thực hiện:

- Biện soạn kịch bản

- Chọn diễn viên và giao nhiệm vụ cho diễn viên

- Thực hiện đóng vai

- Trao đổi về vở diễn

- Tổng kết

1.1.4.4. Phương pháp Làm việc nhóm

Phương pháp làm việc nhóm là phương pháp dạy học trong đó GV tổ chức HS thành các nhóm nhỏ. Mỗi thành viên trong nhóm vừa có trách nhiệm tự học, vừa có trách nhiệm chia sẻ và giúp đỡ các thành viên khác hoàn thành nhiệm vụm học tập mà GV giao cho cả nhóm.

Đây là phương pháp hữu hiệu khuyến khích sự sáng tạo, tích cực của HS. Các bước thực hiện :

- Giới thiệu nội dung làm việc nhóm

- Giao nhiệm vụ

- Chia nhóm

- HS làm việc nhóm

- Trình bày kết quả làm việc nhóm

- GV tổng kết, bổ sung

1.1.4.5. Phương pháp Trò chơi học tập

Phương pháp trò chơi học tập là một trong các phương pháp giảng dạy nhằm tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong lớp học, giúp cho HS tiếp thu bài giảng với hiệu quả cao. Đồng thời, cũng là hình thức học bằng trải nghiệm: học mà chơi, chơi mà học. Việc học trở nên tích cực, chủ động, tự giác. Thông qua trò chơi, HS dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn, nhớ bài lâu hơn.

Các bước thực hiện:

- Giới thiệu trò chơi: Tên trò chơi, cách chơi, luật chơi

- Tổ chức cho HS chơi thử

- Tổ chức cho HS chơi thật

- Tổng kết trò chơi

1.1.4.6. Phương pháp Dự án

Dạy học dự án là một phương pháp dạy học trong đó HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nhằm tạo ra các sản phẩm và giới thiệu chúng. Làm việc nhóm là hình thức làm việc cơ bản của phương pháp dự án. Dạy học dự án giúp rèn luyện cho HS khả năng tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, … một cách hiệu quả.

Các bước thực hiện:

- Giai đoạn 1: Lập kế hoạch (xác định mục tiêu, nhiệm vụ phải làm, sản phẩm dự kiến, cách triển khai dự án, thời gian thực hiện và hoàn thành).

- Giải đoạn 2: Thực hiện dự án (thu thập thông tin qua nhiều kênh, xử lý thông tin, thảo luận, trao đổi và xin ý kiến GV nhằm đảm bảo tiến độ dự án).

- Giai đoạn 3: Tổng hợp kết quả (xây dựng sản phẩm, trình bày sản phẩm, đánh giá dự án).

1.2. Thực trạng việc tổ chức dạy học Luyện từ và câu theo hướng phát triển năng lực trong môn Tiếng Việt lớp 5

1.2.1. Phương pháp khảo sát

- Sử dụng phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi.

- Trao đổi trực tiếp với GV trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và trường Tiểu học Trưng Vương trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

- Sử dụng phương pháp quan sát để thu thập thông tin khi tham gia dự giờ của GV ở trường Tiểu học.

1.2.2. Khảo sát chương trình và sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 hiện hành

1.2.2.1. Mục tiêu của môn Tiếng Việt ở tiểu học theo Chương trình Tiếng Việt hiện hành

Môn Tiếng Việt tiểu học nhằm các mục tiêu sau [5]:

1. Hình thành và phát triển ở HS các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt (đọc, viết, nghe, nói) để học tập và giao tiếp trong môi trường hoạt động của lứa tuổi.

Thông qua việc dạy học Tiếng Việt, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy.

2. Cung cấp những kiến thức sơ giản về Tiếng Việt, tự nhiên, xã hội và con người, văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài.

3. Bồi dưỡng tình yêu Tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách người Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho HS.

1.2.2.2. Nội dung chương trình SGK môn Tiếng Việt lớp 5

Môn Tiếng Việt lớp 5 có thời lượng 8 tiết/tuần (35 tuần = 280 tiết), gồm các phân môn Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện và Tập làm văn với thứ tự sắp xếp và thời lượng học tập trong tuần như sau:

- Tập đọc: 2 tiết/tuần

- Chính tả: 1 tiết/tuần

- Luyện từ và câu: 2 tiết/tuần

- Kể chuyện: 1 tiết/tuần

- Tập làm văn: 2 tiết/tuần

SGK Tiếng Việt 5 gồm 10 đơn vị học, mỗi đơn vị ứng với một chủ điểm, học trong 3 tuần (trừ chủ điểm Vì hạnh phúc con người học trong 4 tuần).

Tập một gồm 5 chủ điểm, học trong 18 tuần:[25]

- Tuần 1, 2, 3: Việt Nam - Tổ quốc em

- Tuần 4, 5, 6: Cánh chim hoà bình

- Tuần 7, 8, 9: Con người với thiên nhiên

- Tuần 10: Ôn tập giữa kì I

- Tuần 11, 12, 13: Giữ lấy màu xanh

- Tuần 14, 15, 16, 17: Vì hạnh phúc con người

- Tuần 18: Ôn tập cuối học kì I

Tập hai gồm 5 chủ điểm, học trong 17 tuần:[26]

- Tuần 19, 20, 21: Người công dân

- Tuần 22, 23, 24: Vì cuộc sống thanh bình

- Tuần 25, 26, 27: Nhớ nguồn

- Tuần 28: Ôn tập giữa kì II

- Tuần 29, 30, 31: Nam và nữ

- Tuần 32, 33, 34: Những chủ nhân tương lai

- Tuần 35: Ôn tập cuối học kì II

1.2.2.3. Nội dung phân môn Luyện từ và câu trong chương trình và sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 5

Phân môn Luyện từ và câu được đưa vào học bắt đầu từ lớp 2. Tuy nhiên, ở lớp 2, 3 phân môn này mới chỉ trang bị cho HS những kiến thức để HS nhận biết thông qua các bài tập. Đến lớp 4, 5 mới có các tiết học lí thuyết riêng.

Nội dung phân môn Luyện từ và câu trong chương trình và SGK môn Tiếng Việt lớp 5 là:

- Về vốn từ: HS được cung cấp vốn từ một cách có hệ thống thông qua các chủ đề. Đó là những từ ngữ thông dụng, gắn với các mối quan hệ của HS với bản thân, gia đình, nhà trường, quê hương, đất nước. Đồng thời, việc dạy từ ngữ đó cũng gắn liền với việc giáo dục cho các em những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Ở lớp 5, HS được học thêm khoảng 600-650 từ ngữ, trong đó có cả thành ngữ, tục ngữ,... theo các chủ đề: Tổ quốc, Nhân dân, Hòa bình, Hữu nghị - Hợp tác, Thiên nhiên, Bảo vệ môi trường, Hạnh phúc, Công dân, Trật tự - An ninh, Truyền thống, Nam và nữ, Trẻ em, Quyền và bổn phận.

- Về mạch kiến thức, kĩ năng về từ và câu:

+ Các lớp từ: từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm, từ nhiều nghĩa.

+ Cấu tạo từ: Ôn tập về từ và cấu tạo từ.

+ Từ loại: Đại từ; đại từ xưng hô; quan hệ từ, luyện tập về quan hệ từ; ôn tập về từ loại.

+ Kiểu câu: Ôn tập về dấu câu (dấu chấm, chấm hỏi, chấm than); Ôn tập về dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang.

+ Liên kết câu: Liên kết câu trong bài bằng phép lặp từ ngữ, liên kết câu trong bài bằng phép thay thế từ ngữ; liên lết bằng phép nối.

- Các kiểu bài học Luyện từ và câu ở lớp 5 có thể chia thành hai dạng: bài lí thuyết và bài luyện tập.

+ Bài học lí thuyết là những bài được đặt tên theo mạch kiến thức nào đó và thường có phần ghi nhớ được đóng khung. Cấu trúc mỗi bài học lí thuyết gồm 3 phần: Nhận xét, Ghi nhớ, Luyện tập. Phần Nhận xét đưa ra những câu hỏi, bài tập để HS nhận xét, phân tích. Phần Ghi nhớ là kiến thức trọng tâm, là bài học hay quy tắc mà HS cần nhớ. Phần Luyện tập là những bài tập để HS vận dụng kiến thức vừa học.

+ Bài Luyện tập gồm những bài tập để HS thực hành.

1.2.2.4. Hệ thống bài tập luyện từ và câu trong môn Tiếng Việt lớp 5

Các bài tập luyện từ và câu lớp 5 được chia thành 2 dạng lớn, đó là bài tập làm giàu vốn từ và bài tập theo các mạch kiến thức, kĩ năng về từ và câu.

Căn cứ vào 4 mức độ của các câu hỏi, bài tập luyện từ và câu (theo Thông tư 22) đã trình bày ở trên, hệ thống các bài tập luyện từ và câu trong SGK Tiếng Việt lớp 5 được phân chia như sau:

Bảng 1.2. Thống kê bài tập Luyện từ và câu phân chia theo 4 mức độ


Mức độ

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Mức 1

53

28,3

Mức 2

64

34,2

Mức 3

57

30,5

Mức 4

13

7,0

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Tổ chức dạy học Luyện từ và câu theo hướng phát triển năng lực trong môn Tiếng Việt lớp 5 - 5

Thông qua kết quả thống kê có thể nhận thấy đa phần bài tập Luyện từ và câu lớp 5 là các bài tập ở mức độ 1, 2, 3. Trong đó, số bài tập mức 1 chiếm khoảng 28% (53 bài), mức 2 khoảng 34 % (64 bài), mức 3 khoảng 30 % (57 bài). Số bài tập yêu cầu vận dụng cao, gắn với các tình huống mới có nội dung thực tiễn rất thấp, khoảng 7% (13 bài). Chính vì vậy, trong luận văn, chúng tôi tập trung nhiều vào việc điều chỉnh, bổ sung bài tập thuộc mức độ 3 và mức độ 4 nhằm giúp HS có thể sử dụng từ và câu có hiệu quả hơn.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 13/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí