(ii). Các quy định, chính sách kinh doanh và quản trị rủi ro vừa yếu, vừa thiếu, vừa không đồng bộ
Điều này thể hiện rõ nhất ở việc tới gần đây, theo một đề án của NHNN Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ, các NHTM Việt Nam mới được yêu cầu xây dựng sổ tay tín dụng sử dụng trong hoạt động cho vay, cầm cố, thế chấp. Tuy nhiên, các tài liệu này ở nhiều nơi mang tính hình thức, không được coi là cơ sở cho mọi quyết định tín dụng.
Mặt khác, hầu hết các quy trình sau chưa có hoặc chưa đầy đủ, không mang tính hệ thống tại các NHTM Việt Nam:
+ Quy trình về Thanh toán XNK và Tài trợ thương mại
+ Quy trình về Xử lý nợ tồn đọng và Thu hồi nợ
+ Quy trình về Kinh doanh ngoại tệ
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Công Tác Thanh Tra, Giám Sát Hoạt Động Và Tuân Thủ Các Quy Định Pháp Luật Của Hệ Thống Ngân Hàng Việt Nam Theo Hiệp Ước Basel
- Một Số Hạn Chế Trong Công Tác Thanh Tra, Giám Sát Hệ Thống Nhtm Việt Nam Hiện Nay
- Đánh Giá Chung Về Hoạt Động Quản Trị Rủi Ro Trong Kinh Doanh Của Các Nhtm Việt Nam Theo Hiệp Ước Basel
- Định Hướng Chiến Lược Phát Triển Và Hội Nhập Của Ngành Ngân Hàng Việt Nam
- Giải Pháp Tăng Cường Công Tác Quản Trị Rủi Ro Trong Kinh Doanh Của Các Nhtm Việt Nam Theo Hiệp Ước Basel
- Sáp Nhập Các Ngân Hàng Thương Mại Để Tăng Quy Mô Vốn Tự Có
Xem toàn bộ 277 trang tài liệu này.
+ Quy trình về Cân đối vốn (Banking book) và Đầu tư (Trading book)
+ Quy trình Rà soát, giám sát và kiểm toán (hay đảm bảo tuân thủ)
+ Quy trình thu thập, tổng hợp và công bố thông tin
(iii). Năng lực trình độ cán bộ thấp, thiếu kinh nghiệm
Đây là một thực tế chung không chỉ của ngành ngân hàng mà của toàn bộ nền kinh tế, do Việt Nam mới xây dựng nền kinh tế thị trường được hơn 20 năm. Hầu như trong công tác quản trị rủi ro, các kinh nghiệm, kiến thức về quản trị doanh nghiệp nói chung, quản trị rủi ro nói riêng còn sơ khai. Hầu như các phương pháp quản trị rủi ro như thống kê, lượng hoá, các công cụ như mô hình hoá, dự báo...sử dụng những tham số kinh tế lượng (VAR, an-pha, bê-ta, độ lồi, tuyến tính...) chưa được áp dụng tại bất kỳ NHTM nào.
Các NHTM hiện nay đang đứng trước thách thức chảy máu chất xám và thiếu nghiêm trọng về nhân lực trình độ cao. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học cao (từ 40% đến 70%) không có nghĩa là năng lực trong công việc đủ đáp ứng yêu cầu, do khâu đào tạo tại các bậc đại học còn yếu kém, hơn nữa trong bản thân ngân hàng không có chính sách đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Trong khi công nghệ thông tin
đang ngày càng trở nên quan trọng và là động lực hoạt động và phát triển của NHTM, số lượng cán bộ CNTT có trình độ sẵn sàng làm cho ngân hàng không phát triển, thậm chí còn giảm đi do chuyển sang các công ty tin học, phần mềm có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế khuyến khích, động viên, thu hút, nuôi dưỡng nhân lực.
