cho các nhân vật nữ chính của mình khá nhiều ưu ái. Có thể nói, họ đều có một nhan sắc hơn người nhưng diện mạo bề ngoài của họ thường ít chú trọng. Bà chỉ dùng những đường nét phác họa cơ bản để miêu tả dung nhan của những nhân vật này nhưng lại không tiếc bút mực để tả về tài trí của họ. Đây vừa là biểu hiện của tinh thần nữ quyền vừa là biểu hiện của việc chịu ảnh hưởng của diễn ngôn nam quyền. Hầu như các nhân vật nữ có tài về thơ văn: Trong Hải khẩu linh từ, Bích Châu xướng họa thơ văn với Trần Duệ Tông; Trong Bích Câu kỳ ngộ, mỹ nhân còn sửa thơ của vua Lê Thánh Tông; Trong Vân Cát thần nữ, Liễu Hạnh cũng xướng họa đối đáp thi ca trong cuộc gặp gỡ với Phùng Khắc Khoan... Khi mà xã hội coi thơ văn là đặc quyền của nam giới “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” thì việc đề cao tài trí của nữ giới đã góp phần lật đổ diễn ngôn nam giới trung tâm luận. Người đàn ông trong Truyền kỳ tân phả như người chồng trong Hai lần giáng trần, cử nhân họ Ngô, tú tài họ Lý trong Vân Cát thần nữ; Tú Uyên, chàng nho sinh tài giỏi trong Bích Câu kỳ ngộ; Đinh Nho Hoàn, chàng thư sinh họ Hà trong An ấp liệt nữ... kể cả những nhân vật chính trong xã hội phong kiến đương thời như Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan dường như chỉ là nền tô điểm thêm sự nổi bật cho các nhân vật liệt nữ của Đoàn Thị Điểm. Thậm chí, nhân vật liệt nữ đã giành lại vị thế chủ động khi họ không chỉ cùng các đấng sĩ nhân “nhàn luận trung thần liệt nữ, liên ngâm bạch tuyết dương xuân” mà tầm trí tuệ của họ luôn cao hơn nam giới, thậm chí trở thành người dắt dẫn cho nam giới.
- Hồ Xuân Hương và cuộc giải phóng phụ nữ ở đời sống bản năng
Ở Truyền kì tân phả đã là một cuộc giải phóng phụ nữ ra khỏi những khuôn khổ ràng buộc của lễ giáo phong kiến, nhưng dường như tình yêu của họ giống kiểu tình yêu “lí tưởng” (Platonique), vấn đề tính dục vẫn còn được ủ chặt không dám tháo cởi thì đến thơ nôm của Hồ Xuân Hương, lần đầu tiên tính dục được đề cập đến bằng đôi mắt của một người đàn bà. Trước đây, trong thơ văn cũng đã từng có yếu tố nhục cảm nhưng nó được thể hiện bằng diễn ngôn của nam giới (Truyện Kiều – Nguyễn Du; Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều...), nay những nhu cầu và khát vọng trần thế, quyền lợi của người phụ nữ, đặc biệt là đời sống bản năng được nữ sĩ họ Hồ dũng cảm lên tiếng thực sự là một tiếng nói mới, có ý nghĩa bênh vực nữ quyền sâu sắc: “Chúng tôi hết sức trân trọng những bài thơ đầy tinh thần chiến đấu chống lễ giáo phong kiến và do đó, giàu lòng nhân đạo và chan chứa yêu đời. Đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, một phụ nữ tài hoa và dũng cảm đã lên tiếng trên giấy trắng mực đen, đấu tranh cho quyền lợi của mình” (Đỗ Lai Thúy, 2008, tr.33).
Ý thức đòi sự bình đẳng với nam giới trong thơ bà trước hết là tiếng nói táo bạo nhưng cũng rất chân thực về nhu cầu hạnh phúc lứa đôi, chồng vợ. Bà phản kháng mạnh mẽ chế độ xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, đa thê gây nên sự bất công của việc chồng chung vợ chạ “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” (Làm lẽ). Bà đồng cảm, than vãn với số phận bấp bênh, mong manh của người đàn bà (Tự Tình, Thân phận đàn bà).
Phong cách thơ của nữ sĩ họ Hồ ấn tượng và độc đáo còn ở ngôn ngữ thơ mang nhiều biểu tượng ẩn dụ tính dục khiến thơ bà mang đầy cảm quan tính dục. Hầu hết các bài thơ của Hồ Xuân Hương đều có ngụ ý miêu tả những bộ phận nhạy cảm gợi dục trên cơ thể người phụ nữ như: bồng đảo (Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm), lưng ong (Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng), mông (Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve). Đặc biệt là các biểu tượng liên quan đến bộ phận sinh sản của người phụ nữ như âm vật (Hang Cắc cớ), giếng (Cầu trắng phau phau đôi ván ghép), lỗ (cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không), quạt (Chành ra ba góc da còn thiếu, khép lại đôi bên thịt vẫn thừa), kẽ hầm (rêu móc trơ hoen hoẻn)... Hoặc tả cảnh làm tình: đánh đu (Giai du gối hạc khom khom cật, Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng), dệt cửi (Hai chân đạp xuống năng năng nhắc, Một suốt đâm ngang thích thích mau); châm (Ong non ngứa nọc châm hoa rữa...). Những biểu tượng tính dục mang ý nghĩa phồn thực là những hiện thân của những siêu mẫu được hình thành và tồn tại trong vô thức tập thể, nó như là biểu tượng của văn hóa. Điều đó làm cho thơ bà tuy nói đề cập đến hành vi tính dục nhưng không vì thế gợi sự khiêu dâm tục tĩu. Cách đề cập đến tính dục của bà như là tiếng nói hồn nhiên, nguyên thủy của tự nhiên, đất trời, vì thế tiếng thơ của bà đã tháo gỡ mọi sự đè nén, ràng buộc của lễ giáo phong kiến: “Hồ Xuân Hương coi thân thể và cả bộ phận sinh dục trên cơ thể con người như là tự nhiên, thiên tạo, nó giống như tự nhiên, như thiên nhiên vậy” (Đỗ Lai Thúy, 2008, tr.46). Dưới cái nhìn nữ quyền luận, những hình ảnh mang tính phồn thực táo bạo trong thơ Hồ Xuân Hương biểu hiện những khát khao về bản năng tính dục và khát khao giải phóng cho phụ nữ, giải phóng cho giới tính. Mặt khác việc giải thiêng, hạ bệ bậc hiền nhân quân tử là đòn tấn công vào xã hội trọng nam khinh nữ. Trong mắt bà, các nhà sư, giới tu hành (Chùa quán sứ, Sư hổ mang, Sư bị ong Châm, Kiếp tu hành), các đấng mày râu quân tử (Qua đền Sầm Nghi Đống, Thiếu nữ ngủ ngày, Quả mít...) đều được bà đặt trong những hình ảnh liên quan đến cái ấy, chuyện ấy. Tình cảm trai gái trong thơ bà là tình cảm tự nhiên, thuận theo tự nhiên, là sự bình đẳng hài hòa giữa nam và nữ, tình yêu còn phải gắn với hạnh phúc cá nhân, khẳng định cái tôi bản thể và phải đi đến tận cùng chiều sâu bản thể, là sự hòa hợp thể xác. Tính giao, lạc thú cá nhân nó như là một phần trong tất cả các bản năng gốc của
con người như ăn uống, ngủ nghỉ... Quan niệm này của Hồ Xuân Hương phản tư lại những người đi ngược lại với quy luật của tự nhiên “Cái kiếp tu hành nặng đá đeo” và điều buồn cười là họ phải che đậy điều đó “Trái gió cho nên phải lộn lèo” (Kiếp tu hành). Chưa bao giờ hình ảnh đấng mày râu quân tử lại trở nên thảm hại trong cái nhìn xét lại của Hồ Xuân Hương. Họ trở nên nực cười vì không dám sống, không dám hành động, không dám bước ra khỏi khuôn phạm những giáo điều, định kiến nhưng họ cũng không thể chống chọi lại sự thức giấc của bản năng, điều này tạo ra một trạng thái dùng dằng tức cười đến tội nghiệp: “Quân tử dùng dằng đi chẳng đứt/Đi thì cũng dở ở không xong” (Thiếu nữ ngủ ngày).
Với Hồ Xuân Hương, văn học trung đại đã đánh dấu một bước tiến mới về vấn đề giải phóng nữ quyền, bởi bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam dám đưa yếu tố tính dục vào trong thơ một cách táo bạo như vậy. Vấn đề tính dục không chỉ còn là chuyện mà chỉ đàn ông mới được phép bàn luận, cái nhìn “phụ nữ trung tâm” của bà là một điều hết sức mới mẻ. Điều đặc biệt trong tinh thần nữ quyền của bà là ý thức dùng văn học như là một phương tiện để đấu tranh cho bình đẳng giới một cách chủ động và tạo bạo nhưng không phải là áp đặt nữ giới vào những khuôn khổ của nam tính mà bà vẫn giữ được nét nữ tính đậm đà rất riêng của phụ nữ Việt cho họ.
Có thể bạn quan tâm!
- Tiềm Năng Của Phê Bình Nữ Quyền Sinh Thái Trong Nghiên Cứu Văn Học
- Tổng Quan Về Tình Hình Nghiên Cứu Văn Xuôi Nữ Việt Nam Đương Đại Từ Nữ Quyền Luận Sinh Thái
- Ứng Dụng Phê Bình Nữ Quyền Sinh Thái Trong Nghiên Cứu Văn Học
- Vấn Đề “Nữ Quyền” Trong Văn Học Nữ Việt Nam Từ Năm 1975 Đến Nay
- Vấn Đề “Sinh Thái” Trong Sáng Tác Của Các Tác Giả Nữ Việt Nam - Một Cái Nhìn Lịch Đại
- Vấn Đề “Sinh Thái” Trong Văn Học Nữ Việt Nam Sau Năm 1975
Xem toàn bộ 268 trang tài liệu này.
2.1.2. Vấn đề “nữ quyền” trong văn học nữ Việt Nam hiện đại thế kỉ XX đến năm 1975
Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945
Đầu thế kỉ XX, cuộc tiếp xúc với văn hóa Phương Tây đã đánh dấu một giai đoạn mới của văn học nữ giới. Thời kỳ này, làn sóng tư tưởng tự do dân chủ ở Phương Tây đã xâm nhập vào xã hội Việt Nam một cách mạnh mẽ, nhất là ở các đô thị lớn. Nữ giới không còn an phận với công việc tự do nội trợ. Bắt đầu xuất hiện hiện tượng nữ giới tự do dịch chuyển và viết văn, làm báo.
Có thể nói, Nguyễn Thị Kiêm (Manh Manh nữ sĩ) là tác giả đáng chú ý trong màn dạo đầu văn học nữ quyền hiện đại. Với những bài viết, tham luận trên Phụ nữ tân văn bênh vực nữ quyền, đòi bình đẳng với nam giới, đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê... Nguyễn Thị Kiêm đã khẳng định vai trò của người phụ nữ đối với văn chương và tri thức của nhân loại. Nữ sĩ đưa ra những dẫn chứng khẳng định vai trò của nữ giới trong sự nghiệp văn học nước nhà, bà cho rằng: “Cái địa vị của đàn bà ở trong văn học cũng không phải là thấp thỏi gì, theo như nhiều người đã tưởng. Và cái ảnh
hưởng của đàn bà đối với những bậc văn nhân tao sĩ cũng rất là nặng nề và thân thiết, nhờ đó mà văn học phát đạt vô cùng” (Nguyễn Thị Manh Manh, 1932).
Điểm đáng chú ý trong tư tưởng nữ quyền của Nguyễn Thị Kiêm là việc đề xuất phụ nữ cần phải nam hóa, phải mang trong mình những suy nghĩ mang đặc tính của nam giới để đến với sự khách quan. Biểu hiện cho thấy buổi đầu ý thức nữ quyền mang tính “nước đôi”: “sự cách mạng rất đáng chú ý ở làng văn nữ giới là sự nam hóa (masculinisatinon), nghĩa là sự đàn bà muốn hóa theo đàn ông. Sự nam hóa này là kết quả dĩ nhiên của cái phong trào nữ quyền thế giới” (Hồ Khánh Vân, 2010). Bà cho rằng, nguyên nhân văn chương nữ giới bị đẩy ra vị trí bên lề của đời sống văn chương dân tộc là vì họ không có năng lực của sự khách quan ấy. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này mang tinh thần phản nữ quyền. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh một thời gian dài phụ nữ phải chịu sự lấn át của diễn ngôn nam quyền, việc khao khát khẳng định vị trí ngang bằng với nam giới là điều dễ hiểu. Mục tiêu đầu tiên của họ là phải chứng minh sự ngang bằng vị thế ở những việc mà nam giới có thể làm được. Họ phải ngoi lên từ vị trí của kẻ bên dưới, rồi sau đó mới tiến tới khẳng định sự khác biệt. Mặt khác, nữ sĩ cũng khẳng định trong hành trình nam hóa này nữ giới vẫn giữ được bản sắc riêng chứ họ không bị đồng hóa. Hơn thế, bà còn chỉ ra điểm giao thoa giữa bản chất giới ở chỗ khi miêu tả thế giới chiều sâu của nội tâm phức tạp, bản thân nam giới cũng bộc lộ sự “nữ hóa” của mình: “Đàn bà muốn học cái cứng cỏi của đàn ông cũng chưa bớt cái uyển chuyển của đàn bà. Đàn bà muốn có cái khách quan của đàn ông, thì đàn ông cũng vẫn mượn được cái chủ quan của đàn bà chớ sao?” (Nguyễn Thị Manh Manh, 1932).
Mặc dù không tránh khỏi yếu tố cực đoan ở những bài viết của mình, nhưng Nguyễn Thị Kiêm thể hiện cái nhìn sắc sảo, tinh tế và đầy biện chứng quan niệm về nữ quyền. Việc nhấn mạnh rằng yếu tố cốt lòi tạo nên năng lực sáng tác của nữ giới chính là thế giới cảm xúc chủ quan phong phú, là đời sống nội tâm nhạy cảm đã cho thấy nét riêng của nữ giới khi cầm bút. Cùng với Phan Khôi, những luận điểm về nữ quyền của bà được coi là sự khai mở cho nền văn học nữ quyền Nam Bộ sau này.
Bước vào những năm ba mươi của thế kỷ XX, phong trào nữ quyền ở Việt Nam đã chuyển sang hình thức phát triển tự giác. Thời kì trung đại, việc phụ nữ biết chữ là điều còn lạ lẫm, thì nay phụ nữ viết văn không còn là chuyện hiếm. Xuất hiện nhiều cây bút nữ với nhiều cá tính, nhiều giọng điệu trong cả lĩnh vực sáng tác thơ ca lẫn tiểu thuyết: như Phan Thị Bạch Vân, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Trần Thị Như Mân, Ái Lan, Đạm Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương, Cẩm Tâm... Họ đã có thể
bước ngang hàng với các nhà văn nam để hít thở chung không khí của xã hội, của thời đại. Hồ Khánh Vân khẳng định rằng: “Trên một lát cắt ngắn ứng với giai đoạn đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945, sự hiện diện của gương mặt nữ giới đông đảo hơn, xôn xao hơn cả mười thế kỷ trước cộng lại và mỗi gương mặt lại có một nét vẻ riêng, một sắc màu riêng” (Hồ Khánh Vân, 2010). Văn chương của các cây bút nữ đều có ý thức lên tiếng cho phong trào đấu tranh cho nữ quyền, trong đó tiêu biểu có thể kể đến Phan Thị Bạch Vân, Sương Nguyệt Anh và Đạm Phương nữ sử.
Phan Thị Bạch Vân là nhà văn nữ tiêu biểu cho phong trào đấu tranh nữ quyền vào đầu thế kỉ XX. Bà là người đã thành lập Nữ lưu thư quán Gò Công vào 1928 với nhiều mục đích như trước tác, sưu tập, dịch thuật, xuất bản và điều đặc biệt là nhằm để: “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở mang tri thức, học vấn thêm cao” (Dẫn theo Vò Văn Nhơn, 2007). Bà là một cây bút đa dạng nhưng có giá trị nhất là các bài viết bênh vực quyền lợi phụ nữ, đấu tranh cho nữ quyền. Vò Văn Nhơn đã có nhận định và đánh giá về Nữ lưu thư quán Gò Công như sau: Lúc bình quyền nam nữ còn được xem là một vấn đề mới mẻ, Phan Thị Bạch Vân đã bằng hành động và sáng tác của mình, chứng tỏ “nữ lưu” cũng có những thế mạnh của riêng mình, cũng có thể sánh vai với nam giới trong mọi lĩnh vực. (Vò Văn Nhơn, 2007). Tinh thần nữ quyền đó được thể hiện ở hệ thống nhân vật nữ hào kiệt trong những bộ tiểu thuyết như Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài, Kiếp hoa thảm sử… Qua những nhân vật này bà muốn xây dựng hình ảnh một “nữ hiệp, nữ kiệt” Việt Nam với tài trí không kém phụ nữ nước ngoài. Giám hồ nữ hiệp viết về Thu Cận – một người phụ nữ dám hy sinh vì nghĩa lớn. Nhưng quan niệm như: “Cách mạng có cứ gì con trai con gái”, “hai tiếng nô lệ ở trong thiên hạ này còn có dân tộc nào mà chịu mang không”… cho thấy sự tiến bộ của bà trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ mới: có ý thức tự chủ, dám suy nghĩ và quyết tâm thực hiện việc lớn. Trong tình yêu và hôn nhân, nhân vật nữ của bà cũng rất bản lĩnh. Khả năng thức tỉnh và phản kháng của Kiều Loan trong bộ tiểu thuyết mang nhiều nét tự thuật Lâm Kiều Loan đã cho thấy tư tưởng mới mẻ của bà vào thời đó. Trước những bi thảm của cuộc đời: mẹ mất, con gái mất, chồng ngoại tình với bạn thân, Kiều Loan đã không chìm đắm mãi trong đau khổ tuyệt vọng mà chọn rời bỏ cuộc hôn nhân bất hạnh, đến Biên Hòa lập nghiệp. Do vậy, tiểu thuyết này không là một tấn bi kịch tuyệt vọng mà là một câu chuyện về ý chí của nữ giới. Có thể nói, Phan Thị Bạch Vân đã đóng
góp cho văn học Nam Bộ một phong cách riêng với tư tưởng rất tiến bộ. Tác phẩm của bà nói chung vượt trội cả về nội dung và nghệ thuật so với các cây bút nữ đương thời.
Sương Nguyệt Anh là nữ chủ bút tờ báo Nữ giới chung (tiếng chuông của nữ giới) – tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam phát hành định kỳ vào ngày thứ sáu hàng tuần. Có thể nói, Nữ giới chung là tờ báo đầu tiên ở nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó; đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam – nữ. Suốt hơn hai chục số báo, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tâm huyết và tài năng của mình để góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà chẳng những có vai trò rất lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới, mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó. Giống như Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương nữ sử là một người luôn dành trọn tâm huyết của mình cho công việc làm thơ, viết văn, viết báo và hoạt động xã hội. Ý thức nữ quyền trong thơ Đạm Phương được thể hiện ở tinh thần dân tộc và những thông điệp về các vấn đề xã hội như đạo lý – lĩnh vực mà tưởng chừng như chỉ các tác giả nam đã độc chiếm trong suốt những thập niên vừa qua. Bà đã khẳng định được vai trò của nữ giới trong chùm thơ vịnh sử bằng việc đề cao những hình tượng liệt nữ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Vịnh cờ hoa lau… Việc ca ngợi những nhân vật liệt nữ trong chùm thơ vịnh sử đã cho thấy sự nhận thức về vị trí của phụ nữ trong xã hội của Đạm Phương. Có thể thấy, trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, các cây bút nữ đã bước ra khỏi môi trường của cuộc sống tự nhiên đời thường, họ cùng sát cánh với nam giới trong nhiệm vụ bức thiết của cộng đồng, vì vậy những làn ranh phân chia cũng bị mờ nhòe. Đạm Phương cũng là cây bút tích cực ở những tờ báo lớn lúc bấy giờ như: Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Hữu thanh, Tiếng dân,… Bà từng là chủ bút ở mục Văn đàn bà trên Trung Bắc tân văn suốt một thời gian dài từ năm 1918 đến năm 1929. Như vậy, các tác giả ở thời kỳ này rất quan tâm đến khía cạnh bình đẳng giới trong làm báo, viết văn, hoạt động truyền thông, xã hội. Về mặt lý luận, phê bình nữ quyền Việt Nam thời kỳ còn ở dạng sơ khai, phác thảo và tập trung vào phương diện xã hội nhiều hơn.
Bên cạnh đó, những gương mặt như: Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ, T.T.Kh, Ngân Giang,... đã tạo nên những giọng thơ riêng với sắc màu nữ tính mềm mại, uyển chuyển trong thời kỳ này. Cùng một giọng điệu nữ tính, nhưng nếu thơ Vân Đài đặc biệt chú ý đến sự đổi mới của nữ giới, biểu dương vẻ đẹp tinh thần của những cô văn công, người nữ giáo viên, chị cấp dưỡng (Tiếng hát, Có những bàn tay, Trường khuya, Chị nuôi...), thì Hằng Phương quan tâm đến cá tính, cái tôi, thế giới nội cảm như: Lòng
quê, Hương Xuân... Việc dám thổ lộ những đau đớn, bi kịch tình yêu cũng là một khía cạnh thể hiện nét riêng của ý thức nghệ thuật nữ giới (Bài thơ thứ nhất, Hai sắc hoa ti – gôn, Bài thơ cuối cùng - T.T.Kh, Trưng Nữ Vương - Ngân Giang). Trong đó, Anh Thơ là nhà thơ nữ rất chú ý tới sự cá tính và nét riêng biệt trong phong cách nghệ thuật của mình. Nét độc đáo của nhà thơ đa tài mà cũng rất đa đoan này là cách dùng ngôn từ giản dị mà giàu sức gợi, đặc biệt trong những bài thơ tả cảnh nông thôn Bắc Bộ:Ngoài đồng lúa một
vài cô tát nước/Múc trăng lên theo tiếng hát mơ màng (Đêm hè). Cái mộc mạc, đời thường, thôn dã ấy đã làm nên một Anh Thơ không thể trộn lẫn với ai. Sự đa dạng về màu sắc của các cây bút nữ cho thấy họ đã có ý thức nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ cũng như sự bứt phá ra khỏi những khuôn khổ, ràng buộc.
Nhìn chung, văn học nữ thời kỳ này tràn đầy khí phách, không thua kém gì các bậc nam giới. Ngoại trừ khía cạnh mô phỏng tính nam thì việc cất lên tiếng nói là một nỗ lực vượt bậc của các cây bút nữ để tiến tới việc hình thành những hình hài, thanh sắc, giọng điệu riêng từ cái nhìn riêng của bản thể nữ. Hơn thế, thực tế, nữ giới cũng đã tạo ra được một giọng điệu mang khí sắc riêng của nữ giới: thâm trầm, dịu nhẹ, khi nói về những sự đồng cảm nỗi đau của giới mình – điều mà các cây bút nam không thể viết bằng trải nghiệm. Có thể nói biểu hiện của tinh thần, ý thức nữ quyền thời kỳ này không chỉ bằng sáng tác thơ văn mà còn ở các hoạt động xã hội khác như hoạt động báo chí, diễn thuyết hay thành lập các tổ chức của nữ giới. Việc xây dựng một diễn ngôn riêng của nữ giới đã tạo nên một cuộc thức tỉnh lớn lao về ý thức hệ nữ giới đầu thế kỷ XX. Mặc dù giai đoạn đầu của quá trình thức tỉnh, vì muốn khẳng định mình ở vị thế ngang bằng với nam giới trên mọi lĩnh vực nên vô hình chung, họ đã lấy những cái chuẩn của nam giới làm thước đo giá trị tạo ra hiện tượng “mô phỏng” tính nam, nhưng không thể phủ nhận các nữ văn sĩ thời kỳ này đã có nhiều nỗ lực và đóng góp trong tiến trình hiện đại hóa tư duy và ngôn ngữ văn chương. Sự xuất hiện của họ đã làm cho nền văn học phát triển hài hòa và toàn diện của cả hai giới chứ không còn là sự chế ngự hoàn toàn của các tác giả nam như chuỗi thế kỷ dài vừa qua.
Từ năm 1945 đến năm 1975
Giai đoạn 1945 – 1975, văn học đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội nên tính chất sử thi là âm hưởng chủ đạo trong văn học thời kỳ này. Tính cộng đồng, cái “ta” chung tập thể được đề cao và những lợi ích cá nhân được coi là vô nghĩa, con người cá nhân nhường chỗ cho con người cộng đồng, vì cộng đồng. Trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh thần thánh nhằm
thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhà văn, nhà thơ đã trở thành những chiến sĩ, các tác phẩm là vũ khí, phục vụ trực tiếp cho hai cuộc kháng chiến. Cùng hoà chung vào âm hưởng hào hùng của văn học dân tộc là không ít những cây bút nữ ở miền Bắc đã nổi lên như những hiện tượng có thể sánh bằng các nhà văn nam tiêu biểu như: Hằng Phương, Anh Thơ, Thúy Bắc, Cẩm Lai, Phan Thị Thanh Nhàn, Ngân Giang, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Thị Minh Khanh, Lê Thị Mây, Thuý Bắc, Lệ Thu... trong thơ và Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Cẩm Thạch, Bích Thuận, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Lê Minh Khuê trong văn... trong đó, Xuân Quỳnh được coi là một hiện tượng thơ hy hữu đậm chất phái tính. Với một khát vọng tình yêu mang cá tính khá rò nét như: Sóng, Thuyền và biển, Mùa hoa doi,.... Xuân Quỳnh đã thể hiện ý thức về bản thể người nữ một cách cuồng nhiệt không kém gì nam giới.
Đặc biệt, những nữ sĩ trong văn học miền Nam như Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng,… đã có ý thức bứt phá khỏi những nề nếp truyền thống và họ tạo nên một bước đột phá vượt xa các cây bút nữ thời kỳ trước. Thời kỳ này, các cây bút nữ không xem văn chương là một trò tiêu khiển trong chốc lát, họ xem văn chương là sinh mệnh, một nghề kiếm sống và họ đeo đuổi nó đến cùng. Ý thức nữ quyền trong văn học giai đoạn này không phải là sự ngoi lên để khẳng định vị thế ngang bằng những tiếng nói “mô phỏng” những tác phẩm của nam giới, mà các nhà văn nữ thực sự đã tạo ra được một thế giới thứ hai đặt bên cạnh thế giới văn chương nam giới duy nhất trước kia. Các nhà văn nữ không những khẳng định tính chuyên nghiệp cũng như vai trò vị thế của mình mà họ đã thực sự công phá vào những ràng buộc xưa cũ bằng ý thức sáng tạo mang đặc điểm giới. Nhìn từ nữ quyền luận, Mai Thảo đã khẳng định ý thức bứt phá của các cây bút nữ trong Nói chuyện về các nhà văn nữ (1972) như sau: “Làm văn chương ở người đàn bà bây giờ đồng nghĩa với lên tiếng đòi quyền được sống, bình đẳng và tự do như đời sống đàn ông. Viết bởi vậy là một phản ứng, một thái độ. Điều này giải thích được cho cái không khí phá phách, cái sắc thái quá khích ta thấy bàng bạc khắp trong các tác phẩm phái nữ bấy giờ.” (dẫn theo Trần Hoài Anh, 2019).
Mỗi người một phong cách, họ đã bước đầu tạo lập nền văn chương nữ quyền miền Nam lúc bấy giờ qua việc đã khẳng định vị trí của người nữ trong gia đình, hơn thế, họ không cố ép mình vào những tiêu chí về người vợ, người yêu của nam giới mà họ đòi quyền sống theo ý muốn của mình. Trâm trong Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng là một người đàn bà có cuộc sống khác thường, ham viết lách, mê văn chương, và luôn biết