tiếp của văn bản, cho nên khó tránh việc có người làm giả nhật ký, hoặc mượn nhật ký làm hình thức để viết tiểu thuyết.
Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc là trường hợp tiêu biểu.” [22, 379]
Như vậy, có thể nói rằng, nhật ký chính là những ghi chép của cá nhân về những sự kiện, những cảm xúc, suy nghĩ trước những sự kiện xảy ra trong ngày hay trong thời điểm gần.
1.2. Đặc điểm của nhật ký
Là một tiểu loại của ký nên nhật ký vừa mang những nét đặc điểm chung nhất của thể loại ký vừa mang nét riêng biệt từ đó tạo ra cái riêng của thể loại. Nhật ký có 4 đặc điểm sau:
*Thứ nhất: Ký là sự can thiệp trực tiếp của nghệ thuật vào đời sống xã hội và nhật ký cũng giống như vậy.
Nhật ký là ghi chép lại các sự kiện, cảm xúc của cá nhân trong một thời gian nhất định vì thế yếu tố đời sống chính là nguồn tư liệu làm nên giá trị của nhật kí.
Nhật ký là một loại hình nghệ thuật, một hình thức hoạt động thực tiễn- tinh thần có tham vọng can dự vào mọi lĩnh vực của đời sống. Chính vì thế nhật ký ghi được rất rõ những dấu ấn của một sự kiện, của một thời kì, của một lớp người, của một vùng miền.
*Thứ 2: Tính xác thực của nhật ký
Xuất phát từ việc ghi chép lại các mốc thời gian, sự kiện trong ngày nên nhật ký luôn có tính chân thực, chính xác. Nó phản ánh đúng hiện thực của con người và nhờ tính chính xác chân thực mà giá trị của nhật ký luôn được đề cao, thu hút người đọc.
Có thể bạn quan tâm!
- Giá trị nội dung và nghệ thuật nhật ký mãi mãi tuổi hai mươi của nguyễn văn thạc - 1
- Giá trị nội dung và nghệ thuật nhật ký mãi mãi tuổi hai mươi của nguyễn văn thạc - 3
- Giá trị nội dung và nghệ thuật nhật ký mãi mãi tuổi hai mươi của nguyễn văn thạc - 4
Xem toàn bộ 35 trang tài liệu này.
Đọc Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc chúng ta thấy cuốn nhật ký đã ghi chép chân thực những ngày tháng gian khổ mà đầy ý
nghĩa trong ngày kháng chiến hay những vất vả gian khổ, sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của người chiến sĩ. Nếu không chân thực và không mang tính bao quát được hoàn cảnh cũng như tư tưởng của thời đại thì tác phẩm chắc chắn sẽ không nhận được chào đón nồng nhiệt như vậy.
*Thứ 3: Nhật ký mang tính chất riêng tư đời thường
Trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã quan niệm về việc ghi nhật ký như sau: “Nếu như người viết nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình thì đọc cuốn nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà thực sự họ có. Nhưng nếu nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác, khác nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xảy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ nảy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối kị khi viết nhật ký. Nó sẽ dạy cho người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình” [3, 225]
*Thứ 4: Ngôn ngữ của nhật ký là ngôn ngữ trần thuật, lời văn ngắn gọn.
Nhật ký ghi chép sự việc, suy nghĩ, cảm xúc theo ngày tháng ở thì hiện tại, có thể liên tục cũng có thể ngắt quãng tùy vào người ghi nên các sự việc thường được kể lại theo lối trần thuật. Ngoài ra chúng ta còn thấy nhật ký là thể loại độc thoại, tự mình nói với mình, vì thế chúng ta luôn thấy tác giả hay nhân vật của cuốn nhật ký ở ngôi thứ nhất.
Đặc điểm lời văn của nhật ký là sự ngắn gọn, tự nhiên bởi nó là lời nói bên trong, là tiếng nói nội tâm về những sự việc riêng tư, những tâm sự thầm kín. Vì thế lời văn thường kết hợp linh hoạt giữa tự sự và trữ tình, giữa đời thường và giọng văn trữ tình mượt mà.
Như vậy có thể nói nhật ký vừa mang những nét đặc trưng chung của thể loại ký vừa mang những nét riêng biệt của nhật ký.
1.3. Tác giả Nguyễn Văn Thạc và nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi
1.3.1. Tác giả Nguyễn Văn Thạc
Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội, là con thứ 10 trong gia đình thợ thủ công. Cha mẹ có xưởng dệt nhỏ, khi chiến tranh gây phá hoại miền Bắc, gia đình anh sơ tán về xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm.
Nhà nghèo nên Thạc vừa đi học, vừa phải làm thêm phụ giúp bố mẹ nuôi sống gia đình. Anh học rất giỏi, suốt mười năm học phổ thông anh đều đạt loại giỏi toàn diện. Năm lớp 7, Thạc đạt giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp thành phố Hà Nội.
Về Cổ Nhuế, Nguyễn Văn Thạc học trường cấp III Yên Hòa B. Hàng ngày anh phải đi bộ sáu kilomet đến trường học, ngày nghỉ thì đi bộ hơn chục cây số đến tận Thư viện Hà Nội để đọc sách. Tuy vất vả nhưng Thạc đều học giỏi các môn, đặc biệt là môn Văn. Trong những năm học phổ thông anh đã có nhiều tác phẩm văn, thơ được đăng trên báo, được tuyển chọn in thành sách cùng các tác phẩm của các tác giả thanh thiếu nhi khác như Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm…
Năm lớp 10, anh đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, năm học 1969-1970. Với thành tích đó anh được xếp vào diện cử đi học đào tạo tại Liên Xô. Nhưng theo chủ trương chung, phần lớn những học sinh xuất sắc năm đó đều phải ở lại để tham gia quân đội. Trong khi chờ nhập ngũ, Thạc đã xin thi đỗ vào khoa Toán- Cơ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa học năm nhất, anh tự học thêm để hoàn thành chương trình năm thứ 2 và được nhà trường đồng ý cho lên học thẳng năm thứ 3.
Đây cũng là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kì mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học phải tạm ngừng việc học tập để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội. Nguyễn Văn Thạc đã xung phong vào bộ đội, anh nhập ngũ
ngày 6 tháng 9 năm 1971. Sau 6 tháng huấn luyện, tháng 4 năm 1972 anh bắt đầu hành quân vào chiến trường. Trong thời gian đó anh viết cuốn nhật ký "Chuyện đời" từ ngày 2 tháng 10 năm 1971 đến ngày 3 tháng 6 năm 1972. Trước khi hành quân vào chiến trường Quảng Trị, Nguyễn Văn Thạc đã gửi cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư về cho anh trai từ ngã ba Đồng Lộc. Hai tháng sau, ngày 30 tháng 7 năm 1972, Nguyễn Văn Thạc đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị khi 20 tuổi.
1.3.2. Giới thiệu cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi
Trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, biết bao mất mát và hi sinh nhân loại thế giới mới được hưởng một nền hòa bình độc lập như ngày hôm nay. Trước cuộc sống hòa bình ấm no hạnh phúc đó, giới trẻ đang mải miết chạy theo cuộc sống mới của xã hội hiện đại thì không ít các nhà văn, nhà thơ những con người của thế hệ trước lại tìm về với quá khứ xa xưa mà vĩ đại để ghi dấu một thời đại vàng son trong lịch sử dân tộc.
Không chỉ ở Việt Nam mà điều này còn xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu là Mỹ. Một trong nhưng nhà văn gây được tiếng vang lớn, cũng là người khởi đầu trong công cuộc này là Andrew Carroll, tác giả của cuốn sách War Letters, From American Wars (Những bức thư từ những cuộc chiến tranh của Mỹ), một trong những ấn phẩm bán chạy nhất của The New York Times vừa đến Việt Nam, trong chặng đường “vòng quanh thế giới”. Thời điểm đó ở Việt Nam đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng cũng phát động một cuộc sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam. Ý tưởng này của ông được rất nhiều người ủng hộ. Chỉ sau một tháng, ông đã nhận rất nhiều bức thư và cuốn sổ tay nhật ký từ khắp mọi miền đất nước gửi về, trong đó có cuốn nhật ký kể về chàng trai Hà Nội hi sinh ở chiến trường Quảng Trị khi mới bước vào tuổi 20. Hành trình nghiên cứu cuốn nhật ký ấy đã được nhà văn Đặng Vương Hưng tiến hành để cho ra mắt bạn đọc
cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi chính thức. Dưới đây là những lời kể vô cùng chân thật mà nhà văn chia sẻ để cuốn nhật ký được ra đời.
“Như một sự “hữu duyên”, đầu năm 2005 tôi đã phát hiện ra bản thảo nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đó là bản phô tô cuốn sổ dày 240 trang viết tay, mang tên Chuyện đời. Với kinh nghiệm của một người đã nhiều năm làm báo và làm thơ, tôi đã nhận ra đó là những trang tuyệt bút của một anh lính binh nhì, trước khi ra trận và hi sinh.
Bản thảo này hội tụ quá nhiều thông tin và chi tiết mang tính điển hình mà báo chí và các phương tiện tuyên truyền hồi đó đang cần. Đó là chưa kể đến số phận bi tráng của tác giả, với những trang viết đầy chất nhân văn, lí tưởng cao đẹp, tình đời và tình người... đại diện cho cả một thế hệ lính sinh viên trong kháng chiến chống Mỹ. Đó quả thực là một bản thảo có giá trị nhưng để hấp dẫn người đọc cũng như phản ánh đúng giá trị của nó thì cần có môt cái tên.
Buổi tối hôm ấy, đi uống cà phê với mấy người bạn trở về, tôi đã thức trắng đêm. Tên cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi đã chợt đến, ra đời như thế. Đó là một cái tên sách khá “đắc địa”, sau này đã trở thành phong trào “Tiếp lửa truyền thống” của tuổi trẻ cả nước.
Tìm được cái tên sách ưng ý, khiến tôi tự hài lòng và cảm giác thật sung sướng. Tôi đọc kỹ lại bản thảo một lần nữa, rồi bắt đầu thức đêm để viết lời giới thiệu Mãi mãi tuổi hai mươi hay là cuộc đời bi tráng của chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời”. Bài viết này, tôi dành nhiều tâm huyết, nên viết khá nhanh. Chưa an tâm, để tác phẩm có “sức nặng” hơn, tôi còn thuyết phục được nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941-2007) viết “lời bạt” cho cuốn sách và chuyển bản thảo đến NXB Thanh niên cho biên tập viên Nguyễn Thanh Bình biên soạn.
Ngày 2/5/2005, một buổi họp báo trang trọng và cảm động đã diễn ra tại phòng họp của Trụ sở Trung ương Đoàn (60 Bà Triệu, Hà Nội). Đã lâu lắm, NXB Thanh niên mới có một buổi họp báo giới thiệu sách mà các phóng viên đã tham dự từ đầu tới cuối chương trình. Tất cả các ý phát biểu đều cảm động và rưng rưng nước mắt.
Ngay hôm sau, 3/5/2005, trong chương trình thời sự Chào buổi sáng, VTV1 đã dành trọn thời lượng của chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách để giới thiệu Mãi mãi tuổi hai mươi.”
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Cuốn sách rất hay, rất cảm động và rất có ý nghĩa với thế hệ trẻ. Đề nghị Đoàn thanh niên vào cuộc ngay, các báo nên ủng hộ hoạt động này”. Có lẽ nhờ vậy, mà ngay trong tháng 5/2005, hầu hết các báo đều lần lượt có bài giới thiệu Mãi mãi tuổi hai mươi và cuộc đời của tác giả Nguyễn Văn Thạc.
Trải qua biết bao khó khăn cuối cùng Mãi mãi tuổi hai mươi cũng được ra đời và đến tay bạn đọc. Hành trình ra đời cuốn sách không chỉ khẳng định giá trị bên trong của nó mà còn thấy được những cố gắng, nỗ lực của một thế hệ đã qua khao khát tìm lại dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc. Cuốn nhật ký chính là ngọn lửa tiếp nối truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai, giá trị của nó sẽ còn được lưu truyền mãi về sau.
1.3.3. Giá trị và ý nghĩa của nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại
Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi ra đời đã đánh dấu một bước tiến mới của thể loại nhật ký trong dòng chảy văn học Việt Nam, nó không chỉ khẳng định tên tuổi của thể loại này mà còn thúc đẩy quá trình phát triển làm cho thể loại này ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Sức lan tỏa của nhật ký đã bùng lên “cơn sốt nhật ký chiến tranh”, gây được sức hút lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến giới trẻ bạn đọc. Cuốn sách nhanh chóng trở thành tâm
điểm của dư luận, hàng loạt bài báo được viết ra để ca ngợi giá trị, tầm ảnh hưởng mà nó mang lại. Lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản sách ở Việt Nam, số lượng xuất bản sách lại tăng đến mức đáng kinh ngạc với khoảng 300.000 cuốn sách đã được tiêu thụ, đó là một con số kỉ lục trong nghành xuất bản.
Trong một cuộc khảo sát của VN Express, cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi trở thành sách best seller người ta thống kê trong đó tính chân thật của tư liệu đạt 24,4%, nói lên ý tưởng sống của thanh niên Việt Nam thời chiến 45,1%, giàu chất văn học 4,1%, dạng kiểu nhật kí 16,8%. Như vậy, có thể thấy thành công của cuốn nhật ký bao gồm nhiều yếu tố từ mặt thế loại đến cách viết và nội dung đều góp phần làm nên giá trị của nó. Song cần khẳng định tính thời sự mà cuốn nhật ký đem lại chính là cái quan trọng nhất góp phần làm cho Mãi mãi tuổi hai mươi thành công vang dội bởi bối cảnh xã hội hiện nay có rất nhiều thanh niên chưa xác định cho mình được lối sống đúng đắn và sống có trách nhiệm. Cuốn nhật ký sau khi ra đời đã có sức lan tỏa đến thế hệ thanh niên thôi thúc họ sống có ích và cống hiến sức mình cho xã hội.
Có thể thấy giá trị mà nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi mang lại chúng ta, cuốn nhật ký đã làm rung động hàng triệu con tim của bạn đọc bởi vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết, tình yêu quê hương đất nước nồng nàn thể hiện qua những cảm nhận bình dị của tác giả trong suốt những chặng đường hành quân. Đó cũng chính là cuộc sống, con người trong một giai đoạn chiến tranh lịch sử, giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống Mỹ từ góc nhìn của những thanh niên sinh viên thời ấy. Cuốn nhật ký còn có tác dụng truyền lửa, tiếp thêm sức mạnh cho hàng loạt thê hệ thanh niên Việt Nam, luôn tin tưởng vào thế hệ cha anh đi trước và cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp phát triển nước nhà mai sau.
CHƯƠNG 2
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG THỂ HIỆN TRONG NHẬT KÝ
MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI
2.1. Hiện thực chiến tranh
2.1.1. Chiến tranh khốc liệt
Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống, lấy chất liệu từ đời sống để phản ánh đời sống đồng thời quay trở lại phục vụ cho đời sống. Từ lâu, chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh của nhân loại, nhiều nhà, thơ nhà văn đã in dấu tên tuổi và tác phẩm của mình với mảng đề tài này. Có thể kể đến Chiến tranh và hòa bình (Lep-ton-xtoi); Sông đông êm đềm (Mikhail Aleksandrovich Solokhov); Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung). Đây đều là những tác phẩm in đậm dấu ấn chiến tranh, phản ánh quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Việt Nam với tư cách là một bộ phận của văn học thế giới đã kế thừa và tiếp thu có chọn lọc mảng đề tài chiến tranh, biến nó trở thành một đề tài lớn trong văn học Việt Nam. Cùng với xu thế thời đại, lịch sử dân tộc Việt Nam từng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược nên đây là một trong những điều kiện vô cùng thuận lợi để các nhà văn, nhà thơ phản ánh hiện thực vào văn học. Từ văn học trung đại đến văn học hiện đại đề tài chiến tranh gắn liền với lòng yêu nước, ý thức dân tộc, tự chủ tự cường luôn được đề cao và khẳng định. Nếu ở thời kì văn học trung đại với sự góp mặt của các tác giả: Lí Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ … thì đến văn học hiện đại xuất hiện càng nhiều cây bút tài ba hơn nữa như Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Tố Hữu, Bảo Ninh, Chu Lai.
Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho đề tài chiến tranh trong bối cảnh đất nước đang
bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả dân tộc đang bước vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đặt dân tộc ta trước thử thách vô cùng ác liệt, gay gắt, đòi hỏi huy động triệt để mọi tinh thần và lực lượng cả dân tộc. Với tư cách là một người chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại hiện thực chiến tranh một cách chân thực và sinh động, rõ nét.
Hiện thực chiến tranh dưới con mắt của anh hiện lên vô cùng khốc liệt. Đó là hiện thực cuộc sống với những thiếu thốn, khó khăn vô cùng. Đời sống nhân dân vốn khó khăn thì nay trong cảnh chiến tranh càng trở nên khổ cực, gia đình phải li tán, mẹ xa con, vợ xa chồng, con xa cha, thế hệ thanh niên, người chồng, người cha lên đường ra mặt trận. Gánh nặng dồn nén lên vai người phụ nữ khi họ phải vừa làm mẹ vừa làm cha gánh vác công việc trách nhiệm gia đình. Trẻ thơ chịu nhiều thiệt thòi, không được cắp sách đến trường khi mà cuộc chiến đấu còn gian khổ trường kì, cuộc sống nhân dân thiếu thốn, vất vả trăm bề.
“Tội nghiệp dân ở đây cũng khổ. Nheo nhóc đến thế thì cũng hiếm. Nhà nào nhà nấy vách hở tung. Tụi trẻ bẩn thỉu và mãi tối mịt mới ăn cơm chiều.
Cuộc sống của đất nước còn nhiều lam lũ. Đầu tắt mặt tối mà nào có đủ miếng ăn. Rồi mất cắp. Rồi đánh chửi nhau. Rồi thiên tai, địch họa. Cơm độn ngô rồi còn độn sắn.” [23, 110]
Chiến tranh không chỉ làm cho đời sống nhân dân lam lũ khổ cực mà những người lính nơi chiến trường mới chính là những người chịu nhiều thiếu thốn, khổ cực. Cuộc sống nay đây mai đó khiến họ phải thích nghi, phải học cách chấp nhận. Những chàng trai như Thạc đang ngồi trên giảng đường đại học khi bước vào cuộc sống người lính vô cùng bỡ ngỡ và xa lạ nhưng họ cũng nhanh chóng hòa nhập trong môi trường tập thể, mặc dù điều đó là
không hề dễ dàng. Xuyên suốt quá trình hành quân ra trận, cuộc sống thiếu thốn được tác giả ghi lại:
“Còn nước thì mới kinh khủng chứ. Ở đây không có suối, không có giếng. Vào nhà dân thì xa quá.Vậy là rửa mặt, rửa tay chân, tắm giặt, nước ăn, tất cả đều ở trên một cái ao nhỏ xíu, cỏ đầy trên mặt nước. Nước cứ mờ mờ xanh, và chỉ khẽ khua lên là lầm đục. Đứng trên bờ thấy lợm giọng vì mùi tanh. Ôi chao, kinh sợ quá đi mất.
Hôm đầu đi với Tâm, nhìn mấy đứa đang tắm, khắp người ghẻ kềnh càng thấy gai cả người. Giá ở nhà mình chẳng dám xuống rửa chân nữa, thế mà ở đây, lại múc nước lên để đánh răng, rửa mặt và múc cả nước về lán đun lên uống nữa. Eo ơi đừng ai nhổ nước bọt đấy. Cuộc sống bộ đội rồi còn ác liệt hơn thế nhiều, gian khổ và vất vả hơn thế nhiều.” [23, 156]
Không chỉ trong sinh hoạt, những đêm hành quân gian khổ được Nguyễn Văn Thạc ghi lại đầy ám ảnh. “Nửa đêm, trời nổi gió- mưa lớn anh Tuyến phải dậy che lại lán, gió giật đùng đùng. Lạnh quá, mình và Quang lấy võng bạt ra đắp. Được một lát thấy lành lạnh, tỉnh giấc thấy vách lán bị bật, gió mưa tha hồ tốc vào. Màn và võng ướt hết. Che đậy xong, nằm ngủ thì có còi, lại dậy. Lúc ấy là 2 giờ sáng. [23, 182]
Chiến tranh không chỉ thiếu thốn mà nó còn khốc liệt bởi nơi chiến trường đầy rẫy nguy hiểm, hi sinh mất mát. Đó là những điều không ai có thể biết trước được nhưng những người lính vẫn kiên cường dũng cảm, bám trụ, các anh ra đi không chỉ vì nghĩa vụ của Tổ quốc mà còn vì trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước dân tộc, muốn cống hiến sức mình cho Cách mạng. Vì thế dù là hiểm nguy luôn rình rập, cái chết cận kề đến đâu, họ vẫn sẵn sàng chiến đấu cho độc lập, tự do.
“Chiều nay, máy bay địch ra rất nhiều. Từ bên Lào và cả từ ngoài biển. Lúc ăn cơm xong, thấy ầm ầm trên đầu, mình chạy vội ra sân thì thấy 5 cặp
máy bay rất chậm từ phía Quảng Bình ra. Nó bay như đi dạo vậy- phía núi thì ba cặp. Rồi sau đó, rất nhiều, rất nhiều cặp bay vào, dọc theo con sông nhỏ, nó phì khói đen ở đuôi, nghiêng cánh và bay rất thấp. Bọn mình đứng ở dưới mà tức lộn ruột. Đất nước của mình mà nó bay vào tự nhiên và láo xược như thế.” [23, 203]
Những dòng tâm sự của Nguyễn Văn Thạc khiến chúng ta càng tự hào hơn về thế hệ anh bộ đội cụ Hồ, những anh hùng của thời đại. Họ luôn mang trong mình phẩm chất quý báu kiên cường, dũng cảm trong mọi hoàn cảnh. Chính nhờ tinh thần đó mà dân tộc Việt Nam đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc tái hiện cho người đọc bức tranh hiện thực chiến tranh khốc liệt, nó không chỉ tàn phá cuộc sống của con người mà còn gây ra biết bao đau thương mất mát. Đọc từng câu chữ chúng ta mới cảm nhận thấm thía được sức tàn phá mà chiến tranh mang đến cho con người, cảm nhận được sự căm thù những kẻ xâm lược, kẻ đã cướp đi hòa bình của đất nước Việt Nam trong suốt ba mươi năm và tinh thần chiến đấu quả cảm, ý chí của những người lính: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
Trong Trường ca những người đi tới biển của Thanh Thảo, ông viết: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
2.1.2. Chiến tranh với những mất mát đau thương
Chiến tranh chưa bao giờ là hạnh phúc với loài người. Ở đó chỉ có máu, nước mắt, những tổn thất đau thương. Cái giá của hòa bình, độc lập hôm nay đã phải trả bằng biết bao tính mạng, bao con người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xa quê hương. Hiện thực đó nếu không được tận mắt chứng kiến
chắc chúng ta không thể nào hình dung và cảm nhận được. Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc đã tái hiện chiến trường khốc liệt, những cái chết thương tâm, sự hi sinh cao cả vì tự do Tổ quốc.
“Đêm ấy, thật đau lòng. Hồi chiều, bị ném 40 quả bom. Điện bị đứt lung tung. Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm. Ở ngay trước ngõ là một bát hương hiu hiu khói. Anh Phúc bị bom tiện đứt cả chân tay, nằm trong chiếc quan tài đỏ, ngọn đuốc nứa thổi phừng phừng, cái xe bò lăn lộc cộc…Sao giống “chiếc quan tài” như thế.”
Không suốt đời ta không quên em bé miền Nam đập tay lên vũng máu.
Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát- cái biển mênh mông của tuổi
thơ hồn nhiên nhí nhảnh.
Ta ngồi đây, thanh bình như thế. Nhưng cuối trời Tổ quốc, bao nhiêu
con người ưu tú của dân tộc đang đổ máu đang giập gãy từng khúc xương,
đang bị kẻ thù đày đoạ và các đồng chí của ta, anh Giải phóng quân kiên
cường đang nín thở đợi chờ xung trận, đang đói rét và đau nhói vết
thương, trên một cánh rừng già.” [23, 52]
Chiến tranh được Nguyễn Văn Thạc ghi lại trong trận chiến khác: “Nghĩ điều vớ vẩn ấy làm gì khi ở nhà vừa xảy ra một việc, 8h sáng ngày 4/5, máy bay địch đã bắn đúng khu nhà của B thông tin và D bộ. Vì về gần nhà bọn mình mới biết, 4 quả bom đã phá sạch, phá tan tành và xơ xác ngôi trường cấp 1 bên cạnh. Ngôi trường đẹp và thoáng mát. Cô giáo mặc áo trắng, khoác khăn ngụy trang xanh và những em bé hiền lành, hay nghịch ngợm. Hôm nào mình còn nghe các em ca múa chuẩn bị cho ngày kết thúc năm học- Hôm nay các em ở đâu- Và có em nào chết?
Bộ đội dùng lại trước ngôi trường hôm qua tan tác vì bom đạn địch. Hố bom đen kịt, gỗ ngổng ngang, đất đá tơi bời- Có mùi tanh và khét lẹt. Hầm sập- 5 em nhỏ đã bị chết và một số bị thương” [23, 244]
Những trang viết chân thật mà nghẹn ngào, chiến tranh tàn khốc đã cướp
đi sinh mạng của bao thế hệ lớn nhỏ, biết bao người cha, người chồng không thể trở về sum họp gia đình, bao chàng thanh niên vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Sự hi sinh của họ đã vùi lấp những hố bom, mảnh đạn để ngày mai đất nước này lại tươi sáng, hòa bình được lặp lại.
Nguyễn Văn Thạc đã tái hiện lại bối cảnh chiến tranh với những tình cảm gần gũi và chân thật, đầy đau đớn và xót xa. Đó là bức tranh về chiến trường khốc liệt, bom đạn luôn rình rập, cái chết cận kề. Nhiều thế hệ thanh niên đã phải chôn mình dưới hố bom, lấy thân mình làm lá chắn cho bom đạn, họ ra đi mãi mãi ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, lứa tuổi còn đang tràn đầy nhựa sống, khát vọng tuổi trẻ. Bên cạnh những cái chết thương tâm ấy là hiện thực cuộc sống con người trong bối cảnh chiến tranh, họ không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng tinh thần của họ luôn hướng về chiến trường, cuộc sống của họ cũng theo nhịp đập của chiến tranh chung cảnh nghèo khổ, thiếu thốn. Ngòi bút của Nguyễn Văn Thạc đã giúp chúng ta hiểu hơn về bối cảnh xã hội những năm tháng chiến tranh và thấy được những mất mát đau thương mà chiến tranh gây ra cho con người Việt Nam.
2.2. Hiện thực con người
Đặc trưng của nhật ký chính là viết cho chính mình, nên cái tôi trong nhật ký hiện lên chân thực, rõ nét. Trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, bức chân dung tác giả thể hiện trên nhiều phương diện: Đó là cái tôi cá nhân, cá thể với những suy tư trăn trở, cái tôi trong mối quan hệ với tình cảm quê hương đất nước, đồng chí, đồng đội, tình yêu lứa đôi.
2.2.1. Cái tôi khao khát thực hiện lí tưởng
Trang nhật ký đầu tiên của Nguyễn Văn Thạc bắt đầu từ ngày 2.10.1971 ghi lại cuộc hành trình huấn luyện, những đêm gác đầu tiên của người lính trẻ những cảm xúc xốn xang, một ý chí đầy nghị lực. Đọc những câu văn sau ta tưởng chừng như mình đang lạc vào một bài thơ, một bản tình ca cho cuộc chiến đấu vĩ đại của ông cha ta. Dáng đứng tầm vóc của anh bộ đội cụ Hồ
hiện lên sừng sững.
“Em đừng cười vì bộ quân phục thùng thình. Mẹ ta nghèo, rau cháo nuôi ta, đau khổ bốn nghìn năm, chắt chiu từng hạt gạo để nuôi ta. Để bây giờ ta lớn. Phải lớn lên phải to ra cho kịp tầm cao của lịch sử. Cánh tay này sẽ bóp nghẹt cổ quân thù.” [23, 34]
Đó không còn chỉ là những lời tâm sự mà ẩn sâu bên trong đó là một ý chí chiến đấu, khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nó làm ta liên tưởng đến những vần thơ ca ngợi đất nước, ca ngợi con người của nhà thơ Thanh Hải trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”:
“Đất nước bốn ngàn năm vất vả và gian lao Đất nước như vì sao vững vàng lên phía trước”
Khao khát chiến đấu, xả thân vì đất nước được Nguyễn Văn Thạc tiếp tục tái hiện bằng ngòi bút chân thực.
15.11.1971
“Thằng Mỹ nó thế nào? Trời ơi, sao lâu quá. Bây giờ cái khao khát nhất của ta – cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, vào Sài Gòn – xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù.”
Câu văn đầy dứt khoát, đầy mạnh mẽ nó chính là khao khát chiến đấu, khao khát độc lập của anh lính binh nhì khi chứng kiến cảnh xóm làng tan tóc, chứng kiến cảnh chết chóc, đau thương. Những em bé kia- tuổi thơ của chúng hồn nhiên, nhính nhảnh, biết bao nụ cười và ước mơ chưa kịp lóe sáng đã bị cướp đi bởi chiến tranh. Chàng trai ấy không thể làm gì, anh khao khát được vào chiến trường kia để chiến đấu. Hình ảnh “xọc lê vào thỏi tim đen” là một hình ảnh đầy ý nghĩa, nó cho thấy sự căm hờn đã chuyển vào đôi mắt của anh, những tên lính Mỹ giống như những kẻ không có trái tim, trái tim đó không còn màu đỏ của sự sống nữa mà nó là màu đen màu của chết chóc, của tăm tối.
“Anh hãy nghĩ: Kia đúng là thằng Mỹ, là kẻ thù và ghìm súng vào ngực nó. Đừng lo bắn vào quả tim người, chúng nó chẳng có tim đâu.” [23, 62]
Khi đồng đội người được phân công nhận nhiệm vụ, cả trung đoàn vẻn vẹn chỉ có mấy người nhưng Thạc vẫn luôn tự động viên chính mình, tự nhủ bản thân phải cố gắng, kiên cường hơn nữa. Lời nói của anh không chỉ là lời tự thú, tự nhủ với lòng mình mà đó còn là lời dạy bảo của anh đến các thế hệ mai sau, những người nối tiếp anh. Nó như sức mạnh, niềm tin để anh tồn tại.
“Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi mất nghị lực luôn hun cháy trong lòng mình. Đó mới là điều quan trọng.” [23, 90]
“Đi bộ đội với mình không chỉ là đánh giặc. Được sống những ngày oanh liệt và vẻ vang nhất của đất nước, khi mà dân tộc ta đang thắng lớn và bước nhanh đến ngày thắng lợi hoàn toàn, mình phải viết. Phải viết với tất cả năng lực của mình có được. Phải viết với sự say mê, cố gắng hết sức của bản thân. Viết với bao nhiêu gửi gắm và tin tưởng của bạn bè đối với mình.” [23, 210]
Anh luôn tự động viên và tự mình lấy lại tinh thần cho chính mình. Người chiến sĩ ấy khiến chúng ta cảm phục. Những lời nói trong nhật ký của Nguyễn Văn Thạc cũng chính là những gì anh gửi gắm lại cho thế hệ mai sau: sống là phải hi vọng và luôn hi vọng. Nếu cuộc sống chỉ mới vấp ngã mà ta đã sợ hãi chùn bước thì con đường ta đi không thể nào đến đích được. Người chiến sĩ ấy muốn ghi lại tất thảy khó khăn, những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc bằng sự cống hiến của bản thân mình. Đó không chỉ là cho cá nhân anh mà nó còn góp phần cổ vũ sức mạnh, ý chí chiến đấu, tiếp tục kiên trì của đồng đội đối với cuộc kháng chiến cam go, khốc liệt, lâu dài. Cũng chính nhờ những trang nhật ký ấy, những dòng suy nghĩ ấy mà ngày hôm nay Nguyễn Văn Thạc được bạn đọc biết đến, một chàng trai tuổi hai mươi đầy hoài bão và lí tưởng đang đứng trong hàng ngũ của cách mạng, sống và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng những năm tháng gian khổ nhất của dân tộc.