Chỉ đạo thư viện - thiết bị cung cấp đầy đủ sách hướng dẫn, sách tham khảo, sách giáo khoa, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động DH trong nhà trường.
Có kế hoạch dự giờ, thăm lớp, rút kinh nghiệm. Dự giờ, thăm lớp là cách kiểm tra việc soạn bài và lên lớp tốt nhất của CBQL. Qua việc dự giờ, hiệu trưởng có cơ sở để phân tích sư phạm của bài dạy, xác định được trình độ, năng lực sư phạm của GV, cách thức tổ chức, điều khiển lớp của GV, tình trạng học tập của HS, từ đó giúp GV tìm ra mặt mạnh, mặt yếu để GV phấn đấu về nghiệp vụ sư phạm cũng như về mặt chuyên môn.
1.4.5. Quản lý đổi mới phương pháp dạy học môn Toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
PPDH là một trong những thành tố quan trọng của quá trình dạy học. Cùng một nội dung như nhau, nhưng bài học có tạo dấu sâu đậm trong tâm hồn HS hay không, có làm cho các em yêu thích những vấn đề đã học và biết vận dụng chúng một cách năng động, sáng tạo để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hay không là tuỳ thuộc vào phương pháp của người thầy.
Các PPDH và KTDH tích cực đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc HS học được cái gì đến chỗ quan tâm HS vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ GV - HS theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.
Các PPDH phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng SGK, nghe, ghi chép, tìm kiếm
thông tin...). Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “ HS tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của GV”.
Một số PPDH tích cực: PPDH theo dự án; PPDH theo hợp đồng; PP bàn tay nặn bột; PPDH theo góc; PPDH nhóm; PP nghiên cứu trường hợp điển hình; PP giải quyết vấn đề; PP đóng vai; PP trò chơi; Một số KTDH tích cực: Kỹ thuật bản đồ tư duy; Kỹ thuật động não; Kỹ thuật thảo luận viết; Kỹ thuật động não không công khai; Kỹ thuật XYZ ( kỹ thuật 635); Kỹ thuật bể cá; Kỹ thuật mảnh ghép; Kỹ thuật khăn phủ bàn; Kỹ thuật chia sẻ nhóm đôi; Kỹ thuật Kipling (5W1H); kỹ thuật “ Hỏi Chuyên gia”; Kỹ thuật tia chớp; Kỹ thuật giao nhiệm vụ; Kỹ thuật đặt câu hỏi; Phân tích phim video.
Để áp dụng tốt các PPDH và KTDH tích cực thì GV phải biết kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại và biết ứng dụng công nghệ thông tin hợp lý để hỗ trợ HĐDH.
Tóm lại, có rất nhiều PPDH với những cách tiếp cận khác nhau. Việc áp dụng các PPDH tích cực đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, CSVC , về tổ chức, QL. Ngoài ra, PPDH còn mang tính chủ quan. Mỗi GV với kinh nghiệm riêng của mình cần biết kết hợp một cách linh hoạt với PPDH tích cực trong bối cảnh đổi mới hiện nay.
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Khái Niệm Cơ Bản Của Đề Tài
- Một Số Vấn Đề Về Dạy Học Môn Toán Ở Trường Thcs
- Khái Quát Về Quá Trình Dạy Học Môn Toán Ở Trường Thcs
- Khái Quát Điều Kiện Tự Nhiên, Kt-Xh, Giáo Dục Của Huyện Hòa An, Tỉnh Cao Bằng
- Nhận Thức Của Qbql, Gv Và Hs Về Mục Tiêu Dạy Học Môn Toán Ở Các Trường Thcs Huyện Hòa An, Tỉnh Cao Bằng Đáp Ứng Yêu Cầu
- Thực Trạng Hình Thức Tổ Chức Dạy Học Môn Toán
Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.
Để QL tốt việc áp dụng PPDH tích cực của GV trong bối cảnh đổi mới hiện nay CBQL cần chỉ đạo tổ chuyên môn triển khai các văn bản mới nhất về các PPDH tích cực và KTDH tích cực tới toàn thể GV. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện, phương tiện phục vụ GV áp dụng các PPDH đó một cách hiệu quả. Yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng giáo án mẫu có áp dụng các PPDH và KTDH tích cực, cử GV xung phong dạy mẫu, tổ chức dự giờ rút kinh nghiệm. Đây là vấn đề đang nóng trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, CBQL phải chỉ đạo sát sao hoạt động này trong công việc QL của mình.
1.4.6. Quản lý giờ lên lớp của giáo viên Toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
HĐDH được thể hiện chủ yếu bằng hình thức dạy học trên lớp. Mỗi giờ lên lớp, HĐDH có sự tác động của các yếu tố cơ bản trong quá trình DH như: mục đích, nội dung, PP, phương tiện DH. Giờ lên lớp sẽ quyết định chất lượng DH. GV được coi là người "thi công", trực tiếp điều khiển HS học tập đạt kết quả. Giờ lên lớp của GV phản ánh toàn bộ khả năng giảng dạy, sự nỗ lực cố gắng rèn luyện tay nghề cũng như tinh thần trách nhiệm của họ. Trong giờ học, hoạt động trí tuệ của HS giữ vị trí quan trọng và nó chỉ nảy sinh khi các em đứng trước một nhiệm vụ, một công việc rõ ràng và hợp với trình độ. Do đó, khi lên lớp GV phải động viên được các chức năng tâm lý, khai thác đầy đủ tính tích cực của mỗi HS để các em biến được khối thông tin đã thu nhận được thành vốn hiểu biết của chính mình.
Trong mỗi giờ dạy, để tiết dạy có hiệu quả thì việc thiết kế bài dạy, chuẩn bị các phương tiện, thiết bị cần thiết chỉ là điều kiện cần. Vậy điều kiện đủ ở đây là gì? Đó chính là năng lực sư phạm và cách vận dụng các PPDH của GV trong một giờ học. Tài năng sư phạm thể hiện qua việc thực hiện linh hoạt các bước lên lớp, cách điều khiển tổ chức các hoạt động dạy và hoạt động học; cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề có tính logic thuyết phục, gây hứng thú cho người học. Cách đặt câu hỏi, hoặc ra bài tập phù hợp với từng đối tượng HS tạo điều kiện cho các em có thể phát huy tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân.
Việc thực hiện giờ dạy trên lớp của GV là hình thức tổ chức cơ bản và chủ yếu nhất của quá trình dạy học trong nhà trường để thực hiện mục tiêu cấp học. Do tầm quan trọng của giờ lên lớp nên cả CBQL và GV đều có vai trò riêng. Trực tiếp quyết định kết quả giờ lên lớp là người GV còn QL thế nào để các giờ lên lớp có kết quả tốt là việc làm của người QL. Chính vì vậy trong quá trình QL HĐDH người QL phải có những biện pháp tác động cụ thể và linh hoạt để nâng cao chất lượng giờ dạy của giáo viên. Cụ thể:
Yêu cầu GV thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn giờ lên lớp và thực hiện nghiêm túc nề nếp giờ ra vào lớp theo đúng giờ làm việc và hiệu lệnh trống.
Cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động này bằng cách sử dụng thời khóa biểu để kiểm tra các giờ lên lớp, dự giờ thăm lớp (ít nhất 1t/GV/năm), duy trì nề nếp dạy học thành một nét văn hóa mạnh trong nhà trường. Tuy nhiên, cách quản lý phải tạo bầu không khí sư phạm, kiểm tra để ghi nhận và khắc phục kịp thời những khiếm khuyết mà GV còn mắc phải, tránh gây căng thẳng, áp lực cho GV.
1.4.7. Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh của giáo viên Toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là quá trình thu nhận và xử lý thông tin về trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ học tập của HS. Trên cơ sở đó đề ra những biện pháp phù hợp, giúp học sinh học tập tiến bộ.
Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi GV phải biết cách tạo tình huống, tạo môi trường tương tác thân thiện tích cực, giúp mọi HS đều có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân, tranh luận, phản biện… nhờ đó tích cực hóa HS, nuôi dưỡng hứng thú, tăng thêm lòng tự tin của các em.
GV cần đổi mới kiểm tra đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: kết hợp nhiều hình thức đánh giá khác nhau; nội dung đánh giá cần toàn diện, có đủ các tiêu chí, làm rõ được trọng tâm; đa dạng hóa yêu cầu đánh giá để phân loại HS; đổi mới đồng bộ các khâu đánh giá.
Chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực suy ngẫm, tự QL phát triển bản thân, năng lực siêu nhận thức (nghĩ về cách suy nghĩ).
Chuyển từ đánh giá một chiều (GV đánh giá), sang đánh giá đa chiều (không chỉ GV đánh giá mà HS cùng tham gia đánh giá - tự đánh giá).
QL việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS giúp cho CBQL có những thông tin, làm cơ sở cho việc cải tiến mọi mặt hoạt động của GD từ phát triển chương trình, biên soạn SGK đến đào tạo, bồi dưỡng GV, xây dựng CSVC, QL tốt HĐDH
CBQL triển khai nghiêm túc thông tư 58/2011- BGD&ĐT về quy định đánh giá xếp loại HS THCS. Chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi ở tất cả các môn học, có ma trận và đáp án theo đúng quy trình. Việc tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS phải diễn ra nghiêm túc, công bằng, khách quan. Trên cơ sở phải nâng niu sự tiến bộ của học sinh. Tránh những biểu hiện tiêu cực trong việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS.
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động dạy học môn Toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở trường THCS
1.5.1. Yếu tố khách quan
1.5.1.1. Sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên
Ngoài các văn bản nghị định hướng dẫn của Bộ GD&ĐT,Sở GD&ĐT thì QLHĐ DH sẽ mang lại hiệu quả thiết thực khi được quan tâm lãnh đạo của cấp trên với những chính sách và đường lối đúng đắn nhằm hướng dẫn, khuyến khích động viên HĐDH trong nhà trường.
1.5.1.2. Tình hình kinh tế phong trào giáo dục địa phương
Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến HĐDH của nhà trường. Nếu ở đâu có phong trào hiếu học, được địa phương và gia đình quan tâm, coi trọng việc học của con em thì chắc chắn chất lượng dạy học và giáo dục ở nhà trường đó cũng sẽ tốt hơn. Không chỉ động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho con em học tập tốt và sự quan tâm đó sẽ giúp nhà trường hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, có sự gắn kết và mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội sẽ là môi trường tốt để học sinh học tập tốt hơn, từ đó chất lượng dạy học nói riêng, giáo dục nói chung cũng đạt được hiệu quả cao hơn.
1.5.1.3. Các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường
Các điều kiện về CSVC - TBDH là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học. Vai trò vị trí của thành tố CSVC - TBDH rất quan trọng bởi TBDH vừa là thành tố của quá trình dạy học, vừa là bộ phận của nội dung và PPDH. Có đủ TBDH sẽ thúc đẩy chất lượng dạy và học trong trường THCS, đảm bảo thông tin về các sự vật, hiện tượng gây hứng thú nhận thức và là một trong những động cơ thúc đẩy niềm say mê học tập của học sinh. Đồng thời, trong quá trình sử dụng TBDH sẽ rèn cho HS tính cẩn thận, tỷ mỷ, chính xác, GD ý thức giữ gìn vật dụng và ý thức bảo vệ môi trường góp phần hình thành nhân cách của người HS. Công tác QL HĐDH sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nếu trường lớp đầy đủ khang trang, TBDH hiện đại và đồng bộ, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong các trường học, đặc biệt là với học sinh THCS.
1.5.2. Yếu tố chủ quan
Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến công tác QLHĐ DH bao gồm trình độ, năng lực, phẩm chất của CBQL và đội ngũ GV. Nhà trường có thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường và của ngành hay không phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố này.
1.5.2.1. Phẩm chất, năng lực của người hiệu trưởng
Hiệu trưởng là người đi đầu trong công tác quản lý nhà trường. Hiệu trưởng phải hiểu rõ mục tiêu giáo dục, am hiểu sâu sắc nội dung giáo dục và các nguyên tắc giáo dục XHCN để từ đó truyền tải và hướng dẫn chỉ đạo đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Hiệu trưởng phải là người có trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Hiệu trưởng phải có tài (giỏi chuyên môn, có năng lực quản lý), có tâm và tầm nhìn chiến lược, biết cách tổ chức HĐDH có hiệu quả.
1.5.2.2. Chất lượng của đội ngũ giáo viên
Trong nhà trường, GV là lực lượng chủ chốt thực hiện các nhiệm vụ dạy học, GV là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh.
Đối với bậc học THCS yêu cầu trình độ chuẩn với GV là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Đại bộ phận đội ngũ cán bộ GV trẻ đạt chuẩn và trên chuẩn, bên cạnh đó còn tồn tại một bộ phận không nhỏ số GV có thâm niên công tác cao được đào tạo từ 10 + 3 điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phân công giảng dạy tại các trường THCS. Để GV thực sự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hiệu trưởng cần phải quan tâm thường xuyên tới việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho GV. Hiệu trưởng cần nắm bắt điều kiện từng GV để hỗ trợ kịp thời, giúp GV có điều kiện và an tâm công tác, dành tâm huyết, năng lực vào giảng dạy đạt hiệu quả cao.
1.5.2.3. Chất lượng đầu vào của học sinh
Thực tế QLNT cho thấy nếu tuyển sinh đầu vào có chất lượng quá thấp thì việc QL HĐDH khó đạt được kết quả tốt. Để đáp ứng mục tiêu đào tạo của trường THCS thì chất lượng tuyển sinh đầu cấp có ý nghĩa quan trọng, công tác tuyển sinh phải giúp nhà trường tuyển được những học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học. Chất lượng đầu vào thấp khiến quá trình đào tạo kiến thức THCS gặp khó khăn, trình độ HS không đồng đều, không có kiến thức cơ bản để tiếp thu tri thức cao hơn dẫn đến GV THCS phải mất thời gian để củng cố lấp trỗ hổng kiến thức gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hiệu quả HĐDH.
Kết luận chương 1
Để làm rõ cơ sở lý luận QLDH môn toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tác giả đã phân tích một số vấn đề liên quan đến đề tài:
- Hệ thống, phân tích các khái niệm cơ bản về đề tài, đó là: quản lý, hoạt động dạy học, quản lý hoạt động dạy học, quản lý hoạt động dạy học môn toán.
- Hoạt động dạy học môn toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Vị trí, vai trò, quá trình dạy học, nội dung và phương pháp dạy học môn toán theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Phân tích nội dung cơ bản của QL HĐDH môn toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bao gồm: Quản lý nội dung chương trình; quản lý công tác giảng dạy, xây dựng kế hoạch, soạn bài và quản lý giờ lên lớp của GV; quản lý đổi mới PPDH; quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS của GV; xác định các yếu tố ảnh hưởng đến QL HĐDH môn toán đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.