Các Kiểu Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Sương Nguyệt Minh


tạp, đa diện. Những con người này thường được nhà văn đặt trong những hoàn cảnh éo le của đời thực, được khám phá ở chiều sâu tâm lý. Trong đó nổi bật lên hình tượng những con người cô đơn, những người dị biệt và đặc biệt là kiểu nhân vật giả huyền thoại, giả lịch sử.‌

2. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh

2.1. Kiểu nhân vật truyền thống

Như trên đã nói, trong những tập truyện đầu tay Sương Nguyệt Minh hướng chủ yếu về đề tài chiến tranh và nông thôn, vì thế nhân vật trung tâm trong những sáng tác này là người lính, người vợ hậu phương và người nông dân, trong đó điển hình là hình tượng người lính. Vẫn là kiểu nhân vật đã xuất hiện trước đó trong văn chương, song dưới ngòi bút của mình Sương Nguyệt Minh vừa làm rõ hơn những nét tính cách đặc trưng của họ, vừa khơi sâu hơn vào đời sống cá nhân, những mối quan hệ riêng tư chứ không đơn thuần miêu tả họ với tư cách công dân. Đứng trên phương diện lý luận, có thể thấy rằng, đối tượng phản ánh trong văn Sương Nguyệt Minh giai đoạn đầu là không mới, song cách xây dựng nhân vật đã có những đổi mới. Không bằng lòng với cách tạo dựng kiểu nhân vật loại hình “thể hiện tập trung các phẩm chất xã hội, đạo đức của một loại người nhất định của một thời”[16, tr.288], Sương Nguyệt Minh có những tìm tòi để tạo nên những nhân vật tính cách. Anh lách sâu ngòi bút của mình vào số phận, vào tâm lý các nhân vật, tìm ra “những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lý, những chuyển hóa”, chính vì vậy tính cách nhân vật của anh thường không xuôi chiều, không đồng nhất giản đơn với chính nó.

Khi viết về người lính, Sương Nguyệt Minh thường có cái nhìn sâu sắc của một người trong cuộc. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả họ như những con người luôn có tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, nhà văn quân đội còn đi sâu vào những ngóc ngách trong tâm hồn họ, tìm ra những vẻ đẹp mà chưa hẳn ai cũng thấy. Truyện ngắn Đêm làng Trọng Nhân là một minh chứng. Trong tác phẩm này Sương Nguyệt Minh không phản ánh bản lĩnh của người lính trong chiến trận mà đặt nhân vật của mình vào một hoàn cảnh éo le: Trường tìm về gia đình sau khi bị thương nặng biến dạng mặt mũi


đến mức người thân trong gia đình cũng không nhận ra, sự mặc cảm khiến trong anh nhức nhối một suy nghĩ: có nên xuất hiện làm đau lòng người thân hay không? Khi ra trận, có người lính nào không mong muốn mình được trở về với gia đình, với người thân thế nhưng, đôi khi hội ngộ cũng là một bi kịch. Sau bao năm tháng kinh qua chiến tranh giờ đây mang trên mình một khuôn mặt “nham nhở, gồ ghề, méo mó, mất cảm giác” không khác gì mặt một ông Ác. Biết là ngoại hình của mình có thể làm kinh sợ những người mình thương yêu, Trường đã cố tình lẩn tránh, nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha và người vợ hiền đã thôi thúc anh trở về. Trong Trường có một mâu thuẫn giằng xé giữa nỗi “nhớ nhung, khao khát, đợi chờ” và sự mặc cảm khi nghĩ tới thái độ kinh sợ của mọi người khi nhìn thấy anh. Tâm lý ấy được miêu tả thật đặc sắc và xúc động trong cảnh Trường về đến nhà trong một buổi tối trời rồi mà vẫn không dám vào, chỉ dám đứng nhìn người thân từ xa trong đớn đau vô tận. Cũng trong đêm hôm đó, trong cái gia đình nhỏ bé yên tĩnh ấy cuộn lên bao sóng gió của lòng người. Cả người cha già, cả Trường, cả Thương (vợ anh) không sao ngủ được. Ngòi bút hết sức tinh tế của Sương Nguyệt Minh đã lột tả được những cảm xúc khác nhau trong mỗi người, nhất là Trường. Người lính dày dạn kinh nghiệm trên chiến trường ấy, giờ thực sự bối rối vì không biết nên đi theo tiếng nói của trái tim hay của lý trí. Nên ở lại với gia đình để hưởng những tình cảm yêu thương của cha, mẹ và vợ mình; hay ra đi để mọi người được yên ổn, khỏi đau lòng khi nhìn thấy hình hài biến dạng của anh?

Trước đây, trong văn chương cách mạng, “con người được thể hiện chủ yếu trong hành động, trong các quan hệ hướng ngoại. Thế giới nội tâm tuy không phải là bị bỏ qua nhưng không được chú ý khai thác và đời sống nội tâm cũng hầu như không có những diễn biến phức tạp, những quá trình tâm lý riêng biệt. Các tác phẩm thường chỉ thể hiện những nét tâm lí tiêu biểu của quần chúng, của tập thể hơn là đi vào những biểu hiện riêng biệt của mỗi cá nhân…” [9, tr.26]. Còn sau năm 1975, các nhà văn lại thường đào sâu hơn vào diễn biến tâm trạng của con người cá nhân, đặt họ vào những tình huống phức tạp để từ đó làm rõ chất người tự nhiên. Giờ đây nhân vật người lính cũng không đơn giản chỉ đối mặt với kẻ thù với sự lựa chọn chiến đấu hay


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

không chiến đấu. Họ phải đối mặt với những điều bình thường nhất, có khi đó là cuộc sống cơm áo thường ngày, có khi là chính những khoảng tối trong bản thân mình. Những chọn lựa không hề dễ dàng, đơn giản bởi ranh giới của cái tốt - xấu, cao thượng - thấp hèn, đúng - sai… vô cùng mong manh.

Trong Đêm làng Trọng Nhân, sau bao nhiêu dằn vặt, sự lựa chọn cuối cùng của Trường là ra đi để lại sự bình yên cho ngôi nhà của mình. Vẫn là tính cách kiên nghị, luôn hy sinh vì người khác, song hình tượng người lính ở đây được miêu tả có chiều sâu hơn. Tính cách của Trường gợi cho ta nhớ tới hình ảnh chàng trung úy trẻ Êgo trong truyện ngắn đặc sắc Tính cách Nga của Alexei Tolstoy. Dường như ở đâu, lúc nào những người chiến sĩ cũng có phẩm chất tuyệt vời như vậy. Khi kể về những chiến công anh hùng của họ, đôi khi không cần phải nói tới những tấm huân chương lấp lánh trên ngực mà nhà văn chỉ cần kể về một việc làm giản dị khi họ vượt lên chính con người mình để dành những điều tốt đẹp nhất cho người thân. Nhà văn không đặt nhân vật của mình vào mối quan hệ với cộng đồng, với tập thể mà đặt họ vào không gian của đời sống riêng tư, khuôn viên gia đình để con người sống với chính mình, thể hiện bản chất của mình. Câu chuyện dừng lại ở một cái kết truyền thống, có hậu làm sáng ngời lên vẻ đẹp đầy tình người trong cuộc sống.

Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 8

Nếu như hình tượng nhân vật người lính trong Đêm làng Trọng Nhân được xây dựng chủ yếu theo hướng truyền thống, thì ở Nanh sấu hình tượng nhân vật lại được nhìn ở góc độ mới mẻ hơn, mở cho người đọc thấy sự không trùng khít giữa con người xã hội và con người riêng tư. Với cách tiếp cận mới mẻ, đi từ thời gian hiện tại, rồi mở ra những trang quá khứ của nhân vật, nhà văn cho người đọc tiếp xúc với một ông đạo diễn từng trải, nổi tiếng ở nhiều mặt, ở tài năng, ở thú ăn thịt thỏ và cả ở việc thay người tình như thay áo khi tuổi đã ngũ niên. Công việc khiến ông có nhiều cơ hội có được những cô gái trẻ đẹp mà ông chỉ coi như những món đồ chơi. Rồi một dịp ông gặp một cô gái trẻ nhận đóng phim vì muốn có tiền cho mẹ nằm viện. Cái luận văn cô gái đang viết giúp ông nhớ lại một thời chiến đấu oanh liệt trên sông Vàm Tàu. Trận chiến dữ dội với tàu giặc và sau đó là với cá sấu đã để lại trên


thân hình ông đầy những vết sẹo nham nhở và để lại trong tâm trí ông một kí ức ghê sợ. Sau trận chiến ấy, ông được đón nhận sự chăm sóc tận tình và tình cảm của vợ người đồng đội cũ hy sinh trong trận Vàm Tàu - một tình cảm mà lẽ ra ông phải giữ gìn, trân trọng khi hai người đã có cùng nhau một giọt máu. Vậy mà… Sống trong đủ đầy vật chất và tinh thần của cuộc sống mới, Lê Mãnh đã quên đi tất cả. Kỉ niệm thiêng liêng là chiếc nanh sấu giờ bị Mãnh biến thành một vật dụng cứu nguy cho mình khi ân ái cùng các cô gái trẻ. Trong lúc ấy, người phụ nữ kia thì trân trọng nó, coi nó như báu vật truyền lại cho đứa con gái để sau này hy vọng gặp lại cha. Những dòng viết của tác giả về thói ăn chơi xa đọa, về những hành động “vờn” các cô gái như vờn thỏ của Lê Mãnh thật sắc sảo. Bên cạnh những đoạn văn bộc lộ sự xót xa trước số phận của cô bé sinh viên cùng người mẹ nghèo khổ, khắc khoải ngóng đợi cha, nhà văn đưa vào những chi tiết thật đến sống sượng dữ dội ở cuối truyện “Lê Mãnh nằm nghiêng, cứng đờ. Xương cụt ông bị chọc choe choét máu. Cái nanh sấu trắng vấy máu tươi rơi xuống nền nhà. Giang chột dạ sờ lên cổ. Cô nhìn ông đạo diễn nhắm nghiền mắt, tay ông còn nắm chặt cái quần xilíp mỏng màu đỏ”. Chi tiết viết được viết một cách lạnh lùng đó là lời thông điệp: những kẻ biến kỉ vật thiêng liêng thành trò chơi thì khó lòng có thể có một kết cục tốt đẹp.

Hình ảnh những người vợ chờ chồng trong chiến trận vốn cũng là một hình tượng văn chương quen thuộc tự cổ chí kim. Từ nàng Tô Thị đứng trông chồng trong truyện Hòn Vọng Phu, đến hình tượng người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm)… đều là những người phụ nữ bất hạnh khi không được sống trong cảnh xum họp gia đình. Đi tiếp đề tài truyền thống ấy, nhiều nhà văn trong đó có Sương Nguyệt Minh góp thêm vào những hình tượng Vọng Phu hiện đại khác. Đó là nhân vật người phụ nữ trong Dòng sông Trinh Nữ. Mối tình giữa Hiên và Hoàng, giữa một cô nữ sinh và một người lính thật vô cùng lãng mạn. Họ gặp nhau tình cờ vào một đêm mưa bên dòng sông Trinh Nữ, và cũng chính bên dòng sông ấy, tình yêu ngọt ngào của họ thăng hoa. Vì chiến tranh, họ không thể ở bên nhau mãi. Hoàng ra trận để lại Hiên cùng với giọt máu đang phôi thai trong người. Không giống như những


người phụ nữ xưa chỉ biết thụ động đợi chờ, Hiên đã chủ động gửi con cho mẹ rồi vào chiến trường chiến đấu và tìm người yêu. Chiến tranh không cho Hiên sự may mắn để tìm được người thương, song khi trở về chị đã lại tiếp tục vượt lên khó khăn và mặc cảm, trở thành phó tiến sĩ quân y, chủ nhiệm một bộ môn ở trường đại học. Dù thành công trên con đường sự nghiệp, nhưng Hiên lúc nào cũng mang một khoảng trống trong tâm hồn, vẫn luôn khắc khoải với nỗi mong chờ mặc dù xung quanh chị có bao nhiêu người đàn ông muốn yêu thương chị. Hiên chỉ còn sống với những hoài niệm cũ và “nhặt hoa cỏ may ném xuống dòng nước đợi chờ đến hóa đá”. Nếu người con gái xưa trong truyền thuyết về dòng Trinh Nữ nhảy xuống dòng sông cùng mối hận tình, thì Hiên đã sống, sống mạnh mẽ và “đi cùng trời cuối đất” tìm hạnh phúc của mình. Nỗi bất hạnh như Hiên trong cuộc chiến tranh không phải là hiếm, kiểu nhân vật này cũng trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm cùng đề tài. Sương Nguyệt Minh đã khéo léo làm mới nhân vật của mình bằng sự kết hợp hài hòa giữa các tuyến nhân vật, làm rõ hình tượng người phụ nữ bằng cái nhìn của đứa con gái hiếu thảo và cảm thông; bằng sự lồng ghép giữa câu chuyện hiện thực với câu chuyện truyền thuyết xưa để từ đó tạo dựng nên hình tượng nhân vật với những vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam rất điển hình mà cũng rất đời thường.

Như nhà nghiên cứu Bích Thu nhận xét: “Các chủ thể sáng tạo đã khám phá và phát hiện quá trình hình thành nhân cách con người dưới sự tác động và chi phối của các yếu tố xã hội phức tạp và đa chiều của cuộc sống hôm nay. Vấn đề mà họ quan tâm là bộ mặt tinh thần, đạo đức của con người chứ không phải là bộ mặt xã hội của một thời kỳ nào đó” [50, tr.34]. Sự quan tâm đến phần con người đời thường của những người lính, người vợ hậu phương đã kéo các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh gần hơn, thực hơn với cuộc sống, góp phần làm đa dạng hơn những góc nhìn về hình ảnh những nhân vật vốn được coi là trung tâm của cả một thời kỳ văn học.


2.2. Kiểu nhân vật đổi mới‌

2.2.1. Nhân vật cô đơn

Đây là một kiểu nhân vật xuất hiện rất phổ biến trong văn chương Việt Nam từ thời kỳ đổi mới, khi có sự bừng tỉnh của ý thức cá nhân, khi con người thường xuyên phải đối diện với chính mình. Nếu như trước đây, viết về con người cô đơn là một chủ đề kiêng kị vì dễ bị quy kết là “buồn rớt, mộng rớt”, bởi dòng văn học lúc đó đang sục sôi một khí thế chung, các nhân vật luôn được đặt trong những đám đông sôi nổi, hào hứng; thì giờ đây con người cá thể với từng mảnh đời riêng trong cuộc sống bình thường lại là đối tượng chính. Nhân vật không được lý tưởng hóa với những tầm vóc lớn lao như trước, mà là những con người bình thường đôi khi đến nhỏ bé, đặt trong một xã hội bộn bề phức tạp, khi các giá trị đạo đức bị đảo lộn, con người nhiều khi thấy mình lạc lõng và trạng thái cô đơn là khó tránh khỏi. Như lời nhận xét của nhà nghiên cứu văn học Tôn Phương Lan: “Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, nhà văn đã có thể nhìn sâu vào tâm thức, vào đời sống tình cảm và phát hiện ra những khao khát riêng tư, mối mâu thuẫn giữa kỳ vọng của con người và thực tế khách quan. Điều đó đã được thể hiện qua hiện tượng nhân vật cô đơn xuất hiện khá nhiều trong văn xuôi những năm đổi mới” [38, tr. 46]. Và trong tác phẩm của mình, Sương Nguyệt Minh cũng đã miêu tả được rất chính xác nỗi cô đơn của rất nhiều kiểu người, cô đơn như một trạng thái tâm lý của những con người hiện đại.

Nỗi cô đơn đã được nhà văn khám phá ở rất nhiều hoàn cảnh, trạng thái, khoảnh khắc. Với rất nhiều người lính rời khỏi quân ngũ, đó là sự lạc lõng bơ vơ giữa thời bình. Bước ra từ cuộc sống binh nghiệp tuy gian khó nhưng thuần nhất, họ rơi vào một cuộc sống mới mà mọi giá trị đang biến đổi từng ngày. Họ không thể hòa nhập với cuộc sống thị trường đầy bon chen với những quan hệ xô bồ và vì thế cứ ngơ ngác giữa dòng đời và giữa những người thân. Cùng môtíp với nhân vật ông thiếu tướng Thuấn nổi tiếng trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Sương Nguyệt Minh cũng trình làng chân dung của hai người cha “lạc thời” khi xách ba lô về với gia đình trong Bản kháng án bằng văn, Cha tôi. Trong chiến tranh, họ là những người chủ


động, luôn xuất hiện ở tư thế quyết chiến và quyết thắng. Khi rời quân ngũ, họ về nhà với “Một ba lô quân phục màu cứt ngựa. Hai đôi giầy đen một cũ một mới. Một mũ kêpi. Chín cái huân chương đỏ rực, vàng chóe. Một đôi dép đúc mòn vẹt gót”. Trong khi, vợ họ, con họ thì hàng ngày cưỡi xe @, mặc áo hai dây, không biết nấu ăn, chỉ quen đồ hiệu. Chính vì thế mà họ trở nên lạc hậu, trở thành vật cản trong sinh hoạt gia đình khi đưa ra chế độ sinh hoạt thiết quân luật, để cuối cùng, bị cả nhà oán giận. Người thì bị đứa con gái khó chịu, vợ coi thường ( Bản kháng án bằng văn), người thì bị đứa con trai phản ứng: “Thôi cha! Đừng bao giờ nói với con về những ngày tháng cha đi bộ đội. Thời oai hùng xa lắm lắm rồi, cha ạ… con chán ghét cha và cả những điều cha nghĩ, những gì cha nói và cha làm. Cha đã biến cả nhà ta thành trại lính” (Cha tôi). Và khi không thể nào xoay chuyển được những người đã quen cuộc sống hưởng lạc dễ dãi, không chịu được cảm giác lạc loài họ phải bỏ về quê sống hoặc tìm vui ở những người đồng đội cũ cũng đang chịu chung một nỗi cô đơn như họ. Đây không chỉ là nỗi cô đơn do lạc môi trường, mà còn có nhiều nguyên nhân khác nảy sinh từ sự lệch pha trong quan điểm sống, trong mối quan hệ giữa các thế hệ.

Nằm trong môtíp những con người “lạc loài”, lại có một kiểu nhân vật khác, đó là những con người lạc chốn. Những con người nhà quê vốn chất phác, thật thà, vì một lý do gì đó mà phải dấn thân vào chốn thị thành, họ khó lòng hòa hợp với cuộc sống bon chen đầy toan tính xô bồ, khó lòng thích nghi với cuộc sống sòng phẳng “đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền”. Đó có thể là một bà mẹ già nhà quê, vốn sinh ra, lớn lên “ở sát chân núi heo hút lắm, đường lên phố huyện dài dằng dặc, không điện thắp sáng, chẳng điện thoại, năm nào cũng đói ăn vài ba tháng, năm nào cũng bão gió quật tơi bời. Nhà mái tranh, nền đất. Tường trình đất. Cổng đất. Sân đất. Chân đất. Tối đi ngủ, chẳng rửa ráy, co hai bàn chân phủi vào nhau rồi lăn ra chõng tre ngủ từ tối đến sáng”, giờ nhờ thằng con trai tiến sĩ lấy được vợ giàu mà lên ở trên thành phố, trong một ngôi nhà “bốn tầng mặt phố lớn, có ga ra ô tô, mảnh vườn nho nhỏ trồng cỏ úc, cây cảnh, hòn non bộ và vòi phun nước”. Tuy nhiên, sống trong ngôi nhà ấy, bà bị xếp hàng ngang với con Cẩu già bà mang từ quê


lên, và tất nhiên không thể sánh bằng con Lông xù của cô chủ. Nhà cửa ở quê giờ đã tan hoang, về thì không có chỗ, ở lại thành phố thì bà thấy mình đúng là kẻ lạc loài và không biết khi nào bà cũng sẽ chịu chung số phận như các con cẩu, bị ăn những hạt gạo màu đỏ diệt chuột mà cô chủ lén cho vào thức ăn của chó? (Những vùng trời của họ)

Đó cũng có thể là một chàng trai tha hương, cố gắng học hành đỗ đạt để lên học đại học trên thành phố, bám lấy đất thị thành bằng đủ mọi nghề, để về sau, chứng kiến cô bạn gái cũng bán thân để leo lên kiếp giàu sang chàng mới vỡ òa trong cay đắng, thất vọng vô cùng. Chàng trai đứng giữa đất thủ đô mà cảm thấy “Thành phố vào đêm, im lìm chìm vào giấc ngủ say sau một ngày lam lũ kiếm ăn bơ phờ, mệt mỏi. Những khối nhà bê tông cốt sắt lô nhô cao thấp đứng lặng như trời trồng, như các tiểu vũ trụ chết trong hoang lạnh” và tự hỏi “Ơi trời! Bao nhiêu thân phận hạnh phúc, khổ đau, lam lũ dưới gầm trời này?”(Tha hương). Mảnh đất phồn hoa dường như không có chỗ cho những thân phận nhỏ bé, nghèo hèn, cho nên cứ lao vào đó thì con người sẽ vấp phải bi kịch, không trước thì sau cũng phải “bán xới” về quê như cô bé trong Những bước đi vào đời , như chàng thạc sĩ tương lai trong Mùa trâu ăn sương. Những bi kịch lạc chốn ấy trong thời kỳ người người lao vào ánh sáng của xã hội đô thị phồn hoa, như những con thiêu thân lao vào lửa không phải là điều hiếm có.

Đến ngay cả những con người có đầy đủ mọi điều kiện vật chất, được sống trong chính ngôi nhà của mình, bên cạnh những người thân yêu cũng không tránh khỏi cảm giác cô đơn, lạc lõng. Cô đơn giờ đã trở thành một trạng thái tâm lý của con người thời hiện đại. Mải chạy theo những cái đích quyền lực, tiền bạc hoặc sở thích bản thân mình, ngay những người trong gia đình cũng trở nên xa lạ với nhau. Rất nhiều các tác phẩm đã cảnh báo về những mối đe dọa vô hình trong các gia đình hiện đại, khi những con người cùng chung một mái nhà rơi vào tình cảnh “đồng sàng dị mộng”, vợ không hiểu chồng, cha không hiểu con, thậm chí những kênh giao tiếp thông thường giữa các cá nhân cũng dần biến mất. Cuộc sống tiện nghi hiện đại với đủ thứ giải trí: tivi, internet, sàn nhảy, quán bar…đẩy con người càng ngày càng xa

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 30/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí