đời sống đương đại của cư dân nơi đây, mà xu hướng chủ đạo là đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong cuộc sống. Họ hy vọng rằng cùng với những vị thần của họ thờ tự từ trước đến nay, những vị thần mới này sẽ cùng hỗ trợ để bảo vệ cuộc sống của họ tốt hơn trước những khó khăn và thách thức trong cuộc sống với những bất ổn mà họ chưa kịp thích ứng.
Cùng với việc duy trì, khôi phục và thêm đối tượng mới vào cơ sở thờ tự thì một số đối tượng thờ tự lại mất đi hoặc dần bị quên lãng. Điển hình là Tôn Thất Cơ - một vị được xem như là thành hoàng làng của bà con nơi đây. Trước đây, ông Tôn Thất Cơ có cả miếu và mộ. Người dân trong xã thường đến thắp hương và cúng tế đều đặn. Tuy nhiên, do miếu bị phá hủy trong những năm chiến tranh ác liệt, sau khi hòa bình lập lại, điều kiện sống của cư dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để khôi phục lại miếu thờ, việc thờ cúng trong cộng đồng dần dần bị xao lãng. Hiện nay, việc thờ cúng ông chỉ được thực hiện trong phạm vi của gia đình - nơi có khu mộ của ông ở đây.
Hay như, trước đây cộng đồng cư dân nơi đây có thờ cá Ông, mặc dù không có lăng hay miếu mà chỉ có mộ, nhưng trong một thời gian dài tín ngưỡng thờ cá Ông đã được cộng đồng cư dân nơi đây thực hành. Tuy nhiên, sau khi ngôi mộ bị phá hủy do chiến tranh, ở đây không còn thờ cá Ông nữa. Lý giải cho việc một số đối tượng thờ tự không còn được cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn thờ cúng, NCS đã tiến hành khảo sát và phỏng vấn các bậc cao niên trong làng, những người được xem có tham gia vào thực hành các hoạt động thờ cúng đối với những đối tượng này và được biết: Việc không thờ ông Tôn Thất Cơ hay Cá Ông nữa là do trong chiến tranh các cơ sở thờ tự đều bị phá hủy, có thời điểm chúng ta có chính sách chống mê tín dị đoan nên ở đây cũng không khôi phục nữa mà chỉ cầu cúng Tứ Vị thánh nương, Quan Sát Hải đại vương và Thánh Bà Trần Quý Phi. Lâu dần, người dân không đến đó
nữa nên bị quên lãng. Qua những lời giải thích của các bậc lão niên, phải chăng vai trò và tầm ảnh hưởng của Tôn Thất Cơ và Cá Ông không thực sự lớn và quan trọng. Việc thờ cúng ông Tôn Thất Cơ là sự tưởng nhở của cộng đồng cư dân nơi đây với người có công, nhưng sự ảnh hưởng của Ông không thực sự lớn. Thêm vào đó do những điều kiện khách quan và chủ quan mang lại (chiến tranh, cấm đoán) nên tục thờ cúng ông dần phai nhạt. Trong tâm thức người dân nơi đây chỉ nhớ ông là người có công với vùng đất này chứ không phải là một vị thần bảo hộ cho cộng đồng. Đối với Cá Ông - một tín ngưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với ngư dân. Việc tục thờ này mất đi phải chăng cùng với những điều kiện chủ quan và khách quan mang lại còn do điều kiện môi trường sống là đảo, nên cá Ông khó có thể di chuyển hay dạt vào gần bờ, cùng với đó tục thờ cúng Cá Ông ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ không thực sự đậm nét. Tuy nhiên, hiện nay do cư dân xã đảo Nghi Sơn đi đánh bắt xa bờ nhiều ở cả ngư trường phía trong (Ninh Thuận, Bình Thuận...) và phía ngoài (Bạch Long Vĩ, Hải Phòng...) nên cũng chịu ảnh hưởng của ngư dân ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ. Vì thế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cư dân xã đảo Nghi Sơn, cụ thể là những người đi nghề biển, bàn thờ trên thuyền cùng với các vị thần biển mà cộng đồng cư dân nơi đây tôn thờ (Tứ Vị thánh nương, Quan Sát Hải đại vương và Thánh Bà Trần Quý Phi) còn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Phải chăng đây chính là hình ảnh của Cá Ông đã được các lớp tín ngưỡng phủ lên. Như chúng ta đã biết, theo quan niệm của người Việt, cá Ông chính là hiện thân của đức Phật Quán Thế Âm, người đã xé chiếc áo cà sa của mình thành nhiều mảnh để hóa thân thành loài cá này để cứu người gặp nạn trên biển. Có thể thấy, tín ngưỡng thờ cá Ông đã được chuyển thể sang một cách thức thờ tự khác với nhiệm vụ là cùng với các vị thần biển bảo hộ cho ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi.
3.2.2.2. Tần suất thực hành tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự
Niềm tin tín ngưỡng thường được biểu hiện ra bằng các hành động/ hành vi cụ thể. Và biểu hiện đầu tiên trong việc thể hiện niềm tin là việc đến các cơ sở thờ tự để thực hành tín ngưỡng của cộng đồng. Khi đặt các câu hỏi có liên quan đến vấn đề này ở cộng đồng dân cư xã đảo Nghi Sơn chúng tôi thu được kết quả như sau:
Biểu đồ 3.1: Số lần đến các cơ sở thờ tự trong tháng của cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Quát Quá Trình Công Nghiệp Hóa - Hiện Đại Hóa Ở Xã Đảo Nghi Sơn
- Hệ Thống Cơ Sở Hạ Tầng Được Đầu Tư Xây Dựng Tại Xã Đảo Nghi Sơn Giai Đoạn 2010-2018
- Hiện Trạng Tín Ngưỡng Của Cư Dân Xã Đảo Nghi Sơn
- Xu Hướng Biến Đổi Tín Ngưỡng Của Cư Dân Xã Đảo Nghi Sơn
- Tín Ngưỡng Ngày Càng Đóng Vai Trò Quan Trọng Trong Đời Sống Tinh Thần Của Cộng Đồng Cư Dân Xã Đảo Nghi Sơn
- Vấn Đề Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị Của Tín Ngưỡng Trong Bối Cảnh Hiện Nay
Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.
[Nguồn: Xử lý kết quả điều tra bảng hỏi của tác giả]
Nhìn vào biểu đồ 3.1 có thể thấy, từ khi chịu những tác động của quá trình CNH-HĐH và trực tiếp từ sự phát triển của KKT Nghi Sơn đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nơi đây có nhiều đổi thay. Nhưng thói quen và niềm tin của họ đối với tín ngưỡng được duy trì khá đều đặn. Điều này, có thể dễ dàng nhận thấy qua kết quả khảo sát, với 240 người được hỏi "ông/bà thường đến những nơi thờ tự sau bao nhiêu lần trong một tháng" đã đưa ra một kết quả là: Ở đền Tứ Vị thánh nương có đến 55,4% người dân được hỏi thường đến đền 1-2 lần/tháng; 28,5% đến 3-5 lần/tháng; 4,6% đến trên 5 lần/tháng và không đến lần nào là 11,5%. Với đền Quan Sát Hải đại
vương có 55% thường đến đền 1-2 lần/tháng; 27,9% đến từ 3-5 lần/tháng; 4,6% đến trên 5 lần/tháng và 12,5% không bao giờ đến; Lăng Thánh Bà có 56,2% đến lăng 1-2 ; 26,2% đến 3-5 lần/tháng; 5,1% đến trên 5 lần/tháng và 12,5% không bao giờ đến để thực hành các nghi lễ
Tuy nhiên, khi so sánh việc đi đến các cơ sở thờ tự hiện nay so với trước kia kết quả thu được:
Biểu đồ 3.2. So sánh mức độ đến từng cơ sở thờ tự của xã trước kia và hiện nay
[Nguồn: Xử lý kết quả điều tra bảng hỏi của tác giả]
Từ kết quả trên cho thấy số người đến với các cơ sở thờ tự trên 5 lần/tháng (trước là 6,3% nay là 4,6%) và từ 3-5 lần/tháng (trước là 62,5%; nay 27,1%) có xu hướng giảm, còn số người đến các cơ sở thờ tự này từ 1-2 lần/tháng có xu hướng tăng (trước 25,8%; nay là 56,3%) và không đến lần nào trước kia la 5,4% đến nay là 12,1%. Qua đó ta có thể thấy việc đến các cơ sở thực hành tín ngưỡng của người dân nơi đây có xu hướng giảm hơn so với trước kia, mặc dù tỷ lệ giảm không cao, nhưng đây cũng là những dấu hiệu của việc thay đổi trong thực hành tín ngưỡng.
3.2.2.3. Về lễ vật thờ cúng
Sự thay đổi trong đồ dâng cúng theo hướng đơn giản, tiện dụng. Trước đây, vào lễ cầu ngư việc lựa chọn lễ cúng rất nghiêm ngặt: lễ vật dùng để cúng tế chính (gồm: gà và lợn) phải lựa chọn kỹ càng, đồ lễ này từ đầu đã được giao cho một gia đình nuôi dưỡng cận thận để dâng lên thần, nhằm cầu khấn các thần phù hộ cho bà con trong xã, đặc biệt là những ngư dân. Nhưng nay đã bỏ vì điều kiện sinh sống chật chội của người dân gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi. Vì vậy, đồ vật dâng lên cúng thường được lựa chọn cách thức là mua ngoài chợ. Hay như việc làm thuyền giấy cho lễ tống ôn vào rằm tháng 7, trước đây việc làm thuyền giấy được coi là công đoạn chuẩn bị quan trọng nhất bởi thuyền giấy chính là cầu nối để mang những điều xấu, những điều không may của làng đi xa. Hiện nay trong lễ tống ôn đối khi họ không làm thuyền giấy nữa mà họ chỉ cúng và kêu cầu bình thường, nếu có chăng thì cũng làm một chiếc thuyền giấy nhỏ rồi để lên bẹ chuối để đẩy ra biển chứ không rước ra xa như trước kia.
Bên cạnh việc đơn giản, tiện dụng trong một số lễ vật thờ cúng thì cũng thấy thêm sự cầu kỳ, chú trọng trong lễ vật dâng thần. Trước kia, khi đến thắp hương ở đền, bà con chỉ mang chút vàng hương, thì nay mua thêm một chút bánh kẹo hoa quả, người cầu kỳ hơn ngoài lễ vật hoa tươi, trầu cau, tiền vàng,
tiền dầu đèn thì còn sắm thêm một mâm ngũ quả được bày biện thật đẹp đến để thắp hương. Vào những dịp đặc biệt như lễ tạ cuối năm, lễ xin nghề, lễ cầu may... thì lễ vật được chuẩn bị cầu kỳ hơn bao gồm cả xôi gà, chè, có gia đình còn dâng cả thủ lợn hoặc cả con lợn quay. Những dịp lễ trọng, những lễ vật cũng cầu kỳ hơn, được trang trí đẹp hơn. Nhiều khi việc dâng lễ vật còn là sự ngầm so sánh giữa các bản hội với nhau xem lễ vật của ai dâng thần đẹp hơn. Ngoài ra, nhiều lễ vật của thời hiện đại cũng được đem đến dâng cúng như bia, nước ngọt, rồi các đồ vật dâng cúng làm theo các dạng thức mô phỏng như cây vàng, cây tiền, kim hoa ngân xuyến...
Các lễ vật để dâng cúng gia tiên, ngoài những lễ vật theo truyền thống như: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, còn có những đồ ngon vật là là đặc sản các vùng quê được con cháu đi làm ăn xa mang về dâng cúng, có cả những lễ vật mang hương sắc của thời đại giao lưu hội nhập như: rượu ngoại, bia, nước ngọt, bánh kẹo ngoại... Với quan niệm "trần sao âm vậy", việc hóa đồ mã, đặc biệt là đồ mã trong ngày lễ vu lan rằm tháng bảy cũng được bà con quan tâm và cập nhật đầy đủ các loại theo xu thế chung của thời đại. Đồ mã có đầy đủ các loại: vải vóc, quần áo các màu các kiểu (hoa có, trơn có...), quần áo, nhà cửa, ô tô, xe máy, điện thoại di động, máy tính, ti vi, tủ lạnh... cứ con cháu có gì đều dâng cúng tổ tiên những thứ như vậy.
3.2.2.4. Tổ chức và thực hành nghi lễ trong lễ hội cổ truyền
Về cơ bản, tổ chức và phân nhiệm công việc trong lễ cúng và lễ hội ở xã đảo Nghi Sơn hiện nay chủ yếu thuộc về Ban quản lý di tích của xã và UBND xã. Nhưng chủ yếu vẫn là do Ban quản lý di tích của xã phụ trách chính các hoạt động. Vào những dịp lễ chính (năm chẵn với lễ hội cầu ngư và lễ hội Quang Trung) thì UBND xã lo việc mời lãnh đạo huyện tham dự. Các bản hội trong xã tự chuẩn bị các lễ vật để dâng cúng trong lễ tế.
Tuy nhiên, điểm thay đổi ở trong bộ phận tổ chức và thực hành nghi lễ là: Việc lựa chọn người thực hành nghi lễ không quá câu nệ như trước. Trước đây tiêu chí chọn người kiêng kiệu rước phải là những nam thanh, nữ tú tuổi từ 17-20 tuổi chưa lập gia đình, người được chọn phải là những gia đình mẫu mực trong xã, trong năm gia đình không có chuyện buồn, bản thân người được chọn phải là những thanh niên ngoan ngoãn, gương mẫu trong làng xã, được mọi người tín nhiệm;... Nhưng hiện nay, có xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp sang làm công nhân tại KKT hay đi làm ăn xa, nên tầng lớp thanh niên ở nhà không còn nhiều.... Vì vậy, đơn giản hóa và giảm bớt các điều kiện trong việc lựa chọn người tham dự lễ hội như: đối với đội kiêng kiệu rước chỉ cần là thanh niên tuổi từ 18-20 tuổi (thậm chí có thể hơn), trong năm gia đình không có chuyện buồn.
Bên cạnh đó, đội tế nam cần lựa chọn những có uy tín trong cộng đồng, trong năm gia đình không có tang ma. Tuy nhiên, thực tế các hoạt động trong lễ tế và lễ rước người tham chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi (tuổi từ 45 trở lên), đây cũng là một biểu hiện của sự đơn giản hóa trong lựa chọn người thực hiện các nghi thức trong lễ hội.
Trình tự và nghi thức trong các lễ ở cộng đồng ngư dân hiện nay về cơ bản vẫn được tiến hành theo cách truyền thống, nhưng đã có một số thay đổi trong tình hình hiện nay.
Đối với lễ cầu ngư: nghi lễ quan trọng nhất là lễ rước kiệu (được tổ chức ở năm chẵn). Trước đây, việc rước kiệu được thực hiện theo quy trình, các kiệu thần sẽ được rước ra đền Tứ Vị thánh nương (kiệu Tứ Vị thánh nương, kiệu Quan Sát Hải đại vương) sau đó kiệu sẽ được rước đi quanh làng: đi từ đền Tứ Vị thánh nương, đi qua đền Quan Sát Hải, đi đến lăng Thánh Bà rồi sau đó trở về đền thờ Tứ Vị thánh nương để làm lễ tế thần. Hiện nay do việc xây dựng nhà cửa của người dân đã làm cho hệ thống đường đi lại trong xã bị thu hẹp, có những vị trí chỉ đủ cho 1 người đi, vì thế việc rước kiệu chỉ
còn thực hiện trên trục đường chính của xã, đi từ đền Tứ Vị thánh nương ra đến lăng Thánh Bà rồi qua trở lại.
Đối với lễ kỵ Thánh Bà: Trước đây các nghi thức tế lễ trong ngày kỵ của Thánh Bà được tổ chức tại nhà trưởng tộc họ Trần. Tuy nhiên, từ những năm của thập niên 90 của thế kỷ XX, vì một số lý do mà việc tổ chức lễ tế kỵ Thánh Bà vừa được tổ chức ở lăng Thánh Bà với tư cách của cộng đồng, vừa tại nhà trưởng tộc dòng họ Trần mang tính chất gia đình.
Tiểu kết
Quá trình CNH-HĐH của đất nước, sự phát triển của KKT Nghi Sơn- một trong những KKT trọng điểm của đất nước đã tác động đến sự phát triển của xã trên mọi bình diện kinh tế - văn hóa - xã hội. Ở khía cạnh kinh tế đã có những chuyển dịch trong cơ cấu nghề, lao động việc làm, những ứng dụng của khoa học kỹ thuật được đưa vào nhiều hơn trong sản xuất, cơ sở hạ tầng của xã được cải thiện, nhiều chính sách trong phát triển kinh tế biển được triển khai. Ở khía cạnh văn hóa - xã hội, do mức sống của người dân tăng lên, các chính sách an sinh xã hội được chú trọng, mối quan hệ trong làng xã biến chuyển theo cả chiều tích cực và tiêu cực, những tiêu dùng văn hóa của người dân đa dạng hơn...
Trước những biến động trên, những thành tố tín ngưỡng mang tính truyền thống vẫn được gìn giữ, trao truyền. Niềm tin đối với tín ngưỡng về cơ bản vẫn được cộng đồng gửi gắm và thực hành thông qua các hoạt động tín ngưỡng. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển của xã hội, tín ngưỡng của cư dân nơi đây cũng có những biển đổi nhất định: thay đổi đối tượng thờ tự, cơ sở thờ tự và những thực hành tín ngưỡng. Đây là sự thay đổi để thích ứng của những chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa tín ngưỡng. Vậy xu hướng biến đổi tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn sẽ như thế nào? Mức độ biến đổi ra sao? Vấn đề này sẽ được làm rõ trong chương 4 của luận án.