Con Người Được Tiếp Xúc Với Văn Minh Phương Tây Qua Chuyến Đi “Dương Trình Hiệu Lực” Ở Hạ Châu


Đường luật Nôm đã thực hiện một cuộc cách tân đầy ý nghĩa. Cuộc sống đời thường, nguyên sơ, chất phác, dân dã trở thành đối tượng thẩm mĩ của thơ bà. Cái bản năng, tự nhiên, trần tục vốn xa lạ với phong cách trang trọng, cao quý của Đường luật bỗng trở nên thích dụng với phong cách trào phúng của Hồ Xuân Hương” [170,46-47]. Về kí, “Thượng kinh kí sự là tác phẩm kí nghệ thuật đích thực đầu tiên của Việt Nam. Nó không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể kí trung đại Việt Nam, mà còn là mực thước cho lối viết kí sau này” [87,46]. Về tiểu thuyết chương hồi, với Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô gia văn phái đã đưa tiểu thuyết chương hồi vượt qua phạm trù văn học chức năng hành chính “tới bên kia bờ của văn học đích thực” [86,55]… Tính chất nghệ thuật thống lĩnh gần như tuyệt đối trên văn đàn.

Đặc biệt, giai đoạn này còn phát triển thể hát nói - thể thơ do sự ảnh hưởng của kinh tế hàng hoá thiên về ca ngợi cuộc sống hưởng lạc. “Thể loại này lúc đầu chỉ là phản ánh sinh hoạt công xã (thế kỉ XV). Nhưng vào thế kỉ XVIII, hát nói đã là một tổ chức thành thị, có mục đích hành lạc, và người ta đến đây không phải để ca ngợi đạo đức Nho giáo, mà để hưởng thú “tài tử với giai nhân là nợ sẵn” [93,59]. Thêm nữa, đây còn là một thể loại phối hợp nhiều thể văn: ngũ ngôn, thất ngôn Đường luật, tứ lục, cổ phong, song thất, lục bát và được coi là thể thơ “tự do” đầu tiên của Việt Nam. Nó thể hiện tài năng, sự phóng túng, vượt ra ngoài sự kiềm toả khuôn khổ lễ giáo phong kiến của người cầm bút. Cao Bá Quát là một trong những tác giả thành công nổi bật ở thể loại này. Đây cũng chính là một trong những tác động tạo nên đổi mới thơ chữ Hán Cao Bá Quát.

Cùng với hát nói, các thể ca, hành… là những thể thơ tự do, ít bị câu thúc bởi luật lệ gò bó được đưa vào trong sáng tác nhiều hơn hẳn các giai đoạn trước. Thơ Miên Thẩm, Miên Trinh… có rất nhiều bài sáng tác theo những thể loại này. Sự xuất hiện của các thể loại này nhiều trong thi ca càng chứng tỏ thơ ca thời kì này coi trọng sự cởi mở, tự do của nghệ thuật.

Thêm vào đó, tuồng cũng phát triển rất mạnh dưới triều Nguyễn, có khả năng lớn trong khái quát cuộc đời. Tuồng, “bằng nghệ thuật tượng trưng, cách điệu hoá của mình, bằng phương pháp kịch, đã đem vào văn học cuộc sống với các thực tế phong phú, sinh động của nó, từ thực tế ở cung đình, ở triều quận đến thực tế ở xã thôn. Về phương diện này, tuồng là một kho lịch sử xã hội đóng góp lớn cho văn học giai đoạn này” [195,313 - 314].

Nói chung, tiền đề văn học giai đoạn thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX tạo điều kiện rõ rệt cho sự đổi mới thơ chữ Hán Cao Bá Quát.


2.3. Cuộc đời, con người Cao Bá Quát


2.3.1. Con người tài năng, phóng túng, ưa đổi mới

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.


Năm 1808, Cao Bá Quát sinh ra trong một gia đình, một dòng họ lớn ở Phú Thị, Gia Lâm, Bắc Ninh (nay thuộc ngoại thành Hà Nội):

Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 6

Dõi đời khoa bảng xuất thân

Trăm năm lấy chữ thanh cần làm bia (Tự tình khúc - Cao Bá Nhạ)

Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Vốn văn hay, chữ tốt, ông lại được thầy giỏi là Cao Huy Diệu (hiệu Hồng Quế - đỗ cử nhân kh oá đầu tiên thời Gia Long, 1807) trực tiếp dạy dỗ, dìu dắt. Sau này, trong bài thơ Bình sinh ngũ thập vận), Cao Bá Quát đã nhớ lại mà viết rằng:

Thiếu dữ Văn Ngu huynh, Ý chí tưởng thướng hạ.

Tộc tổ Hồng Quế ông, Tiển phất phú thanh giá.

(Lúc nhỏ cùng với anh Văn Ngu, Hai người ý khí suýt soát nhau.

Tổ họ là ông Hồng Quế,

Sửa chữa cho thành người thanh giá.)


Tiếng tăm của ông lừng lẫy thiên hạ. Người ta gọi ông bằng biệt danh “Thánh Quát” (Thần Siêu, Thánh Quát) và truyền đi nhiều giai thoại đề cao tài năng của ông.

Vốn tài năng, Cao Bá Quát còn có chí khí hơn người. Chí khí ấy được gieo mầm, nuôi dưỡng từ người cha của ông. Sinh đôi hai con trai, cha ông ao ước con mình sau này sẽ trở thành rường cột triều đình nên lấy tên hai hiền thần nhà Chu để đặt tên cho con. Về sau, Cao Bá Quát lấy tên tự là Chu Thần (bề tôi nhà Chu). Cái tên ấy chứng tỏ lí tưởng, khát vọng có minh quân để “phò nghiêng đỡ lệch”, “thượng chí quân, hạ trạch dân” của Cao Bá Quát.

Có tài, Cao Bá Quát còn nổi lên một tính cách phóng túng, vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Tương truyền, ngay từ khi ông còn nhỏ, cha ông đã nhận ra đặc điểm này khi nhận xét về văn chương của hai người con sinh đôi của mình: “Văn của Bá Đạt hơn về khuôn phép nhưng kém về tài tứ, văn của Bá Quát hơn về tài tứ nhưng


kém về khuôn phép”. Chính Cao Bá Quát cũng nói về tính cách ấy của mình: Thiếu niên tâm tích tảo thanh cuồng (Từ thuở trẻ tính nết đã phóng khoáng rồi - Cấm sở cảm sự, túng bút ngẫu thư).

Vì tài năng, chí khí, phóng túng, Cao Bá Quát có các hành động vì nghĩa lớn. Theo nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi, Cao Bá Quát có tham gia các “hoạt động chấn hưng văn hoá Thăng Long”, cùng một số sĩ phu danh tiếng đương thời ở Bắc Hà trong những năm 30 của thế kỉ XIX [59,35-37]. Việc Cao Bá Quát có mở lớp dạy học từ trước năm 1834 khoảng gần khu vực Quán Thánh [59,37] hẳn không chỉ vì kiếm sống mà chính là vì mục đích chấn hưng văn hoá.

Sau việc làm này, tháng 8/1841, khi làm giám khảo trường thi thấy một số bài thi hay nhưng có lỗi phạm trường quy, ông cùng với bạn của mình là Phan Nhạ lấy son hoà muội đèn chữa giúp 24 quyển. Việc bị lộ, giám khảo trường thi là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc, ông bị bắt giam, tra tấn rồi khép vào tội chết. Khi án đưa lên vua, vua Thiệu Trị cho rằng ông là người ngông cuồng mà làm vậy, chứ không có ý tây vị ai, nên giảm tội từ “trảm khuyết” xuống tội “giảo giam hậu”, tức là giam lại đợi lệnh.

Với cốt cách con người như vậy, ông khó chấp nhận những cái đã quá lỗi thời, sáo rỗng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên ý thức tìm tòi, sáng tạo thi ca của Cao Bá Quát.

2.3.2. Con người ưu phẫn

Khát vọng làm Chu Thần, nhưng con đường hoạn lộ của Cao Bá Quát lận đận, trắc trở. Mộng ước của ông dần bị thực tế nghiệt ngã bóp nghẹt. Năm 14 tuổi (1821), Cao Bá Quát đi thi Hương lần đầu nhưng không đỗ. Năm 1831, đời vua Minh Mạng, ông đỗ trong kì thi Hương. Nhưng năm 1832, Cao Bá Quát đi thi Hội lại trượt. Trải qua mấy kì thi khác nữa, Cao Bá Quát vẫn không thể “vượt thác Vũ Môn”. Điều đó đã hình thành nỗi chán chường, thất vọng về con đường công danh cũ mòn của kẻ sĩ đối với Cao Bá Quát.

Năm 1840, vua Minh Mệnh mất, vua Thiệu Trị nối ngôi, tỏ ý trọng hiền tài, nên ông đã được triệu vào kinh đô Huế, bổ nhiệm làm Hành Tẩu Bộ Lễ (một chức quan nhỏ chuyên lo việc lặt vặt). Niềm vui nhỏ chưa được bao lâu thì đến năm 1841, vua Thiệu Trị có chiếu mở ân khoa, được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát lại phạm tội và bị tống giam. Dù được nhà vua giảm án và cho đi “Dương trình hiệu lực” chuộc tội, song đây vẫn là một nỗi đau thấm thía nữa đối với Cao Bá Quát. Tài năng của ông không có môi trường thi thố. Phải chăng đây là một nguyên nhân khiến Cao Bá Quát phất


cờ khởi nghĩa chống lại triều đình như Đại Nam thực lục đã viết: “Quát là người kiêu ngạo, tự phụ là có tài, danh, mà phải khuất làm chức vị thấp, mới mưu làm loạn”?

Nguyên nhân cơ bản nhất thực chất là sự bất mãn với những chính sách bảo thủ của triều đình khiến dân tình đói khổ, nước nhà lạc hậu của Cao Bá Quát. “Trong thơ Cao Bá Quát, nhân dân là hình tượng nổi bật, nỗi khổ của người dân luôn hiện lên day dứt. Chính đây là hệ quy chiếu để Cao Bá Quát xét đoán giá trị, và đến một lúc nào đó, tư tưởng ái dân đậm tính nhân văn ở Cao Bá Quát trở thành sức mạnh phủ định triều đình đương thời” [130,112].

Tâm trạng phẫn uất của Cao Bá Quát đi vào văn chương của ông khá rõ rệt, đặc biệt là qua những vần thơ viết về thiên nhiên. Cao Bá Quát thường mượn thiên nhiên để phản ánh sự ngột ngạt của xã hội và kí thác sự bức bối trong tư tưởng, tâm trạng của mình: Âm vân thuỳ xúc nhữ/ Thiên bán thượng du nhiên (Mây đen ai động chạm đến mi/ Mà ùn lại ở lưng trời - Đối vũ, kì nhị), Tứ hải dĩ vọng vũ/ Ngũ lôi trường bế san (Bốn bể đã mong mưa rồi/ Sao phép ngũ lôi còn giữ kín trong núi? - Du vân), Nam huân tiêu tức lai hà vãn?/ Lan đắc cuồng xuy dĩ tứ canh (Tin tức gió Nam đến sao muộn thế?/ Ngăn được gió thổi điên cuồng đã sang canh tư - Thập tứ dạ Nghệ An thành trị bạo phong)… Sự bức bối ấy đã thôi thúc con người phải hành động, phải thay đổi:

Ô hô! Hàn thử biến thái thúc hốt gian, Bất tri lai nhật thử hoặc hàn?

Như hà cửu toạ linh tâm toan!

(Kim nhật hành)

(Than ôi! Nóng lạnh đổi thay trong chốc lát, Nào ai biết ngày mai nóng hay rét?

Sao cứ ngồi đây cho lòng xót xa!)

“Văn học là nhân học”. Con người tư tưởng của Cao Bá Quát hẳn ảnh hưởng rõ rệt tới đặc điểm sáng tác thi ca của ông. Nó tạo nên tinh thần đổi mới trong thơ ca của ông.

2.3.3. Con người được tiếp xúc với văn minh phương Tây qua chuyến đi “Dương trình hiệu lực” ở Hạ Châu

Tháng 1/ 1844 (tháng 12 Quý Mão), để Cao Bá Quát chộc lỗi, triều đình nhà Nguyễn phái ông đi “Dương trình hiệu lực” ở Hạ Châu. Chuyến đi ấy theo đúng nghĩa là


sự trừng phạt, để chuộc tội song nó lại trở thành bước ngoặt trong thay đổi nhận thức của Cao Bá Quát.

Hạ Châu là vùng đất có vị trí chiến lược rất quan trọng. Theo công trình nghiên cứu của cố học giả Trần Kinh Hoà (Chen Ching Ho): “Địa danh Hạ Châu, tuỳ theo thời điểm có thể dùng để chỉ những địa điểm khác nhau. Nói một cách cụ thể, địa danh Hạ Châu nguyên vào đầu thế kỉ XIX dùng để chỉ Penang và Malacca, nhưng sau khi Tân Gia Ba trở thành nhượng địa của Anh và cảng này được khai trương vào năm 1819, cả hai danh xưng Hạ Châu và Tân Gia Ba đều được sử dụng chỉ tân cảng Singapore….” [Dẫn theo 141,124]. Vào năm 1819, khi Singapore bắt đầu thuộc về người Anh, hòn đảo này dân cư còn rất thưa thớt, chỉ có một làng chài nhỏ với dân chưa đầy 1000 người. Sau khi thuộc quyền sở hữu của Anh, người Anh đã bắt đầu xây dựng Singapore từng bước thành một cảng thương mại lớn ở Đông Nam Á, vào những năm 1830 nó đã trở thành một trong ba cảng thương mại chính ở Đông Nam Á (cùng với Manila ở Philippines và Batavia - Jarkata ngày nay- ở đảo Java) và là một phần thu nhỏ của đế quốc Anh ở Châu Á. Sự giàu mạnh của Singapore xuất phát từ những thuận lợi từ vị trí địa lý và vị trí của nó trong hệ thống thuộc địa của Anh. Các thương gia người Anh và các thương gia Trung Hoa bị thu hút đến Singapore bởi các quy chế cảng tự do, sự chắc chắn của hệ thống luật pháp Anh và vị trí chiến lược của Singapore.

Phái đoàn của Cao Bá Quát khởi hành trên con tàu mang tên Phấn Bằng. Người dẫn đầu phái đoàn là Đào Trí Phú (nguyên Tả tham tri bộ Hộ), Trần Tú Dĩnh (Viên ngoại lang Nội bộ phủ). Ngoài ra, số quan viên đi tháp tùng bao gồm Thừa biện Lê Bá Đĩnh, Tư vụ Nguyễn Văn Bàn và Nguyễn Công Dao, Thị vệ Trần Văn Quý, cùng hai người đi “hiệu lực” là Cao Bá Quát và Hà Văn Trung. Đoàn chính thức bắt đầu khởi hành vào tháng 1 năm 1844 và về nước vào tháng 7 năm đó.

Nhiệm vụ của Cao Bá Quát trong chuyến đi lần này là có trách nhiệm tìm hiểu, tiếp xúc với người Trung Hoa trên các thuộc địa người Âu Châu, bút đàm với họ nhằm tìm hiểu và thu thập thông tin về động tĩnh của người Châu Âu trên những vùng mà phái bộ ghé tới.

Đối với Cao Bá Quát có lẽ đây là một sự kiện “Tái ông thất mã”, khi ông được tiếp xúc với một chân trời mới. “Tuy nhiên, không phải cứ tiếp xúc với các nước phương Tây hoặc tiếp xúc với các nước đã bị Âu hoá là hiện thực cuộc sống châu Âu nghiễm nhiên bước vào văn học. Chỉ những người tiên tiến, có khát vọng vươn lên và đặc biệt vượt khỏi tính kì thị dân tộc nhỏ nhen phương Đông mới dám nhìn thẳng vào xã hội


phương Tây và phản ánh chúng vào văn học” [87, 62]. Cao Bá Quát chính là một trong “những người tiên tiến” đó! Chuyến đi lịch sử đã khiến ông được cọ xát với văn hoá ngoại sinh. Hành trình tìm và tiếp cận luồng tư tưởng mới của ông chỉ diễn ra vẻn vẹn trong vòng bảy tháng. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, ông thu được kết quả lớn. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Việc được đi ra nước ngoài, tiếp xúc, gặp gỡ với bầu trời văn hoá mới của thế giới Phương Tây ở vùng thuộc địa đã làm nhận thức trong ông thay đổi. Điều này được thể hiện rõ trong văn chương của ông (chúng tôi đề cập tới ở phần sau).

Nói chung, chuyến đi “Dương trình hiệu lực” ở Hạ Châu là một mốc lịch sử rất quan trọng đối với chặng đường phát triển tư tưởng Cao Bá Quát. Nó là một yếu tố cơ bản tạo nên những đổi mới trong thơ ca của ông.

Tiểu kết

Ngọn nguồn tạo nên những những điểm mới của thơ chữ Hán Cao Bá Quát bao gồm: tiền đề xã hội lịch sử, tiền đề văn hoá, văn học Việt Nam và con người Cao Bá Quát.

Về tiền đề lịch sử xã hội: thời Cao Bá Quát đã xuất hiện những sự khác biệt, mâu thuẫn rõ rệt giữa những yếu tố trong nước, giữa những yếu tố trong nước với nước ngoài. Trong nước, có sự mâu thuẫn giữa các yếu tố lỗi thời (hệ tư tưởng, đường lối chính sách Nho giáo) với các yếu tố tiến bộ (tầng lớp thị dân và tư tưởng phi Nho giáo, ảnh hưởng bước đầu của tư tưởng, văn hoá phương Tây). Trong nước vẫn duy trì chế độ phong kiến trong khi thế giới đã chuyển sang chủ nghĩa tư bản… Những mâu thuẫn này đòi hỏi được giải toả, làm xuất hiện những luồng tư tưởng mới, những nhận thức, lối sống mới.

Về tiền đề văn hoá và văn học: văn hoá dân gian tiếp tục phát triển các nội dung phi chính thống, giàu giá trị nhân văn; các sĩ phu Hà Thành có hoạt động chấn hưng văn hoá sôi nổi; văn hoá học thuật và văn học chịu sự chi phối của “phong trào Nho học thực học”, phát triển các quan niệm sáng tác “chủ tình”, “quý chân”, “tính linh”…, hướng tới đời sống hiện thực, nhân bản.

Không khí đó của thời cuộc kết hợp với nhân tố con người Cao Bá Quát (tài năng, phóng túng, ưa đổi mới, nhận thấy thực trạng trong nước, ngoài nước…) trở thành những điều kiện cần và đủ tạo nên những điểm mới cho thơ chữ Hán của ông.


Chương 3

NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ NỘI DUNG


3.1. Từ quan niệm văn học của Cao Bá Quát đến những điểm mới trong thơ chữ Hán của tác giả

Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật thơ Cao Bá Quát là một trong những tiền đề lí luận cần thiết để từ đó nghiên cứu sự đổi mới trong thơ ca của ông và toàn bộ thơ văn của ông. Vì lẽ, quan niệm nghệ thuật là những cách hiểu, cách lí giải về nghệ thuật - ở đây là thơ văn - nghệ thuật ngôn từ. Nó là tầm cảm xúc, tầm trí tuệ trong việc nhận biết, xác định và cắt nghĩa về nghệ thuật. Nó là kim chỉ nam, có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng cho ngòi bút của tác giả.

Quan niệm nghệ thuật của Cao Bá Quát được bộc lộ trực tiếp trong 12 bài thơ bàn về thơ - luận thi thi - của ông (Hí tác thi luận, thập nhị thủ) và một số bài ông bàn về thơ với bạn bè (Đồng Nguyễn Chuyết Hiên, Phạm Thúc Minh luận thi, đắc tâm tự…). Ngoài ra, quan điểm của ông còn được thể hiện dưới nhiều dạng, như chủ động phát biểu chính thức về một tác phẩm văn học của người khác, gởi gắm trong chính tác phẩm do mình sáng tác, hoặc là những suy nghĩ nhân cảm thụ những giá trị văn học của quá khứ hoặc đương thời. Những ý kiến, quan niệm khác nhau trong các dạng nói trên cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến, như Trúc Khê, Lê Trí Viễn, Phương Lựu, Nguyễn Lộc, Vũ Khiêu, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Ngọc Quận, Nguyễn Thanh Tùng… Ở đây có sự kế thừa, bổ sung và chú ý đến những quan niệm tạo nên sự đổi mới trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát.

Trong tư tưởng của mình, Cao Bá Quát có sự tự tin hơn khi dùng chữ Hán để sáng văn chương so với chữ Nôm. Ông viết: “Than ôi, lấy quốc ngữ làm văn chương thì ta chưa dám, nhưng lấy văn chương mà coi quốc ngữ thì ta có phần tán thành.” (Đệ bát tài tử Hoa Tiên kí diễn âm hậu tự). Sáng tác của Cao Bá Quát hầu hết đều làm bằng chữ Hán.

Tư tưởng chính ảnh hưởng đến những điểm mới của thơ chữ Hán Cao Bá Quát là thuyết “tính linh”. Dù chỉ nhắc đến từ tính linh 4 lần (trong bài Thương Sơn công thi tập hậu tự, Vĩnh Tường phủ trị tây hiên ký và hai bài thơ Phục thứ tiền vận tự di kiêm trình Phạm Phủ doãn, Chu Thần thị xướng) song hầu hết các phát biểu trực tiếp về quan niệm văn chương và thực tế sáng tác của Cao Bá Quát là xoay quanh tư tưởng này. Ông bày tỏ:


Tính linh quan xứ hiếu chi di (Chỗ nào có liên quan/dính líu đến tính linh thì thường hay chống cằm - Phục thứ tiền vận tự di kiêm trình Phạm Phủ doãn).

Biểu hiện đầu tiên của sự ảnh hưởng thuyết “tính linh” của Cao Bá Quát là ông luôn luôn đề cao chữ “tình”. Ông xác định rành rọt, dứt khoát: Bàn về thơ, tuy có phải trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính tình (Thương Sơn công thi tập hậu tự). Cao Bá Quát nhiều lần nhấn mạnh điều mà bản thân ông cho là cốt tuỷ này. Trong Thiên cư thuyết, ông viết: Đã đành rằng ồn hay tĩnh là tuỳ từng nơi, khổ hay vui là tuỳ từng cảnh, song trông thấy vật mà cảm đến việc, rồi lặng lẽ mà ngậm ngùi cho cái đã qua, âu cũng bởi chữ tình xui nên như thế! Đây cũng là định hướng chính giúp ông phán xét có sức thuyết phục mọi hiện tượng văn chương lớn nhỏ ở đời. Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự là một ví dụ. Ông viết trong Hoa tiên truyện tự: Xưa nay nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó của đời không gì bằng sự gặp gỡ. Đem cái đó mà giải thích ra, theo loại mà suy rộng ra, thì cái lý trong thiên hạ đã biết được quá nửa rồi. Ta đối với truyện Hoa tiên có một mối cảm là vì thế. Ông đồng tình cùng quan niệm không thể “vong tình” với người thân của người xưa: Tình cự năng vong huống khách tâm (Tình sao có thể quên phương chi ở lòng con người - Thuyền hồi quá Bắc dữ, dư bão bệnh sổ nhật hĩ. Dạ bán đăng tường tứ vọng, thê nhiên độc hữu hương quan chi cảm, nhân giản Trần Ngộ Hiên, kỳ nhị); Vong tình năng hữu kỷ (Đã mấy người quên hẳn được tình - Hữu sở tư)… Cho nên, với Cao Bá Quát:

Hữu đan năng hoán cốt, Đắc thủ vị diên tâm.

(Đồng Nguyễn Chuyết Hiên, Phạm Thúc Minh luận thi, đắc tâm tự)

(Có thuốc tiên mới đổi được cốt phàm, Được tay chưa chắc theo được lòng.)

Thứ hai là Cao Bá Quát đề cao cá tính, thiên tư hay cái tôi (bản ngã). Ông đòi hỏi văn phải tự mình làm ra (Văn tất kỉ xuất) và phản đối gay gắt lối thơ “uỷ mị, yếu ớt”, thiếu cá tính sáng tạo, mô phỏng, bắt chước máy móc cổ nhân. Ông trở đi trở lại quan niệm này nhiều lần. Trong bài Văn tất kỉ xuất, Cao Bá Quát viết: “Há có đôi bàn tay khéo chạm trổ/ Mà lại đi làm bài văn bằng cách chắp vá văn của người khác?/ Chọn lời phải thật lòng từ chính mình/ Văn từ viết ra ắt hơn hẳn người khác/ Đánh cắp câu văn đồng nghĩa với cặn bã/ Câu thơ hay mới mẻ phải thoát ly khỏi sách vở cổ xưa/ Khí văn thông thoáng ào ạt tựa giấy cỏ rậm/ Lời văn viết ra tinh diệu như muốn vút tầng không/ Lam bản hoàn toàn không để ý đến/ Kẻ có tài văn xuất chúng ai thèm theo lối của anh/ Buông

Xem tất cả 208 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí