Tổng Quan Về Tộc Người Tày Ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn


NỘI DUNG

Chương 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TẾ CỦA VIỆC

TÌM HIỂU THƠ LẨU Ở HÀ VỊ, BẠCH THÔNG, BẮC KẠN


1.1. Tổng quan về tộc người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn

1.1.1. Vài nét về cộng đồng người Tày ở Bắc Kạn

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc (Phía Đông giáp Lạng Sơn, phía Tây giáp Tuyên Quang, phía Nam giáp Thái Nguyên, phía Bắc giáp Cao Bằng). Là nơi quần tụ của nhiều dân tộc anh em, trong đó chủ yếu gồm 7 tộc người cư trú: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay. Trong số các dân tộc anh em cùng sinh sống ở Bắc Kạn, thì người Tày cư trú lâu đời và luôn là dân tộc có số đông nhất, theo tổng điều tra dân số năm 2009 thì dân số trong toàn tỉnh là 294.660 nghìn người, trong đó, dân tộc Tày 159.174 nghìn người chiếm 54,1%, [27]. Người Tày nơi đây có số dân đông nhất, cư trú lâu đời và trên địa bàn rộng lớn nhất và cũng là một cộng đồng có ý thức tộc người thuần nhất, giữ được truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng các dân tộc khác, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Người Tày Bắc Kạn hiện nay gồm ba bộ phận hợp thành trong quá trình lịch sử: bộ phận bản địa từ thời nguyên thủy. Người Tày Bắc Kạn gọi bộ phận này là “Cần Tày cốc đin mác nhả” nghĩa là “người Tày gốc đất hạt cỏ” từ thời nguyên thủy; bộ phận người Tày gốc Kinh ở miền xuôi lên. Xuất phát từ mối quan hệ lâu đời giữa hai miền xuôi ngược, đặc biệt là do sự biến động về lịch sử - xã hội: chế độ Lưu quan, các tướng lĩnh, quan lại người Kinh được cử lên miền núi cai trị và trấn ải biên thùy, theo đó là binh lính tòng quân, dân phu phục dịch. Họ ở lại và xen kẽ trong xã hội người Tày và dần chuyển hóa thành dân tộc Tày, còn gọi là “Kinh già hóa Thổ”; và suốt chiều dài lịch sử,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.


từ thời kì nhà Mạc thất thế cho đến sau cách mạng tháng Tám, người Kinh lên Bắc Kạn ngày một tăng. Trong số này nhiều người ở lại lâu đời và đã bị Tày hóa; bộ phận Tày - Nùng từ Quảng Tây (Trung Quốc) đến đất Bắc Kạn lập nghiệp. Đây là nhóm người có nguồn gốc từ Quảng Tây (Trung Quốc), dưới ách nhà Thanh hà khắc, nhiều người đã rời bỏ quê hương sang Việt Nam tìm đất mới sinh cơ lập nghiệp. Họ đã sớm hòa nhập, cố kết vào khối Tày bản địa một cách tự nhiên với tâm lí xã hội như chính vùng quê cha đất tổ của mình.

Thơ Lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn - 3

Trong quá trình lịch sử, cùng với người Tày trên cả nước, người Tày ở Bắc Kạn, chẳng những góp phần quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước mà còn sớm hình thành một nền văn hóa, làm phong phú thêm những truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

1.1.2. Điều kiện tự nhiên, đặc điểm lịch sử, xã hội và đời sống văn hóa của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn

1.1.2.1. Điều kiện tự nhiên

Hà Vị là một trong 16 xã của huyện Bạch Thông - một huyện nằm ở trung tâm tỉnh Bắc Kạn - có vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho giao thông đi lại và phát triển kinh tế xã hội cũng như giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong vùng. Nằm trên trục quốc lộ số 3 – nối giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng, Hà Vị cách trung tâm thị xã 6 km về hướng Bắc, có tổng diện tích tự nhiên là 1251,17 ha, với số dân 1.646 người, gồm 02 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm tới 95 % dân số trong toàn xã. [57, tr.3]

Địa hình núi cao chiếm phần lớn diện tích của xã, xen kẽ những dãy núi cao là những cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng hết sức thuận lợi cho nông nghiệp phát triển. Diện tích rừng lớn nhất toàn huyện, đã đem lại lợi thế cho phát triển nguồn lâm thổ sản và làng nghề. Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Hà Vị cũng phải chịu những đợt gió mùa Đông Bắc giá lạnh, có


khi cả rét đậm rét hại ảnh hưởng đến vật nuôi và cây trồng; hệ thống sông suối khá dày đổ về sông Cầu, vừa bồi đắp một lượng phù sa lớn cho nông nghiệp, nhưng về mùa mưa, thường gây ra lũ quét rất nguy hiểm cho cuộc sống của con người.

Điều kiện tự nhiên nói trên, về cơ bản, đã tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội cũng như tạo nên những đặc trưng riêng trong sinh hoạt văn hóa vật chất lẫn tinh thần của đồng bào nơi đây.

1.1.2.2. Đặc điểm lịch sử, xã hội

Cũng như cộng đồng người Tày trong tỉnh, người Tày Hà Vị, Bạch Thông cũng được tạo nên từ ba bộ phận chính là: người bản địa từ thời nguyên thủy, người Tày gốc Kinh ở miền xuôi lên và một bộ phận Tày - Nùng từ Quảng Tây (Trung Quốc) đến đây lập nghiệp. Ba bộ phận hợp thành một, giữ vai trò chủ chốt là người Tày bản địa, những chính hai bộ phận còn lại đã tạo nên sự bổ sung cần thiết để tạo nên bản sắc Tày sâu sắc.

Điểm đáng chú ý là, cùng sinh sống trên mảnh đất này chỉ có 02 dân tộc đó là dân tộc Kinh và Tày. Dù chiếm ưu thế nhưng người Tày luôn thể hiện sự tôn trọng, tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa của dân tộc Kinh, sống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách, hướng tới xây dựng bản làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Là một xã có đông người Tày bản địa sinh sống, người Tày ở Hà Vị cũng sống quần tụ thành từng thôn bản ở chân núi, cánh đồng và ven các con suôi nhỏ. Tên bản thường được gọi theo tên đồng ruộng như Nà Ngàm, Nà Phá, Nà Cà v.v... Mỗi bản có tới 30 - 40 nóc nhà trở lên (xã Hà Vị có 09 thôn bản, hộ gia đình 430 hộ, trong đó có 07 hộ gia đình người Kinh). Họ sống theo gia đình với nhiều thế hệ; chế độ hôn nhân một vợ một chồng, gia đình mang tính phụ hệ. Giống như dân tộc Kinh, sự phân biệt trưởng thứ khá rõ ràng trong từng gia đình, gia tộc người Tày.


Thành ngữ có câu “nhìn đai, chài ớ” (gái thôi, trai đấy!), có ý phân biệt trong quan niệm về con trai, con gái. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu mối quan hệ gia đình của người Tày chúng ta không thể phủ nhận sự tiến bộ trong quan niệm nam – nữ của họ :“...ở đó bao trùm một tinh thần tương thân, tương ái, bình đẳng, dân chủ nội bộ khá sâu sắc giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ. Người Tày (...) trân trọng, yêu quý người đàn bà, người mẹ, người vợ, và con gái. Vì lẽ họ hiểu sâu xa rằng, người đàn bà đảm nhận vai trò vô cùng quan trọng trong lao động sản xuất, quản lí kinh tế gia đình, và lớn lao hơn là trong sinh nở con cái, nuôi dưỡng chúng trưởng thành.” [56, tr.25]

Như chúng ta đã biết, kinh tế truyền thống của người Tày trước hết là nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước – họ là người sáng tạo, bảo lưu nhiều truyền thống về cây lúa và cách thức trồng lúa sơ khai. Người Tày cần cù lao động, khai phá đất đai, tạo nên những thửa ruộng bậc thang ở các khe suối, thung lũng. Xu hướng mở rộng diện tích ruộng, tạo hệ thống mương, phai cung cấp đủ nước tưới tạo cho cánh đồng ngày càng thêm màu mỡ. Ca ngợi điều đó, dân gian có câu:

Nà mjạc bấu quá Đồng Viên Tổng phiêng bấu quá Hà Vị

(Ruộng tốt không đâu hơn Đông Viên

Cánh đồng bằng phẳng không đâu hơn Hà Vị)

Bên cạnh đó, người Tày ở Hà Vị từ lâu đã biết “sống dựa vào thiên nhiên”, nguồn lâm thổ sản dồi dào cả về thực vật và động vật, đem lại lợi ích không nhỏ cho con người. Sau nữa là chăn nuôi và làm nghề thủ công nổi bật như: dệt vải, đan lát, cất rượu...Xã hội phát triển, nền kinh tế của người Tày cũng có sự thay đổi. Nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng cao, các sản phẩm của người Tày không chỉ đáp ứng nhu cầu tự thân nữa mà đã có nhu cầu trao đổi mua bán. Họ vẫn duy trì buổi chợ phiên của xã, được tổ chức cách nhau 5


ngày, thường thu hút đông người tới chợ. Đồng bào tới đây không chỉ mục đích kinh tế mà còn mong muốn được giao lưu, kết bạn, tạo nên những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của mình.

1.1.2.3. Đời sống văn hóa

Cũng như người Tày ở những địa phương khác, người Tày ở Hà Vị có một đời sống văn hóa vật chất lẫn tinh thần hết sức đa dạng và giàu bản sắc.

Về nhà ở, nhà sàn đã trở thành kiểu nhà truyền thống của người Tày. Ngày nay, do nhiều lí do khác nhau của đời sống hiện đại, tính kinh tế, tiện ích v.v....nên một số gia đình ở đây cũng đã chuyển sang xây dựng nhà đất, nhà gạch, nhưng nhìn chung, nhà sàn truyền thống vẫn được ưa chuộng. Nhà sàn nơi đây được làm theo “kiểu vì 4 và sáu hàng cột” có trụ ngắn đứng trên xà. Tùy theo lối ra vào mà người Tày lựa chọn vị trí đặt cầu thang lên nhà (thường đặt ở đầu hồi bên trái nhà). Mặt bằng sàn là nơi quan trọng, thể hiện đậm nét sinh hoạt và tôn ti trật tự trong gia đình. Ngoài kết cấu các gian nhà chính, còn có hai chái và hiên trước nhà để thoáng, được giới hạn bằng hàng rào chấn song. Liền với hiên trước về phía đầu hồi là sàn phơi thóc lúa, quần áo và những đêm trăng sáng con trẻ ra sàn vui hát, ngắm sao. Dưới gầm sàn, trước kia là nơi chăn nuôi và nhốt gia súc, gia cầm. Ngày này, khi đời sống cũng như nhận thức tiến bộ hơn, chuồng trại chăn nuôi đã được đồng bào tách khỏi khu ở, cùng với đó họ còn xây dựng các công trình phụ mang tính khoa học hiện đại.

Như vậy từ bao đời nay, nhà sàn đã gắn bó với đời sống sinh hoạt, nghi lễ, phong tục tập quán của người Tày. Điều đó đã được phản ánh một cách đầy đủ và rõ nét trong những khúc hát Thơ lẩu, tạo nên một nét văn hóa độc đáo của con người nơi đây.

Về trang phục truyền thống, người Tày chủ yếu mặc quần áo màu chàm bằng vải bông dệt tay, cắt may đơn giản, không thêu thùa hoa văn. Nam mặc


áo năm thân như nữ nhưng chỉ dài tới đầu gối hoặc mặc áo cánh, xẻ ngực cài cúc, quần lá tọa ống rộng dài tới mắt cá chân. Nữ thường cuốn tóc ngang, chít khăn vuông tạo nên một vòng tròn mỏ quạ như người Kinh, mặc áo năm thân, buộc thắt lưng, đeo vòng cổ, vòng tay, khuyên tai bằng bạc, đeo chuỗi xà tích trong những ngày lễ hội, đăc biệt trong lễ cưới - trang phục của cô dâu. Ngày nay, dù những bộ trang phục truyền thống đã ít dần đi, nhưng “sắc áo chàm” luôn là nét văn hóa độc đáo và là niềm tự hào của người Tày.

Văn hóa ẩm thực của người Tày rất phong phú. Trước kia, ở một số nơi, người Tày ăn nếp là chính và hầu như gia đình nào cũng có chõ đồ xôi. Trong các ngày tết, ngày lễ thường làm nhiều loại bánh trái như bánh chưng, bánh giày, bánh khảo, bánh trứng kiến...Cách chế biến món ăn cũng khá tinh tế, họ đặc biệt yêu thích các món hầm, rán, nướng, đồ treo gác bếp... Đồ uống thông dụng là nước sôi để nguội, chè do chính họ trồng và sao, còn có rượu tự chưng cất. Chè và rượu là hai thức uống không thể thiếu của tộc người Tày trong các ngày tết, lễ, đặc biệt là lễ cưới. Phải chăng vì thế mà một cách gọi khác của dân gian “ăn cưới” là “kin lẩu” (uống rượu).

Trong văn hóa ứng xử, đồng bào coi trọng đạo nghĩa. Hầu hết mọi dòng họ đều có gia phả, thứ bậc theo chi nhánh rõ ràng. Về điểm này có điểm khác hẳn so với dân tộc Nùng – quan niệm “ai nhìn thấy mặt trời trước thì người đó là anh, chị”. Con cái phải hiếu nghĩa với cha mẹ, vợ chồng phải thủy chung son sắt, anh em phải hòa thuận, đoàn kết, trong đó con trưởng là trung tâm. Có câu: “Van bấu quá nựa pết, chếp bấu quá pả nà”.

(Không gì ngon hơn thịt vịt, đau xót không ai hơn chị em).

Tục nhận con nuôi (lục liệng), nhận bạn (toồng) vẫn luôn được coi trọng. Hàng xóm, bạn bè, cũng coi như người trong gia đình. Hơn nữa, chính tư tưởng Tam giáo cũng đã có ảnh hưởng khá rõ nét tới phong cách, lối sống, khát vọng của người Tày. Dù ở đâu, thời nào, họ cũng luôn thể hiện là những


con người trọng tình nghĩa, trọng danh dự, lời hứa, sống chân thành, mến khách thương người, mong có cuộc sống ấm no, công bằng, bác ái. Nét đẹp trong văn hóa ứng xử ấy cũng được phản ánh rõ nét trong những khúc hát Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông.

Người Tày rất coi trọng văn hóa tinh thần. Họ tin rằng, tất cả mọi vật kể cả con người đều có ma. Có ma lành và ma dữ. Ma lành thì được thờ phụng để phù hộ, ma dữ nếu quấy nhiễu thì phải cúng tế, xua ma đuổi tà. Công việc này không chỉ thực hiện bởi người trong gia đình mà còn được thông qua tầng lớp thầy cúng, thầy bói dân gian (các thầy Mo, thầy Tảo, bà Pựt). Coi trọng việc thờ cúng, người Tày thờ tổ tiên, các vị thần cai quản gia đình và bản mường...trong các ngày lễ, tết, mồng một, hôm rằm...trong năm và ngoài tết. Ở Hà Vị, cho đến hiện này vẫn duy trì rất tốt lễ hội Lồng Tổng (xuống đồng) được tổ chức vào 11 tháng Giêng hàng năm, để cầu mưa thuận gió hoà, cầu cho mùa màng bội thu. Ngoài phần Lễ long trọng là phần Hội tưng bừng với những câu hát lượn giao duyên cùng với các trò chơi dân gian rất đặc sắc.

Văn học, văn hóa nghệ thuật dân gian ở Hà Vị cũng rất phong phú và đa dạng. Vốn quý đó, một phần nhỏ được lưu giữ qua các tài liệu mà các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật dân gian sưu tầm, còn phần lớn được lưu giữ qua các “nghệ sỹ” dân gian. Trong xã hội hiện đại, các hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian không còn được phổ biến như xưa nữa mà được diễn xướng xen kẽ trong các đợt sinh hoạt tập thể, lễ hội, một số đám cưới, mừng nhà mới, giải hạn, lễ đầy tháng v.v...

Như vậy, dù cách trung tâm thị xã Bắc Kạn chỉ 6 km và gần kề quốc lộ số 3, song đến với Hà Vị hôm nay vẫn có thể thấy, bản sắc Tày còn in đậm trong những nếp sinh hoạt, lối sống, phong tục tập quán của con người nơi đây. Và đây cũng chính là những cơ sở cần thiết để chúng tôi triển khai đề tài của mình.


1.2. Khái quát về Thơ lẩu và nghi lễ đám cưới của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn

1.2.1. Khái quát về Thơ lẩu

1.2.1.1. Khái niệm: Thơ lẩu

Trong kho tàng văn học nghệ thuật cổ truyền của dân tộc Tày - Nùng ở Việt Bắc, Thơ lẩu là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân. Nó vừa có tính chất sinh hoạt văn nghệ quần chúng lại vừa có tính chất sinh hoạt phong tục nghi lễ cưới xin của người Tày. Tuy nhiên, cho đến này vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào đưa một khái niệm cụ thể, và có tính chung nhất về loại hình nghệ thuật này.

Nhà nghiên cứu Vi Quốc Bảo trong một số bài nghiên cứu của mình đã thống nhất sử dụng khái niệm hát đám cưới, (người Tày thường gọi là Thơ lẩu) với cách hiểu: Đây là một hình thức sinh hoạt văn nghệ quần chúng đặc sắc và rộng rãi trong đám cưới. Hát đám cưới, thực chất là một cuộc hát đối đáp giữa nam và nữ, một cuộc thi hát, một cuộc thi thơ... Nội dung chủ yếu của các bài hát là phản ánh hiện thực xã hội đương thời, đồng thời thể hiện cái nhìn về vũ trụ và cuộc đời cũng như tâm hồn, tình cảm của dân tộc Tày, Nùng. [32, tr. 53-63]

Lường Văn Thắng khi Tìm hiểu giá trị nội dung của một số bài thơ Quan lang đã cho rằng: Thơ Quan lang là loại thơ hôn lễ của dân tộc Tày,...Các bài thơ đều mang những tiêu đề của việc giao dịch hôn lễ như : Mở cửa, Cất chổi, Giải chiếu, Kính cha mẹ...Nội dung của thơ Quan lang tương đối ổn định, chủ yếu là phản ánh một nền đạo đức mang tính nhân dân sâu sắc. [32,tr. 75- 83]

Hà Văn Thư - Lã Văn Lô trong Văn hóa Tày - Nùng có viết: “Thơ ca đám cưới, người Tày gọi là xướng quan làng. Trong khi hành lễ nhất cử nhất động đều phải thể hiện bằng thơ...Thơ ca đám cưới cùng rất nhiều màu, nhiều vẻ và đậm màu sắc địa phương”. [21, tr. 88]

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/10/2023