(iv). Công nghệ lạc hậu, lỗi thời
Tính đến trước thời điểm năm 2005, hầu hết các NHTM vận hành và quản lý hoạt động của mình trên những hệ thống phân tán, không tập trung. Dữ liệu không được lưu trữ và xử lý đáp ứng yêu cầu quản trị kinh doanh. Kể cả những ngân hàng tiên tiến nhất về công nghệ (Vietcombank, Vietinbank) vẫn sử dụng những hệ thống độc lập để quản lý các nghiệp vụ khác nhau. Tại ngân hàng Công thương, tiền gửi được quản lý bằng chương trình SAMIS, Kế toán và Cho vay quản lý trong chương trình MISAC... Từ năm 2005 đến nay, các NHTM này mới đầu tư một hệ thống ngân hàng cốt lõi gồm những cấu phần chủ yếu như: Tiền gửi, Cho vay, Sổ cái, Tài trợ thương mại, Ngân quỹ, Thẻ..., tuy nhiên trình độ sử dụng còn thấp, vẫn phụ thuộc nhiều vào đối tác nước ngoài cung cấp giải pháp. Hoàn toàn chưa có NHTM nào có hệ thống phân tích số liệu để tính toán rủi ro.
2.3.2.2. Nguyên nhân tồn tại
Theo kết quả khảo sát tại 21 NHTM Việt Nam, 95,24% các ngân hàng nhận thức được rằng công tác quản trị rủi ro có vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, 100% các ngân hàng đều rất quan tâm tới Hiệp ước Basel và 90,48% ngân hàng đánh giá rằng Hiệp ước Basel có vai trò quan trọng trong việc củng cố an toàn tài chính cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, những yếu tố gây khó khăn nhiều nhất đối với việc áp dụng Basel trong quản trị rủi ro kinh doanh của hệ thống NHTM Việt Nam được các ngân hàng chỉ ra bao gồm nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ điều kiện, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, và cơ sở pháp lý còn sơ sài và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, mặc dù khi được hỏi, các NHTM đều khẳng định vai trò quản trị rủi ro là rất quan trọng, song thực tế, các NHTM lại không tập trung đầu tư vào năng lực quản trị rủi ro như tuyên bố. Cụ thể: 85,71% các ngân hàng ưu tiên mở rộng quy mô tổng tài sản trong chiến lược hoạt
động của ngân hàng; 71,43% ngân hàng tập trung vào mục tiêu thứ hai là tăng vốn chủ sở hữu để đạt tốc độ tăng tài sản lớn hơn. Hoạt động đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin tập trung, xây dựng năng lực quản trị dữ liệu là hoạt động quan trong nhất nhưng lại được các ngân hàng xếp ưu tiên chiến lược thấp nhất (Xem thêm trong phụ lục số 06). Ngoài ra, một số nguyên nhân tồn tại khác cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy mô vốn của các NHTM nhỏ, trong khi tầm hoạt động lại lớn.
Điều này đặc biệt đúng đối với các NHTM Nhà nước, với mạng lưới bao phủ khắp toàn quốc và số lượng cán bộ nhân viên lên tới hàng chục nghìn người. Trong hoàn cảnh đó, mô hình quản lý phân tán vẫn còn tồn tại. Việc xây dựng mô hình tổ chức dựa chủ yếu trên ý kiến chủ quan và kinh nghiệm, thiếu tính khoa học và thực tiễn.
Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ bé cộng với tỷ suất lợi nhuận không cao dẫn đến đầu tư cho công nghệ hiện đại bị hạn chế. Trong khi đó, mức đầu tư vào nâng cấp công nghệ ngân hàng bình quân một năm của những ngân hàng lớn trên thế giới (ví dụ: Citibank, JP Morgan, SMBC, Mizuho, HSBC, Standard Chartered Bank…) từ khoảng 800 triệu USD đến 1,2 tỷ USD (theo Fitch Ratings), lớn hơn vốn của 4 NHTM Nhà nước cộng lại.
Thứ hai, các ngân hàng vẫn chưa chú trọng vào công tác xây dựng chính sách, quy trình, quy chế.
Trong điều kiện nền kinh tế phát triển nhanh chóng, các NHTM chú trọng nhiều hơn vào việc mở rộng mạng lưới, danh mục sản phẩm dịch vụ hơn là xây dựng các chính sách, quy trình đầy đủ để kiểm soát rủi ro. Một ví dụ rõ ràng là hầu hết các NHTM đều cung cấp các dịch vụ FX để phục vụ nhu cầu ngoại tệ của khách hàng ngày càng tăng khi các doanh nghiệp mở rộng xuất nhập khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các NHTM chưa có một cơ chế đầy đủ để kiểm soát rủi ro thị trường ngoại hối. Đến nay, mới chỉ có một số ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, ACB xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 cho vài hoạt động chủ yếu gồm: cho vay, bảo lãnh và thanh toán tại Trụ sở chính của ngân hàng.
việc.
Thứ ba, công tác tuyển dụng và đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công
Trong khi hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng là một hoạt động phức
tạp, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có một kiến thức vừa tổng hợp, vừa chuyên sâu về kinh tế, kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, pháp luật, ngoại ngữ. Trong khi đó, công tác tuyển dụng chưa đặt ra được các yêu cầu tối thiểu năng lực làm việc với từng vị trí, chức danh công việc, cùng với đó là việc sử dụng lao động theo kiểu cứng nhắc, thiếu linh hoạt và cơ chế lương không phù hợp dẫn đến không tối ưu hoá được năng suất lao động của từng vị trí. Hầu hết cán bộ ngân hàng đều không có kiến thức về hàng hoá và thị trường, trong khi hoạt động ngân hàng là hoạt động gắn liền với sản xuất và kinh doanh. Ví dụ: quyết định tài trợ nhập khẩu một mặt hàng nhưng cán bộ ngân hàng phụ trách giao dịch đó không có kiến thức về công dụng, chủng loại, giá cả và thị trường của hàng hoá đó.
Một số nguyên nhân khách quan:
- Cơ chế điều hành hoạt động tiền tệ, tỷ giá của NHNN Việt Nam dẫn đến việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng, làm cho NHTM không chủ động trong việc thay đổi chính sách và chiến lược kinh doanh.
- Hạ tầng viễn thông của Việt Nam còn ở mức thấp, chi phí cao dẫn đến hạn chế tốc độ tự động hoá và số hoá trong giao dịch ngân hàng, không hỗ trợ được công tác quản trị điều hành. Ví dụ: chi phí thuê một đường truyền dữ liệu bằng cáp quang của một đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông từ một điểm giao dịch về trung tâm xử lý của ngân hàng rất cao, thường là trên 10.000 USD/năm cho một đường truyền tốc độ 128 kps. Tại phần lớn địa phương vẫn phải sử dụng đường truyền Dial-up với tốc độ 56 kps, không đảm bảo tốc độ xử lý các giao dịch tài chính của ngân hàng.
- Số lượng các công ty cung cấp giải pháp, phần mềm phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, từ các chương trình tác nghiệp đến hệ thống giải pháp quản lý tại Việt Nam chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu về công nghệ của các NHTM. Phần lớn các giải pháp công nghệ trong ngân hàng hiện nay phải nhập từ nước ngoài, dẫn đến tình trạng lệ thuộc và hạn chế khả năng cải tiến, mở rộng.
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến hiện trạng công tác quản trị rủi ro còn ở mức yếu kém của các NHTM Việt Nam hiện nay. Để khắc phục được những tồn tại đó, đòi hỏi phải có một nỗ lực mạnh mẽ từ bản thân các NHTM cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng khác để xây dựng một môi trường tổng thể các yếu tố, điều kiện giúp các NHTM nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đủ sức đối mặt với những thách thức cạnh tranh từ bên ngoài trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG KINH DOANH CỦA CÁC NHTM VIỆT NAM THEO HIỆP ƯỚC BASEL
3.1. Đánh giá khả năng áp dụng Hiệp ước Basel trong công tác quản trị rủi ro tại các NHTM Việt Nam
3.1.1. Sự cần thiết phải tăng cường công tác quản trị rủi ro trong kinh doanh của các NHTM Việt Nam theo Hiệp ước Basel
Việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tháng 11/2006 là một mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu thời kỳ bắt đầu hội nhập sâu hơn của nền kinh tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng gia tăng, những bất ổn khó lường của thị trường toàn cầu ngày càng mạnh mẽ hơn và tiến bộ công nghệ đang có những tác động mạnh đến sự phát triển hệ thống tài chính trong nước và toàn cầu.
Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam phải ký kết hàng loạt hiệp định song phương và đa phương với hầu hết các nước thành viên WTO theo nguyên tắc cơ bản và lộ trình mở cửa được quy định trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) trong khuôn khổ WTO như chế độ đối xử quốc gia (NT), quy chế tối huệ quốc (MFN), tính minh bạch của các chính sách liên quan đến hoạt động thương mại dịch vụ. Hiệp định thương mại Việt Mỹ (VN-US BTA) và Hiệp định khung về thương mại dịch vụ (AFAS) trong khuôn khổ ASEAN đã chứa đựng những nội dung của GATS, chỉ khác nhau về thời điểm hiệu lực.
Theo VN-US BTA, các cam kết mở cửa dịch vụ ngân hàng được thực hiện theo lộ trình 9 năm trước khi mọi hạn chế đối với các NHTM Mỹ được bãi bỏ. Từ thời điểm tháng 12/2010, các NHTM Mỹ có thể thành lập các ngân hàng con 100% vốn và hoạt động trên tất cả các mặt nghiệp vụ tại thị trường Việt Nam.
Trong khoảng thời gian 9 năm từ năm 2001, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ được phép cung cấp 12 phân ngành dịch vụ ngân hàng theo lộ trình 7 mốc. Theo lộ trình này, Việt Nam phải loại bỏ dần những hạn chế đối với các NHTM Mỹ, cho phép họ được tham gia với mức độ tăng dần vào mọi hoạt động ngân hàng trên thị trường. Có nhiều loại hình dịch vụ trùng với lĩnh vực hoạt động
của các NHTM Việt Nam như thanh toán quốc tế, đầu tư dự án, tài trợ thương mại. Ngoài ra, hàng loạt các nghiệp vụ ở mức phát triển cao hiện các NHTM Việt Nam chưa thực hiện như môi giới tiền tệ, kinh doanh các sản phẩm phái sinh, tư vấn sáp nhập, mua lại... Nhìn chung các NHTM Mỹ có ưu thế về công nghệ và trình độ quản lý hơn hẳn các NHTM Việt Nam. Sức ép cạnh tranh đối với các NHTM trong nước sẽ tăng lên cùng với việc nới lỏng các quy định về hoạt động của các NHTM Mỹ, nhất là những ràng buộc được coi là hàng rào bảo hộ hiện nay như hạn chế về nhận tiền gửi VNĐ, phát hành thẻ tín dụng và dịch vụ ATM. Thị phần của các NHTM trong nước sẽ giảm dần, nhất là tại những thành phố lớn, khu đông dân cư, khu công nghiệp, chế xuất...Ngoài ra, sức ép cạnh tranh lên hệ thống NHTM trong nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu sau:
- Thị trường tín dụng (kể cả bán lẻ và bán buôn). Cạnh tranh về cho vay sẽ trở nên gay gắt hơn khi các ngân hàng nước ngoài đã hiểu rõ thị trường Việt Nam và môi trường pháp lý đảm bảo cho họ xử lý rủi ro để thu hồi nợ trong trường hợp cần thiết. Trong đó, việc cho phép các ngân hàng nước ngoài tham gia tái cấp vốn, tái chiết khấu, thực hiện giao dịch SWAP, FORWARD từ ngân hàng trung ương sẽ giúp các ngân hàng này bù đắp một phần vốn huy động VNĐ còn bị hạn chế theo lộ trình;
- Dịch vụ thanh toán và chuyển tiền. Đây là lĩnh vực có ưu thế tuyệt đối về công nghệ, vốn đầu tư của các NHTM nước ngoài.
- Dịch vụ tư vấn, môi giới kinh doanh tiền tệ, hỗ trợ phát triển và phục hồi doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực các NHTM nước ngoài có thế mạnh về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn so với NHTM Việt Nam.
Thực tế, năm 2007 là năm đầu gia nhập WTO, hoạt động của ngành ngân hàng có bước phát triển khá ấn tượng, tăng mạnh cả về tổng phương tiện thanh toán và đặc biệt là tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (tăng trên 50%), song đây cũng là một năm nới lỏng trong điều hành chính sách tiền tệ nên lạm phát đã có phần gia tăng (tỷ lệ lạm phát là 12,69%). Tuy nhiên, sang năm 2008 lại là một năm quá khó khăn với ngành ngân hàng. Lạm phát tăng cao nên hầu như mọi hoạt động liên quan đến tài chính tiền tệ đều phục vụ cho mục tiêu kiềm chế và giảm lạm phát.
Song song đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra từ nước Mỹ, tiếp đến là những nền kinh tế hùng mạnh và phát triển nhất như Tây Âu, Nhật Bản,… đã gây ra ảnh hưởng mọi mặt đến nền kinh tế xã hội nước ta, trong đó có hoạt động kinh doanh của các NHTM, làm cho tỷ lệ nợ xấu gia tăng, lợi nhuận giảm thấp. Năm 2009, 2010 và 2011, hệ thống ngân hàng tiếp tục phải tập trung thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có việc phấn đấu giảm lãi suất huy động và cho vay (ở mức trên dưới 14%) nên nhiều NHTM cũng không thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Cũng kể từ khi mở cửa thị trường tài chính, số lượng các ngân hàng có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý tham gia vào thị trường tài chính nội địa ngày càng tăng. Một số ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã bắt đầu thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Do đó, để tăng vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh, các NHTM Việt Nam tích cực tìm đối tác đầu tư chiến lược cả đối với các đơn vị và ngân hàng trong và ngoài nước. Đến giữa năm 2008 đã có ít nhất 10 ngân hàng trong nước ký kết với các đối tác là ngân hàng nước ngoài với tỷ lệ vốn từ 10 đến 20% gồm Sacombank với ANZ, Á Châu với Standard Charterd, Techcombank với HSBC, VPbank với OCBC, ngân hàng Phương Đông với BNP Paribas, Ngân hàng Phương Nam với UOB, Habubank với Deutsche Bank, Eximbank với Sumitomo Mitsui, An Bình với Maybank và Seabank với Societe Genrale. Đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng tiếp tục ký hợp đồng đầu tư chiến lược với các đối tác nước ngoài, trong đó có ngân hàng Á Châu, VIBank và Vietinbank.
Trên bình diện quốc tế, các ngân hàng có xu hướng áp dụng các chuẩn mực của Basel để tiện cho việc so sánh, đối chiếu về mức độ lành mạnh. Cũng như hệ thống ngân hàng các nước khác, an toàn, hiệu quả và bền vững là những mục tiêu mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng tới. Bởi vậy, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế nhằm quản trị rủi ro và đánh giá an toàn hoạt động ngân hàng (Basel) là rất cần thiết để cải thiện sự ổn định của hệ thống tài chính và đảm bảo hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nói cách khác, cần phải áp dụng các nguyên tắc quản trị rủi ro theo Hiệp ước Basel trong hoạt động của các NHTM Việt Nam nhằm đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: