Về CSVC - phương tiện, TBDH
CSVC, phương tiện, TBDH gồm lớp học, bàn ghế, máy tính, máy chiếu, bảng đen, phòng chức năng, thư viện,...
Điều kiện về CSVC, trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác dạy học là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Việc quản lý HĐDH của hiệu trưởng sẽ mang lại hiệu quả cao nếu trường lớp được xây dựng khang trang, đúng quy định, điều kiện và phương tiện dạy học đầy đủ, hiện đại.
Các điều kiện về CSVC, trang thiết bị đồ dùng dạy học có vai trò như vật trung gian, chất xúc tác giữa GV và SV làm tăng hiệu quả của quá trình dạy học. Trong quản lý HĐDH, người hiệu trưởng cần quan tâm chỉ đạo để sử dụng có hiệu quả CSVC, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập của GV và SV, đồng thời quan tâm chỉ đạo tăng cường CSVC để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của HĐDH trong từng giai đoạn, từng thời kì.
1.6.3. Các yếu tố thuộc về môi trường quản lý
Các yếu tố thuộc về môi trường quản lý bao gồm:
- Yếu tố pháp luật, chính sách, cơ chế quản lý vận dụng vào dạy học.
- Điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của địa phương nơi trường
đóng.
- Sự phối hợp tích cực giữa gia đình nhà trường và xã hội.
Hiệu trưởng cần nắm rõ các Nghị quyết của Đảng về GD&ĐT, đặc biệt là
những định hướng cho việc đổi mới của ngành giáo dục, những văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Sở GD&ĐT,... Đồng thời, Hiệu trưởng cũng cần quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương để khai thác có hiệu quả những điều kiện thuận lợi góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, đồng thời tìm các giải pháp nhằm hạn chế những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, đề xuất những cơ chế, chính sách cho các cơ quan quản lý cấp trên xem xét quyết định; tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhân dân địa phương trong công tác giáo dục. Trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề chính trị để có những định hướng phù hợp trong giảng dạy Lý luận chính trị ở trường cao đẳng. Hiệu trưởng cũng cần quan tâm đến việc phối kết hợp tốt với các lực lượng xã hội trong công tác giáo dục.
Kết luận chương 1
Như vậy, hệ thống lý luận ở chương 1 đã trình bày những vấn đề cơ bản về quản lý HĐDH Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục bao gồm hệ thống các khái niệm cơ bản của đề tài; những vấn đề cơ bản về HĐDH Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng sư phạm; những định hướng đổi mới GD&ĐT hiện nay và những nội dung cơ bản của quản lý HĐDH Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Hiện nay, quản lý HĐDH đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là một yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm mà mỗi nhà trường cần thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về hiệu quả, chất lượng giáo dục. Ở trường Cao đẳng sư phạm, quản lý HĐDH Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục bao gồm:
- Quản lý việc thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình dạy học Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm
- Quản lý hoạt động dạy Lý luận chính trị của giảng viên ở trường Cao đẳng Sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
- Quản lý hoạt động học Lý luận chính trị của sinh viên ở trường Cao đẳng Sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
- Quản lý đổi mới KTĐG kết quả học tập của sinh viên trong học tập Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm.
- Quản lý việc khai thác, sử dụng CSVC, thiết bị dạy học của GV và SV trong quá trình dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quản lý HĐDH Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng sư phạm, bao gồm:
- Các yếu tố thuộc về chủ thể quản lý
- Các yếu tố thuộc về đối tượng quản lý
- Các yếu tố thuộc về môi trường quản lý
Hệ thống lý luận trên là căn cứ cho nghiên cứu thực tiễn ở chương 2 của luận văn.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DẠY HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐIỆN BIÊN
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
2.1. Khái quát về trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên và bộ môn Lý luận chính trị
2.1.1. Khái quát về trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên
Trường CĐSP Điện Biên là trường cao đẳng công lập, thuộc hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tiền thân của Trường là Trường Sư phạm Dân tộc cấp 1 Lai Châu được thành lập năm 1963 theo Quyết định số 246/QĐ/TC ngày 22/7/1963 của Ủy ban Hành chính tỉnh Lai Châu. Năm 2000, trường được nâng cấp thành Trường CĐSP Lai Châu theo Quyết định số 5520/QĐ-BGD&ĐT ngày 13/12/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm 2004, tỉnh Lai Châu (cũ) tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, Trường CĐSP Lai Châu đổi tên thành Trường CĐSP Điện Biên. Từ năm học 2004- 2005, trường chủ yếu đào tạo trình độ CĐSP; bồi dưỡng, chuẩn hoá và nâng cao trình độ cho GV tiểu học, mầm non lên trình độ CĐSP; bồi dưỡng CBQL, TTCM các trường Trung học cơ sở (THCS), Tiểu học và Mầm non trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Năm 2007, nhà trường đã chuyển mục tiêu đào tạo (MTĐT) sư phạm sang MTĐT đa ngành, tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, từ năm học 2017- 2018, trường đã thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV THCS, Tiểu học và Mầm non cho tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu.
Sứ mạng và tầm nhìn của Nhà trường được xây dựng trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trường và gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương và được công bố rộng rãi, đó là: “Trường CĐSP Điện Biên là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, CBQL, nhân viên nghiệp vụ giáo dục bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS và đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội trình độ cao đẳng; liên kết đào tạo trình độ đại học; là cơ sở NCKH, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp GD&ĐT và phát triển KTXH của tỉnh Điện Biên”, xây dựng trường: “Trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bậc học cao đẳng và là trung tâm NCKH, công nghệ phục vụ nhu cầu học tập đáp ứng yêu cầu của xã hội”.
Cơ cấu tổ chức hiện nay của Trường gồm: Ban Giám hiệu (BGH); Hội đồng Khoa học và Đào tạo (KH&ĐT); 06 phòng chức năng (Đào tạo - NCKH, Kế hoạch - Tài chính, Tổ chức cán bộ, Công tác SVSV, Hành chính - Quản trị, KT&KĐCLGD), 04 khoa (Tự nhiên, Xã hội, Tiểu học - Mầm non, Bồi dưỡng), 02 tổ trực thuộc trường (Lý luận chính trị - Tâm lí giáo dục, Giáo dục thể chất - Giáo dục quốc phòng), 01 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Hỗ trợ học tập (bao gồm thư viện trường), 01 tổ Thanh tra, 01 Ban quản lý khu nội trú (KNT), và 16 tổ bộ môn trực thuộc khoa, tổ.
Tổ chức Đảng và các đoàn thể gồm: Đảng bộ (08 chi bộ, 119 đảng viên), Công đoàn (08 tổ công đoàn, 153 công đoàn viên), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (03 Liên Chi đoàn khoa, 01 chi đoàn CBVC), Hội Cựu chiến binh, Chi hội Văn học - Nghệ thuật, Ban Khuyến học, Chi hội Chữ thập đỏ.
Hiện nay trường có 161 CBVC, trong đó 87,6% là GV cơ hữu (141 GV), với 06 tiến sĩ (4,26%), 102 thạc sĩ (72,34%), 33 đại học (23,40%).
Từ năm 2007, Trường đã chuyển từ MTĐT sư phạm sang MTĐT đa ngành. Trường được phép đào tạo 16 chuyên ngành cao đẳng (10 ngành sư phạm, 06 ngành ngoài sư phạm); 05 ngành trung cấp chuyên nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GV các Trường Mầm non, Tiểu học và THCS. Hiện nay, Trường đang đào tạo 07 ngành cao đẳng (Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Sinh học, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Ngữ văn, Công tác xã hội); liên kết đào tạo trình độ đại học với một số trường đại học trong nước; bồi dưỡng TTCM, CBQL giáo dục, chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV THCS, Tiểu học và Mầm non.
Từ khi Trường nâng cấp thành trường cao đẳng đến nay (2010-2018), Trường đã đào tạo được 10.679 SVSV hệ chính quy (cao đẳng: 8.168; trung cấp: 2.511); 3.251 SV hệ cao đẳng vừa học vừa làm; bồi dưỡng ngắn hạn cho 8.065 học viên là CBQL, TTCM và GV các trường THCS, Tiểu học, Mầm non.
Từ năm 2014 đến 2018, nhà trường đã đào tạo được 2.830 SVSV hệ chính quy (cao đẳng: 2.270; trung cấp: 560), trong đó có 120 sinh viên Lào; bồi dưỡng cho 498 CBQL, 1345 TTCM và GV các trường THCS, Tiểu học, Mầm non; bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 4.872 GV THCS, tiểu học và mầm non.
Quy mô hiện tại của Trường là 588 SV, trong đó có 514 SV sư phạm, 74 SV ngoài sư phạm, 28 SV Lào. Hiện tại, Trường tiếp tục liên kết với các trường đại học trong nước đào tạo trình độ đại học; bồi dưỡng CBQL, TTCM các trường THCS, Tiểu học, Mầm non; bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV bậc THCS, Tiểu học và Mầm non. Tỷ lệ SVSV có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp: SVSV tốt nghiệp năm 2016 là 46,6%, SVSV tốt nghiệp năm 2017 là 51,3% có việc làm.
Việc cử CBGV tham gia học tập, bồi dưỡng tại nước ngoài đã được nhà trường chú trọng. Từ năm 2014-2018, trường có 01 GV hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ và 01 GV hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Australia; 01 GV hoàn thành chương trình đào tạo tiếng Lào tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, 01 GV hoàn thành chương trình đào tạo tiếng Thái tại Thái Lan, có 25 lượt GV tham dự hội thảo quốc tế và nhiều GV tham quan thực tế tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Từ năm 2014-2018, Nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ hợp tác với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đào tạo 148 SV ba tỉnh Bắc Lào, với nguồn kinh phí đầu tư là 9.055 triệu đồng. Ngoài ra, Nhà trường còn phối hợp với Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa kỳ thực hiện Chương trình học bổng tiếng Anh Access cho 15 SV trị giá 2.855 USD.
Trường có tổng diện tích 33.200m2. Diện tích học tập là: 3.690m2 gồm: 29 phòng học lý thuyết (diện tích 2.618m2); 14 phòng thực hành, phòng thí nghiệm (diện tích 1.072.m2). Ngoài ra, Trường có 01 giảng đường lớn (diện tích 250m2 với 150 chỗ) và 01 Nhà đa năng (diện tích 1.133 m2) với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho dạy học và sinh hoạt tập thể. Nhà trường có 05 phòng máy tính với 190 bộ máy tính được nối mạng đáp ứng nhu cầu học tập theo các CTĐT.
Cùng với hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm, Nhà trường được Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Điện Biên quyết định phê duyệt 16 cơ sở thực hành phục vụ hoạt động thực hành, thực tập (THTT) của Trường, gồm 06 trường Mầm non, 05 trường Tiểu học và 05 trường THCS thuộc phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Nhà trường có khu Ký túc xá (KTX) dành cho người học với tổng diện tích là 3.838m2 gồm 816 chỗ ở, có phòng sinh hoạt chung, được thiết kế theo tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu cho SVSV nội trú.
Thư viện có diện tích 1.074m2, gồm 02 phòng đọc và 01 kho sách, có máy tính được kết nối mạng Internet phục vụ bạn đọc tra cứu tài liệu. Trang thiết bị phục vụ hoạt động của thư viện được đầu tư có chất lượng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, ánh sáng, an toàn phòng chống cháy nổ. Thư viện hiện có 7.837 đầu sách với 119.758 cuốn sách. Trong đó có, 6.349 đầu sách (117.482 cuốn) gắn với các ngành đào tạo có cấp bằng của nhà trường, còn lại là luận văn, luận án, báo, tạp chí và tài liệu tham khảo khác. Năm học 2013-2014, nhà trường đã tham gia khai thác dữ liệu thư viện số. Năm học 2018 - 2019, nhà trường triển khai xây dựng thư viện điện tử.
Website của Nhà trường hoạt động hiệu quả, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời đến cán bộ, GV và SVSV, góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Nhà trường.
Nhà trường có nguồn thu ổn định từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp. Trong 5 năm (2014-2018), tổng thu của Nhà trường là 182.574 triệu đồng. Các nguồn thu đảm bảo giúp nhà trường Nhà trường đủ năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo, NCKH cũng như tăng cường CSVC.
2.1.2. Vài nét về bộ môn Lý luận chính trị trường CĐSP Điện Biên
Tổ bộ môn Lý luận chính trị nằm trong tổ Lý luận chính trị - Tâm lý giáo dục, trường CĐSP Điện Biên.
Về cơ cấu tổ chức
Hiện nay, Bộ môn có 10 giảng viên, trong đó có 7/10 giảng viên (70%) có trình độ Thạc sĩ, 3/10 giảng viên (30%) giảng viên đang học Cao học.
Về chức năng
Tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thực hiện đào tạo theo sự phân công, phân cấp của Nhà trường.
Về nhiệm vụ: Nhiệm vụ chính của Bộ môn là:
Xây dựng đề cương chi tiết các môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh dựa theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT, trực tiếp giảng dạy các môn học Những Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Chính trị trong hệ thống chương trình đào tạo Cao đẳng, Trung cấp tại trường CĐSP Điện Biên.
Tổ chức thực hiện quá trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình, kế hoạch giảng dạy của Nhà trường.
Phân công giảng viên giảng dạy; quản lý giảng viên về, thời gian, phương pháp, chất lượng giảng dạy.
Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy.
Phối hợp với phòng Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên của Bộ môn.
Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tổ chức thi hết học phần, thi tốt nghiệp các môn thuộc Bộ môn quản lý theo kế hoạch chung của trường. Quản lý các tư liệu, tài liệu thuộc đơn vị.
Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ và duy trì kỷ luật lao động trong đơn vị.
Quản lý và phân công việc ra đề kiểm tra và đề thi, việc coi thi, chấm thi theo đúng quy chế.
Phối hợp với các đơn vị tổ chức đánh giá công tác giảng dạy của giảng viên, nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng dạy.
Thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Bộ môn Lý luận Chính trị đang đảm nhiệm giảng dạy các môn học:
1. Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh
3. Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
4. Chính trị (trung cấp)
2.2. Tổ chức nghiên cứu thực trạng
2.2.1. Mục đích nghiên cứu
Đánh giá được thực trạng dạy học và quản lý HĐDH Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên để làm căn cứ đề xuất các biện pháp quản lý.
2.2.2. Đối tượng khảo sát
- Đối tượng khảo sát: 31 CBQL
10 GV giảng dạy Lý luận chính trị
05 cán bộ thanh tra không giảng dạy Lý luận chính trị nhưng thường xuyên tham gia vào các hoạt động như dự giờ môn Lý luận chính trị, tham gia hội thảo đổi mới PPDH Lý luận chính trị, kiểm tra hồ sơ chuyên môn, quá trình lên lớp…
218 SV sinh viên thuộc 3 khoa Tự nhiên, Xã hội và Tiểu học - Mầm non năm thứ nhất và năm thứ 2 đang học các môn Lý luận chính trị.
2.2.3. Nội dung khảo sát:
- Thực trạng HĐDH Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.
- Thực trạng quản lý HĐDH Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
2.3. Kết quả nghiên cứu thực trạng
2.3.1. Thực trạng HĐDH Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên
2.3.1.1. Thực trạng hoạt động dạy Lý luận chính trị của giảng viên ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên
Thực trạng việc thực hiện nội dung chương trình dạy học Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Sư phạm
Nội dung này được thể hiện trong câu hỏi 1 (Phụ lục 1). Kết quả thu được như sau:
Bảng 2.1. Thực trạng thực hiện nội dung chương trình Lý luận chính trị
Nội dung | Thường xuyên | Thỉnh thoảng | Chưa bao giờ | TB | Xếp thứ | ||||
SL | % | SL | % | SL | % | ||||
1 | Thực hiện hoàn toàn theo đúng quy định của chương trình. | 43 | 93 | 3 | 7 | 0 | 0 | 2.93 | 1 |
2 | Giảm tải một số nội dung không có trong phạm vi kiểm tra, thi. | 37 | 80 | 9 | 20 | 0 | 0 | 2.80 | 3 |
3 | Tăng cường một số nội dung quan trọng có trong nội dung ôn thi. | 39 | 85 | 7 | 15 | 0 | 0 | 2.84 | 2 |
4 | Tăng cường những nội dung khó, nội dung sinh viên chưa hiểu rõ. | 30 | 65 | 16 | 35 | 0 | 0 | 2.65 | 4 |
5 | Giảm nội dung lý thuyết, tăng nội dung thực hành, thảo luận. | 3 | 7 | 43 | 93 | 0 | 0 | 2.06 | 6 |
6 | Cập nhật các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương. | 6 | 13 | 40 | 87 | 0 | 0 | 2.13 | 5 |
Có thể bạn quan tâm!
- Hđdh Lý Luận Chính Trị Ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm
- Định Hướng Dạy Học Lý Luận Chính Trị Ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đáp Ứng Yêu Cầu Đổi Mới Giáo Dục
- Quản Lý Hoạt Động Dạy Lý Luận Chính Trị Của Giảng Viên Ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đáp Ứng Yêu Cầu Đổi Mới Giáo Dục
- Mức Độ Thực Hiện Công Tác Soạn Bài, Chuẩn Bị Bài Trước Khi Lên Lớp Của Gv Lý Luận Chính Trị
- Thực Trạng Ktđg Kết Quả Học Tập Lý Luận Chính Trị Của Sinh Viên Ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Điện Biên
- Thực Trạng Quản Lý Giờ Dạy Trên Lớp Của Gv Lý Luận Chính Trị