Ảnh đại diện | Địa điểm | Hạng mục | Năm công nhận | |
1. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch | Quận Ba Đình, Hà Nội | Di tích lịch sử | 2009 | |
2. Hoàng Thành Thăng Long | Quận Ba Đình, Hà Nội | di tích lịch sử và khảo cổ | 2009 | |
3. Cổ Loa | Xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội | Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ | 2009 (2010: Di sản văn hóa TG) | |
4. Văn Miếu – Quốc Tử Giám | Quận Đống Đa, Hà Nội | Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật | 2012 | |
5. Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn | Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội | Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh | 2013 | |
6. Đền Phù Đổng | Huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội | Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật | 2013 | |
7. Đền Hai Bà Trưng | Huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội | Di tích lịch sử | 2013 | |
8. Đền Hát Môn | Huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội | Di tích lịch sử | 2013 | |
9. Chùa Thầy và khu núi đá Sài Sơn | Huyện Quốc Oai, TP Hà Nội | Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật | 2014 | |
10. Gò Đống Đa | Quận Đống Đa, Hà Nội | Di tích lịch sử | 2018 |
Có thể bạn quan tâm!
- Nhận Thức Của Gv Về Khái Niệm Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt
- Hình Thức Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội Theo Đánh Giá Của Hs
- Nội Dung Lịch Sử Việt Nam Cấp Trung Học Phổ Thông Cần Sử Dụng Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
- Di Tích Lịch Sử, Kiến Trúc Nghệ Thuật Và Khảo Cổ Cổ Loa
- Di Tích Lịch Sử Gò Đống Đa (Quận Đống Đa, Thành Phố Hà Nội)
- Tổ Chức Các Hoạt Động Chăm Sóc, Bảo Vệ Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
Xem toàn bộ 234 trang tài liệu này.
(Nguồn ảnh: Cục di sản )
Có thể thấy, DTLSQGĐB tại Hà Nội vô cùng phong phú, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, gắn liền với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để phục vụ cho quá trình giảng dạy bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông. Điều quan trọng là, trong quá trình dạy học, GV phải căn cứ vào mục tiêu bài học, nội dung kiến thức cơ bản, đối tượng và khả năng nhận thức của HS, cũng như điều kiện vật chất cho phép để lựa chọn hình thức, phương pháp dạy học và biện pháp sư phạm phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng bộ môn lịch sử ở trường THPT.
3.2.2. Nội dung các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội cần sử dụng trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông
1. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thuộc địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người (từ 19/12/1954 đến 02/9/1969), đồng thời là trụ sở làm việc của Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945). Di tích này thuộc loại hình di tích lưu niệm danh nhân, được liệt vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, với các bộ phận cấu thành cơ bản như: Phủ Chủ tịch là nơi Bác thường chủ trì các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, tiếp các đoàn khách quốc tế và gặp gỡ các đoàn đại biểu, các tầng lớp nhân dân; Ngôi nhà Bác đã ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến giữa tháng 5/1958; Nhà sàn, nơi Bác đã ở và làm việc từ giữa tháng 5/1958 đến ngày 17/8/1969; Ngôi nhà Bác làm việc với Bộ Chính trị trong hai năm cuối đời, cũng là nơi chứng kiến giây phút Bác đi xa; Nhà để xe ô tô; Các di tích ngoài trời như vườn cây, ao cá. Có thể nói, đây là một trong số rất ít di tích lịch sử cách mạng của Việt Nam còn giữ được gần như nguyên vẹn và ít chịu sự tác động của ngoại cảnh trong gần 40 năm qua. Đặc biệt, Khu di tích lại được phân bố ngay tại Trung tâm chính trị, văn hoá Ba Đình - gắn với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình rộng lớn. Đây là những nhân tố góp phần quan trọng tạo nên giá trị và sức hấp dẫn đặc biệt của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là một phức thể di tích lưu niệm sinh hoạt đời sống gắn với một vĩ nhân mà tư tưởng, đạo đức, lối sống và tác phong sinh hoạt đã để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình phát triển lịch sử Việt Nam. Nghị quyết của UNESCO có nhấn mạnh xét thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch hội tụ đầy đủ điều kiện của một di tích quốc gia đặc biệt, nó hàm chứa các mặt giá trị phi vật thể tiêu biểu mang tầm cỡ quốc tế.
Xét trong hệ thống các di tích và bảo tàng lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi cả nước, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch có vị trí hàng
đầu vì nơi đây đã có thời gian dài - 15 năm liên tục (1954 - 1969) gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, của quá trình lịch sử dân tộc nói chung. Đó cũng là giai đoạn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động sôi động nhất với tư cách là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Nét độc đáo, hấp dẫn của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch là ở chỗ cái cao cả lại được biểu hiện qua những cái giản dị và khiêm nhường, chỉ là một khuôn viên bình thường cả về quy mô lẫn kiến trúc, nhưng lại ẩn chứa những phẩm chất tinh thần cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Trong lòng bạn bè quốc tế, Bác là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới; đối với dân tộc, Bác là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày Khu di tích được mở cửa đón khách đến nay đã có hơn bốn mươi triệu lượt người tới thăm. Chúng ta có quyền tự hào rằng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch đã vinh dự được đón hầu hết các nguyên thủ quốc gia và nhiều chính khách từ nhiều nước trên thế giới, kể cả những người có tư tưởng đối lập về chính trị, khi đến Việt Nam vào thăm, với ý thức trân trọng, tình cảm ngưỡng mộ, cảm phục đặc biệt về nhân cách Hồ Chí Minh.
Cuối cùng, phải khẳng định là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, các di tích và bảo tàng Hồ Chí Minh, cùng với hệ thống các DTLSQGĐB tại Hà Nội đã trở thành một nguồn tư liệu lịch sử có giá trị to lớn, một môi trường học tập lí tưởng để GV khai thác và sử dụng trong dạy học lịch sử dân tộc ở các nhà trường THPT. Hơn thế nữa, hệ thống các di tích này là loại tài nguyên du lịch hấp dẫn, là bộ phận quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển du lịch Hà Nội hiện tại và trong tương lai.
Hình 3.1. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch
(Nguồn: tác giả)
GV có thể sử dụng nội dung di tích này khi dạy bài 12 lớp 12 Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam 1919 – 1925; bài 13 Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam 1925 – 1930 (Các hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc), hay chuyên đề Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam (chương trình mới).
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu lưu niệm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí
Minh tại Phủ Chủ Tịch (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).
2. Di tích lịch sử và khảo cổ Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long
Di tích lịch sử và khảo cổ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nằm trên địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Là cụm di tích đặc biệt quan trọng và tiêu biểu của quốc gia với diện tích quy hoạch bảo tồn vùng lõi là 18,395 ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108 ha.
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Lý. Năm 1010, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh đô mới là Thăng Long và xây dựng nơi đây thành một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất của đất nước. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng, thành Thăng Long luôn giữ vị trí “Quốc đô”, là nơi ở và làm việc của Vua và Hoàng tộc. Tầng văn hóa Lý – Trần gồm thềm cung điện, chân cột, giếng cổ, gạch, phù điêu, tượng rồng phượng,... Đặc biệt là toà lâu đài 3 tầng lầu thuộc cung điện Thăng Long xưa.
Tầng văn hóa thời Lê, Nguyễn tìm thấy hơn ba triệu hiện vật. Khu vực này cũng còn là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng. Sau khi nhà Nguyễn định đô ở Huế (1802), vai trò kinh đô Thăng Long mới bị giải thể… Từ sau năm 1954, khu vực thành Thăng Long trở thành trụ sở làm việc của Bộ Quốc phòng. Chính tại khu vực này, nhiều quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước ra đời, góp phần tạo ra những thắng lợi lớn trong công cuộc kháng chiến chống M cứu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Hình 3.2. Di tích lịch sử và khảo cổ Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long
(Nguồn: tác giả)
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng…, nhưng đến nay vẫn còn lưu giữ được một số di tích lịch sử và khảo cổ học, tiêu biểu như:
Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội): xây dựng vào năm 1812, dưới thời vua Gia Long, cao 33,4m, gồm ba tầng đế, thân cột và vọng canh. Chân đế hình vuông và gồm 3 cấp thóp dần lên, mỗi cấp có tường hoa và hoa văn bao quanh. Từ mặt đất lên tới chân cấp thứ 2 phải leo 18 bậc, ở hai cửa hướng Đông và Tây. Cấp thứ ba và thứ tư có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc và từ cạnh dưới lên cạnh trên phải qua 14 bậc thang.
Đoan môn: Là cửa thành phía Nam, xây kiểu vòm cuốn. Đoan môn được bố cục chiều ngang, gồm cửa chính giữa dành riêng cho vua, hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, dành cho các quan và hoàng tộc. Phía trong Đoan Môn là “lối xưa xe ngựa” thuộc thời Trần, dùng lại nhiều gạch thời Lý.
Điện Kính thiên: Nằm ở vị trí trung tâm của hoàng thành (thời Lê sơ), được xây dựng năm 1428, ngay trên nền cũ của điện Càn Nguyên thời Lý (sau đổi tên là điện Thiên An). Năm 1886, điện này bị thực dân Pháp phá để xây dựng Sở Chỉ huy Pháo binh quân đội Pháp. Hiện nay, chỉ còn lại dấu tích của nền móng điện Kính thiên. Đặc biệt, khu vực này còn lưu giữ được hai bậc thềm rồng bằng đá, có niên đại thế kỷ XV.
Hậu lâu (Lầu Công chúa): Xây dựng năm 1821, được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống Vua khi xa giá ra Bắc. Cuối thế kỷ XIX, Hậu lâu bị hư hỏng nặng, thực dân Pháp đã cho cải tạo, xây dựng lại như hiện nay.
Chính Bắc môn (Cửa Bắc): là cổng thành phía Bắc, được xây dựng năm 1805, gồm hai tầng, tám mái, với đầu đao cong, kiểu truyền thống.
Tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn: Năm 1805, nhà Nguyễn đã cho xây dựng tường bao từ cửa Đoan môn quanh nội điện, làm hành cung để vua làm việc và nghỉ ngơi mỗi khi Bắc tuần. Hiện nay, trong khu thành cổ còn 8 cổng thành cùng với hệ thống tường bao xung quanh hành cung bằng gạch vồ.
Di tích nhà và hầm D67: Được xây dựng vào năm 1967, trong khu A. Đây là nơi Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã đưa ra nhiều quyết định mang tính lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch năm 1972, Cuộc tổng tiến công năm 1975 và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh…
Những công trình kiến trúc Pháp: Được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX theo kiểu Vauban, bao gồm tòa nhà Sở Chỉ huy Pháo binh Quân đội Pháp; một tòa nhà 2 tầng, xây dựng năm 1897, nay dùng làm trụ sở của Cục Tác chiến; hai tòa nhà một tầng, xây dựng năm 1897. Phía Đông của tòa nhà Cục Tác chiến có một nhà khách, xây dựng năm 1930.
Cây xanh trong khu di tích: Được trồng với mật độ dày, đa dạng về chủng loại, đã góp phần tạo ra môi trường trong lành và cảnh quan hài hòa cho khu di tích.
Di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: Nằm cách nền điện Kính Thiên khoảng 100m về phía Tây, có diện tích 4.530ha, bắt đầu khai quật từ tháng 12 năm 2002, được phân định làm 4 khu (A, B, C, D). Khi tiến hành khai quật tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ thuộc Hoàng thành Thăng Long cùng nhiều hiện vật có giá trị, như vật liệu trang trí kiến trúc bằng đất nung, cột gỗ, đồ gốm sứ của các triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài, như các loại đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản…
Thành cổ Thăng Long - Hà Nội là di tích lịch sử và khảo cổ tiêu biểu, là bằng chứng vật chất phản ánh trình độ k thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa với các nước trong khu
vực và trên thế giới trong một quá trình lịch sử lâu dài, thể hiện qua rất nhiều hiện vật lịch sử, công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị mang bề dày hàng ngàn năm lịch sử.
Với khu di tích này, người GV môn Lịch sử ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam đều có thể sử dụng gián tiếp hoặc trực tiếp di tích để dạy những bài học, những chuyên đề lịch sử. Điều thú vị là chỉ với một cụm di tích này GV có thể vận dụng dạy học nhiều nội dung kiến thức như với chương trình và SGK lịch sử 10: bài 17 lớp 10 Quá trình hình thành phát triển của các nhà nước phong kiến thế kỉ X - XV, bài 20 Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X - XV, bài 24 Tình hình văn hóa ở các thế kỉ XVI – XVIII, bài 27 Quá trình dựng nước và giữ nước, bài 28 Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến. Tiếp cận với chương trình Lịch sử mới lớp 10, GV có thể dung di tích này để dạy chủ đề Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858). Với chương trình và SGK lớp 11 hiện hành, GV có thể dụng nội dung di tích Điện Kính Thiên và Cột Cờ Hà Nội trong Hoàng Thành Thăng Long để dạy bài 20 Chiến sự lan rộng cả nước. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ 1858 đến 1884. Nhà Nguyễn đầu hàng. Sử dụng nội dung di tích hầm D67 dạy bài 22 Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược, nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965 - 1973), bài 23 Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 - 1975). Hay dạy chủ đề Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt trong chương trình Lịch sử mới lớp 11.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt ngày 12/08/2009.
3. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám thuộc địa bàn quận Đống Đa và Ba Đình, Hà Nội. Theo tư liệu lịch sử, năm 1070, Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối, vẽ tượng Thất thập Nhị hiền, bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình lại cho lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần), đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
Trong lịch sử, di tích là nơi thờ Thánh Nho (Khổng Tử), Chu Công, Tứ phối, Thất thập Nhị hiền, Chu Văn An và là trường Quốc Học đào tạo trí thức Nho học của nước ta từ thời Lý đến thời Lê; đồng thời cũng là nơi dựng bia (hiện còn 82 bia) “đề danh” tiến sĩ từ thời Lý đến thời Lê, trong đó có nhiều danh nhân trong lịch sử nước ta. Trải qua thời gian, các công trình kiến trúc của di tích có sự thay đổi nhất định. Hiện nay, di tích còn bảo tồn được một số hạng mục kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn. Khu nhà Thái Học mới được Nhà nước đầu tư phục dựng năm 1999- 2000.
Dựa vào công năng kiến trúc, di tích chia thành hai khu vực chính: Văn Miếu - nơi thờ tự tiên Nho và Quốc Tử Giám - trường đào tạo trí thức Nho học.
* Văn Miếu được xây dựng trên khu đất hình chữ nhật (dài 300m, rộng 70m), xung quanh là tường gạch vồ, gồm các hạng mục sau:
Hồ Văn: ở trước mặt Văn Miếu, có diện tích 12.297m2. Trước đây, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình - “Phán Thuỷ đình”, là nơi diễn ra các buổi bình thơ của Nho sĩ. Nay phương đình đã mất, trên gò vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) ghi lại việc tu sửa Văn Miếu.
Nghi môn ngoại (tứ trụ): được xây bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn, đỉnh trụ đặt hai tượng nghê chầu, hai trụ ngoài thấp hơn, đỉnh trụ đắp hình chim phượng, đuôi chụm vào nhau, 4 đầu quay về 4 hướng, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán. Hai bên nghi môn có 2 bia “Hạ mã”. Đây cũng là cột mốc ranh giới hiện nay của di tích.
Hình 3.3. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám
(Nguồn: tác giả)
Nghi môn nội: được xây 2 tầng, gồm 3 cửa cuốn vòm. Trên cửa chính nghi môn nội đề 3 chữ “Văn Miếu môn”, tầng dưới to, có cầu thang lên tầng 2, tầng trên thu nhỏ, xung quanh có hành lang rộng, 4 mặt có lan can. Kiến trúc tầng 2 giống như một nghi môn 2 tầng, 8 mái, mở 3 cửa cuốn, không có cánh cửa, trên bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Cửa Đại Trung (Đại Trung môn): gồm 3 gian, kết cấu ba hàng chân cột trên nền gạch cao, mái ngói, hai bên có 2 cửa nhỏ (“Thành Đức môn” và “Đại Tài môn”).
Khuê Văn các: là một lầu vuông, gồm 2 tầng, 8 mái, dựng năm 1805, trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng. Phía dưới là 4 trụ gạch, 4 phía để trống, bên trên là kiến trúc gỗ, có sàn gỗ, mái lợp ngói, 4 mặt bưng ván gỗ, mỗi phía trổ một cửa tròn, có các con tiện tượng trưng cho các tia của sao Khuê toả sáng. Phía trên treo biển đề “Khuê Văn các” (chữ Hán), cùng hệ thống câu đối. Hai bên Khuê Văn các có 2 cửa nhỏ (“Bí văn môn” và “Súc văn môn”).
Hai dãy nhà bia tiến sĩ: gồm 82 bia tiến sĩ (được dựng từ năm 1484 đến năm 1780) của 82 khoa thi - từ khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đến khoa thi năm 1779. Nội dung bia ghi tên, quê quán, khoa thi của 1305 vị đỗ đại khoa. Hai dãy nhà bia mới được dựng lại năm 1994, gồm 8 nhà che bia, sắp xếp bia tiến sĩ mỗi bên bốn dãy, mỗi nhà đặt 10 bia. Hai tấm bia ghi nội dung khoa thi năm 1442 và 1448 được đặt vào giữa hai toà Bi đình. Các nhà bia được dựng theo kiểu nhà có mái đao,
lợp ngói mũi hài, kết cấu vì kèo “giá chiêng”, nền lát gạch bát. Bia Văn Miếu được dựng vào 3 đợt chính: niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) dựng 10 bia; niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653) dựng 25 bia; niên hiệu Vĩnh Thịnh 13 (1717) dựng 21 bia. Ngoài ra, các bia còn lại đều được dựng cùng niên đại với khoa thi hoặc sau khoa thi một năm. Các tấm bia đều được khắc bằng loại đá được khai thác tại núi An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (hiện nay vẫn còn 1 tấm bia ghi lại việc lấy đá ở vùng này khắc 25 bia Văn Miếu vào năm 1653).
Cửa Đại Thành (Đại Thành môn): hai bên cửa có 2 cửa nhỏ (Kim Thanh và Ngọc Chấn). Cửa Đại Thành gồm 3 gian, kiến trúc 3 hàng chân cột, với 2 hàng cột hiên và một hàng cột giữa đỡ xà nóc, ba gian đều được lắp cửa 2 cánh, chính giữa treo bức hoành phi đề 3 chữ “Đại Thành môn”.
Đại bái: gồm 9 gian, 6 hàng chân cột, giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Gian giữa kê một hương án, là nơi xưa kia xuân, thu nhị kỳ vua cùng hoàng thân và các quan lại đến tế Khổng Tử. Đại bái xây trên nền cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh nền bó vỉa gạch, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì kết cấu kiểu “chồng rường, cốn kẻ chồng, bẩy hiên”, nền lát gạch Bát Tràng. Trang trí trên kiến trúc tập trung ở các bẩy hiên, chạm hình hoa lá cách điệu.
Điện Đại thành: xây song song với toà Đại bái, được nối với nhau bằng một phương đình, gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian, 4 gian đầu hồi có cửa chấn song cố định. Chính giữa có khám và ngai lớn, đặt trên bệ xây gạch, trên có bài vị “Đại Thành chí thánh tiên sư Khổng tử” - nay đã bị mất, chỉ còn lại ngai và khám.
Hai dãy nhà tả, hữu vu: mỗi dãy 9 gian, dựng trên nền cao, phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, đầu Nguyễn, nền bó vỉa gạch, lát gạch bát, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường”.
* Quốc Tử Giám: xưa ở phía sau khu Văn Miếu, có giảng đường, khu nhà dành cho HS, kho chứa ván khắc in sách. Khi Quốc Tử Giám chuyển vào Huế thì khu vực này trở thành khu Khải Thánh, nơi thờ cha mẹ Khổng Tử. Hai bên tòa Khải Thánh là tả, hữu vu, giữa là sân rộng. Hiện nay, kiến trúc khu vực này gồm các hạng mục:
Tả, hữu vu: xây chạy dọc hai bên sân, mỗi dãy 9 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường”, nền lát gạch bát.
Nhà Thái học: được dựng lại năm 1998 - 2000, gồm hai nếp nhà có kết cấu liên hoàn, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì đỡ mái kiểu “chồng rường, cốn chồng kẻ, bẩy hiên”, nền lát gạch bát. Cung thờ phía sau xây kiểu mái chồng diêm, lợp ngói mũi hài, kết cấu bộ vì kiểu “giá chiêng chồng rường”, nền lát gạch Bát Tràng. Tầng dưới Nhà Thái học trưng bày hiện vật, hình ảnh giới thiệu về di tích, tầng trên là nơi thờ các vị vua: Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông.
Ngoài ra, trong khu Văn Miếu còn có một miếu thờ thổ thần và điện thờ Mẫu. Tại di tích hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học,