Diễn Xướng Thơ Lẩu Của Người Tày Ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn


có thể mừng tiền bằng cách đặt vào nón, hài cho cô dâu mang về nhà chồng làm vốn. Đáng chú ở đây là, khi người gánh lễ nhà trai đem đồ ra ngoài thì cũng phải trải qua một số thử thách: đặt 4 bát rượu ở 4 góc hòm, người gánh lễ phải biết hát bài xin rượu góc hòm (xo lẩu coóc hòm) thì mới được mang đi, nếu không sẽ bị uống bốn bát rượu đó; khi đem đồ ra thì lại gặp một số thanh niên đem rượu ra mời gọi là cảm ơn, phải hát để không phải uống rượu.

Khi Pả mẻ dẫn dâu ra thắp hương lễ lạy tổ tiên, ông bà, cho mẹ thì người gốc họ hoặc người biết cúng sẽ cúng báo tổ tiên. Cũng có thể một cụ bà cao tuổi đại diện gia đình (hoặc nhờ Pả mẻ) chúc mừng và căn dặn vài lời bằng khúc hát“Slắng lùa lồng lảng”, rằng cháu phải ăn ở đúng đạo nghĩa làm vợ, làm dâu để gia đình hạnh phúc, rồi cầm nón đội cho cháu, cầm hài để cô dâu đi...Nghi thức diễn ra thật trang trọng, thiêng liêng và cảm động. Đi cùng với cô dâu sẽ có: 2 bà Pả mẻ là người có chồng con đầy đủ, gia đình hạnh phúc, nói năng đối đáp lịch thiệp, tinh tế, biết ứng xử tình huống và giỏi thơ và hai cô phù dâu (lùa xếp, lùa tôi).

Đến nhà trai, đúng giờ đẹp đã định, Quan làng sẽ dẫn phái đoàn vào nhà. Nhà trai sẽ tiến hành mọi thủ tục theo nghi lễ: mời Pả mẻ đưa cô dâu vào buồng, mời Pả mẻ và phù dâu trải chiếu, chăn, đặt gối, giăng màn...rồi cùng dự tiệc rượu với gia đình nhà trai. Lúc này, Quan làng, Pả mẻ, phù dâu, phù rể hai bên có thể giao lưu đơn ca Thơ lẩuđể chúc mừng họ hàng, gia đình làm cho bữa tiệc thêm vui vẻ, long trọng và giàu ý nghĩa nhân văn. Lễ nộp dâu, rể (nộp khươi, lùa) được tiến hành khi có mặt đông đủ họ hàng nội ngoại, (thời gian tổ chức có thể ngay lúc về, sau bữa cơm hoặc sớm hôm sau) đại diện gia đình sẽ mời Pả mẻ đưa cô dâu ra trình tổ tiên, nộp dâu cho gia đình, họ hàng và hát khúc “Nộp dâu”(Nộp lùa). Khi phái đoàn nhà gái ra về, đại diện nhà trai trịnh trọng bưng khay với 4 chén rượu trên đó đặt 4 phong bao gọi là lễ giao bằng biên. Pả mẻ nhận, cùng uống hớp rượu lấy lệ, hát khúc chúc mừng


họ hàng (chúc xuân họ) và căn dặn cô dâu (slắng lùa) rồi ra về. Đại diện nhà trai lại bưng khay rượu và hát “tiễn chân Pả mẻ” - một nghi lễ thật đẹp, giàu chất nhân văn.

Như vậy, trong lễ cưới, các bài Thơ lẩu kéo dài suốt quá trình diễn ra đám cưới và chỉ được kết thúc khi các nghi lễ của đám cưới đã được thực hiện đầy đủ. Khái quát lại các khúc hát đám cưới, chúng tôi thấy có thể sắp xếp theo trình tự cơ bản sau đây:

1- Những khúc hát Chăng dây (Khên lền) 2- Những khúc hát Giữ cửa (thư tu)

3- Những khúc hát Rải chiếu (pjoi phục)

4-Những khúc hát Mời cơm (nài pjầu),uống nước, ăn trầu(nài nặm,mjầu) 5- Những khúc hát Trình tổ (tình tổ)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.

6- Những khúc hát Bái tổ (lạy táng)

7- Những khúc hát Nộp rể, Nộp dâu (nộp khươi, nộp lùa)

Thơ Lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn - 5

Ngoài ra, còn có một số khúc hát ở giai đoạn cuối của đám cưới, có thể xếp thành một mục riêng: 8 - Những khúc hát dặn lại (thơ slắng). “Đây mới là lúc đôi bên nam - nữ “dốc bầu tâm sự” riêng tư của mình. Những hát lúc này thực sự là những bản tình ca, là những bài trữ tình giao duyên”.[5, tr.63]

Tuy là những khúc hát có sẵn, học thuộc lòng, nhưng hai bên nhà trai, nhà gái không được hát tùy tiện mà phải theo một trình tự nhất định, phù hợp với từng giai đoạn của đám cưới. Số lượng Thơ lẩu ở mỗi chặng cũng rất phong phú, vì thế việc sử dụng khá linh hoạt. Tùy từng đám cưới, phụ thuộc vào khả năng và yêu cầu của lực lượng tham gia cuộc hát mà người hát, lựa chọn khúc hát cho phù hợp, để không chỉ nhằm thực hiện tốt nhất nghi lễ, mà còn thỏa lòng mong đợi của những người tới dự - công chúng “sành nghe”, tạo nên một không khí trang trọng, thiêng liêng mà ấm áp, vui vẻ của đám cưới. Bởi thực tế, mọi người đến dự đám cưới không chỉ là chúc mừng gia


đình mà còn là cơ hội được giao lưu, kết bạn với nhau, không chỉ là “cơm no, rượu say” mà còn được thưởng thức tài năng văn nghệ của Quan làng, Pả mẻ và phái đoàn - những phẩm chất, tài năng hơn người.“Thật không sao nói lên hết nỗi vui mừng của người Tày khi được nghe tiếng hát, những bài Thơ lẩu cất lên trong đám cưới...Đám cưới dù ồn ào đến đâu, hễ có tiếng hát Thơ lẩu cất lên thì mọi vật im phăng phắc, tất cả mọi người đều chăm chú, say sưa lắng nghe...các bài hát ấy, có chất “muối”, chất” thơ” của đám cưới. Đám cưới nào không có nó thì nhạt và buồn”.[5, tr.7]

Hiện nay, đám cưới của người Tày ở Hà Vị dù vẫn mang bản sắc riêng, song đã có những thay đổi, đặc biệt là hát Thơ lẩu trong đám cưới đã hầu như vắng bóng. Mọi thủ tục, nghi lễ được gia đình hai bên thống nhất tiến hành đơn giản và nhanh gọn hơn, cũng vì thế mà những đòi hỏi, những thử thách đối với Quan làng và Pả mẻ đã giảm bớt rất nhiều. Nhưng hát Thơ lẩu không thể phai nhòa trong tâm khảm của những con người yêu mến và say sưa Thơ lẩu, một thời được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa ấy, để lại trong họ một niềm luyến tiếc khôn nguôi mỗi khi mùa cưới về. Hà Văn Viễn, trong quá trình nghiên cứu về văn hóa tộc người Tày ở Bắc Kạn đã nhận xét:“Nghi lễ đẹp vậy là của một thời đã qua”.

1.3. Diễn xướng Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn

Chúng ta biết rằng, diễn xướng là yếu tố ngoài văn bản nghệ thuật ngôn từ. Nhưng trong văn học nghệ thuật dân gian thì, diễn xướng là yếu tố không thể bỏ qua nếu muốn hiểu đúng, hiểu sâu sắc văn bản nghệ thuật ấy. Tìm hiểu Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn cũng không ngoại lệ.

Diễn xướng là thuật ngữ được dùng khá quen thuộc trong nghiên cứu văn học nghệ thuật và đặc biệt là trong nghiên cứu văn học, văn hoá dân gian. Song, trong quá trình nhận diện, các nhà nghiên cứu đã có nhiều cách đưa ra khái niệm khác nhau về diễn xướng, tiêu biểu như:


Nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu cho rằng: thuật ngữ diễn xướng dân gian có thể và cần được hiểu với hai nghĩa rộng và hẹp khác nhau. Với nghĩa rộng, diễn xướng dân gian là tất cả mọi hình thức biểu diễn (hay diễn xướng) và ít hoặc nhiều đều mang tính chất tổng hợp tự nhiên, (hay tính chất nguyên hợp) mà lâu nay ta quen gọi là văn học dân gian; còn nghĩa hẹp, nó chỉ bao gồm các thể loại diễn (như trò diễn, trò tế lễ dân gian...).[53, tr.64-67]

Nguyễn Hữu Thu quan niệm: “Thuật ngữ diễn xướng là để chỉ chung việc thể hiện, trình bày những sáng tác văn nghệ của con người gồm nhiều yếu tố hợp thành, diễn xướng là tất cả những phương thức sinh hoạt văn nghệ mang tính chất nguyên hợp của loài người từ lúc sơ khai cho đến thời đại văn minh hiện nay” [46, tr.56-58]

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã định nghĩa diễn xướng một cách ngắn gọn là “Trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, nhịp điệu” [39, tr.85]

Qua tìm hiểu các ý kiến bàn về diễn xướng, chúng tôi thấy bên cạnh những điểm chưa thống nhất, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Diễn xướng là hình thức biểu hiện, trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, điệu bộ, cử chỉ...Theo đó, diễn xướng Thơ lẩu trong đám cưới của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn được chúng tôi thống nhất với cách hiểu như trên và được xem xét một vài khía cạnh cơ bản sau:

1.3.1. Môi trường diễn xướng

Thơ lẩu khác với các loại dân ca khác như hát Then, hát Pựt, hát Lượn, hát Ru, ở phạm vi môi trường diễn xướng. Môi trường diễn xướng của Thơ lẩu gắn liền với thời gian và không gian của đám cưới.

Diễn xướng Thơ lẩu ở Hà Vị được tổ chức nhiều nhất vào “mùa cưới” (từ tháng 10 đến hết tháng chạp âm lịch). Đây là khoảng thời gian đồng bào dân tộc đã kết thúc vụ mùa, dồi dào lương thực, thực phẩm, vật chất đầy đủ;


thời điểm đem lại cho con người cảm giác thoải mái về tinh thần, khát khao hạnh phúc lứa đôi, mái ấm xum vầy. Thời gian cụ thể của hoạt động diễn xướng Thơ lẩu là thời gian của một đám cưới. Hệ thống các bài hát Thơ lẩu được diễn xướng theo trình tự nghi thức của hôn lễ. Nghĩa là, từ khi đoàn đại biểu nhà trai đặt chân đến cổng nhà gái và chỉ kết thúc khi nghi lễ của đám cưới được thực hiện đầy đủ.

Không gian diễn xướng Thơ lẩu trải rộng trên tất cả không gian đám cưới và tập trung trong phạm vi hai gia đình có lễ. Các bài hát được diễn xướng cùng một số thủ tục, nghi lễ đám cưới. Do vậy, ngôi nhà sàn với các điểm như: cổng nhà, cầu thang, cửa chính - với những vật “thử thách” tượng trưng - gian tiếp khách, đặc biệt là gian chính giữa trước bàn thờ được gia đình trang hoàng rực rỡ màu sắc, với những lễ vật, đồ cúng tổ tiên, là “sân khấu” diễn xướng Thơ lẩu. Tất yếu, không gian sinh hoạt đó luôn có những người tham dự lễ cưới, sự hứng khởi của họ yếu tố quan trọng tác động không nhỏ tới tâm lí người hát, tạo nên môi trường diễn xướng đặc thù.

1.3.2. Nhân vật diễn xướng

Khảo sát, nghiên cứu các bài Thơ lẩu ở Hà Vị, chúng tôi nhận thấy, không có sự xuất hiện rõ ràng của các nhân vật diễn xướng. Bởi nhân vật diễn xướng và nhân vật trữ tình trong các bài hát bị đồng nhất làm một.

Các bài Thơ lẩu không thể hát tùy tiện, mà phải theo một trật tự nhất định, nên việc tổ chức hát cũng được quy định chặt chẽ và có những tiêu chuẩn nhất định. Người diễn xướng Thơ lẩu bao gồm: lực lượng hát bên nhà trai là Quan làng, giả lặp (bà đón) và các phù rể; Lực lượng hát bên nhà gái là: Pả mẻ, các phù dâu và các bạn gái của cô dâu. Lúc ở nhà gái còn có người đại diện gia đình, được cử ra để giao tiếp, đưa ra các thử thách, dẫn dắt các nghi lễ, thủ tục để nhà trai thực hiện. Cô dâu và chú rể không tham gia cuộc hát. Trong phái đoàn của hai họ thì, Quan làng (người dẫn rể đi đón dâu) và Pả mẻ (chị của mẹ) là những người giữ một vai trò quan trọng, là người đại diện cao


nhất, là người có thẩm quyền giải quyết tất cả mọi việc liên quan đến vấn đề tục lệ, nghi lễ, là “nhà ngoại giao” đồng thời, cũng chính là “cây văn nghệ” - những “nghệ nhân” diễn xướng chủ yếu trong đám cưới. Bởi vậy, để được mời làm Quan làng, Pả mẻ, họ phải đạt được những tiêu chuẩn chính: nhất thiết phải có vợ (chồng) đầy đủ, đông con, có cả con trai lẫn gái, gia đình hòa thuận ấm êm, có đạo đức, quan hệ xã hội tốt, nếu là người có địa vị xã hội càng tốt; là những người am hiểu phong tục, tập quán, ăn nói lịch thiệp, đặc biệt có tài ứng đối linh hoạt và tất nhiên là người giỏi thơ, trong mọi tình huống có thể “ứng khẩu thành thơ”. Quan làng và Pả mẻ là những người có uy tín trong việc đưa đón dâu, họ chính là người “giữ lửa”, là “linh hồn” của phái đoàn.

Như vậy, điểm qua lực lượng và thành phần hát của hai bên chúng ta thấy, thực chất diễn xướng Thơ lẩu ở đây “là một cuộc hát đối đáp giữa nam và nữ mà sức hấp dẫn của cuộc hát đối đáp ấy là một cuộc thi hát, một cuộc thi thơ” [5,tr. 8]. Do các bài hát Thơ lẩu mang tính “ngoại giao”, cho nên, bất kể ai khi diễn xướng thì cái tôi của họ sẽ hòa vào ca từ của bài hát để thể hiện vai trò, nhiệm vụ và bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của chính mình cũng là của cả phái đoàn với mọi người. Lúc này, nhân vật trữ tình và nhân vật diễn xướng đều hòa nhập làm một, cảm xúc chứa đựng trong mỗi lời ca tiếng hát là tiếng nói của con tim, hết sức chân thành, tha thiết. Phải chăng, chất “muối”, chất” thơ” chính là ở đó?

1.3.3. Trang phục diễn xướng

Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Tày trong những ngày tết, lễ, đặc biệt là ngày cưới - ngày lễ trọng đại trong chu kì đời người, thì trang phục được lựa chọn đầu tiên chính là bộ trang phục truyền thống - sắc áo chàm với đường nét, họa tiết đơn giản từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người Tày.

Trong đám cưới của người Tày ở Hà Vị trước đây, dâu (rể) cùng cả phái đoàn phải ăn mặc đồng phục. Nam mặc áo dài đen, quần đen hoặc trắng, đội


khăn xếp hoặc mũ nồi, chân đi giày vải. Nữ mặc áo dài cùng với quần hoặc váy, thắt lưng, đội khăn, đều màu chàm. Cô dâu đeo khuyên tai, vòng cổ, thắt lưng đeo xà tích, chân đi hài hoặc giày nữ, tôn thêm vẻ đẹp của cô dâu trong ngày cưới. Hiện nay, cùng với sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội thì đã kéo theo sự thay đổi theo hướng hiện đại về trang phục của cô dâu, chú rể cũng như trang phục của các nhân vật diễn xướng trong ngày cưới. Đa số Quan làng đã mặc Âu phục, đội mũ nồi; Pả mẻ có người cũng mặc áo dài, hoặc áo bà ba như người Kinh v.v...chỉ còn số ít sử dụng trang phục truyền thống. Nhưng dù cách ăn vận thế nào, thì trang phục diễn xướng của họ phải luôn thật chỉnh tề, sang trọng.

1.3.4. Hình thức diễn xướng

Qua khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được, hát là hình thức diễn xướng truyền thống của một số loại sáng tác dân gian trong đó Thơ lẩu.

Diễn xướng hát Thơ lẩu trong đám cưới của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn được biểu hiện dưới ba hình thức hát đối đáp, hát đơn và hát kết hợp với trò chơi (Bài ca trò diễn ). Trong đó, hình thức hát đối đáp là chủ đạo, quán xuyến toàn bộ cuộc hát - diễn xướng Thơ lẩu thực chất là một cuộc hát đối đáp - song hát đơn (tự hát), hát thách (bài ca trò diễn) lại là những hình thức không thể thiếu, thậm chí, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra những trạng thái cảm xúc khác của đám cưới.

Hát đối đáp trong Thơ lẩu là những cuộc trò chuyện trực tiếp bằng thơ ca. Thường thì đại diện bên chủ nhà sẽ hát trước để hỏi han, mời chào, chúc mừng,..với tinh thần khiêm tốn. Khách sẽ đáp lại qua lời bài hát của mình để giới thiệu, nhận lời hay từ chối, bày tỏ ý định của mình một cách lịch sự, khéo léo và đặc biệt bao giờ cũng ca ngợi hết lời. Nội dung các khúc hát Thơ lẩu đều lấy việc đối ý làm chính. Vì thế, người hát phải cố gắng trả lời khớp với ý của đối phương đưa ra, hợp với sự phát triển của quá trình diễn biến các giai đoạn


của đám cưới. Khi tiếng hát của gia chủ vừa dứt thì tiếng hát của khách sẽ cất lên. Cứ như vậy, cho đến khi lễ cưới kết thúc, hát đối đáp trở thành một cuộc giao lưu, trò chuyện, mỗi lúc một lôi cuốn, vui vẻ, thân tình giữa hai họ.

Hình thức hát đơn (đơn ca): không chủ yếu hướng tới giao tiếp, trò chuyện trực tiếp. Hình thức này chủ yếu hướng tới bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm chủ quan của mình với mọi người một cách tự nhiên, thoái mái, không bị gò ép: cảm ơn nhà bếp, xin thắp đèn, thắp hương, trình báo tổ tiên, lạy họ, căn dặn dâu (rể) v.v...những công việc mà chỉ đại diện một bên thực hiện mà không phụ thuộc vào bên kia. Cũng bởi vậy mà hình thức hát đơn, làm cho không khí đám cưới trở nên phong phú hơn, lắng sâu hơn những dòng cảm xúc trữ tình gắn kết con người gần nhau hơn.

Trong diễn xướng Thơ lẩu cũng sử sụng hình thức Hát thách (Bài ca trò diễn). Nhà gái sẽ vừa hát mời nhà trai vào nhà, rửa chân, mời ngồi...vừa sử dụng những vật vô tri như cái lồng gà, cái đèn, những sự vật ngược đời: cái đó trên cạn, lấy rượu làm nước rửa chân, trải chiếu trái, trải ngược..kèm theo. Nếu không đặt các bài hát đó vào hoàn cảnh cụ thể thì không thể hiểu được ý nghĩa độc đáo của những bài thơ đó, thậm chí còn cho là người hát điên loạn. Tất nhiên, Quan làng là người trong cuộc, hiểu luật chơi, nên thông qua những phí sinh vật, có thể trò chuyện, tâm sự với những phí sinh vật đó một cách thật thà, hồn nhiên như người thật. Pha chút giọng mỉa mai, châm biếm, nhưng thực sự hình thức diễn xướng này đã đem lại cho đám cưới không khí vui vẻ, cởi mở.

Những hình thức nói trên, được người diễn xướng kết hợp nhịp nhàng, khéo léo, thể hiện một cách trang trọng, thiêng liêng mà không kém phần sinh động, lôi cuốn người nghe mỗi khi khúc hát Thơ lẩu được vang lên. Đó là sản phẩm của phong cách hài hòa giữa lí trí và tình cảm, giữa cảm xúc thi ca hồn nhiên và sự thông minh linh hoạt về trí tuệ.

Diễn xướng “hát” còn có những yếu tố phụ trợ khác như động tác, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt (những yếu tố phi ngôn ngữ) để tăng tính biểu cảm. Điều

Xem tất cả 165 trang.

Ngày đăng: 20/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí