Cảm Hứng Khám Phá Con Người Bản Năng


mà nhân vật tôi thấy xa lạ quá chừng bởi “mỗi người theo đuổi một ý nghĩ xa xôi ở chân trời góc bể nào đó”.Anh cố tình khơi dậy một không khí đầm ấm, kể về chuyến bay hút chết thì toàn gặp những lời nói nhát gừng, vô cảm đến gai người. Đứa con gái thì nói: “Máy bay mình không hiện đại bằng máy bay Tây bố ạ”; con trai thì bảo: “Hôm nào, bố cho con đi để con thử cảm giác mạnh”; cô vợ lên tiếng “…nghe nói máy bay rơi , mỗi người chết được đền bù 60.000 đôla…” khiến nhân vật “tôi” chỉ muốn tự vẫn. Ở màn kịch bữa cơm tối gia đình, Sương Nguyệt Minh chủ yếu sử dụng các lời đối thoại ngắn, gợi lên sự rời rạc trong quan hệ của các thành viên trong một gia đình. Kiểu sống này trong xã hội hiện đại không phải là cá biệt. Những nỗi buồn, cô đơn, lạc lõng của cá nhân gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển xã hội công nghiệp, vì thế Sương Nguyệt Minh bằng cách thể hiện hài hước của mình như muốn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người về lối sống hững hờ vô cảm trong gia đình hiện đại.

Một kiểu hài kịch cũng xuất hiện rất nhiều trong xã hội hiện nay là những tình yêu giả dối - hệ quả của lối sống thực dụng, đạo đức giả. Sương Nguyệt Minh không khai thác đề tài này dưới góc nhìn bi kịch mà dưới ống kính hài hước anh cho người đọc nhận thấy một khuôn mặt tình ái méo mó đến buồn cười. Truyện Đêm mùa hạ tuyết rơi kể với độc giả một câu chuyện tình thật lãng mạn giữa một anh đạo diễn và một cô nhà văn trẻ. Không gian tình yêu thật vô cùng mơ mộng, thực thực mà lại hư hư: “trên sân thượng building 170 tầng bên sông Hồng gió lộng. Đêm tuyết rơi. Mùa hạ, ở Hà Nội lại có tuyết rơi…”. Chàng và nàng nói với nhau những lời có cánh, có cảm giác như họ sinh ra là cho nhau, họ yêu nhau đến muôn đời sau. Chàng mặc chiếc áo thổ dân da đỏ nàng tặng, đằng sau lưng có in hình con dao quăng (mà theo lời nàng là “nước Việt Nam chỉ duy nhất cái áo này và chỉ anh mặc mới xứng”), và chàng ngây ngất trước tình yêu nồng nàn của cô người yêu bé nhỏ. Hai người tâm sự với nhau êm ái, du dương, chàng muốn hái sao trời xuống tặng người mình yêu, nàng thì bay trong khung trời mộng tưởng! Nhưng, lúc thì đột nhiên, giữa những lời nói thơ mộng, nàng lại nhắc đến kỉ niệm với một người tình nào đó không phải là chàng trên vịnh Bái Tử Long và gọi chàng


bằng một cái tên lạ hoắc “chàng hiệp sĩ trên thảo nguyên”. Khi thì bỗng dưng có điện thoại và nàng thì thầm, da diết với một người tình khác trong khi vẫn đang nằm bên người yêu. Cảm hứng của chàng tụt xuống không độ, chàng thấy mình bị lừa dối, chàng tưởng tượng đến một cái chết thảm khốc của nàng khi rơi từ trên tầng 170 xuống và “Nàng sẽ hóa đã và biến thành tượng đài, tượng đài của lòng phản trắc”. Tính giễu nhại, bỡn cợt được đẩy đến tận cùng trong trí tưởng tượng của nhân vật và cũng là của nhà văn: "Có rất nhiều người, hầu hết là đàn ông đến tượng đài tưởng niệm. Họ xót xa cái đẹp bị đày ải phơi nắng mưa và bụi bặm hơn là lòng thương cảm. Họ kính cẩn đặt bộ đồ underwear đỏ thay vì mang hương trầm hoặc hoa tươi. Tượng đá nàng vẫn trơ trơ vô cảm, mặc gió mưa, rêu mốc và mặt trăng, mặt trời lướt qua mỗi ngày. Tôi hình dung ra, mỗi buổi sớm mai, mấy chị nạ dòng lao công ở công viên lại nhặt nhạnh thu gom đồ lót chất đầy thùng mấy xe chở rác". Nhưng rồi, sau đó, vì nàng quá ngọt ngào, khiến chàng lại mê lịm trong tình ái. Diễn biến chuyện tình tiếp theo là lời nàng tính toán về số tiền nhuận bút cuốn sách sắp tới nàng viết về chàng, tính sơ qua sẽ mua được 100 bộ đồ lót màu lửa! Sự tính toán của nàng thật không đúng lúc, nhưng chàng vẫn bỏ qua, bởi nàng quá đáng yêu và bởi nàng cũng quá yêu chàng. Chỉ khi nàng ra về, chàng tìm mãi không thấy cuốn sách có dấu son môi mà nàng vừa tặng, rồi vài ngày hôm sau lại thấy nó ở trong tiệm sách cũ, được dốc ra từ trong bao tải của một người đàn ông mặc chiếc áo thổ dân da đỏ có hình con dao quăng, thì chàng mới đau đớn nhận ra “tình yêu đích thực” của đời mình là gì! Kiểu tình ái giả dối, thực dụng trong thời hiện đại có rất nhiều, nhưng khi nó nằm trong tầm ngắm của một cặp kính trào lộng, nó trở nên méo mó rất đáng cười trong nỗi xót xa. Đặt sự mộng mơ của anh chàng đạo diễn và những lời lẽ của các bức thư tình nồng nàn mà nàng viết bên cạnh sự giả dối của chính cô nàng, Sương Nguyệt Minh làm lộ ra bản chất thực của một kiểu người coi thường đời sống tình cảm, đùa cợt với tình yêu. Đúng như lời nhận xét Tính thực dụng thiển cận, đem tư duy “kinh tế thị trường” áp dụng vào mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực tình cảm, tinh thần đã biến không ít kẻ thành mù lòa, méo mó nhân tính trong khi chúng không tự biết [41,24].


Với cảm hứng trào lộng, bên cạnh các tình huống hài hước, Sương Nguyệt Minh còn xây dựng được những tính cách hài hước. Thực ra, tính cách hài thì ở đâu cũng có, thời nào cũng phong phú, chỉ có ở mỗi thời nó lại được biểu hiện theo một phương cách riêng. Với dung lượng của truyện ngắn, thể loại thế mạnh trong sáng tác của mình, Sương Nguyệt Minh không chỉ chớp lấy những khoảnh khắc trào phúng của đối tượng mà còn xây dựng được những nhân vật với tính cách khá đầy đặn mà ở trong đó những mặt đối lập cùng tồn tại tạo nên những nghịch lý đáng cười. Trong tác phẩm Mùa trâu ăn sương có nhân vật một bà chủ lò mổ với một cái tên thật kiều diễm: Mộng Hoa. Bà chủ Mộng Hoa là nơi bộc lộ sự “thống nhất của những mặt đối lập”. Nghề của Mộng Hoa là nghề giết trâu “Tay trái kéo mũi con trâu ngang tầm thắt lưng. Tay phải cầm cái búa hình quả nhót” và chỉ cần một nhát búa trúng huyệt là “con trâu dái đã ngã quỵ, miệng kêu ồ…ồ rồi lịm hẳn, mắt trợn ngược, trắng dã”. Sự lành nghề của bà chủ lò mổ khiến cho cả lũ đồ tể to vâm phải khâm phục. Ấy vậy mà, cũng chính bà chủ ấy, lại có những sở thích thật “tao nhã”. Bà chủ Mộng Hoa yêu thích văn chương, bà có chân trong câu lạc bộ thơ Hoa Sữa, bà sáng tác những vần thơ vừa mang tính trữ tình, vừa có sắc màu lò mổ phàm tục. Người đàn bà cầm dao giết trâu lạnh lùng, không ghê tay ấy, đồng thời cũng lại là người phụ nữ thật yếu đuối trong tinh thần. Bà khao khát được sẻ chia, được đồng cảm, được dựa dẫm vào một ai đó, bà đi nhảy đầm, bà đánh bạn với những tao nhân mặc khách, bà xuất bản tập thơ đầu tay với những vần thơ kiểu như Vũng sương chân trâu đọng vành trăng cuối tháng/ Tôi vục mặt uống như húp vũng mồ hôi/ Mồ hôi trâu lẫn mồ hôi người trộn mồ hôi đất/ Giọt mồ hôi nào hơn giọt mồ hôi nao… Sự lệch lạc trong tính cách của bà chủ lò mổ thực chất là thói đua đòi kệch cỡm, “trưởng giả học làm sang” của một lớp người mới phất. Dạng người này đã tạo nên một kiểu văn hóa ô tạp, đi ngược lại những giá trị văn hóa vốn có.

Đồng dạng với bà chủ lò mổ là cô vợ của anh chàng công chức may mắn trúng chứng khoán trong Chiếc nón mê thủng chóp . Từ một người đàn bà nhà quê lam lũ “Suốt ngày cắm mặt xuống ruộng cấy những rảnh mạ. Chân đất. Quần xắn đến bẹn. Đầu đội nón mê” bỗng trong nháy mắt trở thành


bà chủ với căn nhà mặt phố cho thuê, với của cải rủng rỉnh, trong nhà ngoài cửa không thiếu một thứ gì. Người đàn bà ấy bắt đầu công cuộc đánh bóng mọi thứ, khởi đầu là việc sắm một cái giá sách trong phòng khách để ra oai với đời, trong đó có đủ “văn chương xếp lẫn với kỹ thuật làm bèo hoa dâu, triết học Hêghen đứng chung với kỹ thuật trang điểm cô dâu…”, miễn sao bìa sách đẹp, ai đến cũng phải lác mắt! Mặc dù anh chồng có học hơn đã dặn dò “Đừng mặc cảm quê mùa nhếch nhác mà cũng không hoắng quá, cứ chầm chậm tiến dần đến giàu sang”, thế nhưng cô vợ không thể nhịn được quá trình “cải tổ” thay đổi thân phận để bước vào giới thượng lưu. Trước tiên là việc sơn dũa móng chân và “mặc áo thể thao màu đỏ chót liền mảnh hở đùi hở nách hở vai, chạy bịch bịch trên đường băng tải cao su, rồi lắc mông, thụi eo, véo mặt…” để giảm cân, sau đó là mặc váy ngủ màu hồng, xức nước hoa hiệu Chanel, nằm thỗn thện trên đivăng nghe nhạc, rồi sau nữa là biết lang thang trên mạng internet, biết nhảy đầm, biết cặp bồ với thằng thuê nhà tầng dưới…Những cách tân như thế tiếc thay lại không triệt để, vì nàng không thể xóa hết những vết nứt nẻ ở đôi chân vốn quen với ruộng đồng, không thể bỏ được thói quen hà tiện, lấy quần áo lót cũ để lau bàn ghế hoặc bắc nồi! Tính cách đua đòi còn khiến nàng vứt hết mọi kỉ vật cũ của gia đình, quay lưng lại với một thời lam lũ quê mùa. Bao nhiêu thuần phong mĩ tục, bao nhiêu vật kỉ niệm người chồng, người cha muốn giữ lại như một lời nhắc nhở đừng quên thời dĩ vãng nghèo túng mà ấm áp tình người thì nàng cho ra sọt rác, quyết xây dựng trọn vẹn lối sống "thượng lưu", đua đòi kệch cỡm cho bằng người!

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Chứng kiến những màn hài kịch trong gia đình, ngoài xã hội ngày nay người đọc thấy trong đó vừa có yếu tố hài, vừa có yếu tố bi. Bởi vì “về mặt ý nghĩa, cái hài đối lập với cái bi, nhưng trong sự thể hiện nghệ thuật, dường như cảm hứng về cái hài lại luôn gợi ra nỗi đau, ít nhất cũng là cảm giác chua xót. Có những số phận bi kịch, sinh ra từ một tình thế hài kịch…. Lại có những hài kịch sinh ra từ một tình thế bi kịch…”[42,24]. Cảm hứng bi kịch, trào lộng, phê phán cứ đan xen với nhau trong các tác phẩm của Sương Nguyệt Minh tạo nên sự phong phú trong đề tài và bút pháp. Cũng chính vì vậy đọc truyện của anh người đọc thấy được nhiều mặt phức tạp, phong phú,


Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Sương Nguyệt Minh - 6

sinh động của cuộc sống và không có cảm giác nhàm chán ngay cả trong những câu chuyện tưởng như đã biết rồi.

2 .4. Cảm hứng khám phá con người bản năng

Cùng với cách nhìn nhận mới về hiện thực, văn học sau đổi mới cũng có những thay đổi về cách nhìn nhận đánh giá con người. Bước qua thời của những tác phẩm văn chương đánh giá con người chủ yếu trên phương diện tập thể, xã hội, văn học giai đoạn này tập trung hơn vào việc đào sâu vào con người cá nhân và một trong những “yếu tố thực sự mới mẻ của văn học mười năm qua: cố gắng khám phá cái thế giới bên trong mỗi con người, bên trong bản thể” [21]. Mỗi con người là một “tiểu vũ trụ” mà các nhà văn khám phá bao nhiêu cũng không cùng, ngoài việc tiếp tục phản ánh phần ý thức của con người, văn học còn chú ý đến cả phần tiềm thức, vô thức và nhất là khám phá cả phần bản năng của con người tự nhiên, coi đây cũng là một nét cần được chú ý để hoàn chỉnh bức chân dung con người.

Viết về bản năng con người là mảng đề tài rất đáng lưu ý trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh. Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này Sương Nguyệt Minh nói: “Sex nếu miêu tả trong trang sách trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa đến mức nhơ nhớp, nhầy nhụa… thì chỉ để gây tò mò, kích thích ham muốn bản năng, thỏa mãn mục đích dục vọng thôi… Nó không phải là nghệ thuật. Sex trong văn chương phải chỉ là một chất liệu nghệ thuật phục vụ ý đồ sáng tác của nhà văn”. Và có ý kiến đánh giá rằng “Tính dục trong các truyện ngắn Sương Nguyệt Minh không phải là một món ăn câu khách hay một cuộc chạy đua nhất thời với các tác phẩm câu khách trên thị trường văn học hiện nay. Sương Nguyệt Minh sử dụng như một phương tiện nghệ thuật để đưa ý tưởng tác phẩm đến người đọc. Đó là thứ tình dục sang trọng, thanh tao đầy gợi cảm; là cách miêu tả tính dục tự nhiên, dữ dội và cuồng nhiệt như cảm xúc con người vốn dĩ thế với những hình ảnh quyện hòa cùng thiên nhiên tuyệt đẹp”[20].

Nếu xét những tập truyện đầu, yếu tố tính dục, bản năng của con người chỉ được nhà văn nhắc tới một cách thưa thớt như là một chút gia vị, thì ở những tập truyện mới đây, nhất là ở Dị hương mật độ xuất hiện của yếu tố


tính dục trở nên dày đặc trong hầu hết các tác phẩm và đặc biệt hơn cả là nó bộc lộ rõ ý đồ nghệ thuật của tác giả. Mảng tác phẩm đi theo cảm hứng này (Đêm mùa hạ tuyết rơi, Đồi con gái, Dị hương, Cái nón mê thủng chóp, Mùa trâu ăn sương, Đêm thánh vô cùng, Đàn bà, …) được dư luận trong nghề và bạn đọc đánh giá cao bởi đó là những tác phẩm đề cập đến yếu tố sex một cách tinh tế, gợi cảm, hướng đến cái đẹp, không trần trụi tạo nên nét mới đầy hấp dẫn cho văn chương của Sương Nguyệt Minh và mở ra một cách thể hiện con người bản năng chân thật mà không phản cảm.

Trước tiên, khi viết về những người phụ nữ, bằng cảm hứng duy mỹ, Sương Nguyệt Minh thường chú ý miêu tả vẻ đẹp của họ gắn với sự dồi dào của tính dục. Người đẹp trong văn Sương Nguyệt Minh không phải theo kiểu “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, mà là thường là vẻ đẹp phồn thực, hừng hực đầy sức sống. Từ một cô gái quê mùa, quanh năm lam lũ với công việc đồng áng, chăn nuôi, mà cũng có vẻ đẹp khiến anh chàng ngoại kiều về chơi quê phải nức nở khen “xinh nhỉ. Người eo tuyệt vời…. Cái mũi dọc dừa. Mắt như mắt nai. Xinh lắm!” (Đi qua đồng chiều); đến chị chủ lò mổ nạ dòng “Phồn thực quá. Thân hình phốp pháp, ngực vú vồng to ninh ních dưới làn áo thun màu mỡ gà. Váy đỏ ngắn nửa đùi” (Mùa trâu ăn sương); rồi một người con gái nửa thực, nửa hư xuất hiện mơ mơ ảo ảo trong Đồi con gái cũng mang vẻ đẹp gợi cảm hút hồn người: “Ngực to, núng nẩy. Chân dài. Eo thắt. Mắt tròn to. Cằm xẻ gợi dục”; và nhất là một cô công chúa “đẹp như nữ thần Ponagar khỏa trần…Thân thể ngọc ngà. Những đường cong mẩy nuột nà tưới đẫm trăng non” luôn mang mùi hương ngào ngạt dị thường “mùi da thịt con gái đang hứng tình nồng nàn trộn lẫn mùi bạch lan đài các và cỏ thi dân dã quý hiếm”(Dị hương)…. Hiếm có nhà văn nào có nhiều trang viết về vẻ đẹp của phụ nữ nhiều như Sương Nguyệt Minh. Dưới lăng kính của một người tôn trọng cái đẹp, tôn trọng người phụ nữ, dù nhân vật của mình có làm gì, có là ai, từ một cô sinh viên tỉnh lẻ tới một bà chủ lò mổ, từ một người phụ nữ nhà quê theo chồng lên tỉnh tới một cô công chúa “lá ngọc cành vàng”, ngay cả những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, gian khổ cũng mang những nét đẹp riêng. Vẻ đẹp ấy không khô cứng như những bức hình vô


hồn, mà thực sự sống động, căng đầy dưới cách miêu tả chân thực và đầy xúc cảm của nhà văn. Vẻ đẹp của họ thường “rất đàn bà, hiểu theo ba nghĩa: hình thể, trái tim và cả tính chất phồn thực luôn ứ đầy bên trong họ”(Nguyễn Hoàng Vân Anh, Đẹp dị biệt từ Dị hương, www.phongdiep.net). Sương Nguyệt Minh viết về tính chất phồn thực trong vẻ đẹp của những người phụ nữ một cách thẳng thắn và bạo dạn, bởi anh thấy đó cũng chính là một phần quan trọng tạo nên sức hút của nữ giới. Cách nhìn nhận này khiến những trang viết của anh về phụ nữ thật hơn, gần hơn, đồng thời cũng giàu chất nhân văn hơn.

Những nhân vật nữ ấy mang trong mình những khát khao bản năng rất con người và điều đó được nhà văn đề cập đến như một bản tính tất yếu, đáng trân trọng và cảm thông. Sao ở Mười ba bến nước trong những ngày đợi chờ chồng luôn cố gắng kìm nén đòi hỏi của phần thể xác: “Nằm một mình ôm gối, nhớ chồng, trằn trọc chờ sáng…Khốn khổ nhất là mấy ngày áp kỳ kiêng kị sử dụng xô màn của đàn bà. Bầu vú tôi cứng nhưng nhức. Nhũ hoa sân lại. Má đỏ hồng tươi tắn. Mắt long lanh… Lúc nào cũng chỉ mong chồng về. Con gái chưa biết hơi trai thì tò mò, rụt rè; nhưng đã phải hơi trai rồi thì nghiện…”. Sự thèm khát bản năng ấy được miêu tả thật vô cùng và ẩn chứa đầy sự chia sẻ của tác giả với những người phụ nữ không được hưởng niềm vui trọn vẹn của cuộc sống làm vợ trong thời chiến. Những dòng văn đó gợi chúng ta nhớ tới truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng rất đặc sắc của Phạm Duy Nghĩa “Đêm yên lặng quá. Thuận nghe thấy tiếng máu chảy giần giật trong người mình. Chị biết mình không còn ở cái tuổi lãng mạn, vin bám vào những tín điều thiêng liêng mà sống như Kiên. Chị chỉ biết mình là đàn bà. Một người đàn bà đã có chồng cần đến thú vui trần thế như cỏ ngải xanh rờn cần mưa, thảo quả cần miếng đất lầy nhầy, ẩm ướt giữa rừng sâu hay những thân vầu, thân nứa tốt tươi cần hít thở sương mù. Đàn bà gần với mặt đất. đàn bà đồng nghĩa với tự nhiên và dòng đời sinh hóa bình bị, phàm trần…”[45,tr.240]. Những trang viết như thế, ai có thể cho rằng thiếu sự tinh tế và tính nhân văn?


Cũng với chủ đề ấy, những trang viết về nỗi khát khao của người con gái trong Đồi con gái còn mãnh liệt hơn rất nhiều. Ở tác phẩm này, niềm thèm khát tình dục xuất phát từ hoàn cảnh cô gái lấy chồng từ tuổi thanh xuân, nhưng gã đàn ông thuyền chài hơn cô 30 tuổi lại không đem lại cho cô cảm giác được làm đàn bà. Sống trong ẩn ức tình dục ấy, “con gái đang sức xuân tràn trề, năm này qua năm khác, nhiều đêm không ngủ, thèm đàn ông vô kể”, và nàng gửi điều đó qua lời hát:

Tôi là cánh đồng khô hạn

khao khát cơn mưa rào tháng hạ Tôi đi tìm

Chỉ thấy mưa bóng mây xa ngái cuối chân trời

Có người con gái thức đêm mòn gối

Thèm đàn ông…

Ở cô gái ấy có sự xung đột giữa nhu cầu tình dục mang tính bản năng với lòng thủy chung và những quan niệm đạo đức trong quan hệ vợ chồng. Kiềm chế bản thân vì một tín ngưỡng dân gian, sợ chồng ra khơi gặp điều gì nguy hiểm, vì không muốn mang tiếng phụ tình, nhưng cô không thể kiềm chế trí tưởng tượng khi nhu cầu bản năng tồn tại âm ỉ, mãnh liệt có đôi khi đến mức gào thét lên trong lòng. Bản thân con người không phải là thần thánh, nên những thất tình lục dục khiến con người khốn khổ vô cùng, thiên nhiên vạn vật thì tự do quan hệ tình ái còn con người vì có lý trí, vì những chuẩn mực đạo đức và dư luận xã hội nên cố gắng kìm giữ mình. Nhưng càng kiềm chế thì càng khốn khổ và dễ bùng cháy. Người con gái ấy, trong giấc mơ (hay trong đời thực?) một lần được hưởng hạnh phúc ái ân thì không thể quên được “Cảm giác sợ hãi và thích thú trộn lẫn cứ đeo đẳng nàng suốt cả tuần… Nó làm nàng mê mẩn, bứt rứt không yên”. Cái lạ trong việc tạo dựng những hình ảnh và chi tiết sex trong Đồi con gái là cảm giác hư thực luôn lẫn lộn, những cảnh ân ái của con người luôn đặt giữa một thiên nhiên đẹp lung linh đẫm tình, một ngọn đồi giống như người “con gái nằm ngửa đón nắng sương,

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 30/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí