Những Vấn Đề Đặt Ra Trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Ở Hưng Yên Hiện Nay Và Một Số Giải Pháp

cả những con người bình thường. Nó không chỉ là những con người ở trong đất nước Việt Nam, mà có cả những Mẫu xuất thân từ bên nước khác.

Điều này đã được minh chứng thông qua hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu ở các cơ sở thờ tự tiêu biểu của Hưng Yên là đền Ghênh, đền Mẫu, đền Thiên Hậu và đền Bảo Châu. Ở đây, người ta bắt gặp những nghi thức cúng Thánh Mẫu mang đặc trưng riêng của loại hình tín ngưỡng này và những hoạt động sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các nghi lễ trang nghiêm, long trọng và hoạt động lễ hội diễn ra náo nhiệt với sự ủng hộ to lớn từ nhân dân. Tất cả đã tạo nên sự phong phú, độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên.

Chương 3: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở HƯNG YÊN HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP

3.1. Nhận định và những vấn đề đặt ra trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên hiện nay

3.1.1. Nhận định về thực trạng tín ngưỡng thờ Mẫu

Hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu Hưng Yên hiện nay chịu sự tác động của những điều kiện lịch sử và xã hội hiện tại. Đó là tổng hòa những yếu tố chủ quan và khách quan trong đời sống xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng dân gian bản địa. Lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan ban ngành trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và lòng yêu nước, yêu nền độc lập, tự do, dân chủ nên nhân dân ta đã có cả tình yêu đối với tất cả các di sản văn hóa quý báu mà ông cha để lại. Vì thế, các giá trị văn hóa truyền thống đã nhanh chóng được phục hồi và khởi sắc khắp nơi.

Đất nước Việt Nam ta đang trên đường đổi mới, hòa nhập và Hưng Yên cũng nằm trong quá trình đó. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, tinh thần thoải mái nên người dân có điều kiện để chăm lo tới các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng. Hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên hiện nay có những biểu hiện không đơn giản. Tín ngưỡng thờ Mẫu bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau trong xã hội và hiện tại nó đang tồn tại ở trạng thái vận động, biến đổi, đan xen các yếu tố truyền thống - hiện đại, cái tiêu cực - cái tích cực.

- Nghi lễ thờ cúng ngày càng được hiện đại hóa. Quá trình thức hiện nghi lễ có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như: hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy tạo khói… Trong cung cấm của Mẫu cũng được trang hoàng bởi các loại đèn màu sắc rực rỡ; Đồ lễ, vàng mã cũng có bóng dáng của các vật phẩm hiện đại: rượu tây, thuốc lá, nước ngọt, biệt thự, xe hơi, đô la, điện thoại…

Hầu đồng ngày càng được phổ biến rộng rãi trong các cơ sở thờ tự. Trong nghi lễ Hầu đồng có những giá trị văn hóa cần quan tâm. Ví dụ, trong lúc lên đồng những trang phục và màu sắc tương ứng với các vị thánh nhập vào các ông đồng, bà đồng thường mặc như: áo, khăn, đồ trang sức… cầu kỳ và đa dạng. Đây cũng là một hình thức lưu giữ những trang phục cổ truyền của dân tộc.

- Chủ thể thờ cúng phong phú và đa dạng cả về thành phần và địa vị xã hội. Trước kia, những ông Đồng, bà Đồng chủ yếu là những người đã lập gia đình ở vùng nông thôn. Ngày nay, có cả những thanh niên chưa lập gia đình, thậm chí là học sinh, sinh viên, thành phần tri thức, công chức, viên chức cũng “bắc ghế” ra hầu Thánh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

- Tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng phong phú, đa dạng về số lượng và cả thành phần, địa vị xã hội. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tìm đến với tín ngưỡng thờ Mẫu, phần lớn để cầu bình an, công danh thành đạt, cầu thăng quan tiến chức…

Ngày nay, người dân ở Hưng Yên ngoài việc thờ phụng tổ tiên ở gia đình, họ còn đến các đền, phủ, chùa để lễ “Mẫu” nhất là dịp đầu năm. Về mặt tâm lý, có người quan niệm “có thờ có thiêng”, nên họ đi cúng lễ để thoải mái về mặt tư tưởng. Có quan niệm cho rằng những người buôn bán thì “mê tín” hơn, điều này không đúng hoàn toàn, vì mê tín là tình trạng chung, có ở mọi tầng lớp người trong xã hội không phân biệt giới tính, tộc người và thành phần giai cấp. Trước kia, đến những nơi thờ Mẫu thường chỉ có những người phụ nữ đã có gia đình với công việc làm nông hay buôn bán. Nhưng nay, rất nhiều thanh niên nam, nữ và học sinh, sinh viên, công chức, viên chức nhà nước và cả những quan chức có cấp bậc, địa vị cao trong xã hội cũng tham gia vào tín ngưỡng thờ mẫu. Họ tham gia nghi lễ với mục đích tâm linh cùng những nguyện vọng riêng về cuộc sống hạnh phúc, bình an, công danh, sự nghiệp, học hành…

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên hiện nay Qua khảo cứu một số cơ sở thờ tự - 10

- Các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có được nhiều sự quan tâm, đóng góp từ phía chính quyền, nhân dân và các tín đồ. Hầu hết, những cơ sở thờ tự đều được giữ gìn, tôn tạo, xây dựng khang trang hơn xưa. Cụ thể: cổng các đền đều đã được xây mới, to và đẹp hơn; bên trong đều được tu sửa, quét sơn, sắm mới những đồ thờ cúng, sơn son thiếp vàng bàn thờ, câu đối… Cung cấm của Mẫu cũng được trang hoàng lộng lẫy hơn xưa.

-Tín ngưỡng thờ Mẫu có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh nhân dân trong tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung.

Tín ngưỡng thờ mẫu một lần nữa khắc sâu truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” luôn được dân tộc ta tôn thờ từ ngàn đời nay. Đó là sự tôn thờ của nhân dân đối với những người có công với đất nước, với dân tộc. Đây là đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nét văn hóa đó được thể hiện ở ba cấp độ văn hóa: Gia đình, làng xã, quốc gia dân tộc. Tôn vinh các Nữ thần, các Mẫu trong huyền thoại hay các Mẫu có trong đời thực. Đó là do ý thức về cội nguồn, lòng biết ơn đối với người mẹ. Nó không phải là tôn giáo nó chỉ là một tín ngưỡng mang niềm tin đối với mọi người thôi nhưng là một niềm tin khó thể thay thế và phát triển như đúng những gì nó có.

- Điểm đáng chú ý đang tồn tại trong các lễ hội nói chung và lễ hội thờ Mẫu nói riêng, đó là tính thương mại cũng xuất hiện trong cả phần lễ và phần hội.

Một thực tế đang diễn ra tại các cơ sở thờ Mẫu hiện nay ở Hưng Yên đó là, lợi dụng việc được phép phục hồi và phát triển một số lễ hội dân gian truyền thống nên nhiều nơi đã “nhường” nơi thờ Mẫu thành nơi để mê tín dị đoan tồn tại. Có nhiều người dựa vào chính sách này mà mở điện thờ Mẫu để cúng bái với mục đích ngoài tín ngưỡng thông thường để mưu lợi cá nhân, để làm giàu bất chính, với đủ các ngón nghề từ xem bói, thánh hiển linh, lên đồng, lập phủ. Cũng có nơi do thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng đã gây ra nạn trộm cắp, lửa đảo, bắt chẹt người đến lễ hội. Hoặc có nơi

đã biến những khoảng không gian quanh nơi thờ tự thành địa điểm kinh doanh (Trông giữ xe, bán quán…). Đặc biệt, hiện nay ở Hưng Yên còn có hiện tượng khá phổ biến trong hoạt động của tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, đó là hiện tượng “khấn hộ” trong các cơ sở thờ tự. Đội quân “khấn hộ” này có thể làm dịch vụ “trọn gói” từ sắm sửa lễ vật, viết sớ… khi có yêu cầu của người đi lễ.

Ngoài ra, còn xuất hiện những đội hầu đồng, hầu bóng “chuyên nghiệp” thành đội “dịch vụ” đến các nơi để xin chầu ở các giá đồng làm giảm bớt sự linh thiêng của hình thức sân khấu tâm linh đặc thù vốn có của nó, làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Mặt khác, những đội “chuyên nghiệp” này có những màu sắc trang phục tùy ý không theo một quy cách nào. Hơn nữa khi họ thực hiện nghi thức tế hay hầu, giọng họ giống một diễn viên chèo, hay tuồng nên làm cho buổi lễ Hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu mất đi sự trang nghiêm và khác xa với tín ngưỡng truyền thống.

3.1.2. Những vấn đề đặt ra trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bên cạnh những giá trị tích cực mà tín ngưỡng thờ Mẫu đem lại cho đời sống tâm linh của người dân Hưng Yên, vẫn còn những vấn đề tồn tại cần có những giải pháp xử lý kịp thời để đảm bảo văn hóa tín ngưỡng. Quá trình phát triển kinh tế thị trường đã mang lại những mặt trái của nó: Sự phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư hiện nay là một trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự công bằng trong vấn đề hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần. Hậu quả của việc này là sự khác nhau về quan niệm đạo đức, lối sống… điều này làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, xem thường những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh những biểu hiện tích cực, còn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như: nạn đốt vàng mã, xem bói, lên đồng giải hạn…

- Tín ngưỡng thờ Mẫu đang có xu hướng trở thành một dạng dịch vụ tâm linh. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho những người có nhu cầu tìm đến

Mẫu, nó còn đưa đến những mặt trái nhất định. Ở Hưng Yên, nhiều ông Đồng, bà Đồng hiện nay đã tích hợp trong mình nhiều khả năng siêu nhiên để đáp ứng được các nhu cầu tâm linh khác nhau của tín đồ: xem bói, trừ tà, diệt ma, xem phong thủy, ngày giờ, thậm chí là chữa bệnh… Mặc dù, họ không có nhiều khả năng như vậy, nhưng những chủ thể thờ cúng này vẫn mặc nhiên thực hiện, biến nơi tôn nghiêm thành nơi buôn thần bán thánh vì mục đích tiền bạc.

- Các nghi lễ thờ cúng, tiêu biểu là nghi lễ Hầu đồng đang bị thương mại hóa. Trước đây, người dân tìm đến các cơ sở thờ tự với nguyện vọng được đội lễ giản hạn hay cầu công danh, sự nghiệp… khi có nhu cầu và không đặt nặng vấn đề tiền bạc, “chỉ cần chiếc khăn đỏ đã có thể hầu đồng, quà phát lộc là một chút hoa quả, bánh kẹo hay những đồng tiền mệnh giá nhỏ mang tính tượng trưng” [76, tr. 155]. Nhưng nay, những ông Đồng, bà Đồng thường yêu cầu chi phí cho từng nghi lễ tùy thuộc vào tính chất của nghi lễ và khả năng kinh tế của tín đồ. Ví dụ: làm lễ Cắt tiền duyên, Di cung hoán số, Trả nợ tào quan, lễ Cầu công danh hàng chục triệu đồng.

Các ông Đồng, bà Đồng còn kiếm thêm một số khoản tiền với việc nhận chuẩn bị nghi lễ nào đó cho tín đồ, như: mua lễ vật, vàng mã, cỗ bàn… nếu tín đồ có nhu cầu. Vậy vấn đề của nghi lễ Hầu đồng nên đánh giá và ứng xử như thế nào?

- Một số lượng lớn tín đồ còn có nhận thức sai lầm về các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như khả năng của các ông Đồng, bà Đồng. Khi gặp bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống, các tín đồ này thường tìm tới ông Đồng, bà Đồng để xem năm nay có hạn gì, đất đai, nhà cửa có bị quấy phá không, có vong nào theo… Sau đó, họ làm đủ các loại lễ theo tư vấn của ông Đồng, bà Đồng, dẫn đến hao tiền, tốn của mà khó khăn vẫn chưa được giải quyết.

- Các cơ sở thờ tự hầu hết được giao phó hoàn toàn cho địa phương sở tại, chưa có sự sát sao, quản lý trực tiếp từ các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể phụ trách.

Nạn đốt vàng mã vẫn còn tồn tại và ngày càng lan rộng với quy mô lớn và mức độ tăng. Nếu trước kia, các tín đồ chỉ hóa tiền, vàng đơn giản, thì ngày nay, họ sắm đủ các loại vàng mã: nhà cửa, xe hơi, điện thoại, máy tính, laptop, đô la… để hóa trong mỗi dịp lễ. Thậm chí, tiền vàng mã chi cho một buổi lễ còn lên tới vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

- Xã hội ngày càng phát triển, quan hệ giao lưu được mở rộng, kinh tế thị trường ngày càng lan rộng vào hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên trên thực tế với những biến dạng xa dần hiện tượng gốc của thờ Mẫu. Nội dung thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu rất phong phú, liên quan đến các đối tượng cử lễ và phần “Hội” trong lễ hội thờ Mẫu có phần mờ nhạt hơn phần “Lễ” và đây cũng là cơ sở để những phần tử mê tín dị đoan có cơ hội phát triển.

Trong hoạt động lễ hội ở Hưng yên còn xuất hiện các thành phần lừa đảo. Chúng lừa các tín đồ, du khách bằng các hoạt động như: xem bói, xem tướng… Bên cạnh đó, trong phạm vi lễ hội còn có các hiện tượng một số chủ thể kinh doanh “chặt, chém” du khách. Tình trạng trộm cướp vẫn còn xảy ra trong lễ hội…

Một nhà nghiên cứu đã viết về tín ngưỡng thờ Mẫu như sau: “Cũng giống như bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng nào khác, ngoài những giá trị về đạo đức và văn hóa thì trong quá trình tồn tại và phát triển của nó cũng nảy sinh và ký sinh những hiện tượng phản đạo đức và phản văn hóa… Tuy nhiên, những bụi bậm và rác rưởi đó vẫn không thể che lấp được biểu tượng cao đẹp về Mẫu” [72, tr. 430]. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, địa phương, các ban ngành đoàn thể cũng như nhân dân phải làm thế nào để trả lại những giá

trị văn hóa và giá trị tâm linh đích thực của tín ngưỡng thờ Mẫu và loại bỏ những yếu tố tiêu cực nảy sinh?

3.2. Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hưng Yên hiện nay

3.2.1. Giải pháp chung

Một là, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng.

Mục đích của biện pháp này là góp phần nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu được rằng:

Thứ nhất, mọi người dân đều có quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Thứ hai, kiên quyết xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá vỡ sự ổn định chính trị - xã hội, gây rối trật tự công cộng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

Tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần thiết yếu của một bộ phận dân cư, nó đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, văn minh, hiện đại, giàu mạnh và tươi đẹp. Tự do tín ngưỡng đã được xác định ngay từ những năm đầu lập quốc và được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946, cũng như sau này nội hàm về tự do tín ngưỡng đã được mở rộng, tiếp tục được ghi nhận và phát triển trong các bản Hiến pháp. Những năm gần đây đã có một số văn bản pháp luật tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng của Hiến pháp nước ta về tín ngưỡng và tôn giáo như: Nghị quyết số 25

-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2004).

Ngoài ra chúng ta phải có kế hoạch, biện pháp tuyên truyền những văn bản luật, dưới luật… xuống tận người dân để họ hiểu được chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022