Một số công trình đã nghiên cứu đặc điểm truyện ngắn của một nhóm tác giả theo địa bàn, khu vực. Trần Mạnh Hùng trong luận án Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ 1975 đến nay đã phác thảo khái quát đội ngũ tác giả truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long, sự vận động của truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ 1975 đến nay, sau đó khảo sát những đặc điểm của bộ phận truyện ngắn này trên hai phương diện: cảm hứng và một số phương diện nghệ thuật. Sáng tác của các nhà văn hải ngoại cũng bước đầu được chú ý. Nhà xuất bản Phụ nữ giới thiệu 25 truyện ngắn của 21 tác giả nữ trong tuyển tập Khung trời bỏ lại với thiện ý “Mặc dù còn xa cách nhưng cố gắng tạo nên một cuộc gặp gỡ, một sự giao lưu thân tình giữa bạn đọc, bạn viết trong nước với chị em cầm bút đang sống ở nước ngoài”, tập truyện đã được đề cập đến trong sách Truyện ngắn Việt Nam, Lịch sử - Thi pháp – Chân dung cùng với sáng tác truyện ngắn của một loạt cây bút hải ngoại khác cho thấy đóng góp của các nhà văn đang ở nước ngoài vào sự phát triển chung của thể loại. Nguyễn Thị Năm Hoàng phân tích “toàn tập truyện như một kết cấu nghệ thuật thống nhất trong đa dạng, chỉ ra được cái mạch ngầm đã liên kết những âm, những giọng, những dàn trong các tác phẩm riêng biệt, độc lập đó thành một liên khúc, cũng như liên kết liên khúc đó với hợp âm chung của đời sống văn học đương đại Việt Nam. Mạch liên kết đó được tạo thành bởi nhiều yếu tố, trong đó chủ đạo là sự liên kết về tình huống, kết cấu và giọng điệu” [113, tr.442], từ đó chỉ ra những nét tương đồng, những điểm gặp gỡ cũng như những sắc thái riêng biệt trong truyện ngắn của các nhà văn nữ hải ngoại so với các đồng nghiệp trong nước.
Bên cạnh các tác giả, nhóm tác giả trên, các nhà văn trẻ, các nhà văn quân đội… cũng được quan tâm như những nhóm tác giả đáng chú ý trong thể loại truyện ngắn.
1.1.3.2. Nghiên cứu thành tựu đổi mới nghệ thuật truyện ngắn
Những nỗ lực đổi mới, hiện đại hóa của truyện ngắn sau 1975 trên phương diện nghệ thuật được thể hiện đa dạng, phong phú từ nghệ thuật xây dựng nhân vật, kết cấu, điểm nhìn trần thuật, không gian và thời gian nghệ thuật đến ngôn ngữ,
giọng điệu… Nhiều công trình nghiên cứu đã đi vào khảo sát các phương diện này. Lê Thị Hường trong luận án Những đặc điểm cơ bản của truyện ngắn Việt Nam 1975 – 1995 đã phân tích những đổi mới của truyện ngắn giai đoạn này trong các lĩnh vực: cốt truyện và kết cấu, thời gian nghệ thuật, hệ thống nhân vật và ngôn ngữ. Đứng trước hiện tượng “Các nhà văn mượn lại tên nhân vật trong một số truyện cổ để đặt tên cho nhân vật của mình để thực hiện những mục đích sáng tạo mới” [152, tr.43], Phạm Thị Ngọc Trâm có bài viết Về hiện tượng mượn nhân vật truyện cổ dân gian trong truyện ngắn từ sau năm 1975. Lê Thị Tuyết Hạnh là tác giả của chuyên luận khảo sát và nghiên cứu Thời gian nghệ thuật trong cấu trúc văn bản tự sự (Qua các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 – 1995) nhờ đó, như lời giới thiệu của Lê Nguyên Cẩn, “góp phần lý giải bản chất nghệ thuật của kiểu thời gian tự sự được dùng trong thể loại truyện ngắn Việt Nam xét trên bình diện tổng quát” [53, tr.6] Nguyễn Thị Bình khảo sát Về một phương diện nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi sau 1975: ngôn ngữ và giọng điệu qua nhiều truyện ngắn, bên cạnh các tiểu thuyết. Nguyễn Văn Hiếu nêu lên Một vài khuynh hướng vận động của điểm nhìn trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 bao gồm khuynh hướng cá thể hóa, khuynh hướng đối thoại và khuynh hướng gián cách, ở mỗi khuynh hướng tác giả đều có những phân tích cụ thể với những dẫn chứng từ truyện ngắn…
Đổi mới, hiện đại hóa truyện ngắn sau 1975 là thành tựu được kết tinh từ tài năng, nỗ lực của các nhà văn trong tinh thần đổi mới chung của thời đại, từ sự kế thừa và nối dài những thành tựu của truyện ngắn các giai đoạn trước, đồng thời cũng là do ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng, các trường phái sáng tác văn học hiện đại, hậu hiện đại thế giới mang lại. Nhiều nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề xem xét sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại trong truyện ngắn Việt Nam đương đại. Phạm Ngọc Lan bàn về Nguyễn Huy Thiệp trong bối cảnh văn hóa hậu hiện đại sơ kỳ những năm đầu đổi mới. Lã Nguyên nhận diện Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Hỏa Diệu Thúy đi tìm Dấu ấn hậu hiện đại trong bút pháp Hồ Anh Thái. Thái Phan Vàng Anh nhìn nhận Văn học nữ quyền Việt Nam sau 1986 từ cảm quan hậu
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 1
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 2
- Nghiên Cứu Tổng Quan Về Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975
- Các Kiểu Truyện Tiếp Tục Những Khuynh Hướng Vận Động Trước Năm 1975
- Tình Huống Và Kết Cấu Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 7
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
hiện đại. Lê Văn Trung tìm hiểu về Nhân vật hậu hiện đại trong truyện ngắn Việt Nam sau 1986. Phùng Gia Thế nêu lên Tính chất carnaval trong ngôn ngữ văn xuôi Việt Nam đương đại. … Các bài viết trên đã phác họa một khuynh hướng vận động của văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng, đó là tinh thần “giải cấu trúc”, từ chối các “đại tự sự”, là tính chất “liên văn bản”, là ngôn ngữ với các đặc điểm “thông tục hóa phi thẩm mỹ ngôn từ”, “sự bành trướng của cái biểu đạt” và “sự hỗn loạn của diễn ngôn”. Theo đó, nhân vật trong truyện ngắn cũng mang những đặc điểm hậu hiện đại, đó là “sự phân rã hình tượng trung tâm”, sự xuất hiện “những nhân vật ngoại biên, dị biệt”, “kiểu nhân vật nữ quyền”, “những nhân vật ký hiệu” và “nhân vật mảnh vỡ, ghép mảnh”… Những đặc điểm trên vừa là sản phẩm tất yếu của một “hoàn cảnh hậu hiện đại” trong đời sống đương đại, vừa thể hiện một ý thức mạnh mẽ của các nhà văn trong việc kiếm tìm một con đường hiện đại hóa, đưa văn chương nước nhà hòa nhập với văn học thế giới.
1.1.3.3. Nghiên cứu các kiểu truyện ngắn
Nhiều nhà nghiên cứu khi nhận định chung về tình hình phát triển của truyện ngắn sau 1975 đã nêu lên một số kiểu truyện ngắn như là những sản phẩm mới của thời đại như truyện ngắn giả cổ tích, truyện ngắn kỳ ảo, kinh dị, truyện ngắn liên hoàn, truyện ngắn rất ngắn (truyện mi ni). Từng kiểu truyện này đã được một số bài viết đi vào nghiên cứu để chỉ ra đặc điểm, nguyên tắc xây dựng tác phẩm và sự phát triển trong thực tế nền văn học. Năm 1991 Đặng Anh Đào có bài viết Một hiện tượng mới trong hình thức kể chuyện hiện nay đề cập đến hai hình thức truyện kể là “phản cổ tích” và “truyện lịch sử giả” với mục đích “phân tích hiện tượng này như một nét mới không riêng ở Nguyễn Huy Thiệp mà ở nhiều truyện xuất hiện vài ba năm gần đây” [35, tr.21]. Lý do khiến nhà nghiên cứu gộp hai loại truyện này lại để phân tích, là bởi chúng có một dấu hiệu chung: hình thức nhại lại (parodie). Hình thức nhại có một dấu hiệu nhận biết là tính chất hài hước và tính chất đó, đến lượt nó, làm tăng “bản chất dân chủ” của văn bản. Tác giả đã phân tích cái “giả” như một “quy ước trò chơi” trong loại truyện này, hiệu quả, tác động của nó đối với thói
quen tư duy của người đọc, từ đó đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa sự thật lịch sử, cổ
tích và hư cấu trong các truyện này – điều khiến cho chúng trở thành “truyện ngắn” chứ không phải truyện lịch sử hay cổ tích. Như vậy, từ các hiện tượng trong thực tế phát triển của truyện ngắn, tác giả muốn đi đến khái quát về bản chất, quy luật, nguyên tắc sáng tạo của các loại truyện này như là những tiểu loại mới góp phần làm nên sự phát triển phong phú của thể loại trong giai đoạn này. Một số nhà nghiên cứu quan tâm đến truyện ngắn kỳ ảo như Đặng Anh Đào (Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam), Phan Cự Đệ (Truyện ngắn Việt Nam, Lịch sử
- Thi pháp – Chân dung). Loại truyện cực ngắn hay còn gọi là truyện mi ni cũng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu: Lê Dục Tú bàn về Thể loại truyện rất ngắn trong đời sống văn học đương đại, Phùng Ngọc Kiếm trong bài Trần thuật trong truyện rất ngắn định nghĩa “Truyện ngắn mi ni, truyện rất ngắn, truyện cực ngắn, truyện thật ngắn là cách gọi khác nhau cho một loại tác phẩm tự sự hạn hẹp về dung lượng ngôn từ xuất hiện từ lâu, ngày càng trở nên phổ biến trên báo chí, trong đời sống văn hóa những năm cuối thế kỷ XX. Đó là một xu thế vận động của văn học phù hợp với tư tưởng, tâm lý, nhịp sống của con người hiện đại” [73, tr.28].
1.1.3.4. Nghiên cứu sự tương tác của truyện ngắn với các thể loại khác trong văn học Việt Nam sau 1975
Sự tương tác giữa truyện ngắn với các thể loại khác, hay nói cách khác, sự xâm nhập một số yếu tố, đặc điểm của các thể loại khác vào truyện ngắn giai đoạn này là hiện tượng được đặt ra trong một số công trình nghiên cứu. Vũ Tuấn Anh với bài viết Quá trình văn học đương đại nhìn từ phương diện thể loại khi đề cập đến sự biến đổi trong các thể loại truyện ngắn, truyện vừa đã cho rằng “Tư duy tiểu thuyết thâm nhập vào những thể loại nhỏ và vừa này tạo ra cho chúng một sức chứa lớn hơn nhiều so với bản thân chúng và mở rộng khả năng thể loại đến độ đáng ngạc nhiên. Lối khai thác theo chiều sâu, tính dồn nén đã khiến cho nhiều truyện ngắn, truyện vừa có được tầm vóc và dung lượng của tiểu thuyết” [5]. Về truyện rất ngắn, ông cho rằng thể truyện này đã dung nạp được trong nó cả “tính biểu tượng, ám thị, ngụ ngôn, sự vận dụng các thủ pháp xung đột kịch” và cả “lối nói ít gợi
nhiều của thi pháp thơ”, nhờ đó mà ngày càng khẳng định được ưu thế của mình. Đinh Trí Dũng phân tích Xu hướng tiểu thuyết hóa trong truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay, chỉ ra vùng giao thoa giữa truyện ngắn và tiểu thuyết đương đại. Ông cho rằng “Truyện ngắn đang làm mờ đi ranh giới giữa nó với tiểu thuyết” [34, tr.14] với các biểu hiện: kéo dài ra về dung lượng, mở rộng không gian thời gian, diễn tả những số phận có nhiều thăng trầm biến đổi; lồng ghép nhiều chủ đề, nhiều ý tưởng; mở ra nhiều tuyến cốt truyện, hệ thống nhân vật, sự phức tạp của hệ thống tình tiết; kể câu chuyện của nhiều người, cả gia đình, dòng họ, cả làng, cả một thời; thể nghiệm những hình thức kết cấu độc đáo. Nguyên Ngọc phát biểu “Cầm cái truyện ngắn trong tay có thể cảm thấy cái dung lượng của nó nặng trĩu. Có những truyện ngắn, chỉ mươi trang thôi, mà sức nặng có vẻ còn hơn cả một cuốn tiểu thuyết trường thiên” [87, tr.174]. Cũng nhìn truyện ngắn trong sự tương tác với các thể loại khác thông qua sáng tác của một số tác giả tiêu biểu, Phạm Vĩnh Cư có bài Về những yếu tố tiểu thuyết trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, T. N. Filimonova tìm hiểu Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp, Bích Thu bàn về Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ, Đào Duy Hiệp phân tích Chất thơ trong Cánh đồng bất tận… Qua những bài viết này, có thể phần nào thấy được sự vận động uyển chuyển, linh hoạt của truyện ngắn và những ưu thế của thể loại này trong đời sống văn học đương đại.
1.1.4. Tiếp cận các tác phẩm truyện ngắn cụ thể
Đây là bộ phận phong phú và sôi động hơn cả trong nghiên cứu, phê bình truyện ngắn giai đoạn này. Có rất nhiều bài viết đã ra đời sau khi các truyện ngắn/ tập truyện ngắn được trình làng, nhằm giới thiệu, bình phẩm, đánh giá, thảo luận về tác phẩm. Các bài viết này, nhìn một cách tổng quan, một mặt đã cập nhật tình hình sáng tác truyện ngắn, mặt khác, góp phần luận giải về sự vận động của các tác giả về mặt tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, phong cách, bút pháp, kỹ thuật… qua mỗi cột mốc trong sáng tác, từ đó cho thấy quá trình sinh động, cụ thể trong sự vận động của thể loại nói chung. Đáng chú ý hơn cả trong nhóm công trình này là những bài
viết xung quanh một số tác phẩm mà ở vào thời điểm ra đời, nó tạo nên những điểm nhấn, những ấn tượng mạnh mẽ, độc đáo về cách nhìn nhận, thể hiện con người, cuộc sống hoặc cách viết của tác giả.
Hai người trở lại trung đoàn (1977) của Thái Bá Lợi được coi là một “cú hích” đầu tiên của truyện ngắn sau 1975 trong việc đổi mới cách nhìn con người và hiện thực. Trên báo Văn nghệ ngày 19/12/1981, Nguyên Ngọc Nhân đọc một tác phẩm mới của Thái Bá Lợi đã phát biểu “Anh biết mười chỉ để viết có một. Chỉ có những người thật sự giàu có vốn sống, am hiểu sâu, tường tận, ngồn ngộn điều mình đang viết mới viết được như vậy”. Phạm Phú Phong nhận định tác phẩm “là một bước tiến khá xa so với truyện ngắn, thoát khỏi lối viết bản năng do nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống và chiến đấu, ngòi bút được triển khai một cách điềm tĩnh, thận trọng, thể hiện phong độ của nhà tiểu thuyết tương lai” [114]. Phan Ngọc Thu cho rằng với Hai người trở lại trung đoàn, “dòng chảy văn học viết về chiến tranh ở nước ta, sau 1975, đã không còn xuôi chiều như trước. Bằng cảm quan của người nghệ sĩ từng lăn lộn ở chiến trường, bằng vốn sống trực tiếp và thông qua sự sàng lọc của ký ức, Thái Bá Lợi đã hướng ngòi bút của mình về phía biểu hiện cuộc chiến đã qua với cái nhìn nghiêm cẩn hơn, nhiều phía hơn” [144]. Ngô Vĩnh Bình khi đánh giá vai trò tiên phong của các nhà văn quân đội trong việc nhận thức lại cách nhìn và đổi mới cách viết đã dẫn Hai người trở lại trung đoàn với tư cách là truyện ngắn đầu tiên sau năm 1975 “viết khác trước” [21]. Giáo trình lịch sử văn học của các trường đại học đều coi Hai người trở lại trung đoàn là một trong những tác phẩm đầu tiên đánh dấu thành tựu của truyện ngắn nói riêng, văn xuôi nói chung sau năm 1975.
Sự xuất hiện các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đã tạo nên những cuộc thảo luận sôi nổi trên văn đàn. Năm 1985, trên hai số báo 27 và 28, phóng viên Văn nghệ đã tổng thuật lại cuộc Trao đổi về truyện ngắn những năm gần đây của Nguyễn Minh Châu với nhiều ý kiến đa dạng, thậm chí trái chiều nhau của giới phê bình và các nhà văn. Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Khách ở quê ra, Chiếc thuyền ngoài xa,
Bến quê, Mùa trái cóc ở miền Nam, Cỏ lau, Phiên chợ Giát là những tác phẩm tạo được sự chú ý hơn cả với rất nhiều bài viết bàn luận trên các báo và tạp chí. Các truyện ngắn của ông khi được dịch và giới thiệu ở nước ngoài bằng tiếng Nga, tiếng Pháp cũng đã được công chúng và giới phê bình quan tâm, phân tích trên nhiều bình diện. Cho đến nay, những sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu giai đoạn này về cơ bản đã được thống nhất đánh giá là những minh chứng tiêu biểu, thuyết phục đầu tiên cho sự vận động của văn xuôi nói chung, văn học nói riêng sau 1975 trên tinh thần dân chủ hóa và đổi mới.
Vào cuối thập niên tám mươi và trong suốt thập niên chín mươi của thế kỷ XX, các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng đã làm nóng văn đàn, tạo nên những luồng sóng dư luận mạnh mẽ và phức tạp, trong đó sức nóng và sức hút đặc biệt là từ các truyện Tướng về hưu, Chút thoáng Xuân Hương, Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc, Nguyễn Thị Lộ. Một số vấn đề nổi bật được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bàn đến trong các truyện ngắn này là cái nhìn đối với con người và hiện thực, mối quan hệ giữa lịch sử và hư cấu, mối quan hệ giữa “tâm và tài”, “tài và tật”. Đến những năm gần đây, các truyện vừa nêu và hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp lại thường được quan tâm trên phương diện hình thức thể loại, với những vấn đề cụ thể như kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, và ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh công bố cuối năm 1989 cũng là một truyện ngắn gây chú ý. Tác phẩm được đánh giá không chỉ là câu chuyện về chàng trai và cô gái, với mối thù hai dòng họ trên vai và tình yêu trong tim, cùng dắt tay nhau bước qua lời nguyền, mà còn là sự tái hiện bức tranh toàn cảnh nông thôn Việt Nam những năm 1950 - 1970, phản ánh khuynh hướng nhận thức lại thực tại trong văn xuôi đương thời. Theo Dương Phương Vinh, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng đánh giá: “Nếu tính 50 truyện ngắn hay nhất Việt Nam, phải có Bước qua lời nguyền, cần chọn ra 20 truyện, 10 truyện hay nhất vẫn phải có; và thậm chí nếu chỉ được phép chọn 5 truyện đặc sắc nhất, không thể thoát Bước qua lời nguyền”. Nhà
nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến mượn tên truyện này để khái quát: “Có một dòng văn học bước qua lời nguyền” [163].
Một số tập truyện ngắn mà sự ra đời của nó có thể kể như một hiện tượng của nền văn học, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng và các nhà báo, nhà phê bình, đó là Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Truyện ngắn 8X của 18 tác giả sinh trong những năm 80 của thế kỷ XX. Tập truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê ra đời cuối năm 2012 cũng đã gây nên một ấn tượng sâu đậm đối với những người quan tâm đến văn chương nước nhà.
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển của ngành xuất bản, phát hành sách, thị trường sách ngày càng sôi động trong khi văn hóa đọc ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình truyền thông, giải trí khác, thì những bài viết xoay quanh các tác phẩm văn học cụ thể đã tạo nên được những điểm nhấn nhất định giúp các tác phẩm đến gần hơn với công chúng, tạo ra được những cuộc thảo luận về văn học. Tuy nhiên, bên cạnh những bài viết công phu, soi rọi tác phẩm từ nhiều góc độ một cách chuyên sâu, thì đa phần những bài viết về các truyện ngắn hoặc tập truyện ngắn cụ thể thường nghiêng về khen chê mang tính chủ quan, hoặc chỉ tiếp cận tác phẩm từ một góc độ nào đó nên không tránh khỏi phiến diện. Hơn nữa, đa phần các bài viết này thường được đăng tải trên báo chí hoặc mạng Internet, đáp ứng được tính thời sự, thức thời, song lại khó đạt đến sự bền lâu.
Bốn mảng vấn đề, bốn nhóm công trình nghiên cứu về truyện ngắn mà chúng tôi phân chia để mô tả ở trên chỉ mang tính chất tương đối. Thực tế có những công trình vừa thuộc nhóm này lại vừa thuộc nhóm kia. Mặt khác, đây cũng chỉ là bốn nhóm cơ bản nhất, quan trọng nhất, chiếm số lượng lớn và đề cập đến những vấn đề cốt yếu nhất, chưa phải tất cả các nghiên cứu về truyện ngắn đương đại. Với những quan sát của mình, chúng tôi tạm đi đến một số nhận định khái quát về lịch sử vấn đề nghiên cứu như sau: