Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014.
10. Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định xếp hạng Gò Đống Đa (Quận Đống Đa, Hà Nội). Với diện hơn 6.000 m2, gò Đống Đa được xem là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn.
Gò Đống Đa hiện nay nằm trên phố Tây Sơn, tên phố được đặt theo tên nghĩa quân Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung, Hà Nội. Xưa nơi đây thuộc đất của làng Khương Thượng, thuộc huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Cả khu vực gò Đống Đa này là một khu chiến trường xưa, nơi diễn ra trận đánh thần tốc của vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Rạng sáng ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (tức ngày 30/01/1789), lợi dụng sự chủ quan của quân giặc, vua Quang Trung đã xuất quân tiến thẳng về Thăng Long để giải phóng kinh thành khỏi sự xâm lược của quân Thanh. Một mũi quân của vua Quang Trung do đô đốc Long – còn có tên là Đặng Tiến Đông trực tiếp chỉ huy đã tạo ra trận “Rồng lửa” với hàng ngàn vạn bó rơm tẩm dầu của nhân dân vùng Khương Thượng hưởng ứng, diệt tan quân Thanh đóng tại đồn Khương Thượng mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng xông lên tiến vào giải phóng Thăng Long giữa mùa hoa đào nở. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống sợ quá phải treo cổ lên cành đa tự tử trên núi Ốc (Loa Sơn) mà vị trí của nó là gần khu chùa Bộc hiện nay.
Hình 3.10. Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)
(Nguồn: tác giả)
Sau chiến thắng như vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn, giải phóng được kinh thành Thăng Long, trên đường phố xác giặc chết ngổn ngang khắp nơi. Vua Quang Trung cho thu nhặt lại xác và xếp thành 12 đống, đắp cao lên thành gò gọi là “kình nghê quán” (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê ngoài biển) nhằm biểu dương chiến công của quân dân ta và cảnh báo với bọn xâm lược cướp nước. 12 gò này nằm giải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, ở trong khu vực từng có tên là “xứ Đống Đa”, trên gò các cây đa mọc lên um tùm và tạo thành tên gò Đống Đa.
Có thể bạn quan tâm!
- Nội Dung Lịch Sử Việt Nam Cấp Trung Học Phổ Thông Cần Sử Dụng Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
- Nội Dung Các Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội Cần Sử Dụng Trong Dạy Học Lịch Sử Việt Nam Ở Trường Trung Học Phổ Thông
- Di Tích Lịch Sử, Kiến Trúc Nghệ Thuật Và Khảo Cổ Cổ Loa
- Tổ Chức Các Hoạt Động Chăm Sóc, Bảo Vệ Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
- Tổ Chức Dạ Hội Lịch Sử Về Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
- Sử Dụng Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội Để Tổ Chức Học Sinh Chiếm Lĩnh Kiến Thức Mới
Xem toàn bộ 234 trang tài liệu này.
Nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, năm 1989, công viên
văn hóa Đống Đa được thành lập trên cơ sở khu vực gò Đống Đa. Đây là công trình kiến trúc mang tính lịch sử văn hóa nhằm ghi nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Công trình được chia làm hai khu vực, gồm khu vực tượng đài, nhà trưng bày và khu vực gò trông ra phố mang tên Đặng Tiến Đông, người chỉ huy trận đánh đồn Khương Thượng và đóng vai trò quan trọng, cánh tay đắc lực cho vua Quang Trung trong trận chiến đánh quân Thanh xâm lược.
Với di tích này, GV có thể khai thác và sử dụng để nâng cao hiệu quả bài học khi dạy bài 23 lớp 10, chương trình hiện hành: Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỉ XVI – XVIII.
Có thế nói, 10 DTLSQGĐB tại Hà Nội đều gắn liền với những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc trong tiến trình phát triển của lịch sử, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, đây là nguồn sử liệu quý giá nếu GV biết khai thác và sử dụng linh hoạt, với các hình thức, biện pháp phù hợp với đối tượng HS, điều kiện cho phép. Qua đó, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
3.3. Hình thức sử dụng các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông
“Hình thức tổ chức dạy học là hình thức vận động của nội dung dạy học cụ thể trong không gian, địa điểm và nhưng điều kiện xác định nhằm thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu dạy học” (Trần Thị Tuyết Oanh (cb), Giáo trình Giáo dục học , Tập 1, NXB ĐHSP, 2007, tr 245) [99, tr.245]. Hình thức tổ chức dạy học giúp GV xác định được nội dung dạy học cụ thể được thực hiện ở đâu (địa điểm); quy mô như thế nào; thành phần HS tham gia (toàn lớp, nhóm, cá nhân). Hình thức tổ chức dạy học có quan hệ chặt chẽ với mục tiêu DH, nội dung DH, PPDH, kiểm tra, đánh giá kết quả DH ... và là một yếu tố quan trọng của quá trình DH. Hình thức tổ chức DH được hình thành, phát triển cùng với sự thay đổi và đòi hỏi của các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa khoa học.
Các nhà Giáo dục học có nhiều cách phân loại hình thức tổ chức DH khác nhau. Nếu căn cứ vào địa điểm diễn ra quá trình dạy học sẽ có hình thức DH trên lớp và hình thức DH ngoài lớp. Nếu căn cứ vào sự chỉ đạo của GV đối với HS sẽ có hình thức DH toàn lớp và hình thức tổ chức DH theo nhóm, hình thức tổ chức DH cá nhân.
Việc khai thác và sử dụng DTLSQĐB tại Hà Nội trong quá trình dạy học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, chúng tôi tiếp cận theo hình thức sử dụng trực tiếp và hình thức sử dụng gián tiếp sau đây:
3.3.1. Sử dụng trực tiếp các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông
Trực tiếp là “có quan hệ th ng với đối tượng tiếp xúc, không qua khâu trung gian”[107, tr.1631]. Hình thức sử dụng trực tiếp DTLSQGĐB tại Hà Nội trong DHLS là các cách thức khai thác, sử dụng trực tiếp DTLSQGĐB tại Hà Nội phục vụ cho quá trình DHLS ở trường phổ thông. Đây là hình thức DH đòi hỏi GV phải là người trực tiếp tổ chức, hướng dẫn HS đến tận nơi có DTLSQGĐB tại Hà Nội để học tập.
Ưu thế của cách thức khai thác sử dụng trực tiếp DTLSQGĐB tại Hà Nội là HS được tận mắt chứng kiến DT, được “trực quan sinh động”, là điều kiện thuận lợi để các em được khám phá nguồn sử liệu gốc quý báu. Qua đó, có thể tái hiện được bức tranh sinh động của quá khứ lịch sử, tạo được những biểu tượng sống động về những sự kiện, nhân vật gắn liền với di tích LS, làm cơ sở để hiểu được sâu sắc bản chất của chúng. Đồng thời, phát triển những kĩ năng quan trọng của bộ môn như quan sát, tưởng tượng, khả năng kết nối quá khứ với hiện tại, liên hệ thực tiễn, tư duy phản biện và trình bày một vấn đề lịch sử. Điều quan trọng là, thông qua việc chứng kiến trực tiếp các DTLSQGĐB tại Hà Nội góp phần bồi dưỡng HS lòng tự hào, trân trọng và ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, xác định được trách nhiệm công dân trước thực tại cuộc sống.
Hình thức sử dụng trực tiếp các DTLSQGĐB tại Hà Nội phù hợp và hiệu quả với đối tượng HS tại thành phố Hà Nội và những vùng lân cận, mà không thuận lợi cho HS ở nơi khác. Vì vậy, trong quá trình dạy học, tùy thuộc điều kiện của địa phương, mà GV vận dụng linh hoạt các hình thức và mức độ khác nhau khi khai thác, sử dụng các DTLSQGĐB tại Hà Nội sao cho đạt hiệu quả nhất. Có thể tổ chức dạy học giờ nội khóa ngay tại di tích, hay tổ chức chức hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm tại di tích với nhiều cách thức khác nhau. Trong phạm vi luận án, chúng tôi đi sâu nghiên cứu một số hình thức mà theo chúng tôi có tính khả thi và hiệu quả sau đây:
3.3.1.1. Tổ chức dạy học bài nội khóa ở di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà
Nội
Bài học là hình thức cơ bản của quá trình dạy học Lịch sử. Bài học tiến hành tại
thực địa là nơi xảy ra các sự kiện lịch sử trong quá khứ, được thực hiện theo nội dung quy định của chương trình lịch sử nhưng hoàn toàn khác với các hoạt động ngoại khoá diễn ra tại khu di tích. Việc tiến hành bài học tại nơi có di tích khác với hoạt động ngoại khóa, bởi nó thực hiện nội dung được quy định trong chương trình, là một mắt xích trong toàn bộ khóa trình, có liên quan đến các bài lịch sử khác.
Di tích lịch sử văn hóa chính là những dấu vết, bằng chứng của quá khứ về các sự kiện, hiện tượng lịch sử đã diễn ra, vì vậy khi tiến hành bài học nội khóa tại đây trước hết giúp HS phát triển nhận thức. Trên cơ sở việc quan sát trực tiếp hiện vật, những bằng chứng, những dấu vết từ quá khứ để lại, quá trình hình thành biểu tượng lịch sử đối với HS sẽ thực sự hứng thú. Các k năng bộ môn và k năng sống nói chung được rèn luyện trong quá trình học tập, trải nghiệm di tích, lòng tự hào, tình yêu đối với quê hương, đất nước, trách nhiệm đối với việc bảo vệ và phát huy di tích sẽ được hình thành, phát triển trên cơ sở thực tiễn vững chắc. Đồng thời, DH tại DTLSQGĐB tại Hà Nội tạo nhiều cơ hội cho HS phát triển năng lực tổ chức, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực hành…Với những ý nghĩa như trên, việc tiến hành bài học lịch sử tại nơi có DTLSQGĐB quan trọng trong quá trình DHLS ở trường THPT. Tuy nhiên, thực tiễn DH ở trường phổ thông hiện nay cho thấy, hình thức tổ chức DH này chưa được tiến hành thường xuyên, chưa phát huy được giá trị như nó vốn có.
Để tiến hành bài học lịch sử ở DTLSQGĐB tại Hà Nội, GV cần tuân thủ những yêu cầu đối với bài học lịch sử nói chung, như đảm bảo sự thống nhất giữa tính khoa học và tính đảng, xác định rõ nội dung cơ bản và đảm bảo tính toàn diện của nội dung bài học, tính toàn diện của kế hoạch sư phạm, tổ chức tốt các hoạt động nhận thức tích cực của HS, lựa chọn hợp lý các tài liệu, phương tiện, phương pháp DH… Bên cạnh đó, mỗi loại bài học với những đặc điểm riêng có những yêu cầu cụ thể khác nhau. Để tiến hành bài học lịch sử tại địa điểm di tích hiệu quả, GV cần chú ý:
-Thứ nhất, lựa chọn bài học phù hợp với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội
Trong quá trình DH, mục tiêu và nội dung là những yếu tố mang tính cơ sở, định hướng cho việc lựa chọn các phương pháp và hình thức tổ chức bài học. Khi lựa chọn DTLSQGĐB tại địa phương để tiến hành bài học nội khóa trong DHLS, GV phải căn cứ vào mục tiêu đã được xác định ở mỗi bài học, để xác định kiến thức cơ bản của bài có liên quan trực tiếp đến di tích đó. Ngoài ra, phải căn cứ vào đặc điểm của di tích, điều kiện cơ sở vật chất, thời lượng quy định của giờ học… để lựa chọn. Cần ưu tiên lựa chọn những DTLSQGĐB gần địa bàn trường đóng có liên quan mật thiết đến các sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc hoặc lịch sử địa phương (đối với các bài học lịch sử địa phương). Trong quá trình DHLS ở trường THPT, GV có thể lựa chọn rất nhiều DTLSQGĐB tại Hà Nội để tiến hành bài học nội khóa rất phong phú, tiêu biểu như:
+ Các di tích khảo cổ học: Khu di tích lịch sử và khảo cổ Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội (Quận Ba Đình); di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa (Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).... Dấu ấn của mỗi thời kỳ lịch sử đều tìm thấy ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long qua số lượng di vật đồ sộ, cho thấy vị trí trung tâm của khu di tích và phản ánh lịch sử lâu dài của - Kinh đô Thăng Long. Đó là các di vật của thời Đại La; đồ gốm sứ nước ngoài; những dấu ấn của miền Kinh phủ thời Đinh Tiền Lê. Tiêu biểu là viên gạch khắc chữ Hán “Đại Việt quốc quân thành chuyên”; các hiện vật thời Lý – Trần; các di vật thời Mạc; hiện vật thời Lê Trung Hưng; hiện vật thời Lê Sơ; thời Nguyễn.
+ Các di tích lịch sử: như di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) phản ánh các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng; di tích lịch sử Đền Hát Môn (Xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), Khu lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch.
+ Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh: Đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm là địa điểm DS có thể lựa chọn để làm rõ nội dung kiến thức về sự phát triển kinh tế Thăng Long thời phong kiến, ...
-Thứ hai, việc chuẩn bị chu đáo là yếu tố quyết định hiệu quả của bài học lịch sử tại DTLSQGĐB
Bài học lịch sử tại DTLSQGĐB được tiến hành bên ngoài lớp học, vì vậy để giờ học hiệu quả và an toàn đặc biệt cần thiết việc chuẩn bị mọi mặt k lưỡng và chu đáo. Trước hết, căn cứ nội dung và phân phối chương trình, GV cần lập kế hoạch cụ thể, báo cáo và xin ý kiến của bộ môn, nhà trường về kế hoạch thực hiện; việc xây dựng kịch bản giờ học của GV cần được đầu tư công phu, vừa đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm,
vừa có tính sáng tạo; vừa đảm bảo tính tổng thể, vừa chi tiết, cụ thể. GV bắt buộc phải khảo sát địa điểm học tập trước khi tổ chức bài học lịch sử tại DTLSQGĐB, cần xem xét tổng thể môi trường xung quanh, nơi tổ chức hoạt động DH, cơ sở vật chất…để đảm bảo những yếu tố cần thiết của quá trình DH. Việc liên hệ với ban quản lý, hướng dẫn viên điểm và trao đổi với họ nội dung, những yêu cầu của bài học lịch sử cũng vô cùng cần thiết, bởi hoạt động này sẽ quyết định điểm khác biệt của một giờ học lịch sử nội khóa với hoạt động ngoại khóa tại DTLSQGĐB. Đồ dùng trực quan và phương tiện DH phải được chú ý chuẩn bị để đảm bảo giờ học hiệu quả. Đối với HS, GV cần thông báo rõ và hướng dẫn cụ thể cho các em về kế hoạch học tập: giao nhiệm vụ học tập, thông báo cụ thể địa điểm, thời gian, yêu cầu, phổ biến những quy định, những lưu ý… GV phải tư vấn, hướng dẫn các em quá trình thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ học tập.
- Trong quá trình tiến hành bài học tại DTLSQGĐB tại Hà Nội, GV phải xác định rõ mối quan hệ giữa nội dung bài học với giá trị của DTLSQGĐB tại Hà Nội, chú ý phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập, sáng tạo trong nhận thức của HS.
Yêu cầu này đòi hỏi GV phải lựa chọn những kiến thức phù hợp với DTLSQGĐB tại Hà Nội, phải xác định rõ mối quan hệ giữa nội dung bài học với các chứng tích, hiện vật tại di tích. Trong giờ học ở di tích, GV không cần và không thể giới thiệu toàn bộ DTLSQGĐB tại Hà Nội hoặc toàn bộ bài học, mà chỉ lựa chọn những kiến thức LS được gắn liền với những hiện vật còn lại có giá trị tiêu biểu của di tích đó. Đồng thời, tổ chức các hoạt động học tập để phát triển các hoạt động nhận thức tích cực, độc lập, sáng tạo và gây hứng thú học tập cho HS.
Bài học nội khoá được tiến hành ngoài lớp học nói chung, tại DTLSQGĐB tại Hà Nội nói riêng là hình thức DH quan trọng trong DHLS ở trường THPT, tạo môi trường và cơ hội tốt cho HS bộc lộ khả năng, sở trường trong nhận thức và phát triển năng lực của HS. Về cách thức tiến hành cụ thể được chúng tôi trình bày kĩ ở chương 4 của luận án – phần thực nghiệm sư phạm toàn phần bài học nội khóa với hình thức sử dụng trực tiếp các DTLSQGĐB tại Hà Nội (thông qua dạy học dự án) với Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long của trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
3.3.1.2. Tổ chức HS tham quan di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội
Tham quan là một hình thức ngoại khóa quan trọng và phổ biến trong DHLS ở trường phổ thông. Những dấu vết còn sót lại của quá khứ không chỉ góp phần cụ thể hóa và làm sinh động kiến thức lịch sử, mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ, tạo hứng thú học tập và rèn luyện khả năng quan sát, phân tích của HS. Tham quan là cơ hội để HS được trực tiếp quan sát và tìm hiểu tài liệu, hiện vật liên quan đến bài học, tạo được biểu tượng chân thực và chính xác về lịch sử. Hình thức này chủ yếu nhằm củng cố kiến thức đã học hoặc chuẩn bị cho việc học bài mới. Do đó trong buổi tham quan, GV cần tập trung vào các hiện vật, tư liệu có liên quan đến nội dung bài học.
Để tổ chức HS tham quan nói chung, tham quan các DTLSQGĐB tại Hà Nội nói riêng đạt hiệu quả tốt cần chú ý đảm bảo những yêu cầu sau:
Trước hết, việc lựa chọn địa điểm, thời điểm tham quan phải phù hợp. Địa điểm tham quan phải có mối quan hệ mật thiết với chương trình nội khoá, đảm bảo những
điều kiện có thể tiến hành, ưu tiên những địa điểm gần với địa bàn trường đóng. Hệ thống DTLSQGĐB tại Hà Nội nằm rải rác trên khắp các địa bàn của Thành phố, cả ở trung tâm Thành phố đến vùng ven đô. Nên trong quá trình tổ chức hoạt động ngoại khóa, GV cần căn cứ vào nội dung chương trình môn học, thời điểm phù hợp để lựa chọn di tích gần với trường học để thuận tiện cho việc di chuyển và đảm bảo an toàn cho HS, cũng như giảm chi phí cho quá trình di chuyển. Ví dụ, đối với HS ở trung tâm Thành phố Hà Nội, GV có thể tổ chức cho HS đi tham quan khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi học xong bài Văn hóa Đại Việt thế kỉ X – XV (lớp 10); hoặc có thể tổ chức cho HS tham quan Khu di tích Phủ Chủ Tịch khi dạy học về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ (1954 – 1975) và tìm hiểu về hoạt động của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (lớp 12). Đối với HS ở huyện Đông Anh, GV có thể tổ chức cho HS tham quan khu di tích Cổ Loa sau khi học xong nội dung Quốc gia Âu Lạc và cuộc kháng chiến chống xâm lược Triệu (lớp 10). Hay, đối với HS ở huyện Mê Linh, GV có thể tổ chức cho HS tham quan tại đền thờ Hai Bà ở Mê Linh, …).
Thời điểm tiến hành phù hợp thường nhân dịp các ngày lễ lớn như ngày thành lập Đảng (03/02), ngày giải phóng Thủ đô (19/8), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04), kỷ niệm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05), ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) …hoặc các ngày truyền thống của quê hương.
Trước khi tổ chức, khâu chuẩn bị phải đặc biệt chu đáo: GV cần xác định rõ chủ đề, mục tiêu của chương trình tham quan; khảo sát và liên hệ địa điểm; chuẩn bị phương tiện phù hợp; lập danh mục dụng cụ hoặc điều kiện vật chất cần thiết; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm HS và nêu rõ những yêu cầu, lưu ý khi tham gia chương trình; xác định rõ phương pháp tổ chức…
Để chương trình tham quan thực sự hiệu quả, GV cần liên hệ trước với Ban quản lý di tích, đề nghị được hỗ trợ những điều kiện cần thiết (hướng dẫn viên điểm, chương trình học tập tại bảo tàng, liên hệ vé vào cổng…). Việc chuẩn bị phương tiện phải thực sự chu đáo, để thuận lợi quản lý đoàn, nếu khoảng cách xa, GV cần lên kế hoạch di chuyển để đảm bảo an toàn cho HS. GV phân công việc chuẩn bị dụng cụ hoặc điều kiện vật chất cần thiết cho chương trình như máy trợ giảng hoặc loa cầm tay, các dụng cụ tổ chức trò chơi, phần thưởng, nước uống, thuốc chống say xe, ô che mưa nắng…Cần lưu ý việc phân công cụ thể cho từng nhóm, nhắc nhở các em về địa điểm đón, thời gian tham quan, thông báo lịch trình rõ ràng, nhấn mạnh những lưu ý về trang phục, không tự ý bỏ chương trình, không tự do tham quan theo ý thích, thể hiện sự thành kính nơi tôn nghiêm, những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp…
Trong quá trình tổ chức tham quan DTLSQGĐB, GV chú ý việc kiểm soát lịch trình và vận dụng nhuần nhuyễn các biện pháp. Cần kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động tham quan học tập và vui chơi, tưởng nhớ và tìm hiểu, nhấn mạnh các hoạt động nhóm, phương pháp trực quan, k năng đặt câu hỏi… Kết thúc chương trình cần có phần nêu cảm nhận, trình bày những thu hoạch, đánh giá và tổng kết bài học.
- Để tổ chức cho HS tham quan DTLSQGĐB tại Hà Nội đạt hiệu quả tốt, GV cần thực hiện tổ những công việc sau:
+ Bước 1: Lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch (thường thực hiện đầu năm học);
+ Bước 2: Liên hệ với Ban quản lý di tích (khảo sát lại địa điểm, xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện);
+ Bước 3: Triển khai thực hiện (Thông báo kế hoạch cho HS, phân công nhiệm vụ, yêu cầu HS chuẩn bị những dụng cụ và tư trang cần thiết, nêu rõ mục đích và những quy định khi tham quan, liên hệ phương tiện…);
+ Bước 4: Tiến hành cho HS tham quan tại một DTLSQGĐB đã lựa chọn;
+ Bước 5: GV tổ chức cho HS đánh giá và nhận xét về chương trình.
Để kiểm chứng ý nghĩa của hình thức ngoại khoá trên, căn cứ những yêu cầu và các bước thực hiện luận án đề xuất, chúng tôi tiến hành tổ chức ngoại khóa cho HS Lớp 12D3, 12D7 tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám (ngày 22/5/2019)(ảnh Phụ lục). Về tiến trình cụ thể và kết quả cũng như thông tin phản hồi về buổi tham quan chúng tôi sẽ trình bày trong chương 4 – phần thực nghiệm sư phạm toàn phần.
Với tính khả thi của chương trình tham quan di tích qua thực nghiệm, chúng tôi đánh giá cao hình thức hoạt động ngoại khoá này và mong muốn các trường phổ thông xây dựng trở thành chương trình định kỳ hằng năm, tạo điều kiện để HS có những cơ hội rèn luyện năng lực thực tế, hiệu quả.
3.3.1.3. Tổ chức hoạt động trải nghiệm với DTLSQGĐB tại Hà Nội
Theo Từ điển tiếng Việt, hoạt động là “tiến hành những việc làm có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm một mục đích chung, trong một lĩnh vực nhất định. Trải là “trải qua, kinh qua”, còn nghiệm là “nhận ra, nhận thức mới”[107, tr.699]. Như vậy, trải nghiệm được hiểu là nhận thức có được kinh qua hoạt động thực tiễn. Theo Chương trình Giáo dục phổ thông Tổng thể, trải nghiệm là hoạt động HS dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức và k năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội, tham gia hoạt động hướng nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù. Ví như, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thích ứng với những biến động trong cuộc sống và các k năng sống khác, hay năng lực đặc thù của bộ môn LS như năng lực khám phá kiến thức, năng lực nhận thức và tư duy LS, năng lực vận dụng kiến thức và kĩ năng vào thực tiễn cuộc sống.
Hoạt động trải nghiệm không chỉ là quá trình vận dụng tổng hợp những tri thức, kĩ năng để kinh qua đời sống thực tiễn trong mối liên hệ chặt chẽ với kiến thức môn học, mà việc chủ động khám phá và chiếm lĩnh kiến thức cũng là một quá trình nghiệm trải, để HS thâm nhập, làm việc trực tiếp với các nội dung bài học và tiếp nhận bài học theo cách tự “làm ra” kiến thức. Quá trình học tập bằng trải nghiệm, tức là học qua làm, học để làm, đòi hỏi HS tham gia trực tiếp vào hoạt động học tập thông qua hệ thống các giác quan để thu nhận, tìm kiếm, chiếm lĩnh nội dung môn học. Đồng thời, vận dụng các thao tác của tư duy để phân tích, lí giải, biện luận, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân về sự kiện hay nhân vật lịch sử. Đó là quá trình trải nghiệm trong tư duy
nhận thức của HS, để các em được làm việc trực tiếp với các nội dung bài học và chủ động khám phá, chiếm lĩnh kiến thức. Quá trình học tập bằng trải nghiệm, học qua làm, học để làm, đòi hỏi HS phải huy động tất cả các giác quan để thu nhận, phân tích, lí giải, đánh giá, nhận xét, nêu quan điểm của bản thân về vấn đề đó. Đồng thời, cũng là hoạt động tập thể trên cơ sở phát huy cao nhất tính tự tự chủ, tự lập của người học để phát triển khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình nhận thức.
Việc sử dụng hệ thống DTLSQGĐB tại Hà Nội có ưu thế lớn đối với việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho HS. Trước hết, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm với DTLSQGĐB tại Hà Nội trong quá trình DHLS ở trường THPT. Về kiến thức, giúp HS có được biểu tượng lịch sử một cách khách quan, chân thực về quá khứ, góp phần cụ thể hóa, làm sâu sắc, phong phú, sinh động kiến thức môn học. Về kĩ năng, góp phần phát triển khả năng quan sát, tìm tòi, suy nghĩ, tư duy phản biện. Đồng thời, giáo dục HS lòng yêu quê hương, lòng tự hào về Thủ đô Hà Nội, có ý thức giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc; có thái độ tự giác, trách nhiệm trong học tập và cuộc sống; say mê và hứng thú với bộ môn. Qua đó, góp phần phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực và là cơ sở để định hướng nghề nghiệp cho HS.
Hoạt động trải nghiệm với DTLSQGBĐB tại Hà Nội được tiến hành với nhiều hình thức phong phú. Có thể tiến hành trong giờ học nội khóa ngay tại lớp học hay ngoài lớp học hoặc thông qua hoạt động ngoại khóa, trong hoặc ngoài trường học với sự kết hợp của các lực lượng xã hội, với hình thức tổ chức đa dạng, linh hoạt, mềm dẻo. Trong đó, GV giữ vai trò là người tổ chức các hoạt động học cho HS. HS tự tham gia vào các hoạt động để qua đó chiếm lĩnh kiến thức bài học.
Để tổ chức hoạt động trải nghiệm trực tiếp với DTLSQGĐB tại Hà Nội trong dạy học Lịch ở trường THPT đạt hiệu quả tốt, GV cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Lập kế hoạch trải nghiệm: Công việc này được tiến hành trước, trong, sau bài học hoặc thực hiện vào đầu năm học mới hay đầu học kì. Căn cứ vào mục tiêu của môn học, nội dung của sách giáo khoa, phân phối chương trình, ưu thế của từng địa phương, nhu cầu, hứng thú của HS mà GV xác định chủ đề trải nghiệm cho phù hợp với đối tượng và khả năng nhận thức.
Bước 2: Thiết kế kế hoạch hoạt động trải nghiệm: việc xác định/đặt tên cho chủ đề trải nghiệm rất quan trọng vì nó định hướng cho GV trong việc xác định mục tiêu, nội dung và hình thức, cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm hiệu quả. Tên hoạt động càng hay thì độ thu hút HS càng lớn, nên cần ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, phản ánh được nội dung trọng tâm của hoạt động và bám sát kiến thức cơ bản của sách giáo khoa. Mục tiêu hoạt động trải nghiệm phải phản ánh các mức độ và yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ và định hướng phát triển năng lực HS. Trên cơ sở mục tiêu của hoạt động, GV xác định nội dung kiến thức và đề xuất hình thức, phương pháp, phương tiện, kĩ thuật dạy học và cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với nội dung. Cần chú trọng công tác chuẩn bị chu đáo của GV và HS để đạt được mục tiêu đặt ra.
Bước 3: Tổ chức hoạt động trải nghiệm: là khâu biến ý tưởng trải nghiệm trên văn bản, giáo án thành hiện thực nhằm kiểm nghiệm tính hiệu quả và khả thi của kế