Dùng Từ Ngữ Và Cú Thức Kiểu Mẫu


công chúa đời Trịnh [140; 148]), “bụi nhơ một cuộc” (Văn đĩ tế chệc Nguỵ [117; 450]), “quỷ thần thề với” (Văn tế Nguyễn Biểu [21; 19]), “Thác mà trả nước non rồi nợ.” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc [21; 78]) Hiện tượng đảo vị diễn ra chủ yếu với hai lý do: 1. Nhấn mạnh yếu tố được đưa ra phía trước; 2. Đáp ứng yêu cầu đăng đối giữa hai vế câu.

+ Kết hợp âm Hán Việt với tiếng Việt: Nhiều trường hợp tác giả dùng kết hợp hoặc xen kẽ chữ Hán với tiếng Việt tạo ta một kết cấu “song ngữ” khá lạ tai. Văn tế vợ là công chúa đời Trịnh có câu: “Vừa một kỷ đứng dòm đuôi Bắc đẩu, tưởng lại giọt dề phu phát, uổng tấm lòng Tinh Vệ buổi kêu thu.” [140; 148] “Giọt dề” (Nôm) là ướt dầm dề, “phu phát” (Hán) là râu tóc; Văn tế vua Quang Trung có câu: “Ôm cưỡng bảo luống ngập ngừng di thể, nhũ mang đôi chút lại thêm thương.” [21; 40] “Nhũ” là bú, “mang” là bồng bế, ý nói hai đứa con, đứa còn bú, đứa còn phải bế. Cách dùng kết hợp này xuất hiện khá nhiều trong văn tế Nôm, nhất là từ đời Tây Sơn trở về trước, vì còn chịu ảnh hưởng mạnh từ văn chữ Hán.

+ Chơi chữ: Đây là một phương thức tu từ lợi dụng hiện tượng đồng âm, đa nghĩa… trong ngôn ngữ để gây một tác dụng nhất định trong lời nói như hài hước, châm biếm, bóng gió, vui đùa… Kiểu chơi chữ thường xuất hiện trong văn tế trào phúng: “Chứng cao hoang bệnh phát ngược dân, một tháng bốn ngày, sâm quế uống đủ phương

chẳng hiệu.” (Văn bà xã tế ông xã [32; 56]) “Ngược dân” 瘧 泯 là bệnh phát đau đớn khắp

cơ thể, đồng âm với “ngược dân” 虐民 là tàn bạo với dân. “Ông xã” là một vị quan ở địa phương, chuyên thói tham lam, hà hiếp dân lành. Tác giả mượn lời vợ quan đả kích tệ cường hào ác bá của các quan.

+ Chơi đối: Trong văn tế trào phúng, ngoài chửi thẳng đối tượng như “Đỗ Cử nhân từ khoa Bính tuất, chó ngáp phải ruồi; Sang hậu bổ giữa tỉnh Thái Bình, chuột sa chĩnh gạo” (Bài điếu tên chó săn Nguyễn Duy Hàn [21; 122]), một số tác giả lợi dụng lối đối của lối phú đưa ra những đòn chơi đối rất hiểm. Tác giả chơi đối cao tay nhất có thể nói là Nguyễn Du: “Trai trong làng rình bốn mặt chan chan; Chó hàng xóm sủa năm canh xa xả.”, “Ả về đó bén duyên phải kiếp, chẳng quản điều mặt dạn mày dày; Ta bây giờ đã quá lứa lỡ đôi, xem chẳng khác mình trần trôn trạ.” (Văn tế Trường Lưu nhị nữ [21; 27]) Nguyễn Du đối bọn trai làng đã hù doạ mình với “chó hàng xóm”, đối mình và trôn của mình với mặt và mày của cô gái phụ bạc. Hai câu đều mang hàm ý mỉa mai cao độ.


Do hầu hết văn tế được viết theo lối phú nên ngôn ngữ giàu tính nhạc. Đặc tính này được hình thành dựa trên các yếu tố vần, đối, nhịp, tạo nên âm điệu trầm bổng, uyển chuyển, khiến cho bài văn tế có âm hưởng du dương, phù hợp với giọng điệu của một bài văn tế. Ngôn ngữ văn tế cũng giàu hình ảnh, giúp tác giả gửi gắm tâm ý, quan niệm, tư tưởng của mình một cách hàm súc, trọn vẹn. Trong đó, như đã thấy, các nhóm ngôn ngữ và cách vận dụng ngôn ngữ như trên đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng nên một tổng thể tác phẩm văn tế.

Trên đây là một số điểm nổi bật về cách vận dụng ngôn ngữ trong văn tế. Qua đó cho thấy, ngôn ngữ là chất liệu, đồng thời cũng là là “gia vị” tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Mỗi người sáng tác có cách vận dụng, nhào nặn chất liệu - gia vị này khác nhau. Đối với một thể loại đa dạng về nội dung và hình thức như văn tế, cách vận dụng ngôn ngữ càng là yếu tố hàng đầu để có thể thể hiện đầy đủ, sâu sắc hai phương diện trên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

3.2.1.2. Dùng câu đối lập

Câu đối lập chúng tôi muốn nói tới là loại câu thể hiện nội dung ý nghĩa và tâm trạng trái ngược nhau. Loại câu này thường xuất hiện ở các bài văn tế biền phú và luật phú. Biền phú và luật phú là hai thể văn dùng nhiều liên nối tiếp nhau, mỗi liên gồm hai câu bằng nhau về số chữ, đối nhau về từ loại, thanh điệu và ý nghĩa. Với thể văn này, tác giả rất thuận tiện trong việc dùng câu đối lập thể hiện dụng ý của mình.

Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 21

Liên quan đến nội dung của văn tế, câu đối lập thường nêu bật sự đối lập giữa sự sống và cái chết, giữa tâm tưởng và hiện thực. Văn tế là thể loại đứng giữa ranh giới của sinh tử, là phương tiện để người còn sống chuyện trò, giãi bày với người đã chết. Ai cũng muốn người thân yêu sống thọ nên khi cái chết xảy đến, họ đều cảm thấy bàng hoàng, việc như nửa thực nửa hư, tưởng như người chết vẫn còn ở gần bên cạnh. Người đứng tế vẫn tưởng như đang tâm sự với người đã khuất, nhắc chuyện xưa kể chuyện nay, giãi tình cảm bày tâm trạng. Mộng và thực, sự sống và cái chết cũng theo đó mà diễn biến, mộng thực chồng chéo, sinh tử đan xen. Vì thế, trong văn tế, đây là nội dung thể hiện nhiều nhất của loại câu đối lập: “Mỗi lúc thọ tinh chiếu sáng, nghĩ trăm năm tuổi hạc da mồi; Nào hay ky vĩ chóng bay, theo cánh bướm mải mê mộng ngủ.” (Văn tế Vũ tướng công [5; 9a] NĐT); “Cũng tưởng người nhân ấy thọ, tuế nguyệt di du tiên giới, sáu bảy mươi cho đến


còi kỳ di; Nào ngờ vật tốt chẳng bền, xuân thu chẳng vẹn tuần cường, ba mươi chín bỗng giữa đường đoản chiết.” (Văn tế anh [93; 557])

Liên quan đến chủ thể và đối tượng của văn tế, câu đối lập chủ yếu dùng để nêu bật hai nội dung chính: tinh thần, đức tính của người được tế; tâm trạng, tình cảm của người đứng tế. Mảng nội dung thứ nhất: “Lừng lẫy quyết lấy đầu tặc tử, danh tôi còn ngò được vuông tròn; Rủi ro khôn dẹp máy binh cơ, sao tướng đã bóng đà lờ lệch.” (Văn tế Châu Văn Tiếp [178]) Câu trên nói lên ý chí diệt giặc, tạo lập công lao của người được tế, câu dưới nói lên hiện thực hi sinh vì thực thi chí cả. Nhờ câu đối lập, tác giả đã nêu bật tinh thần trung nghĩa sẵn sàng hi sinh vì đại cuộc.

Câu đối lập còn dùng để nói lên đức tính của người được tế: “Mấy phen tự lực xưng hùng, đứng trong thiên địa; Một phút vì thân xả mệnh, bạn với quỷ thần” (Văn tế Hầu Tạo [21; 56]) Hầu Tạo được người dân xem là đấng anh hùng đầu đội trời chân đạp đất với thế lực có thể làm cho quân đội triều đình kinh hồn bạt vía. Nhưng vì chữ hiếu, ông sẵn sàng gác lại công trình đã dày công gây dựng; cũng vì chữ hiếu, ông lọt vào vòng hãm hại của quan triều, cuối cùng bị giết chết. Đặt cạnh tinh thần dũng mãnh ngất trời và sự xả thân vì chữ hiếu, đạo hiếu của người làm con càng thêm tỏ rò.

Ở mảng nội dung thứ hai, câu đối lập nêu bật tâm trạng đớn đau và tình cảm nhớ thương của người đứng tế: “Nhớ ngày trước gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hân hoan vui vẻ; Ngẫm hôm nay đưa tiễn, bùi ngùi buồn bã, mắt mũi đầm đìa.” (Văn tế tôn sư Tả thị lang [5; 5a] NĐT) Câu này đối lập ở cả ba phương diện: thời gian, sự việc, tâm trạng. Nhắc kỷ niệm để tưởng nhớ người xưa, nói lên tình lưu luyến, mường tượng hình bóng vị thầy ở ngay bên cạnh. Nhưng nhắc lại quá khứ cũng chính là nói lên nỗi lòng trống vắng, hụt hẫng hiện tại. Sự trống vắng ấy không gì có thể bù đắp, chỉ có thể quay ngược thời gian, gặp lại nhau trong tâm tưởng. Trong văn tế, hầu như tác giả nào cũng thực hiện cuộc hành trình trở về quá khứ để tạm thời lãng quên hiện tại đớn đau, cũng vì thế càng cho thấy nỗi đau không thể nào khoả lấp.

Một trong những tác giả dùng câu đối lập đặc sắc nhất là Lê Văn Đức. Tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn có câu: “Đây là lúc ba quân báo tiệp, khuyết môn nô nức khải hoàn ca; Kia là nơi biên tái thê lương, thánh chúa âm thầm tuôn lệ khóc.” ([13; 2b] NĐT) Lê Văn Đức vừa miêu tả cảnh mọi người mừng vui thắng lợi huy hoàng ở triều đình, ngay


sau đó lại vén ra cảnh chết chóc điêu tàn của các tướng sĩ ngoài chiến địa. Đáng nói hơn, cảnh thắng lợi huy hoàng đó chính là có được từ sự hi sinh xương máu của các tướng sĩ. Nghệ thuật đối lập được vận dụng tối đa thể hiện một cách cao nhất lòng nhớ ơn và tình thương dành cho người ngã xuống vì đại cuộc. Những dòng văn này khiến ai đọc cũng nghẹn ngào rơi nước mắt.

Câu đối lập thực tế là một sự so sánh trực tiếp hai phương diện, hai chiều hướng của vấn đề để thể hiện cùng một bản chất. Vì thế, mặc dù được thể hiện bằng câu đối lập, nhưng sự đối lập giữa hai câu trong một liên lại là cách kết chặt nội dung của chúng, giúp cho sự việc càng thêm rò ràng. Thông qua đó thể hiện nội dung chủ đạo chung, xuyên suốt của văn tế là bày tỏ lòng ngưỡng mộ, xót thương, tiếc nhớ của người đứng tế dành cho người được tế.

3.2.1.3. Dùng các kiểu điệp

Điệp là hiện tượng lặp lại về mặt ngôn ngữ. Hiện tượng này xuất hiện trong khá nhiều bài văn tế. Trong văn tế, có bốn kiểu điệp chủ yếu: điệp từ, điệp vế, điệp kết cấu và điệp câu, trong kiểu điệp câu lại có điệp cấu trúc đơn và điệp cấu trúc kép; có thể điệp đúng từ ngữ, có thể điệp theo cách diễn đạt.

Vị trí điệp cũng đa dạng: trong cùng một liên theo kiểu liệt kê, giữa hai liên, giữa hai câu lục bát, trong câu bát, cuối câu… Hiện tượng điệp cũng diễn ra ở cả hình thức câu khẳng định và nghi vấn/ phản vấn. Điệp có các vai trò chủ yếu sau:

1/ Nhấn mạnh tâm trạng xót xa, tình cảm thương tiếc của người đứng tế. Văn tế Trương Quỳnh Như: “Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm. Chua xót cũng vìđâu? Não nuột cũng vì đâu?” [21; 50] Hiện tượng điệp thể hiện qua hình thức câu hỏi nhưng mang ý nghĩa khẳng định rất mạnh mẽ tâm trạng não nuột, chua xót của một chàng trai trẻ vừa mãi mãi mất đi người mình yêu dấu.

2/ Nhấn mạnh hiện tượng nhằm thể hiện một quan niệm: “Kiếp nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như lửa đá, như chiêm bao, giây phút nên không, dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy.” (Văn tế chị [21; 38]) Cái chết của người chị làm cho Nguyễn Hữu Chỉnh nhận ra kiếp người chóng vánh, giả tạm. Điều này phần nào nói lên quan niệm “vô thường” của Phật giáo trong tác phẩm. Điểm đáng chú ý là câu “dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy”, nghĩa là dù con người có sống đến trăm năm thì so với sự rộng lớn,


trường tồn của vũ trụ cũng chẳng đáng là bao, huống chi người chị chỉ ở trên đời vỏn vẹn 29 năm, quá ngắn ngủi so với đời người, so với tình thương của một người em. Suy nghĩ này cho thấy tình thương ông dành cho chị thật to lớn, cảm động.

3/ Nhấn mạnh động tác nhằm thể hiện cách nhìn nhận về sự việc đã xảy ra: “Ngày gió thổi lao xao tinh dã mã, thoạt nhóm, thoạt tan, thoạt lui, thoạt tới, như tuồng rạng bóng tinh binh; Đêm trăng lờ réo rắt tiếng đề quyên, dường hờn, dường mếu, dường khóc, dường than, đòi đoạn tỏ tình oan khuất.” (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục Tỉnh [21; 88]) Người nghĩa sĩ hi sinh vì nước nhưng bị triều đình cho là “nghịch đảng” [21; 86]. Họ chết đi nhưng tấm lòng vì nước vẫn muốn xông lên chiến tuyến tiêu diệt kẻ thù. Tấm lòng ấy của họ không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm nhân dân. Tác giả khẳng định nghĩa sĩ không trái nghịch mà hoàn toàn “thảo với ngô quân”, chẳng qua không thể cam chịu cảnh đoạ đày dưới gót ngoại bang và thái độ trì hoãn, thoả hiệp của vua quan mà gánh vác nhiệm vụ của triều đình đứng lên diệt giặc. Qua câu trên cũng như toàn bài văn tế, tác giả đã thay mặt nhân dân ca ngợi và nói lên oan khuất của những người nghĩa sĩ.

Hiện tượng điệp từ và kết cấu xuất hiện khá nhiều trong văn tế trào phúng. Cấu trúc của chúng cũng giống như ở các bài văn tế nghiêm chỉnh. Điểm khác chủ yếu là dựa vào đó để biểu thị ý trào phúng. Ví dụ nói về kẻ nghiện hút: “ cha mẹ cũng quên bề sớm tối, dắt tiêm cùn núp lén chốn thị thành; vợ con cũng quên việc ấm no, bọc ngao mẻ dật dờ nơi thôn xã.” (Văn tế nha phiến [32; 71])

Một trong những kiểu điệp thường thấy trong văn tế trào phúng là “Hay (là)… mà…” với ý mỉa mai, châm biếm: “Hay mình thấy tớ nay Hàng Thao, mai Phố Giấy mà bụng mình ghen; Hay mình thấy tớ sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai mà lòng mình sợ.” (Văn tế sống vợ [21; 95]) Trần Tế Xương dùng câu hỏi điệp để tự trào, vừa chối tội mà cũng vừa “tự thú” với vợ những tật xấu của mình. Kết cấu này cũng xuất hiện trong Văn tế sống tình nhơn, Văn tế con chuột, Văn bà xã tế ông xã nêu lên thói đời đổi trắng thay đen hoặc tính cách xấu xa của một người đáng bị phê phán.

Kiểu điệp đặc biệt là điệp cấu trúc kép. Văn bà xã tế ông xã: “Ai gọi rằng con Tạo là công? Công sao còn buộc cho thiếp những dây phiền não? Chẳng vậy sao loan chia phụng chiếc, lưỡng biệt nhạn dĩ thu thiên, mỹ duyên chuyển tác ác duyên, mà phòng gọi lương duyên do túc đế? Ai gọi rằng ông Tơ là phải? Phải sao xe cho thiếp những mối


thảm sầu? Chẳng vậy sao chẩm lãnh khâm hàn, vân sầu Tần nhi sắc ám, tác ngẫu thiên thành phá ngẫu, mà phòng rằng giai ngẫu tự nhiên thành?” Tuy đây là bài văn tế trào phúng, nhưng kiểu điệp này cũng thể hiện rò ngữ khí nhấn mạnh đầy ai oán.

Các kiểu điệp này xuất hiện cả trong văn tế Nôm và văn tế chữ Hán, tuy nhiên trong văn tế chữ Hán tần suất thấp hơn và không đa dạng bằng. Nhìn chung, dù với vai trò nào thì tất cả đều có mục đích và ý nghĩa chung là nhấn mạnh tâm trạng, vừa buồn thương vừa tiếc nuối, vừa trách cứ số mệnh, vừa ai oán biệt li, vừa phản vấn vừa khẳng định. Lời lẽ cứ tuôn trào như những dòng tâm trạng đan xen không bao giờ dứt. Hiệu quả diễn đạt của người tế và hiệu quá tiếp nhận của người nghe nhờ đó cũng được phát huy đến mức cao nhất.

3.2.1.4. Dùng từ ngữ và cú thức kiểu mẫu

Ngoài hiện tượng điệp nội tại, một số bài văn tế có hiện tượng mượn từ ngữ và cách diễn đạt của bài văn tế khác. Qua quá trình khảo sát và đọc văn bản một số tuyển tập, chúng tôi phát hiện có khá nhiều cú thức lặp lại giữa một số bài, bằng từ ngữ hoặc ý, như là những kiểu mẫu. Hiện tượng này cũng giống như dụng điển, nhưng không diễn đạt ý nghĩa, tư tưởng gì mới nên chúng tôi xem đây đơn thuần là cách mượn mô thức đã có sẵn. Cách mượn mẫu thứ nhất là diễn từ chữ Hán sang chữ Nôm. Tác phẩm “nguồn”

sớm nhất là Văn tế một vị công chúa của Mạc Đĩnh Chi(?). Những từ ngữ chữ Hán “thanh thiên nhất đoá vân”, “hồng lô nhất điểm tuyết”, “thượng uyển nhất chi hoa”, “dao trì nhất phiến nguyệt” đã được Phạm Thái diễn Nôm như sau: “Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá.” (Văn tế Trương Quỳnh Như [21; 49]) Văn tế vợ là công chúa đời Trịnh cũng diễn thành: “Trải bách niên hầu ba giáp dã dò, giá xưa gác tía lầu son, cũng chẳng qua như nguyệt một tấm, như hoa một cành, như tuyết một khoảnh, như mây một đoá.” [140; 148] Có thể thấy, cách miêu tả người đẹp của Văn tế một vị công chúa đã trở thành một kiểu mẫu. Mặc dù tác giả vẫn còn tồn nghi, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tính kiểu mẫu của bài văn tế này.

Cách thứ hai phổ biến hơn là mượn hẳn từ một bài văn tế Nôm trước đó. Những bài này thường cùng chủ đề, cùng nhóm đối tượng. Tiêu biểu là hai nhóm tác phẩm Nôm sau: 1/ Tế anh hùng, nghĩa sĩ tử trận: Văn tế các tướng sĩ trận vong (Phan Huy Ích), Tế trận vong tướng sĩ văn (Nguyễn Văn Thành), Tế chư trận vong tướng sĩ văn (Nguyễn Bá


Xuyến), Văn tế Hầu Tạo (khuyết danh), Văn tế Cao Thắng (Vò Phát); 2/ Tế người thân: Chúng tử tế mẫu văn (Nguyễn Đình Chiểu), Văn tế cha vợ (Nguyễn Chuân), tuyển tập Gia lễ tập thành.

Ba bài đầu của nhóm 1 có sự giống nhau ở một số từ ngữ và cách diễn đạt. Giữa Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Bá Xuyến: “Ngọn còi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui; Dịp trống dồn hoa, chốn tươi chốn ủ.” (Tế trận vong tướng sĩ văn [21; 53]), “Ngọn còi rúc nguyệt, thét tiếng thê lương; Dịp trống làn sương, rộn hồi tiêu tác.” (Tế chư trận vong tướng sĩ văn [95, S117; 474]) Giữa Nguyễn Bá Xuyến và Phan Huy Ích: “Đạo tớ thầy dù đắng ngọt có nhau, khi vui nên lại nhớ khi thương, thương vì cũng phận truy tuỳ, cùng ưu hoạn lại chẳng cùng an lạc.” (Tế chư trận vong tướng sĩ văn [95, S117; 474]), “Cảm tinh bộ khúc là thân, nỗi truy tuỳ cay đắng bấy lâu, từng ưu hoạn bỗng chẳng chia phú quý.” (Văn tế các tướng sĩ trận vong [21; 48]) Ba tác giả này là đồng sự của nhau, chắc chắn có mối quan hệ gần gũi, lại viết về cùng chủ đề, cùng đối tượng, vay mượn của nhau là chuyện có thể xảy ra. Tuy nhiên, do ba bài này có niên đại tương đương, cùng ra đời ngay sau nội chiến kết thúc, lại không biết niên đại cụ thể từng bài nên không thể xác định chính xác ai vay mượn của ai. Chỉ có thể nhận định rằng, trong số đó, bài của Nguyễn Văn Thành là xuất sắc nhất.

Hai bài sau của nhóm 1 ra đời muộn, chắc chắn vay mượn từ một trong ba (hoặc cả ba) bài đầu. Các cụm từ “mài nanh chuốt vút”, “vỗ cánh vươn vai” trong Văn tế Hầu Tạo xuất hiện trong cùng một liên khiến ta nhớ tới Tế trận vong tướng sĩ văn; hoặc Văn tế Cao Thắng có câu: “Ba sinh có phúc, hăm hở mài gươm chuốt đá, chí khuông phù không phụ với quân vương; Một sớm không chừng, mơ màng đạn lạc tên bay, trường chiến đấu biết đâu là số hệ.” ([21; 91]) Những câu này rò ràng được ngắt từ nhiều câu ở Tế trận vong tướng sĩ văn ghép lại thành một liên, có thêm và thay đổi một số từ. Mặc dù có vay mượn từ ngữ và cách diễn đạt từ Tế trận vong tướng sĩ văn, nhưng so với Tế các tướng sĩ trận vong Tế chư trận vong tướng sĩ văn thì Văn tế Hầu Tạo Văn tế Cao Thắng không bị mờ nhạt như hai bài văn tế kia trước cái bóng quá lớn của Nguyễn Văn Thành.

Ngoài ra, Văn tế Cao Thắng còn mượn câu từ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Thà chết nữa song tay địch khái, theo về tổ phụ ấy cũng vinh; Kìa sống như mấy kẻ hàng di, ở với tinh chiên càng thêm bậy.” (Văn tế Cao Thắng [21; 92])


Ở nhóm thứ hai, so về niên đại có lẽ Chúng tử tế mẫu văn ra đời sớm nhất. Văn tế cha vợ và nhiều bài trong Gia lễ tập thành có câu giống Chúng tử tế mẫu văn cả về cấu trúc và cách diễn đạt. Những câu như “Cậu còn đó, dì còn đó, bà con bên ngoại đều còn đó, mẹ đi đâu mà nhà sau cửa trước quạnh hiu; Chú ở đây, cô ở đây, họ hàng bên nội cũng ở đây, mẹ đi đâu mà chiếu trải giường thờ lạnh ngắt” đều xuất hiện trong hai hiện tượng văn tế còn lại. Điều này cho thấy đây là một dạng mẫu thức thông dụng trong văn tế người thân ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Miền Tây Nam Bộ. Nguồn gốc có thể xuất phát từ Nguyễn Đình Chiểu, cũng có thể cả Nguyễn Đình Chiểu và các tác giả khác đều chịu ảnh hưởng từ một nguồn khác, cách nói rộng rãi trong dân gian chẳng hạn. Mục đích dùng mẫu thức này là tác giả muốn thay mặt tất cả người thân còn sống bày tỏ tình cảm chung dành cho người đã chết. Ý muốn nói rằng, dù người chết đã mãi ra đi, nhưng tất cả người còn sống đều một lòng nhớ thương, kính ngưỡng.

Đặc biệt, Gia lễ tập thành là tập văn tế có cú thức giống nhau giữa các bài nhiều nhất. Chúng đích thực là những câu mẫu, hoặc bài văn tế mẫu, dùng để tế người thân trong gia tộc. Những cú thức này có thể dùng chung cho nhiều đối tượng được tế khác nhau, đương nhiên chúng chỉ khác nhau về đối tượng, còn ý nghĩa và cách biểu đạt thì hoàn toàn giống nhau. Sự vay mượn diễn ra theo các cách thức sau:

1/ Vay mượn hoàn toàn: “Tiếc thương chi kể xiết, nghĩ từng cơn thêm đứt ruột từng cơn; Than thở đã không cùng, nhớ mấy đoạn lại đau lòng mấy đoạn.” (Cháu rể tế ông nội vợ văn, Rể tế cha vợ văn)

Câu trên không xuất hiện đại từ nhân xưng, nội dung là bày tỏ lòng thương tiếc nói chung, nên có thể dùng cho mọi trường hợp, mọi chủ thể và mọi đối tượng. Những câu có đại từ nhân xưng mà người được tế là những người khác giới tính hoặc khác về mối quan hệ với người tế thì có thể diễn ra theo ba phương thức khác như sau:

2/ Chỉ cần thay đổi cách xưng hô cho phù hợp với người được tế, phần còn lại hầu như không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể: “Cháu từ thuở bén duyên xạ tước, án lộng di đà lắm lúc thừa hoan; Ông từ khi mở lượng hải hà, tình chung ái cũng nhiều khi hỉ hạ.” (Cháu rể tế ông nội vợ văn), “Cháu từ thuở bén duyên kháng lệ, án lộng di đà lắm lúc thừa hoan; Bà từ khi mở lượng hải hà, tình chung ái cũng nhiều cơn tế độ.” (Cháu tế bà nội vợ văn).

Xem tất cả 335 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí