Thơ Lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn - 2


Thơ lẩuđược lưu truyền trong các gia đình và cộng đồng làng xã từ đời này sang đời khác. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các loại dân ca Tày đã và đang dần bị mai một. Sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu về các loại dân ca của dân tộc Tày (trong đó có Thơ lẩu), luôn là việc làm có ý nghĩa sâu sắc về nhiều phương diện (không chỉ là văn hóa phong tục tập quán, lịch sử, xã hội mà còn có ý nghĩa văn học miền núi).

Trong tư liệu mà chúng tôi bao quát, theo dòng thời gian một số công trình sưu tầm, khảo cứu có liên quan đến đề tài xuất hiện:

Công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu về văn hóa dân gian Tày - Nùng được nhen nhóm từ sau cách mạng tháng Tám, đặc biệt là từ sau Hội nghị bàn về công tác sưu tầm văn hóa dân gian miền Bắc tháng 2 năm 1964. Và chỉ thực sự khởi sắc từ thập niên 70 của thể kỉ XX, được đánh dấu bởi bài viết Dân ca đám cưới Tày - Nùng của nhà nghiên cứu Vi Quốc Bảo đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3 năm 1971.[3]

Ngay sau đó, năm 1973 trong cuốn Dân ca đám cưới Tày - Nùng, Nông Minh Châu đã dày công sưu tầm, biên soạn và dịch hơn 100 bài hát đám cưới Tày - Nùng ra tiếng Việt. Vi Quốc Bảo khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đã có nhận xét, đánh giá, phát hiện rất xác đáng về cuốn sách: “Bên cạnh giá trị sưu tầm, tập dân ca còn có những giá trị khác đáng trân trọng gấp bội. Đó là giá trị về nội dung tư tưởng, về sử học, dân tộc học và nhất là giá trị nghệ thuật thể hiện”.[5] Cuốn sách thực sự trở thành tư liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về dân ca đám cưới Tày - Nùng.

Hướng ứng mạnh mẽ tinh thần của Đảng Lao động Việt Nam, “Chúng ta hãy cố gắng đi sâu trong việc khai thác và phát huy những tinh hoa của văn nghệ dân tộc”, các cơ quan văn hóa Khu tự trị Việt Bắc đã sưu tầm, ghi chép được một số vốn văn học nghệ thuật của một số dân tộc trong khu và sớm ra mắt cuốn: Bước đầu tìm hiểu vốn văn nghệ Việt Bắc, vào năm 1974. Cuốn


sách tập hợp nhiều bài viết của tác giả nghiên cứu, trong đó đã có những bài bước đầu nghiên cứu về hát đám cưới. Tiêu biểu như Vi Quốc Bảo với “Những bài hát đám cưới - những bài thơ trữ tình”, ông đã làm sáng tỏ chất trữ tình trong những bài hát đám cưới:“...đôi bên nam nữ giãi bày quan điểm, tư tưởng, thái độ của mình đối với các thủ tục, nghi lễ buổi đón dâu. Ở rất nhiều bà, đôi bên nam nữ còn giãi bày tâm trạng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ước mở của mình đối với một vấn đề hệ trọng nhất của tuổi trẻ ở bất cứ thời đại nào: tình yêu, hôn nhân, gia đình, hạnh phúc.” [32, tr.59-60]

Như vậy, dân ca đám cưới không chỉ là những bài ca nghi lễ khô cứng mà còn bao hàm cả thành phần giao duyên. Cũng khám phá từ góc độ nội dung, tác giả Lường Văn Thắng với bài “Tìm hiểu giá trị nội dung của một số bài thơ Quan lang” đã đưa ra nhận xét: “Thơ Quan lang của dân tộc Tày chẳng qua cũng là một phương thức phản ánh một quan niệm sống, một sự biết ơn, một sự ngợi ca, một sự khiêm tốn đáng quý...phản ánh một truyền thống đạo đức của dân tộc một cách tế nhị, duyên dáng mà kín đáo nhưng đậm đà”.[32, tr.83] Tác giả Vi Hồng với chùm bài:“Vài ý nghĩ nhỏ bước đầu về thơ ca dân tộc Tày - Nùng”,“Thử tìm hiểu về nội dung của Lượn”, tiếp đó, ông còn cho đăng bài “Vài suy nghĩ về hát Quan Làng, phong slư, Lượn” trên Tạp chí dân tộc học số 3 - 1976 để giới thiệu những nội dung tổ chức, hình thức lề lối cơ bản, khái quát về nguồn gốc của loại dân ca này.

Có thể thấy, trong gần 10 năm (từ 1970 đến 1980), tuy số lượng sách và các bài báo giới thiệu, nghiên cứu về Thơ lẩu chưa nhiều, nhưng chừng đó đã đủ dữ liệu để chúng ta dựng lên khuôn hình của loại dân ca nghi lễ độc đáo này. Từ đây, mở ra con đường rộng lớn để ta thỏa sức khám phá những giá trị văn hóa, văn nghệ dân tộc ở nhiều góc độ, gắn với từng địa phương cụ thể.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.

Năm 1996, nhóm tác giả Triệu Đức Ngự và Hoàng Hóa với sự động viên của Nông Viết Toại đã phối hợp tổ chức tiến hành điền dã, sưu tầm, biên soạn và dịch hoàn chỉnh tập Thơ lẩu (thơ đám cưới). Tập Thơ lẩu gồm 100 bài


Thơ Lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn - 2

(đúng hơn là 100 khúc hát), được sưu tầm ở vùng phía Bắc huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) được sắp xếp theo trình tự của đám cưới (đại lễ), đoàn đại diện nhà trai sang nhà gái đón dâu. [29]

Tiếp đó là công trình nghiên cứu của Nông Văn Nhủng, Tiếng ca người Bắc Kạn, ra đời nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập tỉnh Bắc Kạn (1900 - 2000). Trong cuốn sách này, tác giả đã đi sâu giới thiệu các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của địa phương, những ca khúc tiêu biểu của các dân tộc tỉnh nhà. Khi giới thiệu về phần Thơ lẩu, tác giả đã cung cấp một cái nhìn bao quát từ thơ ca đến kết cấu âm nhạc của hát Thơ lẩu trong đám cưới của dân tộc Tày - Nùng tỉnh Bắc Kạn.[36]

Trong cuốn Văn hóa dân gian Tày, xuất bản năm 2002, nhóm tác giả do

T.S Hoàng Ngọc La (chủ biên) cũng nhắc tới hát đám cưới, chủ yếu theo hướng tìm hiểu nguồn gốc và đặc trưng văn hóa Tày ở Việt Nam.

Phần Lễ cưới, mục “Những lễ nghi phong tục trong chu kì đời người” trong cuốn Bản sắc và văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Bắc Kạn do Hà Văn Viễn sưu tầm - biên soạn năm 2004, đã miêu tả khá chi tiết về các nghi lễ trong đám cưới. Tuy nhiên, tác giả cũng dừng lại ở việc miêu tả tiến trình nghi lễ đám cưới của tộc người Tày gắn với việc hát của Quan làng và Pả mẻ. [34]

Từ góc độ văn học dân gian, Thơ lẩu đã sớm được quan tâm nghiên cứu, giới thiệu. Trong cuốn giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, do Đinh Gia Khánh (chủ biên) năm 2006, các nhà nghiên cứu đã xếp Thơ lẩu vào nhóm các bài ca hôn lễ, thuộc tiểu loại dân ca nghi lễ - phong tục và khẳng đinh: “trong loại hình dân ca đám cưới của các dân tộc, thì hát quan làng của người Tày hoặc hát thơ lẩu của người Nùng là loại dân ca đám cưới có quy mô nhất”.[18, tr. 672] Tác phẩm đã giới thiệu trình tự, nội dung cơ bản trong hát Quan làng của người Tày, có một số câu làm dẫn chứng, đặc biệt đã giới


thiệu trong sự đối sánh với hình thức hát đám cưới của các dân tộc khác để làm nổi bật hát đám cưới của người Tày. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điểm sơ lược nhất, chưa chỉ ra nghệ thuật và diễn xướng - mà theo Vi Quốc Bảo, nghệ thuật thể hiện có nhiều nét độc đáo, đáng để chúng ta nghiên cứu, học tập - của loại dân ca này.

Trong những năm gần đây, việc sưu tầm, nghiên cứu Thơ lẩu từ góc độ văn học dân gian ở những địa phương cụ thể đã được quan tâm nghiên cứu và có những đóng góp nhất định. Tiêu biểu như: Ngọc Hải Anh với công trình Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2009 về Hát quan làng ở Phương Viên, Chợ Đồn, Bắc Kạn [2]; Đàm Thùy Linh, với Luận văn thạc sĩ, Hát quan lang của người Tày ở Thạch An, Cao Bằng. [22]

Như trên chúng tôi đã giới thiệu, dân ca nói chung, dân ca đám cưới Tày

– Nùng nói riêng, từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm từ nhiều góc độ khác nhau (văn hóa dân gian, văn học dân gian, âm nhạc dân gian, dân tộc học…). Tuy nhiên, khi đề cập tới các lĩnh vực trên, thì đa số các nhà nghiên cứu đều quy gộp hai tộc người Tày, Nùng thành một và giới thiệu khái quát, chung chung, chưa có công trình nào chuyên sâu tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật Thơ lẩu của người Tày ở vùng Bạch Thông, Bắc Kạn. Do vậy, chúng tôi đã tìm được khoảng trống cần thiết để thực hiện đề tài. Những công trình nghiên cứu trên là cơ sở gợi dẫn rất bổ ích và quý báu cho chúng tôi tiếp cận và triển khai đề tài.

2.2. Những công trình nghiên cứu Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.

Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn là một trong những xã có rất đông người Tày - “Cần Tày cốc đin mác nhả” nghĩa là “Người Tày gốc đất hạt cỏ” từ thời nguyên thủy sinh sống (chiếm đến 95% dân số của toàn xã). Là một trong những địa phương của tỉnh còn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa văn nghệ dân gian trong đó có Thơ lẩu.


Đối với những con người nơi đây, Thơ lẩu thực sự là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, thể hiện được nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình. Những khúc hát Thơ lẩu được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ người này sang người khác và không quá khó khăn khi hỏi những người hát giỏi - thợ hát, còn nhớ, còn say Thơ lẩu trong xã. Đáng quý là những người nghệ sĩ dân gian ở Hà Vị ngoài hát hay, họ còn có công cóp nhặt, sưu tầm, tìm hiểu về Thơ lẩu ở địa phương mình. Tiêu biểu như: Ông Hà Thiêm Thưởng, Ông Nguyễn Văn Cư, Bà Ma Thị Bường...Khi chúng tôi đến sưu tầm, những nghệ nhân đã cung cấp những tư liệu quý giá về nghi lễ đám cưới của người Tày, giá trị nội dung và ý nghĩa của những bài Thơ lẩu. Chỉ tiếc rằng, những người thợ hát ấy đã cao tuổi, Thơ lẩu vì thế mà cũng “dần theo nếp nhăn trên trán của những nghệ nhân cao tuổi mà lùi sâu vào dĩ vãng” [36, tr.6]. Điều đó cho thấy, nguy cơ mai một của hình thức sinh hoạt độc đáo này.

Tuy nhiên, do nhiều lí do khác nhau mà cho đến nay, việc sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu và xuất bản Thơ lẩu ở Hà Vị chưa được chú ý. Hơn lúc nào hết, việc sưu tầm, nghiên cứu Thơ lẩu (từ góc độ văn học dân gian) của người Tày nơi đây trở nên hết sức cần thiết, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nền văn học nghệ thuật vô cùng quý giá của cả dân tộc.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Khám phá những giá trị sâu sắc về nội dung ý nghĩa và sáng tạo nghệ thuật chứa đựng trong những khúc hát Thơ lẩu, tìm ra được nét độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày.

Có một cái nhìn tổng thể, toàn diện và chân thực nhất về nghi lễ đám cưới cổ truyền của người Tày ở một địa phương cụ thể.


Góp phần bảo lưu, gìn giữ một hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian tốt đẹp của dân tộc Tày trong đời sống dân gian.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Khảo sát, thống kê, phân tích lời Thơ lẩu và một số vấn đề có liên quan đến giá trị nội dung, nghệ thuật đặc trưng của nó.

Trong điều kiện có thể, chúng tôi sẽ sưu tầm, tìm hiểu thêm lời hát Thơ lẩu và một số loại hình văn hóa nghệ thuật, tập tục, tín ngưỡng có liên quan đến đề tài đang lưu truyền trong đời sống dân gian.

4. Đối tương phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của luận văn là những bài Thơ lẩu được sưu tầm ở Hà Vị và một số vùng ở Bạch Thông, Bắc Kạn.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi tư liệu nghiên cứu, khảo sát:

Văn bản Thơ lẩu đã được nhóm tác giả Triệu Đức Ngự, Hoàng Hóa sưu tầm và biên soạn và dịch hoàn chỉnh, xuất bản năm 1996;

Văn bản Thơ lẩu do chính tác giả sưu tầm qua các nghệ nhân ở Hà Vị, Bạch Thông và một số địa phương lân cận trong tỉnh Bắc Kạn (Pác Nặm, Chợ Đồn).

Phạm vi vấn đề nghiên cứu:

Trong điều kiện và khuôn khổ cho phép, chúng tôi đi sâu tìm hiểu những giá trị tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật trong lời hát Thơ lẩu ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trên bình diện phương pháp luận là tiếp cận theo quan điểm ngữ văn học, tức là dựa vào thành tố ngôn từ, cụ thể là lời Thơ lẩu để phân tích. Tuy nhiên, đây là một loại dân ca nghi lễ nên không thể tách khỏi đời sống văn hóa của dân tộc Tày. Do vậy, tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo quan điểm văn


hóa học là cần thiết, song cần phải nghiên cứu theo quan điểm tiếp cận liên ngành, xem xét đối tượng từ nhiều góc độ, ngành khoa học khác nhau.

Trên bình diện phương pháp cụ thể, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp sau:

Điền dã văn học: chúng tôi sử dụng để sưu tầm Thơ lẩu, tìm hiểu tình hình thực tế của hát Thơ lẩu ở Hà Vị và một số địa phương trong tỉnh.

Khảo sát, thống kê: đây là phương pháp chúng tôi sử dụng để có được số liệu chính xác về các bài hát Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, tạo cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo, đưa ra những con số thống kê về một số đặc điểm nghệ thuật, tần số xuất hiện của những hình ảnh biểu tượng và khả năng biểu đạt của chúng.

Phân tích tổng hợp: từ kết quả khảo sát, thống kê, chúng tôi tiến hành phân tích và đưa ra những nhận xét, đánh giá về giá trị nội dung cũng như những yếu tố nghệ thuật của Thơ lẩu ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.

So sánh đối chiếu: chúng tôi sử dụng phương pháp này để làm nổi bật nét đặc sắc của Thơ lẩu, đồng thời, tìm ra những điểm tương đồng, khác biệt – màu sắc địa phương của Thơ lẩu ở Hà Vị so với một số địa phương khác trong tỉnh (Pác Nặm, Chợ Đồn - Bắc Kạn).

6. Những đóng góp của luận văn

Là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về những giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong lời hát Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.

Trong quá trình điền dã, kháo sát, nghiên cứu, tác giả luận văn đã thu thập được một số lượng đáng kể những bài Thơ lẩu còn được lưu truyền trong đời sống dân gian ở Hà Vị, Bạch Thông và một số địa phương lân cận (Pác Nặm, Chợ Đồn) của tỉnh nhà.

Khảo sát thực tế trên là cơ sở khoa học để tác giả luận văn bước đầu đề xuất hướng bảo tồn và phát huy giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Tày nói chung trong đó có dân tộc Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.


7. Bố cục của luận văn

Gồm phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, phần nội dung của luận văn được trình bày trong ba chương:

Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tế của việc tìm hiểu Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.

Chương 2: Những nội dung cơ bản trong Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.

Chương 3: Những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu trong Thơ lẩu của người Tày Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn.

Xem tất cả 165 trang.

Ngày đăng: 20/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí